Phần Cuối

     hững ngày sau đó, vẫn nằm trên giường, vừa « tập thể dục », Tuấn vừa nghe thấy tiếng radio vọng vào thường hơn. Có thể Dì Hai hay chính Phượng muốn cho anh cùng nghe. Qua tiếng xướng ngôn viên, cũng vẫn người đàn bà có giọng the thé, chanh chua hay vẫn cái giọng đàn ông khê đặc, quê mùa, hay qua những bản nhạc hành quân sắt máu, Tuấn hiểu rằng đang có một xã hội nào đó bên ngoài căn nhà của hai mẹ con Dì Hai. Tuấn nhớ lại câu Phượng đã nói mấy lần « bây giờ mọi sự đã thay đổi hoàn toàn rồi »... và « không dễ như anh tưởng ». Thế thì nhất định phải có cái gì ghê gớm lắm đang xẩy ra bên ngoài những bức tường này và để bảo vệ, cũng như để chuẩn bị tư tưởng cho Tuấn nên cả hai mẹ con Phượng đều tuy mơ hồ, nhẹ nhàng, nhưng quả quyết cho anh hiểu và phòng ngừa. Và xã hội bên ngoài đó cũng phải nguy hiểm thế nào đó cho anh, nên cả hai mẹ con lại nhận anh là bà con, lại dặn dò anh nhận như thế và cho ở trong nhà của họ để chữa chạy, gần như lén lút, vì cửa sổ luôn đóng kín, màn cửa luôn kéo lại, mà không đem đi nhà thương như bình thường phải làm. Tuấn chợt hiểu rằng đó là chế độ Cộng Sản, qua những từ ngữ phát ra từ miệng các xướng ngôn viên kia. Đồng thời một ý tưởng thoáng qua khiến Tuấn suy nghĩ. Cuộc đời, gia cảnh của Tuấn phải có cái gì dính dấp đến cái chế độ Cộng Sản này hay nghĩ ngược lại cái chế độ Cộng Sản này đã gây ra hoàn cảnh của Tuấn hiện nay, vì thế mà mẹ con Dì Hai, vì nhân đạo, cần phải bao che Tuấn. Cái gì đó rất mơ hồ, lảng vảng trong đầu Tuấn từ khi đó. Sự suy đoán này càng khiến cho Tuấn thấy công ơn của Dì Hai và Phượng quá to lớn và càng làm cho Tuấn ra công sức tập thể dục.
Những ngày sau đó, Phượng bằng lòng hết sức vì vết thương rất nặng bên trái thân thể Tuấn đã cho thấy nhiều triển vọng. Phượng cũng ngờ rằng Tuấn đã biết về việc tàn phế của mình, mặc dù cả Phượng cả Tuấn đều không đề cập thẳng đến « phía bên trái nhẹ nhõm » đó bao giờ.
Hôm nay Phượng nghĩ rằng đã có thể tháo gỡ luôn hết băng ra và nói hết sự thật cho Tuấn biết. Tất nhiên sự thật liên quan đến tai nạn gây thương tích trầm trọng cho Tuấn thôi và kết quả của những vết thương đó. May ra qua câu chuyện tai nạn Tuấn có thể nhớ lại những gì về đời anh trước đó. Ngoài ra, thân thế, gia cảnh của Tuấn thế nào, chính Phượng cũng không biết và đang kín đáo truy tầm.
Rồi bắt đầu tập cử động từng phần, sau đến toàn diện. Tuấn là người bệnh can đảm, đã tiến bộ nhiều. Cái chân phải đã co lên duỗi ra tương đối tốt rồi. Cái chân đó sẽ là trụ cột cho thân thể của Tuấn sau này. Mất cánh tay trái đến tận gần bả vai, một vết thương quá khó chữa lành, cả một bên xườn trái bị bầm dập, mất chân trái từ dưới đầu gối, thân thể người bệnh rất dễ mất thăng bằng. Cả phía bên trái đều... hỏng bét. Mọi sự sẽ chỉ trông cậy vào chân phải và tay phải.
Khi đem xác Tuấn về nhà, Phượng và mẹ đã phải khó nhọc bỏ ra hết cả sở học và kinh nghiệm đời mình, với một thân người đầy máu và những vết thương chí tử. Nếu Phượng không là bác sĩ giải phẫu, nếu Dì Hai không phải là cô Mụ khi con son trẻ, nếu không tìm đủ thuốc men cần thiết, lấy cắp của bệnh viện đã sang tay cho chủ mới là ban quân quản Cộng Sản miền Bắc sau ngày 30/04/1975, thì chắc chắn đã không cứu được nạn nhân đó.
Dìu người bệnh ngồi lên, thõng chân xuống mép giường, những giây thuốc đã được dẹp bỏ hết từ ngày trước, Phượng bắt đầu cắt băng. Dì Hai vẫn đứng bên cạnh chứng kiến, phụ giúp.
Tuấn xúc động thật sự, nét mặt tái dần đi và thân người hơi run rẩy khi càng lúc những mảnh vải bị vất xuống cái thau đặt dưới sàn nhà. Phượng vẫn chăm chú làm việc và Dì Hai cũng nén cảm xúc. Chỉ có cái nhìn rất hiền của Dì Hai nói lên hết tấm lòng Từ Mẫu nơi Dì.
Phượng vịn người của Tuấn để anh ngồi cho vững hơn, rồi điềm đạm nói:
- Xong rồi, mẹ và Phượng đã làm hết sức mình để chỉ được kết quả này thôi, nhất là trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, thiếu thốn trăm bề. Anh đừng trách gì Phượng nghe. Anh sẽ tập dùng xe lăn hay nạng hay gậy trước khi Phượng tìm được cho anh cái chân gỗ. Còn cái tay thì hơi khó. Phải chấp nhận như thế vậy. Sau này, biết đâu, khoa học tiến bộ hơn thì có hy vọng nhiều hơn.
Bất giác Tuấn đưa cánh tay phải ra ôm lấy Dì Hai, nước mắt chẩy dài trên má. Tuấn thều thào:
- Con cám ơn Dì Hai, đã cưu mang con.
Dì Hai cũng khóc, mếu máo:
- Con đừng ngại ngùng gì hết, con là con cháu của Dì mà, đừng lo gì hết.
Buông Dì Hai, quay sang Phượng, với cánh tay lành duy nhất còn lại đó, Tuấn cũng ôm lấy người bác sĩ đã can đảm dám thách đố tử thần giữ lại mạng sống của anh, thách đố cả cái xã hội ghê gớm ngoài kia, lén lút chữa chạy cho anh ngay trong nhà của mình. Cả ba cùng khóc, nhưng có thể mỗi người khóc về một lý do riêng, trong một hoàn cảnh chung.
Sự tiến bộ của Tuấn khiến cả nhà yên tâm và rất vui. Tuấn đã được ra khỏi căn phòng người bệnh, nhưng hằng đêm vẫn ngủ ở đấy. Coi như đó là phòng của anh. Cửa sổ vẫn đóng kín với màn kéo lại, theo lời căn dặn của Dì Hai.
Một hôm Phượng đi xích lô về, khệ nệ đẩy cái xe lăn vào nhà, gặp mẹ và Tuấn, Phượng vui vẻ nói:
- Có cái xe lăn thay cái chân cho anh Tuấn rồi này. Phượng vừa thuổng được trong nhà kho của bệnh viện. Mẹ ạ, nhiều thứ bị tịch thu lắm, thuốc men không biết bao nhiêu thùng cạc tông to tướng, dụng cụ y khoa, xe lăn, giường phản, tủ gỗ, tủ lạnh, máy lạnh, máy đánh chữ, bàn ghế, bếp ga, linh tinh hầm bà lằng trong đó, chẳng biết chúng cướp ở đâu, nghe rỉ tai sẽ đem ra Bắc. Con bèn lấy cái xe lăn, hơi cũ nhưng vẫn còn tốt. Con nhỏ cán bộ thủ kho bắt con làm giấy xuất kho, bắt cho lý do, cũng may con ỷ là bác sĩ giải phẫu của bệnh viện nên con ghi ngay là cho bệnh nhân bị trọng thương vì đạp phải mìn khi đi lượm đồ phế thải. Gì chứ vụ đạp phải mìn hay lựu đạn nổ trong các bãi rác, làm nhiều người lớn và trẻ em bị thương, thiếu gì. Cả nước kẻ đi tù, người đi kiếm miếng ăn, trẻ em cũng moi rác để sống còn, chết hay bị thương vì mìn, vì lựu đạn, vì miểng chai là chuyện cơm bữa. Đem vào nhà thương hàng ngày. Nó đã làm xong giấy xuất kho rồi, chỉ là tờ giấy trắng nó viết vớ vẩn trong đó chứ có phải sổ sách thứ tự gì đâu, chỉ còn có việc đưa cho mình, thì nó giở quẻ, nó bảo tài sản này là của nhà nước rồi, không thể phân phát cho nhân dân. Con biết ngay là nó vòi tiền, biết điều dúi cho nó chút đỉnh, nó xé vụn ngay tờ giấy xuất kho, thế là xuông xẻ. Lúc sau này, con biết thế nào là thủ tục đầu tiên. Chỗ nào không có thì chỉ dài cổ ra mà đợi thôi.
