ái chết của Roosevelt Những ngày kế tiếp đã làm cho các trang sử lật qua với một nhịp độ mau đến nỗi câu chuyện chiếc thiết giáp hạm Yamato và cuộc kháng cự kịch liệt của quân Nhật tại Okinawa còn chiếm hàng đầu của tin tức thời sự nữa. Khi những bức ảnh chính thức về cuộc hội nghị của các Quốc trưởng tại Yalta xuất hiện trên trang nhất của báo chí, thì những dáng nét bị tàn phá của Tổng thống Hoa Kỳ đã tương phản với khuôn mặt đỏ au của Churchill và khuôn mặt sắc sảo của nhà độc tài tại Mạc Tư Khoa đến nỗi cả dân tộc Mỹ đều thấy khó chịu như mắc một căn bệnh không định nghĩa được. Những bài diễn văn thường điểm một vài nét lạc quan vững chắc của ông giờ đây nhuốm màu sắc một chủ nghĩa thần bí, mà các cộng sự viên thân tín không thể nào hiểu nổi ý nghĩa. Khi lên tiếng nhân dịp lễ kỷ niệm Jefferson, bất ngờ ông nhấn mạnh đến sự kiện theo đó người tiền nhiệm siêu phàm của ông là một nhà “bác học” và trích dẫn các tài liệu viết về “tinh thần huynh đệ của khoa học và mối liên hệ vĩ đại giữa các dân tộc mà công cuộc tìm kiếm chân lý đã kết tạo nên”. Vài ngày sau, ông phải đọc một bài diễn văn mới nhân dịp lễ nhậm chức nhiệm kỳ 4 của ông. Các bắp thịt mạnh mẽ trên đôi vai lực sĩ của ông chỉ có thể nâng đỡ ông đôi chút bề ngoài khi ông đứng dậy để nói với cử tọa. Ông lại chuyên tâm bắt đầu cùng một luận đề như trước. “Chúng ta đang đứng trước, ông nói, một sự kiện chủ yếu: nếu nền văn mình phải sống sót, thì khoa học mà chúng ta phải được dạy dỗ là khoa học về những mối giao tiếp giữa con người, về tính cách khả hữu của sự làm việc trong hòa bình cho tất thảy mọi dân tộc”. Câu nói đầy màu sắc triết lý của Wilson này đối với các cố vấn của ông thật bất ngờ vì họ chờ đợi ông nói đôi lời ám chỉ mạnh mẽ đến các chiến sĩ tại Okinawa và đến sự ghê rợn của những cuộc tấn công của các phi công Thần phong Kamikaze. Nhưng câu nói ấy đã thật sự làm cho một sống rất nhỏ các nhân vật hiện diện ngẩn ngơ, những người được chia xẻ với ông sự bí mật được giữ kỹ nhất của kỹ nghệ chiến tranh Hoa Kỳ. Họ thấy một cách hợp lý trong câu nói ấy có sự phản ánh niềm lo âu của ông trước một tin tức hấp dẫn vừa được thông báo cho ông và họ là những người được biết: sự thực hiện cấp kỳ một quả bom nguyên tử do một nhóm các nhà bác học thuộc đủ mọi quốc tịch cùng làm việc với nhau từ năm 1942 thực hiện. Tin tức này đã tạo ra hậu quả gấp đôi việc sáng chế một quả bom bởi vì không một ai còn chờ đợi nó nữa. Nhưng nó chỉ được thông báo cho một số tối thiểu các nhân vật cao cấp: Tổng trưởng chiến tranh Stimson, tướng Marshall, và Đô đốc Leahy, Tham mưu trưởng riêng của Tổng thống. Các cơ sở tình báo Mỹ đã từng chứng tỏ khéo léo “đập vỡ được các khóa mật mã” của lịch, quả thật lại còn thành công đáng chú ý hơn nữa trong việc che phủ một màn bí mật không có gì xuyên qua được chung quanh kế hoạch Mahattan, một kế hoạch sau bốn năm cố gắng có lúc phải ngã lòng, nay đã đạt được thành quả phi thường ấy. Những người có trách nhiệm trong cuộc đàm luận về sự bí mật này lại càng xứng đáng