Ba năm sau Bà mẹ can đảm và một bộ phận của Trung đoàn Phần Lan bị bắt làm tù binh. Bà cứu được cô con gái cũng như cái xe thồ, nhưng người con trai trung hậu của bà bị chết. Nơi trại trú quân. Buổi chiều. Ngọn cờ Trung đoàn phất phới trên cột cờ. Bà mẹ can đảm căng dây phơi quần áo giữa chiếc xe thồ - hiện chất đủ thứ hàng hóa - và khẩu đại bác; bà vừa cùng với Kattrin gấp quần áo trên khẩu đại bác vừa mặc cả với tay sỹ quan phụ trách hậu cần về một giỏ đạn. Schweizerkas, giờ đây trong y phục sỹ quan quân lương, ngồi nhìn. Yvette Pottier, một cô gái xinh xắn, đang khâu cái mũ lòe loẹt, trước mặt để một ly rượu mạnh. Cô đi vớ, đôi giầy đỏ cao gót nằm bên cạnh. SỸ QUAN HẬU CẦN: Tôi bán cho bà chỗ đạn này với giá hai Gulden. Thế là quá rẻ, tôi cần tiền, vì ngài đại tá chè chén suốt hai ngày nay với đám sỹ quan mà rượu thì hết sạch rồi. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Đây là đạn dược của Trung đoàn. Họ mà tìm thấy ở chỗ tôi thì tôi sẽ phải ra trước tòa án quân sự. Ông thật tán tận lương tâm mới bán đạn còn quân ta không có để mà bắn quân thù. SỸ QUAN HẬU CẦN: Bà đừng sắt đá quá, hai ta giúp nhau mà. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi không mua hàng nhà binh. Không với giá đó. SỸ QUAN HẬU CẦN: Tối nay bà có thể kín đáo bán lại với giá năm, thậm chí tám Gulden cho tay sỹ quan hậu cần Trung đoàn bốn, nếu bà chịu viết biên lai mười hai Gulden cho hắn. Hắn hết sạch đạn rồi. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Sao ông không tự bán cho hắn? SỸ QUAN HẬU CẦN: Vì tôi không tin cậy hắn, chúng tôi là bạn bè mà. BÀ MẸ CAN ĐẢM cầm giỏ: Đưa đây. Với Kattrin: Mang ra sau và trả ông đây một Gulden rưỡi. Trước sự phản đối của Sỹ quan hậu cần: Tôi nói một Gulden rưỡi. Kattrin lôi giỏ ra sau, Sỹ quan hậu cần đi theo. BÀ MẸ CAN ĐẢM nói với Schweizerkas: Quần lót của mày đây, cất cho kỹ, bây giờ đang tháng mười, có thể chuyển sang thu dễ như chơi, tao nói có thể chứ không nói chắc chắn vì đã nghiệm ra rằng chẳng có gì nhất định như mình tưởng, kể cả bốn mùa. Nhưng dù thế nào đi nữa thì tiền quỹ Trung đoàn của mày luôn phải đủ. Quỹ của mày có đúng không đấy? SCHWEIZERKAS: Đúng, mẹ ạ. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Phải nhớ rằng họ giao mày lo việc quân lương vì mày trung hậu chứ không liều mạng như thằng anh mày, nhất là mày khù khờ thành ra chắc chắn mày không nghĩ tới chuyện ôm két trốn. Mày thì không đâu. Nên tao cũng yên tâm. Nhớ đừng bạ đâu cũng bỏ rồi quên cái quần lót đấy. SCHWEIZERKAS: Không đâu, mẹ ạ. Con sẽ nhét dưới nệm. Dợm đi. SỸ QUAN HẬU CẦN: Thủ quỹ ơi, tớ sẽ đi với cậu. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Đừng dạy nó mánh của ông đấy nhé! Sĩ quan hậu cần bỏ đi với Schweizerkas, không chào ai. YVETTE vẫy theo: Ông quan hậu cần ơi, nên chào nhau lấy một tiếng chứ! BÀ MẸ CAN ĐẢM nói với Yvette: Tôi không muốn thằng Schweizerkas đi với hắn. Hắn không phải là người mà thằng Schweizerkas nhà tôi nên giao tiếp. Nhưng chiều hướng cuộc chiến tranh diễn ra không tệ. Cho tới lúc mọi nước nhẩy cả vào là bốn, năm năm nữa như chơi. Chỉ cần tính xa một chút và đừng khinh suất là việc buôn bán của tôi sẽ phất. Cô không biết là với chứng bệnh của cô thì đừng nên uống rượu buổi sáng à? YVETTE: Ai bảo tôi bị bệnh là người đó vu khống! BÀ MẸ CAN ĐẢM: Mọi người nói. YVETTE: Vì mọi người bịa đặt. Bà mẹ can đảm này, tôi thật tuyệt vọng khi bị mọi người tránh né như tránh một con cá thối, vì cái điều bịa đặt kia, thành ra tôi sửa sang cái mũ này làm gì nữa chứ? (Quẳng mũ đi). Nên tôi mới uống rượu buổi sáng, trước kia tôi có bao giờ thế đâu, uống thế khoé mắt sẽ bị rạn chân chim, nhưng bây giờ thì tôi mặc kệ. Ở Trung đoàn hai Phần Lan họ nhẵn mặt tôi. Lẽ ra khi bị người tình đầu tiên phụ rẫy tôi nên ở nhà. Loại người như chúng tôi không nên tự ái, phải biết nuốt nhục, kẻo hỏng cả đời. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thôi đừng có lại lải nhải chuyện tay Pieter của cô với những linh tinh lang tang trước mặt đứa con gái ngây thơ của tôi. YVETTE: Chính nó lại càng nên nghe, để nó chai đá trước tình yêu. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Chẳng ai chai đá được. YVETTE: Thế thì tôi kể để được nhẹ lòng vậy. Chuyện bắt đầu với việc tôi lớn lên ở vùng Flandern[1] thơ mộng, nếu không tôi đã không gặp y và bây giờ chẳng ngồi trên đất Ba Lan này, vì y là hỏa đầu quân cho lính, một chàng Hòa Lan tóc vàng nhưng gầy. Kattrin, hãy coi chừng những anh chàng gầy gò nhé, nhưng hồi đó tôi nào đã biết thế, cũng không biết rằng hồi ấy y đã có một người khác rồi và đàn bà con gái gọi y là Pieter-tẩu, vì ngay trong lúc làm “chuyện ấy” y cũng không chịu nhả tẩu ra, “chuyện ấy” với y chỉ là phụ thôi! Hát bài “Kết nghĩa anh em”: Năm tôi mới mười bẩy tuổi Quân địch kéo vào đất nước Y gác kiếm sang một bên Bắt tay tôi thân hữu Tháng năm, sau lễ Đức Bà Khí trời dịu thơm. Trung đoàn đóng trong doanh trại[2] Trống đánh bập bùng, theo như tập tục Kẻ thù cưỡng đoạt chúng tôi sau bụi cây Rồi kết nghĩa anh em[3]. Hồi ấy thật lắm kẻ thù Kẻ thù của tôi là một chàng đầu bếp Tôi thù ghét y ban ngày Tôi lại thương y ban đêm. Vì sau lễ Đức Bà Khí trời dịu thơm. Trung đoàn đóng trong doanh trại Trống đánh bập bùng, theo như tập tục Kẻ thù cưỡng đoạt chúng tôi sau bụi cây Rồi kết nghĩa anh em. Tình yêu mà tôi cảm thấy Mãnh lực vô biên Gia đình tôi không hiểu nổi Rằng tôi thương y chứ không khinh ghét. Vào một buổi sớm sương mù Nỗi khổ đau và nhọc nhằn của tôi chớm hiện Trung đoàn đóng trong doanh trại Trống đánh bập bùng, theo như tập tục Rồi kẻ thù, kể cả người tôi yêu nhất Hành quân, rời khỏi thành phố của tôi. Đáng buồn là tôi đã chạy theo y, nhưng không bao giờ gặp, từ đó đến nay đã năm năm rồi. Loạng choạng lại sau xe thồ. