Chương cuối
Mưa gió Bá Vương Lâu

Sau khi Hạng Võ định đô tại Bành Thành, tự lập làm Tây Sở Bá Vương hồi tháng hai năm 206 Tr. CN, đã từng xây dựng một cung điện tại đầu phía bắc của đường Bành Thành, thuộc thành phố Từ Châu ngày nay, người đời sau gọi là Tây Sở Cố Cung.  Tại đây, Hạng Võ đã sống trong thời kỳ cực thịnh của mình, ông đã nói một câu đầy hào khí khi trông thấy đội xa giá của Tần Thủy Hoàng đi thị sát: "Tôi có thể quật ngã để thay thế hắn."  Đó là thời kỳ mà ông chia cắt thiên hạ để xưng bá trước các chư hầu.
Thế nhưng, chỉ trong vòng hơn bốn năm, tức vào tháng mười hai năm 202 Tr. CN, thì người anh hùng từng thét ra lửa này đã bước vào con đường cùng.  Vở kịch rung chuyển cả đất trời, oai võ hùng tráng cũng hạ màn một cách đáng buồn.  Từ đó trở về sau, cung điện nói trên không còn ai ở, vắng ngắt lạnh lùng, ngày càng sa sút.  Tòa cung điện hùng vỹ tráng lệ đó không còn nghe được tiếng trúc tiếng tơ, không còn thấy được dáng dấp của những cô gái đẹp trong những điệu múa dịu dàng.  Cung điện của Sở Vương đã trở thành một nơi tiêu điều vắng lặng, đầy cỏ hoang, thêm vào đó là những tiếng kêu buồn thảm của những con quạ đen, và chừng như còn nghe văng vẳng trên bầu trời cao tiếng Sở ca ai oán và đầy bi phẫn.
Tây Sở Cố Cung đã nhanh chóng trở thành một phế tích trong lịch sử.  Dòng thời gian vô tình đã xóa nhòa đi sự huy hoàng ngày xưa của nó.  Trong đời Đường và đầu đời Tống, nơi đã từng được làm nha môn của quan Thứ Sử cấp Châu.  Vào những năm Hy Ninh đời Bắc Tống, nó được đoior tên là Bá Vương Sảnh.  Tháng chạp niên hiệu Hy Ninh năm thứ mười (tức năm 1077 S. CN), Tô Thức đến Từ Châu giữ chức Tri Châu, năm đó ông bốn mươi hai tuổi, vào mùa thu cùng năm, sông Hoàng Hà vỡ đê, nước sông tràn tới chân cầu Từ Châu, Tô Thức đích thân chỉ huy quân dân cùng tiến hành chống lụt, khiến Từ Châu được yên ổn.  Năm sau, nhằm để phòng lụt lội, ông lại tổ chức dân chúng Từ Châu tiến hành sửa chữa và xây dựng ngoại thành.  Sau khi xây dựng xong, ông cho cất tại cửa phía đông một ngôi lầu lớn, cao mười trượng, bên dưới có ngũ trượng kỳ, và dùng đất vàng để trét tường, lấy tên là Huỳnh Lâu.  Từ đó trở đi, Tô Thức thường mở tiệc đãi khách tại Huỳnh Lâu.  Tiết Trùng Dương hồi niên hiệu Nguyên Phong nguyên niên (1078 S. CN), có đến hơn ba chục binh sĩ nổi tiếng đến dự yến tiệc tại Huỳnh Lâu, cảnh tượng sôi nổi chưa từng có, những vật tư dùng để xây dựng Huỳnh Lâu được tháo dỡ từ Bá Vương Sảnh.  Tại sao Tô Thức lại tháo dỡ Bá Vương Sảnh?  Tương truyền vì ngôi lầu đó quá cũ kỹ, nên trong Châu phủ có nhiều người chủ trương tháo dỡ, vì thế di chỉ này không còn nữa.
