rời đã về chiều, hai chân rã rời, kiến càng cắn bụng. Trông thấy xa xa mấy dãy nhà lúp xúp thì đoán là chợ. Nó bèn đi thẳng đến. Quả thật, chợ. Cái cảnh chợ chiều vô cùng thảm não. Không gì vui bằng chợ đông. Và cũng không gì buồn bằng chợ chiều. Thấy không có bóng người thấp thoáng, Nam men tới một đống rác ở cuối chợ. Ruồi xanh bay ù ù như phi cơ đáp xuống bãi. Nó cảm thấy đói. Nó nhặt một tàu lá chuối xua đám ruồi đối tượng của nó. Rồi ngồi xuống moi móc trong những mớ rác rưới ngập ngụa nhưng nó không ngửi thấy mùi tanh. Nó quơ được một khúc bắp luộc có dấu răng. Chắc ai chê, cạp nửa chừng rồi bỏ. Nó nhặt luôn được mấy qua chuối chín bẹp dí, vỏ đen ngòm. Rồi một khoanh bí đao, một nửa trái bí rợ. Nó chất tất cả ‘chiến lợi phẩm’ thành một đống. Như thế đã thừa dồn cứng một bao tử con con. Nó sực nhớ tới những bữa cơm ở nhà bà Phước Lộc Thọ. Nhưng nó không dám suy nghĩ gì nhiều về hoàn cảnh của một bà tỉnh trưởng ăn ở với một cán bộ Việt cộng. Nó chỉ nhớ câu nói của bà: “Tao sẽ tự vận khi cứu được chồng tao ra”. Bỗng một lão già đi tới. Tay lão xách cây chổi, tay cầm cái thúng. - Thằng nhỏ làm gì đấy? - Lão quát. - Dạ dạ, cháu kiếm đồ ăn! - Mày đi đâu đến nỗi phải moi rác? - Dạ, cháu là liên lạc bộ đội. - Đồ con khỉ! - Lão nói vậy nhưng không có vẻ cáu kỉnh. Lão tiếp - Không nên ăn ba cái thứ đó. Về nhà tao cho ăn cơm. Nhưng khoan đã, chờ tao quét chợ xong. Thằng Nam khôn lanh đã nói láo. Nó nhanh nhẹn giật lấy cây chổi của lão già: - Để cháu quét cho! - Ờ quét thì quét! Để tao kiếm vài món về cho vịt và heo. Trong khi lão già moi rác, thằng Nam quét chợ. Ồ cái chợ sao mà lắm rác. Nào vỏ bưởi, vỏ khóm, lá bánh ú, vỏ chuối, những đôi dép Nhật đứt quai, những cái nón rách, có cả một soong cơm trắng ai bỏ trên sạp hàng. Nó ngừng tay muốn bốc lấy cho vào mồm mà nhai. Nhưng lão già đã quát: - Chớ có ăn! Thằng Nam chợt nhớ lão hứa cho mình ăn cơm nên bỏ ý định ăn cơm trong soong. Nhà lão ở sau chợ. Lão đẫy Nam vô. Nam vừa bước qua cửa, đã giật mình đánh thót. Người ngủ lăn lóc đầy nhà. Dăm chiếc nón cối và kêpi mắc trên vách và để trên vạt. Một anh thức dậy hất hàm: - Mày định làm gì mà vô đây? - Bố em ở ngoài Hà Nội ạ! - Làm gì ở ngoài đó? - Bố em đi tập kết, không thấy về, má em bảo em đi tìm! - Tập kết thì chuồn về Nam lâu rồi, làm gì tới nay! - một anh khác đang ngủ ngóc đầu dậy quát. Láo!