Chương Kết

"Ai đưa con sáo sang sông. Để cho, để cho con sáo, ơi người ơi, sổ lồng, ơi người ơi bay xa, sổ lồng, ơi người ơi bay xa…"
- Cha, anh này mơ mộng dữ a...
Tôi quay lại, thằng Út, một chân ghếch lên vè xe, một tay chống nạnh, một tay đưa lên mũi chế riễu tôi. Tôi cười nói:
- Không mơ mộng à. Út lại đây anh hỏi cái này coi.
Thằng Út chìa tay:
- Cho năm đồng keng đi rồi muốn hỏi gì thì hỏi.
- Thì tới đây anh hỏi cái này đã. Đụng cái gì cũng tiền.
Thằng Út vẫn đứng nguyên chỗ.
- Không, tiền trước, hỏi sau.
Tôi bực mình gắt:
- Vậy đi chỗ khác chơi.
- Sức mấy, phá hổng cho anh mơ mộng nhớ cô nào chớ...
Tôi làm thinh không thèm nói. Ngó mông ra xa. Thằng Út lải nhải thêm vài câu rồi buồn tình bỏ đi. Trời sắp về chiều, nhưng nắng vẫn còn bỏng rát cả da mặt. Những đồi cát liên tiếp trắng xóa chói chang. Đằng xa kia là những mái tôn trắng bạc tỏa hào quang trong nắng. Đó là một chỗ tạm cư của những người dân từ Cam Bốt trở về. Họ sống tạm trên nền cát, chịu đựng những cơn gió biển tốc từng bão cát vào mặt, vào người. Xe hơi, truyền hình, ra dô kề cận những con lợn đen, những đàn gà Mỹ nuôi trong cái chuồng có khung với thực phẩm đầy đủ. Họ mê xem cải lương và nhờ đó, đoàn hát tôi đã kiếm được bộn tiền. Mọi người đều hân hoan với số tiền kiếm được mỗi xuất hát, chỉ riêng tôi là khó chịu, ấm ức và bực mình. Giấc mộng đẹp đẽ đã tan tành tự ngày đầu tôi bước lên chiếc xe lam, bỏ Dĩ Trung, theo gánh hát. Bởi thực tế không đẹp như tôi tưởng, bởi lòng người quá điêu ngoa, và bởi nếp sống của những người trong gánh hát không giống như nếp sống của gánh hát Hưng Liên ngày xưa. Đối với ba má tôi, gánh hát là cuộc đời của người. Vì yêu tự do, vì dòng máu nghệ sĩ, giang hồ, ba má tôi lập gánh. Còn đối với những người trong đoàn hát này, sau thời gian chung sống, tôi thấy mục đích chính của họ là tiền. Họ có thể làm bất cứ điều gì để có tiền, kể cả những việc làm không lương thiện. Nói cho đúng ra, ngoài việc hát xướng là việc làm lương thiện nhất, còn bất cứ công việc gì họ nhúng tay vào đều ám muội. Từ thằng Út, đến Dung, đến kép Thuận Thành, đến ba má Dung, người nào cũng hau háu khi nhìn thấy tiền mà không biết đồng tiền đó đã kiếm ra bằng cách nào. Tệ hơn nữa là vấn đề lương bổng trong gánh thường không được đồng đều. Mỗi đêm, ba má Dung trả lương cho những người hát, trừ tiền cơm, tiền nước, tiền xăng, chớ không chia đều số tiền kiếm được như ba tôi đã làm. Và y như là mỗi đêm đều xảy ra những trận cãi vả, chửi rủa tục tằn. Tôi ngạc nhiên không biết tại sao họ còn có thể hát chung với nhau, sống chung với nhau sau những giờ phút mắng chửi nhau cạn tàu ráo máng như vậy. Tôi cố hết sức để khỏi dây vào những trận cãi cọ, và nhất là những việc làm bất chính. Và cũng chính vì không chịu mang bao tải bò vào nhà dân quê trộm gà vịt, rau trái, đôi khi còn trộm cả những vật dụng nữa, nên tôi thường bị chèn ép đủ bề. Dung thường mắng mỏ tôi là loại "quân tử quèn", "quân tử rỏm". Nhưng tránh hành động, chớ thật khó tránh những bữa ăn làm bởi các vật cắp được. Vì vậy, lòng tôi buồn bực vô cùng. Tôi nhớ lại chuỗi ngày sống với ba má ruột, những ngày ở quận Dĩ Trung, những ngày kề cận Vân. Nỗi nhớ cứ gom lại từng ngày, và càng ngày, lòng tôi càng chĩu nặng. Tôi bắt đầu hối hận về chuyến đi của mình. Tôi tưởng đến nỗi buồn của ba má nuôi tôi, tưởng đến đôi mắt ngập nước của Vân khi biết tôi bỏ nhà đi theo gánh hát. Chắc rằng chả một ai có thể tha thứ cho tôi.
- Ủa, Hiệp, sao ngồi đây.
Bác Sáu Vĩ ôm cây đờn lại gần tôi, bác ngồi bệt xuống nền cát, mân mê thành đờn.
- Buồn quá bác Sáu ơi.
Bác Sáu Vĩ lặng thinh nhìn tôi. Bác là một người duy nhất trong gánh hát mà tôi có thể tâm sự. Bác khác hơn những người khác. Có lẽ tiếng nhạc tiếng đờn làm bác hiền hòa hơn, mơ mộng hơn. Đôi lúc tôi gặp bác ngồi im như tượng để nhìn mặt trời lặn từ xa. Hoặc những đêm trăng khuya, khi vãn hát, bác còn ngồi nắn nót dây đờn. Tôi cảm mến bác ở điều đó.
- Tụi nó bỏ đi đâu hết trơn. Con Dung cũng vậy. Hổng biết ai nấu cơm ăn để kịp xuất hát.
- Họ đi đâu hết vậy bác?
Bác Sáu Vĩ ngó mông ra đằng chỗ đồng bào tạm cư đáp:
- Biết đâu cà, lại mua bán chi đó rồi. Ờ mà mày buồn cái gì vậy. Cách đây một tháng mày ưa đi theo gánh quá trời mà. Ở riết rồi quen.
Tôi thở dài:
- Vỡ mộng hết rồi bác ơi.
