Hồi IV
GÃ BỤI ĐỜI TRỞ THÀNH TÂN CÔNG TỬ
BÀ GIÁM ĐỐC CƯỚI THÊM VỢ CHO CHỒNG

 Lại nói khi đưa Mã Tóc Xoăn đến cổng nhà bà giám đốc Hoa Mai định trao trả cho bà nuôi dậy, nhưng vì hai quản giáo Number one và Number two thiếu cảnh giác đã để nó chạy mất. Họ  liền hốt hoảng nhảy vội lên xe, nổ máy hết tốc lực đuổi theo. Mã Tóc Xoăn là tên lưu manh anh chị có hạng, thấy xe công an phóng tốc độ cao đuổi sát, nó liền rẽ vào một ngõ nhỏ xe không vào được để tìm đường tẩu thoát. Hai anh Number one và Number two liền bỏ xe, chạy bộ đuổi theo, vừa chạy vừa huýt còi và hô “đứng lại, đứng lại!”. Đồng thời rút súng bắn chỉ thiên liền mấy phát làm náo loạn cả khu phố. Người đi đường và dân phố thấy vậy cùng hùa vào  đuổi bắt kẻ gian giúp họ. Chạy đến đoạn ngõ cụt, không còn đường chạy tiếp, nó liền nhảy phứa qua tường rào, vọt vào vườn một gia đình, không ngờ rơi trúng hố vôi  làm cu cậu sụt đến bụng, không thể vùng lên mà chạy tiếp được nữa, liền bị đám thanh niên cầm gậy gộc xông vào vụt cho lia lịa. May mà hai người quản giáo vào kịp ngăn lại được, chứ không hôm ấy cu cậu no đòn, thậm chí có thể đi chầu ông vải.
Khi được lôi lên, đầu tóc, mặt mũi nó be bét máu mê, vôi trát kín từ bụng đến chân trắng như tượng thạch cao. Mọi người xúm vào khênh quẳng lên xe ba bánh của quản giáo như quẳng con lợn. Khi một tay nó đã được khoá vào thành xe, hai chiến sĩ quản giáo cảm ơn mọi người, rồi nhằm thẳng ngôi biệt thự của bà giám đốc VINAMAPROTEXCO rồ máy.
Khi giao người, ký biên bản bàn giao xong, nhận phong bì cảm ơn rồi, hai anh quản giáo định ra về thì bà Mai lại bảo:
- Cảm phiền hai chú nán lại giúp tôi trông cho cháu nó tắm rửa và thay quần áo  đã.
Nhưng chỉ có Number one “vui vẻ nhận lời”, còn Number two phải đem xe về đơn vị để báo cáo kết quả “ trao trả” trại viên.
Từ hôm đó một bản “hợp đồng bảo vệ” (Thực chất là hợp đồng coi tù tại gia) đã được Bà chủ nhà ký với “Công ty Thám tử tư kiêm bảo vệ Không Cho Chúng Nó Thoát”, theo đó phía Không cho Chúng Nó Thoát  được gọi tắt là Bên được thuê cung cấp cho bà  Lê Thị Hoa Mai, được gọi tắt là Bên thuê 6 thám tử thượng thặng, có võ nghệ siêu cường, kinh nghiệm canh giữ dầy dặn. Hàng ngày chia ba ca, mỗi ca hai người, túc trực canh giữ 24/24 trong nhà Bên Thuê, với đơn giá tiền lương cơ bản (Chưa kể cơm ăn ba bữa và một khoản tiền thưởng hậu hĩnh, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ) là 5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Mai còn ký một hợp đồng khác với Công ty dịch vụ OSICO (Công ty
cung ứng Ô sin) thuê hẳn hai nữ ô sin đã qua lớp đào tạo phục vụ gia đình và nữ công gia chánh tuổi từ 20 đến 30, về ở hẳn trong nhà bà (Điều mà trước đây bà rất ghét có người lạ ở trong nhà) để một người chuyên lau, quét, dọn, giặt giũ; còn một người chuyên chợ búa, cơm nước. Từ đây cái tên “Mã Tóc Xoăn” được bà ra lệnh cho 8 nhân viên hợp đồng không ai được dùng để gọi hay sử dụng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời gian nào, trường hợp nào nữa. Một đại từ chỉ người đơn âm tiết được bà ban phát cho họ để dùng giao tiếp với đối tượng mà họ phải canh giữ, phục vụ, hầu hạ là “cậu”. Bà thì tự cho phép mình dùng riêng một đại từ chỉ người đơn âm tiết khác cũng êm ái, thân thiện không kém là “cháu”. Còn bà  thì xưng “cô” với đối tượng.