- Tiếng ‘quát’ như một nhát chém vô hình làm rụng cái thủ cấp xuống giường. Anh chàng lúc nãy bảo, với giọng thông cảm hơn: - Ba em là bộ đội hay cán bộ dân chánh? - Dạ em không biết! Cái thủ cấp kia lại ngóc dậy lèm bèm: - Bố đi tập kết mà không biết là bộ đội hay dân chánh là thế nào? Thằng này là gián điệp. Bắt lấy nó. - Cái thủ cấp sống rụng xuống và ngáy khò khò, lại ngóc lên luôn với cặp mắt đỏ chạch. Nhưng anh bộ đội kia tiếp: - Nó còn bé, làm gì biết dân chánh hay bộ đội? Để yên tôi hỏi - Sao biết ba em ở Hà Nội mà đi tìm? - Dạ, em cũng phóng chừng vậy thôi. Nếu em ra được đó thì gặp ai em cũng hỏi. Thế nào cũng có người biết. Sau một lúc ‘tâm tình’ anh bộ đội bảo: - Chúng anh sẽ cho em ‘quá giang’ xe, nhưng em phải công tác bù vào. Thằng Nam vừa mừng thầm vừa hoang mang. Mừng vì được đi xe hơi và hoang mang vì không biết đi đâu và tại sao tên này lại tốt bụng vậy? Nhờ cái sách của bà Phước Lộc Thọ mà Nam biết bắt đầu bịa chuyện và xây thế cờ. Đời là một tấn tuồng. Mỗi người là một kịch sĩ. Đừng quên nhé! Kịch sĩ Nam đã hiểu ít nhiều cái tấn tuồng này nên mới có cái màn ‘ba em đi tập kết’. Được bữa cơm trắng no lòng, lại được ngồi xe. Công tác lúc nãy anh bộ đội nói là tay cầm miếng vải ngồi sau thùng xe mô lô tô va, mỗi lần qua một cái ổ gà thì vẫy cho xe sau đề phòng, chạy chậm lại để khỏi ‘hỏng díp’. Theo các anh giải phóng thì bọn Ngụy chẳng sửa sang đường sá chi cả, cứ để ‘ổ gà thành ổ voi’ xe đảng bác chạy hỏng cả máy! Nhưng Nam chỉ vẫy được vài lần rồi không vẫy nữa vì lâu lắc mới có một cái ổ gà. Anh bộ đội bảo đó là bị ấn tượng phần đường ở phía Bắc cầu Hiền Lương. Nam ngồi xe êm đít quá, nên mặc cho nó chạy đến đâu thì đến không đòi xuống nữa. Tóc chưa bạc thì chưa gặp. Nam bâng khuâng suy nghĩ. Một anh bảo: - Tụi tao không có ra đến Hà Nội đâu. Mày định xuống quãng nào? Nam ngắc ngứ một chốc rồi đạp: - Anh bỏ em ở đâu cũng được. - Ba mày tên gì? - Nguyễn văn Tấn. - Ờ đúng là người Nam. Bắc gọi là Nguyễn văn Tiến! Một anh khác cãi: - Người Nam cũng kêu “iến” vậy! Ông Nguyễn văn Tiến, đại diện Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ở Hà Nội mấy năm đấy. - Mấy cha đó bố náo, đặt tên tầm bậy để nghi trang. Tên thật ông ấy là gì chớ không phải tên Tiến đâu! Cậu không biết gì cả. Gọi là miền Nam chớ sự thực ra ông ta ra ngoài miền Bắc lâu rồi. Cũng như ông Nguyễn văn Hiếu với bà Mã thị Chu đang nằm bệnh viện Việt Xô thì mình móc ra, báo Nhân Dân đăng là ở Sài Gòn ra thăm miền Bắc chứ đếch phải ở miền Nam. - Sao cậu biết giỏi vậy? - Khắp Hà Nội ai mà chẳng biết! Mấy cậu miền Nam còn bảo thằng bộ đội tiểu đoàn trưởng Nguyễn văn Long trình diện Đại hội Công đoàn thế giới kỳ đó là bộ đội phục viên ở Nông trường Xuân Mai thuộc F 338. Thôi, tớ không có lộ bí mật nữa đâu. Bị kỷ luật chết! Nhưng cậu nên nhớ rằng có những chuyện trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường! Còn đây là chuyện trong nhà ngoài ngõ đều biết tõng hết rồi! Một anh bộ đội lại hỏi thằng Nam: - Bố cậu có phải tên Tấn thật không? - Thật ạ! - Nếu tên Tiến thì đứt đuôi là người Bắc rồi, còn Tấn đích thực là Nam. Nhưng