Tình hình ở Tây Ban Nha như sau: vua Sác-lơ đệ tứ trị vì trong nước là một người nhu nhược và ngu dốt, hoàn toàn bị vợ và viên cận thần của vợ là gô-đoay chi phối. Nhà vua, hoàng hậu và Gô-đoay là những người không đội trời chung với Phéc-đi-nan, người thừa kế ngôi vua, người mà trong những năm 1805, 1806,1807, giai cấp quý tộc và tư sản Tây Ban Nha đã đặt rất nhiều hy vọng lớn lao. Sự hỗn độn về hành chính và tài chính, những sự mất bình thường trong tất cả các lĩnh vực về nội chính làm tổn hại đến thương nghiệp và nông nghiệp, cũng như ngăn cản sự phát triển của nền công nghiệp trước đây rất phồn thịnh mà nay tiêu điều, đã tập hợp được giai cấp tư sản và quý tộc xung quanh quan điểm: hình như đối với họ, nếu lật đổ được gô-đoay, viên cận thần thế lực của cái triều đình già cỗi, thì sẽ "cải cách" được nước Tây Ban Nha. ý định cho Phéc-đi-nan, người thừa kế ngôi vua Tây Ban Nha kết hôn với một người họ hàng nào đó của Na-pô-lê-ông trở thành rất phổ biến: họ nghĩ rằng, nhờ có sự kết giao như thế với vị hoàng đế đầy uy vũ thị ít nhất họ cũng sẽ có chỗ dựa và sẽ được giúp đỡ một cách có hiệu quả để tiến hành những việc cải cách, và đồng thời vẫn giữ được nền độc lập, vừa được yên ổn, không bận tâm đến những vấn đề đối ngoại. Phéc-đi-nan cầu hôn với một người cháu gái của Na-pô-lê-ông, và được đáp lại bằng sự từ chối. Thật ra, vị hoàng đế đang ôm ấp một ý đồ khác hẳn: ông muốn lật đổ triều đại đó và đặt lên ngai vàng Tây Ban Nha một người trong số anh em hay trong số các thống chế của mình. Suốt mùa đông và mùa xuân năm 1808, nhiều binh đoàn khác của Na-pô-lê-ông vẫn không ngừng vượt qua Pi-re-nê và ùn ùn tràn vào Tây Ban Nha. Tháng 3, Na-pô-lê-ông đã tập trung ở Tây Ban Nha được gần 100.000 quân. Tin chắc vào lực lượng của mình, Na-pô-lê-ông quyết định hành động vừa khôn khéo khoét sâu thêm mâu thuẫn trong nội bộ hoàng gia Tây Ban Nha; thống chế Muy-ra, chỉ huy một đạo quân 80.000 người tiến thẳng về phía Ma-đrít. Sác-lơ đệ tứ, hoàng hậu và Gô-đoay lúc đầu quyết định trốn khỏi kinh thành, nhưng nhân dân bị xúi giúc nổi dậy đã bắt giữ họ lại ở A-răng-duy-e. Bọn bạo động đã bắt Go-đoay, hành hạ cực kỳ tàn nhẫn rồi tống giam, còn nhà vua thì buộc phải thoái vị và nhường ngôi cho Phéc-đi-na. Biến cố này xảy ra ngày 17 tháng 3 năm 1808, và sáu ngày sau, ngày 23 tháng 3, Muy-ra vào thủ đô Tây Ban Nha. Nhưng Na-pô-lê-ông không công nhận Phéc-đi-nan, đòi cả vua mới và vua cũ cùng tất cả hoàng gia đến gặp Na-pô-lê-ông trên đất Pháp, ở Bay-on. Na-pô-lê-ông tự nhận cái cương vị gọi là trọng tài tối cao để xét xử và chung thẩm xem lẽ phải thuộc về phía nào. Ngày 30 tháng 4 năm 1808, Sác-lơ đệ tứ, hoàng hậu, vua mới Phéc-đi-nan đệ thất và Gô-đoay cùng nhau tới Bay-on, nhưng Na-pô-lê-ông đòi tất cả các vương tôn, công hầu của hoàng gia cũng phải đến trình diện trước Na-pô-lê-ông ở ngay trong thành phố ấy. Ma-đrít bất bình.