Cái xe lăn từ ngày đó, thay hai cái chân của Tuấn. Hàng ngày, ở trong phòng của mình, Tuấn vẫn ráng tập đi bằng chân, tránh ỷ lại vào cái xe lăn. Hàng ngày đi làm về Phượng vẫn thăm lại những vết thương, vẫn chăm chú hỏi han về sức khoẻ và cách tập của Tuấn. Hàng ngày Dì Hai cũng vẫn làm cơm cho Dì và Tuấn ăn buổi trưa và cả Phượng về ăn tối với gia đình. Qua cái radio, Tuấn biết bên ngoài là một xã hội khác, xa lạ với Dì Hai, với Phượng và với rất nhiều người, chắc chắn là với toàn thể dân Việt Nam. Nhiều lần thấy Dì Hai đi chợ về mà bực tức, hay thấy Dì Hai tắt phụt cái radio đi, không thèm nghe tiếp tin gì đó đang do cái giọng chua như giấm réo lên. Nhiều buổi tối thấy Phượng về nhà với vẻ mặt buồn buồn, thiểu não hay ngồi tư lự. Tuấn nhận thấy mỗi ngày Phượng mỗi gầy đi, héo hon hơn và Dì Hai già đi hơn và che dấu nỗi lo lắng hay bực tức vụng về hơn trước.
Ngoài thì giờ tập thể dục, Tuấn tha thẩn trong nhà. Cái radio nếu Dì Hai không vặn lên thì Tuấn không cho phép mình rờ tới. Thuờng thường Dì Hai chỉ vặn lên vào bữa ăn trưa. Buổi tối có Phượng thì hễ chưa tắt thì Phượng tắt ngay để chỉ nghe Phượng kể chuyện nhà thương và cảnh sống bên ngoài. Nhờ thế mà Tuấn biết bên ngoài căn nhà cuộc sống rất khó khăn cho rất nhiều người, có thể nói cho toàn thể người dân Miền Nam và rất khó thở cho những người trí thức như Phượng. Nhưng nhờ thế mà Tuấn vui hơn là chỉ nghe qua radio, với tin tức mình và tin một chiều hoặc ca tụng đảng hết nước bọt. Nhưng ngày dài quá với một người không thể làm gì với thân thể tàn phế, vì thế Tuấn cảm thấy buồn, nhất là vẫn chưa nhớ lại được tí gì về gia cảnh mình.
Rồi một lần anh hỏi Dì Hai có sách báo gì cho anh đọc không, thì Dì nhìn trước nhìn sau, mặt lộ vẻ lo ngại. Tuấn ngạc nhiên, nhưng không dám hỏi han thêm.
Vài ngày sau thì Dì Hai thì thầm:
- Con muốn đọc sách phải không? Dì đã hỏi ý Phượng rồi, Phượng bằng lòng. Để Dì leo lên trên kia lấy xuống vài cuốn. Con làm sao lên trên đó được. Xem xong trả ngay cho Dì, để cất đi ngay. Con biết không nhà nước này không cho mình giữ ba cuốn sách ngày xưa đâu, họ gọi là sản phẩm đồi truỵ của mỹ nguỵ, phải thu lại hết rồi họ đốt hết con à. Cả các băng hay bản nhạc nữa. Tóm lại cái gì thuộc cuộc đời ngày xưa là phải vất đi hết. Dì Hai và Phượng phải đem dấu dưới mái ngói, mới thoát bị tịch thu đó con. Chỉ đem nộp một số sách, báo, băng nhạc, đành phải hy sinh một ít vậy, gọi là cho có như thiên hạ đó mà con. Những sách y khoa giá trị thì mình ráng giữ lại chứ, ai mà ngu đem nộp cho chúng đốt.
Tuấn nghe nói thế thì sững sờ vội từ bỏ ý định đọc sách ngay. Chẳng ngờ xã hội thay đổi ngu xuẩn như thế và chẳng lẽ để bà cụ bẩy mươi tuổi leo thang lên sát mái nhà để lấy sách xuống cho mình đọc rồi lại đem lên dấu chỗ cũ. Cũng chẳng nỡ để Phượng phải lo chuyện này.
Vào một buổi chiều Phượng được nghỉ, Phượng và Dì Hai đang ngồi rù rì nơi phòng khách, thì Tuấn vịn cái xe lăn mà nhẩy lò cò tới gần. Phượng reo lên giọng thật vui mừng:
- Trời ơi, anh Tuấn giỏi quá này. Thế thì Phượng lại phải đi tìm ngay xem có cái nạng hay chân gỗ nào không, may ra còn sót trong nhà kho bệnh viện. Đâu anh làm lại cho Phượng xem có nguy hiểm gì không đã. Cái chân phải của anh bị dập xương, nên bây giờ, nhẩy lò cò trên đó, có hại gì không đã.
Tuấn ngoan ngoãn biểu diễn lại. Phượng dặn dò:
- Thử thôi nghe, anh đừng làm hàng ngày như vậy nghe. Lỡ xương còn yếu, ăn uống lại chẳng có gì tẩm bổ, mà gẫy trở lại thì hết cách cứu đấy.
- Không, chỉ có hôm nay tôi mới thử cho Phượng thấy thôi, để xem tình hình này, thì tôi đã có thể dùng nạng được hay không mà thôi. Tôi tránh dùng xe lăn.
- Anh nói đúng, tránh dùng xe lăn nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Để Phượng lo chuyện cái nạng cho anh. Nhưng phải kiên nhẫn xếp hàng cả ngày, xã hội chủ nghĩa mà, và phải sửa soạn thủ tục đầu tiên nữa.
Ít lâu sau, Tuấn có một cặp nạng gỗ khá tốt.
Tuấn không lạ lùng gì với những từ ngữ lạ lùng này nữa. Phượng và Dì Hai đã cho biết đại khái, nhưng qua cái « đài » Tuấn quá hiểu dân tình ngoài kia đã phải sống với những thủ tục kinh tởm như thế mới hòng sống còn. Tuấn cũng đã biết trong thời gian mình chết đi sống lại trên giường bệnh, thì thanh niên, nhất là các quân nhân, hay dân sự làm việc trong chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, đã thật thà đi trình diện, nhưng bị lừa gạt hết, tức là gần cả nước cũng khốn đốn trong các nhà tù. Cho đến nay là một năm trời, mà có gia đình vẫn chưa có tin tức gì của người thân bị tù. Họ bị đưa đi đâu, sống chết thế nào, chẳng ai biết, chẳng có một chút thông tin.
Càng biết Tuấn càng thấy mình vẫn còn có phúc lớn. Càng biết về xã hội mới này, Tuấn càng thấy mình gần gũi với cái gì đó mình đã đánh mất. Trong những bữa cơm trưa với Dì Hai, qua những mẩu chuyện không đầu không đuôi, Tuấn có cảm giác những gì được kể có cái gì liên quan đến mình, như cảnh những người lính VNCH, tử thủ ở cầu xa lộ, như chuyện vài tướng lãnh đã tuẫn tiết để bảo toàn trách nhiệm và danh dự của người quân nhân quân lực VNCH, trong khi có nhiều thượng cấp khác lại bỏ chạy từ trước khi địch quân đến gần. Những câu chuyện của Dì Hai như giọt nước len lỏi trong khối óc mù sương của Tuấn. Đôi khi Tuấn có cảm tưởng nhớ ra được điều gì, nhưng nó quá mong manh, nên không thể nắm bắt lấy được.
