Phần IV

Gã đầu gấu xuýt xoa:
 - Tiếc quá, dẫy buồng bên này không được xem ông chú biểu diễn võ thuật. Thằng cháu đúng là có mắt như mù. Thấy ông chú gầy gò, cứ muốn bảo vệ ông chú. Từ nay, xin ông chú bảo vệ thằng cháu nhé.
 Cô người yêu gã giễu cợt:
 - Cái mã anh mà đòi bảo vệ ông chú. Ông chú ơi, ông chú trông gầy, mà khỏe quá nhỉ.
 Lão đứng lên cùm nói:
 - Chú không khỏe đâu. Người ta gọi võ Nhật là nhu đạo, nghĩa là lấy mềm thắng cứng, lấy yếu thắng mạnh. Chú chỉ mượn sức của chính chúng nó, mà quật chúng nó thôi. Càng to mạnh, thì càng ngã đau. Phụ nữ giỏi judo cũng quật ngã được vài ba thanh niên.
 Bà Sài-Gòn đùa:
 - Vậy ra ngoài, anh Hai phải dạy judo cho em đấy.
 Mụ mới vào khoe, để lấy le:
 - Nhà tôi là thượng tá làm việc bên Sở. Hồi trẻ, ông ấy dạy võ cho công an. Không biết võ, thì làm sao đối phó được với bọn phản động, bọn trộm cướp, lưu manh.
 Cả xà lim im lặng.
Gã đầu gấu lên tiếng:
 - Cháu là tên trộm cướp, nên vào tù. Còn bà cô can tội gì mà cũng vào đây? Buôn lậu, ăn cắp của công, hay mại dâm?
 Cô diễn viên kịch nói, cười khúc khích.
Người yêu gã can:
 - Anh đừng ăn nói lung tung nữa.
 Gã sửng cồ:
 - Anh mà ăn nói lung tung? Em muốn cắt đứt thì cắt đứt! Anh là thằng có sao nói vậy. Anh là thằng trộm cướp thì nói là trộm cướp. Đã vào tù rồi, còn nói giọng cách mạng, đéo ngửi được. Tất cả nghe đây. Xà lim đang vui, sống như một nhà. Bất kể thằng nào, con nào, dù già, dù trẻ, dù mới, dù cũ, mà lén lút cáo cò, làm mất vui, tao sẽ rạch nát mặt. Hãy nhìn mặt thằng thượng úy bộ đội ở buồng 1 mà làm gương. Nó là thằng thứ năm tao cho ăn dao cạo đó. Đứa nào muốn xếp hàng thứ sáu thì cứ bẩm báo. Tao nói là làm. Không dọa ai đâu.
 Phó Nhòm khen:
 - Chú mày nói chí phải. Tao đảng viên từ năm 53, ở ngoài cũng là trưởng phòng tổ chức. Nhưng tao ăn cắp của công, tao nói thẳng, nói thật. Chẳng sợ ai ở đây cười chê tao cả.
 Gã trưởng phòng công ty hóa chất phụ họa:
 - Tao cũng thế. Tham ô, thụt két, nên vào đây. Trong sạch đã không tù.
 Tiếng Ngưu-Ma-Vương quát:
 - Im mồm hết! Xà lim không phải cái chợ.
 Mải tranh luận, Phó Nhòm lại quên nhòm, nên hắn vào mà không ai biết. Xà lim lần lượt ra lấy cơm.
 Buổi tối gã đầu gấu oang oang:
 - Ngày kia là mùng 2 tháng 9 rồi. Không biết có tị “mều chun” (thịt lợn) nào không? Trên trại, quốc khánh bao giờ cũng có “mều ngạnh” (thịt trâu).
 Gã giặc lái chửi:
 - Bàn đến quốc khánh làm cái con c... gì. Giỏi lắm là ba miếng thịt bằng ba đầu ngón tay. Dính răng đã hết mẹ nó rồi. Đ... mẹ cái chế độ đểu.
- Giặc lái hôm nay có đau không?
 - Gót chân nện như thế mà lại không đau. May có ông chú cứu cho. Không thì gẫy xương sườn với chúng.
 - Giặc lái hiền quá đấy. Những tay tử hình khác, các quản giáo đều kiềng. Cho ăn kẹo cũng không dám hỗng như thế. Thằng em đây mà bị án chết, thì Ngưu-Ma-Vương “buồn” (nguy) ngay. Nói thực với giặc lái. Hãy chấp nhận số phận đi. Đừng hy vọng hão được ân xá nữa.
 - Tớ không hy vọng nữa, nên sáng nay tớ mới đòi thuốc lá bằng được. Tiếc rằng tớ chưa xoay được vũ khí nên mới đến nông nỗi ấy. Tớ đã xác định chết rồi. Thằng Ngưu-Ma-Vương này sẽ bỏ mẹ với tớ. Chỉ cần một cái đinh mười phân là đủ.
 - Xác định thế là đúng. Ông Trường-Chinh có ân xá cho ai bao giờ đâu. Thôi ca nhạc đi. Tối nay, chúng ta hát giải sầu cho giặc lái, cho cô em mới vào đang khóc xụt xịt. Em diễn viên kịch nói đâu, khai mạc chương trình đi.
 - Em đang bận, để em hát sau.
 - Bận gì?
 - Việc của phụ nữ, đừng hỏi vớ vẩn.
 - Tên thượng úy hãy mở đầu đi.
 Lão đứng lên nói:
 - Nó đương ăn. Tí nữa sẽ hát.
 Giặc lái tình nguyện:
 - Tớ xin mở đầu. Tớ hát dở lắm. Giọng như vịt đực. Tớ kể một truyện tiếu lâm cho xà lim nghe. Truyện này, tớ đã nghe nhiều người kể. Ở đây, chắc có người nghe rồi.
 Phó Nhòm động viên:
 - Nghe rồi thì nghe lại. Truyện tiếu lâm mà hay, thì nghe mãi cũng không chán. Vẫn phải cười như thường. Đề nghị trật tự.
