P 8 - Chương 35
Chính sách bảo mật

Khi viên hoa tiêu Bồ Đào Nha Péro d’Alemquer trở về sau những chuyến đi với Dias và Gama, anh ta khoác lác với triều đình là mình có thể sử dụng bất kỳ con thuyền nào, chứ không cần phải là thuyền buồm caravel, để đi tới bờ biển Guinea và trở về.
Vua Joan II công khai trách mắng anh ta rồi kéo anh ta ra một bên và giải thích riêng tư với anh ta rằng ông ta chỉ muốn làm nản lòng những kẻ rình mò nước ngoài nào có ý lợi dụng kinh nghiệm của Bồ Đào Nha. Hoàng tử Henry Nhà Hàng Hải và những người tiếp nối công trình của ông đã cố hết sức để thiết lập và duy trì sự độc quyền thương mại tại các miền bờ biển châu Phi mà họ mới khám phá ra. Có nghĩa là họ không bật mí cho ai về những nơi đó và cách để đi đến đó. Khi vua Manuel khai triển kế hoạch độc quyền hạt tiêu vào năm 1504, ông ra lệnh phải giữ bí mật mọi thông tin hàng hải.
Chính sách này không dễ thực hiện, vì các vua Bồ Đào Nha phải dựa vào các người nước ngoài như Vespucci để thực hiện công việc khám phá. Năm 1481, một người Bồ Đào Nha là Cortes đã thỉnh cầu vua Joan II cấm mọi người nước ngoài, nhất là những người Florence và Genoa, không được định cư ở Bồ Đào Nha, vì họ thường đánh cắp những “bí mật về châu Phi và các đảo”. Thế nhưng một ít năm sau, chàng thanh niên Christophe Colômbô người Genoa đã thực hiện cuộc hành trình để giúp người Bồ Đào Nha xây dựng đồn lũy của họ tại São Jorge da Mina trên bờ biển Guinea. Và một người Flamand là Fernão Dulmo cũng được vua Joan II cử đi cùng với Estreito tới những đảo ở biển phía tây, trước cả Colômbô.
Dù vậy, âm mưu giữ bí mật của Bồ Đào Nha đã có hiệu quả - ít là trong một thời gian. Cho tới giữa thế kỷ 16, các quốc gia khác muốn tìm thông tin về nền thương mại đường biển của người Bồ Đào Nha tại châu Á phải dưạ vào những mảnh tài liệu lẻ tẻ của các sách thời xưa, những câu chuyện thu nhập đây đó từ các người lữ hành, những thủy thủ đào ngũ và những gián điệp. Như thế chính sách này cũng đã không ngăn cản được các bản đồ về châu Á rò rỉ sang các nước khác của châu Âu.
Người Tây Ban Nha cũng cố gắng theo đuổi chính sách bảo mật giống như thế, nên những bản đồ chính thức của họ được giữ trong những két sắt có hai ổ khóa và hai chìa, một chìa do viên hoa tiêu trưởng giữ (Amerigo Vespucci là người đầu tiên), chìa kia do viên tổng quản trắc địa giữ. Sợ rằng những bản đồ chính thức có thể bị phá hủy cố ý hay không chứa những thông tin mới nhất, năm 1508 triều đình đã thiết lập một bản đồ chủ gọi là Padron Real, do một ủy ban gồm những hoa tiêu tài giỏi nhất trông coi. Nhưng những sự thận trọng này vẫn không đủ. Sebastian Cabot (1476-1557), một người gốc Venice, trong thời gian làm hoa tiêu trưởng dưới thời vua Charles V, đã tìm cách bán “Bí mật của Eo biển” cho cả Venice và Anh Quốc.