hơn nữa khi mà tự xúc tiến kế hoạch đã đòi hỏi những kinh phí lên đến nhiều triệu Mỹ kim và đòi hỏi sự tuyển mộ nhiều nhà máy vĩ đại dưới sự lãnh đạo của một Brain’ Trust vô danh, và chính những người thuộc cơ cấu này cũng bị an trí trong một nơi ẩn dật cách xa nhà máy hàng trăm cây số. Sau một cuộc khởi hành mau lẹ sấm sét dựa trên một kế hoạch thuần túy khoa học, nhóm Brain’ Trust này đã giải quyết được phần lớn các bài toán làm thế nào để tách rời nhân nguyên tử. Nhiều nhà máy đồ sộ đã được dựng lên tại Oak Ridge trong tiểu bang Tennesse để tách rời những đồng vị của Uranium và đại xí nghiệp Du Pont de Nemours đã dùng các nhà máy của mình tại Chicago để chế tạo những cơ phận của quả bom tương lai. Nhưng hàng trăm bác học nhà tu trú ngụ tại Los Alamos thuộc tiểu bang Tân Mễ Tây Cơ, nơi họ nghiền ngẫm trong một khung cảnh đầy ứ giải Nobel, đều vấp phải một bài toán nghiêm trọng: làm sao thực hiện, dưới một khối lượng có thể chấp nhận được, phản ứng dây chuyền cần thiết cho sự giải phóng nguyên tử nặng. Chính giải đáp của bài toán này đã vừa được tìm thấy trong tháng 4 năm 1945 ấy. Trung tướng Groves, người đảm trách ngay từ đầu nhiệm vụ điều hợp và khích động các nỗ lực của những nhà bác học thuộc Kế hoạch Manhattan, đến báo tin cho Tổng trưởng Chiến tranh Stimson, ông này trình ngay cho Tổng thống. Tin đến quá trễ. Bá Linh đã bị bao vây chặt chẽ, Hitler (Đọc “Những trận đánh lịch sử của Hitler” Sông Kiên in lần thứ tư) đang hấp hối trong căn hầm tại dinh Tể tướng; riêng phần Nhật Bản thì các nhà tiên tri của Ngũ đài giác vẫn khẳng định không ngừng là đang lâm vào tuyệt địa. Theo sự ước tính của các nhà bác học, cần phải có một thời hạn ba tháng mới thực hiện được một vụ nổ nguyên tử “có kích thước như thật” đầu tiên để thí nghiệm. Sau đó lại phải mất một tháng nữa để hoàn tất một kiểu bom do phi cơ mang được. Có rất nhiều cơ may cho thấy chính phủ Nhật bản sẽ đầu hàng trước nhật kỳ đó. Thành quả của kế hoạch Mahattan cũng đã tạo nên một biến cố có tầm ảnh hưởng mênh mông không ít, và chính có lẽ những suy tư về tương lai nhân loại đã gợi cho Tổng thống Roosevelt những ám chỉ dự trí về khoa học và về “sự sống còn của nền văn minh”. Chúng ta sẽ không bao giờ được biết quyết định của ông như thế nào về lĩnh vực quân sự, bởi vì ngay từ ngày 10 tháng 4, tình trạng sức khỏe buộc ông phải nghe lời bác sĩ, và phải từ bỏ những gánh nặng quyền chính để đi nghỉ ngơi vài tuần tại Warm Spring thuộc tiểu bang California. Ngày 12 tháng 4, lúc 17 giờ 25, có điện thoại mời Phó tổng thống Truman đến tòa Bạch Ốc; Bà Roosevelt đang chờ ông ta tại đấy. Bà tiến lên và nhẹ nhàng đặt tay lên vai ông trong khi thấp giọng nói thì thầm: “Harry, Tổng thống đã mất!”