Bác Sáu Vĩ mỉm miệng cười chua chát:
- Thì cũng tại mày, mày nhìn kịch trên sân khấu, mày tưởng cũng giống như trong cuộc đời. Lầm to rồi cháu ơi, đời gay go, cam khổ hơn gấp ngàn gấp bội. Có chịu đựng được mới thành công chớ. Thôi ráng nhín nhín đi, đợi khi về Sài Gòn rồi khá ra.
- Nhưng khi nào mới vô Nam lại hả bác?
- Ối tùy, chớ bộ mày tưởng ra vô dễ lắm hả. Cà rịch cà tang. Cả năm trời mới ra đến đây, thì vô lại cũng còn lâu.
Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, sao Dung nói với cháu là chỉ mấy ngày nữa đoàn trở về Nam. Dung với ba má nàng hứa chắc như vậy cháu mới bỏ Dĩ Trung chớ.
Bác Sáu Vĩ nửa đùa nửa thật:
- Chớ hổng phải mày mê con nhỏ Dung à…
Tôi lặng thinh. Thật tình, trước kia, tôi mê Dung qua những lốt hóa trang rực rỡ trên sâu khấu. Tôi theo Dung, tôi có can đảm từ bỏ Dĩ Trung cũng một phần vì vậy. Nhưng cũng chưa hẳn đúng, tôi bỏ Dĩ Trung cũng vì tham vọng điên cuồng của mình, tôi muốn được nổi tiếng, tôi muốn là ngôi sao sáng của cải lương. Nhưng tôi bỏ Dĩ Trung chắc cũng vì cái nghiệp dĩ, cái niềm khao khát được bay nhảy tung hoành, không vòng vo trói buộc vào đâu hết. Mỗi thứ một ít thúc chân tôi, để bây giờ mộng tàn và tôi sống trong nỗi nhớ, trong niềm hối hận nuối tiếc.
Bác Sáu Vĩ bỏ đi từ lúc nào không biết và tôi ngồi mãi đến khi trời thâm thẩm tối. Gió càng lúc càng dữ dội, thổi từng đợt cát vào mặt, vào mình. Tôi đứng dậy định trở vào căn nhà tạm. Nhưng cách đó một khoảng tiếng Dung la ơi ới:
- Anh Hiệp, ra xách giùm chút coi... Anh Hiệp trời ơi, bộ anh lảng tai hả?
Tôi chạy vội ra đỡ lấy cái xách nặng trên tay Dung. Tiếng vịt kêu lạc cạc trong bao tải. Tôi hỏi Dung:
- Mua vịt hả?
- Ừa, Dung mua tận trong đó. Trời ơi, dân tình ở đây chi lạ, nói tiếng nặng trịch nghe không được.
- Mấy người kia đâu.
Dung vừa mở cái nút thắt vừa trả lời:
- Họ đi có công chuyện mà. Tối này nghỉ không hát. Mai dời đi.
Tôi nhân cơ hội hỏi Dung:
- Đi vô lại hả Dung, bữa trước Dung nói có mấy ngày nữa ni cả tháng rồi mà cứ thấy đi ra hoài. Dân ở đây nghèo lắm, họ không có tiền coi hát đâu.
Dung liếc mắt nhìn tôi. Tay nàng quờ quạng tìm chân vịt lôi ra từng con.
- Ủa, bữa nay mắc chứng gì mà anh đòi vô. Về Dĩ Trung hả.
- Không, vô Nam kìa. Hôm trước, hai bác có hứa nên tôi mới đi.
Dung háy mắt:
- Hứa là cái gì. Mà sao anh nhớ dai vậy. Hát còn ăn khách mà. Nghe đâu ra phía ngoài còn mấy trại tạm cư như vậy nữa. Tha hồ hốt bạc. Mà anh đừng hỏi chuyện đó nữa, ông già ổng nổi giận là khó làm ăn đó.
- Nhưng tôi muốn về quá. Tôi muốn được thấy lại những con đường mà trước kia ba má tôi đã đi qua.
Dung làm bộ như không nghe câu nói của tôi, nàng soạn thêm vài món vật dụng khác và khoe tài đi chợ của mình.
- Mua được rẻ ghê, có mấy trăm bạc mà mua được hai con vịt, mai đem ra kia bán bớt một con là lấy lại vốn. Một con nấu cháo ăn chơi.
- O ơi nì... cái o đó...
Tôi quay ra, một bà già tất tả chạy vào, tay chân cuống quít bà vừa thở hổn hển vừa phân trần:
- O ơi, trời Phật, mệ chạy theo miết mới đuổi kịp đó. Nề, o coi nề, o đưa mẹ bốn trăm mà cái tờ trăm bên trong có một nửa tờ, tiền rách o đưa lộn đó o ơi... Đổi lại cho mệ đi.
Dung xua tay nạt ngay:
- Không biết, tui đưa cho bà tiền hẳn hòi, bây giờ tôi về tới nhà bà mới chạy theo, định ăn gian hả?
Bà già cuống quít:
- Trời, tội nghiệp mệ mà o, mệ nói láo có trời đánh chết. Mệ chưa ăn hột cơm mô vô bụng. Cầm tiền, mệ đếm mới thấy, chạy theo liền chớ. Chắc o lộn đó. Làm phước đổi giùm mệ đi, gia tài có bấy nhiêu mà.
Dung trây trối:
- Không biết, tui đưa bạc bà đàng hoàng. Có ai làm chứng là tui đưa bà bạc rách, bạc một nửa.
Bà già bắt đầu mếu máo. Cái miệng móm hở giơ cả hàm răng thưa thớt đen thui. Bà già quay sang tôi phân trần:
- Em nói giùm mệ đi. Nề, tiền đưa làm răng mệ cầm theo rứa. Khi đưa thì xếp như ri nề. Đến khi mệ mở ra mới biết chớ mô mệ có ăn gian, già rồi gần xuống lỗ rồi. Đói thì xin ăn chớ không làm chuyện đó mô em nợ.
Chỉ có tôi là biết tờ bạc một nửa kia chính là của Dung. Bởi tờ bạc đó, tôi đã bắt gặp dưới đống cát ẩm đằng trước, đưa cho thằng Út, và chắc thằng Út đã đưa cho Dung, để Dung lừa bà cụ đáng thương kia. Tôi đón nhẹ tờ bạc trên tay bà cụ, móc ví, lẳng lặng đưa cho bà tờ hai trăm khác. Số tiền duy nhất tôi có trong mấy năm dành dụm ở Dĩ Trung. Bà già cám ơn rối rít. Khi bà già vừa đi khuất, Dung níu lấy tay tôi sừng sộ:
- Anh ỷ có mấy trăm bạc rồi định làm nhục tôi hả.
Một phần buồn, một phần khinh, tôi làm thinh bước ra cửa.
Tiếng Dung đuổi theo:
- Ngó mặt sáng sủa mà ngu. Khi không nộp thêm hai trăm bạc.
Tôi quay sang Dung nghiêm giọng:
- Như vậy, đúng là Dung đã lừa bà già đó phải không?
Dung hất mặt:
- Đời là một trường tranh đấu mà anh.
Tôi cười nhạt:
- Lừa người ta mà tranh đấu hả. Thiệt tôi không ngờ.
- Anh không ngờ gì. Chúng tôi sống như vậy đó, vậy mà có người năn nỉ đi theo, chớ đâu ai thèm.
Tôi cố chận cơn tức đang dâng trào. Thôi còn nói làm gì với người có tâm địa xấu như vậy. Tôi nhớ lại đêm trăng gặp Dung và lấy làm tiếc sao tôi có thể so sánh hành động của Dung và hành động của cha tôi hồi sanh tiền.
Nhưng tất cả dù sao cũng muộn rồi. Tôi đã trót theo lao giờ đành lao theo.
Mọi người đã lục tục trở về xe. Những tấm phông cảnh vội vàng được gỡ đi trong khi mấy người đàn bà lo cơm nước. Hình như Dung không mách lại với mọi người câu chuyện hồi chiều. Tôi nghĩ có lẽ nàng hối hận. Đêm ở vùng nhiều cát này chỉ được nghe một thứ âm thanh đều đều của tiếng gió thổi xua cát rào rào lên mái tôn. Kép Thuận Thành khèo tôi ra ngoài nói nhỏ:
- Tối nay, anh đi chơi với tôi không?
- Ở đây có gì mà đi chơi, toàn cát với cát.
Thuận Thành mỉm cười bí mật:
- Hồi chiều tôi đi thăm dân tình ở đây rồi. Tụi dân tị nạn ở đây giàu lắm, có đứa mang được cả xe hơi về đây nữa thì đủ biết. Còn ra dô, truyền hình. Mình kiếm cách chớp bớt một cái ra dô nghe chơi đi. Chớ ở không buồn muốn chết. Hai đứa mình đi đi.
Gương mặt Thuận Thành láo liên trong đêm. Hàm răng ánh vàng. Đôi mắt sâu dữ tợn dưới cặp lông mày rậm. Tôi sửng sốt nhìn Thuận Thành và không ngờ anh ta có can đảm rủ rê tôi làm chuyện đó. Đành rằng các vụ ăn cắp đồ tươi của dân quê là đáng trách, nhưng chuyện đó, tôi nghĩ là còn hiểu được chớ vụ đi ăn trộm thế này thì thật là…
- Ủa, tôi tưởng công việc chính của mình là công việc hát xướng, còn việc trộm ra dô của đồng bào là nghề của bọn lưu manh chớ...
Thuận Thành trố mắt nhìn tôi, giọng nói của anh ta có vẻ bực bội:
- Thôi, đừng giả ngộ nữa bạn, đạo đức luân lý chỉ là trò hề. Có đi với tôi không thì nói đại phứt đi cho rồi.
Tôi không đi, nhưng tôi cũng khuyên anh đừng đi. Dân ở đây lạ nước lạ cái, mình làm vậy coi không được. Với lại họ sẽ nghĩ gì về xứ mình.
Thuận Thành nói như rít giữa hai hàm răng:
- Được rồi, anh không đi hén, đồ quân tử khùng. Sáng mơi gánh đi sớm thì có ai biết mẹ gì mà lo. Thứ đồ đàn ông con trai gì mà nhát gan.
Mắng mỏ xong, Thuận Thành băng mình vào đêm. Tôi đứng nhìn theo ngao ngán. Bác Sáu Vĩ từ trong nhà ra đứng cạnh tôi hỏi nhỏ:
- Tụi bay cãi nhau hả?
Tôi chỉ tay ra ngoài trời:
- Thằng Thành hắn đi chớp đồ của dân ở trại tạm cư đó bác. Thiệt là... nghệ sĩ kiểu gì vậy.
- Ối hơi đâu mà nói. Tao khuyên mày hết nước miếng. Hồi nhỏ, mày theo gánh hát của ba mày, mày có biết gì đâu, cứ thấy đời là màu hồng, là đẹp đẽ. Mà dĩ vãng nào thì cũng đẹp đẽ hết. Lớn lên, mày nhìn đời bằng cặp mắt khác, bằng cách phán đoán khác, thì thực tế nhứt định sẽ không giống như mình nghĩ chớ sao.
- Nhưng tình thiệt là lối sống của những người ở đây không lương thiện chút nào bác à. Còn bần tiện, chèn ép, đủ mọi thứ.
Tôi trút tất cả những ấm ức lên bác Sáu Vĩ:
- Đó bác coi đó cũng thấy. Từ ngày cháu về hát cho gánh này đến nay, cháu cứ bị chèn lấn đủ thứ. Hôm rủ cháu theo đoàn bác Ba hứa đủ thứ, nói sẽ tập tành cất nhắc cháu thành vai chánh của gánh, hứa thế này thế nọ. Nhưng khi cháu đi theo rồi thì phần lớn cháu trở thành lao công cho gánh hát hơn là kép hát. Thỉnh thoảng, cháu được đóng vai phụ, vai chẳng ra vai, trò chẳng ra trò...
- Tao nghĩ cạn là tại cháu chưa quen sân khấu, chưa thuộc tuồng. Ai mới vô nghề cũng từ vai phụ đi lên hết. Cứ ráng đi.
Tôi cố giải thích cho bác Sáu Vĩ hiểu rằng chuyện không đơn giản như vậy:
- Không phải vậy đâu bác. Một gánh hát nhỏ như vậy đâu có cần thêm người làm gì. Chẳng qua có cháu là để đỡ bớt gánh nặng cho đoàn trong việc di chuyển, khuân vác. Hoặc qua một vài vai phụ thường thường. Rốt cuộc, cháu là người bị lợi dụng.
- Cháu đừng nghĩ vậy. Cháu có tài, có học, rồi cũng nổi.
