Trời sáng mờ mờ, khu núi vẫn còn bao phủ trong vầng mây đen xám, tôi bồng bềnh vô định nơi giữa đám mây mù. Trong lòng tôi chất đầy những cảm giác không biết sao mà nói, bình tĩnh mà còn bối rối, kiên quyết mà lại chần chừ. Lần này bỏ đi có lẽ là tôi vĩnh viễn đi luôn, cảm giác này âm ỷ dâng lên trong lòng, khiến tôi cảm thấy hoang mang và cô độc khôn cùng. Ly khai dễ dàng quá, không cần chào từ biệt, cũng chẳng cần vẫy tay, nhưng rời khỏi nơi mình sinh trưởng, khác nào như bèo bọt lắc lư trong cơn mưa gió tiêu điều lạnh lẽo, khiến người ta mãi mãi không thể quên đi thời khắc ấy. Chim bay mỏi còn biết trở lại, lá khô rụng xuống đất quay về gốc, trong khoảnh khắc ấy, tôi cuối cùng thấu hiểu những kẻ lang bạt chết nơi đất khách quê người; sự sống đã mất, mọi việc rõ rồi, mà vẫn muốn nhờ ai đó đem hài cốt mình quay về quê xa ngàn dặm để kết tình nồng thắm. Tôi không biết tôi có thể sống bao lâu, có lẽ một trăm năm, biết đâu một ngàn năm, may ra một vạn năm. Một vạn năm là rất dài lâu, lâu đến nỗi tôi không còn biết là bao lâu nữa, nhưng ít ra vào giây phút cuối, chỉ là không rõ vào ngày ấy, có chăng ai đó đem nắm xương tàn của tôi mang về nơi chốn mà hôm nay tôi bỏ ra đi. Ánh nắng chọc thủng những từng mây, đem tia sáng rực rỡ ngút ngàn chan hòa khắp thế gian. Tôi đứng trong nắng xuống cảm thấy một sự thông suốt trước giờ chưa từng có, từng sợi nắng kéo theo từng tia nóng ấm xuyên qua tâm hồn tôi, ánh sáng chói chang tươi đẹp dường như soi thấu thân hình tôi, như một cụm sương mù mà nắng soi trong suốt. Vốn là hồn quỷ không thể chịu được ánh nắng trời, may thay hồi đó Bồ tát truyền thụ cho tôi các pháp tu tiên, nên tôi mới có khả năng tiếp nhận ân huệ từ thiên nhiên. Tôi chẳng thể không nghĩ đến Bồ tát, trong tâm tôi Ngài là bậc tôn trưởng hiền từ, tôi tôn kính Ngài, yêu quý Ngài. Song, tôi dường như lại đồng thời nhớ đến nét mặt của Tần phán quan, rõ là mong ước tàn phai, oán hờn tiêu sạch mà như cành cây khô héo; nhớ đến từng mảnh áo nát vụn dơ bẩn như lững lờ bay. Còn thêm vào lúc ấy là gương mặt của Bồ tát lạnh băng như nước, tròng mắt ấy như hố sâu thăm thẳm… Tôi không biết tự bao giờ vì sao đối với Bồ tát, tôi lại có một chút oán trách như vậy; cũng không hiểu sự bất công đối với Tần phán quan, lại làm tôi tức giận nhiều đến thế. Chẳng thể quên nụ cười quen thuộc của Bồ tát, hiền từ như một người cha. Chẳng thể quên ánh mắt vô hồn của Tần phán quan lúc Thiên Lôi sấm sét. Chẳng thể quên khúc ca u oán của phách hồn cô độc nơi cõi U Minh thăm thẳm. Trong óc tôi rối bung lên, dường như có biết bao người đang trong đó tranh cãi, kéo tôi về bên này, lôi tôi về phía kia… tôi thật sự không biết tôi nên ở bên nào, phải đi về đâu. Tôi lơ đãng đứng ở bên đường, ngắm nhìn người qua kẻ lại, ai nấy đều bước đi vội vã, vội vội bước qua, vội vàng đi lại. Tôi ghen tỵ với họ quá, họ biết mình phải đến chỗ nào, mà tôi thì chẳng biết tôi phải đi đâu, cũng chả có ai cho tôi biết, tôi nên đến chỗ nào. Thời giờ nơi thế gian