. Ngày thứ sáu 13 tháng 4, tại Okinawa, trong lúc lực lượng hải quân thủy bộ đang điên cuồng tưới đại bác như sấm động để chặn đứng một đợt phản công hung tàn của Nhật trên một đỉnh núi mới vất vả chiếm được hôm trước, tất cả hiệu kỳ của mọi chiến hạm đều được kéo để tang. Tin về cái chết của Tổng thống Hiệp Chủng Quốc Mỹ được loan truyền tron đoàn quân của Tướng Buckner do đoàn quân tiếp viện đổ bộ vội vã để trám vào khoảng trống của phòng tuyến bị chọc thủng. Cơn mưa trút xuống không ngừng làm cho cảnh vật bị bom cày nát mang một vẻ ảm đạm. Hy vọng vào một cuộc tiến quân nhanh chóng thế là tiêu tan. Những đỉnh núi xếp theo bậc tại Okinawa được nối liền với nhau bằng một hệ thống hành lang ngầm mà các lối xuất nhập đều hoàn toàn vô hình. Khi quân Mỹ tiến tới, đột nhiên họ bị đánh úp bởi những đại bác đặt trên đường ray xuất hiện đột ngột đằng sau lưng, trên các triền núi mà họ vừa đi qua. Cả các cuộc không tập lẫn tác xạ ghê gớm của hải pháo đều không thể nào làm thương tổn được hệ thống phòng thủ kỳ dị này. Đoàn quân chinh phục của Buckner bị mắc kẹt trong phần giữa đảo trong một thời kỳ vô địch. Hung tin tại Okinawa bắt đầu đến tai các giới chức cao cấp của chính phủ tại Hoa Thịnh Đốn kể từ ngày 20 tháng 4, Tổng trưởng Chiến tranh Stimson, đã thiết lập bản tổng kê lực lượng của Nhật và nhận thấy rằng nếu hải quân và không quân Nhật gần như không còn hiện hữu nữa, thì tình trạng của lục quân Nhật lại khác hẳn. Hai triệu quân được phân phối trong các đạo quân trú phòng khác nhau trên quần đảo Nhật Bản; hai triệu khác trên lãnh thổ Trung Hoa và Cao Ly; cộng thêm 200.000 trong vùng Đông Nam Á; cộng thêm 500.000 trên các thuộc địa của Hòa Lan và Phi Luật Tân, vài trăm ngàn rải rác trên các quần đảo san hô trên Thái Bình Dương. Cuộc xâm chiếm dự tính lên quần đảo Nhật Bản với một đạo quân sáu triệu người đang được thành lập tại Hoa Kỳ và nỗ lực càn quét có hệ thống tất thảy các lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ kéo theo những tổn thất khổng lồ mà căn cứ vào số tổn thất trước, các chuyên viên ước tính có thể lên đến 500.000 tử thương và 1.700.000 bị thương. Viên Bộ trưởng Hải quân trẻ tuổi và sáng chói, James Forestal, người thay thế Frank Konx cũng đã đích thân báo cho Tổng trưởng Chiến tranh mối lo âu thật sự của ông do cuộc tấn công của phi công Thần phong Kamikaze gây ra. Các mẫu hạm hạng nặng Wasp, Saratoga và Bunker Hill đã phải trở về Mỹ trong tình trạng thảm thương. Chiếc Franklin phát hỏa lúc ngay đang cố gắng trở lại Guam, nhưng không có gì đảm bảo là nó sẽ không bị chìm dọc đường. Nhiều khu trục hạm quý báu đã biến mất cũng như nhiều hải vận hạm và chiến hạm đủ kiểu. Cơn xuất huyết không làm chết người nhưng tổn thất về nhân mạng thì rất nặng nề, tính theo tỷ lệ, số tổn thất sĩ quan lại càng nặng nề hơn nữa: nhiều Đô đốc, Đại tá Hải quân và sĩ quan tham mưu đã bị giết. Đấy là loại nhân sự khó thay thế. Quân Nhật sắp có ngay cả chục ngàn phi cơ đủ mọi loại bở vì các nhà máy của họ còn sản xuất mỗi tháng bài trăm chiếc. Nếu, như phải tiên liệu như thế, cơn cuồng nộ Kamikaze tăng gia thêm cường độ đi vào lúc thực hiện cuộc đổ bộ cuối cùng lên các đảo Kiou-Siou và Hondo, hạm đội Mỹ sẽ bị đặt dưới một sự thử thách cũng nghiêm trọng như sự thử thách phải chịu đựng từ đầu cuộc chiến. Nắm vững toàn bộ các tin tức này, Stimson