Về chế độ đãi ngộ đối với “cậu” thì theo chỉ đạo từ xa tận Hà Nội truyền vào với tinh thần nội dung được định hướng như sau:
1). Về ở: Bố trí cho cậu một phòng riêng trên lầu 3, rộng 35 m2, tiện nghi khép kín. Có nghĩa là ngoài giường lò so, đệm mút, ga, gối, mùng, mền ra, còn đồng bộ cả điều hoà nhiệt độ, bình nước nóng lạnh,  nhà tắm kiêm nhà xí trong có đầy đủ cả “la bà bô”, “toe toè loét”, bồn tắm má-sa, vòi phun, hương sen, xà bông thơm, sữa tắm v.v… Còn khăn tắm, díp và bàn trải đánh răng thì chị phục vục phải thay hàng ngày theo định suất như buồng VIP tại hô-ten 3 sao. Tất nhiên là TV, đầu đĩa loại xịn nhất đã có sẵn từ khi cậu chưa đến. Còn sách báo, chẳng cần vì cậu không thích hoặc là chưa biết đọc.
2) Về mặc: Thì ngoài bộ pajama, cái quần đùi, áo mayo mua tạm của chị hàng rong ngoài đầu ngõ hôm mới nhập gia cho cậu thay tạm bộ đồ “sơn vôi”, bà chủ đã cho mời thợ may tới tận nhà đo người để may cho cậu 5 áo sơ mi, 5 quần tây, 3 bộ com-lê, còn quần áo lót và cà vạt thì tự bà ra tận siêu thị sắm cho cậu.
3) Chế độ ăn uống: Bữa tối và chủ nhật, ngày lễ cậu dùng bữa chung với bà chủ do chị ô sin phục vụ, còn những ngày thường bà chủ không ăn sáng và dùng bữa trưa tại bếp tập thể cơ quan không về nhà. Ô sin phải phục vụ cậu chu đáo theo thực đơn của khách sạn 3 sao, luôn thay đổi món cho cậu đỡ thấy chán. Ngoài ra thì kẹo bánh, đường sữa, trà, cà phê, hoa quả tươi lúc nào cũng phải đầy đủ trong phòng, để khi nào buồn mồm thì cậu có sẵn dùng ngay. Ấy là chưa kể các loại thuốc bổ, sâm nhung, quế phụ… toàn đồ sịn, chữ tây tầu (Chắc toàn của “lòng thành” cấp dưới đối với cấp trên) từ Hà Nội gửi vào còn để cả đống ở cái tủ búp-phê trong phòng cậu.
4) Chương trình tẩm bổ, bồi dưỡng kiến thức cấp tốc: Một hợp đồng dạy học tại nhà đã được bà chủ ký với bà hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Đồng Ấu gần đấy, theo đó ngày ngày nhà trường phải cử ba giáo viên thay phiên nhau làm ba ca, mỗi ca bốn tiết đến dậy cho cậu kiến thức bốn môn cơ bản gồm tập đọc, tập viết, chính tả, làm toán. Chương trình bồi dưỡng cấp tốc được tiến hành thường xuyên liên tục, không ngơi nghỉ cả chủ nhật và ngày lễ.  