rõ là trôi qua nhanh quá, chẳng mấy chốc, mặt trời đã tàn hết sự rực rỡ của mình. Đến lúc trời tối rồi, người qua lại quanh đấy cũng thưa dần, thỉnh thoảng có một người qua đường vội vã, trên mặt cũng phủ lên thần sắc khao khát quay về nhà. Nhà, tốt quá mà. Người vợ ở nhà có lẽ đã làm xong bữa cơm, chờ đợi người chồng ngoài phố quay về nhà sum họp, đàn trẻ thơ có lẽ đang chờ cha chúng ngoài kia mang về những quà ăn vặt, đồ chơi mà chúng trông mong. Mà những người bước đi vội vã trên đường, có lẽ đều nghĩ đến bữa ăn thịnh soạn trong nhà, người vợ dịu dàng và bầy trẻ ngây thơ. Rồi khi về đến nhà, bầy trẻ thơ ấy lập tức sấn vào lòng, người vợ mỉm cười nồng ấm vô cùng… Nhà, tôi không có cái nhà, cũng chẳng biết nơi đâu mới là nhà của tôi.Bỗng nhiên lúc đó tôi nghĩ đến ngôi nhà mà khi tôi đầu thai lần đầu vào ngàn năm về trước, nơi ấy có cha tôi, mẹ tôi, còn thêm cô ấy… Tôi y như người chìm dưới nước nắm được khúc cây trôi dạt, như người đi đường trong đêm tối nhìn thấy ánh lửa chập chờn, tôi không cách nào đè nén sự kích động trong lòng “Tôi phải về nhà!” Vào lúc màn đêm sau cùng buông xuống, trong khói bếp lờ mờ, giữa ánh đèn lấm chấm; tôi hóa làm một cơn gió, hướng về phương xa bay đi. Nơi xa ấy, là nhà tôi, ngôi nhà mà tôi đã ngàn năm xa cách. Mang máng còn nhớ được vị trí vùng quê nhà, thì ở bên kia núi đấy mà! Tôi hiện lại nguyên hình, cất bước trên đường núi. Đường núi quanh co uốn khúc, bên kia núi có một thị trấn, gọi là làng “Đào Nguyên”, tôi đã từng sống tại nơi ấy. Bước đi trên đường núi, bốn bề cây xanh vây bọc, chim bay ríu rít, hương thơm hoa dại mang đến cho tôi mùi vị trần gian. Được sinh sống trong thế giới như thế này đúng là có số may mắn đây, tôi nghĩ vậy. Tôi lại lần nữa từ trong ký ức trầm lắng mà lôi ra từng chút một những chuyện nơi cõi hồng trần vào năm ấy, xuân hoa thu nguyệt hạ đỗ quyên, tuyết trắng ngần ngần thêm ớn lạnh. Cây hoa đào trước nhà chốn cũ, không biết là lúc tôi quay về lần nữa có nở đầy hoa như trước hay chăng? Dưới cây dương liễu trước bờ ao cổng làng, phải chăng vẫn còn bọn trẻ tinh ranh đùa giỡn? Quán ăn bên đường ấy ngào ngạt mùi thơm có còn náo nhiệt như xưa? Ngôi nhà cũ đã từng trú ở phải chăng vẫn như trước mà cho người tránh mưa che gió? Bè bạn nô đùa thuở ấu thơ có ai đầu thai lại chỗ này không? Nghĩ tới nghĩ lui, bước chân tôi càng lúc càng chậm, gần đến quê thì cảm thấy lo sợ, thời gian xa cách đến ngàn năm, cố hương, phải chăng vẫn là cố hương của tôi? Khoảng cách đến phố thị mỗi lúc một gần, lòng tôi càng lúc càng mất bình tĩnh, tim nhảy loạn lên, mà chẳng hiểu nguyên cớ từ đâu. Trong lòng xôn xao hồi hộp, cuối cùng tôi lần nữa đặt chân lên mảnh đất từng là quê cũ. Ấn tượng về quê cũ như trong ký ức tôi, giờ đã không còn lại chút gì. Tất cả đều mới lạ, đường lộ khác hẳn, cây cối lạ lùng, hơn nữa lúc nào thấy cũng toàn là người lạ. Song, tất cả dường như lại quen thuộc đến thế, phiến đá nơi đường lộ vẫn là mầu sắc trước kia, phong thái yểu điệu của cây