ý đồ của Na-pô-lê-ông đã rõ ràng: sau khi xảo quyệt lôi tất cả hoàng gia Tây Ban Nha tới Bay-on, Na-pô-lê-ông sẽ sẵn sàng tuyên bố truất quyền của họ và giam giữ họ lại, rồi sẽ viện cớ này hoặc cớ khác để sáp nhập Bây Ban Nha vào Pháp. Ngày 2 tháng 5, khởi nghĩa bùng nổ ra ở Ma-đrít chống lại quân Pháp đang chiếm đóng thành phố. Muy-ra dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu, nhưng đó chỉ là những tia lửa đầu tiên của đám cháy khủng khiếp của cuộc chiến tranh dân tộc ở Tây Ban Nha.Sau khi nhận được tin sự biến ấy, Na-pô-lê-ông tới Bay-on đúng lúc hoàng gia Tây Ban Nha cũng vừa đến, và trước mặt Na-pô-lê-ông, một màn trò lộn xộn đã xảy ra, Sác-lơ đệ tứ giơ gậy đánh Phéc-đi-nan, bất thần Na-pô-lê-ông nói thẳng ý định của ông ta: cả Phéc-đi-nan và Sác-lơ đệ tứ đều phải từ bỏ ngai vàng ở Tây Ban Nha và phải công bố thừa nhận Na-pô-lê-ông được toàn quyền xử lý đất nước Tây Ban Nha. Thế là đã xong: Sác-lơ đệ tứ, Phéc-đi-nan, hoàng hậu, cả ba đều rơi vào tay sen đầm và quân đội Pháp. Sau đó Na-pô-lê-ông còn tuyên bố với họ rằng vì lo lắng đến hạnh phúc và an toàn cá nhân của họ, Na-pô-lê-ông sẽ không để họ trở về Tây Ban nha mà sẽ đưa nhà vua và hoàng hậu đến Phông-ten-nơ-blô, quyết định cho Phéc-đi-nan và các vương tôn, công hầu khác của dòng họ buốc-bông Tây Ban nha đến ngụ ở đài của hoàng thân Tan-lây-răng ở Va-lăng-xay. Biện pháp đó được thi hành ngay. Vài ngày sau, ngày 10 tháng 5 năm 1808, Na-pô-lê-ông lệnh cho anh là Giô-dép, vua xứ Na-plơ, chuyển sang Ma-đrít để lên ngôi vua ở Tây Ban Nha, còn Muy-ra, trước đây làm đại công tước xứ Cle-vơ và xứ Béc, nay đến Na-plơ và làm vua Na-plơ từ đấy. Hoàng đế vô cùng mãn nguyện về thuận lợi và sự khôn khéo đã dẫn công việc đến chỗ thành công tốt đẹp, về sự ngây thơ đã đưa dòng họ Buốc-bông ở Tây Ban Nha tự sa vào bẫy và về cái cách chiếm được Tây Ban Nha hầu như chẳng chút khó khăn vất vả gì. Nhưng đột nhiên, xảy đến cái kết quả hoàn toàn bất ngờ không những đối với Na-pô-lê-ông, mà còn đối với toàn thể châu Âu lúc bấy giờ đang sợ hãi, im lặng chứng kiến những hành động bạo ngược mới của kẻ xâm lược: ngọn lửa của một cuộc chiến tranh du kích ác liệt và không thể dập tắt được chống lại bọn xâm lăng Pháp bùng cháy ở Tây Ban Nha. Trên đất nước này, lần đầu tiên Na-pô-lê-ông chạm trán với một kẻ thù thuộc vào loại hoàn toàn đặc biệt mà từ trước tới nay chưa bao giờ gặp phải, hay đúng hơn cũng chỉ có dịp được nếm mùi trong thời gian rất ngắn ngủi ở Xi-ri và ở Ai Cập. Người nông dân vùng át-tuy-ri giận dữ, dao trong tay, người chăn cừu quần mê áo mảnh vùng Si-e-ra Mô-rên-na với khẩu súng gỉ, người thợ thủ công vùng Ca-ta-lô với ngọn mác dài bằng sắt và con dao quắm đã đứng dậy chống Na-pô-lê-ông. "Những thằng bần tiện!", Na-pô-lê-ông khinh bỉ nói như vậy. Na-pô-lê-ông, bá chủ châu Âu, người đã làm cho quân đội nước áo, Nga, Phổ phải bỏ chạy dài cùng với pháo binh, kỵ binh, vua chúa, thống chế, người chỉ hét lên một tiếng là làm sụp đổ các đế quốc lâu đời để lập nên những đế quốc mới, "bọn vô lại Tây Ban Nha" ấy lại làm cho Na-pô-lê-ông hoảng sợ hay sao? Nhưng ngay cả Na-pô-lê-ông cũng như bất cứ một người nào ở trên đời lúc đó cũng không thể hiểu được rằng, "những thằng bần tiện" ấy lại là những người đầu tiên đào mồ chôn vùi cái đại đế quốc của Na-pô-lê-ông vốn sinh ra để mà sụp đổ. Vào năm 1808, khi nuôi hoài bão rồi thực hiện công cuộc xâm lược Tây Ban Nha, Na-pô-lê-ông luôn luôn ghi trong lòng một kinh nghiệm lịch sử cốt để chứng minh cho tinh thần lạc quan. Đúng 100 năm tròn trước Na-pô-lê-ông, vua Lu-i XIV, một trong số những tiền bối của Na-pô-lê-ông ở trên ngai vàng nước Pháp, đã đặt lên ngôi vua ở Tây Ban Nha người cháu nội của ông ta là Phi-líp; Phi-líp đã trở thành người sáng lập ra triều đại Buốc-bông Tây Ban Nha, Nhân dân Tây Ban Nha hồi đó chấp nhận và duy trì ngay ông vua và cái triều đại mới ấy trên ngai vàng, mặc dù một nửa châu Âu đã đang bắt đầu cuộc chiến tranh chống lại Lu-i XIV nhằm tống cổ Phi-líp ra khỏi Tây Ban Nha. Vậy đối với Na-pô-lê-ông, vị đế vương hùng cường gấp trăm lần Lu-i XIV, tại sao lại không thành công trong cái mưu đồ cũng giống như vậy? Tại sao Na-pô-lê-ông lại không thể du nhập vào Tây Ban Nha một triều đại "Bô-na-pác Tây Ban Nha"? Lại còn, Na-pô-lê-ông không phải đánh nhau với châu Âu như Lu-i XIV đã làm: châu Âu đã bị đánh bại và bị khuất phục, và nước Nga là liên minh của ông ta.Nhưng Na-pô-lê-ông mắc phải sai lầm là đã bị mê hoặc bởi một sự giống nhau thuần tuý hình thức. Ông ta không muốn hiểu sự khác nhau cơ bản giữa sự suy tôn Phi-líp của dòng họ Buốc-bông ở Tây Ban Nhà vào năm 1700 và sự suy tôn Giô-dép Bô-na-pác vào năm 1808. Những thương gia người Pháp, những chủ thuyền người Pháp, những tay thám hiểm người Pháp thuộc giai cấp quý tộc đã hoan nghênh nhiệt liệt việc Phi-líp lên ngôi hoàng đế ở Tây Ban Nha, vì họ, cũng như chính bản thân Lu-i XIV, đã tính rằng như vậy là toàn bộ thuộc địa rộng lớn của Tây Ban Nha sẽ trở thành đất đai thuộc Pháp. Nhưng họ đã nhầm to: những chủ đồn điền và thương gia người Tây Ban Nha đều nhất trí chống lại sự thâm nhập của tư bản Pháp vào các thuộc địa Tây Ban Nha. Phi-líp V bị bắt buộc phải từ chối việc nhường quyền lợi của người Tây Ban nha cho những đồng bào Pháp của ông ta. Nước Tây Ban Nha không trở thành thuộc quốc của Pháp về phương diện kinh tế, và chỉ có như thế Phi-líp V và dòng họ Buốc-bông Tây Ban Nha mới đã có thể ngồi vững trên ngai vàng. Còn như Giô-dép Bô-na-pác, mặc dù khoác tấm áo bào lộng lẫy của các vua chúa Tây Ban Nha, chỉ đơn giản là một viên toàn quyền của Na-pô-lê-ông, có thể gọi là một tên tay sai của Na-pô-lê-ông, chịu trách nhiệm thực hiện cuộc phong tỏa lục địa ở bán đảo Tây Ban Nha và biến hẳn Tây Ban nha thành thuộc địa để bóc lột về mọi mặt vì lợi ích độc quyền của giai cấp tư sản Pháp. ở Tây Ban Nha, người ta biết rất rõ rằng từ ngày đảo chính Tháng Sương mù năm 1799, Na-pô-lê-ông đã bị tiến công bởi những lời khiếu nại và thỉnh cầu của những nhà sản xuất tơ lụa, vải vóc và của những kỹ nghệ gia người Pháp, họ đã vạch ra một chương trình mà Na-pô-lê-ông hoàn toàn tán thành: 1) Phải dành riêng cho sản phẩm Pháp độc quyền