 - Được, xin kể. Các bạn đều biết chủ tịch Tôn-Đức-Thắng là một nhà cách mạng lão thành. Tính tình thật thà. Sinh hoạt bình dân. Nói năng bỗ bã. Ở chủ tịch phủ, mùa hè, bác thường đi đất. Các đồng chí bộ trưởng hỏi sao bác không đi dép. Bác cười hì hì: “Tui đi thế, cho mát cẳng”. Một lần, bác nói chuyện với các phụ lão, bác đeo kính, cầm tờ giấy thư ký đánh máy sẵn, long trọng đọc: “Các cháu thiếu nhi thân mến”. Cả hội trường ngơ ngác. Bác chửi: “Đù mẹ, tui nhầm. Đây là bài nói chuyện với các cháu”. Các phụ lão cười vui vẻ, thông cảm với tuổi già lẫn cẫn. Bác đã chín mươi rồi, còn gì. Như mọi người, bác Tôn rồi cũng ngỏm. Lúc bác hấp hối, tổng bí thư Lê-Duẩn, các ủy viên bộ chính trị, hỏa tốc tới phủ chủ tịch. Bác đã hôn mê. Bộ chính trị ngồi ở phòng ngoài bàn bạc. Dặn thư ký riêng của bác phải túc trực. Nếu bác tỉnh lại, có giăng giối điều gì, thì ghi chép cẩn thận. Đồng chí Trường-Chinh phát biểu ý kiến:
 - Bác Tôn là bậc cao niên nhất trong Đảng. Khi cuộc cách mạng tháng mười bùng nổ, bác là người đầu tiên treo lá cờ đỏ trên Biển Đen, chào mừng cuộc cách mạng long trời lở đất, khai sáng kỷ nguyên mới trong lịch sử thế giới. Để tưởng thưởng thành tích vẻ vang đó, Đảng và nhà nước Liên-Xô đã lấy tên bác đặt cho một đường phố ở thủ đô Mạc-Tư-Khoa, trái tim của giai cấp vô sản, nơi toàn thể loài người tiến bộ hướng về, tin tưởng. Đảng và nhân dân ta rất tự hào. Tôi đề nghị bộ chính trị quyết định ướp thi thể bác, và xây lăng tưởng niệm. Để con cháu muôn đời tới chiêm ngưỡng. Thủ đô đã có lăng Hồ-Chủ-Tịch, chúng ta nên cho xây lăng bác Tôn tại thành phố Hồ-Chí-Minh, các đồng chí nghĩ sao?
Toàn thể bộ chính trị nhất trí.
Phòng trong, bác Tôn hé mắt tỉnh lại, phều phào:
 - Họp bàn cái gì ở phòng ngoài vậy?
 Anh thư ký vội trình bày:
 - Thưa bác, Bộ Chính Trị đương bàn ướp thi hài bác, như bác Hồ. Bác nghĩ sao?
 Bác Tôn thều thào:
 - Ướp cái con c... ấy!
 Rồi thở hắt ra, qua đời.
 Anh thư ký vội chạy ra báo tin bác đã mất. Lê-Duẩn hỏi:
 - Bác có giăng giối điều gì không?
 - Thưa đồng chí Tổng Bí Thư, tôi có hỏi về việc ướp thi thể bác. Bác dặn là ướp cái con c... bác, rồi mất, không nói gì thêm.
 Các ủy viên Bộ Chính Trị bối rối. Không hiểu sao bác lại dặn ướp “cái ấy”. Trường-Chinh là người uyên bác nhất, giải thích:
 - Bác dặn vậy là có ngụ ý sâu sắc. “Cái ấy” tượng trưng cho sức sinh sản của nòi giống, được nhiều dân tộc trên thế giới đúc tượng, thờ phụng. Ý nguyện cuối cùng của bác là thiêng liêng. Chúng ta phải theo đúng. Khó là ở điểm chẳng lẽ xây cả một cái lăng lớn như lăng bác Hồ, mà chỉ đặt có một “cái ấy” bên trong. Lại còn quân đội canh gác, bảo vệ.
 Thủ tướng Phạm-văn-Đồng phát biểu:
 - Chúng ta có thể cho chế tạo một cái hộp bằng pha lê có hình cờ búa liềm và cờ đỏ sao vàng, rồi đặt “cái ấy” của bác vào. Tôi sẽ chỉ thị cho mấy nhà sử học viết bài giải thích ý nghĩa lớn lao của việc ướp và trưng bày “cái ấy”.
 Bộ trưởng công an Phạm-Hùng tán thành:
 - Ý kiến của đồng chí thủ tướng rất hay. Những phần tử xấu xuyên tạc, tôi sẽ cho tập trung cải tạo hết.
 Tổng bí thư Lê-Duẩn đúc kết:
 - Như vậy là chúng ta đã giải quyết xong khâu chính. Vấn đề còn lại là đặt “cái đó” ở địa điểm nào trong thành phố Hồ-Chí-Minh?
 Phạm-văn-Đồng đề nghị:
 - Đồng chí bộ trưởng Bộ Nội Thương thường báo cáo với tôi là cửa hàng Bách Hóa Tổng Hợp thành phố Hồ-Chí-Minh rất khang trang, đồ sộ, mà nhân dân vào mua hay kêu ca là chẳng có con c... gì. Nay để thỏa mãn nhu cầu của quần chúng, chúng ta trưng bày “cái ấy” ở cửa hàng này. Nhân dân sẽ hài lòng, không kêu ca gì được nữa. Các đồng chí có nhất trí không?
 Toàn thể bộ chính trị vỗ tay ào ào tán thưởng.
 Cả xà lim cười sặc sụa. Cười dàn dụa cả nước mắt. Mụ mới vào cũng ngặt nghẽo cười. Tiếp tới chương trình ca nhạc. Cô diễn viên kịch nói, Phó Nhòm, hát mỗi người dăm bài. Đến lượt gã thượng úy bộ đội song ca với cô da đen bài “Tiếng Chày Trên Sóc Bom-Bo”, rồi tới bài “Nổi Lửa Lên Em”.
Đương sôi nổi hào hứng, thì giặc lái đề nghị im hết. Hình như ngoài đường có tiếng gọi. Một phút sau, có tiếng con gái gào từ đường Hàng-Bông Thợ-Nhuộm vọng vào: “Bố ơi, sáng sớm mai, con gặp bố”. Tiếng gào vọng vào ba lần, xa xôi, nhưng rõ mồn một.
Gã giặc lái khóc nấc lên:
 - Con gái tôi, nó gọi báo tin đấy. Chắc sớm mai tôi bị đem bắn.
 Cả xà lim im lặng.
Lão nói với gã thượng úy bộ đội:
 - Các vụ hành quyết điển hình đều có dán cáo thị, nên gia đình nó mới biết. Khổ thân nó đêm nay. Báo trước cho nó làm gì!
Đêm đó, xà lim như để tang. Không ai nói với ai một lời. Cũng chẳng ai biết an ủi gã như thế nào. Gã cũng chẳng nói gì với ai. Khuya lắm, thỉnh thoảng lão vẫn nghe tiếng gã nức nở. Lão định đứng lên nói vài lời với gã. Nhưng cảm thấy vô ích, lại thôi. Gần sáng, gã khóc to hơn.
