Những người già gần tám, chín mươi tuổi thường hỏi thăm tin tức người này người kia. “Ồ, ông ta vẫn còn sống kia à, vậy mà lâu lắm không trông thấy!?” Ông ta đáng phải chết lâu rồi! Sao đến giờ vẫn lần khân?” “Chết” rõ ràng là một từ kiêng ky, song với họ, nó dường như không gợi lên chút xúc động nào. Những ông bà già bên quan tài đưa bạn về cõi tây phương vẫn nói cười rôm rả, tuyệt không chút bi thương. Nó giống như bữa tiệc tiễn người đi “tiền trạm”. Thậm chí mấy người già sau khi nhìn người đã khuất lần cuối còn cười: “Tô son, dồi phấn, còn đẹp hơn cả lúc sống!” “chiếc áo thọ của bà ta là đi may cùng với tôi đấy! Đẹp lắm, mặc vào rất “oách”!”. Liệu có thật những người già đó không chút thương cảm cho người đã khuất? Đến tuổi của họ, bạn quy tiên nhiều hơn người ở lại nên họ thấy cái chết cũng thường? Họ thấy mình đã thượng thọ, đã sống đủ rồi nên xử thế ung dung? Hay họ nghĩ, người già lắm bệnh, sống cũng không có gì hay, nên chẳng thà “cưỡi hạc quy tiên”? Mà những đám tang có con cháu đeo khăn đỏ thiếp vàng còn được gọi là “hỉ táng”. Gọi là “hỉ”, có phải thầm cảm ơn trời ban thượng thọ cho người đã khuất? Hay thầm mừng cho con cháu cất được gánh nặng? Dù sao cũng là cái chết, lẽ nào vì người chết cao tuổi mà người sống không đau lòng? Hóa ra như một vị “hiếu nam” đã nói ra lý do: “Nghĩ xem! Cụ nhà hơn chín mươi thì chết, còn tôi cũng đã bảy mươi! Bảy mươi tuổi không biết chầu trời ngày nào, chết cũng chẳng sợ. Lại nói mẹ đi được trước con, con nên mừng mới phải. Nếu tôi đi trước, để bà cụ chín mươi phải chôn cất thì thật đau buồn!” Lại nghe một ông già cười ha ha, nói: “Chết đối với thanh niên mới đáng sợ! Hồi hơn ba mươi tuổi, thấy có bạn chết thì rất sợ, cũng rất buồn. Sau này ông bà cha mẹ, rồi đám bạn bè lần lượt ra đi, lòng cũng tê liệt! Vì thế trời đã có ý cho chúng ta từ cái chết của người thân, bạn bè dần dần nhận thức cái chết, xem nó là bình thường!” Còn nhớ một câu chuyện của phương Tây: Mấy ông già chung tiền mua một chai rượu cực quý, hẹn nhau để người chết cuối cùng sẽ được hưởng. Các ông lần lượt ra đi, bình rượu quý đến tay người cuối cùng. Khi mở chai rượu, ông lão mới nhận ra chai chỉ đựng toàn nước lã, trong hộp còn gắn mảnh giấy: “Xin lỗi vì đã uống trộm rượu! Nhưng ông nên đồng tình với bọn tôi, vì bọn tôi tự thấy không thể thọ hơn ông! Hơn nữa chỉ còn mình ông, uống rượu một mình thì nghĩa gì. Chẳng thà ông hãy xuống đây nhập bọn cùng uống rượu!” Chết, hóa ra lại phóng khoáng như thế, trong đó còn ẩn chứa một nụ cười mỉm. Hồi ức cận kề cái chết “Không! Bởi tôi đã nhận bản án tử hình, không còn cảm thấy có lỗi với họ nữa! Những người tôi cảm thấy thực sự có lỗi là những người đã yêu thương tôi!” Trong cuốn “Life after Life” của nhà tâm lý học Mỹ Raymond Moody kể lại hồi ức của những người từng cận kề cái chết, thậm chí bị coi là đã chết mà sống lại, những hồi ức đó đều có chung mấy đặc điểm: Nghe thấy tiếng ong ù ù đặc biệt Rơi xuyên qua một đường hầm tối đen. Nhìn thấy phía xa một vầng sáng lạ kỳ. Một đặc điểm khiến tôi nhớ nhất là những người cận kề cái chết thấy “những người quan trọng trong đời mình xuất hiện?! Với một số người, sau khi rơi xuyên qua đường hầm, loại hồi ức đó mới bắt đầu xuất hiện; cũng có người dưới ánh sáng thần kỳ đã nhìn lại những sự kiện xảy ra trong đời mình một cách bàng quan. Có rất nhiều người trước nguy hiểm, tự cho là mình tất sẽ chết thì hình ảnh người thân yêu vụt lóe qua trước mắt. Tôi cũng đã tự mình trải qua chuyện như vậy. Hồi bé vô ý bị trượt xuống hố nước sâu, trong lúc giãy giụa, những hình ảnh như thế đã lướt nhanh qua não, đến nay vẫn còn nhớ rõ ràng. Có thể vì thế mà tôi rất đồng ý với nghiên cứu của Raymond Moody, nó cũng khiến tôi càng hứng thú với những người đã trải nghiệm trạng thái cận kề cái chết. Tôi đã hỏi một người lính già từng trải qua trận chiến sinh tử: "Khi đánh giáp lá cà với quân địch, bác nghĩ gì?” “Trong khoảnh khắc một sống một chết thì còn nghĩ gì? Người lính già đáp. Nhưng rồi ông lại nói: “Song không biết sao, khuôn mặt mẹ và vợ con lại bỗng nhiên thoáng hiện lên!” Tôi càng chú ý tới cuộc trả lời phỏng vấn của một tử tù đã lên ghế điện rồi thì nhận được lệnh hoãn thi hành án: “Tôi nhớ đến bạn gái và những người trong gia đình!” “Anh có nhớ tới những nạn nhân bị anh giết chết không, có thể họ đợi anh ở thế giới bên kia để báo thù?” “Không! Bởi tôi đã nhận bản án tử hình, không còn cảm thấy có lỗi với họ nữa! Những người tôi cảm thấy thật sự có lỗi là những người đã thương yêu tôi!’ Tôi nghĩ, đồng tử của người trước lúc chết thường giãn ra nên họ không thấy gì. Có lẽ đó là ý trời, để cho khuôn mặt những người túc trực bên người hấp hối không gây phiền nhiễu đến hồi ức của họ. Tôi cũng nghĩ, những ai bên người hấp hối tự cho mình là người thân nhất, liệu có biết rằng, có khi hình ảnh lướt qua não người hấp hối lại là hình ảnh người khác, thậm chí là người mình không hề quen biết. Rồi tôi còn nghĩ: với người tứ cố vô thân, hoặc kẻ oán ghét thế giới, hình ảnh xuất hiện trước khi chết liệu có phải chỉ một màu trắng? Cũng có lẽ xuất hiện hình bóng ai đó-một người lạ từng cho miếng ăn trong lúc đói, rồi vô tình nắm tay mà tạo niềm xúc động đặc biệt. Còn đứa trẻ vừa sinh ra đã vội lìa bỏ thế giới thì hình ảnh hồi ức sẽ như thế nào? Không có gì cả? Cũng có lẽ là một dòng nước xanh? Là tiếng tim đập của người mẹ? Hay vũ trụ ngọt ngào, êm đềm? Vậy đó, đáng sợ có khi lại là sự thuần khiết, duy mĩ nhất chứ không phải là yêu ghét đan xen!?