Buổi trưa vào giờ nghỉ, tôi mời cô S đi ăn cơm. Chợt nhớ ra mình không còn ví tiền. Tôi ngượng chín, S bèn an ủi tôi một cách nhẹ nhàng: -Không sao, hôm nay là ngày mình lãnh lương mà! Nếu như mọi lần nghe nhắc như thế thì tôi đã vui ra mặt nhưng hôm nay, không hiểu vì sao, câu nói ấy nó lại làm tôi buồn thiu. Sự thiếu tin tưởng về quyền sở hữu đối với những gì thuộc về mình làm tôi mỗi lúc thêm lo. S bảo với tôi cô sẽ đem cái hình mới chụp thay thế cái hình cũ đã tặng tôi (vốn bị bọn người lấn chiếm đánh cắp mất cùng với mớ phiếu ăn cơm rồi). Cái hình cô đưa ra rất dễ thương, ăn đứt tấm hình cũ. Tôi muốn hứa với cô là sẽ giữ chặt nó không cho ai đụng đến hay nói một câu gì từa tựa như vậy, hợp với trạng thái tâm lý của một người đang ở tuổi của cô, thế mà không tài nào thực hiện được. Mấy lần tôi nhấp nhỏm, định nói phăng tất cả sự thực cho cô hay nhưng nghĩ rằng ngay chính bản thân mình lúc này còn chưa nắm rõ toàn bộ vấn đề, dù có giải thích thì chỉ làm đầu óc cô ta thêm rối loạn vô ích, đành bỏ cuộc không đả động tới nữa. Sau bữa cơm, tôi cảm thấy mình cô đơn như bị hút dần lên không trung, trong khi dòng thời gian thì trôi rả rích, gây đau đớn như đường nước tiểu của một người mắc chứng viêm niệu đạo. Đầu óc tôi mông lung, quên trước quên sau, công việc không tiến lấy một bước và rốt cục, chịu không nổi nữa, tôi đâm ra giận dữ. Đến giờ tan sở thì khuôn mặt tôi hầu như xạm lại như chàm. Chính tình cảm của kẻ đang đứng bên bờ tuyệt vọng đã nung nấu ý chí chiến đấu của tôi. Ra về, tôi quyết tâm phải đánh nhau một trận với bọn chiếm đóng mới được. S có dáng chờ đến giờ tan sở xem tôi có mời mọc gì không như mọi lần nhưng lúc đó, tôi hầu như không giải thích dài giòng, chỉ dúi vào tay cô phong bì đựng tiền lương và nói: -Hôm nay em đem cái này về nhà giữ hộ anh. Mai chủ nhật, mình xem xi-nê đi. Anh sẽ đến đón. Chưa kịp dứt câu, tôi đã vội vã bỏ đi như té chạy, đến khi ngoái lại mới thấy S đang nhìn mình ngơ ngác, khuôn mặt của nàng giống như bức tranh của Picasso, nghĩa là biểu lộ cùng một lúc những đường nét vô cơ không ăn nhập gì với nhau, một sự biểu lộ tình cảm khó lòng dùng lời để miêu tả. Tôi chạy một lèo qua khỏi cái sân trong của khu chung cư và vừa dợm chân bước lên cầu thang thì có tiếng đàn bà gọi giật tôi lại: -Ông K!... Mấy người khách ở đằng nhà ông trông hay đáo để! Đó là cái bà góa, không kìm hãm nổi tiếng cười đang dán sát vào câu nói. Tôi nghĩ đến một câu nói gì đó để trả đũa, một câu nói châm chích được cả bà ta lẫn thằng con trai thứ nhà kia, nhưng nghĩ mãi không ra nên đành nhịn chịu cho qua. Trong căn phòng của tôi, gia đình họ ngồi thành vòng tròn và đang ăn dở bữa cơm tối. Ông bố đưa mu bàn tay lên chùi miệng xong, cất tiếng cười ha