trên thị trường Tây Ban Nha. 2) Tây Ban Nha phải cung cấp thứ len quý "mê-ri-nốt" cho các nhà sản xuất Pháp độc quyền, trên thế giới lúc bấy giờ không có một thứ len nào khác có thể cạnh tranh nổi. 3) Tây Ban Nha (và đặc biệt là miền Ăng-đa-lu-di) phải dành vào việc trồng trọt các loại bông khác nhau cần thiết cho kỹ nghệ dệt của Pháp mà Na-pô-lê-ông đã cấm mua của người Anh. Chương trình này có liên quan chặt chẽ với sự bắt buộc Tây Ban Nha phải cắt đứt hoàn toàn quan hệ buôn bán với Anh là nước mua biết bao nhiêu len của Tây Ban Nha với giá rất cao, và ngược lại, Tây Ban Nha mua của nước Anh biết bao nhiêu hàng hóa tiêu dùng với giá rất rẻ. Vì vậy, đối với những người chăn nuôi, những người buôn bán len, những nhà công nghiệp Tây Ban Nha nói chung, toàn thể những người nông dân sinh kế phụ thuộc bằng cách này hay cách khác, gián tiếp hay trực tiếp vào việc sản xuất len và chế tạo vải len ở những nơi trên đất nước Tây Ban Nha mà xã hội phong kiến còn tồn tại và đặc biệt ở những tỉnh mà chế độ đó đã suy yếu; đối với toàn bộ giai cấp quý tộc địa chủ gắn chặt với nước Anh cũng như gắn chặt với chế độ thuộc địa và hệ thống đồn điền thì quy phục Na-pô-lê-ông cũng gần như diệt vong. Điều đó càng rõ hơn nữa ở chỗ: việc giao thông với các thuộc địa giàu có của Tây Ban Nha ở châu Mỹ cũng như với các khu vực hải ngoại khác nói chung (thí dụ như với Phi-líp-pin, ở phía đông biển ấn Độ) hiện nay bị gián đoạn vì nước Anh đã tuyên chiến ngay và đã đặt chân lên tất cả các thuộc địa ở bên kia đại dương, dù là thuộc địa của bất cứ nước nào, một khi nước ấy gián tiếp hay trực tiếp lao vào con đường chính trị Na-pô-lê-ông. Tất cả những quyền lợi kinh tế ấy của các giai cấp khác nhau trong nước đã bị xâm lăng của Na-pô-lê-ông gây thiệt hại trầm trọng, đó là nguồn gốc của ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc bùng lên chống lại kẻ xâm lược hùng cường. Nông dân và thợ thủ công Tây Ban Nha nổi lên đã tỏ ra có khả năng theo đuổi một cuộc đấu tranh mà mới thoạt nhìn tưởng như quá sức họ. Nhưng lúc ấy, đối với Na-pô-lê-ông, hình như mọi việc đều diễn biến tốt đẹp. Dòng họ Buốc-bông Tây Ban Nha bị bắt đang trên đường đi đến Phông-ten-nơ-blô và Va-lăng-xay, nơi đã dành cho họ, dưới sự giám sát của cảnh binh. Giô-dép Bô-na-pác đã đi Ma-đrít.Thật ra, người ta đã báo cho hoàng đế biết một vài việc rắc rối nhỏ chẳng tốt đẹp gì đã xảy ra, thí dụ: ban đêm, từng tốp nhỏ nông dân Tây Ban nha đã cả gan tiến sát vào trại lính của quân đội Pháp và nổ súng, đến khi họ bị bắt và bị xử bắn, họ chịu chết một cách lặng lẽ hoặc tỏ vẻ khinh bỉ và nguyền rủa người Pháp. Người ta còn báo cáo rằng ngày 2 tháng 5, để đàn áp cuộc khởi nghĩa ở Ma-đrít, Muy-ra đã cho nổ súng vào đám đông, nhưng họ không chịu thực sự giải tán ngay, mà họ tìm cách ẩn vào trong các nhà và núp trong cửa sổ tiếp tục bắn vào quân Pháp. Khi quân Pháp truy kích vào trong nhà thì, sau khi bắn hết đạn, nếu chưa ngã xuống, người Tây Ban Nha còn chiến đấu bằng dao, bằng nắm tay, bằng răng và