Lão đứng lên cùm nói, giọng guồn rầu:
 - Vĩnh biệt anh bạn. Anh bạn đi trước. Chúng tôi đi sau. Kẻ trước, người sau, ai rồi cũng qua cửa tử cả. Đừng sầu muộn nữa.
 Mọi buồng lần lượt nói lời từ biệt với gã. Thì ra, cả xà lim, không ai ngủ.
 Gã nghẹn ngào:
 - Vĩnh biệt anh chị em. Tôi bất hạnh quá. Vợ ơi! Con ơi!
 Rồi lịm đi.
 Một buổi sáng, trong giờ vệ sinh, tên quản giáo thường trực đưa một nhà sư mặc áo vàng, đi chân đất vào bàn giao cho Ngưu-Ma-Vương. Nhà sư gầy nhom không có đồ đạc gì, ngoài cái khăn mặt cũ.
Ngưu-Ma-Vương nạt nộ:
 - Ngồi xuống góc kia!
 Nhà sư đứng yên, giọng miền Nam, bình thản:
 - Ông ngồi trên ghế, ông bảo tôi ngồi xuống đất, tôi không ngồi.
 - Can tội gì? Phản động đội lốt nhà sư, phải không? Cho tù mọt xương.
 - A di đà Phật, tôi không đội lốt ai. Tôi tu hành từ nhỏ. Lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu. Ở tù hay ở đâu, cũng vậy thôi. Ông thất lễ lắm, tôi không nói chuyện với ông.
 - Được, vào buồng. Thử xem ngoan cố tới đâu.
 Hắn mở cửa buồng giặc lái cho nhà sư vào, rồi khóa lại.
 Mụ vợ thượng tá công an thì thầm với cô gái cùng buồng:
 - Bọn phản động, đứa nào cũng cứng cổ cả, không nghiêm trị, chúng không biết sợ đâu!
 Đến buồng gã đầu gấu ra vệ sinh. Thừa lúc Ngưu-Ma-Vương đương nói chuyện với tên quản giáo thường trực, gã mở cửa gió buồng giặc lái, nhìn vào. Gã kinh hoàng, không tin ở mắt mình. Nhà sư ngồi xếp chân bằng tròn, lơ lửng trên không, cách mặt sàn chừng nửa thước, hai tay chắp trước ngực, mắt lim dim. Nhà sư từ từ hạ thân xuống sàn, nhìn gã, nở một nụ cười từ bi: 
 - Con đóng cửa lại. Đừng nói với ai nhớ.
 Gã như một cái máy làm theo lời vị cao tăng.
 Bữa cơm chiều, Ngưu-Ma-Vương mở buồng ra cho tù lấy cơm.
Nhà sư ngồi bất động trên sàn, nói:
 - Tôi chỉ ăn mỗi ngày một lần. Ông có thể cho người khác.
 Rồi nhắm mắt lại.
 Ngưu-Ma-Vương mở cửa buồng gã đầu gấu:
 - Bê suất cơm này vào. Nó muốn chết đói. Cho nó chết.
 Buổi tối, gã đầu gấu mở cửa gió buồng gã ra, hỏi vọng sang:
 - Thưa thiền sư, con không hiểu tại sao một người đạo hạnh như ngài cũng bị bắt vào đây. Ngài can tội gì?
 - Bần tăng là kẻ tu hành, chỉ làm việc thiện. Bần tăng được thần linh lệnh sang Tây-Tạng. Bần tăng rời An-Giang lên đường. Tới Hà-Nội, thì họ đưa vào đây. Cũng là một cái duyên với các bạn. Sáng mai, bần tăng sẽ rời khỏi đây. Không sức mạnh nào giữ lại được. Có phải buồng này vừa có người bị hành quyết không?
 Cả xà lim bàng hoàng. Lão ngó ra cửa kính cẩn:
 - Thưa thiền sư, đúng vậy. Thiền sư quả là một bậc cao tăng siêu phàm.
 - Người này chưa cam lòng chết. Trưa nay, oan hồn hiện về, kêu khóc với ta là chỉ vì hai tám tấn thóc mà bị chết. Ta đã giảng giải và cầu nguyện cho linh hồn đó siêu thoát rồi. Đừng hỏi gì ta nữa. Để ta thiền định. Ta có lời chào tất cả. Sáng mai, ta rời khỏi nơi này.
 Tối đó, xà lim không ca hát. Những người ở cùng buồng chỉ xầm xì bàn tán với nhau. Họ không hiểu tại sao nhà sư mới vào, chưa ai nói gì về chuyện gã giặc lái, mà lại biết tường tận như vậy. Đúng là oan hồn gã đã hiện về kể lể hết mọi chuyện.
Gã thượng úy bộ đội nghi ngờ:
 - Ngày mai mà vẫn nằm đây, thì bẽ mặt. Con chinh chiến bao năm, chưa thấy hồn ma bao giờ cả. Chết là hết.
 Lão mắng:
 - Mày biết gì, mà bàn tới những điều huyền bí đó. Để tao luyện thở.
 Sáng hôm sau, xà lim làm vệ sinh đã gần xong, mà nhà sư vẫn ngồi trong buồng lâm râm niệm Phật. Mọi người bắt đầu hoài nghi. Mụ vợ thượng tá công an nói với cô gái, giọng dè bỉu:
 - Lão thầy chùa phản động này chỉ được cái lừa bịp. Hôm qua, ông quản giáo đã bảo nó tù mục xương!
 Mụ vừa nói dứt, thì tên quản giáo thường trực vào, đưa cho Ngưu-Ma-Vương một tờ giấy. Hắn đọc qua, rồi mở cửa buồng thiền sư:
 - Đảng khoan hồng, tạm tha cho anh. Liệu cái thần hồn.
 Ra tới bàn Ngưu-Ma-Vương, nhà sư nhìn vào mặt gã, nói:
 - Gia đình sắp có tai họa. Phải tu nhân tích đức đi.
 Rồi ung dung theo tên quản giáo thường trực, rời khỏi xà lim.
 Buổi trưa, xà lim bàn luận sôi nổi. Buổi tối vẫn tiếp tục. Gã đầu gấu kể lại việc gã nhìn thấy nhà sư ngồi xếp bằng tròn trên không khí. Hầu như chẳng ai tin.
Gã bực quá, thề độc:
 - Thằng này mà phịa chuyện thì sẽ bị bắn như giặc lái!
 Gã trưởng phòng công ty hóa chất cười:
 - Điều mày nói, phản mọi nguyên tắc vật lý. Không thể xảy ra được. Bất cứ vật gì nặng hơn không khí đều không lơ lửng được.