Vì bà chủ phải đi làm ở cơ quan suốt ngày nên mọi công việc trông nom, phục vụ, dậy dỗ cho cậu  đều do 8 nhân viên hợp đồng và 3 thầy cô tự giác tiến hành. Được cái may mắn là từ hôm chuyển về nhà, trừ cái lúc đầu tiên do chưa hiểu nên cậu định chạy trốn, nhảy xuống hố vôi, bị trận no đòn ra, thì cậu cũng biết điều mà hiền khô, không quậy phá gì cả, lại rất chăm chỉ học hành, tiến bộ từng ngày. Có lẽ nhờ những lúc ngồi ăn cơm tối cùng bà chủ, cậu đã được bà thủ thỉ nói chuyện tình cảm, giảng giải điều hơn lẽ thiệt, lý do tại sao cậu được bà đón từ trại giam về đây sống cuộc sống có kẻ hầu người hạ như thế này, tuy chưa thấy cậu nói ra nhưng hành động của cậu có vẻ rất phục thiện, làm cho bà chủ cũng vui mừng, đỡ lo ngại.
Nhà bà chủ hiếm khi có khách lại chơi, vì bà đã nói với cán bộ công nhân viên cơ quan là có việc gì cần trao đổi hãy gặp bà trong giờ hành chính tại cơ quan, tuyệt đối không đến nhà riêng, nếu đến bà sẽ không tiếp. Hãy để cho bà được nghỉ ngơi. Nhưng gần đây tuần nào cũng thấy ông khách đầu bạc đi cái xe ô tô đen biển số 30 đến thăm bà, còn ở lại ăn cơm. Bà bảo cậu:
- Đây là bác Phần, ở Hà Nội, anh họ cô và cũng có họ rất gần với nhà cháu. Nhờ có bác giúp đỡ nên cháu mới được về đây.
Nó có hỏi bác có họ thế nào với nó và gia đình bố mẹ nó là ai? Ở đâu? Thì bác Phần chỉ bảo họ là những người rất gần gũi với bác, nhưng bây giờ đang đi xa. Bác và cô Mai có trách nhiệm trông nom nuôi dưỡng nó. Hãy chịu khó học hành, tu dưỡng thành người tốt, rồi bác sẽ xin việc cho làm ngoài Hà Nội, sẽ được gặp bố mẹ.
Nghe vậy, nó rất cảm kích và sung sướng. Nó không thể ngờ một đứa trẻ lang thang, tù tội như nó, bỗng dưng lại có bố mẹ, người thân và cuộc sống đầy đủ sung sướng như ngày nay. Thật đúng là chuyện cổ tích, có ông tiên giúp đỡ như câu chuyện cô giáo vừa kể cho nó nghe tuần qua.
Mới sống được ở nhà cô Mai khoảng non một tháng, mà trông cu cậu đã “trơn lông, đỏ da” thay đổi hẳn so với ngày mới đến. Nước da đỡ đen sạm, cái mặt đã bầu bĩnh thêm, đỡ vẻ gân guốc chai sạn. Thân hình khẳng khiu cũng đã thấy có thịt có da. Có dễ nó đã tăng được đến dăm cân…
Một hôm nó nói với bà chủ:
- Cô ơi, ở đây với cô, cháu thấy sung sướng  quá rồi, cháu sẽ chẳng bỏ đi nữa. Cô không cần thuê người canh giữ cháu đâu.
Cô Mai bảo nó:
- Cô rất vui là cháu cũng là một đứa biết suy nghĩ. Như bác Phần đã nói với cháu là cứ chịu khó học tập, tu dưỡng thì cháu sẽ có tất cả. Còn nếu cháu muốn trở về với cuộc sống cũ thì cô cũng không giữ, vì cô không muốn níu kéo một đứa hư hỏng, không biết suy nghĩ.