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Cô quên cái mũ kìa. YVETTE: Ai thích thì cứ việc lấy. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Kattrin à, con hãy lấy đó làm bài học. Đừng bao giờ dính dáng đến lính tráng. Tình yêu mãnh lực vô biên, mẹ cảnh cáo con đấy. Thậm chí với những gã không phải lính tráng thì tình yêu cũng chẳng phải như uống mật ong đâu. Hắn bảo hắn muốn hôn nền đất được đôi bàn chân con đặt lên – nhân tiện hỏi hôm qua mày rửa chân chưa – thế là con sẽ thành tôi đòi của hắn. Con nên mừng vì bị câm, bởi con sẽ chẳng bao giờ tiền hậu bất nhất hay phải cắn lưỡi do đã nói sự thật; câm là ơn Chúa ban đấy, con ạ. Tay đầu bếp của quan tư lệnh tới kìa, không biết hắn muốn gì? Tay đầu bếp và tuyên uý tới. TUYÊN ÚY: Tôi mang cho bà tin mà con trai bà, anh Eilif, đã nhắn. Còn ông bếp đi theo vì bà đã để lại trong lòng ông ấy một ấn tượng sâu đậm. ĐẦU BẾP: Tôi đi theo chỉ để được thở hít chút không khí. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ở đây ông muốn thở hít không khí lúc nào cũng được cả, miễn là ông phải đàng hoàng, nếu không thì tôi chấp cả hai ông. Thằng Eilif muốn gì, tôi không thừa tiền. TUYÊN ÚY: Đúng ra tôi phải chuyển lời nhắn tới người em phụ trách quân lương cơ. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nó không có đây mà cũng chẳng ở đâu khác. Nó không phụ trách quân lương cho thằng anh nó. Thằng Eilif đừng có mà dụ dỗ và láu cá láu tôm với nó. Móc túi đeo vai lấy tiền đưa. Ông đưa cho nó, nó thật tội lỗi khi cứ ỷ vào tình thương của mẹ; nó nên xấu hổ mới phải. ĐẦU BẾP: Không lâu nữa đâu, hắn sẽ phải chuyển quân cùng với Trung đoàn, ai biết đi đâu, có khi vào cõi chết. Bà nên cho thêm đi, kẻo sau này ân hận. Đàn bà mấy người lòng dạ sắt đá nhưng sau lại hối tiếc. Khi còn sống thì một ly rượu mạnh chẳng đáng gì nhưng lại không cho uống, biết đâu đến khi xanh cỏ rồi thì có muốn cũng không đào mồ lên được nữa. TUYÊN ÚY: Đừng có bi thương, ông bếp ạ. Hy sinh trong chiến tranh là phước chứ không phải là điều đáng phàn nàn. Vì sao? Vì đây là cuộc chiến tranh tôn giáo. Không phải chiến tranh bình thường, mà là một cuộc chiến tranh đặc biệt, vì đức tin, nghĩa là đẹp lòng Chúa. ĐẦU BẾP: Đúng thế. Một mặt là chiến tranh nên cũng đốt nhà, cướp của, giết người, cả làm ô nhục đàn bà con gái nữa, nhưng nó khác mọi cuộc chiến tranh ở chỗ đây là cuộc chiến tranh tôn giáo. Rõ quá. Nhưng ông phải công nhận là nó cũng làm ta khát. TUYÊN ÚY chỉ tay đầu bếp, nói với Bà mẹ can đảm: Tôi đã tìm cách cản không cho hắn theo, nhưng hắn bảo rằng bà đã lôi cuốn hắn, hắn nằm mơ thấy bà. ĐẦU BẾP châm tẩu: Tôi chỉ muốn được bàn tay xinh đẹp chuốc rượu cho thôi, chứ có gì xấu xa đâu. Nhưng tôi cũng rất áy náy vì suốt dọc đường ông tuyên úy cứ toàn kể chuyện tiếu lâm khiến đến bây giờ tôi vẫn còn ngượng đỏ mặt. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Mà đang khoác áo thầy tu nữa chứ! Tôi phải cho mấy người uống chút gì thôi, kẻo mấy người buồn nản lại sinh ra sàm sỡ với tôi mất. TUYÊN ÚY: Đó chính là một cám dỗ, nhà thuyết giáo trong hoàng cung từng nói và rồi đã sa ngã. Vừa đi vừa ngoái nhìn Kattrin: Thế cô nàng đầy quyến rũ này là ai? BÀ MẸ CAN ĐẢM: Đó không phải là một cô nàng quyến rũ mà một con người đứng đắn. Tuyên úy và tay đầu bếp đi với Bà mẹ can đảm ra sau xe. Kattrin nhìn theo rồi bỏ đống áo quần, tới chỗ cái mũ. Cô nhặt lên rồi ngồi xuống, xỏ chân vào đôi giầy đỏ. Từ phía sau có tiếng Bà mẹ can đảm bàn chuyện chính trị với tuyên úy và tay đầu bếp. Bọn Ba Lan ở trên xứ Ba Lan này lẽ ra không nên xía vào mới phải. Đúng là Đức vua[4] của chúng ta kéo binh mã, xe cộ tiến vào xứ họ thật, nhưng thay vì giữ gìn nền hòa bình, bọn Ba Lan lại xía vào chuyện nội bộ của chúng, tấn công Đức vua khi ngài từ tốn kéo quân qua. Thế là chúng đã làm đổ vỡ nền hoà bình, mọi tội lỗi đều do chúng mà ra[5]. TUYÊN ÚY: Đức vua của chúng ta chỉ có một mục tiêu là tự do. Còn hoàng đế[6] nô dịch tất, cả dân Ba Lan lẫn dân Đức, nên Đức vua mới phải giải phóng họ. ĐẦU BẾP: Tôi cũng thấy thế, rượu của bà ngon lắm, nhìn mặt bà tôi đã biết là mình không nhầm, nhưng nhân ta vừa nói đến Đức vua, đến tự do mà ngài muốn đưa vào nước Đức, việc này đã khiến Đức vua tốn bộn bạc, ngài phải đánh thuế muối ở Thụy Điển khiến dân nghèo, như đã nói, phải tốn kém thêm, rồi ngài còn phải bỏ tù và phân thây bọn Đức ra làm bốn vì chúng cứ bo bo chịu làm nô lệ cho Hoàng đế. Dĩ nhiên, khi một kẻ không muốn tự do thì Đức vua không có đùa nữa. Mới đầu ngài chỉ muốn bảo vệ Ba Lan trước bọn người xấu xa thôi, đặc biệt là Hoàng đế, nhưng ăn rồi thì thấy ngon miệng, ngài bèn bảo vệ cả nước Đức luôn. Bọn này chống lại cũng dữ. Lòng tốt và tốn phí của Đức vua chỉ đem lại bực mình cho ngài, còn tốn phí dĩ nhiên ngài phải lấy lại qua thuế má, thế là sinh ra oán giận, nhưng ngài không bực mình. Ngài có được một thứ, đó là ngài được Chúa ủng hộ. Đúng thế. Nếu không lại bảo rằng ngài hám lợi. Thành ra lương tâm ngài luôn được thanh thản, với ngài đó là điều chính yếu. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Rõ là ông không phải dân Thụy Điển, bằng không ông sẽ chẳng ăn nói như thế về vị vua anh hùng này. TUYÊN ÚY: Chẳng gì thì ông cũng ăn bánh mì của ngài. ĐẦU BẾP: Tôi không ăn của ngài mà tôi nhồi và nướng bánh mì cho ngài. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ngài không thể thua được, tại sao, tại vì quân của ngài tin tưởng ở ngài. Chân thành: Khi nghe mấy vị to đầu nói thì họ tiến hành chiến tranh chỉ vì lòng kính sợ Chúa và vì mọi điều hay đẹp. Nhưng nhìn kĩ thì thấy họ đâu có vớ vẩn thế, họ gây chiến tranh vì trục lợi. Nếu không thì bọn tép riu như tôi đây cũng chẳng theo làm cóc gì. ĐẦU BẾP: Chính phải. TUYÊN ÚY: Ông là người Hòa Lan, vậy ông hãy chịu khó nhìn lên lá cờ treo ở đây trước khi nói lên ý kiến của mình trên đất Ba Lan này. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ở đây toàn là người Tin Lành tốt cả. Uống mừng sức khoẻ nào! Kattrin, đội mũ của Yvette, vênh vang đi lại, bắt chước dáng đi của Yvette. Chợt có tiếng đại bác và tiếng súng nhỏ. Tiếng trống. Bà mẹ can đảm, đầu bếp và tuyên úy - cả hai vẫn còn cầm ly rượu - từ sau xe vọt ra trước. Sỹ quan hậu cần và một người lính chạy tới tìm cách đẩy khẩu đại bác. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Có chuyện gì thế? Đồ mất dậy, phải để người ta thu quần áo đã chứ! Thu quần áo. SỸ QUAN HẬU CẦN: Bọn Thiên Chúa giáo! Chúng tập kích. Chẳng biết có chạy thoát không đây. Nói với lính: Đẩy khẩu súng này đi! Chạy tiếp. ĐẦU BẾP: Lậy Chúa, tôi phải về chỗ quan tư lệnh. Bà Courage[7], một ngày gần đây tôi sẽ ghé qua hàn huyên chút chơi. Phóng đi. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Khoan, ông để quên cái tẩu! ĐẦU BẾP từ xa: Bà giữ hộ! Tôi còn cần nó. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nhè ngay lúc này mình đang kiếm chác được chút ít. TUYÊN ÚY: Ừ, tôi cũng đi luôn đây. Dĩ nhiên khi quân địch đã tiến đến gần thế rồi thì có thể nguy hiểm đấy. Lúc chiến tranh người ta bảo rằng: phước thay cho những kẻ thương người. Giá tôi có được cái áo choàng để che người. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi không cho mượn áo choàng, ông chết mặc ông. Tôi đã từng bị mấy vố rồi. TUYÊN ÚY: Nhưng vì tôn giáo của tôi mà tôi càng bị nguy hiểm tợn. BÀ MẸ CAN ĐẢM lấy cho y một cái áo choàng: Tôi làm thế này là trái lương tâm của tôi đấy. Ông chạy đi thôi. TUYÊN ÚY: Cám ơn, bà thật là tuyệt vời, nhưng có lẽ tôi nên nán lại đây một lúc nữa, vì nếu bọn địch thấy tôi chạy thì có thể chúng càng sinh nghi và chú ý. BÀ MẸ CAN ĐẢM nói với tay lính: Cứ để mặc khẩu đại bác ở đấy, đồ con lừa, ai trả công cho chú? Để tôi giữ hộ cho, chạy đi kẻo toi mạng. TAY LÍNH chạy đi: Bà làm chứng hộ là tôi đã cố thử. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi thề sẽ làm chứng cho chú. Nhìn thấy con gái đang đội mũ. Mày làm gì với thứ mũ đĩ rạc ấy? Có bỏ ngay ra không, mày rửng mỡ à? Ngay lúc quân địch kéo tới? Giật lấy mũ. Mày muốn chúng phát hiện ra mày, biến mày thành điếm hử? Nó lại còn đi giầy nữa chứ, đồ đĩ rạc! Bỏ giầy ra! Định lột giầy con gái. Lậy Chúa, ông tuyên úy tháo giầy nó giúp tôi. Tôi quay lại ngay. Chạy lại xe. YVETTE tới, vừa đi vừa đánh phấn: Bọn Thiên Chúa giáo tới rồi, ông thấy sao? Mũ của tôi đâu rồi? Ai giẫm bẹp nó mất rồi? Thế này thì khi quân Thiên Chúa giáo tới làm sao tôi vác mặt tới chỗ này chỗ kia được nữa, họ sẽ nghĩ sao về tôi chứ? Gương soi mình cũng không có. Nói với tuyên uý: Ông trông tôi thế nào? Có quá nhiều phấn không? TUYÊN ÚY: Vừa đẹp. YVETTE: Còn đôi giầy đỏ đâu? Không tìm thấy vì Kattrin ngồi thu chân dưới váy. Tôi để chúng ở đây mà. Tôi phải đi chân đất sang lều của mình. Thật là nhục quá! Đi ra. Schweizerkas ôm một két tiền nhỏ chạy tới. BÀ MẸ CAN ĐẢM hai bàn tay vốc đầy tro về tới. Với Kattrin: Tao đem tro về đây này. Với Schweizerkas: Mày khuân cái gì đấy? SCHWEIZERKAS: Két tiền của Trung đoàn. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Quẳng ngay đi! Trung đoàn tiêu rồi còn đâu nữa. SCHWEIZERKAS: Nó được phó thác cho con. Ra phía sau. BÀ MẸ CAN ĐẢM nói với tuyên úy: Ông tuyên úy, ông cởi áo thầy tu đi kẻo chúng vẫn nhận ra đấy, dù ông đã khoác áo choàng! Bôi tro lên mặt Kattrin. Yên nào! Thế, lem luốc một chút mà mày khỏi lo. Thật là tai họa! Đám lính canh chắc là say bét cả. Không nên phô nhan sắc của mình, châm ngôn bảo thế. Một gương mặt sạch sẽ mà gặp lính, nhất là lính phe Thiên Chúa giáo, thì thành điếm ngay. Cả tuần chúng chẳng có gì để đớp vào bụng thì sau khi cướp bóc no say chúng sẽ lùng sục đàn bà con gái. Bôi thế này thì đỡ lo. Xem nào. Được đấy. Chẳng khác mày mới chui trong bùn ra. Đừng có run. Thế này thì không thể xẩy ra chuyện gì cho mày được đâu. Với Schweizerkas: Mày để cái két ở đâu? SCHWEIZERKAS: Con nghĩ là nên giấu trong xe. BÀ MẸ CAN ĐẢM hoảng hốt: Sao, trong xe của tao à? Quân thậm ngu! Sểnh ra là hỏng! Chúng sẽ treo cổ cả ba mẹ con! SCHWEIZERKAS: Thế thì con sẽ giao cho ai khác hoặc mang nó đi trốn vậy. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ở lại đây, trễ quá rồi. TUYÊN ÚY: vừa đi ra phía trước vừa khoác áo choàng Trời đất ơi, lá cờ! BÀ MẸ CAN ĐẢM kéo lá cờ Trung đoàn xuống: Boshe moi[8]! Tôi quen mắt quá nên chẳng nhận ra nữa. Thì hai mươi lăm năm nay tôi vẫn treo lá cờ này mà. Tiếng đại bác to hơn. Ba ngày sau, vào một buổi sáng. Khẩu đại bác không còn đó nữa. Bà mẹ can đảm, Kattrin, tuyên úy và Schweizerkas ngồi ăn, vẻ mặt lo âu... SCHWEIZERKAS: Con ngồi không ở đây đã ba ngày rồi, ông đội là người xưa nay vẫn khoan dung với con, chắc bắt đầu thắc mắc: thằng Schweizerkas với két tiền lương đâu rồi? BÀ MẸ CAN ĐẢM: Mày nên mừng vì bọn chúng đã không truy ra tung tích của mày. TUYÊN ÚY: Tôi biết nói sao đây? Tôi cũng không thể làm lễ ở đây được, lỡ ra thì nguy lắm chứ chẳng chơi. Lòng chứa chan tâm sự thì có lúc mở miệng thở than, châm ngôn bảo thế, nhưng nếu tôi lỡ miệng thì khổ thân! BÀ MẸ CAN ĐẢM: Đúng thế. Tôi ngồi đây với một thầy tu và một tay thủ quỹ. Không biết bên nào nguy hiểm hơn. TUYÊN ÚY: Giờ đây số phận chúng ta ở trong tay Chúa. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi nghĩ đã làm gì đến nỗi, có điều tối đến tôi không chợp mắt nổi. [Với con trai] Schweizerkas ạ, nếu không có mày ở đây thì có lẽ dễ xoay xở hơn đấy. [Với tuyên úy] Tôi nghĩ rằng mình đã tính đúng. Tôi đã khai với bọn Thiên Chúa giáo là tôi chống lại cái tên quỉ Satan Thụy Điển đầu mọc sừng[9] mà sừng bên trái của lão hơi bị mòn một chút. Đang bị thẩm vấn mà tôi còn hỏi chúng ở đâu có bán nến cúng để tôi tìm mua, nhưng đừng quá đắt. Tôi giả bộ như thật, vì bố thằng Schweizerkas theo đạo Thiên Chúa và từng hay đem đạo ra giễu. Chúng không hoàn toàn tin tôi nhưng trong Trung đoàn chúng không có ai đi theo lo chuyện buôn bán. Thành ra chúng đành nhắm mắt làm ngơ. Biết đâu rủi lại biến thành may. Chúng ta bị bắt giữ nhưng lại gặp bở, khác gì con chí, con rận bám trên da thú. TUYÊN ÚY: Sữa ngon đấy. Còn về số lượng thì bây giờ chúng ta phải hãm bớt cái khẩu vị Thụy Điển mới được. Chúng ta mới bại trận xong. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ai bại trận? Chuyện thắng bại của những tay to đầu trên kia và của lũ thấp cổ bé miệng bên dưới chẳng bao giờ là một cả, hoàn toàn không. Thậm chí có khi chuyện bại trận lại là thắng lợi cho lũ thấp cổ bé miệng bên dưới cơ. Mất danh dự thôi, chứ có mất gì nữa đâu. Tôi còn nhớ có lần ở Livland[10] viên tư lệnh của chúng tôi bị quân địch đánh cho không còn manh giáp, đến nỗi trong cơn hoảng loạn tôi vớ được một con ngựa của đoàn tùy tùng, nó kéo xe của tôi bẩy tháng liền, cho đến ngày quân ta chiến thắng, kiểm lại sổ sách quân trang mới lòi ra và tôi phải trả lại ngựa. Nói chung thì bọn tốt đen như chúng ta phải hứng chịu những hậu quả tai hại của cả việc thắng lẫn việc bại. Tốt nhất cho chúng ta là chính trị cứ dậm chân tại chỗ. Với Schweizerkas: Ăn đi! SCHWEIZERKAS: Con nuốt không vào. Ông đội trả lương lính cách nào đây? BÀ MẸ CAN ĐẢM: Đã tháo chạy thì còn lương với lậu gì nữa. SCHWEIZERKAS: Có chứ, họ có quyền. Không có lương thì họ chẳng cần phải chạy. Họ chẳng cần nhúc nhích một bước. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Schweizerkas, có lương tâm như mày thật chỉ làm tao sợ. Tao từng dạy mày phải ngay thẳng, vì mày không được khôn lanh, nhưng ngay thẳng cũng phải có giới hạn chứ. Bây giờ tao với ông tuyên úy đi mua một lá cờ Thiên Chúa giáo và thịt. Ông ấy chọn thịt thì không ai bằng, nhắm mắt như người mộng du mà chọn miếng nào ra miếng nấy. Tao đoán rằng là vì hễ gặp miếng thịt ngon thì tự động nước miếng ông ấy cứ ứa ra. Cũng may là chúng cho phép tao buôn bán tiếp. Không ai hỏi người bán theo đạo nào mà hỏi giá cả mặt hàng thôi. Quần Tin Lành[11] mặc cũng ấm vậy. TUYÊN ÚY: Giống như khi nghe đồn rằng ở thành thị lẫn thôn quê phe Luther[12] sẽ đảo lộn tất cả thì một khất sỹ đã nói: thời nào cũng cần ăn mày. Bà mẹ can đảm khuất vào trong xe. [Với Schweizerkas] Bà ấy lo lắng về cái két tiền lắm đấy. Cho đến nay bọn chúng tưởng mấy người mình cùng ở trong nhóm buôn chứ chưa phát giác ra sự thật, song bao lâu nữa? SCHWEIZERKAS: Tôi có thể mang nó đi. TUYÊN ÚY: Thế lại còn nguy hiểm hơn. Nhỡ có ai thấy anh thì hỏng kiểu! Chúng có chỉ điểm đấy. Sáng sớm hôm qua khi tôi đi đồng thì có một tay từ chiến hào lù lù hiện ra trước mặt. Tôi hết hồn, tí nữa