 Phó Nhòm nói:
 - Kể cũng khó tin thật. Nhưng sao nhà sư này lại biết rõ giặc lái chết vì hai tám tấn thóc? Điều này chứng tỏ là con người có linh hồn. Lại biết trước, chắc như đinh đóng cột, là sáng nay sẽ được thả. Nhìn rõ cả tương lai. Cứ đem khoa học ra mà giải thích, thì giải thích ra sao?
 Lão nói với gã đầu gấu:
 - Riêng tao, thì tao tin lời mày. Trên trại Cổng-Trời, mùa đông rét như thế, mà vị sư già nằm cạnh tao, chỉ mặc có độc bộ quần áo vải mong manh, chỉ ăn có một bữa, vẫn sống bình thường, tươi tắn trong nhiều năm. Chính vị sư già đó đã dạy tao phép dưỡng sinh và quyền thuật. Tiếc rằng tao chỉ học được đôi phần, thì chuyển trại. Thế giới có những điều huyền nhiệm, không lấy bộ óc bình thường của con người để lý giải được. Nói chung, con người hiện đại hiểu biết đôi chút khoa học là con người hoài nghi. Riêng chuyện nhà sư ở đây, hiển nhiên như vậy, chúng ta buộc phải tin. Nhưng nếu chúng ta nói với người khác, không dễ gì họ tin cả. Tôi nghe thấy nhà sư bảo Ngưu-Ma-Vương là gia đình hắn sắp có tai họa. Chúng ta hãy chờ xem điều tiên đoán này có xảy ra không.
 Trong xà lim, tuy mỗi người đều mang trong lòng một nỗi lo âu phấp phỏng, một sự chờ đợi khắc khoải, nhưng nhờ đối xử với nhau tình cảm, an ủi, động viên lẫn nhau, nên ngày tháng cũng đỡ phần nặng nề. Những buổi ca hát, dù lập đi, lập lại vẫn giải sầu phần nào, mang lại ít nhiều sinh khí cho cuộc sống ngưng đọng, héo hắt. Mụ vợ thượng tá công an, dẫu ghét cay, ghét đắng gã đầu gấu, vẫn phải tươi cười với gã. Mụ rất ít trò chuyện, và không cho quà ai. Riêng một lần, mụ định cho gã ít đường, ít bánh. Gã từ chối thẳng thừng. Thỉnh thoảng gã lại đe rạch mặt, rạch mép bọn sớ bẩm, nên mụ cũng sợ, không dám nho nhoe. Nhờ vậy, xà lim vẫn lái xe cho quà nhau, vẫn hút thuốc lào, mà Ngưu-Ma-Vương không hề biết gì.
 Một sáng trong giờ vệ sinh, gã thượng úy bộ đội không tắm, ra sân trước. Khi lão trong nhà vệ sinh ra, gã đương ngồi thụp dưới chân Ngưu-Ma-Vương, nói nhỏ chuyện gì. Lão không nghe rõ. Khi hai người vào buồng, Ngưu-Ma-Vương không khóa cửa lại như thường lệ, mà vào lục soát buồng. Hắn chui cả đầu xuống gầm sàn nhìn ngó, sờ mó. Cuối cùng hắn moi được ở khe cùm ra miếng nhôm lão mượn của Phó Nhòm tối qua để cắt móng chân. Hắn giơ miếng nhôm dài bằng ngón tay lên, nói:
 - Mang kim khí vào xà lim là phạm nội quy. Anh lấy ở đâu miếng nhôm này?
 Lão điềm đạm:
 - Tôi không biết. Không phải của tôi. Có thể ai đó giấu nó vào khe cùm từ trước. Tôi có rà soát buồng bao giờ đâu.
 Hắn không nói gì, khóa cửa, đi ra.
 Gã thượng úy bộ đội vội vã nói:
 - Không phải con báo cáo đâu. Con lúc nẫy nằn nì, kể khổ với hắn, xin hắn cho con viết thư về cho bà cô con. Nhưng hắn nói là chưa khóa cung, chưa được phép viết thư.
 Lão lắc đầu:
 - Không cần thanh minh. Tao biết là không phải mày. 
 Gã mừng rỡ:
 - Con tình ngay, lý gian. Con vừa ngồi nói với hắn, thì hắn vào lục soát. Ai chả nghi ngờ. Sao bố biết không phải con?
 Lão giải thích:
 - Mày biết tao giấu miếng nhôm ở khe cùm. Nếu mày báo cáo, nó sẽ moi ngay ở khe cùm ra. Việc gì nó phải lục lọi tứ tung, chui đầu cả vào gầm sàn. Ở các xà lim, thỉnh thoảng vẫn có những chuyện kiểm tra đột ngột như vậy. Hơn nữa, từ lâu rồi, mày có cáo cầy gì đâu.
 Thông thường, khám thấy kim khí trong người, hoặc trong buồng là hết cãi, là cùm. Nhưng Ngưu-Ma-Vương bị lão nắm được tẩy hay ăn hối lộ của mấy bà, lại thấy lão được cả thiếu tướng cục trưởng trên Bộ cho trà, thuốc, đường, sữa, nên hắn nể ngại, lờ đi. Gã đầu gấu xác quyết là gã thượng úy bộ đội xì xọt, đe rạch họng. Lão phải giải thích, bảo đảm là không ai cáo cò, gã mới nguôi giận, cho qua.
 Liền mấy hôm cuối tuần, Ngưu-Ma-Vương mặt mày ũ rũ, phờ phạc, mất hẳn vẻ càu cạu, gườm gườm hàng ngày. Thấy cửa gió các buồng mở, hắn cũng chẳng buồn khép lại. Cả ngày, hắn hút thuốc lào liên tục, không nói năng gì.
Phó Nhòm khoái chí, phỏng đoán:
 - Chắc nhà sư nói đúng. Hắn phải có chuyện gì, mới thay đổi hẳn thái độ như vậy.
 Cô diễn viên kịch nói, đùa:
 - Có thể vợ cho mọc sừng. Con gái thì chửa hoang.
 Gã đầu gấu hứa:
 - Đây sẽ bảo bọn đàn em nhà bếp điều tra xem sao. Yên chí, chỉ vài hôm là sáng tỏ vấn đề.
 Ngày chủ nhật, Găng-đi coi thay. Lão pha trà mời, rồi nói bâng quơ:
 - Ông quản giáo phụ trách xà lim này, không hiểu sao mấy hôm nay có vẻ ưu phiền dữ lắm.
 Găng-đi thở dài:
 - Ông ta có một quý tử độc nhất. Nó vừa can tội cướp của, giết người, bị bắt. Lớp trẻ bây giờ hư đốn quá. Tôi không hiểu sao, ngay cả con cái các ông to, nhiều đứa cũng trộm cướp. Bọn chúng có thiếu thốn gì đâu cho cam.