Tôi lắc đầu chán nản:
- Thiệt khó lắm bác. Cháu nghĩ kỹ rồi. Bầu gánh mà ghét mình thì suốt đời ngoi đầu lên cũng hổng nổi.
- Ai ghét cháu đâu cà?
- Thiệt ra cháu đâu có làm chi để cho họ ghét bỏ, nhưng tại cháu không chịu hùa theo họ làm những cái việc không lương thiện. Nghèo thì nghèo, chớ đâu có đến nỗi phải trộm của những người khác, nhứt là dân ở đây, cháu biết, họ nghèo hơn trong mình nhiều lắm, lấy làm chi của họ. Mọi người trong gánh, kể cả Dung cũng đâm ra coi cháu như cái gai trước mắt.
Tôi rưng rưng nước mắt nhớ lại những ngày sống bình yên nơi Dĩ Trung. Những ngày bình dị mà trong lành. Còn ở đây, chỉ mới một tháng xuôi ngược với gánh hát Sen Vàng mà lòng tôi đã chai sạn bởi những trắc tréo, bởi những lường gạt của đời. Đời không đẹp như tôi tưởng. Những đoạn đường di chuyển không trải hoa rải gấm như tôi mơ. Tâm hồn tôi đã được nhào nặn nuôi dưỡng trong không khí hiền hòa, trong nếp sống êm đềm của Dĩ Trung, thì làm sao tôi có thể chịu đựng được những cơn bão, cơn lốc xoáy của cuộc đời.
Trời tối đen. Tự phương xa, một vài ánh đèn nhạt tỏ mờ. Tiếng gà gáy lỗi giờ văng vẳng đâu đó nghe xao xác. Tôi nhớ lại đêm tôi nằm đợi tiếng gà gáy sáng để rời quận Dĩ Trung. Tôi chờ đợi trong nỗi lòng khó tả, chỉ muốn mãi mãi đêm dài lâu, và tiếng gà im hẳn. Giờ đây, tại Dĩ Trung, chắc mọi công việc đã ngừng hẳn. Những liếp phên đã hạ xuống, những cánh cửa đã đóng chặt lại. Dĩ Trung đi vào giấc ngủ sớm để sáng mai canh gà gáy sáng đầu tiên sẽ đưa mọi người ra ruộng cày bừa. Tôi đã quen rồi những giờ giấc cũ, bây giờ tôi phải thức thâu đêm với tiếng trống tiếng đờn câu hát, với xiêm y rực rỡ, tiếng vỗ tay, tiếng người xôn xao trong từng đêm hát. Buổi sáng tôi đâu còn lắng chờ tiếng gà gáy sáng. Tôi ngủ muộn và mặt trời lên cao mới thức dậy trong trạng thái mệt mỏi, rã rời. Cuộc sống thay đổi như thế đó. Và giờ đây, tôi thèm muốn biết chừng nào được trở về Dĩ Trung nằm trên chiếc giường êm ấm, bên cạnh những người dân quê hiền lành chất phác, cạnh những tấm lòng thương yêu bao dung thật tình. Vân ơi, ba má ơi… Tôi kêu nhỏ tên những người thân giữa lòng bàn tay ướt nước. Đêm vẫn đen. Và tôi không biết làm sao để trở về.
- Bây giờ, cháu định liệu ra sao? Cái gì thắc mắc cứ việc trình bày với bầu gánh. Mình có cái tự do riêng của mình chớ. Với lại, cháu có ký giao kèo, thì đâu có lo.
Tôi gật đầu nhìn bác:
- Cháu chỉ muốn về Dĩ Trung thôi. Nhất định cháu phải về Dĩ Trung.
Bác Sáu Vĩ gật đầu:
- Cháu khéo léo mà nói chuyện với họ. Giang hồ như họ thì không vừa đâu đó cháu.
Bác Sáu Vĩ và tôi trở vào trong ngủ sớm.

*

Những xiêm y đẹp đẽ đã rơi xuống. Bộ mặt thật của cuộc đời xảo trá hiện nguyên hình.
- Mày đòi đi khỏi gánh hát này hả? Tại sao vậy? Tụi tao đối xử với mày tử tế như vậy còn đòi gì nữa? Thôi ráng ở lại đi. Muốn trở thành một nghệ sĩ tiếng tăm phải chịu khó. Để kiếm tuồng cho cháu đóng vai chính, lên tỉnh với tài đó cháu khá hơn mà...
Giọng nói của ông Ba Thu, ba của Dung nửa ngọt nửa giận dỗi. Tôi thấy chán ngấy cái giọng điệu vuốt ve như thế rồi.
- Thưa bác, cháu xét mình cũng chẳng có tài cán chi, ở trong ban, chỉ thêm nặng gánh, dành chỗ của những anh em khác, nên cháu định xin về lại quê.
Kép Thuận Thành chõ miệng vào:
- Về quê, đúng là quê một cục…
Tôi nén giận, giữ giọng tự nhiên trả lời Thuận Thành:
- Thưa anh, tôi chỉ thích sống với những người dân quê thôi, họ hiền lành chất phác, chớ...
- Chớ gì?... Bộ anh nói tụi này lưu manh, đểu giả hả?
- Tôi chưa nói hết câu mà...
Ông Ba Thu chen vào:
- Im đi, để tao hỏi chuyện... Bộ cậu tính bỏ gánh hả? Gánh đang neo người. Cậu không nghĩ đến tương lai của mình sao?
Tôi cười nhạt:
- Dạ, cũng vì nghĩ đến tương lai của mình nên cháu mới xin rời gánh. Cháu nhất định rồi...
Dung tựa người ở ngoài thùng xe lam thò đầu vào bĩu môi:
- Ối muốn về quê thì ba cứ cho anh về...
Ông Ba Thu đột nhiên đổi giọng:
- Cậu về cũng được, tui không cản. Nhưng từ khi cậu ở gánh tập tuồng, cậu tiêu của tụi tui một số tiền ăn, không ít đâu. Cậu thanh toán cho xong rồi đi.
Tôi trố mắt ngạc nhiên:
- Tiền ăn, tự hồi mới vô đến nay tui có được đồng lương nào đâu. Ai cũng có lương, tui nghĩ là tiền lương của tui trừ vào tiền ăn.