thì buột miệng đọc kinh nhưng nuốt lại kịp. Bật ra là lộ ngay. Tôi cho rằng chúng khoái nhất việc ngửi phân xem có phải của người Tin Lành không. Tên chỉ điểm là một gã nhỏ con khốn kiếp, đeo băng che một mắt. BÀ MẸ CAN ĐẢM xuống xe với một cái giỏ, [nói với Kattrin]: Tao tìm thấy cái gì đây hở con mặt dầy kia? Hể hả giơ đôi giầy đỏ cao gót lên cao. Đôi giầy cao gót đỏ của Yvette! [Với tuyên úy] Nó đã cuỗm đôi giầy tỉnh bơ. Vì ông đã làm cho nó tưởng mình là một đứa quyến rũ đấy! Bỏ giầy vào giỏ. Ăn cắp của Yvette. Tao sẽ trả lại cho nó! Ả sa đọa vì tiền, nên ả cần giầy, việc ấy tao hiểu được. Còn mày lại muốn lấy không chỉ để chơi cho thích. Tao đã bảo là mày hãy đợi cho đến lúc thanh bình. Chớ có dính tới lính tráng! Ráng chờ tới lúc thanh bình rồi hãy làm đỏm! TUYÊN ÚY: Tôi thấy cô ấy có đỏm đáng gì đâu. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Có đây. Khi nào nó giống như một hòn đá ở cái vùng Dalarne trơ trụi khiến không ai nhận ra để rồi họ bảo nhau rằng: chẳng thấy con bé tật nguyền đâu cả thì tôi mới hết lo rằng sẽ có chuyện không hay xẩy ra với nó. Với Schweizerkas: Két tiền ở đâu thì cứ để yên đó, nghe chưa. Nhớ là em mày cần được mày coi chừng đấy. Tao đến chết vì chúng mày mất thôi. Thà tao canh giữ một bịch ruồi còn hơn. Cùng với tuyên úy đi ra. Kattrin dọn dẹp chén đĩa. SCHWEIZERKAS: Chẳng còn được mặc áo cộc tay phơi nắng mấy ngày nữa. Kattrin chỉ vào một cái cây. Ừ, lá đã vàng rồi. Kattrin ra hiệu hỏi hắn có muốn uống rượu không. Tao không uống. Tao phải suy nghĩ. Ngừng một lúc. Mẹ bảo mẹ không ngủ được. Tao thấy nên mang két đi chỗ khác, tao tìm được nơi giấu rồi. Rót cho tao một ly đầy. Kattrin ra sau xe. SCHWEIZERKAS: Mình tạm dấu trong hang chuột chũi dưới vệ sông, rồi lấy sau. Có thể ngay tối nay rạng sáng mai mình lấy rồi mang tới Trung đoàn. Trong ba ngày chắc họ chưa chạy xa được đâu nhỉ? Ông đội sẽ trố mắt nói: Schweizerkas ạ, chú mày khiến ta ngạc nhiên một cách thú vị, ta giao két cho chú mày và chú mày lại mang được nó về đây. Khi Kattrin cầm ly rượu đầy từ sau xe bước ra thì gặp hai gã đứng trước mặt. Một gã là viên đội phe Thiên Chúa giáo, gã kia đeo băng che một mắt, phe phẩy cái mũ trước mặt cô. GÃ CHỘT MẮT: Chào cô. Cô có thấy ở đây một người thuộc bản doanh Trung đoàn hai Phần Lan không? Kattrin, quá hốt hoảng, bỏ chạy ra phía trước, làm sánh ly rượu. Hai gã kia nhìn nhau rồi rút lui sau khi đã thấy Schweizerkas đang ngồi. SCHWEIZERKAS đang suy nghĩ bỗng giật nẩy người: Mày làm sánh mất một nửa rồi. Làm cái trò gì thế? Bị đụng vào mắt à? Tao không hiểu mày muốn nói gì. Tao phải đi thôi, tao quyết định rồi, đó là giải pháp tốt nhất. Đứng dậy. Kattrin tìm mọi cách cho anh biết về mối nguy hiểm. Hắn chỉ gạt đi. Tao thật rất muốn biết mày định nói gì. Chắc chắn mày nghĩ điều tốt rồi, nhưng tội nghiệp thân mày, mày không nói được. Làm sánh rượu thì có sao đâu, tao còn uống nhiều mà, nào phải chỉ ly này thôi. Lôi két giấu trong xe ra, lấy áo che. Tao về ngay ấy mà. Đừng có níu làm tao cáu. Dĩ nhiên mày nghĩ điều tốt rồi. Phải chi mày nói được! Vì Kattrin muốn níu hắn lại, hắn mới hôn em gái rồi giật khỏi tay cô. Schweizerkas đi ra. Kattrin túng kế, chạy tới chạy lui, miệng kêu ư ư. Tuyên úy và Bà mẹ can đảm quay về. Kattrin nhẩy bổ vào mẹ. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Chuyện gì thế, chuyện gì thế? Sao hốt hoảng thế kia, có ai làm gì mày rồi? Thằng Schweizerkas đâu? Kể cho rõ đầu đuôi nào, Kattrin. Mẹ hiểu con mà. Sao, thằng ôn con đã đem két đi rồi à? Tao sẽ đánh nó chết, đồ xảo quyệt. Từ từ, đừng liến thoắng, dùng tay ra hiệu, tao không thích mày ư ử như chó, ông tuyên úy sẽ nghĩ gì về mày? Ông ấy thấy gớm rồi đấy. Một gã chột đã tới đây à? TUYÊN ÚY: Gã chột là tay chỉ điểm đấy. Chúng bắt Schweizerkas rồi à? Kattrin lắc đầu, nhún vai. Chúng ta nguy rồi. BÀ MẸ CAN ĐẢM lôi từ giỏ một lá cờ Thiên Chúa giáo, tuyên úy buộc vào cột cờ: Ta treo cờ mới lên! TUYÊN ÚY cay đắng: Đây toàn là người Thiên Chúa giáo tốt cả. Nghe phía sau có tiếng người. Hai người điệu Schweizerkas tới. SCHWEIZERKAS: Buông tôi ra, tôi chẳng có gì trong người hết thảy. Khéo trật xương vai tôi mất! Tôi vô tội. VIÊN ĐỘI: Hắn thuộc nhóm này. Mấy người biết nhau mà. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Chúng tôi à? Quen nhau hồi nào? SCHWEIZERKAS: Tôi không quen biết họ. Tôi chẳng biết ai là ai, tôi không dính dáng gì với họ. Tôi chỉ mua ở đây một bữa ăn trưa, hết mười Heller. Mặn ơi là mặn. Có thể hai ông đã thấy tôi ngồi đây chăng. VIÊN ĐỘI: Mấy người là ai, hả? BÀ MẸ CAN ĐẢM: Chúng tôi là dân lương thiện. Đúng là hắn có mua một bữa ăn ở đây. Hắn kêu quá mặn. VIÊN ĐỘI: Mấy người làm bộ không quen biết hắn chứ gì? BÀ MẸ CAN ĐẢM: Làm sao tôi quen biết hắn chứ? Tôi đâu quen hết mọi người. Tôi không hỏi tên hắn, cũng không hỏi hắn có theo tà giáo[13] không; hắn trả tiền sòng phẳng, vậy hắn không phải tà giáo rồi. Anh có phải tà giáo không? SCHWEIZERKAS: Tuyệt nhiên không. TUYÊN ÚY: Hắn chỉ ngồi ăn thôi chứ không hề mở miệng, trừ việc mở miệng để ăn. Ăn xong hắn phải đi. VIÊN ĐỘI: Ông là ai? BÀ MẸ CAN ĐẢM: Người bán rượu của tôi đấy mà. Chắc các ông khát rồi, để tôi mời các ông ly rượu, chắc là các ông đã phải chạy đến nóng cả người. VIÊN ĐỘI: Không uống rượu khi đang làm phận sự. Với Schweizerkas: Mày có mang gì theo. Nhất định là mày đã giấu dưới sông. Lúc mày chạy đi áo mày có phồng lên. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Có đúng hắn không? SCHWEIZERKAS: Tôi nghĩ mấy ông nhầm với người khác. Tôi có thấy một người phóng đi, áo hắn phồng lên. Nhưng không phải tôi. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi cũng nghĩ đây là nhầm lẫn thôi, chuyện dễ xẩy ra mà. Tôi nhìn mặt mà biết người, tôi là Bà mẹ can đảm, các ông hẳn có nghe, ai cũng biết tôi cả; tôi nói các ông biết anh chàng này trông ngay thẳng. VIÊN ĐỘI: Tụi tôi truy lùng két tiền Trung đoàn hai Phần Lan. Và tụi tôi biết hình dạng kẻ giữ két này. Tụi tôi đã tìm hắn hai ngày rồi. [Với Schweizerkas] Chính là mày. SCHWEIZERKAS: Không phải tôi. VIÊN ĐỘI: Mày không đưa thì sẽ chết, con ạ. Két đâu? BÀ MẸ CAN ĐẢM hối hả: Nếu có thì hắn sẽ nộp ngay kẻo chết. Hắn sẽ khai ngay rằng “tôi giữ két, két đây này, các ông là kẻ mạnh”. Chứ hắn đâu có dại. Khai đi, đồ ngu như chó, ông đội cho anh cơ hội đấy. SCHWEIZERKAS: Tôi không có thì khai làm sao! VIÊN ĐỘI: Vậy thì đi. Bọn ta sẽ truy ra thôi. Giải Schweizerkas đi. BÀ MẸ CAN ĐẢM gọi theo: Nếu có thì hắn sẽ khai mà. Hắn đâu có dại. Đừng làm trật xương vai hắn! Chạy theo. Chiều hôm ấy. Tuyên úy và Kattrin câm rửa ly và mài dao. TUYÊN ÚY: Những vụ rắc rối thế này không phải không có trong lịch sử tôn giáo đâu. Tôi nhớ đến nỗi khổ hình của Chúa, Đấng Cứu rỗi chúng ta. Có một bài hát xưa về chuyện này. Hát “bài ca vào giờ cầu nguyện”: Vào lúc nửa đêm về sáng Chúa bị điệu Như một kẻ sát nhân Ra trước Pilatus[14] tà giáo Y thấy Người vô tội Không thể kết án tử hình Nên cho giải Người Tới vua Herodes[15]. Lúc ba giờ[16] sáng Đức Chúa Con Bị quất roi da Và phải đội vương miện[17] kết bằng gai Máu Người chảy ròng ròng! Người bị nhục mạ và nhạo báng Bị đánh đập dã man Cây thập tự để treo Người cho tới chết Người phải tự mang. Lúc sáu giờ Người chỉ còn mang trên thân mình cái khố Bị đóng đinh lên thập tự giá Máu tuôn rơi. Người thở than cầu nguyện. Bọn người đứng xem nhạo báng Kể cả hai tên cướp bị treo cạnh Người Bỗng nhiên trời đất mịt mù tăm tối Làm khuất đi những cảnh tượng này. Vào giờ thứ chín Chúa Jesus than rằng mình bị Chúa Cha bỏ rơi Chúng cho Người uống rượu chua[18] pha mật đắng Rồi bỏ mặc Người trong cơn hấp hối. Hồn Người vừa lìa khỏi xác Mặt đất liền rung chuyển Màn trướng của ngôi Đền liền rách toác Nhiều tảng đá liền nứt rạn. Vào lúc xẩm tối Chúng đánh gẫy cẳng hai tên cướp Còn Chúa Jesus bị chúng lấy giáo Đâm vào một bên sườn. Thấy máu với nước chảy ra Chúng liền chế nhạo. Chúng đã làm những điều như thế đấy Với Chúa Cứu Thế của chúng ta. BÀ MẸ CAN ĐẢM hớt hải chạy về: Đây là chuyện sống chết. Nhưng mà tay đội bằng lòng thương lượng. Chỉ có điều là mình không được để lộ ra rằng thằng Schweizerkas là người của mình, kẻo mang tội che dấu nó. Chuyện tiền bạc thôi mà. Nhưng chúng ta lấy đâu ra tiền? Yvette đã tới chưa? Dọc đường tôi gặp ả, ả đã câu được một lão đại tá, có thể lão sẽ mua cho ả xe hàng này. TUYÊN ÚY: Bà định bán thật à? BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nếu không, tôi đào đâu ra tiền trả cho tay đội? TUYÊN ÚY: Rồi chúng ta sống bằng gì? BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ấy thế. Yvette Pottier đến với một lão đại tá già khú đế. YVETTE ôm Bà mẹ can đảm: Chào bà, không ngờ mình gặp nhau sớm thế! Thì thầm: Ông ấy không phản đối. Nói to: Đây là ông bạn quý của tôi, cố vấn tôi trong chuyện làm ăn. Tôi tình cờ nghe nói vì hoàn cảnh nên bà muốn bán chiếc xe thồ. Nếu đúng như thế thật thì có thể tôi sẽ mua đấy. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Cầm thôi chứ không bán, cô đừng vội tưởng nhầm, một cái xe như vầy tôi đâu dễ gì mua lại được trong thời buổi chiến tranh. YVETTE thất vọng: Chỉ cầm thôi à, tôi lại tưởng bán chứ. Tôi không biết có nên cầm cho bà chăng. Với lão đại tá: Mình thấy sao? LÃO ĐẠI TÁ: Tùy mình đấy, cưng ạ. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Chỉ cầm thôi. YVETTE: Tôi lại nghĩ bà đang cần tiền. BÀ MẸ CAN ĐẢM dứt khoát: Tôi cần tiền thật, nhưng tôi thà chịu khó chạy rã chân rã cẳng tìm cho ra mối tốt hơn là bán ngay. Tại sao, tại vì chúng tôi sống nhờ vào cái xe này. Đây là dịp tốt cho cô đấy, Yvette ạ, ai biết bao giờ cô mới lại có được cơ may như thế này và một ông bạn quý cố vấn cho nữa, phải không? YVETTE: Dạ, ông bạn tôi khuyên cứ nhận đi, nhưng tôi chưa biết nên thế nào. Nếu bà chỉ cầm thì...[với lão đại tá] mình cũng nghĩ là ta nên mua chứ? LÃO ĐẠI TÁ: Anh cũng nghĩ thế. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Vậy thì cô phải tìm trong số những thứ người ta bán, biết đâu chẳng có; bỏ ra một hay hai tuần cùng đi tìm với ông bạn thì có thể cô kiếm được cái vừa ý. YVETTE [với lão đại tá]: Vậy thì ta đi tìm thôi, em sẽ kiếm quanh xem sao; em rất thích đi chỗ nọ chỗ kia với mình, Poldi ạ, vui vui là, phải không? Dù có phải tìm hai tuần cũng được! [Với Bà mẹ can đảm]: Bao giờ thì bà thanh toán, nếu có tiền? BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi sẽ thanh toán trong vòng hai tuần, có khi chỉ một tuần thôi. YVETTE: Poldi, Chéri[19], cố vấn em với, em không biết nên thế nào. Kéo lão đại tá qua một bên. Em biết mụ phải bán thôi, việc này em không lo. Mà cái cậu cầm cờ[20] tóc vàng mình biết sẵn sàng cho em vay tiền. Hắn mê em như điếu đổ, hắn bảo rằng em gợi hắn nhớ đến người nào đó. Mình khuyên em nên làm sao? LÃO ĐẠI TÁ: Anh cảnh cáo em nên coi chừng tên giữ cờ đấy. Hắn không tốt đâu. Hắn chỉ lợi dụng thôi. Anh đã chẳng bảo là sẽ mua cho em sao, thỏ con? YVETTE: Em không dám nhận đâu. Dĩ nhiên khi mình bảo là tay giữ cờ có thể lợi dụng thì em tin chứ. Poldi, em nhận món quà của mình. LÃO ĐẠI TÁ: Thế mới phải. YVETTE: Mình khuyên em khứng chịu à? LÃO ĐẠI TÁ: Ừ. YVETTE quay lại Bà mẹ can đảm: Ông bạn tôi vừa mới khuyên đấy. Bà viết cho tôi biên nhận, viết cả chuyện cái xe sẽ thuộc về tôi với mọi thứ trong đó nếu sau hai tuần bà không thanh toán; chúng ta sẽ kiểm hàng ngay, số tiền hai trăm Gulden tôi sẽ đưa sau. Với lão đại tá: Vậy mình về doanh trại trước đi, em về sau, em còn phải kiểm mọi món trong xe để khỏi có món nào bay mất. Hôn lão đại tá. Hắn đi ra. Yvette leo lên xe: Ít giầy ủng quá. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Yvette này, bây giờ không phải là lúc để cô kiểm hàng trong xe, một khi nó là của cô rồi. Cô đã hứa với tôi là sẽ nói với ông đội về vụ thằng Schweizerkas nhà tôi; vậy không thể phí một phút nào được, tôi nghe nói trong một giờ nữa nó sẽ phải ra toà án binh. YVETTE: Tôi chỉ đếm thêm chỗ áo sơ mi này thôi. BÀ MẸ CAN ĐẢM kéo váy Yvette: Cô thật chẳng khác gì loài linh cẩu, trong khi tôi lo cho thằng Schweizerkas. Cô chớ hé môi rằng tôi trả tiền đấy, hãy vì Chúa mà làm như thể nó là người yêu dấu nhất của cô, kẻo chúng tôi mất mạng hết cả đám, vì tội đã che dấu nó. YVETTE: Tôi có gọi gã chột mắt tới vườn cây để bàn tính chuyện này, chắc chắn gã đã có mặt ở đó rồi. TUYÊN ÚY: Không nhất thiết phải đề nghị hai trăm liền tức thì đâu, trả giá dần tới một trăm rưởi cũng đủ rồi. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tiền của ông à? Tôi yêu cầu ông đừng có xía vào. Ông vẫn sẽ được ăn món xúp hành thôi mà. [Với Yvette] Chạy đi chứ đừng lằng nhằng nữa, mạng sống người ta có phải chơi đâu. Đẩy Yvette đi. TUYÊN ÚY: Tôi không muốn xía vào chuyện của bà, nhưng chúng ta lấy gì để sống? Bà lại còn phải nuôi một đứa con gái không làm ra tiền. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi đã trù tính với két tiền Trung đoàn rồi, ông khôn vặt vừa vừa thôi. Chắc chắn trung đoàn phải trả thằng Schweizerkas tiền bồi dưỡng chứ. TUYÊN ÚY: Nhưng biết ả có giàn xếp được không? BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ả muốn tôi chi hết số tiền hai trăm vay của ả, thế là ả sẽ được cái xe. Ả thèm cái xe lắm, ai mà biết lão đại tá sẽ còn chịu chơi bao lâu nữa. Kattrin, nhớ lấy đá mài mài dao. Còn ông, đừng có loanh quanh như Chúa Jesus trên Núi Dầu, khẩn trương lên, rửa ly tách đi, tối nào cũng đón ít nhất năm mươi kỵ sĩ mà tôi cứ phải nghe ông than thở: “Chân cẳng tôi không quen chạy, tôi không chạy trong lúc hành lễ.” Tôi nghĩ là chúng sẽ tha thằng Schweizerkas. Đội ơn Chúa nên chúng chịu ăn hối lộ. Chúng chẳng phải lang sói gì, cũng là người và tham tiền thôi. Chuyện hối lộ nơi loài người cũng hệt như chuyện bác ái nơi Chúa thôi. Hối lộ là hy vọng duy nhất của chúng ta. Còn hối lộ thì còn khoan hồng, thậm chí người vô tội vẫn có thể trắng án trước toà. YVETTE chạy tới, thở hổn hển: Họ chỉ chịu với giá hai trăm thôi. Mà phải gấp lên. Họ không trì hoãn được lâu đâu. Tốt nhất tôi đi liền với gã chột tới gặp đại tá của tôi. Schweizerkas đã thú nhận có giữ két khi bị tra tấn đòn kẹp hai ngón tay cái, rằng khi biết họ đuổi theo thì cậu ta liền ném xuống sông. Thế là toi két tiền. Tôi có cần chạy tới ông đại tá của tôi để lấy tiền không? BÀ MẸ CAN ĐẢM: Toi két tiền à? Thế thì tôi kiếm lại số tiền hai trăm bằng cách nào đây? YVETTE: A, hóa ra bà nghĩ rằng có thể kiếm chác với két tiền đấy ư? Nếu thế thì đúng là tôi bị lừa đau. Bà đừng hy vọng hão nữa. Bà phải trả thôi, nếu muốn giữ mạng sống của cậu Schweizerkas, hay là tôi phó mặc hết, để bà giữ được chiếc xe? BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi đâu ngờ lại ra nông nỗi. Cô không phải hối, rồi cô sẽ được chiếc xe thôi, coi như bán rồi, tôi làm chủ nó mười bẩy năm cũng đủ rồi. Tôi chỉ muốn suy nghĩ một chút thôi mà, tin này thình lình quá, số tiền hai trăm tôi không trả nổi, lẽ ra cô nên thương lượng mới phải. Tôi cũng phải thủ chút tiền trong tay chứ, kẻo rồi ai cũng lấn lướt tôi được. Hãy đi bảo họ rằng tôi trả một trăm hai chục Gulden, bằng không coi như bỏ, thế là tôi đã mất cái xe rồi đấy. YVETTE: Họ không chịu đâu. Gã