Lúc ấy Thiên tử thấy Châu Nhựt Thanh đánh với Trần Nhơn đã lâu mà không thắng nổi, thì lật đật đi cùng Sài Ngọc xông ra trợ chiến, chẳng dè lại có Lý Trung và Hà An cũng là giáo sư của Diệp Chấn Thinh xông ra cản trỡ, chẳng cho tiếp chiến. Thiên tử và Sài Ngọc ráng sức đánh với hai người ấy đặng hai mươi hiệp, nhưng mà cự địch không lại, cho nên Thiên tử vừa đánh vừa chạy, chẳng dè bọn ấy áp lại vây phủ Thiên tử và Sài Ngọc vào giữa. Châu Nhựt Thanh thấy Thiên tử bị vây thì đã, tâm hoảng ý loạn, muốn bõ Trần Nhơn mà giải vây cho Thiên tử. Rủi thay bị Trần Nhơn đánh một roi.Nhựt Thanh té nhào xuống đất.Trần Nhơn áp lại bắt sống mà giải về cho Diệp Chấn Thinh, rồi cũng trỡ lại hiệp sức vây Thiên tử và Sài Ngọc.Lúc Thiên tử tả xông hữu đột, Đông tẩu Tây bôn, nhưng vòng vây cũng không khỏi. Diệp Chấn Thinh lại truyền lịnh rằng: - Nếu ai bắt sống đặng Cao Thiên Tứ thì ta trọng thưởng. Vì vậy cho nên các giáo sư muốn bắt sống Thiên tử đặng lảnh thưởng cho nhiều. Lúc ấy Thiên tử bụng đói sức mệt, mà bọn hung đồ áp lại thêm đông, cho nên Thiên tử cự định không lại, bị Lý Trung đánh một roi té quị xuống đó. Bọn hung đồ áp lại bắt sống giải về cho Diệp Chấn Thinh. Sài Ngọc nhơn lúc lộn xộn xông vây mà ra, chạy thẳng đến tĩnh đặng cầu cứu. Chạy đặng một đổi xa xa, thời may lại gặp Trần Tường là quan tuần du đường sông, nay muốn kéo binh noi theo đường bộ mà trở về tỉnh. Lúc ấy Sài Ngọc đón đường kêu oan, quân sĩ thộp ngực hỏi rằng: - Ngươi có việc chi oan ức mà đến nỗi kêu nài giữa đường như vầy?Sài Ngọc nói: - Xin dắt tôi lại ra mắt lão gia. Quân sĩ nghe theo, bèn dắt Sài Ngọc ra mắt Trần Tường. Trần Tường hỏi rằng: - Ngươi có điều chi oan ức, mau mau khai hết cho ta nghe. Sài Ngọc thưa rằng: - Tôi có một việc cơ mật, xin lão gia đem tôi thẳng vào tư dinh thì tôi mới dám mật bẩm. Trần Tường nghe theo, bèn dắt Sài Ngọc thẳng về tư dinh, đem tới chổ kín hỏi rằng: - Ngươi có việc chi cẩn mật, mau mau nói phứt cho ta nghe. Sài Ngọc tỏ bày tên họ và thuật từ lúc gặp Thiên tử nơi tửu lầu, đến lúc Thiên tử bị bắt cho Trần Tường nghe. Trần Tường nghe nói thất kinh, lật đật điểm binh kéo tới dinh quan Án sát, đặng thông báo. Quan Án sát là Trấu Văn Thạnh, thấy Trần Tường nai nịt hẳn hòi thì lòng đã sanh nghi liền hỏi rằng: - Trần nhơn huynh đến có việc chi mà nai nịt hẳn hòi như vậy?Trần Tường tỏ thiệt các việc Diệp Chấn Thinh bắt đặng Thiên tử cho Trâu Án sát nghe. Trâu Án sát lật đật làm tờ hịch văn truyền cho các phủ các huyện khiến hội binh cứu giá. Lúc ấy có quan Tham tướng là Phùng Trung, Du phủ là Trần Phiêu, Đô ti là Châu Giang, Thủ bị là Lý Văn Sáng, tiếp đặng tờ hịch của Trâu Án sát, lật đật điểm binh thẳng tới viên môn thỉnh lịnh. Trâu Án sát điểm hết binh mã đặng hơn một muôn thì lòng rất mừng. Bèn truyền lịnh phát pháo khởi hành. Nói về Thiên tử và Châu Nhựt Thanh bị Trần Nhơn và Lý Trung bắt sống giải đến cho Diệp Chấn Thinh. Diệp Chấn Thinh nạt lớn lên rằng: - Hai đứa bây là người ớ xứ nào, sao dám cả gan đốt nhà thâu thuế của ta kìa.Châu Nhựt Thanh mắng rằng:- Mi là loài gian tặc, không kiêng phép nước, chẳng sợ luật hình, chờ cho gươm kề tới cổ mới biết ăn năn hay sao?Diệp Chấn Thinh nghe nói nổi giận điểm mặt Châu Nhựt Thanh và mắng rằng: - Loài súc sanh, thân mi như cá trên thớt, hãy còn