Tôi ngồi dưới bụi tre nghỉ giữa anh Tâm và anh Trung. Bụi tre rậm nên thỉnh thoảng mới có ít giọt nước mưa rơi xuống, mặt đất vẫn còn khô. Cô Hồng, anh Minh và anh Cường ngồi ở bụi tre gần đó, xì xào điều chi đó. Tiếng mưa rơi lộp độp trên lá cây, với tiếng gió nên tôi không nghe được tiếng nào. Hai anh Tâm và Trung im lặng trong đêm, tôi nói với họ: -- Hai anh nằm ngủ đi, Quang nằm ngồi nghỉ một chút rồi đi ngay. Quang sẽ nói anh Minh hoặc anh Cường trực đêm. Các anh phải thay phiên nhau gác đó phòng khi có chuyện gì.... -- Thôi chuyện đó để Trung lo. Trung sắp xếp sau. Quang nghỉ một chút rồi cứ tự nhiên đi, chuyện của bọn này bọn này lo được mà. Bọn này cũng đã phiền Quang quá nhiều. Không biết bao giờ bọn này mới có dịp giúp Quang lại. Lời của anh Trung như ly nước mía uống được khi trời đang nóng bức, tôi ngồi im nhưng lòng khoan khoái lắm, ít ra cũng có người hiểu sự nguy hiểm mà tôi có thể gặp. Tôi khoác ba lô, đứng lên: -- Quang đi đây, các anh giữ gìn cẩn thận. Nếu không có gì, chiều nay Quang ghé tới. Nấu nướng các anh phải chọn cành khô, đừng để bốc khói. Chuyện đó các anh biết rồi. Hay tạm ăn ít lương khô mà Quang đã đưa nếu còn. Tôi tới chào cô Hồng, anh Minh và anh Cường: -- Các bạn ở lại nha! Quang phải đi tới làng Tung Breng. Chiều nay Quang trở lại. Cô Hồng ngồi dậy, nắm tay tôi thật chặt: -- Cám ơn anh Quang nha! Anh cố trở lại sớm! Những cuộc chia tay nào cũng có chút bịn rịn, nhất là giữa phái nam và phái nữ, dù quen sơ hay quen thân. Tôi liên tưởng tới lần Nhung ôm hôn tôi hôn khi tôi để Nhung ở lại nhà cô Liễu. Tự nhiên tôi muốn ôm cô Hồng vỗ về như vỗ về Nhung mà tôi chưa có dịp được an ủi chăm sóc từ khi tôi đọc nhật ký của nàng. Đời người con gái như cánh hoa trong sương gió, mỏng manh dễ bị tàn dập trong bão tố mưa sa. Tôi trấn tĩnh không choàng ôm cô Hồng như lòng tôi mong muốn khi sực nghĩ tới anh Minh cũng vừa ngồi dậy. Phải chăng tôi yêu Nhung hơn là yêu Du? Hình như tôi cũng như những thanh niên khác có khuynh hướng bảo vệ những người con gái yếu đuối? Tôi vội vã rời mọi người trước khi trời hửng sáng. Trời mưa nên bóng tối hãy còn dài mặc dù đã hơn bốn giờ sáng rồi. Tôi chỉ cần đi thêm chừng một tiếng nữa là tới làng Tung Breng, có lẽ trời cũng mờ mờ sáng. Ttrời mưa thế này thì chắc kéo dài cả ngày, không chừng hai ba ngày cũng nên. Tôi đi một thân một mình với một ba lô chỉ vỏn vẹn có ít đồ lặt vặt nên đi rất nhanh. Vừa gần tới đầu làng tôi đã nghe tiếng than van khóc lóc của người khóc người đã chết rồi. Tôi giật mình lo sợ. Phải chăng là điềm không hay trong chuyến đi này của những người tôi vừa quen. Tiếng khóc than van của người làng tỉ tê với tiếng gió nghe thê thảm dường bao. Tôi nhìn quanh làng và quyết định tới dưới gốc cây gạo to để bao lô xuống đất rồi tựa lưng vào đó ngủ chờ trời sáng hẳn thay vì vào làng ngay vì biến cố bất ngờ này. Vào làng lúc có người chết trong đêm tối có thể làm người làng khiếp đảm như tôi là thần chết tới gõ cửa. Tôi cảm thương cho gia đình nào đó vừa có người qua đời, nhưng vừa ngồi xuống tựa lưng vào gốc cây gạo là thiếp đi dưới cơn mưa lã chã. Khi tôi giật mình tỉnh dậy nhìn đồng hồ thì đã chín giờ sáng. Tôi đã ngủ thiếp đi một giấc dài gần 4 tiếng. Người khoan khoái mặc dù trời vẫn còn đang mưa. Trong làng vẫn không có động tịnh nào ngoài tiếng khóc tỉ tê của gia đình nào đó thỉnh thoảng ré lên. Tôi dụi mắt