cối vẫn y nguyên thời quá khứ, nét mặt ai kia dường như đã từng quen từng gặp, chẳng qua không rõ kẻ đó từ đâu để mà kể ra. Vòng quanh hơn nửa ngày, cuối cùng tìm được ngôi nhà của tôi ngàn năm về trước, tôi đã từng ngụ tại nơi đây, tôi đã từng cùng với cha mẹ và người thân sống tại chỗ này. Nơi để ở đã không còn nữa, nơi đây đã biến thành một khoảnh rừng hoa đào, chỉ có giữa rừng, tượng sư tử đá sứt mẻ ấy lẻ loi đứng đó khiến cho tôi biết, ngay đây, chính là nhà của tôi, ngôi nhà ngàn năm về trước, ngôi nhà đã không còn nữa. Chầm chậm bước giữa rừng đào, âm thầm suy xét mảnh đất dưới chân mình, ngôi nhà xưa kia là ở vị trí nào, căn phòng ở đâu, không ngờ tôi có trí nhớ tốt đến thế, nhớ lại được những việc xa xưa như vậy. Nhè nhẹ ngẩng đầu, xa vọng đào lâm, đôi mắt chỉ còn sương khói mịt mờ, hình như có lẽ, rừng đào biến mất rồi. Một cánh hoa rơi xuống, nơi mặt nước gợn lên từng lớp sóng lăn tăn, những gợn sóng cứ từng vòng một lan ra. Giữa làn sóng nhẹ lấp lánh, gian phòng nhà cửa, sân vườn đều mờ nhòe chẳng còn dấu vết; cha mẹ người thân, bạn chơi thời tóc còn búi chỏm theo làn sóng tan tành. Chỉ có hoa đào như cũ, cánh hoa trong mưa gió rơi bay như mộng như ảo, như khói như mưa, như lệ như kể, tim tôi dường như theo mây khói tung bay, hòa cùng những cánh hoa tàn rơi lả tả, rơi rơi lững lờ… Đêm tối, tôi mang theo một bầu rượu, ngồi bên tượng sư tử, nói chuyện suốt đêm với tượng đá. Tôi kể chuyện tôi cho nó nghe, kể cho nó biết đời trước của tôi, kể với nó về cha mẹ tôi, cho nó biết sự ngu xuẩn của tôi, cho nó biết nỗi đau buồn của tôi, nói với nó về sự bất hạnh của tôi, nói với nó về ao ước của tôi, cho nó biết sự hoang mang của tôi… Cuối cùng tôi đắp ba nắm đất vàng bên tượng sư tử, làm thành những ngôi mộ cho cha mẹ và người thương của tôi, dùng chỗ rượu còn dư, truy điệu linh hồn đã đi xa của họ. Rượu ngấm vào đất, khoảnh khắc cạn khô, tôi hy vọng mượn chút rượu này, có thể rửa đi những thương đau và bất hạnh mà tôi mang đến cho họ ngàn năm về trước, có thể rửa đi lời thở than trong lòng họ về sự bất hiếu của tôi, về sự oán giận vô lý của tôi. Nhưng tôi không biết chút rượu này phải chăng có lực lượng ấy, để an ủi vết thương ngàn năm, để bù đắp ngàn năm hối tiếc. Tôi quyết định dừng lại nơi chốn quê nhà, từ khi rời bỏ Địa phủ, tôi như người mất hồn lang thang đây đó, giờ thì không còn muốn đi đâu xa xôi nữa, tôi ước mong có một mái nhà, nơi đây đã là nhà của tôi vào kiếp trước, cũng nên là nhà của tôi trong đời này. Tôi vốn dự định sống dài lâu nơi rừng hoa đào, nhưng rừng đào sát ở bên thành; nơi Địa phủ tạo cho tôi thói quen lầm lì khiến tôi không cách nào giao tiếp tốt cho lắm với những người hàng xóm; láng giềng đều cảm thấy tôi rất kỳ dị rồi tránh né lánh xa tôi; tôi buồn lắm, tôi muốn sinh hoạt giống như họ, nhưng không biết phải bắt đầu như thế nào. Thế là tôi dứt khoát dời về trong vùng núi ngoài thành, cất cho mình một mái nhà tranh. Ngày lại một ngày, năm lại một năm, thời giờ trôi qua nhanh