Bỗng nhiên, Phượng nhìn Dì Hai, ngần ngừ như muốn gì đó, rồi Phượng nhỏ nhẹ:
- Anh Tuấn này, Mẹ và Phượng có chuyện này muốn nói với anh. Định nói từ lâu, nhưng nghĩ lại thì nên để anh khoẻ mạnh thật sự đã, vì cũng chẳng gấp gì. Nay anh đã... nhẩy lò cò được rồi, lại dùng nạng nhanh nhẹn rồi, thì chắc là đúng lúc thôi. Anh ngồi xuống đây đi đã, vì câu chuyện này khá dài.
Vừa nói Phượng vừa rót nước trà vào tách và đẩy về phía Tuấn cũng vừa ngồi vào cái xe lăn, hồi hộp đợi:
- Đó là tối 29/04/1975 tại bến tầu bên Khánh Hội.
Phượng nói thật rõ từng tiếng và nhìn thẳng vào mặt Tuấn, thấy anh chớp mắt. Phượng lại từ tốn, giọng rất nhẹ nhàng, hơi nhuốm xúc động, nhưng vẫn rõ ràng:
- Phượng cùng năm người trong gia đình người anh bà con là trung tá hải quân dự tính ra đi trên chuyến tầu dời Việt Nam tối ngày 29/04 đó. Thật ra có bốn người là bà con, người kia là anh Trung, ý trung nhân của Phượng. Anh ấy cũng là bác sĩ, nhưng là đại uý bác sĩ quân y. Vô tình nhóm của Phượng chạy gần với nhóm của một gia đình đông người hơn. Chạy ở phía sau một chút nên Phượng để ý đến họ hơn, vì nhóm đó có nhiều trẻ con và đàn bà, chỉ có một người đàn ông thôi, cả nhóm đó chạy theo một người lính mặc quân phục. Tuy nhiên không nhìn rõ ai với ai, vả lại không quen biết nhau. Trời tối lắm, đèn đường, đèn bến tầu cũng tắt ngóm hết. Đạn bay vèo vèo trên đầu, nên mạnh ai nấy chạy lấy thân. Một tiếng đại bác nổ, nhiều người bị thương, khóc la rầm trời. Nhưng nhóm của Phượng an toàn. Sau đó, vì toàn là người trẻ, khoẻ mạnh, nên nhóm Phượng chạy vượt qua nhóm gia đình đông con kia, Phượng cũng biết họ thoát chết khi phát đạn đại bác đầu tiên nổ, vì nghe họ kêu gọi nhau rồi mừng hú lên vì thoát chết cả nhà. Ít lâu sau, lại một quả đại bác thứ nhì nổ lớn hơn trái trước. Cả hai nhóm cùng bị trúng ngay tầm rơi của quả đạn oan nghiệt đó. Cả gia đình người bà con và ý trung nhân của Phượng đều chết hết. Chết tan xác, ngay trước mắt Phượng.
Phượng đưa tay bụm miệng giữ lại một tiếng nấc. Nước mắt âm thầm chẩy. Dì Hai cũng chậm nước mắt với cái khăn tay thường dắt trong túi áo cánh. Tuấn hơi nhúc nhích người trên cái xe lăn. Dì Hai đưa cho Phượng tách nước. Phượng uống nước nhưng nước mắt vẫn chẩy dài xuống má, lặng lẽ, rồi lại nghẹn ngào tiếp:
- Chỉ có một mình Phượng, chẳng hiểu vì sao, nhờ phép lạ nào, lại sống sót và... lành lặn, không bị thương tích gì trầm trọng cả. Nhưng ngay khi đạn nổ thì chưa biết mình sống. Nằm dưới đất, rất may có những thân người, chẳng biết khi đó họ còn sống hay đã chết, ngã đè lên người, nhờ thế mà Phượng không chết, cũng nhờ thế nên không bị người ta chạy loạn đạp vào mình. Phượng nhìn thấy gia đình đông trẻ con kia cũng có người bị trúng đạn. Chẳng biết sống chết thế nào. Một số người của gia đình đó, đàn bà và một hay hai đứa nhỏ, được một người đàn ông ôm vất xuống xuồng, rồi họ cũng nhẩy xuống. Rồi chiếc xuồng đi mất. Chắc chắn nó đi ra cái tầu hải quân to lớn đậu khá xa bờ. Tiếng gào la, tiếng rên xiết vì bị thương, tiếng gọi tìm nhau náo loạn hết bến sông. Khi đó làm như bản tính sinh tồn thúc đẩy, Phượng chỉ mong chạy ra rồi nhẩy xuống bơi theo chiếc xuồng vừa tách bến, nhưng người cứ nhũn ra, cứ mở mắt nhìn mà không hành động được. Làm như tê liệt vậy. Lại mong có ai vất mình xuống chiếc xuồng kia để được ra đi như những người khác. Chợt nghĩ đến anh Trung và gia đình ông anh họ bị nạn, chưa biết sống chết ra sao, Phượng hết cả hồn viá. Vội lồm cồm bò ra khỏi chỗ nấp. Kiểm soát lại thân thể, thấy chỉ bị thương sơ sài, mừng quá, Phượng lần tìm gia đình và anh Trung. Nhưng chỉ còn thấy một bãi thịt vụn bầy nhầy lún dưới đáy cái hố do đạn đại bác nổ làm ra, lẫn với đất cát, sỏi đá khu bến tầu. Phượng khóc hết nước mắt. Còn lại một mình trên bến sông vắng, tanh mùi máu người, khét mùi thuốc súng. Chẳng biết làm sao với ngần ấy xác thân nhân đã rã vụn, Phượng vội lấy hai tay cào đất chung quanh lấp cái hố đó lại cho đến khi tạm che đi hết. Phượng lại ôm lấy khu đất cát vừa lấp đó mà khóc một hồi nữa. Vái lạy xong rồi thất thểu tìm đường về nhà.
Trời vẫn tối om. Thế rồi nghe êm dần êm dần. Người chết thì im lìm, người bị thương thì lịm đi, kẻ sống sót thì vội vã tìm cách chuồn về nhà, may ra nhà cửa vẫn còn, chưa bị kẻ cướp phá phách, khuân hết đồ đạc đi hay bị chiếm ngụ. Bến tầu khi đó vắng tanh một cách lạ lùng. Tiếng đạn vẫn đì đùng quanh đấy. Trước đó chắc là VC biết được có chuyến tầu ra khơi từ đây nên chúng rót đại bác vào. Nay con tầu đã đi khỏi, VC lại quay súng về phía khác chăng? Sau khi đã vái lạy, đang lúc sắp dời ngôi mộ vun tạm, Phượng bỗng nghe tiếng người rên. Trách nhiệm của một bác sĩ dấy lên, Phượng quên cả sợ hãi, vội cúi tìm trong đám xác người còn nằm rải rác nơi bến tầu xem ai bị thương thì sẽ giúp người ta. Trong đám xác nằm lây lất đó, Phượng tìm thấy anh. Chính là anh Tuấn đấy. Anh ngất đi rồi tỉnh lại, nên mới rên lên vài tiếng đúng lúc Phượng cũng kịp nghe thấy. Rồi anh lại ngất đi. Rất may là khi di tản, vì là bác sĩ, Phượng mang theo trên người túi thuốc men, có vài thứ cần thiết cho việc cứu thương. Tức tốc Phượng lo cấp cứu anh ngay tại bến sông đó rồi chạy kêu xe xích lô đưa anh về nhà này. Rất may còn có một bác xích lô tốt bụng chịu chở người bị thương gần chết trên xe. Máu me đầy cả xe.
