MỘT LẦN TRỞ LẠI

Tôi trở về Huế vào một chiều tháng 7. Màu nắng cuối Hạ vẫn còn ươm vàng trên những mảnh tường rêu xanh. Giòng sông Hương nhẹ tênh treo mềm mại dưới chân cầu. Chỉ thiếu những tà áo trắng chen nhau trên bến đò trước Phú Văn Lâu, nếu không, thì Huế hầu như không thay đổi, nguyên vẹn những nỗi niềm.
Tôi đi qua chiếc cầu dài thay thế cho cầu Tràng Tiền đang sửa chữa. Dừng lại trên cầu, ngoái nhìn mấy nhịp uốn cong. Những chiếc mũ bảo hộ vàng rực rỡ dưới ánh nắng, tất cả thể hiện cho Huế đang chuyển mình thực sự.
- Cô mới tới đây lần đầu.
Tôi quay lại, giọng Huế nhỏ nhẹ của một cô gái làm tôi hơi ngạc nhiên. Ngày xưa, khi trạc bằng tuổi cô, chúng tôi không dễ dàng làm quen với người lạ như thế. Bây giờ thì khác, cũng chiếc áo dài có đính huy hiệu trường Quốc Học bằng chỉ xanh ở ve ngực áo, nhưng ánh mắt cô gái sáng rỡ,tự tin, thoải mái. tôi cười thân thiện
- Không, đây chỉ là một chuyến trở về sau nhiều năm xa cách. Tuổi thơ của cô ở đây.
Cô gái vuốt mái tóc dài của mình, hơi nghiêng đầu, tò mò nhìn tôi:
- Hèn gì, chẳng nghe giọng cô có chút chi Huế cả.
Tôi chợt thấy thú vị khi trò chuyện với cô bé.
- Vậy mà cô sống ở đây nhiều năm, đã từng nói rặt giọng Huế, mê ăn ớt Huế và tranh đấu theo Huế.
- A, hồi đó chắc cô học ở...?
- Đồng Khánh, rồi Khoa Học Huế. Cái ngôi nhà đằng kia, thời tây đã từng là khách sạn lớn,rồi dùng làm trường Đại học. Giờ đây. nó được chuyển lại thành khách sạn, nhà hàng. Cô muốn tìm lại giảng đường xưa kia mà không thấy.
- Mọi cái đã thay đổi rất nhiều. Chắc cô không biết đó thôi.
- Có lẽ. Nhưng Huế vẫn nguyên vẹn với những khoảng không gian rộng thoáng, với những ngôi vườn, những con đường ven sông..
Cô gái cười khúc khích:
- Cô nói sao chớ con thấy ở đây xây dựng nhanh quá. Ngủ môt đêm trở dậy là thấy Huế lạ đi một chút rồi.
Tôi thả dọc theo cầu sau khi cô gái bỏ đi với một thanh niên mới đến. Hai bóng trẻ trung sát bên nhau, quấn quýt bên nhau, đi trước tôi mấy bước chân. Tôi đi thật chậm để giữ khoảng cách tự nhiên cho họ.
Bỗng dưng tôi thèm nghe môt câu hò Huế trên sông. Bóng chiều càng xuống, nỗi ước ao càng tăng. Trên giòng đời bát ngát, sông Hương luôn là dãi lụa mềm mại dung chứa quá khứ cũng nhưng hiện tại.
Ngày đó, trên chiếc cầu chưa gảy nhịp, tôi áo dài trắng thả rong hồn trôi theo giòng sông nhỏ, Mỗi sớm mai Huế còn mù sương thơm ngát hương sen. Mỗi chiều nắng lung linh, dát vàng từng ngọn sóng lăn tăn. Mùa Xuân mai vàng, mai trắng rụng khắp vườn. Mùa Đông mưa xiêng lạnh buốt gót chân. Tôi, tuổi học trò thơ thẩn với tình yêu đầu đời, với những câu tỏ tình vụng về.
- Xuân ơi, cho anh xin lỗi, đừng giận anh nữa.
- Làm răng mà tui giận anh cho được. Tui có quyền chi mà giận anh. Tui là người dưng. Anh lên Nam Giao mà xin lỗi họ tề.
- Thôi mà Xuân. Anh biết lỗi rồi mờ. Cô nớ chẳng liên quan chi tới anh hết. Em đừng có nghe mấy đứa tầm vơ nói bậy nói bạ. Anh thề với em.
Có một đôi tình nhân đang giận nhau. Họ nói sẻ sàng như gió, xuôi theo chiều tôi đang đứng. Họ không để ý vì trời bắt đầu chạng vạng,mặt ai cũng nhoè đi. Song mẫu đối thoại nhỏ đã như đưa tôi trở về với tuổi 20 của mình. Huế,tuổi trẻ và tình yêu. Dù Huế cổ kính, Huế đế đô với sự trang nghiêm, với ngàn già cỗi. Nhưng cái thơ, cái mộng lại cũng từ đó phát sinh, làm nôi cho tình yêu nẩy nở.