lắm, và rồi tôi cũng quen dần với nếp sống nơi trần thế; tự mình khai khẩn vài mẩu ruộng cằn khô, trồng hai mảnh vườn rau, nuôi vài con gà con vịt. Đời sống mặc dù nghèo khổ, nhưng so với tháng ngày nơi Địa phủ mịt mờ, tôi cảm thấy rất thỏa mãn. Thỉnh thoảng cũng xuống dưới núi, bán đi ít rau mình trồng, gà vịt mình nuôi, sau đó vào trong quán hàng quen thuộc uống vài chung rượu nhỏ. Dần dần, tôi quên mất mình là quỷ, quên mất mình phải truy tầm Đại đạo, tôi dường như cảm thấy mình là người, là một kẻ phàm phu nhàn nhã thảnh thơi. Rồi một hôm, trong vùng núi vốn dĩ tĩnh mịch chợt có một vị khách không mời mà đến. Hôm ấy, tôi đang cho gà vịt ăn xong, chuẩn bị nghỉ ngơi chốc lát, uống bầu trà. Một đạo sĩ bước đến trước cửa nhà tôi, muốn hóa duyên. Tôi liền mang một ít cơm rau và nước trà đưa cho ông ta. Lúc người này thò tay nhận thức ăn thì sắc mặt lập tức biến đổi, trở nên rất khó coi, đôi mắt bám vào tôi mà nhìn chòng chọc. Sau đó chẳng nói câu nào, liền xoay người bỏ chạy. Tôi cảm thấy lạ lùng quá, lại chẳng ngờ được một tai họa vô duyên vô cớ bay lại… Khoảng trưa ngày hôm sau, tôi vẫn chưa ăn cơm, đã trông thấy vị đạo sĩ đó kéo một đám người chạy đến, đạo sĩ có, hòa thượng có, còn có rất nhiều dân làng. Vừa nhìn thấy tôi, dáng vẻ của họ liền rất căng thẳng; sau đó từ từ vây chung quanh. Những hòa thượng ấy niệm kinh không ngớt, niệm cái gì tôi nghe rõ lắm mà chẳng hiểu được; còn mấy đạo sĩ thì quăng bừa giấy bùa chú khắp nơi, tay cầm lục lạc lắc rung liên tục; tức khắc làm khu vườn của tôi gà bay chó chạy, vườn rau cũng bị họ chà đạp lung tung cả lên. Tôi thật sự nhịn hết được rồi, nhào ra lên tiếng chất vấn, mấy người rốt cuộc đang làm gì! Ai ngờ đạo sĩ ấy cầm một chậu chứa gì đó hơi đen đen hướng về tôi hất lại, một mùi tanh hôi xông lên mũi, thì ra là máu! Tôi giận điên lên, xông tới phía trước, vung tay đánh ra một đấm, đạo sĩ đó bị đánh văng ra xa có đến mấy trượng, miệng đổ máu tươi, ngã sấp trên mặt đất mà rên rỉ. Tôi sững sờ một lúc, bây giờ mới nhớ lại, lực lượng ngàn năm tu luyện của tôi, người phàm không thể nào chịu đựng nổi. May mắn là tôi không dùng sức nhiều cho lắm, bằng không đạo sĩ ấy đã chết chắc rồi. Lúc này, những người khác oai oái kêu rối rít, một đạo sĩ cất tiếng chưởi rủa: “Hay cho ngươi đồ ác quỷ! Rõ là không sợ máu chó đen!” Trong lòng tôi nổi nóng, bèn đáp lại: “Ngươi nói tầm xàm bá láp gì thế! Ta mới không là ác quỷ! Ta là… ta là…” Tôi liền khựng lại không nói được, tôi là quỷ, tôi là quỷ mà! Đạo sĩ đó lại hô hào: “Ngươi đồ quỷ dữ, không chịu sống yên nơi Địa ngục lại chạy đến trần gian làm hại người! Không tha cho ngươi được!!” Tôi nỗi giận rồi, tôi mà đã hại người!! Tôi lớn tiếng hét lên: “Tôi không làm hại ai cả!!” Đạo sĩ hét lớn: “Ác quỷ mà không hại người, chạy đến nhân gian làm gì!! Còn dám ngụy biện!!” Trong lòng tôi tức giận hết sức, tôi chỉ muốn sinh sống tại làng thôn của mình, muốn có một gian nhà, điều này chẳng lẽ là sai trái sao? Kẻ nào quy định không cho