mà không sao, hễ ra Hà Nội là tìm được. Xe chạy được vài tiếng đồng hồ thì một anh lại hỏi Nam: - Chúng tao sẽ đến trại Bùi Gia Mập chở tù lên Thái Nguyên, mày có đi theo không? - Bùi Gia Mập là đâu ạ? - Bùi Gia Mập là Bùi Gia Mập chớ đâu! Nếu mày đi theo xe tao luôn thì tới Hà Nội tao cho xuống còn không theo thì thôi ráng mà cuốc bộ lấy. Ừ, bây giờ có tàu hỏa Thống Nhất rồi. Nhưng phải có giấy giới thiệu thì mới mua vé được. Thế nào? Quyết định nhanh đi. Sắp tới ngã rẽ rồi đấy. - Tôi đi. Óc phiêu lưu nổi dậy trong đầu, Nam đáp ngay không suy nghĩ. Từ lúc vào nhà lão già, anh bộ đội này không có vẻ gì chú ý tới Nam. Nhưng khi lên xe chạy được một chặp thì anh ta miễn cho Nam cái nhiệm vụ quơ nhánh cây và kêu xe chạy chậm lại, bảo Nam lên ngồi trên cabine với mình. Nam mới biết anh ta là chỉ huy trưởng đoàn xe 6 chiếc môlôtôva. Xe lại bắt đầu trở lại vận tốc bình thường. Anh chỉ huy trưởng hỏi Nam: - Mày bảo ba mày là cán bộ tập kết? - Dạ, phải! - Mày không nói láo chớ? - Dạ không? - Mày bao nhiêu tuổi? - Dạ 17. - Ba mày tập kết 20 năm mà mày 17 tuổi. Vậy ba mày là ai? - Dạ em khai gian tuổi để được đi học ạ. - Nam đáp như đã dự tính sẵn trong bụng. Lời nói trơn tru như lươn. Một anh bộ đội lại bảo: - Như vậy mày ít nhứt cũng 20. - Dạ em chắc vậy. Anh chỉ huy trưởng khoa tay: - Thôi được rồi. Tao cứ coi mày là con cán bộ tập kết. - Dạ. - Bây giờ tao thêm cho mày là con của Bộ Chính Trị nghe không? Nam ngơ ngác không hiểu. Anh chỉ huy trưởng nói tiếp: - Đoàn tao hiện đang khuyết một đội viên. Vậy mày lấp vào cái lỗ hổng đó chịu không? Chịu thì đi tiếp, không chịu thì tao tống xuống đất. Tập kết tập kiết gì tao không cần biết! Chúng nó đi về xứ, miền Bắc khỏi bị phá tán. - Dạ chịu. Gì em cũng chịu hết, miễn tìm được ba em thì thôi. - Mày sẽ thế chỗ thằng Điện Thâm. Mày có biết Điện Thâm là ai không? - Dạ không ạ! - Nó là con trai đại tướng Võ Nguyên Giáp đấy! Nam giật mình đánh thót quay ngó anh chỉ huy trưởng trân trân. Anh ta tiếp: - Nó tên Điện vì hồi má nó đẻ nó ra thì quân ta đang đánh Điện Biên. Cho nên đại tướng đặt tên nó là Điện Biên để kỷ niệm. “Võ Điện Biên”. Nhưng nó lại giống má nó ở cặp môi thâm sì, nên bạn bè của nó gọi nó là Điện Thâm thay vì Điện Biên, riết rồi thành danh Điện Thâm luôn. Thế đấy! Anh chỉ huy trưởng kể tiếp: - Chỉ huy một thằng con đại tướng còn khó hơn chỉ huy một vạn lính thường mày hiểu không? Nó bất chấp điều lệnh kỷ luật, nội qui gì gì. Nó về nhà chơi rồi nín ở nhà luôn, đi bụi đời nhạc tím nhạc vàng hai ba ngày trở lại đơn vị cũng không ai dám phạt nó. Nó ngủ trưa, kẻng đánh khe khẽ sợ làm mất giấc ngủ cậu cả. Vừa rồi xe đi ngang Huế. Nó xin phép đi tìm quê ngoại nó một ngày rồi lặn luôn không thấy trở lại. Quê