buông lời cứng cỏi như vậy sao?Châu Nhựt Thanh nói: - Ta đã bị bắt thì không còn kể mạng nầy ; nhưng trước khi ta thác rồi, phe đảng của ta đem binh báo cừu, e khi chúng bây chẳng khỏi tru di tam tộc. Diệp Chấn Thinh suy nghĩ giây lâu rồi mới nói vói Trần Nhơn rằng: - Hai đứa nầy chắc là phe đảng còn đông, ta phải giam cầm nó lại, chờ cho bắt hết phe đảng của nó rồi sẽ chém luôn một lần. Trần Nhơn khen phải. Diệp Chấn Thinh nhứt diện khiến hai mươi gia đinh luân phiên với nhau canh giử Thiên tử và Châu Nhựt Thanh, nhứt diện hối dọn tiệc khánh hạ. Lúc đang ăn uống, xảy nghe pháo nỗ vang trời, quân la dậy đất, Diệp Chấn Thinh lòng đã hồ nghi, vừa muốn sai người ra coi, kế thấy gia đinh báo rằng: - Trâu Án sát hội binh các nơi ước hơn một muôn, ý muốn đến đây giao chiến. Diệp Chấn Thinh nghe nói thất kinh, rơi đủa xuống rất. Trần Nhơn khuyên rằng:- Công tử chớ có sợ, lời xưa có nói: - Binh dáo tướng đương, thủy lợi thổ yểm, hễ có giặc thì cứ việc cự địch, xin chớ lo sợ làm gì. Diệp Chấn Thinh nói: - Xin nhờ các vị giáo sư ráng sức lo phương cự địch.Lưu Phiêu, Trần Nhơn, Lý Trung và các gỉáo sư khác, thãy đều nai nịt sẳn sàng, đặng có lo bề cự địch. Nói về Trâu Án sát đem binh đi đã gần đến trước nhà Diệp Chấn Thinh, thì khiến dừng binh lại và truyền lịnh rằng: - Phùng Trung, Trần Phiêu, Châu Giang và Lý Văn Sáng đều đem binh mã của mình đánh phá bốn phía một lượt, như đạo binh nào đặng thắng thì ba đạo kia phải hiệp lại một chổ kéo thẳng vào nhà.Sài Ngọc, Trần Tường chờ đến trong lúc lộn xộn, đem binh kéo thẳng vào nhà mà cứu Thiên tử và Châu Nhựt Thanh. Còn ta thì lảnh đạo trung quân đi vòng theo nhà mà tiếp ứng, chẳng cho gian tặc tẩu thoát. Các tướng đều vâng lịnh, áp tới vây nhà Diệp Chấn Thinh. Lúc ấy Trần Nhơn, Trương Bình đem gia đinh ra cửa phía Đông đánh với Phùng Trung, Lý Trung ; Huỳnh Chấn đem binh ra cửa phía Tây đánh với Trần Phiêu ; Hà An, Lưu Phiêu đem binh ra cửa phía Nam đánh với Châu Giang ; Diệp chấn Thinh, Tô Chiêu đem gia đinh ra cửa phía Bắc đánh với Lý Văn Sáng. Khi đương hổn chiến với nhau, Sài Ngọc, Trần Tường nhơn lúc lộn xộn không người giử cửa thì đốc binh kéo thẳng vào nhà Diệp Chấn Thinh, bất luận già trẻ bé lớn, gặp ai giết nấy. Bọn gia quyến của Diệp Chấn Thinh bị thác rất nhiều.Đến chừng vào tới trung đường cũng không thấy Thiên tử và Châu Nhựt Thạnh thì lòng rất lo sợ, bèn kiếm khắp hết cả nhà, bắt đặng một tên gia đinh thi Trần Tường đưa gươm ngay cổ tên ấy mà nạt lớn rằng: - Mi biết Cao lão gia bị cầm tại đâu, phải nói cho mau thì ta dung thứ, bằng không chịu nói ắt là hồn xuống huỳnh tuyền. Tên gia đinh ấy lật đật thưa rằng: - Cao lão gia và Châu lão gia còn giam trong phòng của Công tử, chờ bắt hết dư đãng rồi sẻ giết luôn một lần. Trần Tường nghe nói rất mầng, khiến tên gia đinh ấy dắt thẳng đến phòng, phá cửa mà vào. Vào tới nơi, liền chém tên gia đinh ấy một đao, rồi quì ngay trước mặt Thiên tử mà tâu rằng: - Vì tôi cứu giá chậm trể, để cho Bệ hạ kinh tâm, cúi xin bệ hạ dung thứ. Thiên tử đở Trần Tường dậy hỏi rằng: - Khanh đã bắt hết gian đảng rồi chưa?Trần Tường tâu: - Tôi vâng tướng lịnh vào đây cứu giá, Trâu Án sát và các tướng còq đương giao chiến, không biết thắng bại thể nào. Thiên tử nói: - Vậy thì khanh phải đi trước với Sài Ngọc, mau mau ra đó