chột luôn hối hả, ngó trước trông sau, rất là căng thẳng. Tôi có nên trả hết hai trăm không? BÀ MẸ CAN ĐẢM tuyệt vọng: Tôi không thể trả được. Tôi làm ăn quần quật suốt ba mươi năm nay. Con Katrin đã hai mươi lăm tuổi mà vẫn chưa chồng. Tôi còn phải lo cho nó nữa. Đừng ép, tôi biết phải làm gì. Trả giá một trăm hai mươi Gulden, không chịu thì thôi. YVETTE: Việc bà thì bà phải biết. Hối hả đi ra. Bà mẹ can đảm không nhìn tuyên úy và con gái, bà ngồi xuống phụ Kattrin mài dao. BÀ MẸ CAN ĐẢM [với tuyên úy]: Ông chớ có làm vỡ ly tách đấy, chúng đâu còn là của chúng ta nữa. [Với con gái] Chú ý vào kẻo đứt tay. Thằng Schweizerkas sẽ trở về thôi, nếu cần tao cũng trả hai trăm. Mày sẽ có lại thằng anh mày thôi. Với tám mươi Gulden còn lại mình sẽ thồ đầy giỏ trên lưng và làm lại từ đầu. Thiên hạ cũng thế cả thôi. TUYÊN ÚY: Châm ngôn nói rằng Chúa sẽ dẫn dắt ta đạt tới điều lành. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông lo lau khô đi. Lặng lẽ mài dao. Chợt Kattrin nức nở chạy ra sau xe. YVETTE chạy tới: Họ không chịu. Tôi đã cảnh báo bà rồi. Gã chột tính bỏ đi ngay vì thấy không đáng nữa. Gã bảo rằng bất cứ lúc nào cũng có thể nghe tiếng trống, nghĩa là đã tuyên án. Tôi đã trả giá một trăm rưởi mà gã chẳng thèm nhún vai. Gã ráng nán lại chờ tôi bàn bạc thêm lần nữa với bà đấy. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Bảo gã tôi chịu hai trăm. Chạy đi! Yvette chạy đi. Ba người ngồi câm lặng. TUYÊN ÚY ngừng lau ly tách. Có tiếng trống từ xa. Tôi nghĩ là mình đã mặc cả quá lâu. Tuyên úy đứng dậy đi ra phía sau. Bà mẹ vẫn ngồi đó. Trời tối. Tiếng trống ngưng. Sáng trở lại. Bà mẹ vẫn ngồi y như trước. YVETTE xuất hiện, mặt tái mét: Thế là chuyện trả giá của bà đã có kết quả rồi đấy: cậu ấy lĩnh mười một viên đạn, thế thôi, còn bà giữ được chiếc xe. Bà không đáng để tôi phải quan tâm tới nữa. Nhưng tôi nghe loáng thoáng họ không tin rằng két tiền bị quăng xuống sông. Họ nghi rằng nó hiện ở đây, rằng bà với cậu ấy có liên hệ với nhau. Họ định mang cậu ấy đến đây xem bà có hớ ra khi nhìn thấy cậu ấy không đấy. Tôi cảnh báo bà hãy làm như không quen biết kẻo liên lụy cả đám. Cho bà hay là họ theo bén gót tôi đấy. Có cần tôi kéo Kattrin đi không? Bà mẹ can đảm lắc đầu. Nó biết chuyện không? Có thể nó không nghe tiếng trống hoặc không hiểu sự việc. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nó biết đấy. Cô lôi nó ra đây. Yvette kéo Kattrin ra, cô tới đứng cạnh mẹ. Bà mẹ can đảm nắm tay con gái. Hai người lính khiêng tới một cái cáng có phủ khăn. Viên đội đi cạnh. Họ đặt cáng xuống. VIÊN ĐỘI [với Bà mẹ can đảm]: Đây là một kẻ chúng tôi không biết tên, nhưng chúng tôi phải ghi biên bản cho đúng quy củ. Hắn đã ăn một bữa ở chỗ mụ. Mụ hãy nhìn xem có biết hắn không. Gỡ tấm khăn. Mụ biết hắn không? Bà mẹ can đảm lắc đầu. Sao, mụ chưa hề biết hắn trước khi hắn mua một bữa ăn của mụ à? Bà mẹ can đảm lắc đầu. [Với hai người lính] Lôi hắn đi, đem quẳng ở bãi xác thú vật. Hắn không có ai quen biết cả. Họ khiêng xác Schweizerkas đi. Chú thích:[1] Flandern: một vùng rộng lớn bao gồm phía bắc nước Pháp, Pas de Calais, tỉnh Flandern của Bỉ và tỉnh Seeland của Hòa Lan. [2] Geviert: khu đất hình vuông. [3] Thật ra là quan hệ nam nữ giữa lính chiếm đóng và đàn bà con gái sở tại. [4] Vua Thụy Điển Gustav Adolf, đứng đầu phe Tin lành. [5] Brecht ám chỉ việc Đức quốc xã tấn công Ba Lan năm 1939, gây ra Thế chiến thứ hai, nhưng lại trút trách nhiệm lên nước láng giềng này. [6] Hoàng đế Áo Ferdinand II thuộc dòng họ Habsburg, đứng đầu phe Thiên Chúa giáo. [7] Courage (tiếng Pháp): can đảm. Chúng tôi giữ nguyên như trong bản tiếng Đức. [8] Chúa ơi (tiếng Ba Lan). [9] Hình vẽ quỉ sứ thường có hai sừng, thậm chí có cả đuôi [10] Một vùng ở Letland ngày nay, đầu thế kỉ 17 thuộc Thụy Điển. [11] Thay vì dịch “Quần của người theo đạo Tin lành bán mặc cũng ấm vậy” chúng tôi giữ nguyên cách nói như nguyên bản để bạn đọc thưởng thức. [12] Luther: chỉ người theo đạo Tin Lành. Nguyên vì Martin Luther (1483 – 1546) là người đã đấu tranh không khoan nhượng và bền bỉ cho công cuộc cải cách tôn giáo ở Đức. Sau khi ông mất, đạo Tin lành được thành lập. [13] Ý nói theo đạo Tin lành. [14] Pontius Pilatus, tổng trấn La Mã ở Judéa (Do Thái xưa) là kẻ đã ra lệnh đóng đinh Chúa Jesus trên thập tự giá. [15] Herodes: vua xứ Galilê, dưới sự bảo hộ của La Mã. Tích Chúa Jesus bị đóng đinh trong bài hát này chép trong Tân ước, Matthäus 27:14 – 54 và Lukas 23:1 - 38. [16] Không phải “giờ” như chúng ta quen. [17] Chúa Jesus bị tố cáo đã xưng là “vua dân Do Thái”, nên Pontius bắt đội vương miện bằng gai, vừa là nhục hình, vừa để nhạo báng. Pontius còn cho đóng trên thập tự giá 4 chữ INRI, viết tắt nghĩa là: “Jesus ở Nazareth, vua dân Do Thái”. [18] Kinh thánh cũng có bản chép là “giấm”. [19] Chéri (tiếng Pháp): cưng. [20] Fähnrich: thời trung cổ, trong các đạo quân luôn có một người lính gan dạ được giao nhiệm vụ vác cờ đi cạnh viên chỉ huy. Song Fähnrich cũng có thể là một “chuẩn úy”. Ở đây tạm dùng nghĩa “vác cờ”.