ngoại nó ở đâu đó tao không biết, chỉ nghe nói là má nó đẻ ở Huế. Rồi thôi, xe tới ngày đi là phải đi. Cậu Điện ta vắng mặt, tao càng mừng! Bây giờ mày thay thằng Điện Thâm nghe! Nam ậm ờ. Anh chỉ huy trưởng cười nhạt: - Đang là con cán bộ tập kết quèn lại được làm công tử sướng mê còn không chịu à? - Dạ em chịu chớ! Nhưng em không nói tiếng trọ trẹ được. - Ờ được đấy, như vậy bố con sẽ gặp nhau. Còn cái “tiếng” thì không quan trọng! Đừng nên nói gì hết là xong. Điện Thâm cũng là Điện Câm luôn. Anh chỉ huy trưởng ngó thằng Nam một chút rồi gật: - Mày mặc đồ của nó chắc vừa! Nam chưa mặc mà đã thấy ngứa ngáy khó chịu trong người. Quân phục Việt cộng, nón cối gắn sao vàng là kẻ thù của ba nó, của nó và của cả dân Miền Nam. Làm thế nào nó khoác lên người được?? Lại còn làm con ông đại tướng, kẻ đối mặt với quân đội Cộng Hòa! Tất cả như một bài toán kỳ quái, nó không muốn cả nhìn mặt bọn lính cụ Hồ này, nhưng nó nhớ lời bà Phước Lộc Thọ dặn: “Đời là một tấn tuồng”... Bà là vợ tỉnh trưởng bây giờ lại sống chung vơí một tên cán bộ ở miền Bắc mà bà vẫn gọi “mình ơi” ngọt ngào. Chả tuồng là gì? Mình mặc đồ lính Bắc có đau là bao, so với bà? Nghĩ vậy Nam thản nhiên nói với anh chỉ huy trưởng: - Em rất vinh dự ạ! - Vậy thì kể từ giờ phút này tên của mày là Điện Thâm, nghe không? Nhớ lấy. Nam lại còn đẩy đưa: - Xin gọi em là “Điện Nam”, có nghĩa là Điện Biên và Miền Nam đều thắng to, có được không anh? - Được! Nghe cũng hay hay. Chiều hôm đó tới trại Bùi Gia Mập. Chu vi thật rộng, ngó mút mắt, toàn là nứa xốc tréo mũi nhọn, tua tủa như hàng ngàn ngọn dáo chĩa lên trời. Trên đầu cổng một tấm cót phết vôi mang dòng chữ đen loang lổ “trại cải tạo BGM”. Hai bên cổng là hai chòi gác như hai cái nanh còn cái cửa như miệng con gấu, lúc há ra lúc ngậm lại, nuốt tới hàng trăm sinh linh xe cộ một lúc. Đoàn xe dừng lại chờ xét giấy, mở cổng rồi từ từ lăn vào đậu ở trước sân cờ. Quái nhỉ sao đi đâu cũng cứ thấy cái vệt máu tanh tưởi này nó cứ loe ra trên đầu người ta, như muống chụp xuống mặt đất, như cái lưỡi con thuồng luồng muốn quấn nuốt hết cả người và cảnh vật vào bụng nó. Nam được anh chỉ huy trưởng trao cho bộ đồ màu cứt ngựa và cái nón cối. - Cậu là Điện... -... Nam, dạ! - Cậu phải cẩn thận khi tiếp xúc với tù nghe chưa? Nếu ai ngạc nhiên vì cách phát âm của cậu, cậu cứ tỉnh bơ nghe chưa? - Dạ! - Phải nói là “Vâng” cho rập khuôn với chúng tao. - Dạ “quâng” - Vâng chứ không phải “quâng” Thằng Nam bắt đầu đóng kịch trong ngôn ngữ. Kịch là diễn lại sự thật y như thật, có pha tí mắm muối. Thằng nào khéo tay thì pha vừa miệng người ăn. Hồi ở trường có đứa đóng vai hoàng tử, khán giả khen “giống lắm” nhưng có ai biết ông hoàng đó mặt mũi ra sao? Bây giờ mình đóng vai thằng