đứng dậy, khoác ba lô lên vai vào làng tìm gặp thầy Dũng trước tiên trong nhà ông làng trưởng. Tôi đập cửa, cậu con trai của ông làng trưởng mở cửa. Tôi cúi đầu vào nhà chào ông bà làng trưởng đang ngồi bên bếp lửa. Thầy Dũng nằm co ro trong xó nhà, trông ốm hẳn ra, con mắt hõm sâu đen. Thầy rất ngạc nhiên khi thấy tôi. -- Chết Dũng mất, Quang ơi! Cả làng bị bệnh! Chắc kỳ này chết hết vì bệnh dịch tả! Nghe nhắc tới dịch tả, tôi hỏi liền: -- Đã có ai đi khai báo với bệnh xá huyện chưa? -- Không biết nữa! Quang hỏi ông làng trưởng thử! Tôi quay sang hỏi ông làng trưởng: -- Có bao nhiêu người bị bệnh, và có ai đi bệnh xá khai báo chưa? -- Cả cái làng bị bệnh, không có ai đi được. -- Ông có bị không? -- Tôi cũng bị, cứ tí tí là phải chạy ra rừng! -- Có ai sang trại bộ đội gặp y tá bên đó chưa? -- Không, chưa có đâu! Tôi nói với ông trưởng làng là phải nói với mọi người từ bây giờ không ai được uống nước lạnh hay ăn đồ ăn không nấu chín nữa cho tới khi y tá hay bác sĩ nói thôi. Tôi cùng ông trưởng làng đi tới từng nhà căn dặn mọi người để ngăn chận bệnh dịch lan tràn. Tôi nghĩ chưa hẳn đã là dịch tả vì mới có một người chết thôi, trong khi bệnh bắt đầu đã hai hôm rồi. Nhưng dù sao cẩn thận cũng hơn. Mặc trời mưa tôi đi xuống vọt nước tắm cho sạch sẽ, giặt qua loa bộ đồ tôi mặc đã thấm ướt rồi chỉ mặc quần đùi và mình trần trở lại làng thay đồ khô ráo rồi mượn chiếc áo mưa của thầy Dũng đi tới đồn bộ đội cách đó cũng hai tiếng để nhờ y sĩ hay y tá. vào làng xem thử coi như thế nào. Trong làng cũng không có ai khoẻ để tôi gởi đi về bệnh xá huyện. Tôi lủi thủi một mình đi trong mưa, suy tính đắn đo làm sao để giúp dân làng, đồng thời tìm cách trở lại báo cho các bạn vượt biên biết tình hình hiện tại. Chuyến đi từ làng đến trại bộ đội rồi trở về cũng mất hơn bốn tiếng đồng hồ, rồi tôi phải trực tiếp về huyện báo cho bệnh xá để họ cử người lên. Có thể vọt nước bị nhiễm độc chứ làm sao mà cả làng đều bị đi tiêu chảy. Có thể họ bị ngộ độc vì ăn uống tiệc tùng gì đó mà trong lúc hốt hoảng tôi đã không hỏi kỹ lưỡng. Đúng là hốt hoảng hay vội vã dễ làm hỏng chuyện. Tôi định bụng là khi trở lại sẽ điều tra kỹ hơn. Bây giờ thì chỉ lo đi nhanh tới trại bộ đội để xem chú Minh có thể giúp được gì không, chứ về bệnh xá huyện mất hết cả hơn ngày, e không kịp cứu nếu đó là bệnh dịch tả thật. Trời mưa nên khi tôi vào đến căn cứ bộ đội đập cửa thì các anh ấy mới biết. Đúng là cảnh giác thời bình không có kỹ lưỡng như thời buổi chiến tranh. Tôi trình bày tình hình, thì quả đúng như tôi dự đoán trước, chú y sĩ hỏi: -- Thế Quang có biết họ đã ăn gì mấy ngày rồi không? -- Dạ không, cháu mới lên thì thấy ai cũng bị bệnh nên hoảng quá phải vào cầu cứu các chú đó! -- Trời mưa gió thế này thì chú không đi được, nhưng chú có thể chỉ cách cho cháu lo. Bệnh dịch tả thì người ta ỉa chảy, đau thắt và mửa óc dài dài, cứt có khi có máu nữa. Cháu về coi lại đi. Bắt người ta nhịn ăn, uống nước sôi pha với máu, cho thêm ít đường vào cho dễ uống, hay uống nước gạo rang. Có lá mơ thì cắt nhỏ rán với trứng gà. Cầm chừng vài ngày là xong. Có lẽ tại họ ăn bẩn nên bị vậy đó. Tôi qua sang chú Minh, thủ trưởng của căn cứ cầu cứu, may ra chú thương tình chú có thể nói một tiếng để chú y sĩ theo tôi vào làng, mất chừng vài tiếng đồng hồ, trong ngày mưa gió thì đâu có đến nỗi nào, nhưng chú Minh im lặng không nói gì để yên cho chú y sĩ nói chuyện giải thích cách săn sóc người bệnh một cách cặn kẽ. Tôi năn nỉ: -- Thôi chú vào xem tình hình giùm cháu đi, cháu chỉ là giáo viên đâu có rành với mấy thứ bệnh đó! -- Không được, chú phải ở lại căn cứ! Lệnh trên có thể di chuyển bất cứ lúc nào. Đâu có thể một mình đi vào với cháu được. -- Một mình không được thì chú kêu thêm ba bốn chú nữa đi cùng, cháu hôm qua có gặp một toán bộ đội ở làng Ea Rung, trong đó có chú Quốc dẫn đầu đi bắt người đó. -- Vậy hở? Có bắt được hay bắn chết mấy thằng vượt biên không? Đ.M, đã được giải phóng rồi mà còn ngoan cố trốn ra nước ngoài làm nô lệ cho giặc Mỹ, đúng là đám vong quốc! Tôi trả lời gọn ghẽ không dám nói nhiều sợ các chú các anh bộ đội nổi nóng chửi luôn cả tôi: -- Dạ chưa bắt được! -- Bắt làm gì lũ đó, bắn chết cho rảnh tay, đường nào mình cũng có phần thưởng, 200 đồng một mạng đó, sống chết gì cũng vậy! Giữ đám đó làm gì cho toi cơm tốn của! Tôi làm gan nói: -- Thì các chú các anh đi với cháu vào làng Tung Breng rồi nhân tiện lúc trở về đi lùng bắt luôn. -- Đám đó làm gì lên đây, rừng sâu khó đi. Có đi có lẽ họ sẽ đi theo lối Đức Cơ - Pleime, bên đó đã có căn cứ bộ đội lo công trường khai hoang rồi, có đi đàng trời! Tôi hơi an lòng vì căn cứ ở đây hơi chủ quan không nghĩ tới chuyện săn đuổi ở vùng này, các anh Trung, anh Tâm, anh Minh, anh Cường và cô Hồng có thể được để yên ít hôm nếu họ khôn khéo không để khói bếp hay để lại dấu vết khả nghi trong rừng. Hai trăm đồng một mạng người! Ở xứ nào mà mạng người rẻ rúng thế này! Chết hay sống cũng cùng một giá! Bắt người rồi cho chuộc lại bằng hai ba cây vàng coi bộ lời và có lý hơn. Năn nỉ riết cũng không được tôi đành từ giã chú Minh, chú y sĩ và các anh bộ đội khác để đi về cho kip. Tôi nảy ra một quyết định là tôi tới làng Ea Blang gặp thầy Nhân viết giấy gởi về Phòng Giáo Dục nói rõ tình hình và lý do tôi có thể chậm trễ vài ngày nhưng nhất định sẽ về kịp ngày bắt đầu khóa huấn luyện. Tôi viết kỹ để xin anh Nhật trực tiếp liên lạc với huyện để cử y sĩ hay y tá theo thầy Nhân lên làng để điều trị dân làng. Tôi biết là tôi đã ra ngoài phạm vi của một giáo viên, nhưng phải quyền biến thích nghi với hoàn cảnh, không lẽ thấy chết mà không cứu. Công tác của một giáo viên lý tưởng không phải chỉ hạn hẹp trong việc dạy đọc chữ mà cả trong việc truyền bá văn hoá, vệ sinh và cách sống. Việc gì cũng vậy, phải hết lòng và sẵn sàng vượt ra khỏi phạm vi thường nhật của mình. Tôi đang làm công tác dân vận cho nhà nước hiện tại đó mà, anh Nhật đâu thể trách cứ tôi được. Dù sao tôi cũng cảm động khi chú Minh gọi tôi vào xuống bếp nói với anh nuôi đưa cho tôi một số lương khô, ít gói muối và đường. -- Cháu cầm lấy mà dùng, chú không gởi người vào được, nhưng không phải là chú không muốn giúp. Chú là thủ trưởng, nhưng tuổi đảng không bằng chú y sĩ đâu. Tôi nói: -- Cháu đâu dám trách các chú. Cháu chỉ lo cho dân làng thôi. Còn các chú phải lo việc lớn mà, cháu nhỏ đâu có hiểu nổi chuyện của các chú. -- Hồi xưa, chú cũng như cháu vậy, cũng nhiệt tình hăng say! Con chú chắc giờ này cũng tuổi cỡ cháu mà chú chưa về thăm được. Tôi tự nhiên thấy thương chú Minh, tội nghiệp chú, một người chiến binh bao năm trời chưa về thăm nhà, dù là đã hoà bình rồi. Tôi muốn hỏi tại sao chú không xin nghỉ phép, nhưng lại thôi. Tôi hứa với lòng mình sẽ tìm cách trả ơn chú Minh, mong sao chú sớm được về thăm gia đình.