Nó cứ nói đi nói lại là biết rồi và  hứa sẽ không bao giờ bỏ trốn nữa.
Hợp đồng dịch vụ bảo vệ với công ty Không Cho Chúng Nó Thoát đã ký thời gian sáu tháng, nhưng chỉ thực hiện được đúng ba mươi ngày đã được thanh lý, với một khoản tiền phạt 15% mà Người Thuê phải chịu  như điều khoản cuối cùng qui định, vì Người Thuê đã đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Từ tháng thứ hai, trong nhà bà Mai chỉ còn nó và hai cô ô sin. Còn giáo viên thì vẫn giữ nguyên, nhưng họ chỉ đến dậy học cho cậu theo giờ học, chứ không ăn, ở đấy. Một thời gian sau, nó lại nói với bà Mai là không cần ngưòi phục vụ nữa, những việc trong nhà cứ để cho nó làm tất. Bà Mai rất phấn khởi và cũng thấy hợp với ý bà là rất ngại có người lạ sống trong nhà. Nhưng bà cũng rất cảnh giác nghĩ là nhỡ không còn ai giám sát mà nó bỏ đi đem theo một số đồ đạc của bà thì làm thế nào? Nên bà bảo nó:
- Cháu muốn thế cũng được, tuy nhiên việc chính của cháu bây giờ là học, khi nào rảnh rỗi, muốn làm những việc như lau nhà, quét sân cũng được. Nhưng nhà mình vẫn phải cần một người giúp việc chợ búa, cơm nước mới được, vì cô đi làm cả ngày mà cháu lại chưa biết nấu cơm.
Bà lại cho nghỉ bớt một cô ô sin. Từ đó nó rất chăm chỉ quét nhà, lau bàn ghế, cửa giả, dọn cơm… giúp chị ô sin. Bà Mai vô cùng phấn khởi, bà không ngờ nó lại chuyển biến tốt nhanh như vậy. Bà vui không chỉ vì thấy nó tiến bộ và đã nhẹ bớt mối lo lắng cho bà, mà còn là vì đã làm vừa lòng ông Tổng giám đốc Triệu Huy Phần, “đứa con” mà ông đặt bao huy vọng đang tiến bộ từng ngày nhờ công chăn sóc, dậy dỗ của bà. Bà định bụng khi nào đến “thăm con” ông lại nói cảm ơn, bà sẽ nói nửa đùa nửa thật với ông rằng “em không có thích nghe cảm ơn suông đâu đấy nhé!”, để xem ông ấy trả lời như thế nào? Chắc chắn là ông ta phải bố trí cho bà một ghế xứng đáng ngoài Tổng công ty rồi. Nếu được làm Phó Tổng giám đốc thì tốt, còn không chỉ cần ông cho mình cái chân cố vấn, trợ lý gì cũng được. Miễn là được ra Hà Nội, làm việc nhàn hạ một chút. Thật đúng với tính cách của bà “không giống ai cái gì”. Cứ như cái chức giám đốc công ty vật tư miền hiện nay, thì là cả một niềm mơ ước của bao người mà chẳng với tới được, nhưng với bà thì chẳng có nghĩa lý gì. Vì quyền lực với bà thì như thế là đủ lắm rồi, bà chẳng cần cao hơn nữa, vả lại có cao hơn thì để làm gì? Bà thừa tiền tiêu, bà chẳng cần tiền bạc hay thứ vật chất gì khác. Chính vì thế mà bà cấm tiệt ngoài giờ làm việc không nhân viên nào được đến gặp bà ở nhà riêng cả, có việc gì cần giải quyết gấp thì gọi điện cho bà. Thực ra thì của cải biết thế nào cho đủ, nhưng đối với bà, một người đã từng sống khổ sống sở thiếu thốn vật chất, bà rất thông cảm với những người lao động, những cán bộ công nhân viên của bà. Bà không muốn họ vì cần nhờ vả bà giúp đỡ họ một việc gì đó mà phải trả ơn bà bằng những