Dịch giả : Lê Kim
Chương 4
Năm Đường phản, Sơn Vương bị bắt
Mê nhà báo Thảo gặp Nam Kiều

 
Mất trọn kỳ phát lương, Ren Gaillard bực lắm.
Mất tiền không đáng kể nhưng bị một thằng điếm thúi dùng súng giả cướp súng thiệt của mình mới là đau. Dòng máu anh chị của thằng Tây gốc đảo Corse này là máu nóng, không thể chịu người ta làm nhục nên hắn cấp tốc tới gặp giám đốc Mật thám Sài Gòn là cò Bazin nhờ tung hết nhân viên “rờ-sẹc” truy bắt kẻ cướp mà hắn tả rõ hình dạng dấu riêng: “người cao khoảng một thước bảy mươi, mình dây, nói tiếng Tây cỡ “cours supérieur” (lớp nhất tiểu học).
Bazin nghe xong, gật gù nói:
- Đánh cướp kiểu đó phải là kẻ có học, từng mê tiểu thuyết của Phú Đức với các nhân vật Bách-si-ma và Hoàng Ngọc Ẩn lái điếu Xì gà và Khúc Dồi phóng như bay trên đường nhựa. Được rồi! Tôi sẽ ra bố cáo cho các nơi truy tìm hung thủ. Nhưng tốt nhất là ông nên treo một giải thưởng để khêu gợi lòng tham những kẻ biết tung tích hung thủ.
Gaillard gật:
- Tôi treo giải thưởng một phần mười số tiền đã bị cướp. Tức là năm ngàn đồng.
Vài ngày sau có bố cáo khắp nơi treo giải thưởng năm ngàn đồng cho ai chỉ bắt bọn cướp lái xe du lịch Clément Bayard.
Tiền thưởng quá lớn thúc dục đám mật thám đua nhau truy tìm kẻ gian. Nhờ chi tiết về hiệu chiếc xe mà công việc săn bắt trở nên dễ dàng. Hiệu xe này mới quá. Cả Nam kỳ chỉ có chừng chục chiếc. Riêng Sài Gòn chỉ có năm chiếc. Cứ quần năm chủ xe thì thế nào cũng ra mối. Tội nghiệp Năm Đường đã bợ của Sơn Vương mười ngàn đồng mà ăn ngủ không yên. Mỗi lần đám rờ-séc tới làm “ăn kết” về chiếc xe Clément Bayard là hắn nổi da gà. Sau mấy đêm không ngủ, Năm Đường đành tới bót thú tội đã cho Sơn Vương mượn chiếc xe để đi ăn cướp. Mặc dầu Sơn Vương đã rời nơi trú ẩn, nhưng không sao tránh lọt khỏi “thiên la địa võng”. Rồi một ngày nọ Thảo đọc trên báo một cái tin hết sức giật gân: Sơn Vương, nhà văn - tướng cướp đã sa lưới. Mấy đêm liền Thảo mất ngủ. Người anh em kết nghĩa và là ân nhân của mình đã xộ khám. Vào tù ra khám là chuyện tất nhiên của kẻ cướp dù tài ba đến mức nào. Biết vậy mà Thảo không khỏi ngậm ngùi cho Sơn Vương. Anh theo dõi vụ xử trên báo hàng ngày, gọi là chia buồn cũng như trước đây đã chia vui với tay giang hồ mã thượng gốc Gò Công này.
Bắt được Sơn Vương, Bazin điện ngay cho Gaillard tới Catinat dự cuộc thẩm vấn:
- Trước khi điều tra, tôi giao nó cho ông trong mười lăm phút. Nó cướp của ông năm chục ngàn, ông có thể làm gì nó cho đáng số tiền đã mất. Dân giang hồ chơi nhau bằng luật giang hồ trước đã. Pháp luật sẽ tính sau. Đây, roi gân bò sẵn đó.