hả: - Trời ơi, anh mới về đấy à. Sáng nay đi đâu mất đất, bỏ cả bữa điểm tâm! Thế rồi đột nhiên ông ta thay đổi hẳn thái độ một cách kinh hoàng: - Đi mà chưa pha sẵn cho chúng tôi được bình trà. Anh có biết là chúng tôi thắc mắc lắm không? Xử sự theo kiểu đó thì... Lúc ấy, bà vợ miệng ngừng nhấp trà trong tách, cũng làm ra vẻ ngạc nhiên: - Xử sự theo kiểu đó thì... Sau đó thì ông chồng lại tiếp lời: - Thì chúng tôi khó lòng chấp nhận. Chúng tôi đã phải tự phân chia công việc: nào là mua nồi niêu, chụm lò bếp. Thật không thể kham nổi. Toàn là công việc vặt vảnh chưa hề quen tay, nhất là ở một nơi lạ nước lạ cái như ở đây. Tôi mong từ rày về sau anh phải sống có ý tứ hơn. Dù sao, may mắn hôm nay anh vừa lãnh lương chứ với mớ tiền còm sót lại trong cái ví rỗng tuếch của anh, sau khi đi mua những dụng cụ cần thiết, bây giờ chúng tôi không còn một xu dính túi. Tôi phải thông báo anh biết bởi vì chúng tôi không muốn để anh phải khổ tâm. Thế nhưng, từ rày về sau, mỗi khi đi, đứng, vào, ra, anh đều phải có kế hoạch và cần bàn bạc với chúng tôi truớc đã. Khi về đến nhà, tôi hừng hực khí thế đấu tranh thế đó mà bây giờ chỉ còn là con chó chịu để cho người ta vuốt mõm một cách dễ dàng. Đột nhiên, bao nhiêu câu nói sửa soạn trên đường về, tôi bỗng quên bẵng lúc nào không biết. - Thôi, đứng tẩn ngẩn tần ngần ở đó làm gì nữa. Lên đây ngồi đi anh! Cô con gái lớn chiếm cái chỗ ở cuối bàn, hưởng ứng lời ông bố, nhếch qua một bên nhường khoảng trống và đưa mắt như cười với tôi. Không biết làm gì khác, tôi đành ngồi xuống cạnh bên cô. - Nhưng trước đó... Anh con trưởng vội nói trong lúc tôi vừa mới kịp thở: - Dọn dùm đống chén bát rồi pha hộ bình trà cái đã? Tôi bất giác nhỏm dậy, nói ào ào một hơi như người đang lăn tuột xuống một con dốc đứng: - Đừng lên có lên giọng lếu láo. Mắc mớ gì tôi phải làm chuyện đó. Không những thế, tôi còn có quyền tống cổ cả đám nhà anh ra khỏi nơi đây. Tôi không còn nhường nhịn nổi gia đình mấy người thêm một nấc nào nữa. Cút đi cho được việc! - Đi ra khỏi đây à? Bọn mình làm gì có ý định như thế, phải không nào? Anh con lớn tưng tửng đưa mắt nhìn chung quanh và cả bọn đồng loạt cười hô hố, cả đến thằng bé con cũng hinh hích cười theo. Tôi giận run lên, không biết phải xử trí như thế nào và cảm thấy nước mắt ứa lên, như chực trào ra. - Cái anh này coi bộ chưa quen với lối diễn tả tình cảm theo trào lưu tân tiến như gia đình mình. Đừng cười cợt người ta tội nghiệp. Nếu cô con gái không xoa dịu đồng bọn như vậy, tôi nghĩ chắc chắn mình sẽ có có hành động hung bạo như một người loạn trí đang lên cơn. Lời nói của cô ta giống như một mũi đinh đóng ghịt phản ứng của tôi lại. Ông bố lúc đó mới bảo: - Thôi được, tốt hơn hết mình sẽ quyết định mọi việc