- Hứ, anh chỉ có chạy tuồng, đóng một vài vai phụ mà cũng đòi ăn lương. Sổ sách có đó. Nếu không có tiền thì cứ ở lại mấy tháng, trừ tiền rồi hãy đi. Ừa, mà ngó bộ anh có tiền chớ, tui nhớ là anh cũng thí cho bà già dịch hôm qua những hai trăm lận mà.
Tôi không buồn đáp lời Dung mà cũng không buồn cải lại. Tôi đưa mắt nhìn những gương mặt ngồi chung quanh. Không một chút thân thiết nào tôi đọc thấy trên mắt họ. Tôi đau lòng khi thấy mình đã bỏ hạnh phúc để đi tìm một ảo ảnh danh vọng nào đó mà cứ tưởng là hạnh phúc có thật.
- Bây giờ anh tính làm sao, tính lè lẹ lên rồi còn sửa soạn để tối ra tuồng đây.
Tôi lắc đầu không nói bỏ ra ngoài. Mặt trời chiều chói những tia nắng vàng tươi lên ruộng lúa vàng. Gió tung tăng trên cây cỏ xanh tươi. Chiều đẹp như một bức tranh. Tôi đi một đoạn dài để lòng dịu bớt cơn tức tối đang trào lên nghẹn ngào. Bờ cỏ khô, sạch sẽ. Hương lúa vừa độ thơm lừng. Tôi ngồi xuống bờ ruộng. Những hạt lúa còn xanh thơm mùi sữa ẻo lả trên mười ngón tay. Mình hạt nhám nhám. Tôi bóp khẽ những hạt lúa mập nhất. Cây cỏ trong khoảnh chốc bỗng quen thuộc vô cùng. Tiếng trâu nghé ọ vọng từ cánh đồng bên kia. Tiếng cười của trẻ chăn trâu từng chập. Không khác gì buổi chiều ở Dĩ Trung, không khác gì cả. Hay là tôi đang sống ở Dĩ Trung, hay là tôi đã trở lại Dĩ Trung. Tất cả chỉ là một giấc mơ dài, chứ không phải sự thật.
- Mấy chị chờ em với...
Tôi thẳng lưng lóng tai nghe. Giọng trung nhẹ thanh tao nói xen những tràng cười vui nhỏ. Đúng là giọng của Vân rồi. Mình đang ở Dĩ Trung. Tôi kêu to:
- Vân... Vân...
Những tiếng cười im bặt. Hình như gió ngừng đưa trên mặt lúa. Tiếng trẻ đùa cũng khuất xa. Tôi như du mình lên một bờ cao rồi thả lăn tròn xuống vực trong nỗi nhớ thương chất ngất và niềm thất vọng vô cùng.
Tôi gục đầu trên gối để đừng nhìn thấy gì hết, để đừng biết gì hết. Lúa đâu, hát lên đi, xôn xao lên đi, để tôi quên tất cả, để tôi tưởng mình đang còn ở Dĩ Trung, để lòng tôi thôi đừng bứt rứt, đừng đau xót, đừng thương nhớ ai...
Khi trời đã ngả màu tím thẫm, bờ bên kia mờ nhoẹt với ruộng, với đường, tôi mới uể oải trở về chỗ dựng rạp. Phần cơm tối của tôi bị truất vì đã bỏ đi mà không dựng rạp dựng sân khấu và về quá trễ giờ. Tôì phải chờ giờ cháo khuya. Tối nay, tôi chỉ đóng vai một trung thần trẻ tuổi tự sát trước khi rơi vào tay giặc. Tôi yên lặng ngồi xuống cái chiếu rách tự hóa trang lấy. Tiếng trống của thằng Út vang lên ồn ào với tiếng cười của lũ nhỏ đang giỡn hớt bên ngoài. Công việc hóa trang trở nên nhàm chán lạ thường. Ý tưởng trở thành đại nghệ sĩ đã bay xa, và thói quen đã giết chết nghệ thuật. Tôi chỉ còn làm việc miễn cưỡng. Hóa trang xong, tôi kiếm một góc để ngồi học lại tuồng, đồng thời chốc nữa khi hết vai, trở nên một tên nhắc tuồng cho các vai khác. Trước mắt tôi Dung xinh tươi hơn bao giờ dưới lớp phấn hồng và cặp mắt vẽ đuôi phượng. Nhan sắc đó, xiêm áo đó đã hết rồi ma lực quyến rũ tôi. Tôi dửng dưng nhìn ngắm không chút rung động nhỏ. Chuông đồng hồ reo lên. Kép Thuận Thành kéo hai bức màn vải đỏ. Vở hát bắt đầu...
Sau một đêm hát cực nhọc, tôi dậy trễ. Mặt trời lên cao, hơi nóng như dồn hết lên đỉnh đầu tôi đang nhức nhối. Tôi vùi đầu vào thau nước mát. Vài người trong đoàn đã đi khỏi ý chừng để mua bán gì đó. Chỉ còn tôi, ông Ba Thu và kép Thuận Thành. Ông Ba Thu phì phà điếu thuốc lá xem xét lại cái xà kích bị khuyết mất một bên vì cắm phải bờ ván lúc diễn tuồng hồi hôm. Kép Thuận Thành, ngồi ở phía trước, vai vắt chiếc khăn rằn ri lau mặt, cởi trần, quần đùi, cái ra dô ăn cắp được hát nheo nhéo một bản tân nhạc thời trang.
Rữa mặt xong, tôi vào bên trong tìm phần cháo sáng của mình. Lúc đang ăn tôi nghe văng vẳng ngoài sân có tiếng người nói chuyện. Rồi tiếng chân rầm rập đi vào. Tôi bỏ bát cháo ăn dở, nhìn ngạc nhiên. Hai người cảnh sát mặc đồng phục tiến đến bên tôi, theo sau là ông Ba Thu và kép Thuận Thành mặt mày tái xanh. Một người cảnh sát nói với tôi:
- Tôi có đơn thưa bắt anh về tội ăn trộm vài vật dụng máy móc của đồng bào tạm cư.
Tôi ngạc nhiên tột độ:
- Ủa, tôi ăn trộm hồi nào, hai ông có lầm không? Tôi là Hiệp, ở đoàn Sen Vàng, có giấy tờ nào thưa chính tên tôi hay không.
- Không, nhưng ở đây đã thưa mấy người trong đoàn hát Sen Vàng đã trộm của họ, chúng tôi mời anh về quận để điều tra.
- Tại sao chỉ một mình tôi. Tôi có làm gì đâu?