Sợ kích thích các đối thủ cạnh tranh trong nước cũng cản trở những quốc gia thám hiểm thành công này không khai thác hết được những lợi thế quốc gia của mình từ các cuộc thám hiểm do nhà nước tài trợ. Ở bên ngoài Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các tài liệu về những cuộc thám hiểm của Vespucci là những sách được in nhiều nhất trong tất cả những chuyến hành trình tới Tân Thế Giới trong suốt 35 năm sau chuyến đi về phía tây lần đầu tiên của Colômbô. Nhưng trong những năm này, không có ấn bản nào xuất hiện ở Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Sự kiện kỳ lạ này cho thấy chính quyền của hai nước thuộc bán đảo Iberia này không muốn sự độc quyền của chính phủ bị đe doạ bởi những nhà cạnh tranh tư nhân ngay cả trong dân của mình.
Sự bảo mật cũng đã tạo những vấn đề về việc tuyển mộ thủy thủ đoàn và việc giữ vững tinh thần của thủy thủ trong những cuộc hành trình dài tới những nơi vô định. Các thuyền trưởng khi tuyển mộ thủy thủ để thám hiểm những vùng biển lạ thường mệt mỏi vì gây sợ hãi cho thủy thủ và rồi ở trên biển lại sợ họ nổi loạn khi gặp nguy hiểm.
Chính sách bảo mật đã bị đánh bại bởi một yếu tố hoàn toàn bất ngờ. Không phải bởi những gián điệp hay những hoa tiêu trưởng phản bội như Sebastian Cabot. Nhưng bởi một kỹ thuật mới đã tạo nên một thứ hàng hóa mới. Với sự phát minh ra máy in, kiến thức địa lý có thể dễ dàng được đóng gói và đem bán để lấy lời.
Hiển nhiên từ lâu đã có việc mua bán những bản đồ hàng hải của các thủy thủ để kiếm sống. Các họa đồ vẽ tay đã có hình dạng từ thế kỷ 13 để dùng cho các người đi biển Địa Trung Hải và đến thế kỷ 14 những nhà vẽ bản đồ đã có những cơ sở phồn thịnh. Cho tới giữa thế kỷ 15, đây là những nhà trắc địa chuyên nghiệp duy nhất ở châu Âu. Nhưng việc giữ bí mật và độc quyền đã tạo ra một thứ thợ đen với những hàng hóa giả được nói là những bản gốc đánh cắp được.
Các công ty thương mại tư nhân làm ra những bản đồ “bí truyền” của mình. Chẳng hạn, Công ty Dutch East India sử dụng những nhà trắc địa tài giỏi nhất ở Hà Lan, đã kết hợp độc quyền 180 bản đồ, họa đồ và phong cảnh của những con đường tốt nhất quanh châu Phi đi tới ấn Độ, Trung Hoa và Nhật. Sưu tập bản đồ này từ lâu đã được nghe nói đến, nhưng mãi nhiều năm sau mới tìm thấy trong thư viện của hoàng tử Eugen nhà Savoy ở Vienna. Các bản đồ chính thức của nhà nước nói chung thường chỉ được phổ biến ra quần chúng khi nội dung của nó đã trở thành kiến thức chung rồi.

Đây là tột đỉnh định mệnh của Balboa. Những tin tức về khám phá của ông không đến Tây Ban Nha kịp lúc để xóa tan những báo cáo tai hại của Enciso về vụ tiếm quyền của Balboa. Được cử thay thế Balboa làm toàn quyền là Pedrárias Dávila, người chỉ có công duy nhất là cưới một nàng hầu của hoàng hậu Isabella. Với 20 tàu và 1500 người, Pedráriás khởi sự một chương trình nô lệ hóa những thổ dân. Chương trình này đã có hiệu quả ngay, theo chính lời của Balboa, là biến những người thổ dân Indian hiền lành trở thành những "con sư tử dữ tợn". Cùng lúc ấy, Balboa có kế hoạch thám hiểm những bờ biển của Biển Nam, nên đã chuyển các vật liệu đóng tàu ngang qua eo Isthmus. Năm 1517, khi ông gần đóng xong 4 chiếc tàu thì người của Pedráriás, trong đó có một người mang tên Francisco Pizarrom, đến bắt Balboa và giải ông qua eo Isthmus về Darien. Tại đây Pedráriás vu cáo Balboa tội phản quốc, rồi tự xưng là hoàng đế Pêru. Trước khi những người ủng hộ Balboa kịp bênh vực ông, Balboa cùng bốn đồng nghiệp đã bị chém đầu ở quảng trường và xác họ bị quăng cho thú dữ ăn thịt.
