hà Biện Tư là một cái nhà ngói lớn nhất trong chòm nhà ngói nổi lên giữa làng Phước - kiển mà hôm mới về tôi đã ngó thấy. Vật đập vào mắt tôi trước tiên tại cổng nhà Biện Tư là hai con cọp bằng đá chồm tới trước một cách dữ dằn như muốn chụp lấy tôi. Hai con cọp này tạc bằng thứ đá gì màu xam xám, con mắt thì đỏ lòm, chớp chớp. Biện Tư đã đi quá khỏi chỗ hai con cọp rồi mà tôi vẫn còn đứng đó. Hồi sau tôi mới chậm chậm bỏ bước đi qua, mắt ngó ngoái lườm lườm nhìn hai con cọp. Sân nhà Biện Tư lát toàn gạch bản, đi mát lạnh cả bàn chân. Cái sân thiệt rộng, đi hoài mới tới tòa nhà Biện Tư xây trên nền đúc phông-tô. Biện Tư dắt luôn tôi xuống nhà dưới. Y gọi đám người ở: - Bữa nay có thằng cháu của con Tám Àng về coi trâu. Thằng Đấu đâu, dắt nó ra chòi ruộng cho nó ở với con Biếc, con Thắm! Từ trong nhà bếp, một anh vóc dạc lực lưỡng bước ra. Đó có lẽ là anh Đấu. Anh nhìn tôi, dường như có ý lo lắng cho thân phận của tôi lắm. Bỗng dưng anh chợt cười. Chắc anh ngó thấy bộ tướng tôi coi ngáo quá. Hoặc giả do đầu tôi hớt trọc, lâu ngày tóc lên xửng rững coi dễ tức cười chăng? Biện Tư sai anh Đấu: - Mầy dắt nó ra ngoài sơm sớm đi, đặng còn giao trâu cho nó kẻo tối. Lấy cho nó một cái bao bố! Anh Đấu trở vô nhà. Lát sau anh trở ra dẫn tôi đi. Anh đưa cho tôi một cái bao bố, thứ bao chỉ xanh đựng gạo. Anh dặn tôi: - Em phải thủ kỹ cái bao. Mấy bữa nay trời trở bấc, không có nó lạnh ngủ không thấu đa! Vừa đi anh Đấu vừa hỏi tôi: - Thằng em mầy ở đằng nhà thím Tám Àng à? - Dạ. - Sao mọi bữa tôi vô trỏng mà không gặp em? - Em ở dưới Phước-lai mới lên. Bị ba má em chết nên em phải lên ở với cô em... Đang đi, anh Đấu chợt đứng lại ngó tôi: - Ửa, vậy em là con ai dưới Phước-lai? Có phải em là con của Năm Đô không? - Dạ, phải! - Trời... Anh Đấu buột miệng kêu trời, và lại day lẩm bẩm. Mắt anh Đấu chợt long lên. Anh đứng thần người ra mất một lúc rồi nói: - Cái vụ ba má em chết, tôi có nghe nói. ở đây cũng có hai đứa con gái mồ côi như em. Dọc đường, anh Đấu có nói sơ qua cho tôi biết về nhà Biện Tư. Anh bảo Biện Tư có chân trong Đảng cần lao của thằng Diệm thằng Nhu, mới đây lại được phong chức Chủ Tịch phong trào cách mạng quốc gia huyện. Ấy là nhờ y có công bắt và giết nhiều cán bộ nằm vùng. Y có một mụ vợ và một đứa con gái lớn tên con Len. Anh Đấu dặn tôi, phải coi chừng hai mẹ con mụ ấy. Con Len lại có thằng chồng chưa cưới tên thằng Hoành, là trung úy chỉ huy biệt kích. Thằng Hoành thường hay ghé đây luôn, hắn còn trẻ nhưng đã giết rất nhiều người, lúc nào hắn cũng có thủ mật người trong túi quần "trai-di". Cuối cùng anh Đấu bảo: - Đó là tôi nói sơ qua như vậy để em