- Bởi vì ông bầu gánh đã cho biết anh chính là thủ phạm. Ngay cả anh kép chính này cũng vậy, bằng chứng là cái máy thu thanh này đây. Chúng tôi đã ghi rõ số máy theo hóa đơn. Anh đừng chối cãi nữa vô ích. Anh này cho biết máy phát thanh này thuộc sở hữu của anh.
Tôi giận đến run người. Cái ra dô đó của kép Thuận Thành chớp được. Trong đoàn ai cũng rõ điều đó, ấy vậy mà ông Ba Thu đã về hùa với kép Thuận Thành đổ lỗi cho tôi. Tôi trừng mắt nhìn ông Ba Thu gằn giọng:
- Ông Bầu, ai là người ăn trộm đồ, chắc ông dư biết sao còn đổ lỗi cho tôi. Còn anh Thành, tôi không ngờ anh là đàn ông mà đốn mạt như vậy. Làm nên tội, đã không nhận tội còn đổ thừa cho người khác.
Kép Thuận Thành chồm lại, rít qua hai kẽ răng:
- Mày ăn cắp ai cũng biết, ông bầu cũng biết, lo ngồi tù đi còn lải nhải. Hai ông cứ làm phận sự đi, nó chính là tên ăn cắp đó, đoàn hát tụi tui muốn tống khứ nó đi từ lâu nhưng chưa được vì thấy nó tội nghiệp...
Tôi không còn dằn được nữa. Hai bàn tay nắm lại và một cú đấm như trời giáng bổ vào mặt tên kép gian manh. Một cú khác tống vào mặt Ba Thu. Những cú đánh liên tiếp tuôn trào từ sự dồn nén bấy lâu nay. Kép Thuận Thành và ông Ba Thu vừa la vừa đấm trả lại. Tôi như say người nhảy xổ vào. Hai người cảnh sát huýt còi luôn miệng, họ kéo tôi ra, đe dọa:
- Chuyện gì có đó, mấy người không được làm loạn lên như vậy. Anh kia, không được chửi nữa, ông này, có đứng im không... Đứng nguyên. Lên quận còn điều tra nữa. Ai gian, ai ngay biết ngay. Ba người cho xem thẻ đi. Thay quần áo đi luôn.
- Dạ tôi cũng đi hả thầy?
- Anh cũng đi luôn.
Kép Thuận Thành nhăn mặt trù trừ:
- Tôi đã nói với mấy thầy là cái thằng kia nó ăn trộm, chớ đâu phải tôi. Con sâu làm rầu nồi canh. Tụi tôi còn hát nữa, cả đoàn chết đói nếu không hát...
Ông cảnh sát nạt ngang:
- Anh nhiều chuyện quá, thay đồ đi mau lên, về quận nói chuyện. Cả cái ra-đi-ô này nữa.
Ông Ba Thu khôn ngoan hơn lẳng lặng đi thay quần áo. Quả đấm của tôi trúng ngay vào mắt ông tạo một vòng đỏ ửng, bắt đầu sưng. Kép Thuận Thành sưng vều môi và tôi bị Thuận Thành cào rách mặt. Trên đường về quận, Thuận Thành chửi rủa liền miệng. Ông Ba Thu không dám nhìn tôi một giây nào. Riêng tôi, tôi lặng thinh, không lo, không sợ, không buồn, không ghét mà chỉ có một nỗi ngao ngán vô cùng đè nặng trong lòng.
Sau lần hỏi cung thứ nhất, ông Ba Thu được thả về để lo liệu cho gánh hát. Tôi và kép Thuận Thành bị giữ lại ở hai phòng riêng biệt.
Giữa bốn bức tường vàng sẫm lạnh lùng, tôi băn khoăn không biết cuộc sống sẽ đi về đâu.
- Anh tên là Hiệp phải không? Có người thăm. Đi ra ngõ này. Liệu mà nói chuyện, mười phút thôi đó.
Người lính gác khoát tay ra hiệu. Tôi ngạc nhiên nhưng cũng đứng dậy đi ra.
- Bác Sáu...
Bác Sáu Vĩ tay cầm một gói nhỏ, tay xách một chai nước nhìn tôi cười nụ:
- Ừa, tới thăm đem cơm tới cho mày đây. Ủa bánh mì chớ. Sao, chuyện xong hết rồi hả. Cái gì có chừng đó mà...
Tôi buồn rầu nhìn bác.
- Cơm nước mà chi bác. Cái điệu này cháu ở tù quá. Thằng Thành cứ đổ tội cho cháu. Ông bầu cũng vậy. Cháu chịu chi cho nổi, hết đường cãi bác ơi. Cháu ở tù, khi nào bác ghé Dĩ Trung nói giùm chuyện cháu, chớ họ không biết, họ khinh...
Bác Sáu Vĩ chắc lưỡi:
- Cha, anh Ba Thu mà cũng con nít vậy hả? Chắc sợ mất kép chớ chi. Với lại nghe nói thằng Thành bà con xa chi đó với chị Ba. Nhưng ai làm nấy chịu chớ. Để thằng Thành có ngày cả đoàn mang họa. Được rồi, để đó, mai tao làm chứng cho.
Không biết ngày hôm sau bác Sáu Vĩ đã nói gì mà sau khi Thuận Thành bị kêu lên hỏi cung một lần nữa, tôi được trả tự do.
Bác Sáu Vĩ đứng chờ sẵn ngoài sân quận. Nắng mới lên, ngọt ngào. Bầu trời trong xanh. Lá xanh. Gió mát. Tiếng chim hót nghe reo vui nhảy nhót. Tiếng học trò đùa vui như chia sẻ với tôi những âu lo vừa nhẹ gánh. Tôi hít một hơi dài vô lồng ngực. Mới một ngày bị giam mà tôi tưởng chừng như mất tự do lâu lắm rồi. Tôi nhìn bác Sáu cười tươi:
- Cám ơn bác Sáu. Trời ơi, cháu tưởng phen này thiệt…
Bác Sáu nắm lấy tay tôi:
- Ra, ra khỏi nơi đây rồi nói chuyện. Bộ mày còn lưu luyến ở đây lắm hả? Ra quán đầu này ăn cháo cá. Tao đãi mừng mày.
Tôi cảm động theo bác Sáu đi về phía chợ. Bát cháo cá ngọt ngào trong cổ họng khô khan, vị ngọt như chưa bao giờ được nếm. Bác Sáu đợi cho tôi ăn xong mới hỏi:
- Bây giờ về gánh chớ?
