1 – Hình phạt cần phải thích đáng, nhiều ít không thành vấn đề. (Tề) Cảnh công qua nhà Án tử (Án Anh), bảo: - Nhà ông nhỏ mà lại gần chợ, xin ông dời qua ở vườn Dự Chương. Án tử vái hai lần, từ tạ: - Anh tôi nghèo, sáng chiều đều phải đi chợ, nên không tiện dời đi xa. Cảnh công cười, hỏi: - Nhà ông thường đi chợ, vậy có biết hàng hoá mắc hay rẻ không? Hồi đó Cảnh công dùng nhiều hình phạt quá, nên Án Anh đáp: - (Mọi vật giá đều) nhảy vọt lên[1], duy có giày là rẻ. - Sao vậy? - Vì hình phạt (chặt chân) nhiều quá. Cảnh công kinh ngạc, biến sắc, bảo: “Quả nhân tàn bạo lắm ư?” rồi bớt bỏ đi năm hình phạt. ° Có người bảo: Án tử bảo giá nhảy vọt lên, không phải là nói thực, chỉ muốn mượn lời đó khuyên vua đừng dùng nhiều hình phạt nữa. Đó là cái hại không biết thuật trị nước. Hình phạt mà thích đáng, thì nhiều cũng vô hại, nếu không thích đáng thì tuy ít cũng là hại. Án tử không giảng cho vua lẽ thích đáng của hình phạt, mà chỉ chê là nhiều quá, đó là cái hại vô thuật. Phạt quân thua trận thì đến số ngàn số trăm vẫn chưa ngăn được sự bại tẩu; vậy thì dùng hình phạt để dẹp loạn, chỉ sợ không xuể mà kẻ gian hãy còn. Án tử không xét là thích đáng hay không mà chỉ cho là nhiều quá chẳng là bậy ư? Tiếc cỏ tranh thì làm cho hại lúa má, nhân từ với đạo tặc là làm hại cho lương dân. Nay làm nhẹ hình phạt mà khoan dung tức là làm lợi cho kẻ gian, hại cho người. 2- Không có công thì không thưởng mà có tội thì phải phạt: Hàn Phi chê Tề Hoàn công phát của kho, tha tội nhẹ cho dân khi ông ta ân hận vì mắc một lỗi nhỏ (uống rượu say đánh rớt mão). 3 - Muốn tránh hoạ thì đừng làm, đừng cho thấy: Xưa, Văn Vương xâm lấn nước Vu, đánh nước Cử, chiếm nước Phong, ba lần dùng binh như vậy nên bị vua Trụ ghét. Văn Vương sợ, dâng đất Lạc Tây, một miền đất nhỏ (phì nhiêu)[2] rộng một ngàn dặm vuông để xin bỏ hình bào lạc,[3] thiên hạ đều mừng. Trọng Ni nghe chuyện đó bảo: "Văn Vương thật là nhân từ coi nhẹ một nước ngàn dặm mà xin bỏ hình bào lạc! Văn Vương thật là minh trí, bỏ đất ngàn dặm để được lòng thiên hạ!" ° Có người bảo: Trọng Ni khen Văn Vương là minh trí, chẳng là lầm ư? Bậc minh trí biết chỗ tai họa mà tránh, cho nên thân (không?) bị hại. Nếu Văn Vương bị vua Trụ ghét vì ông không được lòng dân, mà ông tìm cách được lòng dân để vua Trụ không ghét nữa, như vậy là phải. Nay vua Trụ đã ghét ông vì ông rất được lòng dân, mà ông lại coi rẻ đất đai để thu phục lòng dân thì cảng thêm bị vua Trụ nghi, nên mới bị xiềng xích trong ngục Dữu Lí đấy. Các ông già nước Trịnh có câu: “Hiểu đạo lý thì nên đừng làm gì, đừng cho thấy.” Lời đó thật thích hợp với Văn Vương để cho người khác khỏi nghi ông, Trọng Ni khen Văn Vương minh trí là chưa hiểu lời nói đó![4] 4- Ngũ Bá (Tề Hoàn công, Tống Tương công, Tấn Văn công, Tần Mục công, Sở Trang công) sở dĩ thành công là nhờ sức của các vua lẫn bề tôi, chứ không phải của riêng bề tôi, hoặc của riêng vua. Hàn Phi đưa ra chứng cứ: “Xưa Cung Chi Kì ở nước Ngu, Hi Phụ Kì ở nước Tào, đều là những bề tôi minh trí, đoán trúng việc, làm nên công, mà hai nước đó đều bị diệt vong là vì có bề tôi tốt mà không có vua hiền. Lại như Kiển Thúc giúp nước Ngu mà Ngu bị diệt vong, giúp nước Tần thì Tần thành bá chủ, như vậy đâu phải là ở nước Ngu thì tối tăm, ở Tần thì sáng suốt, chỉ do gặp được vua giỏi hay không”. (….) 5-Trị nước không phải là việc dễ, nhàn, vì dù lựa được bề tôi giỏi rồi, cũng phải có thuật sai khiến họ, xét họ, đối phó với họ. 6- Cần xét kĩ lí do rồi mới kết luận được. Lí Khắc[5] trị nước Trung Sơn. Quan lệnh ấp Khổ Hình trình bản kế toán, số thu quá nhiều, Lí Khắc bảo: “Lời nói khéo léo, nghe thì thích, nhưng không hợp tình lí, như vậy gọi là "điệu ngôn" (lời không thực, hư ngôn). Không có mối lợi về núi, rừng, chằm hang mà số thu được nhiều, như vậy gọi là “điệu hóa” (hóa vật không có thực, hư vật). Người quân tử không nghe “điệu ngôn”, không nhận “điệu hóa”; ông nên từ chức đi. ° Có người bảo: Lí tử lập thuyết: “Lời nói khéo léo, nghe thì thích nhưng không hợp tình lí, như vậy gọi là “điệu ngôn”. Khéo nói là làm cho người nghe thích, cái đó tùy người nghe. Người nói đã không phải là người nghe thì sự khéo nói cũng không phải là sự thích[6]. Cái mà Lí tử bảo không hợp tình lí không tùy thuộc người nghe mà tùy thuộc lời người đó nghe được. Người nghe nếu không phải là tiểu nhân (vô học) thì là quân tử. Tiểu nhân không hiểu tình lí, vậy không thể xét lời nói xem có hợp tình lí hay không; quân tử biết xét lời nói xem có hợp tình lí hay không thì tất không thể thích được (vì lời nói khéo không hợp tình lí). Vậy bảo “Lời nói khéo nghe thì thích nhưng không hợp tình lí” là nói sai”. - Thu được nhiều mà cho là “điệu hóa”, lời đó chưa phải là luôn luôn đúng[7]. Lí tử không sớm cấm điều gian, để cho viên lệnh làm kế toán như vậy, là có lỗi rồi. Ông không có thuật nào để biết là gian, mà cứ thấy ghi thu được nhiều là nói láo, thì mới làm sao đây khi số thu bất thường[8]? Thu được nhiều (có thể) là nhờ được mùa. Làm lụng mà chú trọng đến sự hòa hợp của âm dương, trồng trọt mà hợp với bốn mùa, không mất mát vì muộn quá, sớm quá, không bị các họa lạnh quá hay nóng quá thì thu hoạch được nhiều. Tìm hiểu kỹ thuật nuôi súc vật, nghiên cứu đất xem phù hợp với loại cây nào thì lục súc sinh sản nhiều, ngũ cốc tươi tốt mà thu được nhiều. Hiểu rõ việc cân, lường, kế toán, xét rõ địa hình, biết dùng cái tiện lợi của xe thuyền, máy móc, thì dùng sức ít, kết quả lớn mà thu được nhiều. Làm cho sự đi lại các chợ, búa, cửa ải và cầu được tiện lợi để đem hàng hóa từ chỗ dư tới chỗ thiếu, khách mua bán qui lại, ngoại hóa tụ lại, rồi tiết kiệm