một cách dân chủ. Anh K này coi bộ chưa được huấn luyện để có một thái độ sống hợp thời. Tuy mất công một chút nhưng trước bất cứ việc gì, chung ta đều cần mở một cuộc hội thảo để giúp anh K thấm nhuần không khí dân chủ mới được. Thế thì, chiếu theo thông lệ, mình bầu người chủ tọa buổi họp, rồi ta sẽ lấy quyết định xem anh K có nhiệm vụ thu dọn chén bát anh đun nước pha trà hay không. Ai làm chủ tọa nào? Bọn con nít đồng thanh: - Xin trao toàn quyền cho người hướng dẫn chương trình. Ông bố nói: - Thế thì tôi nhận sự phân công điều khiển buổi họp và xin đặt vấn đề để quí vị xét xem anh K có những nhiệm vụ ấy hay không. Nếu vị nào nghĩ rằng K phải thi hành nhiệm vụ thì chịu phiền đưa tay lên để bảo vệ ý kiến của mình. Ông ta vừa dứt lời thì nhanh như cắt, cả bọn hùng dũng đưa tay lên và mắt thì lườm tôi dường như muốn bảo là chuyện hiển nhiên hai năm rõ mười, cần gì bàn cãi. Điều tôi ngạc nhiên nhất là thằng bé oắt tì, tuy chưa biết nói, cũng bi bô, giương cao cánh tay ngắn củn của nó không chút chần chờ. - Thôi, như thế là xong. Hầu như tuyệt đại đa số rồi. Ngày xưa thì bọn thiểu số dùng võ lực để cai trị đa số, để chống đối lại chúng, ngoài bạo lực cá nhân không có đường nào khác. Thế nhưng trí tuệ con người cho đến ngày nay đã tiến rất xa cho nên tiếng nói của đa số đã được biểu hiện bằng những phương pháp lý luận có tính cách thuần lý. Ta phải kết luận như thế mới thích hợp với bản chất con người hơn, có phải không nào? Ông bố vừa xoa tay vừa nhìn tôi với vẻ đắc chí. Anh con thứ, Jirô, đứng bên cạnh, lên tiếng hỏi: - Bố, cho xin điếu thuốc! - Thuốc men cái gì! Mày biết bố đâu phải là chủ sạp thuốc lá mà cứ xin. Đừng có đòi hỏi mấy chuyện lôi thôi chẳng ra đâu vào đâu. - Bố giỡn con sao? Con đã phải nhịn hút từ ba tiếng đồng hồ rồi. Để tôi nổi nóng thì mọi người sẽ biết tay. - Thôi, hiểu rồi, Jirô! Anh con cả lên tiếng: - Đừng dọa dẫm nhau làm gì nữa, phải suy nghĩ để giải quyết vấn đề. Nếu bố có chia cho mầy một hai điếu thuốc thì chỉ là cách giải quyết nhất thời. Còn bố nữa, tuy là tính bố xưa nay vẫn như vậy, nhưng vừa rồi phát ngôn cũng có hơi quá lố. Tốt hơn nhà mình nên lợi dụng buổi họp này để thảo luận nghiêm túc làm sao giải quyết vấn đề tài chánh có hơn không! Hồi này bố có hé lộ cho biết may mắn hôm nay là ngày lãnh lương của anh K. Chi bằng bảo anh ấy xuất món tiền ấy ra rồi chúng mình thảo một dự án ngân sách.... Anh K, dốc tiền lương anh ra xem nào! Điều tôi dự đoán đã đúng phong phóc. Một làn sóng nóng hổi chạy suốt người tôi như thể xương cốt tôi đang bị điện giật. - Tôi không biết các người dựa trên bằng chứng gì để nói như thế nhưng riêng về khoản lương của tôi, hiện nay tôi chưa được lãnh và cho dầu có trong tay đi nữa, không lý chi tôi