Sau khi Tô Thức tháo dỡ Bá Vương Sảnh, không biết lúc nào lại được xây dựng lên, đổi tên là Bá Vương Lâu. 
Sách sử ghi chép ngôi lầu này có ba tầng, niên hiệu Đồng Trị đời nhà Thanh nó tọa lạc tại phía bắc của nha môn cấp phủ.  Trong những năm hiệu Đạo Quang, từng dựng một tấm bia tái thiết ở mặt tiền của ngôi lầu.  Bắt đầu từ năm 1923 trở đi, Bá Vương Lâu từng được dùng làm trường nữ sư phạm số 3 của tỉnh Giang Tô.  Sau khi Từ Châu được giải phóng, nơi đây vẫn là lợp học của trường nữ sư phạm.  Trên lầu có bài vị của Hạng Võ và Ngu Cơ.  Về sau vì ngôi lầu quá cũ kỹ, có nguy cơ sụp đổ, nên bị phá bỏ.  Nhưng ngôi nhà nằm tại cánh phía tây thì vẫn được bảo lưu và sữa chữa mới.  Tuy nhiên, Tây Sở Cố Cung thời xưa đã không còn dấu vết chi cả.  Hàng năm đến mùa thu, khi lá vàng ba lả tả, thì ở đây mới gợi cho mọi người nhớ lại sự tích xa xưa.
Bá Vương Lâu là một ngôi lầu buồn bã.  Nó gắn liền với tên tuổi một vị anh hùng mang tính bi kịch.  Đứng trước nó, người ta vẫn có cảm tưởng như còn nghe vẳng tiếng bi ca ở đâu đây.  Mọi người ai ai cũng đồng tình với Hạng Võ, đồng tình đối với sự tích mang tính bi kịch của ông, đồng tình đối với sự kết thúc cuộc đời cũng mang tính bi kịch của ông.  Tư Mã Thiên, người đã viết truyện Hạng Võ, và bài viết này cũng dùng một bút pháp hùng mạnh, có kết cấu chặt chẽ từ trong từng chữ một.  Từng dòng một của bài viết này, tác giả đã làm nổi bật ý nghĩa bi kịch của sự việc.  Sau Tư Mã Thiên, còn có nhiều người viết truyện Hạng Võ.  Nhà Thơ đời Đường là Đỗ Mục, trong bài Đề Ô Giang Đình đã viết:
Thắng bại binh gia sự bất kỳ
Bao tu nhẫn sỷ thị nam nhi.
Giang Đông tử đệ đa tài tuấn,
Quyển thổ trùng lai vị khả tri!
Dịch:
Thắng bại binh gia chuyện bất thường,
Ôm đau chịu nhục mới là trai.
Tử đệ Giang Đông lắm tài giỏi,
Biết đâu quật khởi sẽ có ngày.
Vương  An Thạch, một nhà thơ đời Tống cũng có bài thơ nhan đề Ô Giang Đình:
Bách chiến bì lao tráng sĩ ai,
Trung Nguyên nhất bại thế nan hồi.
Giang Đông tử đệ kim do tại,
Khẳng vị quân vương quyển thổ sai!
Dịch:
Trăm trận mệt mỏi tướng sĩ khổ,
Đại bại Trung Nguyên thế chuyển rồi.
Tử đệ Giang Đông nay còn đó,
Sẽ vì quân vương quật khởi thôi!
Người đã thể hiện sự đồng tình điển hình nhất chính là Lý Thanh Chiếu, một nữ từ gia đời Tống.  Bài thơ Ôn Giang của bà từng được truyền tụng rộng rãi:
Sinh đương tác nhân kiệt,
Tử diệc vi quỉ hùng,
Chí kim tư Hạng Võ,
Bất khẳng quá Giang Đông!
Dịch:
Sống là một nhân kiệt,
Chết là ma anh hùng.
Đến nay nhớ Hạng Võ,
Không chịu về Giang Đông!