trong việc tiêu xài, ăn uống, xây cất cung thất, chế tạo khí giới, có đủ vật thường dùng mà không phung phí vào những vui chơi xa xỉ, thì thu được nhiều. Những sự thu được nhiều đó đều do sức người; nếu lại thêm mưa thuận gió hòa, nóng lạnh thích hợp thì dù đất không tăng, gặp năm được mùa, số thu cũng nhiều. Sức người và thời tiết, hai cái đó đều làm cho thu vào nhiều, không phải là mối lợi của rừng núi, chằm hang. Vậy gọi là “điệu hóa” chỉ vì không có mối lợi rừng núi, chằm hang mà thu được nhiều, là lời nói của kẻ không biết thuật trị nước. ° 7- Vua không cần xông pha tên đạn mà cần biết cách thưởng phạt. Tóm tắt: Triệu Giản tử vây một thành của Vệ, đứng phía sau đánh trống thúc quân mà quân không tiến. Nghe lời khuyên của Chúc Quá ông xông tới trước, đứng chỗ tên đạn mà thúc quân, lúc đó quân mới theo ông xông lên, mà đại thắng. Hàn Phi chê là không cần như vậy, cứ thưởng công cho xứng, phạt tội cho nghiêm thì quân sĩ sẽ tử chiến vì mình.
[1] Nguyên văn, dũng quí 踴蕢có sách giảng (tức là) tả một đồ dùng để chôn cất (vì nhiều người chết chém mà đồ đó đắt giá). Có sách lại giảng “dũng” là giày cho người cụt chân (vì tội mà bị chặt chân) hoặc chân giả cho người cụt chân dùng. [2] Nguyên văn là xích nhưỡng, có sách cho là tên đất, tên nước. [3] Coi chú thích ở Thiên XL Nạn thế. [4] Tư tưởng trong đoạn này giống Đạo gia, nên có học giả còn ngờ. [5] Lí Khắc, hoặc Lí Đoái, Lí Khôi - coi phần I. [6] Nguyên văn: Ngôn phi thích giả dã, tắc biện phi duyệt giả dã. Câu này có sách không chép, đại ý là: Không phải có người thích mà là khéo nói. [7] Nguyên văn: vị khả viễn hạnh giả Trần Khải Thiên cho viễn = cửu (lâu). Chúng tôi đoán ý mà dịch như trên. [8] Nguyên văn là 倍(bội) (chữ tiếng Trung này trong sách viết sai thành chữ (vị 位: vị trí) bản Trần Khải Thiên bảo chữ bội 倍(nghĩa là gấp đôi) đó xưa dùng như chữ (bội = trái đạo ngược lí) 悖
[1] Nguyên văn, dũng quí 踴蕢có sách giảng (tức là) tả một đồ dùng để chôn cất (vì nhiều người chết chém mà đồ đó đắt giá). Có sách lại giảng “dũng” là giày cho người cụt chân (vì tội mà bị chặt chân) hoặc chân giả cho người cụt chân dùng. [2] Nguyên văn là xích nhưỡng, có sách cho là tên đất, tên nước. [3] Coi chú thích ở Thiên XL Nạn thế. [4] Tư tưởng trong đoạn này giống Đạo gia, nên có học giả còn ngờ. [5] Lí Khắc, hoặc Lí Đoái, Lí Khôi - coi phần I. [6] Nguyên văn: Ngôn phi thích giả dã, tắc biện phi duyệt giả dã. Câu này có sách không chép, đại ý là: Không phải có người thích mà là khéo nói. [7] Nguyên văn: vị khả viễn hạnh giả Trần Khải Thiên cho viễn = cửu (lâu). Chúng tôi đoán ý mà dịch như trên. [8] Nguyên văn là 倍(bội) (chữ tiếng Trung này trong sách viết sai thành chữ (vị 位: vị trí) bản Trần Khải Thiên bảo chữ bội 倍(nghĩa là gấp đôi) đó xưa dùng như chữ (bội = trái đạo ngược lí) 悖