Các nhà thám hiểm Tây Ban Nha giờ đây đã vững vàng định cư ở vùng Tây Indies. Nhưng họ vẫn tiếp tục tin rằng đây chỉ là những tiền đồn tiến về châu Á. Như thế phải chăng cứ đi xa hơn nữa về hướng tây họ sẽ tới được những Đảo Gia Vị?
Cho tới bấy giờ, vẫn chưa ai biết được có cái gì nằm giữa Phần Thứ Tư mới của Thế Giới và châu Á. Người Tây Ban Nha vẫn còn rất tin tưởng rằng Ptolêmê, Marco Polo và Colômbô đã đúng khi cho rằng lục địa châu Á kéo dài mãi về hướng đông.
Hoàng đế Tây Ban Nha Charles V tự nhiên hy vọng rằng những Đảo Gia Vị phải nằm ở phía đông của Tây Ban Nha qua đường phân chia nửa địa cầu. Thế thì tại sao không cử một đoàn thám hiểm đi tìm hiểu con đường phân chia này rồi tuyên bố chủ quyền của Tây Ban Nha? Đây là cơ hội cho Magellan.
Ferdinand Magellan (1480-1521) sinh ra trong một gia đình quý tộc ở vùng núi phía bắc Bồ Đào Nha, một vùng được người dân địa phương coi là trải qua "chín tháng mùa đông và ba tháng địa ngục". Bỏ vùng khí hậu khác nghiệt này của quê hương, Ferdinand bước vào một đời sống êm dịu ở cung điện hoàng hậu Leonor, đương kim hoàng hậu của vua Joan II, tại đây cậu được huấn luyện thành một người phục vụ. Tới tuổi 25, ông tham gia đoàn tàu của Francisco de Almeida, vị phó vương thứ nhất của ấn Độ thuộc Bồ Đào Nha (1505-1509), rồi phục vụ cho Afonso de Albuquerque, người sáng lập đế quốc Bồ Đào Nha ở châu Á và thám hiểm các Đảo Gia Vị, Molucca, nơi chính ông xác định được là có kho báu cất giữ ở đây. Khi ông trở về Bồ Đào Nha năm 1512, ông đã mang cấp bậc thuyền trưởng và được thăng tước fidalgo escudeiro, một tước cao hơn trong hàng quý tộc. Trong cuộc chiến của lực lượng Bồ Đào Nha với dân Moors ở Bắc Phi, ông bị thương và bị què chân suốt đời. Khi bị tố cáo là buôn bán với kẻ thù, ông bị mất sự sủng ái của Vua Manuel và kết thúc sự nghiệp tại Bồ Đào Nha.