đến tòa Bạch Ốc để trình bày cho Tổng thống Truman có một nhãn quan tổng quát về tình hình. Vì các chức chưởng của Phó tổng thống Hoa Kỳ đã không cho ông có quyền biết các bí mật quân sự, nên Truman đã không biết gì về kế hoạch Mahattan trước khi Tổng thống qua đời; đúng hơn là ông chỉ được biết có kế hoạch đó và nó đã gây tốn kém nhiều triệu Mỹ kim. Stimson sợ sẽ làm tổn thương đến lòng tự ái của ông khi thú nhận sự giấu giếm vĩ đại này, và lòng vương vấn không ít lo ngại, ông bước vào căn phòng hình thuẫn nơi vẫn còn bừa bộn những mẫu hình chiến hạm và các kỷ niệm cá nhân của người vừa quá cố. Nhưng ngay những lời nói đầu tiên, Truman đã làm ông thấy dễ chịu: “Tôi không biết gì về kế hoạch này. Ông đã hành động rất đúng khi không nói gì với tôi về nó”, ông vừa cười vừa nói. Sau khi chăm chúc đọc phúc trình do Stimson soạn thảo, ông ngước nhìn con người có cặp mắt ngây thơ ấy, con người mang đến cho ông một cách hết sức khiêm nhường, một tài liệu có thể làm thay đổi bộ mặt hoàn cầu. Giờ đây ông mới hiểu tại sao Roosevelt, dù với 70 tuổi trời và dù thường có những lập trường cục bộ, lại chịu đựng được những gì mà ông ta giữ lại liên quan đến trách nhiệm của những người được giao phó thuộc quân đội Mỹ. Không một lời nào là không để lộ một chút thông minh, và các kết luận, hoàn toàn vứt bỏ những câu kéo vô ích, nêu lên những quyết định phải lấy với một ý nghĩa sắc bén liên quan đến thực tại. “Tôi hoàn toàn đồng ý với ông, Stimson ạ”, ông nói. “Hãy ra lệnh cho tướng Groves để bắt tay vào việc hầu đốt cháy các giai đoạn chót. Một quả bom phải sẵn sàng để thử với kích thước như thật, trong thời hạn trước ba tháng, và ngay từ bây giờ phải chỉ định một ủy ban gồm có những nhân vật tài ba nhất của giới khoa học và quân sự để quyết định khả năng sử dụng chất nổ mới”. Stimson liền cáo lui ngay, để Tân Tổng thống ở lại với vô vàn trách vụ đang chờ đợi ông. Hai người sẽ không gặp lại nhau trước vài tuần lễ nữa. Khi trở về Bộ Chiến tranh, Stimson gặp lại tướng Groves đang đi lòng vòng như con gấu bị nhốt trong chuồng trong lúc chờ đợi ông, mặc dầu ông ta nổi tiếng là người bình tĩnh lạ lùng. Vị chỉ huy của khu vực “Mahattan District” là một con người lực lưỡng cao 1m90. Mái tóc đen hơi dợn sóng và nước da ngăm ngăm của ông cho thấy ông có gốc tích xa xôi với người Tây Ban Nha. Ông có vẻ như là một chủ đồn điền cà phê hơn là một sĩ quan cấp Tướng thuộc binh chủng Công binh. Vẻ bề ngoài ấy hoàn toàn rất dễ gây lần lẫm và khi giao cho ông trách nhiệm xúc tiến kế hoạch Mahattan, Stimson đã chứng tỏ cũng sáng suốt khi đề nghị Eisenhower nắm quyền Tổng tư lệnh Quân đội Đồng minh tại Âu Châu. Groves đồng thời là nhà bác học và là nhà quân sự (chính nhờ tài năng kiến trúc của ông mà Mỹ quốc mới có tòa Ngũ giác đài danh tiếng ngày nay). Ông có khá nhiều thẩm quyền để theo dõi công việc của các lý thuyết gia, khá thực tiễn và độc đoán để tập trung các nỗ lực của họ vào mục tiêu đã được qui định: sự thực hiện có tính cách thực dụng, “quả bom đặc biệt”. Trong nhóm