Phượng lại khóc. Bây giờ không phải một nữ bác sĩ quả cảm nữa mà chỉ là một thiếu phụ vừa mất người yêu, cuộc tình chấm dứt quá đột ngột, tức tưởi, trong lúc hy vọng nhiều nhất. Dì Hai lên tiếng:
- Trong đêm gần sáng nghe gõ cửa sau, Dì biết ngay việc bất thành rồi, nên cẩn thận hé mở, vì đã dặn dò nhau trước khi ra đi, nếu thất bại thì sẽ gõ mấy tiếng ở cửa sau. Mở cửa ra rồi mới hết cả hồn vía vì không ngờ Phượng trở về một mình với cái xác đầy máu. Mà lại không phải anh Trung, hay ai đó trong gia đình. Dì cũng thiếu điều muốn xiủ luôn vì thương tiếc gia đình bị nạn quá đau thương. Chết tan xác, chôn vùi vội vàng đâu đó trong lúc chiến tranh sát bên rồi, thì làm sao mà lấy xác về kịp để mai táng. Hai mẹ con cứ rối beng cả đầu. Lại mang người trọng thương về nhà, mà không đem vào nhà thương, bỏ đó cho nhà thương lo. Phượng nói không cứu ngay, thì chắc chắn người ta sẽ chết. Nếu bỏ vào nhà thương, giờ phút này làm gì còn ai trong đó mà chữa chạy. Đa số bác sĩ, cả y tá cũng ra đi rồi. Chính Phượng là bác sĩ cũng đã tìm cách ra đi, còn trách gì ai nữa? Chỉ còn bệnh nhân với nhau thôi. Thật ra cũng vẫn còn bác sĩ, y tá, trong nhà thương, nhưng chắc cũng ngập đầu ngập cổ vì nạn nhân nhiều vô số kể. Thôi thì ráng cứu người trọng thương ở ngay nhà mình vậy.
Phượng đã thôi khóc, kể tiếp với giọng đầy nước mắt:
- Từ đêm 29/04/1975 đó anh hôn mê luôn. Những ngày sau đó, thì anh biết rồi. Phượng hy vọng câu chuyện này sẽ khiến anh dần dần nhớ lại và anh sẽ tìm ra tông tích của chính anh. Một năm đã trôi qua, rất nhiều thay đổi, quá nhiều thay đổi đối với toàn dân miền Nam, nhưng với anh thì càng quan trọng hơn vì anh không thể tự bảo vệ được. Phượng không biết anh là ai, có là quân nhân hay làm việc trong chính quyền cũ hay không, cấp bậc gì hay làm nghề nghiệp gì trong xã hội trước. Nhưng càng dính dấp đến chính quyền cũ, mà bây giờ họ, người Cộng Sản, gọi là « nguỵ quyền » thì càng khổ, nên càng phải kín đáo. Nếu trước đây là quân nhân, họ gọi là « nguỵ quân », thì càng... mau chết. Từ khi họ vào chiếm đất mình, họ kêu gọi trình diện để học tập cải tạo, nhưng thật ra là đi tù. Tất cả quân nhân nếu là cấp nhỏ, thì học ba ngày, sĩ quan thì đi « học tập » một tháng. Nhưng cả năm rồi, chưa thấy ai về hết, cũng bặt tin tức về họ luôn rồi. Từ nay trở đi, khi nào khoẻ hơn, có thể đi ra bên ngoài, anh nên cẩn thận, cẩn thận tối đa. Phượng sẽ lo cho anh giấy tờ tuỳ thân mới, anh vẫn mang tên họ mà anh vừa nhớ lại, nhưng nghề nghiệp, tuổi tác, địa chỉ sẽ không phải như anh sẽ truy tìm ra được, vì thế nếu muốn truy tìm tông tích mình, anh nên kín đáo. Họ có thể đến đây bắt anh đi bất cứ lúc nào. Họ sẽ không tin là anh... mất trí nhớ. Họ cho rằng anh giả bộ để trốn trình diện, trốn không đi « học tập cải tạo », thì tội càng nặng lắm. Với tội này, không ai có thể cứu anh được nữa, vì một là bị đưa ngay vào trại tù ngoài Bắc, càng sương lam chướng khí càng chết sớm, hai là gặp cán bộ tàn ác thì lãnh đạn ngay. Anh nên biết rằng, ngay cả với người già lão, phụ nữ hay trẻ nhỏ, họ cũng không nương tay. Họ chủ trương « bắt lầm còn hơn tha lầm ». Anh nên làm cho già hơn, tàn tật hơn, yếu đuối hơn nếu đi ra ngoài. Và càng ít nói năng, càng tốt cho anh. Tốt hơn hết là cứ làm như khờ khạo.
Tuấn ngồi im lặng gần như thành kính nghe câu chuyện về một mẩu đời mình và nghe kể về xã hội mà anh bỗng nhiên phải chấp nhận, mà tưởng như nghe kể về một cơn ác mộng. Câu chuyện thật cảm động, nhiều lúc làm cho Tuấn hồi hộp, rùng mình và muốn khóc. Sao bây giờ Tuấn nhận thấy mình dễ chẩy nước mắt đến thế. Nhất là lúc kể có người nào vất người đàn bà và hai đứa bé xuống thuyền. Mặc dù không chứng kiến, vì khi đó Tuấn đã ngất đi vì bị trúng đạn, nhưng hình ảnh đó khiến anh vừa đau thương vừa vui mừng vì theo lời Phượng kể thì họ đã được xuống chiếc xuồng để ra cái tầu hải quân, tức là có thể họ đã ra đi được, hình ảnh đó cứ lẩn quẩn trong đầu anh. Chắc là vợ con anh chứ ai nữa? Theo lời kể thì ba nhân vật đó ở trong nhóm có Tuấn.
Thật ra, ngay từ khi thỉnh thoảng trò chuyện với Dì Hai, trong những mẩu chuyện tưởng như không liên quan đến, qua những tin tức từ cái radio, Tuấn đã mơ hồ lắp ráp lại thành cuộc đời mình trước khi nhà cầm quyền mới này chiếm miền Nam. Tuy nhiên hình ảnh chạy loạn nơi bến tầu, tối ngày 29/04/1975, hình ảnh nhóm người có đông con nít, hình ảnh người đàn bà và hai đứa nhỏ được ai đó vất xuống thuyền ra khơi, tất cả, vẫn chỉ là những nét đại cương, còn chi tiết rõ rệt về lý lịch, gia cảnh mình, vẫn là khối sương mù trong óc Tuấn. Nhưng có một điều làm Tuấn suy nghĩ lâu nay. Tuấn là ai, làm gì trước đây, không quan trọng bằng, vợ con anh là ai, nay ra sao, còn sống hay đã chết, nếu sống thì hiện đang ở đâu, kẹt lại Sài Gòn như Phượng, hay đã thoát ra xứ ngoài rồi, thì cũng ở đâu. Điều đó mới thật cần thiết cho Tuấn. Nếu biết vợ con đã yên ổn nơi xứ người, xứ tự do dân chủ, thì Tuấn chẳng còn thắc mắc gì nữa. Thân thế của anh ư? Cần gì nữa khi ngày nay Tuấn chỉ là một phế nhân? Anh tự nhủ, nếu có truy tìm tông tích mình cũng chính là để phanh phui ra vết tích vợ con anh mà thôi. Nếu biết vợ con còn sống và được sống tự do, ở xứ ngoài, thì Tuấn sẽ không bao giờ liên lạc nữa, tránh làm xáo trộn cuộc sống đã an bài của họ. Đó là mục đích của anh hiện nay. Ngoài ra Tuấn còn cái ơn cứu tử phải trả. Trả bao giờ và bằng cách nào, với tấm thân tàn phế và tầm gửi như bây giờ, Tuấn chưa có câu trả lời.
Phượng đã hết khóc hẳn, vết nước mắt còn ngấn dài trên hai má, mi mắt còn mọng nước, Phượng u buồn thương hại liếc nhìn khuôn mặt Tuấn tái đi vì đau thương và mang vẻ bất lực. Cả ba người lặng đi một hồi lâu, bỗng Tuấn từ tốn lên tiếng:
- Một lần nữa, xin cảm tạ tấm lòng bác ái của Phượng, xin cảm tạ tình thương của Dì Hai. Tôi nghĩ câu chuyện này, sẽ giúp tôi nhớ lại cuộc đời trước đây của tôi và tuy sẽ kín đáo truy tìm tông tích mình, nếu có tìm ra, tôi sẽ xin giữ kín mãi trong thâm tâm mà thôi. Xin Dì Hai và Phượng xem như tôi trước đây đã chết rồi, tôi ngày nay là một con người khác, với cuộc sống khác, trách nhiệm khác. Tôi xin hứa như thế.