Magellan công khai từ bỏ lòng trung thành với Bồ Đào Nha và rời đất nước để đến với triều đình Tây Ban Nha của vua Charles V. Ông mang theo với mình một người bạn cũ, Rui Faleiro, một nhà toán học và thiên văn học. Ông này hoang tưởng nghĩ rằng mình đã giải quyết được vấn đề xác định kinh độ, nhưng ông là một nhà địa lý vũ trụ rất nổi tiếng và say mê cổ võ cho việc tìm con đường biển tây nam tới châu Á. Để thể hiện dự án to lớn đi thám hiểm về hướng tây với nửa vòng trái đất tới Indies, Magellan đã chơi ván bài của mình một cách rất thông minh. Ông cưới con gái của một kiều dân Bồ Đào Nha có ảnh hưởng, là người kiểm soát những chuyến hành trình của Tây Ban Nha tới Indies, rồi ông nhận được sự tán thành phấn khởi của Juan Rodríguez de Fonseca, người tổ chức Đại Hội Đồng Indies và là địch thủ chính của Colômbô. Ngày 22 tháng 3, 1518, vua Charles V tuyên bố ủng hộ cuộc thám hiểm của Magellan. Mục tiêu quen thuộc là đến được Đảo Gia Vị theo hướng biển phía tây. Lần này kế hoạch chính xác hơn - tìm một eo biển ở mũi tận cùng của Nam Mỹ. Magellan và Faleiro sẽ được chia 1 phần 20 lợi tức và họ cùng những người thừa kế của họ sẽ được cai trị tất cả những đất họ khám phá được, với tước hiệu Adelantados.
Người Bồ Đào Nha đã thất bại trong việc ngăn cản cuộc hành trình của Magellan. Sau một năm rưỡi chuẩn bị, Magella đã cương quyết khởi hành ngày 20 tháng 9, 1519. Với chuyến đi vòng quanh trái đất này, ông có 5 chiếc tàu chỉ đủ sức để vượt biển với tọng tải từ 75 tấn tới 125 tấn. Các tàu được trang bị đầy đủ vũ khí và hàng hóa để buôn bán, bao gồm những cái chuông chùm và lắc đồng như vẫn thường có và 500 chiếc gương soi, những cuộn vải nhung và khoảng một ngàn kilô thủy ngân - tất cả được lựa chọn để dụ dỗ những vua chúa kiêu kỳ của châu Á. Đoàn người gồm 250 người, trong đó có người Bồ Đào Nha, ý, Pháp, Hi Lạp và một người Anh, bởi vì rất khó kiếm được người Tây Ban Nha chịu đi mạo hiểm như thế dưới quyền điều khiển của một người mạo hiểm ngoại quốc. Faleiro, bạn của Magellan vào phút chót quyết định không đi bởi vì số từ vi nói ông không thể sống sót trong cuộc hành tình.
Hai tháng giong buồm đã đưa đoàn thám hiểm của Magellan từ quần đảo Canary tới múi phía đông của Brazil, từ đó họ men theo bờ biển hướng tây nam, cố gắng tìm ra cửa biển để đưa họ vào Biển Nam của Balboa. Khi họ tới được cảng San Julian, đó là cuối tháng 3 và bắt đầu mùa đông ở phương nam. Magellan quyết định chờ tại đây, chấp nhận giảm bớt khẩu phần ăn uống và chịu đựng gió rét của mùa đông, chờ tới mùa xuân lại đi tiếp. Khi đoàn người kêu ca đòi trở về phía bắc để nghỉ đông ở vùng nhiệt đới, ông nói thà chết chứ không quay về.
Magellan phải đối diện với hai thử thách lớn, chỉ huy đoàn người và điều khiển tàu thuyền, cả trước khi ông vào được Thái Bình Dương. Tại cảng San Julian, thủy thủ đã nỏi loạn trên ba chiếc tàu Conceptión, San Antonio và Victoria, Magellan chỉ được sự hỗ trợ của tàu Trinidad của chính mình và tàu Santiago là tàu nhỏ nhất. Thế là ông chỉ có hai tàu để chống lại ba tàu nổi loạn. Magellan không dám để cho các tàu nổi loạn quay trở về. Trong một chuyến đi lập thuộc địa, mọi con tàu và mọi người đều cần thiết. Biết rằng trên tàu Victoria có nhiều người ủng hộ, Magellan phái lên tàu đó một nhóm người trung thành giả vờ là để điều đình việc quay trở về. Theo những hướng dẫn của ông, các sứ giả này đã giết người cầm đầu cuộc nổi loạn, rồi thuyết phục những người còn đang do dự trở về với bổn phận. Giờ đây với ba tàu, ông khóa chặt cửa vịnh. Khi tàu San Antonio tìm cách chạy trốn, nó bị đánh bại và rồi tàu Conception chỉ còn lại một mình nên đã đầu hàng.