 Lão mỉa mai:
 - Các vị ấy quá chuyên tâm vào việc giáo dục nhân dân, nên không có thời giờ giáo dục con cái mình. Lo việc nước, quên việc nhà. Tinh thần hy sinh cách mạng thực cao cả.
 Găng-đi cười khẩy:
 - Tinh thần cách mạng. Làm thơ thì hô hào con cái người khác “Xẻ dọc Trường-Sơn đi đánh Mỹ”. Con cái mình thì gửi đi du học ở Nga, ở Đức. Lại còn “Người cách mạng khổ trước dân, sướng sau dân” nữa.
 Lão cười:
 - Khổng-Tử ngày xưa nói “Lo trước cái lo của dân. Vui sau cái vui của dân” là nói về mặt tinh thần. Còn tạm nghe được. Ông Trường-Chinh dùng chữ “Sướng, khổ”, mang ý vật chất, thành ra nó khôi hài.
 Găng-đi ngán ngẩm:
 - Người trung thực khó sống lắm. Tôi không biết luồn cúi, nịnh bợ, nên ở trong nghành mấy chục năm rồi, mà vẫn trung úy. Bù lại, được cái không bị tù họ nguyền rủa.
 - Tù ai cũng quý trọng cán bộ. Cái danh thơm đó là vô giá. Cán bộ nghĩ, liệu ông quản giáo phụ trách xà lim này có xin ân giảm được cho con không? Ông ta có lập trường cách mạng triệt để lắm mà.
 - Cái thứ cán bộ nhãi nhép như chúng tôi mà đòi xin xỏ. Con các ông to, thì khỏi phải nói. Tội tầy đình, mà bắt, lại phải thả ngay.
 Lão bê ca nước lên:
 - Thôi cán bộ cho buồng khác ra. Tôi làm mất thì giờ cán bộ quá.
 Lão vào buồng. Gã thượng úy bộ đội tò mò:
 - Bố nói chuyện gì với Găng-đi đó?
 - Tao dò hỏi xem Ngưu-Ma-Vương ra sao. Con trai hắn cướp của, giết người, đã nằm Hỏa-Lò rồi.
 Gã nhảy lên:
 - Đáng kiếp lắm! Đáng kiếp lắm!
 Tin vui đó được bí mật lan truyền các buồng. Ai cũng hể hả. Bà Sài-Gòn nghé vào buồng lão, đưa cho lão một khăn mùi xoa xanh lơ, thì thầm:
 - Em tặng anh Hai vật này làm kỷ niệm. Em mất mấy hôm mới thêu xong đấy.
 Lão cầm lấy:
 - Cảm ơn cô em. Đồ đạc tôi toàn là thứ giẻ rách, hôi hám, không có gì để tặng lại cô em gái. Thực đáng trách.
 - Em đưa cho anh Hai giấy bút. Anh Hai viết tặng em mấy chữ thôi.
 Bà ta về buồng. 
Một phút sau, đưa cho lão một tờ giấy trắng và một bút bi đỏ. Lão giở mùi xoa ra xem. Ở giữa mùi xoa được thêu một cây Myosotis, lá xanh, hoa hồng, với chữ “Forget-me-not” bên dưới. Đêm đó, lão nằm nghĩ ngợi. Lòng bùi ngùi xúc động. Một kẻ tàn tạ, xương da, không bóng một ngày mai, trước mặt là ngục tù thăm thẳm, sao cũng có người thương được? Tiếp cận với quá nhiều tiêu vong dạy lão coi khinh sự chết và coi trọng sự sống. Thể xác lão héo hắt trong lao ngục tối tăm, chật hẹp. Nhưng bộ óc lão sáng suốt, nhạy bén hơn. Trái tim lão rộng mở, chín chắn hơn. Đau khổ giúp lão gần gũi con người, hiểu giá trị của cuộc đời, nên biết trân quý nó đúng mức. Mấy  chữ “Forget-me-not”, tên một loài cây thường mọc ở nơi hoang dã, cũng có nghĩa là “Đừng quên em”. Một sự tỏ tình rõ rệt. Một lời nhắn nhủ gắn bó. Đừng quên em! Lão làm sao quên được! Trong hoang mạc tù ngục mênh mông của đời lão, ba tiếng “Đừng quên em” ngân reo như một giòng suối ngọt ngào, tươi mát, róc rách. Hiển hiện một ốc đảo xanh rờn, hư hư, thực thực. Tình cảm, sự chăm sóc đầy trìu mến của em, mà quên được ư? Lâu lắm rồi, tiếng “em” mới vang lên trong tim lão. Không giống những tiếng “em” bình thường khác. Tiếng “em” này thân thương tới nghẹn ngào, nâng niu tới ngây ngất... Như một luồng điện, lương tâm lão đột nhiên lóe sáng. “Người ta đã có chồng rồi. Không được phép nghĩ bậy! Mình đã thấm thía nỗi đau của kẻ mất vợ. Bây giờ, mình lại có ý định chiếm đoạt vợ người khác, phá hoại gia đình người khác? Thực xấu hổ. Không ổn tí nào”. 
Lão ngồi dậy, cuộn thuốc lào hút. Hơi thuốc làm lão tỉnh táo, trở lại thực tại. Lão bình tĩnh suy nghĩ. Hãy coi em như em gái? Không được! Giả dối! Làm sao chuyển được tình yêu sang tình anh em? Cứ giữ nguyên tình cảm với nhau như thế này. Không tiến xa hơn? Lão cười thầm. Lẩm cẩm! Tù tội, làm sao tiến xa hơn được? Tốt nhất là coi như một kỷ niệm đẹp trong đời. Thế thôi. Thấy giải quyết như vậy là thỏa đáng, lão hút điếu thuốc lào thứ hai.
 Đêm xà lim im phăng phắc. Gã thượng úy bộ đội ngủ, thở đều đều. Lão lấy tờ giấy và bút bi ra. Bao tình cảm chan chứa trong lòng, mà lão không biết viết gì. Nghĩ ra câu văn nào, lão cũng thấy tầm thường, sáo cũ, không xứng với tình cảm thực của lão. Lão chặc lưỡi: “Mình là nhà binh, có viết văn bao giờ đâu. Cứ chọn bài thơ tình nào đó viết tặng em là được”. Lão lục trong trí nhớ nhiều bài thơ tình của các thi sĩ lãng mạn lão đọc thời trẻ. Nhưng tất cả đều không hợp với cảnh của lão. Lão hút điếu thuốc nữa, ngửa mặt, nhả khói lên trần. Mấy câu thơ của một nhà thơ tù, bạn lão, chợt tới trong đầu lão. Đúng tình, đúng cảnh của lão! Mừng rỡ, lão cầm bút nắn nót viết. Chữ lão đẹp, dắn dỏi. Mầu mực đỏ trên nền giấy trắng tinh cho lão cảm giác như đang viết bằng máu của trái tim lão. Viết xong, lão đọc lại:
Tặng em mấy vần thơ, kỷ niệm những ngày nhớ mãi ở xà lim 1, Hỏa-Lò.