phải đưa cho mấy người cả. Ông bố đáp lời: - Anh nói gì khùng khùng điên điên dễ sợ như vậy. Đã là người lương thiện thì không ai thèm nói dối và đã là trí thức thì khó để bị người khác đánh lừa. Cho nên tôi thấy chỉ có giả thuyết mà anh nhắc tới đoạn cuối cùng trong những lời anh vừa phát biểu là phản ánh được sự thực. Thôi đi anh, còn đống chén bát phải dọn, thằng Jirô nó lại sắp sửa nổi khùng vì đến cử, lại nữa cuộc họp dự thảo ngân sách là việc trọng đại cũng chưa đi đến đâu. Mau mau xùy tiền ra đây! Thế rồi, ông ta kết luận bằng một dọng đầy hăm dọa: - Thời giờ là tiền bạc, đừng có chần chừ nữa. Không thôi sẽ bắt trả thêm tiền lãi đấy. Tôi nói sẳng: - Không có, biết lấy gì mà đưa! - À ra thế! Nếu ý anh đã quyết thì chúng tôi sẽ có cách! Ông ta đưa mắt hội ý thật nhanh với hai cậu con trai và tiếp lời: - Miệng thì nói túi không có gì trong khi trên thực tế anh đã lãnh lương xong rồi về đây để ăn nói với giọng điệu thiếu trách nhiệm như thế, hỏi có khác gì làm một hành vi bạo lực. Ngôn ngữ là một dụng cụ rất hữu ích, không thể thiếu được trong sinh hoạt cộng đồng với điều kiện là mỗi thành viên của nó phải biết sử dụng một cách văn minh. Thế mà anh, anh lại dùng nó một cách bừa bãi, tùy hứng. Đó là bạo lực của bọn phát xít! Trước thái độ như thế, anh nghĩ chúng tôi phải đối phó bằng cách nào? Hai cậu con đứng bật dậy và đến kẹp lấy tôi vào giữa. Tarô, cậu cả, hét lớn: - Chỉ có cách là dùng phương pháp khoa học để xem xét anh ta ngay thực hay gian dối mà thôi! Cậu hai Jirô bồi thêm: - Nếu anh cản trở cuộc điều tra, chúng tôi buộc lòng dùng tới võ lực! Hai đứa hai bên nắm chặt cánh tay tôi, tôi cố gắng vùng vẫy nhưng chúng khỏe hơn tôi nhiều. Cuối cùng, vì kiệt lực, tôi đành đứng im, nghĩ mình đâu có gì trong người, cứ để chúng làm gì thì làm vì dầu sao, cũng chỉ là công cốc. Ông bố, với đôi tay không ngờ được huấn luyện thành thạo đến thế, lục lọi khắp người tôi và tìm ra được cái thẻ đi xe tháng trao lại cho cô con gái đang đứng bên cạnh. - Không có gì, lạ thật! Ông ta ngẩng đầu lên để trao đổi một cái nhìn với hai cậu con. Còn tôi, trong bụng tự nhủ: - Cho bọn mày biết! Trong lúc đó, bà vợ ông ta đã giật phắt cái bọc đựng thẻ đi xe từ tay con gái, và phát biểu bằng một giọng the thé: - Ôi cha mẹ ơi, trời đất ơi, cái thằng dê cụ. Lại thêm một tấm ảnh của con nhỏ đó nữa! Thằng này dê chính hiệu. Tởm thật! Mụ đã khám phá ra tấm ảnh cô S. - Bà làm gì vậy! Tôi kêu lên. Cô gái cũng nói: - Thôi, má trả lại cho người ta. Tarô, cậu con cả, vẫn khư khư nắm cánh tay tôi, cười khẩy: - Má ơi, khoan xé tấm ảnh đó đã. Nó được việc lắm. Đằng sau có ký cái tên S không? Đúng là tên con nhỏ đằng sau cái ảnh má mới xé tối qua. Nó thể nào cũng giúp mình truy ra được chỗ cái