con trai một ông đại tướng cộng sản. Nam không biết nó ra sao nhưng phải đóng cho giống! Ồ dễ mà kịch sĩ Nam! Tên chỉ huy trưởng và tên quản giáo đi song song xuống trại giữa lúc tù đang ăn cơm chiều. Kẻ ngồi trên sạp nứa, người bành dưới đất. Đây là giờ thiêng liêng nhất của tù. - Coi chừng chào! - Có tiếng nạt to. Những người tù đang ăn, buông đũa ngồi “nghiêm”, nếu ngồi xếp bằng thì hai tay để trên bắp vế, còn ngồi chồm hổm thì buông xuôi xuống không được nhúc nhích, hai hàm răng đang ngai cũng ngừng hoạt động cứ để cho thức ăn đầy ứ nằm im trong mồm. Bỗng tiếng nạt vang lên: - Thôi chào! Tù nhân lại cầm đũa để tiếp tục bữa cơm, nhưng cái tiếng hô kia lại vang lên: - Ngưng ăn để nghe cấp trên chỉ thị! Tên quản giáo nói: - Những người có tên sau đây sẽ rời trại ngay bây giờ! Tên chỉ huy trưởng móc giấy trong túi phành ra đọc một hơi mười mấy danh sách không nghỉ. Thằng Nam ngồi ké trên mép sạp nứa lắng nghe. Bỗng tên chỉ huy trưởng dừng lại, nghiêng tờ giấy ra ánh nắng và cố đọc nhưng hắn ngắc ngứ rồi đưa sang tên quản giáo, bảo: - Đồng chí coi tên gì đây? Tên quản giáo nheo nheo rồi bảo: - Ở đây có ai tên Nhan không? - Không ạ! - Hoặc Nhản, Nhàn, hay Nhân gì đó. Một người đáp: - Có một anh tên Nhẫn vượt ngục bị bắn chết cách đây mấy tháng chớ không có tên Nhản tên Nhàn gì hết. Tên quản giáo cau mặt: - Viết chữ gì như thế này. Nhân không ra Nhân. Nhàn không ra Nhàn. Tên chỉ huy trưởng bảo “Điện Thâm”: - Cậu học lớp 12, đâu đọc xem nào? Điện Thâm cầm tờ giấy đưa lên mắt, nhưng nó không thấy gì hết, những hàng chữ như những quân hàng di động. Không hiểu sao nó nghi đây là tên ba nó bị viết sai đi. Lần trước nó ra đồng tranh nó cũng nghi là ba nó nằm ở đó. Lần này nó lại nghĩ rằng ba nó vượt ngục bị bắn chết. Một người kiên cường, tánh nóng như lửa không dễ gì kiên nhẫn chịu đựng sự hành hạ của đám người thú này. Thằng Điện Thâm đang phóng những ý nghĩ của nó vượt ra khỏi tờ giấy, thì có tiếng hỏi: - Thế nào, con ông Võ đại tướng? Đã học hết lớp 12 mà đọc không ra một chữ tầm thường như thế à? - Rồi quay sang quản giáo, hắn bảo - Cứ đọc tới đi. Coi như tên Nhân hay Nhẫn gì đó đã chết rồi. Đồng chí cứ ghi dùm cho tôi một chữ là không có ở trại nầy. Một số danh sách được đọc tiếp. Tất cả hơn 20 người phải rời trại ngay bây giờ. Nhờ nghe câu chuyện giữa tên chỉ huy trưởng và tên quản giáo mà Điện Thâm biết rằng những người được gọi tên vừa rồi mang cấp bậc đại tá, nên phải chuyển trại. Điện Thâm mong có ba trong số này. Vì lẽ gì đó cũng được, ba nó chưa chết. Ba nó còn sống sót ở đâu đó. Dù ở đâu, một ngày kia phụ tử cũng sẽ trùng phùng. Những tù nhân được gọi tên mang xách hành lý lên văn phòng chờ lệnh. Đời thằng sĩ quan chiến bại bị tên địch không đáng