 Cuộc đời anh, chẳng có gì đáng kể.
 Con người anh, tù tội, hom hem.
 Anh chỉ có trái tim đầm ướt lệ.
 Với lòng thành, anh đem tặng cho em.
 Lão chợt thấy thông cảm hơn với gã cán bộ quản lý thị trường, với vợ lão. Gã thương yêu giúp đỡ vợ lão như thế, quý con lão như thế. Hai mẹ con lại ở cảnh đường cùng, chết đói dở. Lão thì tù không án, biền biệt, chẳng biết ngày nào về. Làm sao hai người không kết hợp với nhau được?  
Cả đêm, lão hầu như không ngủ. Buổi sáng, Ngưu-Ma-Vương mở buồng lão ra vệ sinh trước tiên. Trông hắn gầy xọp hẳn. Mắt đỏ ngầu. Điếu cầy rít liên tục. Khi lão ra sân phơi quần áo, hắn bảo lão ở ngoài, đuổi gã thượng úy bộ đội vào buồng trước. Hắn mời lão hút điếu cầy, mời uống trà. Rồi hỏi:
 - Anh tù lâu. Anh thấy trên trại sinh hoạt thế nào?
 - Trên trại, ăn uống cũng như đây. Chỉ được cái chỗ nằm rộng rãi hơn. Nhưng lại phải lao động vất vả. Tù hình sự tuy toàn thanh niên, mà lại chết nhiều hơn tù chính trị.
 - Sao lại thế?
 - Chúng đói, không chịu được. Ăn bẩn, ăn bậy. Đa phần chết vì bịnh đường ruột. Chúng còn thường xuyên đâm chém nhau chết. Những đứa có tiếp tế, bỏ ra ít bánh, ít kẹo cho vay. Đói quá, cứ vay bừa ăn. Không kịp trả. Lãi mẹ đẻ lãi con. Có đứa nợ tới ba nghìn suất cơm. Nợ tới ba, bốn chủ nợ. Suất ăn hàng ngày bị bọn chủ nợ thu. Không có gì ăn. Chỉ vài tuần là chết.
 - Ban giám thị cứ để mặc vậy?
 - Có can thiệp đôi ba vụ. Nhưng nạn cho vay lãi lan tràn. Không can thiệp xuể. Nên bỏ mặc. Số án tử hình cả nước, mỗi năm chỉ khoảng sáu, bảy chục vụ. Số chết trên các trại, ít ra phải nhiều gấp trăm.
 Ngưu-Ma-Vương thở dài:
 - Tôi hỏi anh cho biết thôi. Anh vào đi.
 Thấy ngày hôm sau, và liền mấy hôm Găng-đi coi thay, lão hỏi:
 - Sao mấy bữa nay, cán bộ liên tục coi xà lim vậy?
 - Ông quản giáo phụ trách xà lim ốm. Tôi được tạm cử coi thay. 
Được tin này, xà lim thở phào nhẹ nhõm. Nhiều người cầu cho Ngưu-Ma-Vương sớm được về chầu Diêm-Vương. Việc vị cao tăng tiên đoán đúng nhiều chuyện khiến cả xà lim bàn tán, suy nghĩ. Gã thượng úy bộ đội dám ăn cả gan người cũng bắt đầu tin rằng có Trời Phật, cần phải sống lương thiện, mới mong được Trời Phật phù hộ, độ trì. Mụ vợ thượng tá công an cũng bắt đầu cho những người không tiếp tế chút quà. Để làm phúc. Đầu óc đơn giản của họ chỉ nghĩ đến thế. Lão thấy đó đã là một chiều hướng tốt rồi.
 Một buổi sáng, bà Sài-Gòn được gọi đi cung. Nửa giờ sau bà về, nói với mọi người rằng sáng mai con trai bà và bà sẽ được trả lại tự do. Bà xin phép Găng-đi pha trà, mang kẹo bánh ra mời tất cả. Coi như bữa tiệc trà chia tay. Găng-đi vui vẻ cho phép. Buồng nào ra vệ sinh cũng được bà đứng ở bàn mời trà, mời bánh kẹo. Những người nghiện, Găng-đi cho hút một điếu thuốc lào. Bà đem tiếp tế của mình phân phát cho những người không có tiếp tế. Bà đưa cho lão một túi lớn và nói rất nhỏ, giọng nghẹn ngào:
 - Trong túi có cái nhẫn của em. Anh Hai nhận lấy để có tiền tiêu xài khi đi trại.
 Lão chưa kịp trả lời, thì bà đã quay đi, về buồng, mắt ngấn lệ.
 Buổi tối xà lim long trọng tổ chức ca hát, mừng tiễn bà thoát ngục. Ai cũng tự nguyện hát. Cô ca sĩ mở màn, với bài “Ngày Về”:
 Tung cánh chim tìm về tổ ấm.
 Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm.
 Nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi.
 Thương tiếc bao nhiêu, người ơi!
 Âm thầm tê tái cho ngày về.
  Tìm lại đường tơ, nay đã đứt.
 Ta sống không một lời trìu mến.
 Như bóng con đò chiều lạc bến...
 Cô hát liền năm bài. Toàn bài trữ tình, cảm động.
 Tiếp tới Phó Nhòm. Gã hát bài “One Day”, lời Việt, gã tự ý thay đổi đôi chữ, cho hợp tình, hợp cảnh:
 Giờ phút xa nhau,
 trong buồng âm thầm châu rơi,
 ướt đẫm khăn em...
 Nhớ mãi câu yêu anh,
 đường đời, đừng có quên nhau.
 Rồi cách xa... Rồi nhớ thương...
 Hết bài, gã đầu gấu hét lớn:
 - Ông chú phải hát từ biệt bà cô đi chứ! Sao cứ im lìm vậy?
 - Đúng, đúng. Buồng 1 phải hát!
 Lão đứng lên:
 - Được, được. Các bạn khỏi cần giục. Đó là bổn phận của tôi. Tôi xin hát một bài chia tay với người bạn quý của xà lim, của chung chúng ta.
 Phó Nhòm cười ha hả:
 - Không đúng. Với người bạn đặc biệt của riêng ông bạn, mới đúng.