trợ chiến, còn trẩm và Nhựt Thanh thì cũng theo sau tiếp ứng. Trần Tường lãnh mạng đi trước với Sài Ngọc, ra vừa khỏi cửa thì gặp Diệp Chấn Thinh và Tô Chiêu, hai đàng giao chiến với nhau chưa định hơn thua. Kế thấy Thiên tử và Châu Nhựt Thanh đến để tiếp ứng. Diệp Chấn Thinh thấy Thiên tữ ra khỏi, lòng ắt kinh mang, đở thương không kịp, bị Trần Tường đâm một giáo, hồn về chín suối. Tô Chiêu cũng bị Châu Nhựt Thanh đập một giản, bể óc chết tươi. Còn bọn gia đinh vở chạy tứ tán. Lúc ấy Trần Nhơn đánh với Phùng Trung hơn năm mươi hiệp. Trần Nhơn cự địch không lại, vừa đánh vừa chạy, rũi gặp Châu Nhựt Thanh đón đường mà đánh một giản, Trần Nhơn hồn về chín suối. Trương Bình, Lý Trung, Huỳnh Chấn, Hà An và Lưu Phiêu, cũng bị Trần phiêu, Châu Giang bắt sống tại trận. Còn bọn gia đinh của Diệp Chấn Thinh đứa thì bị giết, đứa thì bị thương, mười phần chết hết chín phần, còn lại bao nhiêu đều bị bắt sống.Dẹp giặc yên rồi, các tướng gom lại ra mắt Thiên tử.Thiên tử rất mầng, liền khiến Trâu Án sát đóng tại mà điểm binh lại. Trâu Án sát vâng lời điểm binh thì cũng đũ số không hao một người, duy có một trăm người bị thương mà thôi.Trâu Án sát tâu lại cùng Thiên tử. Thiên tử rất mầng mà rằng: - Bọn khanh có công cứu giá, lòng trẫm rất khen, nay đã trừ đặng Diệp Chấn Thinh rồi, còn bắt sống dư đãng của nó bao nhiêu đó, thãy đều bêu đầu mà răn chúng. Trâu Án sát vâng lịnh, khiến chém hết bọn Lý Trung mà bêu đầu tại đó. Thiên tử thấy các việc yên rồi thì truyền lịnh rằng: - Các quan văn võ ai giử chức nấy như thường, chờ ngày thánh chỉ truyền đến sẽ có thăng thưởng. Còn bây giờ đây trẩm với Châu Nhựt Thanh muốn đi chổ khác xem chơi, các quan chẳng nên đồn đại ra ngoài mà sanh mối họa. Nói rồi vừa muốn ra đi, kế thấy Sài Vận Tòng vào lạy ra mắt. Nguyên lúc Sài Vận Tòng thấy Thiên tử và Châu Nhựt Thanh bị bắt, lòng đà bối rối, nhưng vô kế khả thi, bèn trốn ra khỏi nhà dò thăm tin tức, nay nghe nhiều người đồn nói quan binh vây nhà Diệp Chấn Thinh, cho nên lật đật đến đó. Thiên tử thấy Sài Vận Tòng thì rất mầng mà rằng:- Từ ngày khanh quan trở về quê đến nay, trẩm hằng hoài vọng. Ấy vậy để trẩm làm một đạo mật chỉ đặng khanh đem về kinh sư giao cho Lưu Kỳ thì đặng phục chức. Bèn làm đạo thánh chỉ giao cho Sài Vận Tòng mà hối đi tức thì, còn mình thì từ giả các quan đi cùng Châu Nhựt Thanh dạo chơi chổ khác, còn các quan ai về dinh nấy, mà chờ thánh chỉ.Nói về Sài Vận Tòng đi với Sài Ngọc trở về nhà mình, xem thấy nhà cửa tiêu điều, vợ con tản lạc, thì mặt có sắc buồn, kế thấy vợ con và gia đinh đều gom về đó, Sài Vận Tòng rất mầng. Bèn giao nhà cửa và gia quyến cho Sài Ngọc bảo thủ, còn mình thì đi với một tên gia đinh là Sài Lộc thẳng tới Kinh sư. Ði tới Kinh sư, Sài Vận Tòng khiến Sài Lộc đem thiếp đến Quân Cơ phòng dâng cho Lưu Kỳ. Lưu Kỳ thấy thiếp của Sài Vận Tòng thì lòng sanh nghi nên nghỉ rằng: - Lạ nầy, Sài Vận Tòng đã bị cách chức sao còn tới đây làm chi, thế khi có việc cơ mật chớ chẳng không. Bên bước ra nghinh tiếp Sài Vận Tòng vào nơi trung đường mà hỏi rằng: - Tiên sanh đến đây có việc chi chăng? Sài Vận Tòng thưa rằng: - Tôi có mật chỉ trong mình, không dám trọn lễ, vậy đại nhơn dọn bàn đặng nghinh tiếp thánh chỉ. Lưu Kỳ thất kinh lật đật hối quân đặt bàn hương án, đặng có nghinh tiếp thánh chỉ.