Tôi đứng lên, mở cửa. Trước ngưỡng cửa hiện ra một người đàn ông Việt Nam khoảng 40 hay 45 tuổi, cao lớn, hơi gầy, tai lớn, khoác chiếc áo lạnh dày, khuôn mặt ông hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi cố moi trong trí nhớ xem có người quen biết nào lâu năm không gặp lại, nay đến tìm tôi, nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy một nét quen thuộc nào. Tôi nhìn người đàn ông lạ chờ đợi. Ông ta chậm chạp cởi chiếc áo khoác, máng lên móc. Bấy giờ tôi thấy bên trong, ông mặc quân phục Pháp, mang cấp bậc chuẩn úy bộ binh Pháp.Sau này nước Pháp được giải phóng, những người lính Việt Nam mang cấp bậc sĩ quan Pháp khá nhiều. Cho nên quân phục và cấp bậc không làm cho tôi nhớ lại điều gì.Có thể đây là một người vừa từ các trại tù binh Đức được giải thoát. Có thể từ đoàn quân thuộc địa Pháp được đem vào giải phóng mẫu quốc.Người đàn ông lạ tự giới thiệu:- Thưa cha, tôi là Vĩnh San.Tôi lẩm bẩm, và trong đầu óc cố moi móc ra những cái tên Hoàng phái:- Vĩnh San… Vĩnh San…- Xin lỗi ngài, trong Hoàng phái có quá nhiều chi, nào là Bửu, Vĩnh… nên tôi không nhớ…Người tự xưng là Vĩnh San mỉm cười:- Thưa cha, có lẽ nếu tôi nói đến một cái tên thứ hai của tôi thì cha sẽ nhớ lại được. Thưa cha, ngày xưa tôi là hoàng đế Duy Tân.Tôi giật mình, nhìn người đàn ông hơi kỹ hơn, rồi do lòng kính phục tự nhiên mà bao nhiêu năm ôm ấp huyền thoại về một vị vua trẻ tuổi, anh hùng đã tạo ra, tôi quì phục xuống theo nghi lễ triều yết:- Hân hạnh được ra mắt ngài.Nhưng cựu hoàng Duy Tân, hay Thái tử Vĩnh San vội vàng đỡ tôi dậy, cười tươi tắn, và kéo tôi vào ghế ngồi đối diện nhau:- Xin cha đừng nhắc nhiều đến chuyện cũ. Tôi đến đây chính ra để thưa với cha những chuyện hiện tại, nhờ cha giúp cho về vài chuyện hiện tại.- Nếu có thể giúp được việc gì tôi xin sẵn sàng, nhưng xin hỏi ngài một câu: làm sao ngài biết tôi, biết địa chỉ tôi mà đến tìm?- Cha khiêm tốn quá không để ý đó thôi. Danh tiếng cha trong giới Việt kiều ở hải ngoại đâu cũng biết. Khi đến Ba-Lê, đã có người giới thiệu với tôi rằng nếu muốn đi vào giới Việt kiều ở đây, thì hãy tìm gặp cha Cao Văn Luận. Tôi tìm gặp cha cũng vì chuyện đó.- Xin lỗi ngài, cho tôi hỏi thêm một câu để thỏa tính tò mò: hiện nay tình trạng của ngài ra sao?Cựu hoàng Duy Tân châm thuốc hút, nhìn mơ màng trả lời:- Bây giờ thì như cha thấy, tôi là một chuẩn úy trong quân đội Pháp. Ngay sau lúc nghe tin tướng De Gaulle lập lực lượng kháng chiến FFI (Forcés France caises de l’Intérieur) tôi đang bị giam ở đảo La Réunion lập tức xin gặp quan toàn quyền Pháp ở đó, và yêu cầu được gia nhập lực lượng kháng chiến chống quốc xã Đức và họ cho tôi đến Madagascar. Lời yêu cầu của tôi được thỏa mãn. Có lẽ vì họ muốn dùng tôi để lôi cuốn mấy ngàn Việt kiều ở Madagascar và dân Việt Nam ở nước nhà về phe kháng chiến chống Đức. Tôi được mang cấp bậc chuẩn úy, như ngài thấy. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta giúp nước Pháp trong hoạn nạn, hay ít ra tỏ lòng hào hiệp với nước Pháp trong lúc đó, thì có thể gây cho họ sự kính nể đối với ta, về sau họ phải nghĩ lại nhiều hơn khi tái chiếm Đông Pháp.- Có thể hành động của ngài đúng nhưng chuyện về sau chưa biết thế nào.- Đành vậy. Chuyện về sau thì bây giờ tôi đang lo đây. Lúc rời Madagascar, các Việt kiều, các sinh viên Việt Nam du học ở Pháp thì không có cách nào hay hơn là tìm gặp cha. Cha rất được kính nể và quen biết rất nhiều trong giới Việt kiều ở đâyTôi có phần cảm động vì sự tin tưởng của các Việt kiều, cũng như của Cựu hoàng Duy Tân, tôi thú nhận là từ khi sang Ba-Lê, một phần lớn thì giờ của tôi đã được dành để tiếp xúc, sinh hoạt, hoạt động với các anh em sinh viên Việt Nam du học, các Việt kiều, các lính thợ ở lại Pháp sau đệ nhị thế chiến. Những Việt kiều tại Ba-Lê, tôi đã tụ tập họ vào một hội Việt kiều công giáo Ba-Lê, và sau này trở thành giáo xứ Việt Nam tại Ba-Lê. Tôi không hiểu được tư tưởng, mưu định của nhà vua. Trong câu chuyện trao đổi đêm hôm vua Duy Tân chỉ nói những chi tiết, những giai thoại về đời sốngvk ở Madagascar. Tôi cũng chưa dám hỏi kỹ lưỡng, vì nghĩ rằng nếu người ta muốn nói thì không cần hỏi cũng nói, nếu muốn dấu thì hỏi họ lại càng dấu kín.Câu chuyện trở lại việc vua Duy Tân muốn tiếp xúc với các Việt kiều, các đoàn thể Việt Nam ở Pháp. Tôi thưa với ngài:- Chuyện đó thì tôi có thể giúp ngài được. Tôi xin đề nghị là ngài nên tìm một cơ hội gặp chung một số sinh viên, trí thức ưu tú trước, sau đó tùy nhận xét của ngài, tùy mối thiện cảm của ngài gây ra được, ngài sẽ tiếp xúc riêng với từng người thì tiện hơn.Vua Duy Tân gật gù, tán đồng ý kiến đó:- Mọi việc xin nhờ cha thu xếp.Tôi hỏi địa chỉ ông ta và hẹn một tuần sau sẽ mời ông đến tham dự một buổi tiếp tân khiêm tốn do các hội đoàn Việt kiều tổ chức để đón mừng ông. Tiễn ông vua cũ mà tôi chỉ nhớ qua những huyền thoại, ra khỏi cửa, lòng tôi bùi ngùi thương nhớ. Cuộc nổi loạn của vua Duy Tân tuy thất bại, nhưng tiếng vang đã thức tỉnh dân chúng Việt Nam, đã nuôi dưỡng được ý chí quật cường của dân tộc trong bấy lâu nay. Trong lần gặp gỡ này, tôi chưa hiểu được vua Duy Tân có còn là vị vua anh hùng ngày xưa, dám đem ngai vàng thách đố với một cuộc phiêu lưu vô vọng.Tôi chỉ ghi nhớ một việc khá rõ trong câu chuyện đêm hôm đó: vua Duy Tân muốn trở lại hoạt động chính trị. Theo chiều hướng nào thì tôi chưa được biết. Nhưng tôi nghĩ cái chí nguyện đó rất đáng kính phục và giúp đỡ.Mỗi người phải được một cơ hội để làm lại, để đem những khôn ngoan, kinh nghiệm học được trong thất bại, trong gian khổ, thử thách một lần nữa. Vì những ý nghĩ như vậy, tôi khá hăng hái lo việc tập họp các sinh viên trí thức Việt Nam tại Ba-Lê và các Việt kiều ưu tú.