 Gã đầu gấu oang oang:
 Trống chùa ai đánh thùng thùng.
 Của chung ai khéo vẫy vùng “nên riêng”
 Cả xà lim đùa rỡn, cười vui, châm chọc lão với bà Sài-Gòn.
 Khi cơn ồn ào lắng xuống, lão nói:
 - Các cụ ngày xưa bảo “Chuyến đò nên nghĩa”. Nay chúng ta cùng chung chuyến đò hoạn nạn. Tình nghĩa tất phải sâu nặng, thấm thía hơn. Để chia tay với người bạn rất tình cảm, giầu lòng thương người, tôi xin hát bài “Biệt Ly”:
 Biệt ly, nhớ nhung từ đây...
 Chiếc lá heo may... rơi bay...
 Người về có hay
 Mấy phút bên nhau... rồi thôi
 Bóng em khuất xa từ đây...
 Người về, u buồn khắp trời...
 Và mây trôi...Nước trôi...
 Ngày tháng trôi... Cùng lướt trôi...
 Bị lôi cuốn theo cảm xúc, lão hát đi, hát lại bài hát ba lần. Cả xà lim vỗ tay rào rào.
Cô ca sĩ khen ngợi:
 - Tối nay, ông chú hát hay quá. Hơn hẳn mọi tối. Giọng hát thật là buồn, cháu nghe cũng phải cảm động.
 Phó Nhòm hóm hỉnh:
 - Rung động thực có khác! Hát rất có hồn. Mà có hồn tất phải hay.
 Gã đầu gấu bô bô:
 - Đề nghị bà cô cho biết cảm tưởng.
 Buồng bà Sài-Gòn vẫn im lìm.
 Cô diễn viên kịch nói đứng lên, đùa rỡn:
 - Chắc bà cô “vạt áo đang ướt đầm như mưa”, không nói được. Để em hát mấy bài vui, giải buồn cho bà cô.
 Cô ta hát năm sáu bài liền. Điệu nhạc vui nhộn, yêu đời. Và kết thúc với bài “Hè Về” tưng bừng sức sống:
Hè về, nắng tung nguồn sống khắp nơi
 Hè về, gió rung nhịp phách yêu đời
 Bâng khuâng nghe gió đùa mây biếc,
 Đàn chim cánh đo trời
 Phân vân đôi mái chèo lữ thứ,
Thuyền ai biếng trôi...
 Hè về trong khóm trúc mềm đầu bờ
 Hè về trong tiếng sáo diều dật dờ
 Hè về, non nước yêu yêu...
 Khi chương trình ca nhạc bế mạc, bà Sài-Gòn cảm ơn mọi người, cầu chúc tất cả sớm tai qua, nạn khỏi, thoát cảnh lao lý. 
Đêm đó, lão không ngủ được, nằm mân mê chiếc nhẫn trong tay. Thỉnh thoảng lại dậy cuộn thuốc hút. Lão tưởng mấy chục năm tù đầy, với bao đau khổ, bầm giập, trái tim lão không còn chỗ nào tươi mát giành cho tình yêu nam nữ nữa. Lão tưởng bao công phu tu luyện thiền định đã biến lão thành một người thoát vòng tục lụy. Lão đã lầm. Chỉ cần một ánh mắt thương yêu, một nụ cười tình tứ, một chăm sóc nhỏ nhoi, đã đủ phá tan mọi triết lý bi quan về cuộc đời, hồi sinh tất cả những khao khát rạo rực thanh xuân. Lão thầm nhủ nếu cửa sắt xà lim không khép chặt, không một thành trì đạo lý nào có thể ngăn cản lão sang buồng “em”, ôm “em” vào lòng, nói với “em” những lời âu yếm, tha thiết... 
Buổi sáng, tên quản giáo thường trực mang lệnh tha vào. Được phép của Găng-đi, bà Sài-Gòn xách hành lý đi suốt hành lang chào các buồng. Tới buồng lão, bà thò một ngón tay qua song sắt cửa gió. Lão cầm ngón tay bà bóp mạnh, thay cho cái bắt tay từ biệt.
Bà nói qua nước mắt:
 - Tạm biệt anh Hai. Em sẽ cầu nguyện cho anh Hai khỏe mạnh trở về. Em không bao giờ quên được anh Hai đâu. Khi nào về, anh Hai phải báo tin ngay cho em. Em đợi anh Hai đó.
 Lão xúc động:
 - Nếu trời còn để có một ngày mai. Anh sẽ tìm gặp em. Thôi, em về đi. Chúc em vui, khỏe, lên đường bình an.
 Khi buông ngón tay bà ra, lão cảm giác buông mất niềm hạnh phúc vừa chợt tới với lão đã vụt biến. Như một giấc mơ. Lão ngó nhìn theo bà được vài giây, thì bà rẽ ra chỗ Găng-đi ngồi, không nhìn thấy nữa.
 Tiếng tên quản giáo thường trực, ngạc nhiên:
 - Chị này buồn cười thực. Được về mà lại khóc!
 Bà Sài-Gòn về, ai cũng thấy tiếc. Nhất là những người không có tiếp tế. Không có sự giúp đỡ của bà, ngoài cái đói ra, họ còn thiếu thốn đủ thứ.
 Một sáng, cô buôn đô la ngó vào buồng lão, than thở:
 - Chúng nó không cho cháu nhận quà, để ép cung. Dã man quá! Bây giờ bà Sài-Gòn về, cháu và con da đen không có cả đồ vệ sinh phụ nữ. Mấy chị em khác chỉ có đủ cho họ dùng.
 Lão phẫn nộ:
 - Khốn nạn đến thế là cùng! Hôm nào đi cung, nếu đúng ngày, cháu cứ chìa vào mặt thằng chấp pháp cho nó xem, cho các tên công an khác thấy. Không việc gì phải xấu hổ cả! Chúng sẽ phải cho cháu nhận quà gia đình. Chú có hai cái áo lót. Hai cháu lấy xử dụng tạm.
 Cô ta lưỡng lự:
 - Chú lấy gì mà mặc?
 Lão xua tay:
 - Chú không cần. Mùa hè, chú toàn ở trần. Mùa đông, chú đã có quần áo rét.
 - Cảm ơn ông chú. Ông chú tốt quá.
 Cuộc sống trôi đi. Nhờ sự dễ dàng của Găng-đi, tình cảm giữa Phó Nhòm và Nữ Thần Đô la, cũng như gã đầu gấu và người yêu của gã, càng ngày càng thắm thiết. Phó Nhòm chia quà của gã cho cô đô la một nửa. Người yêu của gã đầu gấu cũng làm như vậy. Xin phép cho công khai. Không phải “lái xe” cho tí một như trước. Gã trưởng phòng công ty hóa chất cũng được Găng-đi ân xá, cho nhận quà gia đình.