biết. Em ra chòi coi trâu cứ yên tâm, hễ rảnh thì tôi sẽ ra chơi. Tôi nghe anh Đấu nói thì làm thinh. Nhưng tôi nghĩ bụng đứa nào thì đứa, tôi không ngán. Tôi thấy mến anh Đấu, người tôi gặp đầu tiên tại nhà Biện Tư mà là coi bộ không ưa Biện Tư. Nghe những lời anh Đấu, tôi rất chú ý tới tên Hoành. Tên nầy là chỉ huy biệt kích, rất có thể nó dẫn tụi biệt kích đi giết ba má tôi lắm. Từ một năm nay, bọn này trả thù gắt gao những người theo kháng chiến và những người ủng hộ cách mạng, như anh Sáu Chiến, như ba má tôi. Hình như chưa giết hết những người như thế, thì bọn chúng ngủ không yên. Từ nhà Biện Tư trở tới bìa ruộng phải đi một đỗi có tới non cây số. Tôi theo anh Đấu len lỏi qua khoảng đất vườn trồng vô số cam, quýt, mận hồng đào, sa-pô-chê. Lão Biện Tư giàu thiệt. Tôi nghĩ chỉ riêng miếng vườn này cũng đủ cho y làm giàu rồi chớ chưa kể tới ruộng làm chi. Vậy mà cô Tám tôi thiếu y có bốn giạ lúa, y đòi hết sức thắt ngặt, tuồng như không đòi được bốn giạ lúa thì y phải nhịn đói. Cái chòi ruộng mà anh Đấu dắt tôi ra ở ấy là một cái chòi trống hơ. Mái chòi lợp bằng rơm cứ bị gió thổi bới lên. Những con gió chiều lộng thổi bốn bề. Trong chòi chẳng có giường vạt chi hết, chỉ thấy lỏng chỏng mấy cái bình tưới. Hai đứa con gái nhỏ ở đâu chạy về chòi, mừng rỡ kêu anh Đấu bằng anh Ba, rồi đứng ở góc chòi mà ngó tôi. Đứa lớn nhỏ hơn tôi vài tuổi, và một đứa nhỏ hơn nữa. Hai đứa ăn mặc rách rưới, áo cụt tay, quần vắn, coi thiệt tội. Cả hai đứa có một nét chung giống chị Hòa tôi là cặp mắt lớn, luôn mở trố trên khuôn mặt hốc hác, xạm đ Anh Đấu chỉ đứa con gái lớn bảo tôi đó là con Biếc, còn đứa bé là con Thắm. Hai đứa là chị em ruột. Anh Đấu nhỏ nhẹ bảo hai đứa là tôi mới về, sẽ ở luôn tại chòi để cùng coi trâu. Bấy giờ hai đứa mới xán lại, dựa vô người anh Đấu, dòm tôi cười. Tôi để ý ngó coi chung quanh, thấy cách đó không xa có một cái chuồng trâu lớn. Những con trâu mới về chuồng đang đập đuôi lách chách, chốc lát lại nghe sừng của chúng quơ chạm phải những cây ngáng chuồng kêu lụp cụp. Bây giờ tôi chỉ thấy bỡ ngỡ chớ không thấy đơn độc. Nhứt là khi con chị, tức là con Biếc, bước tới ân cần đỡ lấy cái bao bố trên tay tôi đem máng lên cây sà chòi. Chỗ đó cũng có dắt hai cái bao bố, cũ hơn cái bao tôi một chút. Anh Đấu đưa tôi tới bên chuồng trâu, căn dặn thêm vài điều rồi về. Tôi trở lại cái chòi trống trải, nơi hai chị em con Biếc, con Thắm sống bấy nay, giờ có thêm tôi nữa là ba. Mặc dù con Thắm, con Biếc rách rưới gày gò, mặc dù cảnh chòi trống hơ trống hoác, sao tôi vẫn thấy ấm áp. Tôi vui mừng thấy mình được ở đây hơn là ở trong tòa nhà của Biện Tư. Con Biếc đến bên