Niềm vui bỗng trầm xuống tựa viên đá rơi trên nước. Trở về gánh Sen Vàng? Từ bao lâu nay tôi đã muốn rời khỏi gánh lắt léo này. Nhưng không được. Từ bao lâu nay tôi cố gắng tìm đủ mọi cách để có thể được sống cuộc đời bình dị ấm êm cũ. Nhưng đường về khó mà cất bước. Từ bao lâu nay tôi đã phai giấc mộng vinh quang, giấc mộng nghệ sĩ. Rồi bây giờ, những câu chuyện đã xảy ra tệ bạc như vậy, khiến tôi lại càng không muốn thấy mặt lại những người đã đem tôi vào cuộc sống không tốt đẹp tràn đầy giả trá đó. Tôi nói với bác Sáu những khó khăn của tôi:
- Bác Sáu ơi, cháu không muốn, thiệt cháu không dám sống gần mấy người giả trá như vậy. Bác giúp cháu chút, làm sao cho cháu trở về được Dĩ Trung.
Bác Sáu nhìn tôi gật đầu:
- Bác cũng thấy vậy. Cháu tuy đã lớn, nhưng từ trước đến nay sống ở vùng quê mộc mạc chất phác. Ngày xưa cháu cũng trong nghề, nhưng đó là thuở nhỏ. Không có gì đáng nói. Bây giờ, đùng một cái, cháu lăn mình vô cái thế giới của bon chen, ganh đua để sống. Cháu không thích hợp được dễ dàng đâu. Giả như, khi bước chân vô đời, cháu làm ở một nơi nào đó dễ chịu như công sở chẳng hạn, thì đỡ, đằng này, cháu tại vô một gánh hát nghèo, xuôi ngược đây đó. Mới nhìn thì thấy đẹp lắm, ai mà không ham, hát xướng, cuộc đời nghệ sĩ mà, hai chữ nghệ sĩ nó quyến rũ lắm. Bác dám cá là cho bây chừ cháu có bỏ gánh, thỉnh thoảng cháu cũng nhớ lại cho coi. Khoan... cháu để bác nói cho mà nghe... Thường thường thì cuộc đời nó như vậy đó. Nếu mình không làm việc như họ, nghĩa là những việc xấu, thì mình ráng phải chịu mọi ghẻ lạnh, bạc ác của người đời. Ít nhứt, cháu phải mươi năm nữa, phải vật lộn với đời nhiều hơn nữa thì mới đương đầu nổi với những người rày đây mai đó. Cháu coi con Dung đó, bây lớn mà nó khôn giàn trời. Thằng Út nó đã biết cách kiếm tiền. Thiệt tình, không phải là họ xấu, tâm địa họ quá xấu đâu. Chỉ tại họ không biết điều. Họ đã đem cái cách cư xử hàng ngày với đồng bọn để đối xử với cháu, một học trò mới chân ướt chân ráo vào đời.
- Thưa bác, thiệt tình cái gì cháu cũng chịu, nhưng cái việc mần ăn không lương thiện là cháu không thích.
Bác Sáu Vĩ tu một ngụm rượu đế, ăn một chút bánh tráng nướng, thở khà một tiếng, rồi mới trả lời:
- Thì như bác đã nói mà. Họ mà không làm ăn đỡ như vậy thì họ đã bán xe, bán y trang phông cảnh để đi ăn mày. Có điều bác công nhận là họ cũng làm quá. Nhưng cũng nên tha thứ cho họ cháu ơi... Để rồi cháu coi, đời còn có nhiều sự dơ hơn gấp ngàn lần nữa kìa...
Tôi cúi đầu ngẫm nghĩ lời bác Sáu Vĩ nói. Thì thôi, tôi không hờn trách gì ai cả. Tôi chỉ còn mong ước duy nhất là được trở về. Về Dĩ Trung, tôi có Vân, tôi có ba má nuôi tôi, tôi có mộ phần của ba mẹ ruột, của bác Tư, bác Bảy. Tôi nói:
- Bác Sáu ơi, bác làm sao giúp cháu, chớ cháu hết đường rồi. Hổng có một cắc, mà cũng hổng biết làm sao để về.
Bác Sáu gật đầu:
- Tao giúp chớ. Bị bữa trước, tao cũng chen miệng vô rủ mày theo gánh nên tao cũng chịu trách nhiệm một phần. Ai mà dè sự thể xảy ra như vầy.
Bác Sáu móc ở túi quần ra mấy trăm bạc, đứng dậy nói với tôi:
- Đi theo tao, tao dẫn ra bến xe về Dĩ Trung.
Bác không nói gì nữa quầy quả ra đi. Tôi đi theo bác Sáu im lặng. Hình ảnh Dĩ Trung càng lúc càng hiện rõ trong đầu óc tôi. Lòng tôi nhẹ nhàng vui sướng. Nỗi vui mà từ lúc bước chân ra đi đến nay tôi chưa hề bắt gặp.

*

- Dĩ Trung… Dĩ Trung... ai xuống thì xuống lẹ lên.
Tôi bước xuống xe. Dĩ Trung đây. Bầu trời quen thuộc. Con đường đất dẫn về làng. Những cánh đồng mơn mởn lúa lên xanh. Những vồng mì đã cắt vừa giâm cành. Những vồng khoai đến độ, củ ngả vàng hoặc hồng tím ló ra khỏi lằn cát trắng.
- Ba má ơi!... Vân ơi!!…
Tôi chỉ muốn tháp cánh mà bay. Tôi chỉ muốn mang vào chân đôi hia bảy dặm hoặc ngồi trên tấm thảm thần Ấn Độ để đến ngay nhà. Lũy tre đầu xa báo hiệu khúc quanh nơi tôi thường nằm ngủ trưa sau nửa ngày dưới ruộng. Giờ này chắc Vân đã ở ruộng, mọi người đã ở ruộng. Tôi sẽ gặp ai trước đây? Tôi sẽ nói... Bước chân đang vội vàng bỗng chùng theo ý nghĩ. Tôi sẽ nói, sẽ biện minh cách nào về hành động trốn lén bỏ nhà ra đi. Tôi phải nói khéo léo để nói với Vân, để Vân hiểu được tôi. Nếu không, chắc tình cảm của chúng tôi tan vỡ mất. Nghĩ đến đó, tim tôi như muốn ngừng đập. Người nặng chĩu. Bao nhiêu cơn mệt mỏi trên xe hơn nửa ngày trời như lựa dịp đổ ập trên tôi. Tôi dừng lại ngồi nghỉ một lát trên bờ ruộng thấp. Đám mây che mặt trời làm dịu đi cái nắng gay gắt miền Trung. Lúa xôn xao ngả nghiêng theo gió. Lòng tôi cũng xao động như lúa. Nếu tình cảm giữa tôi và Vân tan bởi một phút ham mê danh vọng, phút bồng bột nông nổi của tuổi thanh niên thì quả tình tôi đã giết chết hạnh phúc của chính tôi.