Hồi đó, tôi giã từ Huế với nỗi đau mất mát của mối tình đầu sớm lụi tàn. Sự chia tay cũng êm ái như lúc bắt đầu. Chúng tôi cùng im lặng bước bên nhau trên cầu, gió buốt lạnh, mùa xuân gần đến.
- Dạo này em thấy anh đổi khác. Không nói, hay tránh né, nhiều khi đi biền biệt …
- Anh có chút việc riêng. Anh đã nói hàng trăm lần để em hiểu nhưng em không chịu hiểu.
- Em hiểu gì khi thái độ của anh ngày càng xa cách? Ba em định đưa em vô Sài Gòn học. Hình như anh cũng thích thú vì chuyện đó?
- Không phải vậy. Nhưng … em có thể đi …
- Thôi em hiểu rồi …
Tôi đã quay ngược chiều tức tưởi bỏ đi, và cũng chẳng cần hay biết rằng chỉ sau khi tôi vào Sài Gòn một tuần thì anh cũng đi mất tăm mất tích.
Mãi đến khi hoàn toàn giải phóng, tôi mới hiểu tại sao. Anh ấy đã bỏ học, lên rừng chiến đấu. Anh ấy giữ bí mật và tôi thì ngây thơ hiểu lầm. Mọi sự tan vỡ hết. Bây giờ tất cả đã trở thành kỷ niệm, một thời không thể quên.
Sông Hương thẩm lại dưới chân tôi. Vài chiếc ghe trôi lờ lững mang theo ngọn đèn dầu đỏ ửng trong lòng thuyền. Tiếng nhạc sập sình ở các hàng quán ven sông vẳng lại. Đó là thứ âm thanh không có trong ký ức của tôi. Tôi không thích, bởi tôi yêu sự tĩnh lặng trên dòng sông đêm. Tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng mái chèo khua nước, tiếng ếch nhái kêu than, tiếng ve râm ran buổi hạ, rồi đâu đó vang lên giọng hò mái nhì. Những âm thanh chẳng nơi nào có, hoà quyện vào nhau, theo đuổi trong từng giấc ngủ của người con xa xứ. Những âm thanh làm giàu chất thơ cho sông Hương, làm tăng chất trữ tình cho Huế, giờ đây, đang bị bào mòn xâm lấn bởi các tạp âm.
- O ơi, đi xích lô? O về mô?
Trên chiếc xe đổ dốc chầm chậm, tôi ngang qua chợ Đông Ba đã tắt ánh đèn. Nhưng bên ngoài cửa chợ, những ngọn đèn dầu khói mù vẫn chong mắt ở các gánh hàng rong, ở các quầy trái cây, bánh kẹo. Đường phố chính ít người qua lại. Hình như con người ở đây không thay đổi, họ vẫn không thích đi dạo phố đêm. Tối đến, mỗi căn nhà là một thủ phủ và vì vậy, thành nội vẫn hun hút im lìm với những hàng cây, nhà vườn vắng vẻ.
Một chuyến xe dừng lại cạnh tôi, dưới chân cầu Gia Hội. Những người thợ trẻ bước xuống và những chiếc áo xanh bước lên. Những tiếng chào hỏi, cười đùa rôm rả. Những gương mặt mệt mỏi nhưng vẫn bởn cợt lẫn nhau. Một dáng mới, tuổi trẻ mới của thành phố. Họ là những công nhân, sống và làm việc theo nhịp công nghiệp hối hả. Nhưng cái chất Huế vẫn không mất. Họ thong thả bước, và trước mặt tôi ba bốn cái đầu đang chụm nhau bên một sạp báo. Họ chỉ trỏ, bình phẩm những bức hình bìa. Có đôi tay se sẻ lật vài trang, những ngón tay nhỏ, trắng. Một đám thợ khác quây quần bên gánh chè bột lọc. Nếu họ cởi bỏ chiếc áo công nhân và mặc vào chiếc áo dài nữ sinh thì họ lại là tôi của rất nhiều năm về trước. Nhưng bây giờ họ sống động và mạnh mẽ. Tinh thần tuổi 20 ở thế kỷ sắp bước qua ngưỡng của 21, hiện đại và tràn đầy sinh lực. Họ sẽ là Huế của ngày mai, của sự tồn tại vững chắc nhờ ở trí lực và đôi tay. Nhưng chắc chắn một điều Huế vẫn là Huế mà những người lâu lâu mới trở về không hề thấy mình lạc lỏng xa lạ.