Nước mắt của Dì Hai và Phượng lại chẩy ra, cả hai người cùng đột nhiên nắm lấy bàn tay phải, bàn tay duy nhất của Tuấn. Một cái gì ấm cúng vừa được ba người chuyền cho nhau.
Từ khi Tuấn, dù bằng xe lăn hay vịn bàn ghế, sau đó dùng nạng di chuyển được trong nhà một cách thuần thục, Tuấn thèm được ra khỏi nhà. Giá mà được đi một vòng nhìn thành phố thì thoả tò mò biết bao. Dù sao thì cũng là xã hội mà Tuấn bắt buộc phải sống, Dì Hai hay Phượng không thể bảo bọc Tuấn mãi được. Phải tự mình trang bị cho mình cái hành trang cần thiết. Xã hội càng khó khăn, càng cay nghiệt, mình càng phải chuẩn bị kỹ lưỡng.
Một hôm Tuấn ngỏ ý với Dì Hai và Phượng. Cả hai người nhìn nhau, do dự giây lát rồi đồng ý, nhưng dặn dò:
- Anh chỉ nên đi đâu gần nhà đã, vài lần cho quen với... hàng xóm, với không khí, với đường xá bên ngoài đã nghe. Để Phượng đưa cho anh giấy tờ tuỳ thân. Với hàng xóm thì không ngại lắm, vì đa số trốn đi ngoại quốc hết rồi, khu vực này gần như đã bị cán bộ chiếm ở hết cả, thành thử họ không biết rằng anh mới đến ở đây. Nhưng lại nên cẩn thận về khiá cạnh khác, họ là người Cộng Sản, họ dễ nghi ngờ và họ có thế lực.
Phượng chạy đi lấy giấy tờ và trở lại dặn dò thêm:
- Anh mồ côi, thọt chân vì bị bịnh, được Cô Mụ Hai là dì họ nhận làm con nuôi từ nhỏ, vì Cô Mụ Hai không có con trai. Trước ngày « giải phóng », anh là giáo sư Pháp văn trường tư thục Văn Lang gần đây, vì có tật nên không phải đi lính. Trong những ngày « quân đội giải phóng » tiến chiếm Sài Gòn, anh bị tai nạn xe gắn máy, bị thương nặng, phải cưa mất chân trái, mất tay trái, nên anh không thể đi trình diện tại trường cũ và bây giờ anh chưa làm việc gì được cả. Hiện tại vẫn ở nhà Cô Mụ Hai như từ xưa tới nay. Đây là giấy nhập viện và xuất viện, tức là nhà thương Bình Dân. Còn đây là cái chứng minh nhân dân, bây giờ gọi như thế thay vì gọi là thẻ căn cước. Trong giấy này, có ghi nghề nghiệp của anh trước đây, tức là giáo sư và địa chỉ nhà này. Phượng căn dặn hờ vậy thôi, vì có thể công an hay ai đó tò mò hỏi han, để anh biết đường mà trả lời. Có thể người ta nghi anh là « lính nguỵ », trốn đi học tập cải tạo, nói theo mình thì là đi tù, như rất nhiều, có thể nói là toàn thể thanh niên dính dấp đến chính quyền cũ. Nhưng thứ nhất anh tàn phế, thứ nhì là công an phường này tương đối nể Phượng, vì bác sĩ lâu lâu chữa miễn phí giúp những ai đến đây nhờ chữa, tất nhiên có gia đình công an nữa. Hay là thế này, hôm nào rảnh hơn, Phượng đưa anh đi một vòng Sài Gòn, bây giờ là thành phố HCM. Anh ngồi thử sau xe honda coi có được không, nếu không được, thì anh đi xe xích lô, Phượng đi honda bên cạnh. Phượng hơi e ngại để anh đi một mình. Bây giờ thấy ghê lắm anh Tuấn ơi. Chừng nào quen hơn, anh tha hồ đi một mình. Nhưng đi đâu, anh cũng nên có tí tiền trong người, lỡ khi...
Tuấn đồng ý với đề nghị đi chung. Nhưng cả hai đi bộ loanh quanh gần đây đã.
Sau vài lần đã quen, Phượng để Tuấn đi một mình. Nhà này ở đường Trần Quang Khải, Tân Định. Lần này, Tuấn đổi hướng, không đi về phiá đường Hai Bà Trưng hay phía Phú Nhuận nữa, mà đi về phiá Đakao. Vừa đi ra tới đầu đường Hiền Vương cũ, chân Tuấn như tự động rẽ sang đường Đinh Tiên Hoàng, rồi tự động rẽ sang một đường nhỏ hơn nữa, người Tuấn run lên bần bật, phải đứng tựa vào cột đèn gần đấy. Con đường này Tuấn không lạ lùng gì cả, căn nhà nhỏ kia, vẫn còn cây khế che rợp cái sân con con phía trước, cũng không lạ lùng gì hết. Đó là mái ấm của vợ chồng anh ở thuê, trước khi bọn « giải phóng » này tràn vào chiếm miền Nam. Tuấn bỗng nhớ lại hết, hết tất cả cuộc đời ngày trước khi bị nạn. Nhớ lại hết tất cả lý lịch mình, cả tên tuổi vợ con, cả nhà cha mẹ, cả các em và cả các bạn. Những giọt nước mắt tự do rơi trên mặt, Tuấn lại khóc một cách dễ dàng. Mặc kệ, rồi Tuấn cứ ngẩn ngơ khóc, bàng hoàng và bơ vơ khóc. Đồng thời một nỗi ân hận quặn thắt tâm can. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng, nếu là người theo thiên chúa giáo sẽ phải đấm ngực mà than trách như thế. Thật là một sai lầm vĩ đại. Có thể nào vợ con Tuấn tha thứ cho anh không? Nếu như họ chết, thì cái tội của Tuấn còn nặng đến kiếp nào mới trả cho hết? Nếu như họ sống, tự do, đâu đó, tại Pháp, tại Canada, tại Úc hay tại Hoa Kỳ, họ có còn nhớ tới anh không, và nhớ tới thì tình cảm ra sao? Oán trách ư? Đáng lắm. Thương tiếc ư? Có xứng đáng hay không? Lý tưởng? Cái mớ lý tưởng của anh đem đến kết quả này đây, chính anh là người đã trả một giá quá đắt vì cái lý tưởng đó, và vợ con anh là nạn nhân đến hai lần, nạn nhân của cái lý tưởng của anh và nạn nhân của bọn Cộng Sản khát máu đang ngự trị ngay đây. Những bà bán hàng và khách ăn uống xô bồ, đầy nghẹt trên lề đường ngay gần đó nhìn thấy Tuấn đứng tựa cột đèn mà khóc, một người đàn ông tàn tật và tiều tuỵ đang khóc lóc, nhưng làm như quá quen với mọi thảm cảnh của người chung quanh, nên nhìn thấy mà chẳng ai tỏ vẻ thương cảm. Chẳng ai hơi đâu thắc mắc. Nếu thắc mắc, chắc là sẽ dài dài... Ngày nay, ở Việt Nam Xã Nghĩa đã có biết bao cảnh khóc dở mếu dở như thế. Chính những người bán quán hay những khách đang ăn kia cũng có vui gì? Họ cũng là nạn nhân, cũng đang tìm quên trong miếng ăn qua ngày, hay trong việc buôn bán nhì nhằng kiếm sống... vì họ cũng đang mất nhà, mất của, mất công ăn việc làm, mất người thân, mất tương lai. Họ cũng đang héo úa tâm can, vật vờ tìm cách sống còn trước nanh vuốt của kẻ bạo tàn mà thôi, chẳng khác gì Tuấn hay Phượng...
Những ngày sau đó, ngày nào Tuấn cũng đi, cứ sáng đi, chiều mới bải hoải về nhà. Dì Hai và Phượng đều tỏ vẻ lo ngại vì Tuấn càng về trễ hơn những lần dạo phố trước.