Trong thời gian nghỉ đông tại cảng San Julián, tàu Santiago bị đắm khi thám hiểm bờ biển và thủy thủ phải trở về trên những chiếc tàu khác ở cảng.
Cuối tháng 8, 1520, bốn chiếc tàu còn lại của Magellan đi tiếp xa hơn xuống phía nam tới cửa sông Santa Cruz, ở đây họ ở lại cho tới tháng 10, là lúc mùa xuân ở miền nam bắt đầu. Lúc này Magellan phải đối diện với thử thách lớn thứ hai, tài đi biển của mình. Ông phải tìm ra con đường để dẫn ông tới một lục địa rộng lớn bao nhiêu ông không hề biết. Làm sao ông có thể tin chắc rằng mỗi đường đi sẽ không đưa ông tới chỗ chết? Làm sao ông có thể biết mình đang không biến mất mỗi ngày một sâu hơn giữa lòng một lục địa?
Ngày 21 tháng 10, chỉ bốn ngày sau khi vượt qua sông Santa Cruz, một lần nữa họ lại "trông thấy một cửa ngõ giống như một cái vịnh", khi họ đi vòng Mũi Virgins ở ngay bên kia vĩ độ 52 độ nam. Lần này có thể nào cái vịnh sẽ mở ra một eo biển quý báu chăng? Các thủy thủ nghĩ không thể, vì hình như cái vịnh này đóng kín cả các phía. Nhưng Magellan hầu như đã chuẩn bị để tìm thấy một "eo biển giấu kín". Theo Pigafetta nhận xét, có thể Magellan đã được thấy "trong kho báu của vua Bồ Đào Nha" một bản đồ bí mật có vẽ một con đường bí hiểm.
Cho rằng eo biển này "rất kín ẩn" thì mới chỉ là nói quá nhẹ. Eo Magellan là một eo hẹp nhất, ngoằn ngoèo, khó đi nhất trong tất cả các eo nối hai biển, là một thách đố lớn nhất cho người đi biển. Magellan đã phải mất 38 ngày để vượt qua 334 dặm giữa hai đại dương. Chuyến vượt qua eo mất 16 ngày của Drake quả là kỷ lục ở thế kỷ 16, những người khác phải mất trên ba tháng, cũng có người phải đầu hàng.
Chỉ có lòng can đảm sắt đá và tài điều khiển con người của Magellan mới giúp ông tiếp tục tiến tới. Sau khi mất tàu Santiago ở cảng San Julián, Magellan vào eo chỉ còn 4 tàu. Lúc đầu dò đường, ông cử chiếc tàu lớn nhất của mình, con tàu San Antonio (120 tấn) đi tìm đường.
Chiếc tàu này đã bị mất hút. Magellan đi tìm suốt 250 dặm mà không kiếm thấy. Ông không biết rằng hoa tiêu của tàu San Antonio tên là Esteban Gómez, khó chịu vì không được ông cho chỉ huy tàu, đã nổi loạn, xích thuyền trưởng của mình lại rồi lái tàu trở về Tây Ban Nha.
Điều đáng nói là từ lúc này trở đi không còn vụ nổi loạn nào nữa và cả ba chiếc tàu còn lại luôn luôn đi chung với nhau. Một số chỗ hẹp bề ngang chỉ dưới hai dặm. Đường đi ngoằn ngoèo, với vô số những vịnh nhỏ và sông dễ làm lạc đường, mãi tới cuối eo mới thấy lối ra biển. Khi Magellan linh cảm rằng mình có thể đã tới gần cuối eo, ông cho một thuyền nhỏ trang bị đầy đủ đi dò thử phía trước. "Ba ngày sau nhóm người này quay trở về, báo cáo họ đã trông thấy mũi đất và biển rộng mở. Vị đô đốc khóc lên sung sướng và đặt tên mũi đất đó là Cape Dezeado, Mũi Khát Vọng, vì chúng tôi đã khao khát nó từ lâu".