Gaillard chụp roi gân bò quất trót trót trong không khí rồi nhìn trừng trừng con mồi, nói từng tiếng:
- Tao tính rẻ mạt: một ngàn là một roi. Mấy chịu nổi năm chục roi?
Sơn Vương ôn tồn đáp:
- Chỉ sợ ông mỏi tay thôi!
Gaillard ngạo nghễ:
- Mấy chưa gục ngã, tao chưa mỏi tay!
Hắn thẳng tay quất roi gân bò vô mình Sơn Vương đang bị còng hai tay. Ngọn roi đầu xé rách chiếc áo sơ mi lụa lèo. Mấy roi sau biến chiếc áo rách thành mớ bùi nhùi. Máu rịn theo các vết hằn trên da.
Sơn Vương cắn răng ván nội công, hai mắt trợn trừng nhìn Gaillard như thôi miên.
Mới có trên mười roi, Gaillard đã thấm mệt. Hắn vứt roi hổn hển nói:
- Tao cho mấy thiếu số còn lại.
Sơn Vương bật cười khanh khách:
- Ông quen cho vay với bao nhiêu phân lời? Mà dù ông cho vay không lấy lời tôi cũng cám ơn. Sơn Vương không có thói quen vay hỏi. Khi cần thì mượn tạm của nhà giàu như bọn ông. Tánh tôi thích sòng phẳng. Ông nên cầm roi lên đánh cho đủ số đi.
Gaillard khoát tay:
- Tao cho mấy luôn đó. Mà tao không thèm kiện thưa mầy để mất thì giờ đi hầu toà.
Quay lại Bazin, Gaillard nói:
- Tôi muốn nói chuyện riêng với ông.
Bazin nhấn chuông cho lính đưa Sơn Vương ra ngoài.
Galllard hỏi:
- Ông làm mật thám lâu đời, có bao giờ ông gặp một thằng cướp như thằng này không? Nó hiên ngang, nó anh hùng quá, phải không ông?
Bazin im lặng nghe, Gaillard nói tiếp:
- Đảo Corse quê tôi nổi tiếng sản sinh những tay tướng cướp sừng sỏ nhất thế giới, nhưng so với thằng này thì ít ai hơn được.
Bazin hỏi:
- Vì vậy mà ông tính tha cho nó?
Gaillard gật:
- Đảo Corse chúng tôi có câu: anh hùng phải trọng anh hùng.
Bazin nhún vai:
- Đó là chuyện của ông. Còn tôi thì phải tôn trọng luật pháp. Nó phải ra toà lãnh án.
Gaillard bắt tay Bazin:
- Chuyện ai nấy làm. Nhưng tôi nói trước là tôi sẽ không đi hầu toà trong phiên xử hắn. Dù sao cũng cám ơn ông đã giúp tôi giáp mặt một kẻ giang hồ hảo hớn.
Tên phó giám đốc sở cao su Mimot đi rồi, Bazin ngồi thừ khá lâu. Thái độ kỳ lạ của Gaillard làm tên trùm mật thám ngạc nhiên. Và phản ứng của tên mật thám là sưu tra lai lịch. Hắn nhận chuông cho nhân viên sưu tra tìm hồ sơ của tên Ren Gaillard, phó giám đốc sở cao su Mimot. Chỉ nửa giờ sau, Bazin có trước mật hồ sơ cần xem. Lai lịch vắn tắt mấy dòng: Ren Gaillard là em của Charles Gaillard. Cả hai đều là tù vượt ngục khám La Santé ở Paris, trốn qua Mỹ chuyên đánh cướp các ngân hàng. Vụ sau cùng đánh một xe bạc, trốn qua Đông Dương mua cổ phần đồn điền cao su Terres Ronges.
Bazin gật gù: “Thảo nào! Cùng một húi với nhau cả mà!”