Chu Hy là người tổng hợp toàn bộ Lý học đời Tống, trong khi kể lại và bình luận sự tích của Hạng Võ có viết: "Khảng khái kích liệt, hữu thiên tài bất binh chi du phần".  (Dõng dạc hùng hồn, lưu lại sự bực tức, bất bình cho ngàn đời sau - Theo sách "Sử ký hội chú khảo chứng").
Lý Trí người đời Minh, có viết một quyển biên niên sử nhan đề Sử Cương Binh Yếu, bên trong thông qua sự bình luận đối với sách sử, tác giả đã bày tỏ cách nhìn của mình đối với từng nhân vật và từng sự kiện trong lịch sử.  Đoạn sau của phần Hán Ký, ông có mấy đoạn viết về Hạng Võ.  Riêng trong phần viết về việc Hạng Võ và Lưu Bang chia đôi thiên hạ, ông bình luận: "Hạng Võ nói cho cùng là người trung hậu."  Trong đoạn viết về Hạng Võ tự sát tại Ô Giang, ông bình luận: "Trường sử anh hùng lệ mãn khâm.  Trung hậu nhân diệc lệ mãn khâm".  (Làm cho anh hùng bao đời phải rơi lệ ướt vạt áo, người trung hậu cũng rơi lệ ướt vạt áo).  Tương truyền hiện nay tại làng Tháp Thạch, tọa lạc nơi giáp ranh giữa vùng núi ở phía tây của Thiệu Hưng và huyện Chư Ký, trong việc chọn tên của các cô gái vẫn kiêng kỵ dùng chữ "Thúy", vì chữ Thúy là do hai chữ Vũ và Tốt ghép lại, như vậy họ cảm thấy không nỡ.  Tương truyền làng Tháp Thạch này là nơi chào đời của Ngu Cơ, người vợ yêu của Hạng Võ.  Đối với cái chết của cặp vợ chồng này mọi người vẫn cảm thấy hết sức đồng tình.
Nhìn Bá Vương Lâu đang đứng trước từng cơn gió buồn, Đoàn Quảng Doanh người đời Thanh cũng có một bài thơ: "Mỹ nhân trướng hạ lệ như vũ, anh hùng đáo tử do ca vũ.  Thử ca thiên cổ thất ngôn tổ, thùy ngôn quân vương đản học võ.  Sinh tiền bất tác thư kiếm nô, tử hậu do vi lệ nhạc chủ.  Nhất đầu mãi đắc kỷ nhân tình?  Tọa sử công danh qui đồ ngủ.  Ngã hữu Lưu Hạng lưỡng đồng hương, nhất tắc như long nhất như hổ.  Tam tầng lâu thượng khởi bi phong, lệ sái Bành Thành nhất phiến thổ!" (Người đẹp dưới trướng khóc như mưa, anh hùng đến chết vẫn ca múa, bài ca tuyệt nhất tự nghìn xưa, ai bảo quân vương chỉ học võ.  Khi sống không làm nô lệ sách gươm, khi chết lại làm chủ của nhạc lễ.  Chiếc đầu mua được tình cảm của mấy người?  Chỉ tổ giúp cho bọn sát nhân giành được công danh.  Tôi có hai người đồng hương họ Lưu và họ Võ.  Một người như rồng một người như cọp.  Trên ba tầng lầu gió buồn hiu hắt, lệ nóng tuôn rơi xuống đất Bành Thành.)  Đoàn Quảng Doanh là người Cao Đài, huyện Tiêu, thuộc Hà Nam, cách quê hương của Hạng Võ là huyện Túc Thiên không xa.  Người đồng hương tỏ lòng thương tiếc người đồng hương, càng khiến mọi người thêm xúc động.  Bài thơ của ông cũng giống như những bài thơ của người đời trước, nhằm dâng lên cho Tây Sở Bá Vương Hạng Võ một bài hát đưa tang.
Bá Vương Lâu cũng là một ngôi lầu răn đời.  Khi chúng ta đọc lại lịch sử và tìm hiểu nguyên nhân thất bại của Hạng Võ, sẽ không khó phát hiện được vị anh hùng chống Tần này dù có khí khái của một bậc anh hào cái thế, đến bước đường cùng vẫn không thay đổi bản chất anh hùng, hơn nữa, với tài năng quân sự phi thường của ông, với sự dũng cảm không hề biết sợ kẻ cường địch, đã lập được rất nhiều chiến công trong cuộc chiến đấu chống Tần.  Nhưng về mặt quan niệm và về mặt tánh tình, lại có rất nhiều nhược điểm không thể bỏ qua.  Trong thế giới tình cảm của Hạng Võ là hàng loạt những sự đối lập thống nhất, đầy rẫy những sự mâu thuẫn giữa thiện và ác, giữa đẹp và xấu, giữa cứng rắn và yếu mềm.  Ông một mặt là người gan dạ kiên cường, nhưng mặt khác lại là người tình cảm rất yếu đuối; một mặt là người ôn hòa nhân từ, rất có lễ độ, nhưng mặt khác lại là người hung tàn bạo ngược, giết người không nháy mắt.  Chính do những nhân tố không tốt đó đồng thời tồn tại trong người của ông, cho nên mới dẫn tới nhiều sự sai sót về mặt chính trị và quân sự.
Ông còn là một người theo chủ nghĩa phục thù cực đoan.  Ông chỉ biết trả thù rửa hận, khôi phục lại nước Sở, nhưng lại thiếu mục tiêu chiến lược cao xa.  Tâm lý phục thù đã khiến ông trở thành người tàn nhẫn, háo đấu, háo sát, và tất cả những điều đó đã làm cho ông bị mất nhân tâm.  Nhược điểm trong tính tình của Hạng Võ, còn thể hiện ở chỗ ông là người có một quan niệm rất hủ lậu, rất bảo thủ và lạc hậu.  Quan niệm quê hương của ông rất nặng, trong khi ông lại thiếu đi chí hướng cao xa, chỉ biết cố thủ quê hương của mình, lấy "giàu sang trở về quê hương" làm mục đích cuối cùng.  Với tầm nhìn quá hạn hẹp đó, đã làm cho ông mất đi cơ hội mở rộng chiến quả mà ông đã giành được.  Quan niệm quê hương hẹp hòi đso cũng làm cho ông không thể phá vỡ được quan điểm dùng người chỉ đóng khung trong vòng người cùng quê hương, bạn bè thân tộc.  Trong quân đội của ông có tám nghìn tử đệ là người Giang Đông, các chủ tướng của ông cũng hầu hết là người thân tộc đồng hương của ông, trong khi đó đối với số đông mưu thần võ tướng, ông lại không biết trọng dụng họ.  Lưu Bang là người nhiều mưu lược, hoàn toàn trái ngược lại với Hạng Võ, ông đã khôn ngoan chiêu hiền đãi sĩ, thu gom một cách rộng rãi hào kiệt ở các nơi về cho mình, từ đó làm suy yếu lực lượng của Hạng Võ, dẫn tới chỗ thực lực của đôi bên bị đảo ngược.  Cuối cùng, Hạng Võ đã lâm vào tình cảnh quân ít, thiếu ăn, với một tấm thân có một sức mạnh phi thường, đành chỉ cất tiếng than: "Ngu hề nại hà", để rồi tự cắt đầu mình trước dòng nước Ô Giang.  Sự thất bại của Hạng Võ trước khi sắp sửa thành công là một sự nhắc nhở sâu lắng đối với chúng ta ngày nay: với một quan niệm hủ lậu thì khó có thể hoàn thành được sự nghiệp lớn, chỉ có con đường khai sáng mới chính là tương lai.
Lịch sử đã trầm tư ở đây.  Nó lưu lại cho người hậu thế một tấm gương quý báu và một sự gợi mở sâu sắc!

Xem Tiếp: ----