phép quỷ đến trần gian! Là ai!! Tôi không làm hại ai cả, tôi trước giờ chưa hề làm hại người nào. Tôi chỉ muốn sinh sống tại chỗ này mà thôi!!! Trong lòng tôi càng lúc càng kích động, tiếng chưởi bới của đạo sĩ đó càng khiến tôi không cách nào kiềm chế được mình, nào tiếng tụng kinh, tiếng lục lạc, giấy bùa chú bay loạn khắp nơi, rồi đồng nát sắt vụn ném lên người tôi càng làm tôi thêm bực bội. Tất cả khiến cho luồng lực lượng tiềm tàng trong người tôi đột nhiên phát tác, tôi ngẩng lên trời mà cười man dại, luồng âm khí ấy từ trong thân tôi thấm ra ngoài, nhanh chóng biến thành một khối mây mù xanh xanh rồi hóa làm cơn lốc mãnh liệt; gió bay cát chạy, nhà tranh sụp đổ, tất cả rau cỏ trong vườn bị thổi bay tơi tả, đến cây cối cũng bị bứng cả gốc lên… vài hòa thượng, đạo sĩ bị gió thổi bay đi, những người còn lại kinh hoàng khiếp đảm, bò lăn bò càng vội vàng tháo chạy xuống núi… Hôm sau, tôi xuống phố dự định mua ít vật liệu để tu sửa gian nhà. Ai dè vừa tiến vào thành, nhìn thấy tôi thì ai nấy đều sắc mặt tái xanh, kinh hoàng bỏ chạy. Người người hoảng hốt lo sợ, ngay cả quân lính nơi sở quan không biết đã trốn mất nơi nào. Tôi quả là không hiểu chuyện gì xảy ra, cho đến lúc tôi đến quán mì của lão Vương quen biết định bụng ăn uống chút gì đó, tôi mới hiểu đã xảy ra chuyện gì. Lão Vương nhìn thấy tôi bước vào, sợ đến cả người run lên, nói lia lịa: Đừng tới đây, đừng tới đây… Tôi bối rối nhìn ông ta, lão Vương thấp thỏm dè dặt hỏi tôi: “Anh thật ra là quỷ?” Trong đầu tôi tức khắc nổ ầm lên một tiếng, tôi hiểu rồi, hiểu hết mọi chuyện rồi; con người, họ không thể nào tiếp nhận quỷ, cũng không thể nào chịu đựng nổi cảnh cùng nhau chia xẻ nhân gian của họ với quỷ. Tôi không biết trong lòng tôi là thứ cảm giác gì, là đau buồn, là giận dữ, là đành chịu?! Tôi ngỡ ngàng xoay người bước ra khỏi cửa tiệm của lão Vương, nhìn thấy trên đường không một bóng người, khắp nơi bừa bãi hỗn độn. Tôi muốn gào, muốn hét lên, muốn khóc… Tại một quán rượu hoang vắng tiêu điều, tôi cầm lên một bầu rượu, ném xuống vài đồng tiền, bước ra khỏi thành mà đầu cũng chẳng buồn quay lại.Nơi rừng hoa đào, tôi uống một hơi nửa bầu rượu, đem nửa bầu còn lại tưới lên mặt đất. Vốn là muốn trong năm nay khi hoa đào nở thì cất ngôi mộ thật sự cho họ, nhưng xây lên còn có lợi ích gì, dù sao tôi cũng đâu còn cách nào để sống tại đây nữa. Vốn là cho rằng chỗ ấy quê hương mình, nhưng nơi này lại không phải, ngàn năm trước thì đúng, nhưng bây giờ thì không! Biển xanh hóa nương dâu, Trời Đất hẳn vô tình, ai ngờ đâu người đời cũng vô tình như vậy. Đã từng là bạn bè quen thuộc, lại cho rằng ta không là đồng loại mà dễ dàng từ bỏ ta; đã từng là người đi đường kề vai vội vã, giờ cũng muốn tránh xa ta, giống như ta là nước lũ, là thuốc độc. Lần này thì tôi không còn nước mắt, nhưng trong tim tôi co thắt đau đến thế, đau đến nỗi tôi chẳng cách nào hít thở… “Bùm bụp”, Bầu rượu rỗng không vỡ vụn trên mặt đất, chỉ như sân nhà đổ nát, cơn mộng tan tành của tôi.