Làm tiểu chủ chỉ vất vả lúc đầu, về sau có một số thân chủ, tiền thu nhập đủ sống, Thảo sống nhàn hạ. Thú vui của anh là uống trà đọc báo. Sài Gòn có nhiều cái hấp dẫn mà đứng đắn là báo. Chỉ cầm tờ báo lên là ta biết đủ thứ chuyện trên đời. Chuyện trong nước, chuyện thế giới. Ngoài tin tức thời sự, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội, còn có tiểu thuyết để thay đổi không khí. Tiểu thuyết đăng báo hằng ngày nhiều cái rất hấp dẫn, đã đọc thì ghiền, cứ trông chờ báo hôm sau để biết tình tiết diễn ra làm sao. Các tác giả viết theo lối chương hồi của chuyện Tàu “câu chuyện ra sao, hồi sau phân giải”.
Một trong những tiểu thuyết đăng trên tờ Đông Pháp thời báo ký tên Nam Kiều. Thảo chưa gặp ông ta lần nào, nhưng đọc văn thấy hay. Anh đoán Nam Kiều là người miền Bắc vô Nam đã lâu vì giọng văn rõ ràng là ngôn ngữ Bắc Hà nhưng có pha lời lẽ Nam Bộ. Nội cái tên Nam Kiều cũng chỉ rõ tác giả là kẻ từ xa đến miền Nam. Nam Kiều đã chinh phục tình cảm của Thảo. Với vài bạn thích văn chương tiểu thuyết, Thảo thường bàn chuyện và đa số đồng ý nhận xét sau: Bắc giỏi văn, Trung giỏi thơ còn Nam giỏi báo.
Quyết tới toà soạn làm quen với nhà văn Nam Kiều, Thảo được chủ bút tờ Đông Pháp thời báo tiếp.
Thảo đi thẳng vô đề:
- Cho tôi gặp nhà văn Nam Kiều.
- Nam Kiều là tôi đây.
Thảo ngẩn ngơ:
- Ông là chủ bút Trần Huy Liệu mà...
- Viết báo tôi ký tên Trần Huy Liệu, viết văn tôi ký nhiều tên, ở đây là Nam Kiều, trên các báo khác là Đầu Nam, Côi Vị, Hải Khách, Hải Thu, Kiếm Bút, Âm Hận...
Thảo bật cười:
- Người sao mà nhiều tên quá! Viết nhiều báo chắc ông giàu lắm?
Liệu cười lớn:
- Giàu lắm! Giàu hay không, hãy xem cách ăn mặc của tôi đây. Cuộc sống của nhà văn An Nam mình, bậc tiền bối Tản Đà đã nói rõ rồi: “văn chương hạ giới rẻ như bèo”, Nguyễn Vỹ than “nhà văn An Nam khổ như chó”... Nhưng hãy bỏ qua chuyện giầu nghèo. Nhà văn chúng tôi viết là vì sứ mạng của người cầm bút. Những bút hiệu của tôi đã nói quá rõ tâm tư của nhà văn nhà báo một nước bị mất, quyền độc lập tự do...
Cuộc gặp gỡ này đưa Thảo tới một khúc quanh mới. Đi tìm nhà văn Nam Kiều, Thảo lại gặp nhà báo Trần Huy Liệu. Những lần đi lại với nhau sau đó gắn hai kẻ đồng hương. Trần Huy Liệu là Đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng hoạt động ở miền Nam. Nhờ khả năng nói và viết rất hùng biện, Liệu được giao nhiệm vụ tuyên truyền. Những ai đã nghe ông nói, không sớm thì muộn đều xin gia nhập Đảng, dù biết “dấn thân vô là phải chịu tù đầy” nhưng tinh thần dân tộc là truyền thống bất khuất của dân Nam. Thảo trở thành đảng viên tích cực.

Truyện NGUYỄN BÌNH, Huyền Thoại và Sự Thật ---~~~cungtacgia~~~---

4 Tác phẩm