Phần 3

    
à Đông, ngày 3 tháng 2 năm 1947, viết tiếp.
Thân ái Trung,
Súng rộn lên hơn pháo tết. Cái tết oanh liệt nhất của thành Thăng Long, kể từ tết của vua Quang Trung năm Kỷ Dậu. Chúng tôi giữ thành được hơn một tháng, người biến thành chuột, chui rúc, leo trèo, hầm hố, cống rãnh, kẽ ngạch, gầm thang, vừa cố sống vừa chiến đấu.
Chiến đấu! Tiếng hét thất thanh đêm 19-12.
Chiến đấu, tiếng tự nhiên của những tâm hồn can trường, nhưng chiến đấu lại cũng là tiếng ngại ngùng, hỗn hợp, hay có khi sợ hãi, trong những kẽ không ngờ đã biến thành chiến sĩ vào một đêm lịch sử. Này cụ Ký già sở Địa ốc, này ông bác sĩ Th trắng, béo tròn, này em học sinh niên thiếu, giữa buổi họp tối 20, dưới hầm rạp ciné hàng Bạc, trong tia mắt mỗi người đều có cả một cơn sốt rét. Thế nhưng, nhưng đến lúc phải giơ tay xung phong vào những tiểu tổ liên lạc - liên lạc, trên một chiến trường chưa có giới tuyến rõ rệt có là gì khác sự dấn thân vào chỗ chết? Thì bộ chỉ huy cần lập ra bốn tổ liên lạc, lại có cả nghìn người giơ tay. Đến đêm hôm sau, sống chết cũng phải xin lệnh của bộ Tổng chỉ huy, phải phá vòng vây ra ngoài rồi lại phá vòng vây vào trong, cả trung đội tôi đòi đi tất cả.
Những cử chỉ đẹp, xưa nay chỉ đọc thấy trong sách - mà chúng ta vẫn coi là những câu chuyện bịa đặt, nhằm mục đích tuyên truyền giáo lý, những cử chỉ đẹp, đẹp hơn trong sách nữa, luôn từ mấy bữa liền xuất hiện từ những người như Trung, như tôi, đã khiến cho hai giọt lệ chân thành cảm phục phải đọng trên khóe mắt của một bạn Hoa kiều:
- Dì oai ti! Dì oai ti!
Dì oai ti!
Ý ngoại địa, ngoài sức tưởng tượng, người Hoa kiều thốt lên câu nói ấy là phải lắm! Bởi lẽ người Trung Hoa đối với người Việt vốn sẵn có một số định kiến khi rẻ ngấm ngầm, có lẽ do truyền thống để lại. Lẽ thứ hai, bất cứ người Trung Hoa nào, đã lập nghiệp lâu ngày trên đất Việt, đều thấy rõ tính nhút nhát cấu an của đồng bào ta những năm trước kia. Và nhất là sự chia rẽ, tranh quyền cướp vị giữa các đảng phái trong nhà nước, bắt đầu từ mùa thu năm ngoái đến giữa mùa đông năm nay.
Mùa thu năm ngoái tôi đã gởi thư cho Trung, để thuật lại với Trung cuộc Tổng Khởi Nghĩa và ngày tuyên ngôn độc lập. lấy tư cách bạn đối với bạn, tôi chỉ thuật lại những sự kiện mà chính tôi biết đích là sự thật. Cố nhiên có những điều tôi không nói đến, thì có khi vì lâu ngày quên lãng, có khi vì không biết rõ nên đặt ra nhiều nghi vấn. Tôi không muốn vội vàng xét đoán, để tự tôi có thể phạm lỗi lầm quan trọng. Tôi càng không muốn cho Trung hiểu một cách sai lệch những sự kiện có tính chất lịch sử, thành ra bức thư của tôi, tôi nhớ lại, thật chẳng khác gì một bài luận thuyết, nhằm phân tách, trong một khoảng thời gian nhất định, những nguyên nhân của một cuộc chinh biến. Tôi sợ rằng đọc cho hết bức thư, Trung đã phải mệt tinh thần nhiều lắm. Sự khắc khổ này đáng được đền bù.
Hôm nay, trong thư này tôi sẽ kể lại nhiều chuyện lạ. Những câu chuyện ly kỳ, những câu chuyện dăng mắc của cả một năm đấu tranh hoảng loạn. Biết bao nhiêu là chuyện không tiền khoáng hậu, trong đó bất cứ ai cũng có thể thấy mình có quyền lợi phải bảo vệ, mà rồi ra không dễ mấy ai có thể truy nguyên xem chuyện đó vì sao mà xảy ra, và xảy ra rồi kết thúc như thế nào.
Người ta, hơn bao giờ hết, thấy cuộc đời của mình có liên hệ mật thiết với lịch sử. Nếu lịch sử là con đường dài, thì quả thực mỗi người là một khách bộ hành... một người thốt nhiên thấy mình đứng trên đường, bị xô đẩy mà tiến lên phía trước, rồi nhìn lại không thấy nơi xuất phát, không nhìn thấy mục tiêu và càng đi càng không nhận định được vị trí của mình trên dòng lịch sử. Lịch sử từ lúc bà Âu Cơ sinh ra trăm con, hay bắt đầu từ lúc mình giơ tay thề trung thành với một đảng nào đó, năm 1945?