 Một hôm, cô ca sĩ nói riêng với lão:
 - Cháu bị đi trại tới nơi, chú ạ. Ban giám thị giao cho cháu nhiệm vụ báo cáo tình hình xà lim. Cháu chẳng làm được việc gì. Chú bảo, chẳng nhẽ lại đi báo cáo chuyện tình cảm của người khác, chuyện vi phạm nội quy, như hút thuốc lào, cho quà nhau.
 - A, cháu là người Ban Giám thị cài vào xà lim, chứ không phải của chấp pháp?
 - Vâng, có hai loại ăng-ten. Ăng-ten của chấp pháp chuyên báo cáo, giúp đỡ việc điều tra, hỏi cung.
 - Trông cháu gầy đi nhiều đấy. Cháu cứ ăn ở tốt, đi đâu cũng có người thương. Trời sẽ phù hộ. Chú vừa nhận được quà gia đình. Tí nữa, chú xin phép cán bộ, cho cháu.
 Chiều hôm qua, lão nhận được quà của em gái lão. Nào đường sữa, nào bánh kẹo, thịt, ruốc, gạo nếp rang, vi-ta-min C. Lại cả chiếc áo khoác lót lông, mũ len, mấy bộ quần áo. Lão hiểu ngay tất cả là của bà Sài-Gòn. Em gái lão nằm mơ, cũng không có đủ tiền mua từng ấy thứ. Nhìn đống quà, lão rất xúc động. Chưa bao giờ lão xúc động đến thế. Lão phân phát quà cho tất cả những người không có tiếp tế. Những người có tiếp tế, lão chỉ biếu xã giao đôi chút.
 Phó Nhòm nhận quà lão cho, hỏi:
 - Có phải “em” gửi không?
 Lão gật đầu.
 Phó Nhòm cười, đắc thắng:
 Lão cũng cười:
 - Công nhận anh nhiều kinh nghiệm. Lão luyện giang hồ.
 - Nữ hoàng đô la đã hoàn toàn bị chinh phục rồi. Hai ta thắng lớn!
 Gã đầu gấu tinh quái cũng biết. Gã cười, nói riêng với lão:
 - Ông chú “vào cầu rực lửa”° rồi. Ông chú cũng xứng đáng được thế. Mừng ông chú không bị cô đơn nữa. 
Như mọi thứ trên đời, xà lim cũng tan hợp, hợp tan. Người yêu gã đầu gấu chuyển xà lim khác. Gã bị xử chung thân, đi trại. Cô diễn viên kịch nói được thả. Gã trưởng phòng công ty hóa chất bị xử sáu năm, ra buồng chung. Ba, bốn tù khác tới thay chỗ. Phó Nhòm cũng sắp tới ngày về.
 Vào một sớm đầu đông, trời còn tối đất, Găng-đi mở buồng lão và buồng cô ca sĩ. Hai người phải chuyển trại. Gã thượng úy bộ đội rầu rĩ, giúp lão thu dọn hành lý. Lão để lại cho gã ba cân nếp rang, ít kẹo bánh. Khi lão bắt tay từ biệt, gã rơm rớm nước mắt:
 - Con chúc bố khỏe mạnh. Cảm ơn bố đã giúp đỡ, dậy bảo con. Hơn ba tháng gần bố, con đã hiểu biết nhiều.
 Trong cảnh buồn, lão có đôi chút niềm vui. Lão biết những giọt lệ ứa ra từ mắt gã là vì lão. Không phải vì túi quà.
 Lão và cô ca sĩ chào từ biệt mọi người, chào Găng-đi.
Lão ngó vào phòng Phó Nhòm:
 - Hy vọng chúng ta sẽ còn gặp nhau ở ngoài.
 Phó Nhòm xúc động:
 - Chúc ông bạn thượng lộ bình an. Nhớ địa chỉ tôi, 28 phố Hàng-Điếu. Nhất định chúng ta phải gặp lại nhau. Tôi tin với bản lĩnh ông bạn, ông bạn sẽ vượt qua tất cả.
 Phía ngoài giàn nho, hai chiếc xe tải đã chực sẵn. Khoảng bốn chục tù xếp hàng ngồi ở sân. Nam riêng. Nữ riêng. Tất cả tù nữ đều khóc. Kẻ nức nở thành tiếng. Kẻ nước mắt chảy quanh. Trong ánh điện vàng khè, mờ bụi sương, lão có cảm tưởng đang đứng ở một nghĩa địa, dự lễ hạ huyệt. Cô ca sĩ cũng sụt sịt, chào lão. Nhà bếp phát cho mỗi người một nắm cơm, một dúm muối rang. Tất cả đùm trong mấy mảnh lá chuối. Công an vũ trang dùng khóa số 8, khóa tay từng cặp. Lũ tù quần áo mong manh, đứng run bần bật. Nữ lên một xe. Nam lên một xe. Ngồi chen chúc. Chửi bới nhau tục tĩu. Hai chiếc xe nổ máy, từ từ chuyển bánh. Cửa Hỏa-Lò rộng mở.
 Đầu tháng 12, Hà-Nội đã lạnh. Phố xá còn sớm. Không một bóng người. Lão mặc áo lông, đội mũ len, ngồi lặng thinh ở cuối xe, gần hai tên công an vũ trang, súng AK kẹp trong đùi. Xe băng qua cầu Long-Biên. Trong bóng tối bắt đầu nhạt loãng, giòng sông Hồng thân quen mờ mờ, như bất động. Lại rời Hà-Nội. Số kiếp sẽ đưa lão tới đâu? Tới đâu thì cũng vậy cả. Đều là đất thù. Trại tù giăng mắc khắp ngả. Người dân sống trên quê hương mình, mà lúc nào cũng ngơm ngớp lo sợ, nghi ngờ, cảnh giác. Quá sống trên đất thù!
 Ngẩng nhìn bầu trời mịt mù sương phủ, cảm thương thân phận con người, tai kiếp đất nước, lão ngâm trong đầu câu thơ lão đã đọc ở đâu, lâu lắm, từ thủa tiền kiếp nào đó...
_________________
° Vào cầu rực lửa: Thắng to.
° Người tù phải dùng những dụng cụ nhỏ như cái lược hay bàn chải đánh răng để có thể ném lọt vào chấn song sắt hẹp của phòng đối diện hay phòng ở xế trước mặt. Gói quà chuyển cho nhau vì thế cũng phải gói mỏng.

Xem Tiếp: ----