Tôi điên lên trong nỗi âu lo lạ kỳ. Nỗi lo có pha chút niềm đau xót. Mãi khi trời ngả về chiều tôi mới quyết định trở về. Không còn con đường nào nữa. Hạnh phúc nằm sẵn trong tay, tôi đã trót để bay cao, giờ bằng giá nào tôi cũng phải trở về để ít nhất còn được một thứ hạnh phúc nhỏ nhoi nhất là nhìn thấy người thân yêu để được giải bày mọi chuyện.
Gió se se những giọt mồ hôi chảy nhỏ trên da mặt, trên lưng trên cổ. Những tia nắng chiều lóe ra viền quanh đám mây dày một vùng hào quang màu vàng kim chói lọi, Vài đợt khói nhà ai thổi cơm sớm đã vương vấn trong trời chiều, trên mấy đọt tre. Mọi người đang sửa soạn về nhà. Tôi bước mau. Qua khúc quanh, khu vườn của nhà Vân xuất hiện. May quá, tôi chưa gặp một ai quen hỏi han lui tới. Ai đưa con sáo sang sông. Để cho, để cho con sáo sổ lồng bay xa. Con sáo giờ đã trở lại lồng xưa. Con sáo đang mong hót lên điệu hót cũ. Giọng không trong như ngày xưa, nhưng vẫn chân tình, nồng đượm.
Một tà áo màu nâu quen thuộc, dáng gầy gầy bên giàn mướp đắng sai quả. Tim tôi như ngừng đập. Tôi nửa muốn chạy trốn, nửa muốn kêu tên Vân. Chợt Vân ngửng đầu lên nhìn về phía tôi. Cái rổ đầy quả trong tay nàng rơi xuống. Gương mặt gầy sững sờ. Tôi kêu lên, tiếng kêu không thoát khỏi cổ họng trong mấy giây đầu:
- Vân!... Vân!!...
Vân vẫn đứng yên một chỗ, mắt nhìn tôi chăm chú. Trong một thoáng, tim tôi se lại. Chẳng lẽ Vân không còn thương tôi nữa sao? Tôi bước tới. Mắt Vân đầy lệ. Môi mấp máy không nên tiếng.
Tôi nhẹ bước đến cạnh nói nhỏ:
- Vân ơi!... anh về lại Dĩ Trung đây! Anh không đi nữa! Mãi mãi không đi nữa.
Vân úp mặt vào hai tay nức nở. Giọng nghẹn ngào:
- Anh về đó phải không anh Hiệp!
Bao nhiêu lời, bao nhiêu tâm sự tôi muốn nói với Vân, tôi đã sắp đặt cả buổi, bay đi đâu mất. Lòng tôi xốn xang. Tôi gỡ tay Vân ra, cầm chặt lấy tay nàng:
- Vân ơi, em nói đúng, anh không thích hợp với cuộc sống đua đòi, Dĩ Trung mới là nơi anh sống. Mồ mả cha mẹ nơi đây. Người thân của anh nơi đây. Vậy mà anh đã bỏ đi...
Vân ngừng khóc, nàng nhìn thẳng vào mắt tôi dịu dàng:
- Tại sao khi đi, anh không nói với Vân một tiếng nào hết? Bây giờ... Vân sợ... giấc mộng nghệ sĩ, danh vọng cao sang anh vẫn còn giữ...
Trong ý nghĩ, tiếng hát, tiếng đờn, đời sống giang hồ phát hiện. Nhưng tất cả đã trở thành ảo ảnh thật sự. Tất cả đã lùi xa trong tôi. Nói là quên hẳn, thì cũng không đúng, nhưng tôi đã sợ quá rồi đời sống bấp bênh. Tôi nói với Vân ý thật của lòng:
- Không, không bao giờ. Cái cày, cái cuốc, mảnh ruộng, công việc đồng áng đối với anh tuy mệt nhọc, nhưng qua mấy tháng ra đi, anh biết được rằng đối phó với cuộc đời như những kẻ xuôi ngược còn khó hơn, nhất là đối với riêng anh. Vân ơi, Vân không ghét anh chớ.
Vân lắc đầu, nàng siết chặt tay tôi nói nhỏ:
- Không khi mô Vân ghét anh hết. Vân chỉ mong anh quên tất cả. Đất Dĩ Trung tuy nghèo, nhưng giàu tình... Thôi mình về, anh còn về nhà cho hai bác biết. Chớ từ bữa anh đi, bác gái khóc sưng cả mắt. Việc ruộng nương bỏ hết, thiệt tội.!
Tôi run run nhìn về phía nhà ba má nuôi tôi, nói nhỏ như nói với riêng mình:
- Anh thật đáng tội.
Vân và tôi sóng vai bước ra khỏi vườn, men theo bờ ruộng về nhà. Chiều đã xuống. Tôi tìm thấy ngôi sao đêm quen thuộc đang lấp lánh xế đỉnh đầu. Gió nhẹ đưa mùi hương thơm của cỏ của lúa. Vân đi bên cạnh tôi, mắt nàng tươi, nàng kể nhỏ cho tôi biết mọi việc xảy ra từ ngày tôi bỏ nhà trốn đi. Tôi nghe để mà nghe, bởi vì tai tôi, mắt tôi, mũi tôi, cả làn da đầy mồ hôi đang mở rộng ra đón nhận, cảm nhận tất cả những yêu đương đầm ấm đượm đầy không gian cây cỏ.
Cái máy hát đầu chợ vẳng theo chiều gió một khúc Nam ai buồn bã. Vân lắng tai nghe rồi nhìn tôi mỉm cười ý nhị.

HẾT

Xem Tiếp: ----