sau khi họ đã chiến đấu thí mạng thì cuối cùng lính Pháp chỉ có thể lôi được họ ra ngoài bằng cách cả bọn chúng xóc họ lên đầu lưỡ i lê khiêng đi. Ngay từ khi đặt những bước chân đầu tiên lên đất nước Tây Ban Nha, quân Pháp hầu như ngày nào cũng đụng phải vô số biểu hiện của lòng căm thù phẫn nộ nhất và kinh khủng nhất đối với kẻ xâm lược. Khi một đội quân Pháp sục sạo vào làng thì thôn xóm đã vắng tanh, nhân dân đã bỏ trốn vào rừng. Quân Pháp tìm thấy lương thực trong một túp lều, ở đó chỉ có một người mẹ và đứa con nhỏ, trước khi cho binh lính ăn, viên sĩ quan đoán là có sự chẳng lành, liền hỏi người đàn bà rằng trong lương thực có thuốc độc hay không. Dẫu người đàn bà có bảo đảm là không chăng nữa, hắn vẫn buộc người đàn bà phải nếm trước thức ăn đó. Người đàn bà thi hành ngay chẳng chút ngần ngại. Song, như vậy vẫn chưa hài lòng, hắn ra lệnh cho người đàn bà phải cho cả đứa bé ăn và người mẹ cũng lại vâng lời ngay. Thế là đám lính bắt đầu ăn và một lát sau, người mẹ và đứa con của bà, cũng như bọn lính ấy, chết trong những cơn giãy giụa khủng khiếp. Cái bẫy đã sập. Trong thời kỳ đầu, có nhiều câu chuyện tương tự làm cho người Pháp kinh hoảng, nhưng chẳng bao lâu điều đó đã trở thành chuyện thông thường, không ai còn lấy làm lạ suốt trong thời kỳ chiến tranh Tây Ban Nha. Ngay cả Na-pô-lê-ông lúc đó cũng không còn bối rối về những sự việc kỳ lạ ấy nữa. Sau này, phải mất nhiều thời gian lắm Na-pô-lê-ông mới hiểu được tính chất của cuộc chiến tranh đó. Tuy nhiên, ngay từ giữa mùa hè, đã có một vài nước bại trận bắt đầu nhìn ngọn lửa chiến tranh ở bên kia rặng núi Pi-rê-nê bằng con mắt đầy hy vọng. Có nhiều tin đồn xoay quanh vấn đề vũ trang của nước áo. Kể từ trận Au-xtéc-lít, ba năm trời đã trôi qua: nước áo được nghỉ ngơi và đã hồi phục. Trong triều đình Viên, ngay giữa lòng giai cấp quý tộc và giai cấp thương nhân, hy vọng thoát khỏi ách Na-pô-lê-ông lớn dần. Chúng ta nên chú ý rằng ở nga, áo, Hung, Bô-hêm, giai cấp quý tộc lo sợ trước nhất là khi nhìn thấy sự thống trị của Na-pô-lê-ông tồn tại vĩnh viễn, lo rằng nước áo sẽ bị cưỡ ng ép, bằng cách này hay cách khác, phải chấp nhận bộ luật Na-pô-lê-ông, điều đó có nghĩa là sự sụp đổ của chế độ phong kiến già cỗi. Na-pô-lê-ông cảm thấy cần thiết phải biểu dương lực lượng của khối liên minh Pháp-Nga để chống lại bất kỳ hành động bất ngờ nào của áo, trong khi Na-pô-lê-ông còn đang bận đàn áp "bọn khởi loạn" ở bên kia dãy núi Pi-rê-nê. Trong các báo chí châu Âu, người ta cung kính viết: "Đức hoàng đế đang khẩn trương ra tay tiễu trừ bọn hạ lưu Tây Ban Nha". Nhiều độc giả của các tờ báo đó ở Phổ, áo, Hà Lan, ý trong các thành phố liên minh thương nghiệp ở tây-bắc nước Đức, ở vương quốc Vét-xpha-li, trong các quốc gia của Liên bang sông Ranh thì thầm nhỏ to rằng: "Kẻ cắp đã gặp bà già", và họ vẫn chưa dám tin rằng ước vọng của họ có thể thực hiện được. Đó là tình trạng tư tưởng khi người ta bỗng nhiên được tin rằng hai vị hoàng đế Pháp và Nga sẽ gặp nhau ở éc-phua vào mùa thu năm 1808.