Có những thứ gió lạ, loại cuồng phong, hoành hành ở nửa phía tây của eo. Loại gió này, như thuyền trưởng Joshua Slocum nhận xét vào năm 1900, có thể đánh đắm một chiếc tàu dù không căng buồm. Sau khi đã vượt qua được những mê cung, sống sót qua những ghềnh đá, giờ đây Magellan bị ném ra một biển nước mênh mông vô tận. Trong hơn một trăm ngày, Magellan và đoàn người của mình đã phải vật lộn với một biển nước xem ra không thấy đâu là bến bờ.
Bấy giờ không có cách nào tính được kinh độ một cách chính xác và như thế không thể nào tính được khoảng cách giữa bất kỳ hai điểm nào quanh trái đất. Đối với Magellan, bề rộng của Thái Bình Dương là một sự ngạc nhiên đầy cay đắng! Tuy nhiên, nó cũng có thể là sự khám phá vĩ đại nhất và miễn cưỡng nhất của ông.
Giờ đây họ biết họ chỉ còn một phần ba số lương thực dự kiến, cho một hành trình lâu gấp ba lần thời gian họ dự kiến. Chúng ta hãy nghe Pigafetta, người có mặt trong cuộc hành trình, kể lại:
Thứ tư, 28 tháng 11, 1520, chúng tôi ra khỏi eo, ném mình vào Biển Thái Bình Dương xa thăm thẳm. Đã ba tháng hai mươi ngày chúng tôi không có thức ăn tươi nào. Chúng tôi ăn bánh quy, lúc này không còn là bánh quy, mà chỉ là bột bánh quy đầy sâu bọ, vì chúng ta ăn phần tốt của thứ nước vàng khè đã thối từ nhiều ngày. Một số người bị sưng lợi răng và không thể ăn gì được nên đã chết. Mười chín người đã chết vì bệnh tật và người khổng lồ Patagonial cùng với một người Indian từ miền Verzin.
Nhưng họ lại gặp may với thời tiết. Trong suốt ba tháng hai mươi ngày đi khoảng mười hai ngàn dặm trên biển khơi, họ không gặp một cơn bão nào. Bởi một kinh nghiệm duy nhất này mà họ đã sai lầm gọi biển này là Thái Bình Dương.
Giả như Magellan không thành thạo về gió, có lẽ ông đã không bao giờ vượt qua Thái Bình Dương. Sau khi rời những eo biển, ông không đi thẳng theo hướng tây bắc để đến Đảo Gia Vị mà ông mơ ước, nhưng trước tiên ông đi theo hướng bắc dọc bờ biển phía đông Nam Mỹ. Mục tiêu của ông chắc hẳn là lợi dụng gió đông bắc ở đó để đưa ông tới những đảo gia vị khác còn để ngỏ cho sự xâm nhập của Tây Ban Nha, chứ không tới đảo Molucca mà ông nghe nói đang thuộc quyền kiểm soát của Bồ Đào Nha.
Sau cùng, ngày 6 tháng 3, 1521, họ đã bỏ neo tại Guam để nghỉ ngơi và lấy lương thực. Tại đây họ được chào mừng bởi những người bản địa hiền lành nhưng tham lam, những người này đổ xô nhau lên tàu của họ, lùng sục từ boong tàu xuống khoang tàu để vơ vét mọi thứ có thể đem đi được - chén bát bằng sành, cọc cắm thuyền và cả những chiếc xuồng. Magellanđặt tên cho đảo này là Islas de Ladrones, Đảo Trộm Cướp, nay gọi là Marianas. Tuần lễ tiếp theo họ đi dọc theo bờ biển phía đông của đảo Samar trong quần đảo Philippin, gần Vịnh Leyte, nơi mà bốn thế kỷ sau sẽ diễn ra một trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử.