Cả hai người đều để ý thấy Tuấn càng lúc càng đi xa hơn và lâu hơn. Họ biết Tuấn đi tìm tông tích mình mà thương vô ngần, nhưng không cách gì giúp được. Phượng, với tư cách một bác sĩ, nghĩ rằng, phải để cho Tuấn đi ra ngoài như thế, đụng chạm với xã hội, với khung cảnh, mới mong gợi lại cho Tuấn kỷ niệm nào đó, như thế có cơ may Tuấn tìm lại được trí nhớ. Gặp nhau buổi tối, Phượng chỉ hỏi qua loa, không dám tò mò nhiều. Tuấn cũng tóm tắt qua loa, đi những đâu, làm gì mà hết cả ngày... và Tuấn giữ y lời hứa, không cho biết đã tìm ra thân thế mình và đã nhớ ra gia cảnh mình.
Lần này trở về nhà, thì đã tối hẳn. Phượng đã đi làm về. Tuấn trầm ngâm ngồi vào bàn ăn với mọi người. Gần hết bữa, Tuấn lên tiếng:
- Thưa Dì Hai, Phượng ạ, sau nhiều ngày tháng đi ra ngoài, nhìn đời sống mới, nhìn cảnh cũ cảnh mới, tôi nghĩ chẳng cần tìm lại cái tôi trước đây làm gì nữa, vô ích. Việc thiết thực nhất là tính tới tương lai. Tuấn cười chua chát. Tôi muốn nói tương lai của Phượng và Dì Hai. Phượng nên tìm cách đưa Dì Hai đi đi. Tôi thấy hiện nay, người ta lén lút tổ chức vượt biển, lại nghe nói tới cách ra đi bán chính thức nữa. Chắc Phượng hay Dì cũng biết là ra đi thế nào, nhà nước này đuổi người Việt gốc Hoa đi, để chiếm tài sản của người ta, để che đậy sự tham tàn này, bèn bầy ra vụ đi bán chính thức, ra điều mở cửa tự do cho người gốc Hoa ai muốn đi thì đi. Họ ra đi, nhà nước này lợi đủ mặt. Chúng ta nên nghe ngóng nơi này nơi khác, dò la xem có nơi nào khả dĩ tin tưởng nổi thì Phượng nên đi theo người ta đi. Làm sao sống mãi như thế này được? Tương lai của Phượng không có ở nơi này đâu. Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi, Phượng phải tìm đường mà đi thôi.
Phượng và Dì Hai giật nẩy mình, nhìn nhau ngỡ ngàng. Cứ tưởng Tuấn đi tìm chính mình. Chẳng ngờ Tuấn lại có ý nghĩ đó.
- Phượng có nghe phong thanh thiên hạ rì rầm như thế. Nhưng Dì và Phượng sẽ không đi nếu anh không đi cùng.
- Nhưng tôi làm sao mà đi được? Vả lại đi cũng chẳng làm được tích sự gì nữa, Phượng đừng nghĩ phải có bổn phận hay trách nhiệm với tôi. Dì Hai và Phượng đã lo cho tôi hết sức rồi, không thể vì tôi mà chịu chết nơi đây. Dì Hai cũng thế, con xin Dì đừng vì con mà không khuyến khích Phượng.
- Anh nói lạ quá, anh Tuấn. Phượng cứu anh sống, thì Phượng có bổn phận và trách nhiệm với anh chứ? Nếu Phượng bỏ anh chết bên bờ sông, thì không nói gì nữa, nhưng... chẳng lẽ đã cứu sống rồi bây giờ lại vất cho anh chết à? Anh cho rằng tàn phế, nên anh không đi, thế anh ở lại với ai? Ai lo cho anh? Không có anh Phượng không đi đâu cả. Giọng Phượng bỗng trở nên giận dữ.
- Tôi phải tự lo cho tôi chứ. Bây giờ tôi tự lo được rồi. Dì và Phượng đừng lo cho tôi. Ở đây lâu hơn sẽ chết hết. Không được đâu, phải nhân dịp này đi cho nhanh. Những dịp như thế này, không có lần thứ nhì đâu.
Tuấn nghĩ đến cái sai lầm vĩ đại của mình đã qua. Cũng chỉ vì Tuấn không nắm vững thời cuộc, hơn nữa bị ảnh hưởng vì lời cản ngăn của ông bố, nên đã để lỡ nhiều dịp lo cho vợ con. Anh thấy không thể làm cho hai mẹ con Dì Hai lỡ dịp này được.
- Nói gì thì nói, nhưng Dì sẽ không đi đâu hết. Dì già quá rồi. Ngày 29/04/1975, Dì cũng để Phượng ra đi với anh Trung, nay thêm vài tuổi nữa, sức đâu Dì chịu nổi sóng gió? Anh Tuấn với Phượng đi là đúng rồi.
- Phải thực tế, thân con thế này, chẳng ai người ta điên mà nhận mình cùng đi với họ, hơn nữa ra đi chỉ thêm gánh nặng cho Phượng. Ở ngoại quốc, con làm gì được đâu? Thế thì con ở lại với Dì, Phượng nên đi một mình.
Mới chỉ bàn tính, chưa đâu vào đâu, Phượng đã oà khóc. Phượng khóc dữ dội. Làm như từ bao lâu nay, cố gắng quá, ráng sức che đậy nỗi buồn, nỗi lo của mình, lăn vào công việc bác ái để tìm quên, và bị lôi cuốn vào nếp sống tập thể, Phượng tự tạo cho mình một thứ lá chắn. Nhưng thật ra đó chỉ là thứ lá chắn ảo tưởng, sự thật vẫn chỉ là một thiếu phụ héo hon với tháng ngày qua đi, ôm nỗi đau tê tái, nỗi lo cho tương lai đen thui và hình ảnh miên viễn một người tình đã chết, một cuộc tình đã lỡ.
Để mặc Phượng khóc bên Dì Hai, Tuấn đứng lên về phòng mình, nằm suy nghĩ miên man rồi ngủ thiếp đi vì mệt mỏi.
Nửa đêm tỉnh giấc, Tuấn nghĩ lại hồi chiều hôm qua, anh đã đi về nhà cha mẹ. Đây là lần thứ mấy rồi, từ sau khi anh lấy lại được trí nhớ. Nhiều lần đứng trước căn nhà một lát, xem ai ra vào. Anh không muốn gọi chuông, vì không muốn vào, không muốn cha mẹ hay các em biết mình trở về... trên đôi nạng gỗ, như ngày nay. Vừa thêm gánh nặng, vừa thêm lo toan cho gia đình. Đứng đó, để nhớ, để thương và nhân thể để quan sát. Ba năm qua rồi, bây giờ đã là năm 1978, cha mẹ anh giờ này ra sao? Khoẻ mạnh hay đau yếu thế nào? Nhất là mẹ anh, trước đây đã ra vào nhà thương như cơm bữa. Có sống nổi với đời sống thiếu thốn trăm thứ này không? Hai em của anh nữa? em trai chắc phải ở tù, vì là quân nhân QL/VNCH, em gái làm gì bây giờ? Mấy lần đứng gần nhà, hay ngồi la cà ở quán cóc gần đấy, những quán này mới xuất hiện từ khi người ta trốn về từ các vùng kinh tế mới mà nhà nước cưỡng ép họ đi, chứ trước đây khu phố nhỏ này yên tĩnh lắm, nhưng chưa bao giờ thấy em gái của anh ra vào nhà này. Có vẻ đã thay chủ. Người bán quán, Tuấn nhận ra một người hàng xóm cũ của cha mẹ, ngày trước thảnh thơi hưởng hưu trí, ngày nay cũng đâm ra mở hàng ăn, kiếm sống. Ông bà chủ quán không nhận ra anh, cứ tưởng đây là một anh « lính nguỵ », tàn phế, như rất nhiều « lính nguỵ » bị đuổi ra khỏi nhà thương khi quân giải phóng đến tiếp thu bệnh viện. Họ sống cầu bơ cầu bất, làm đủ thứ nghề, nào vá xe đạp, nào bán vé số, ít tật nguyền hơn thì làm lơ xe đò, chạy xe ôm... Ông bà chủ quán này cứ vô tình kể chuyện thảm cảnh của gia đình ông hàng xóm cũ. Đúng là không còn ai thuộc gia đình Tuấn còn ở đây. Giải phóng vừa vô, thì giải phóng luôn bà mẹ, vì bệnh viện không còn nhiều bác sĩ nữa, đa số thoát đi từ 1975, số còn lại đi tù, sau gần ba năm thì có một số được thả về, nhưng dần dần họ cũng tìm cách trốn ra ngoại quốc hết cả, bằng cách « đi chui », vượt biên giới qua Cao Miên, Lào hay Thái Lan hoặc đa số vượt biển. Thuốc men trở nên hiếm có. Ông bố chết theo vợ vài tháng sau, con trai lớn mất tích khi di tản cuối tháng tư 75, con trai thứ hai cũng mất tích khi đơn vị còn đánh nhau, cô con gái út của gia đình này, sau khi cha mẹ chết hết, đã « đi chui », chưa chắc đã thoát. Hải tặc hoành hành ghê gớm lắm. Họ nghe lén các đài ngoại quốc, được biết đàn bà, con gái ít khi... lành lặn, có khi bị đem đi mất tích hay bỏ vào các động mãi dâm ở Thái Lan.