xách dép cho mình, chỉ huy. Đau lắm, nhưng làm gì được nữa?! Cái ý nghĩa “đồng minh” thiệt thấm thía. Hành lý của họ không có gì đáng một trinh cả. Một người ôm một chiếc mền rách hôi hám. Một người quảy chiếc ba lô có một quai, trên lưng ba lô đeo một cái hộp lon còn dính mấy hột cơm. Một người đi lặc lè tay xách một chiếc dép cụ Hồ đứt quai. Hai mươi mấy ông đại tá chờ lệnh của một tên quản giáo mang cấp bậc thượng sĩ. Tất cả ngồi im lặng, một người đau nặng, ngồi dưới đất tựa đầu vào vách thở dốc. Một người khác xin quay về trại. Tên quản giáo quát: - Để làm gì? - Thưa cán bộ tôi bỏ quên cái “rút dép”! Tôi xin phép về lấy rồi trở lên ngay ạ! - Không ai đi đâu cả. Cứ ngồi đấy cho đến lúc lên xe. Thằng Điện Thâm vọt miệng: - Ông ở lán nào, cái rút dép để ở đâu, tôi di lấy dùm cho chú! Tên quản giáo xua tay, gắt gao: - Không được đâu “đồng chí”! Bọn này là ghê lắm. Chúng nó cho mật hiệu nhau để đánh úp trại đó chớ chẳng phải cây rút dép gì đâu! Cuối cùng không ai được rời chỗ. Độ 9 giờ tối lên xe. Từng người lặng lẽ ra sân như những cái bóng. Họ chui vào sau xe như vào bụng một con quái vật sẽ mang họ đi đâu không biết, mà họ cũng không cần biết. Ở đâu thì cũng không khác ở đây. Quả đất này đã trở thành địa ngục. Lò sát sanh có lẽ là nấc thang chót lên thiên đàng. Không một câu đưa tiễn, không một cái vẫy tay. Những người ở lại không được phép ló đầu ra cửa. Mà có ló ra họ cũng không thấy gì ngoài đêm đen. Một anh tài xế đến trước mặt chỉ huy trưởng: - Báo cáo thủ trưởng, máy hỏng ạ! - Tại sao thế? - Báo cáo không rõ ạ, nhưng “đề” không chạy! - “Đề” thử lần nữa xem! - Dạ, em đã “đề” nhiều lần nhưng vẫn thế ạ. Tên quản giáo chạy ra hỏ chỉ huy trưởng: - Có việc gì thế đồng chí? - Xe hỏng ạ! Tên quản giáo lầu bầu: - Chúng nó phá hoại rồi! - Và hắn quát luôn - Xuống hết! Đám tù lụt tụt xuống xe lố nhố lao nhao không hiểu chuyện gì. Tên quản giáo quát: - Xếp hàng hai bên cột cờ, chờ lệnh mới. Chưa đầy một phút kẻng khuya lên rầm rĩ. “Có phản động đột nhập trại!” Câu này truyền đi khắp các lán bằng loa điện. Tù nhân đang ngáy ngủ bật dậy và bị lùa ra sân cờ. Tên quản giáo huấn thị: - Có phản động mưu đánh úp trại ta. Các anh phải phát hiện ra tên ấy ngay. Không ai nói gì. Họ mong vấn đề chóng giải quyết để được trở vào ngủ. Sáng còn đi lao động. Tên quản giáo lồng lên: - Đoàn xe Trung Ương vào đây cho chuyển trại một người. Đến giờ xuất phát máy lại hỏng là thế nào? Tại sao máy hỏng trong một trường hợp lạ lùng như vậy? Nếu không có bàn tay phá hoại thì đã không có việc này! Tất cả đều lặng im. Mấy con muỗi bay vo ve như định minh oan cho họ, nhưng chính chúng lại làm cho tên quản giáo phát cáu thêm. Hắn vung tay quả quyết: - Đây không phải là lần đầu trại này