Trong những vùng mà Magella đang tới gần, có những người Trung Hoa, Bồ Đào Nha và những người khác hoạt động thương mại đường biển rất sầm uất và cạnh tranh, nguy hiểm lớn đang rình chờ người thương gia thông minh và nhà ngoại giao thận trọng này. Mạng sống của Magellan, sau khi vừa thoát nạn qua những yếu tố khốc hại nhất của thiên nhiên, giờ đây lại suýt bị đe dọa chỉ vì một hành động thiếu thận trọng. Vua của đảo Cebu giả vờ theo đạo và thuyết phục Magellan liên minh với mình đánh lại vua của đảo Mactan, vì ông vua này "không chịu hôn tay vua Cebu và dâng lễ vật triều cống là một đấu gạo và một con dê". Các sĩ quan của Magellan khuyên ông đừng đi, nhưng ông vì không muốn bỏ rơi con chiên mới, nên đã chiều theo ý của vua Cebu và đến đảo Mactan. Tại đây, ngày 27 tháng 4, 1521, Magellan bị trúng tên có thuốc độc của quân Mactan và bị những ngọn gió của chiến binh Mactan đâm, nên đã ngã sấp xuống cát.
Lẽ ra Magellan có thể rút nhanh và thoát mạng, nhưng ông đã chọn ở lại để che chở cho quân của mình rút lui. "Thế là họ đã giết chết tấm gương của chúng tôi, niềm an ủi và người hướng đạo thực sự của chúng tôi", Pigafetta than thở. "Khi họ đánh ông trọng thương, ông còn ngoái đầu lại nhiều lần để xem chúng tôi đã rút hết lên thuyền chưa. Sau đó, khi thấy ông đã chết, chúng tôi tất cả đều bị thương đã cố hết sức chạy theo những chiếc thuyền lúc này đã đang rời xa bờ. Nếu không có ông, không ai trong chúng tôi có thể thoát nạn, vì ông đã ở lại chiến đấu để chúng tôi chạy thoát".
Có thể nói Magellan đã hoàn tất chuyến hành trình vòng quanh trái đất. Bởi vì trong những chuyến đi trước cho người Bồ Đào Nha, khi đi vòng quanh châu Phi để đến những hòn này, chắc là ông đã đi về phía đông xa hơn Cebu.
Cuộc thám hiểm không bị bỏ dở. Tàu Concepción đã bị hư hại không còn đi được nữa nên bị đốt bỏ. Tàu Trinidad cũng được nhận định là không còn đủ sức quay trở về Tây Ban Nha bằng con đường phía tây, nên đã cố gắng đi băng Thái Bình Dương để tới Panama, nhưng không thành công và đã quay trở về miền Đông Indies. Tàu Victoria nhỏ hơn thì được Juan Sebastián del Cano điều khiển đi theo đường phía tây quanh Mũi Hảo Vọng. Cùng với những thử thách đã quen thuộc của đói khát và dịch bệnh, giờ đây còn thêm sự thù nghịch của người Bồ Đào Nha. Họ đã bắt giam phân nửa đoàn người của Del Cano khi những người này cập bến ở Mũi Verde Islands trên biển Đại Tây Dương. ngày 8 tháng 9, 1522, chỉ thiếu 12 ngày là đủ ba năm kể từ ngày khởi hành, trong số 250 người đã ra đi, chỉ còn 18 người sống sót về được Seville.
--!!tach_noi_dung!!--

dịch giả: Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy
Nguồn: vnexpress
Được bạn: TSAH đưa lên
vào ngày: 19 tháng 6 năm 2004

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--