món quà cáp, những cái phong bao vượt khả năng hoàn cảnh gia đình họ, hoặc giả chí ít cũng chai rượu, hộp mứt, vài cân hoa quả tươi…những cái đó họ có cho, thì bà cũng để mốc ra, rồi lại phải mất công đổ đi, chứ một mình bà dùng sao cho hết, mà chẳng nhẽ lại đem bán thì còn ra sao nữa? Bà cứ nghĩ đến câu thành ngữ “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra” là bà lại kiên quyết không bao giờ đồng ý để nhân viên phải “làm cái trò ma” ấy cả. Cái bà cần thì họ chẳng thể cho bà được, đó là tình yêu, hạnh phúc gia đình. Nhiều lúc tủi thân, bà nằm khóc một mình. Nhưng rồi bà lại tự tìm nguồn an ủi cho mình rằng đường chồng tuy có lận đận, nhưng mấy ai đã được hai đứa con ngoan ngoãn và giỏi giang như hai đứa con của bà. Bà dồn hết tình thương yêu cho chúng, cố gắng không để chúng phải thiếu thốn, buồn khổ về bất cứ điều gì. Việc chồng bà phản bội bà, bà tức đến bầm gan tím ruột, muốn đâm cho hắn một nhát cho hắn chết ngay. Nhưng nghĩ lại dù sao ông ấy vẫn là cha ruột của hai đứa con bà, bà không muốn sự trả thù cho hả giận của bà, để rồi hai đứa con của bà chúng nó phải buồn tủi, ảnh hưởng đến học hành, mà thậm chí chúng còn mang thù hận với chính bà. Việc bà tha thứ cho chồng, rồi còn tỏ ra vui vẻ cưới vợ cho lão ấy, cho lão ấy nhà ở… bà làm những điều ấy tất cả đều vì hai đứa con yêu quí của bà. Ngày đầu khi hai đứa ra nước ngoài học tập, bà nhớ chúng nó đến phát điên lên được, cho đến bây giờ niềm thương, nỗi nhớ ấy nó chỉ dần vơi đi thôi. Mỗi lúc cứ nghĩ đến khi chúng nó có vợ có chồng, có gia đình riêng, chúng nó sẽ quên bà, bỏ bà sống còm cõi cuộc đời già lão đơn độc một mình thì bà lại như điên lên, không thể nào chịu nổi. Nhưng qui luật muôn thủa của con người đều diễn ra như vậy, làm sao chống lại được. Chỉ có nước mắt chảy xuôi, chứ khi nào chảy ngược? Thương con thì ai chẳng thương, nhưng cũng tự phải biết thương lấy mình trước đã. Chúng nó có hiếu kính mà thương yêu mình, cũng không thể bằng tình yêu chúng dành cho gia đình, vợ con hay chồng con chúng được. Ca dao đã có câu “Mẹ cha bú mớm, nâng niu, tội trời con chịu không yêu bằng chồng” còn gì!
phấn khởi đến trào nước mắt. Cho nên hôm ông thấy đã khoẻ rồi thì đòi “cho tôi về nhà tôi”, thì bà lại bảo “Thôi hãy cứ ở tạm đây cho nó khoẻ hẳn lên đã. Vả lại nhà nào chẳng là nhà của các con ông, chẳng có nhà nào là “nhà tôi” của ông cả”. Rồi bà nói như ra lệnh:
- Tôi sắp phải đi công tác, cứ ở tạm đây trông nhà cho tôi!
Ông không dám “đòi về” nữa. Những ngày ấy đã có lúc bà nghĩ “hay là vì con mà quay lại sống với nhau” và ông ấy bây giờ cũng thật đáng thương. Nhưng mà là thứ thương hại chứ tuyệt nhiên không phải thương yêu. Mặc dù gần đây bà rất ham muốn tình dục, nhưng không hiểu sao bên cạnh ông chồng cũ này bà cứ dửng dưng, thậm chí còn có cảm giác ghê tởm khi nghĩ đến chuyện đã phản bội bà….