thằng nhải ranh phát xít này dấu phong bì tiền lương đó má! - Chắc chắn là như thế, anh K ạ. Nhìn thấy cái tướng anh, tôi cũng đoán được đây chỉ là tình yêu một chiều từ phía anh thôi. Tuy nhiên coi bộ giữa anh với cô ấy cũng có vẻ thân mật đấy chứ! Ông chồng nói xong thì mụ vợ thêm vào: - Thân mật? Ai nói với ông là thân mật! Thằng cha này chỉ là một con dê cụ, đáng kinh tởm! Ông chồng dịu giọng: - Thôi, đừng nói vậy mà bà! Anh K này là người có mưu lược đấy chứ! - Này, con có ý kiến! Tarô buông tay ra khỏi cánh tay tôi một chút, giằng lấy bọc đựng thẻ đi xe từ tay nẹ mình và kêu lên: - Tại sao ba má không giao việc này cho con, một người có nhiều kinh nghiệm trong ngành thám tử điều tra. Jirô vội nhảy ra đứng ngáng trước mặt: - Anh hai, chờ cái coi! Em không dám nghi ngờ gì anh nhưng đã là chuyện liên quan đến tiền bạc, hành động một mình là thiếu thận trọng. Để cho ai nấy đều cảm thấy thoải mái, em xin anh cho em được đi cùng, anh nhé! - Chú Jirô có lòng như thế, anh xin cám ơn. Nhưng anh thấy mình nên thực tế. Chuyện không dễ như ngồi đó ăn sẵn đâu. Cần phải đi thăm dò cho ra manh mối và điều đó đòi hỏi một kỹ thuật khá đặc biệt. Chi bằng để anh hành động một mình có lẽ tiện hơn. Jirô hất hàm ám chỉ tôi, hắn nói: - Chứ còn cái tên này, bộ mình không có cách buộc hắn khai ra? - Dùng thuật thôi miên của bố hả. Thực tình anh không có gì để chống đối "phương pháp" ấy nhưng mà... Môi Tarô thoáng điểm một nụ cười chế riễu. Ông bố của anh ta chận ngang: - Tarô, ai cho mày ăn nói kiểu đó? - Thôi thôi, con không có ý nói móc bố đâu. Có điều là giết gà đâu cần phải dùng đến dao trâu của bố. Vấn đề của chúng ta là trong nhà hiện nay không còn một trinh. Nếu nhà mình có xê dịch cũng chỉ còn biết nương tựa vào mỗi cái thẻ đi xe tháng này. Nó cho phép một người sử dụng thôi nên ngoài con ra không ai đi thêm được. Thế rồi hắn quay sang phía Jirô: - Hơn nữa, suy đi tính lại anh thấy rằng sau khi dọ hỏi được nhà con nhỏ đó rồi còn phải lập kế nữa. Chắc chắn con này hãy còn non nớt lắm. Để kiếm cách đánh lừa nó thì một mình anh nói chuyện tay đôi coi bộ dễ hơn. Jirô chưa chịu: -Ve gái là nghề tủ của em mà. Cho em tháp tùng với. Em đã có cách xoay xở để khỏi tốn tiền vé xe điện, chuyện này xong ngay. Chứ để một mình anh phái đối đầu với đàn bà con gái, em thấy hơi ớn cho anh. - Chú mày nói gì lạ vậy! Người giỏi chinh phục đàn bà con gái không có ai tán tỉnh sống sượng như chú mày đâu. Hồi nãy, chưa gì mày đã nhanh tay sờ soạng bà góa ở dưới nhà rồi. Kiểu đó sau này sinh sự lôi thôi lắm đó em. Bây giờ, nếu có muốn thử, tao cho đi ngay, để xem giữa tao và mày, con nhỏ chịu đứa nào. Ông bố cỏ vẻ bực bội, chen vào ngăn hai cậu con: - Thôi đi chớ, mấy cậu. Chưa đứa nào có đủ kinh nghiệm mà đã khua môi múa mỏ. Thôi để tôi... Lúc đó bà vợ bật khóc, lắc đầu quầy quậy: - Coi đó, lại dở thói già dê. Cô con gái cũng lên tiếng: - Ba ơi là ba! Cậu con trai và cô con gái nhỏ nhìn nhau khúc kha khúc khích trong khi bà lão đưa tay lên bụm cái miệng sún răng cười ngờ nghệch. Ông bố lại nói tiếp: - Hừ, thôi muốn sao cũng được. Thằng Tarô đi một mình đi. Cả nhà tin tưởng nơi mày đó. Nếu mầy tỏ ra thành thực thì tụi tao hứa về sau sẽ không đụng đến một sợi lông chân của con nhỏ S ấy. Phải không, Jirô? - Đồng ý đứt đi chứ. Tôi đâu có thích gì bọn con gái loi choi. - Vẫn cái giống dê. Bà mẹ vừa nói, vừa khúc khắc ho. - Thôi được, tôi đi đây! Tarô chào mọi người và hướng về phía tôi cười toe toét. Tôi có cảm tưởng trái tim mình giống như một thân cây chết đã bị côn trùng đục ruỗng, rơi thành từng mảnh vụn xuống dưới chân. Bất chợt, tôi ý thức được cô con gái của họ đang nhìn tôi một cách thương hại nên vội đưa mắt qua nơi khác. Nước mắt không trào ra được, chảy ngầm theo đường mũi, thấm tận đáy lưỡi tôi. - Thôi, đi nhanh cho được việc Cậu con thứ đi theo sau người anh, đứng trên ngạch cửa giục như thế rồi ngoái lại đằng sau, lẩm bẩm, không biết nói với ai: - Tôi cũng ra ngoài một chút. Không phải hẹn hò với mụ góa dưới nhà đâu nhé! Mà có hẹn đi nữa, rút lời lại cũng dễ thôi. Mục đích của tôi là kiếm điếu thuốc lá, hút cho nó tỉnh người....................................................................................... Tôi thọc tay vào túi quần, thơ thẩn nhìn qua cửa sổ cảnh ngày đang sập tối. Một vầng trăng quái dị trông như lòng đỏ của quả trứng khủng long chín hồng đào từ từ leo lên trên mái nhà hàng xóm. Bất giác, không biết ai xui khiến mà đôi chân tôi tự dưng chuyển động và tôi bắt đầu bước ra khỏi phòng. - Đi đâu vậy hử? Tiếng gọi của ông bố khả kính làm tôi giật bắn người, quay lại nhìn. Thì ngay lúc đó tôi cảm thấy có một vật gì mềm và ẩm đập vào trán tôi. Hai đứa bé trai và gái nấp sau lưng bà lão đang rũ ra cười. Vật mềm đó là một miếng kẹo cao su. Ông bố từ từ tiến lại gần tôi và bảo: -Anh không có chuyện làm à? Còn bao nhiêu công việc kia kìa! Đừng thấy mấy đứa con trai tôi không có nhà mà đã tưởng bở đâu nhé! Tôi từng báo cho anh biết là tôi có năm đẳng nhu đạo, xưa làm huấn luyện viên ở trường dạy cảnh sát công an rồi cơ mà. Thôi, nhanh nhanh bắt tay vào việc đi. Như thế, anh sẽ thấy cuộc sống chung của chúng mình thoải mái, vui vẻ hơn ra. Nãy giờ đang ở bên cạnh theo dõi mọi chuyện, cô con gái can thiệp vào: - Ba ơi, anh K có quen mấy công việc này đâu. Ảnh không phải là người xấu, chỉ có cái xã hội cổ lỗ đào tạo ra con người ảnh mới xấu thôi. Cho nên ảnh còn chưa thoát ra được lối suy nghĩ phong kiến coi việc rửa chén bát là