Đảng, ai nhập đảng nấy, trừ những kẻ nhát sợ, hoặc những kẻ quá khôn ngoan, hay đã nuôi sẵn trong đầu óc một ý nghĩ phản bội. Nhập đảng, để phụng sự. Hoàn cảnh rất rõ rệt: Cuộc chiến đấu còn dài, trong khi bộ máy nhà nước chưa vững, sự nhập đảng lúc này ít khi nhằm tư lợi, mà phần lớn ai nấy đều đã linh cảm được sự cần thiết phải có một sức mạnh cho quốc dân, để chống lại sự đe dọa bên ngoài. Vào đảng, nhưng không phải tất cả mọi người đã vào cùng một đảng. Đảng cũ từ chiến khu xuống, từ ngoài Tầu về, đảng mới mọc lên thêm.
Rồi bắt đầu tranh chấp, vì lý tưởng, vì quyền lợi. Đến nỗi người dân vào đảng, những tưởng để chống xâm lăng, nào ngờ từ Lào Cai xuống Hải Phòng, từ Cao Bằng vào Cà Mau, sự tranh chấp đã quyết liệt đến nỗi, trong một năm trời, các đảng phái không nề hà gì không liên kết với một trong những lực lượng xâm lăng để tiêu diệt lẫn nhau.
Sự có mặt của phòng quân Trung Hoa, của Tiếp phòng quân Pháp, mặc dầu vẫn là mối lo ngại, ghê sợ nhất của toàn dân, từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 6 năm 1946, phải chịu kém cuộc đảng tranh về ảnh hưởng quyết định.
Cho nên giai đoạn lịch sử đi liền sau ngày độc lập là một giai đoạn tương tàn trong nội bộ.
Cuộc đảng tranh sẽ mở cửa bể Hải Phòng cho quân Pháp trở lại chuẩn bị tái diễn trò hề bù nhìn. Nhưng cũng cuộc đảng tranh ấy, sẽ nhất định thai nghén ra một nền độc lập thật sự sau này. Đó là những lý lẽ khiến cho tôi muốn thuật lại cho Trung giai đoạn tranh chấp giữa các đảng phái trước, rồi sau mới đến giai đoạn tranh chấp giữa hai đội Tiếp Phòng Quân Việt, Pháp, tức là thời kỳ người Pháp gây hấn để ép người Việt phải nhận một cuộc chiến đấu, theo họ, của quả trứng chọi hòn đá (tôi nhắc lại, tôi thì kể những điều tôi biết một cách chắc chắn, bởi tôi đã sống. Tôi không thể sống tất cả mọi việc xảy ra, trong cùng một năm, trên đất Việt. Cho nên, Trung nhớ nhé, đây chỉ là lịch sử qua sự sống của một cá nhân. Một cuốn tiểu thuyết có tính chất thời sự th
ì đúng hơn. Chúng ta chờ đợi nhiều cuốn tiểu thuyết như thế của nhiều cá nhân, để có pho lịch sử toàn cục).
Để thuật lại cuộc đảng tranh, tôi xin nói ngay cho Trung yên lòng, là tôi có đủ tài liệu để trình bày một cách rõ rệt. Tôi đã viết, trên đây, rằng đa số đồng bào ta gia nhập các đảng phái, vậy trong cái đa số đó tất nhiên có tôi.
Tháng 12 năm 1945, bạn của Trung đã vào đứng trong hàng ngũ một đoàn thể nặng về quân sự, nhẹ về chính trị: Phục Quốc Quân, sau đổi là Phục Quốc đảng, là hậu thân và biến thế của Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh hội của cụ Phan Bội Châu. Sau khi bị thất bại năm 1940-1941 ở Lạng Sơn, Phục Quốc Quân sang Trung Hoa, được tướng Ủy viên trưởng [1] giúp cho phương tiện sinh hoạt và huấn luyện. Một lớp quân sự đặc biệt. Đặc Huấn Ban, trong Liễu Châu cán bộ huấn luyện đoàn [2], được mở ra và dành riêng cho anh em cách mạng Việt Nam, phần lớn trong Phục Quốc Quân.
Năm 1943-1944, để tỏ lòng trả ân với Trung Quốc, và cũng để tỏ ý chí quyết tâm chống độc tài, các cán sinh trong Đặc Huấn Ban đã tự nguyện tham gia các mặt trận kháng Nhật. Sau trận giữ trường bay Trường Sa, Quế Dương, anh em bị tổn thất một số đồng chí. Số còn lại, năm 1945, về đóng từ Lộc Bình lên Đồng Đăng (Lạng Sơn), tuyên bố, một lần nữa, lập tinh chính phủ. Và nhanh chóng ấn định thái độ: Chống Việt Minh, chống Cộng sản.
Phục Quốc Quân, như đã nói, là một đoàn thể nặng về quân sự. Số cán bộ chính trị rất thiếu thốn, nhất là về tuyên truyền. Cho nên tham gia Phục Quốc Quân, bạn của Trung được ủy thác ngay nhiệm vụ ủy viên trưởng tuyên huấn, kiêm chủ nhiệm tờ báo Phục Quốc, phát hành ở Hà Nội (in và phát hành tại số 80 đường Quan Thánh, trụ sở Trung ương của Việt Nam Quốc Dân đảng).
Chú thích:
[1] Tưởng Giới Thạch.
[2] Gọi tắt: Liễu Châu Cán Huấn Đoàn, là một thứ trường võ bị tựa như Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức của ta ngày nay.