người phi trường gồm toàn những nhà bác học thượng đẳng về khoa học vật lý nguyên tử, chính Groves là người đã nhận ra nhà bác học trẻ tuổi Robert Oppenheimer thuộc Viện Californie tại đại học Berkeley, gần San Francisco. Robert Oppenheimer mới có 40 tuổi. Ông không được giải Nobel về Vật lý và tên tuổi ông mới chỉ được một nhóm nhỏ các nhà bác học biết đến. Nhưng dưới mắt ông Tướng, ông có hai điều xứng đáng khó đo lường: ông ta là dân Mỹ chính cống - cha là một doanh gia Nữu ước gốc Đức đến định cư tại Mỹ lúc 17 tuổi - và có năng khiếu thuyết phục đặc biệt. Sự chọn lựa này sau đó phải chịu biết bao lời chỉ trích gay gắt, nhưng Groves hậu thuẫn cho người được ông che chở cho đến giai đoạn thực hiện sau cùng. Ông đã viết trong tập Hồi ký rằng: “Thành quả đã chứng tỏ tôi có lý. Không ai có thể làm điều mà con người ấy đã làm”. Được thiên phú đến mức tuyệt đỉnh về điều mà các sinh viên gọi là môn “sex-appeal khoa học”, Oppenheimer đã khuất phục thật sự những người nghe ông nhờ vóc dáng có duyên và giọng nói nồng nàn của ông. Ông là một trong những người duy nhất - nếu không phải là người duy nhất - ở trong khu ẩn dật Los Alamos có một niềm tin Tuyệt đối vào sự thành công của kế hoạch Mahattan. Tháng 7 năm 1943 khi ông nhận chức giám đốc phòng thí nghiệm Los Alamos, ông đã ấn định cuối năm sau là ngày nổ trái bom nguyên tử đầu tiên. Nếu hạn kỳ ấy không giữ được thì không phải là do ông. Vả chăng, sự tiên liệu của ông đã chỉ được thể hiện trước vài tháng. Cặp Groves-Oppenheimer có một điểm xứng đáng rất hiếm có là phối hợp được công việc của nhiều chuyên gia tham dự trong chương trình và giải quyết song hành nhiều vấn đề phức tạp do vấn đề sử dụng quả bom cho mục tiêu quân sự đến lúc đặt ra. Do đó, khi Stimson từ tòa Bạch Ốc trở về với sự chấp thuận toàn diện của Tổng thống, thì Groves đã có thể loan báo với ông ta với đôi phần hãnh diện rằng các biện pháp cần thiết đã được áp dụng trong viễn ảnh được chấp thuận ấy và rằng các phi hành đoàn thuộc các pháo đài bay trang bị đặc biệt, đang được huấn luyện để ném quả bom. Chính trong tháng 9 năm 1944, khi được Oppenheimer thông báo là chắc chắn có một quả bom sử dụng plutonium có thể được thực hiện vào mùa xuân 1945, Groves đã quyết định ấn định hình dáng và thước của quả bom để có thể sửa đổi các pháo đài bay sẽ mang chúng đi. Đấy là một hành động tin tưởng kỳ diệu bởi vì nếu phương pháp mới, nhằm sản xuất gia tốc chất plutonium do bác sĩ Neddemayer đề xướng, đã hoàn tất, thì không một ai biết được phải trong bao lâu mới sản xuất được đủ số plutonium cần thiết. Riêng về phần nhà máy phân cách đồng vị có nhiệm vụ cung cấp U-235, thì nó vẫn chạy với sự chậm chạp đầy khôn ngoan. Một cuộc chạy đua giữa hai phương thức đã xảy ra, và Groves đã phải cho vẽ hai kiểu bom: quả bom Fat-Man sẽ dùng plutonium và quả Thin-Man hay Little-Boy sẽ dùng U-235. Sau đó, ông yêu cầu Tướng Arnold, Tư lệnh Không quân, người được ông cho biết về kế hoạch, cung cấp hai pháo đài bay B-29 để có thể sửa đổi nhân mục tiêu đó.