bị phá hoại. Bùi Gia Mập là ổ phản động còn sót lại trú ẩn. Chúng có liên hệ với những người trong trại này. Chúng tôi đã có hồ sơ từ lâu, nhưng để chúng đi sâu vao tội ác, chúng tôi sẽ tóm luôn một mẽ. Rồi hắn ra lệnh tiếp: - Cái anh “rút dép” bước ra khỏi hàng. Người tù ốm yếu lặc lè bước ra đến đứng trước mặt tên quản giáo. Tên này quát: - Đồng bọn với anh là ai trong vụ phá hoại này? Người tù đáp: - Tôi có biết gì đâu ạ! - Cái tiếng “rút dép” là một bí hiệu phải không? - Dạ tôi... - Anh không được nói nữa - Tên quản giáo nói với tên chỉ huy trưởng - Chúng nó thông tin toàn bằng mật hiệu, ghê gớm lắm đồng chí ạ! Bỗng anh tài xế đến báo cáo với tên chỉ huy trưởng: - Chúng tôi đã phát máy được rồi ạ! - Xe hỏng thế nào thế? - Dạ lúc đậu, anh bạn quên tắt máy đèn nên điện yếu đấy thôi chớ không có hỏng máy ạ. Tên quản giáo khoát tay: - Các đồng chí có thể lên đường. Anh “rút dép” ở lại. Cả trại đứng nguyên đấy. Nếu không khai đồng bọn sẽ đứng tới sáng. Xe chạy ra khỏi cổng. Thằng Điện Thâm hú vía. Có phản động đột nhập trại thật đấy, nhưng phản động đã thoát ra đàng hoàng bằng xe hơi nhà nước! Bây giờ Điện đã khoác áo quân đội nhân dân, con của đại tướng. Nào phải là phản động! Xe chạy một lúc có đèn chớp hiệu phía sau xin dừng lại. Rồi từ phía sau đoàn xe một tên đội chạy đến báo cáo với chỉ huy trưởng: - Có một thằng tự vận. - Tên nó là gì? - Dạ không rõ ạ. - Tự vận bằng cách nào? - Nó hô “đ.m. thằng Minh” và đánh cằm đứt lưỡi nhưng chưa chết! - Vứt nó xuống ruộng! - Tên chỉ huy trưởng quát - Chạy tiếp. Rồi hắn lấy đèn pin soi trên tờ danh sách, lấy bút bi gạt một cái, lẩm bẩm: Tên đội đã chạy đi còn quay trở lại: - Dạ Bắc thì sao ạ? Thằng này đụ má thằng Minh nhưng lại giọng Bắc! - Bắc hay Nam cũng phản động thôi! Quẳng nó xuống ruộng đi. Không hiểu sao thằng Nam lại buột miệng hỏi: - Những người Nam ra Bắc lâu năm cũng nói giọng Bắc được chứ đồ...ồng chí? Tên chỉ huy trưởng đáp: - Ra Bắc lâu năm nhưng ba mày chưa chắc đã nói được giọng Bắc. Còn tao có vô Nam bao lâu cũng không nói được giọng Nam. Cũng như mấy thằng tù cải tạo, mầy thấy không? Nuôi phí cơm chớ đời nào đổi được cái óc đen ngòm của chúng nó. Nó phá hoại, vượt ngục, đánh quản giáo, ăn cắp muối... khiếp lắm! Thằng Nam lại bắt được mối, nói tiếp: - Đồng chí tài xế bảo là bình điện yếu chớ đâu có ai phá hoại, đồng chí! - Chúng nó lén bật điện, ai biết được. - Đâu có “tên tù” nào lại gần xe mà bật được? Tên chỉ huy trưởng quát: - Mày thấy được bọn đó hay sao? - Dạ, xe đậu gần trạm gác mà! Tên chỉ huy trưởng nổi cáu: - Gác ngủ gục thì sao? - Dạ gác đâu có ngủ. - Bộ mày muốn bênh chúng nó hả? Ừ bênh thì vô đó mà ở với chúng nó. Thằng bé giật mình nhớ ra mình là “con Võ đại tướng” nên tịt luôn.