Tuấn cũng có lén nghe radio ngoại quốc nói về những thảm cảnh của những người mà thế giới gọi là Thuyền Nhân, boat people. Toàn là những tin làm Tuấn điên đảo cả tâm hồn.
Tuấn đã ra nghĩa trang, tìm mộ cha mẹ. Tại đây Tuấn lọt vào một thế giới khác. Thế giới của người chết biết đi. Trong thế giới này, có đủ người già, trẻ con, phụ nữ và đêm về có thêm đàn ông, người tật nguyền, kẻ lành lặn nhưng ốm tong teo, hốc hác. Tất cả sống chen chúc trên những mặt đá ngôi mộ, dưới những tấm bạt nylon đủ mầu hay những miếng cạc tông đủ cỡ. Họ là ai? Chắc hẳn ai cũng đoán biết. Vượt biên, vượt biển thất bại, tán gia bại sản, nhà cửa bị trưng thu cho cán bộ chiếm ngụ, thì ra nghĩa địa náu thân. Trốn khỏi vùng « kinh tế mới » rừng núi bạt ngàn với đầy muỗi mòng, rắn rết, không một tấc sắt trong tay, không hạt giống gieo trồng, thì nơi mồ mả này là chốn dung thân. Bị ghép tội tư sản mại bản, bị tước đoạt hết tài sản, nếu không có can đảm tự tử, thì nơi chôn người chết lại là nơi gửi tạm cuộc sống còn qua ngày đoạn tháng.
Khi chiếc xe ôm thả Tuấn xuống trước cửa khu nghĩa trang, một đám con nít túa ra, bao quanh. Vài người đàn bà chạy ra theo. Trẻ con thi nhau hỏi tìm ai, mộ tên gì, chúng sẽ dẫn đến. Một đứa thật thà:
- Chú ơi, chú là lính nguỵ hả chú? Chú tìm mồ mả của đồng đội cũ hả?
Đứa khác chen vào:
- Nếu chú là nguỵ, thì tụi tui không lấy tiền chú đâu. Nhưng người ta khác thì tụi tui xin chút đỉnh, vì tụi tui ở đây trông chừng mồ mả giùm. Chú cần nhổ cỏ hay vun đất?
- Mày không thấy ổng què chân què tay sao? Đúng là nguỵ quân còn ai vào đây nữa mà còn phải hỏi?
- Chớ bộ mấy thằng lính bắc kỳ không què chân gẫy tay được sao mày?
- Mấy thằng đó mà vô trong nghĩa trang này sao? Mày ngu như con bò.
Tuấn thở dài, bùi ngùi nhìn đám người lốc xốc, nhếch nhác, bỗng nhận thấy mình vẫn còn quá nhiều may mắn. Anh nói tên cha mẹ. Bọn trẻ con túa chạy tứ phía. Những người đàn bà cũng chạy theo, chỉ chỏ. Vài ông già gục đầu bên những ngôi mộ gần đó trong ánh nắng chói chang, ngẩng đầu lên, đưa đôi mắt nhạt nhoà nhìn theo, câm nín.
Tuấn đã ôm lấy khu mộ mà khóc thương gia cảnh tan nát, lại van vái cho người em trai mất tích sống còn đâu đó, rồi lại van vái cho em gái anh thoát cảnh thảm khốc nhất của người tỵ nạn thuyền nhân.
Mấy đứa trẻ xa lạ đứng nhìn. Có đứa tỏ ra hiểu biết:
- Tao quyết ông này là lính nguỵ, bị tù cải tạo, rồi vì sao đó, bị què chân, gẫy tay, được thả về nhà, thì cha mẹ ổng chết rồi, nên tìm đến mồ mả mà than khóc như thế đó - Chắc là ổng trốn khỏi tù, bị bắt lại, bị đánh què giò, gẫy tay lắm tụi bay ơi. Tao có nghe kể về mấy vụ này.
Đứa khác cũng tỏ ra rành rọt tình hình.
Tuấn cũng trở về nhà của cha mẹ Thu Hằng, cũng đứng xa xa để nghe ngóng. Nhưng gia đình đã di tản.
Bất giác, Tuấn trở thành một loại người không thể không nghĩ rằng phải có ai đó trên trời cao kia để còn nghe thấy những tiếng khóc than dưới trần thế này. Chẳng lẽ, khóc than trong tuyệt vọng?
Nghĩ đến đây, Tuấn lại lo sợ cho Phượng, anh vừa thúc đẩy ra đi bằng thuyền vượt biển.
Bất giác, Tuấn chồm dậy, lục ra tờ giấy đã tìm thấy trong người mình, tờ giấy vấy máu, có ghi tên mình và địa chỉ của người bà con bên Pháp.
Nhà bị cúp điện, cả xóm thì đúng hơn vì một tuần nhà nước cúp điện một hai ngày, thay phiên, nay khu phố này, mai xóm khác. Theo nhà nước, thì phải tiết kiệm, vì đất nước còn nghèo sau khi bị « mỹ nguỵ » làm cho tan nát... Nhà nước nói gì thì nói, dân chúng tin hay không là chuyện của dân chúng. Có điều dân chúng dù tin hay không vẫn è cổ ra gánh chịu mọi hành động ngu xuẩn trong việc quản lý đất nước, gánh chịu mọi lời dối trá của nhà nước.
Càng sống trong « xã hội mới » đáng ghê tởm, Tuấn càng thấy mình mới thật là kẻ ngốc nghếch, đã vội vã lên án, ít ra thì cũng đã bất nhẫn, thầm coi thường, trước việc cao chạy xa bay quá sớm trước kẻ địch, của một số cấp trên trong chính quyền và quân đội cũ. Thật là mỉa mai. Họ bị coi là nhát nhúa, họ lại chính là những người thực tế, họ lo được cho vợ con họ, đôi khi lo được cả cho vợ bé vợ mọn của họ, được sớm an toàn. Còn đa số những người kẹt lại, tuy rằng có khi vì không kịp ra đi, nhưng rồi vẫn can đảm nghiến răng chịu đựng sự đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo của Cộng Sản Bắc Việt, mà không bán rẻ lương tâm, không bán rẻ linh hồn, không hề khuất phục. Đặc biệt có những người can đảm quyết tâm ở lại đương đầu một sống một chết với kẻ thù, họ là những người sống với lý tưởng cao cả, hay vì lý tưởng ngu ngơ như Tuấn, nhưng kết cuộc, họ là những người... thiệt thòi nhất. Thiệt thòi ngay từ khi họ bước chân vào đời lính. Thiệt thòi quá nhiều khi họ phải gánh chịu đại hoạ của đất nước. Đau thương thêm nữa là vợ con họ, những người dân hiền lành, cũng phải gánh chịu sự tàn độc của bọn ma đầu Cộng Sản Bắc Việt.
Ai dại ai khôn? Mặc dù, anh hùng dễ có mấy ai?