tôi, nhỏ nhẻ hỏi: - Chắc anh Quyết chưa ăn cơm, để em nấu luôn nhen! Tôi gật đầu. Con Biếc với đứa em lăng xăng đi nấu cơm. Hai đứa vo gạo trong một cái nồi đất, rồi đốt bằng rơm. Bữa cơm đó, ba đứ chúng tôi ăn trong bóng tối sụp xuống. Thức ăn là mắm mục sống do con Biếc dỡ ra từ một cái tĩnh, với một rổ đựng cải sống và khế. Tôi ăn rất ngon miệng, nhờ mắm nục có trộn gừng. Tôi lấy làm phục tài nấu cơm của con Biếc. Con nhỏ nấu coi sơ sịa, ấy vậy mà hột cơm mới dẻo làm sao. Khi tôi hỏi rau cải ăn đây lấy ở đâu ra, con Biếc bảo là tụi nó trồng cho nhà Biện Tư, có ăn thì được bẻ chút ít thôi chớ không được bẻ nhiều. Nghe nói tôi càng ghét Biện Tư. Y bắt hai đứa cơn gái nhỏ trồng thêm rau cải cho y lấy lợi mà không dám cho nó ăn. Càng ghét Biện Tư tôi càng thương cô Tám tôi, thương thằng Cồ, con Biếc, con Thắm. Từ lúc tôi theo anh Đấu ra chòi, rồi ăn cơm chung với chị em con Biếc, tôi thấy hai đứa nhỏ thiệt tội nghiệp. Chừng như có thêm tôi, hai đứa nó đỡ phần cô quạnh. Cả hai đều mừng rỡ, phần tôi, tôi cũng được yên ủi rất nhiều. Tối đó, chúng tôi trải bao bố lên đống rơm giữa chòi mà nằm. Tôi thấy có muỗi bộn, nên hì hục đánh ngay một con cúi, mồi cháy rồi vùi vào đống trấu. Khói xông lên đuổi muỗi đi và gian chòi nhờ đó cũng ấm được đôi chút. Tôi thích cái mùi khói của rơm rạ mới. Đó là mùi khói ấm và dễ chịu mà tự nhỏ tới giờ tôi được hưởng tự do không bị ai ràng cản. Như thể xưa nay trời cho tôi gió, nắng, và rừng cho tôi củi cùng những con trĩ, tôi thích thú vì mọi cái đó tôi được hưởng mà không bị ai bó buộc. Vả chăng, khi mà hôm nay tôi lọt vô vòng bó buộc thiệt sự rồi, thì một chút gì thoải mái cũng đủ khiến tôi sung sướng. Tôi bắt đầu tỉ tê hỏi chuyện con Biếc con Thắm. Tôi hỏi tụi nó nhà cửa ở đâu, sao không ở nhà mà vô đây ở cho Biện Tư. Con Biếc nói ba má tụi nó đều chết hết rồi. Ba nó thì chết ngoài bàu rừng, còn má nó ở tù bị đánh chết trong khám. Tôi hỏi tại sao ba nó lại chết ở bàu rừng. Con Biếc bảo bị biệt kích bắt, nửa đêm đem đi mất biệt. Nó biết là ba nó đã chết, nhưng không biết cha ở đâu. Cả tháng sau, nhờ cô bác chỉ, nó lội vô mé rừng, mò dưới bàu mới kiếm được thây ba nó bấy giờ thịt đã bị rã ra. Kể tới đó, con Biếc sụt sịt khóc. Tôi lẳng lặng nhìn hai chị em con Biếc, hai khuôn mặt thơ ngây hiện mờ mờ sau làn khói từ con cúi rơm đùn ra cuồn cuộn. Tôi thấy cảnh ngộ hai đứa không khác chi tôi. Cảnh ba má con Biếc chết cũng thảm thiết như cảnh ba má tôi. Tôi lại hỏi: - Mà rồi sao hai đứa lại về đây? Con Biếc lắc đầu, như chính bản thân nó cũng không biết tại sao lại lọt về nhà Biện Tư nữa: - Ông Tư tới nhà biểu hai đứa em về nhà ông, ổng