phận sự đàn bà con gái. Con chắc chắn như vậy. Thôi cứ giao cho con điều khiển ảnh ít nhất trong bước đầu đi. - Mày khùng hay sao mà bênh thằng cha này dữ vậy? Ông bố sa sầm nét mặt mắng con. Cô gái chẳng chịu thua, chống trả: - Không phải vậy đâu ba. Ảnh làm vỡ chén bát thì mình tính sao? Hơn nữa trong sự dân chủ cũng phải có tinh thần nhân đạo nữa chứ. Cưỡng ép người ta làm gì! Họ bắt tôi mang một rổ đựng chén bát. Tôi đi theo cô gái như một thằng người máy. Trong những căn hộ, từ kẽ hở những bức tường xám, mấy bà nội trợ tò mò nhìn tôi với cái nhìn xoi mói nhọn tựa kim đâm. Như thế, tôi tiến về phía cái máy nước công cộng tối tăm, chỗ để rửa ráy. Nếu không nói đến cái tâm tình riêng tư lúc này, chính ra công việc chả nặng nhọc gì. - Anh thạo hơn tôi nghĩ. Cô gái khen như vậy và nói thêm nhiều điều nữa như để an ủi tôi nhưng tôi trước sau vẫn ngậm câm. Trong lòng, tôi nghĩ ngay cả sự tồn tại của tôi cũng là một điều chướng mắt. Trên đường trở lại căn phòng, khi đi ngang qua trước căn hộ số 3, tôi nghe có tiếng động kỳ lạ và tiếng người đang rên rỉ. Tôi nói móc: - Ông anh hai của cô đấy! Đến lượt cô gái nín thinh. Trong căn phòng, hai đứa bé trai và gái đang chơi trò đấu vật với nhau làm bụi bặm tung cả lên. Bà mẹ lưng dựa tường, cái váy hớ hênh lật lên để lộ cả đôi chân to, đang ngủ say. Bà lão thì đang ngắm vầng trăng bên cửa sổ, cười ngờ nghệch trong khi đứa bé con được đặt trên đùi khóc thét lên như nhà cháy. Ông bố ngồi bên bàn viết, chăm chú đọc một quyển sách của tôi, dáng bình thản như không. Ông ta rứt điếu thuốc đã tắt ngấm ra khỏi môi: - Xong rồi à? Thế thì bây giờ cho bình trà đi chứ! Tôi trả lời cụt lũn: - Không có trà. - Tôi không hỏi anh có trà hay không! Tôi chỉ bảo anh pha trà cho tôi thôi. Thái độ của anh như thế thì làm thế nào có một sinh hoạt cộng đồng cho được, hử? - Đã không có thì đành chịu thôi. - Anh cố gắng ra tay thì việc gì cũng xong tất. Trong Kinh Thánh có dạy ta phải ra sức làm việc thiện. Ai không xao lãng điều ấy thì khi đến lúc, sẽ gặt hái những điều tốt lành. Chúa Giê-su cũng dạy không phải nhận mà cho mới là điều quan trọng. Vậy thì anh hãy làm sao để những người chung quanh có cái hạnh phúc nhận được kết quả việc thiện anh làm. Còn nếu như anh lấy cớ là không đủ tin tưởng nơi chúng tôi mà không làm là anh có ý sĩ nhục chúng tôi đó. Tôi không thèm trả lời và chực bỏ ra ngoài thì ông ta như chợt nhớ điều gì, kêu với tôi lại: - Khoan, khoan! Coi bộ anh đang bất mãn. Chớ có dấu tôi. Anh đang định trốn thoát khỏi đây chứ gì? Hừm, Đừng hòng! Ai để anh đi! Đứng đó mà nhen lửa cho tôi. Con Kikuko, mượn người ta ít trà về đây cho ba. Nếu họ không cho thì đằng kia có mấy cuốn sách kìa, lấy năm sáu cuốn đem bán lấy tiền cho tao...