Vưđ-ma nhìn qua cửa sổ. Trước mặt anh là một tòa nhà dài, thấp, xây bằng gạch trắng, mái lợp tôn. Mái nhà áp sát bên dãy cửa sổ dài. Dọc tường có treo mấy chiếc thang chữa cháy sơn đỏ đã bạc phếch vì muội khói và mưa gió. Dưới chân tường là một dãy thùng phuy đựng nước và hòm gỗ đựng cát cứu hỏa. Vưđ-ma mở cửa sổ, chăm chú xem xét cái bục cửa, được ốp sắt tây bên ngoài. Anh ngắm một vết đế giày, mà ở phần mũi nét hằn rõ mồn một, nhưng ở sau gót lại rất mờ. Sau một hồi tìm hiểu vết giày, Vưđ-ma ngước nhìn lên mấy chiếc thang chữa cháy, rồi con đường rải xỉ than dầm kỹ, ngăn cách dãy nhà kho với tòa nhà của phòng hành chánh – quản trị. - Chúng tôi đã gom được một ít xỉ thang trên bục cửa, để đem đi phân tích, - viên thiếu úy báo cáo, - Nhìn bằng mắt thường thôi cũng biết được ngay là nó được tha từ dưới con đường kia lên. - Cái thang đã được treo vào chỗ cũ, như thế tức là bọn chúng chẳng vội vã gì… - Nếu chúng cứ vứt bừa ra đấy, thì có thể sẽ lộ ngay và lập tức bị truy nã. Cả cái nắm đấm trên cửa sổ cũng được lau chùi cẩn thận để khỏi để lại dấu vết. - Thế sao chúng lại quên quét mấy cục xỉ than ở đây đi? Cả chốt cửa nữa, cũng không cài lại? - Nếu cài then lại thì biết ra bằng đường nào? - Cậu quên mất cái phòng khách rồi hả? Đường nảy để ngỏ, còn có ai canh gác nữa đâu. - Quả tình, bọn này có hơi khinh suất trong chuyện xóa dấu vết. Xem ra chẳng phải cái gì cũng được trù tính đến nơi đến chốn cả đâu. - Hay là đã được tính liệu quá chi li, đến mức đủ thì giờ tạo dấu vết giả? Này, cậu nhớ xét hỏi đội gác đêm cho thật cẩn thận đấy! Thế nào họ cũng sẽ cho biết được ít nhiều, nếu mấy tướng ấy không tìm mỗi vị một xó để ngả lưng. Vưđ-ma nhảy cả ra bên ngoài, xem xét mấy cái thang cứu hỏa. - Xem này, - anh bảo Ghéc-xơn, - không hiểu sao chẳgn thấy một hạt xỉ nào trên thang cả. Hay là bọn chúng đã không dùng đến thang. - Anh em bên phòng kỹ thuật có đo những vết chân để lại trên lớp sắt tây ốp bục cửa sổ rồi đó. Kích thước khớp nhau hoàn toàn. Còn xỉ than thì chắc đã rơi rụng hết, sau khi khô đi. - Cũng có thể thế thật. Thôi, ta đi nhỉ… Chia tay với viên thiếu úy, Vưđ-ma đi thẳng đến bệnh xá. Gher-man vẫn còn nằm trên giường bệnh, người phủ một tấm chăn len mỏng. Mặt mũi gầy gò, gò má nhô cao, chằng chịt nếp nhăn. Cái mũi nhỏ nhọn hoắt làm cho bộ mặt ông ta có vẻ như rầu rĩ. Cặp mắt lờ đờ, vô cảm uể oải nhìn thiếu tá. Trên trán lấm tấm mấy giọt mồ hôi. Mái tóc bạc lưa thưa, bết lại thành từng mảng, dính sát vào sọ. - Ồ, anh đã hồi tỉnh được ít nhiều rồi cơ à? – Vưđ-ma vừa nói vừa bước lại gần. – Anh bị ngộ độc nặng đấy, nên tôi sẽ không làm phiền anh lâu đâu. Anh kể đi, vắn tắt thôi, đầu đuôi thế nào? - Tôi cũng không biết nữa… - Khó khăn lắm Gher-man mới nói ra được. – Tôi ngồi gác sau tấm kính chắn dày, trong căn buồng con, mà ban ngày dùng làm phòng chỉ dẫn. Lúc quá nửa đêm, tôi đứng dậy và quyết định tạt lại đằng phòng làm việc của viên thủ quỹ, cho giãn gân cốt tí chút… Tôi định bụng ghé vào đó một lát, xem người gác đêm có ngủ gật không… Đến nơi, thấy anh ta vẫn ngồi canh. Chúng tôi trao đổi với nhau dăm ba câu, rồi quay ngay về chỗ cũ. Nhưng khi vừa bước chân đến chỗ tấm kính chắn, định bước vào bên trong, theo cái lối vào ở kế bên hai cánh cửa, mở ra cái hành lang nhỏ - mà sáng nay người ta tìm thấy tôi trong đó – thì thình lình có ai từ phía sau xông đến, giữ chịt lấy cổ, rồi đổ một thứ nước gì đó vào ngay giữa mặt. Tôi muốn kêu to lên báo động cho anh em gác đêm, nhưng bỗng thấy xây xẩm mặt mày và ngất đi. Sáng ra, người ta tìm thấy tôi nằm dưới sàn nhà, tay chân bị trói chặt như một con cừu chờ chọc tiết; từ lúc tỉnh đến giờ, người vẫn cứ nôn nao, buồn mửa quá, xin ông cảnh sát trưởng thứ lỗi cho… - Thế đèn trong phòng khách vẫn để sáng chứ? - Chỉ có ngọn đèn bàn trong phòng chỉ dẫn, sau tấm kính chắn, là còn sáng thôi. - May mà anh bị ngất đi đấy. Bạn anh đã bị bọn chúng hạ sát, chắc anh có nghe nói? - Tôi có được nghe ạ. Chắc chắn là cậu ấy đã nhìn thấy mặt một đứa nào đó trong bọn, nên chúng mới quyết định khử cậu ta… - Nghĩa là, theo ý anh thì anh ấy có thể nhận mặt được bọn ăn trộm chứ gì? - Ồ, không, nhưng đích thị là bọn chúng sợ những ai nhìn thấy mặt chúng. Vì sau này, nhỡ vỡ lở, sẽ bị nhận diện, lôi thôi ra… Nói chuyện với Gher-man xong, Vưđ-ma liền trở lại phòng khách, xem xét tỉ mỉ căn phòng và cái hành lang dẫn ra cổng sau, tại đó có căn buồng xép, để dụng cụ làm vệ sinh của chị lao công. Rồi anh bước qua cánh cổng đó, đi dọc theo con đường nối liền với cổng chính, tiến lại chỗ chiếc xe con của anh đang cạnh đó. Trước mắt đang còn bao nhiêu việc phải làm.