nuôi... À, ra vậy. Nghĩa là có mấy đứa con nít mà cha mẹ chúng bị sát hại thì Biện Tư bắt đầu gom về ở đợ cho y hết. Hèn gì hồi nãy anh Đấu lộ vẻ tức giận, mắt anh cứ long lên. Nhưng tôi nghĩ rằng bản thân tôi còn có cửa thoát, vì tôi chỉ về đây coi trâu có sáu tháng thôi, chớ chị em con Biếc thì coi như bị Biện Tư bắt đứt. Không rõ sự làm lụng ởi đây ra sao, tôi hỏi thêm: - Ở đây rẫy của họ trồng giống gì? Con Biếc nói: - Trồng cải nè, dưa gang, dưa hấu nè, đủ hết... Trồng nhiều thứ lắm, sáng mai anh ra coi rồi biết! - Chỉ có hai đứa em trồng à? - Có thứ tụi en trồng, có thứ người lớn trong nhà ra trồng. - Mình trồng, lo tưới vậy mà không được hái ăn, kỳ cục quá! Biếc "xì" một tiếng và nói: - Chỉ được ăn lá cải nào úa thôi, còn mấy thứ kia, không được rớ. Mình mà rớ tới người ta đánh chết! - Đánh hả? Tôi nói như la lên: - Cứ việc bẻ ăn. Hễ mình có công tưới trồng thì mình phải được ăn! - Anh Quyết mới tới nên chưa biết, ở đây vài bữa rồi anh biết! Tôi ngồi xổm dậy trên đống rơm, không ghìm được nỗi bực tức: - Ừ được, để rồi coi... Tôi thì tôi không chịu vậy đâu. Tôi không nhịn con nào thằng nào hết. Hễ đánh tôi thì tôi đánh lại. Nếu nó ỷ sức lớn ăn hiếp thì tôi chụp cây lượm đá phang nhầu. Tôi nói thiệt chớ không nói giỡn đâu! - Phải coi chừng con mụ Tư với con Len.... Em tức mình nên em kêu nó là con Len, chớ nó lớn dữ rồi, nó lớn xấp đôi anh á! - Thây kệ, dẫu có lớn xấp ba, tôi cũng không nhịn. - Anh gan quá! Tôi nằm xuống đống rơm. Con Thắm đã ngủ, cất tiếng ngáy khe khẽ. Con Biếc ôm con Thắm, nhấc đầu em dậy để tròng cái bao bố vào người em. Rồi con Biếc cũng chui vô bao. Đêm đến mỗi lúc một lạnh. Gió từ ngoài đồng trước khi ùa vô vườn, đều đi qua cái chòi trống của chúng tôi. Tháng này gió đã mang hơi bấc lạnh se da. Tôi cũng bắt chước chị em con Biếc, chui vô bao bố. Người tôi vốn cao, nên cái bao bố chỉ kéo lên tới vai, thành ra đầu thò ra ngoài. Tôi nằm đó, thao thức không ngủ được. Chưa đầy hai tháng, kể từ khi ba má tôi chết, tôi bị xê dịch tới hai lần. Không biết nay mai rồi sẽ ra sao nữa. Nằm trăn trở trong bao bố, tôi vẫn còn ấm ức chuyện con Biếc kể cho tôi nghe ban nãy. Gẫm lại, trong hai lần xê dị lần nào tôi cũng đều gặp sự chướng tai gai mắt. Đến ở nhà cô tôi thì chứng kiến cô tôi bị hà hiếp. Đến cái chòi này thì thấy tình cảnh con Biếc con Thắm rất đỗi thảm thương. Sự thể đó tự đâu ra, tôi chỉ biết được một phần. Gió vẫn lùa qua chòi. Cái chòi tối om của chúng tôi chỉ rạng lên được khi nào gió đủ sức thổi con cúi rơm bùng cháy. Nhưng con cúi rơm chỉ bùng lên trong khoảng khắc rồi tắt ngấm, và cái chòi lại trở về tăm tối. Tôi ngủ thiếp đi.