Mấy hôm sau bà đi thật, nhưng không phải là đi công tác mà là nghỉ phép về quê, mà lại là quê chồng, chứ quê bà bị chiến tranh tàn phá, chết cả, còn ai nữa mà về. Hôm đó lại đúng ngày giỗ họ, nên xe bà vừa đỗ ở đầu ngõ thì mọi người đã xúm đông xúm đỏ lại, ai cũng thấy ngạc nhiên, vì từ khi vợ chồng bà li dị nhau, đến nay đã hơn mười năm mới thấy bà về quê chồng. Bà dâng lễ, thắp hương, lạy sụp trước bàn thờ tổ. Rồi biếu quà và ôm lấy bà mẹ chồng đã ngoài chín mươi tuổi, khóc và xin lỗi cụ vì sự tan vỡ của gia đình mình. Bà kể cho bà mẹ chồng và cả họ nghe tình cảnh hiện tại của ông chồng cũ. Nghe xong ông trưởng họ bảo:
- Thôi thế cũng là cái duyên trời bắt tan rồi lại bắt hợp. Cô chú quay lại đoàn tụ với nhau như thế là cái phúc lớn cho họ ta rồi.
Bà giẫy nảy lên ngay:
- Thưa mẹ, thưa các ông, bà, cô, chú và toàn thể bà con trong họ. Chẳng qua là thấy ông ấy ốm đau một mình, thì tôi không nỡ bỏ mặc phải đưa về chăm sóc thuốc thang thôi. Chứ ở với tôi bây giờ là “ăn ở với nhau ngoài giá thú, bất hợp pháp” đấy ạ! Tôi nhờ bà con trong họ kiếm cho ông ấy người vợ khác.
Nghe vậy cả họ cười ồ lên, ngỡ bà pha trò cho vui. Nhưng bà nói tiếp:
- Mục đích hôm nay tôi về đây là muốn để thưa chuyện với mẹ và bà con trong họ cho phép ông ấy về đây để chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già và cũng đỡ cảnh sống cơm niêu nước lọ một mình ngoài phố và bàn chuyện lấy vợ cho ông ấy.
Lúc đầu cả bà mẹ chồng và họ hàng đều không thuận, ai cũng khuyên bà nên “tái hồi Kim Trọng” là hay nhất. Nhưng trước thái độ kiên quyết của bà, cả họ đành phải xuôi theo. Cuối cùng bà nói:
- Dù gì đi nữa, thì ông ấy cũng vẫn là cha đẻ của hai đứa con tôi, mẹ đây vẫn là bà nội của chúng nó. Cho nên ba mẹ con tôi sẽ phải có trách nhiệm với mẹ tôi và ông ấy nữa. Tôi sẽ đảm trách toàn bộ chi phí cho đám cưới. Đồng thời nghiêm túc mà hứa với mẹ tôi và cả họ là hàng tháng tôi và hai cháu sẽ chu cấp đầy đủ cho cuộc sống của mẹ tôi và vợ chồng ông ấy.
Nghe bà nói vậy, cả họ chỉ còn biết cảm ơn chứ  còn biết nói với bà thế nào được nữa? Và chỉ ngay mấy ngày sau đó, bà đã đưa ông về quê. Một đám cưới giữa “ông tiến sĩ giấy” trạc ngoại ngũ tuần và cô gái quê 22 tuổi đã linh đình diễn ra.
Thật đúng là:
Trong tay sẵn có đồng tiền
Muốn đời đổi trắng, thay đen khó gì.
 
Chưa biết bà giám đốc cưới vợ lần nữa cho chồng, nhằm mục đích gì. Xin xem tiếp hồi sau sẽ rõ.