Nhưng thời nay, cái thời đảo điên, thì kẻ hèn nhát, bỏ cuộc, cao chạy xa bay, lại chính là kẻ thức thời? Người can đảm, người lý tưởng trở thành anh ngốc, « đã ngốc nghe và tin cấp trên thề sống thề chết sẽ chung lưng đấu cật với đồng đội chiến đấu, đánh Cộng Sản đến viên đạn cuối cùng »... để rồi sau khi Miền Nam rơi vào tay bọn ma đầu vong bản, họ lại vẫn « ngốc nghe và tin Cộng Sản » tự động dẫn xác vào tù cho chúng miệt thị, rẻ rúng, đầy ải tàn độc.
Đúng là cuộc đời, một bi hài kịch kinh tởm và thương đau nhưng lại hùng tráng ngất trời.
Điện bị cúp, Tuấn nhỏm dậy tìm nến thắp lên đọc lại tờ giấy nhầu nát và xẫm mầu máu bầm. Dưới ánh nến lập loè Tuấn mừng run, những chữ xuất hiện rõ hơn nếu soi gần ngọn lửa. Ghi lại và đọc lại cho chắc đã đọc rõ, đã ghi đúng. Tuấn nhớ dần ra xa hơn nữa, nhớ đến những ngày ở Pháp, học dưới tỉnh nhưng đôi khi về chơi Paris có ở địa chỉ này. Trước khi về nước, cũng có đến chơi nhà bà cô và ông Paul, chồng người Pháp của bà, rồi sau khi đã trở về Việt Nam vẫn thường thư từ qua lại. Bây giờ chắc chắn ông bà đó đã về hưu lâu rồi, nhưng hy vọng họ vẫn còn sống để nhờ họ liên lạc với ông Jean, bạn thân của ông dượng Paul, cũng là cha nuôi tinh thần của Tuấn, nếu ông ta cũng còn sống. Sự việc ông Jean trở nên cha tinh thần của mình, cũng là một điều thật ngẫu nhiên. Ngày đó, trong một bữa cơm, ông Jean nhất định nhận Tuấn làm con nuôi, đòi bà cô ông dượng Paul làm chứng cho lời nói của ông, mặc dù không làm giấy tờ chính thức, nhưng ông quả quyết, lời nói của ông không phải nói chơi. Ông đã khóc khi nói. Con trai độc nhất của ông bà, cũng là bạn học cùng nghề với Tuấn đã chết trong tai nạn máy bay nhỏ khi anh ta còn thực tập, sau đó vợ ông tự tử, chết vì buồn nhớ con trai, đứa con duy nhất của ông bà. Vì thế ông muốn nhận Tuấn làm con nuôi của ông. Hôm đó cả bốn người đã cụng ly với nhau.
Hy vọng đưa ngòi bút lướt trên giấy trắng. Tuấn chỉ viết hỏi thăm và cho tin gia đình ở Việt Nam đã không còn ai ngoài Tuấn thôi. Phải đợi xem thư từ có đến tay người nhận không đã và tình cảm họ ra sao khi nhận tin đó.
Trong cuộc sống, nếu chỉ tin vào khoa học mà người ta gọi là đầu óc thực tế, thực tiễn không tin vào lẽ nhiệm mầu nào đó, không tin vào sự « có mặt » của một thượng đế nào đó, thì sẽ không thể giải thích được trường hợp may mắn đặc biệt của Tuấn. Trong tận cùng cái rủi, vẫn có giải đáp cần thiết của cái may.
Từ một lá thư viết trong bóng đêm, trong một đêm cúp điện, trong xã hội tối đen cho dù có thắp đèn khắp nơi khắp chốn, trong xã hội mà đời sống thường ngày bị kiểm duyệt gắt gao, thế mà bức thư đó đã cất cánh bay đến tận nước Pháp xa xôi. Dần dần hồ sơ « đoàn tụ vì nhân đạo » của Tuấn được cứu xét với sự vận động tối đa của những người nhận thư. Trong hồ sơ đó có tên Dì Hai, một Cô Mụ trước đây đã làm việc trong một nhà thương của Pháp và Phượng, một bác sĩ giải phẫu xuất thân từ trường Y Khoa-Paris. Cũng chỉ vì muốn phục vụ quê hương mà đem sở học của mình về nước theo... » mớ » lý tưởng, y như trường hợp Tuấn.
Năm 1980, rạng sáng ngày 07/01, chuyến bay chót trong ngày từ Việt Nam đem Tuấn, Phượng và Dì Hai đáp xuống phi trường Charles De Gaulle. Ngoài trời năm độ âm và tuyết mù mịt. Xe Hồng Thập Tự Pháp ra đón số người tỵ nạn Việt Nam ra đi theo diện đoàn tụ, hay con lai, đưa về trại tỵ nạn Herblay, một vùng phụ cận phía Bắc Paris.

*

Ngày tháng qua đi, ông bà Paul rồi ông Jean qua đời sau khi hoàn thành tốt đẹp sứ mạng cứu người hoạn nạn.
Dì Hai cũng đã mất rất bình thản nơi xứ tự do, trong sự lo lắng và thương yêu hết sức của Tuấn và Phượng.
Với Phượng, Tuấn cũng rất mừng đã trả được cái ơn cứu tử và nuôi nấng, lo lắng cho anh trong thời gian thật khó khăn, trong cơn khủng hoảng của cả một đất nước, của cả một xã hội. Phượng bây giờ trở lại là bác sĩ trong một bệnh viện lớn tại Paris. Nhưng Phượng nhất quyết không lấy ai, cứ đòi ở vậy... bên cạnh Tuấn.
Phượng cười nói « đùa », trong thời gian tạm yên ổn:
- Ngày xưa, anh Trung mất sớm bỏ em bơ vơ, không lấy được anh Trung, thì em đã nghĩ em sẽ không lấy ai nữa. Nhưng ông trời xui khiến gặp anh, lo cho anh khoẻ lại, em càng thấy em chẳng nên lập gia đình nữa, với anh em coi như đã có đủ cái gia đình em mơ rồi. Em hy vọng anh sẽ không bỏ em mà đi... ở riêng.
Tuấn bật cười về cách nói thẳng mà vẫn dí dỏm của Phượng về một việc quan trọng.
Tuấn thật tình thương yêu cô em thẳng tính này. Cũng tội nghiệp nàng. Tại sao nàng bỏ hết cả tuổi xuân cho một mối tình không may mắn, bây giờ lại đặt vào một người tàn phế? Anh trấn an, cũng với cách dí dỏm của anh:
- Anh chạy đi đâu cho thoát với hai cái chân không giống nhau và cũng chẳng giống ai này được chứ? Tay anh cũng chẳng thế nào làm cho em ấm lòng, tại sao em không bỏ anh để lo cuộc đời em? Em xứng đáng được một người lành lặn, tử tế, thành thật thương yêu em cơ mà. Đừng vì anh, đừng lý tưởng hão huyền, Phượng ạ, lý tưởng kiểu anh em mình thì chỉ mang hoạ vào thân thôi, ấy là chưa kể tới việc mang hoạ cho người khác nữa. Anh khuyên em nên nghĩ lại.
- Anh chết rồi, em còn kéo cổ anh lại, anh không thấy sao? Thần chết mà còn không chia rẽ được anh với em cơ mà. Thôi anh đừng khuyên em gì hết nữa là xong. Em quá đủ lớn rồi chứ? Hai anh em mình cứ sống vui như thế này, chẳng thú vị hơn sao?
Một lần khác, thì Phượng nhỏ nhẹ khi chỉnh lại cái chân mới lắp của Tuấn:
- Khi ở với việt cộng, em khai đại anh là nhà giáo, bây giờ hoá ra anh cũng có duyên với cái nghề gõ đầu trẻ. Có lẽ đó là cái số của anh đấy. Thấy anh vui khi đi dậy, em mừng cho anh. Nhưng bọn học sinh trường huấn nghệ đó đa số là trẻ bụi đời, có đứa nào làm khổ anh không? Có đứa nào dám ngạo báng ông thầy dậy toán què chân qu è tay không anh?
- Anh thật may mắn. Dù chỉ dậy tượng trưng vài giờ trong tuần, thế mà mấy đứa học trò trái lại rất quý mến anh. Có lẽ chúng thấy anh tàn phế mà còn phấn đấu vươn lên được, nên chúng cũng ráng học, bắt chước để thoát ra khỏi cảnh khó khăn, lêu lổng trước đây của chúng. Anh cũng rất mừng là mình không đến nỗi vô tích sự. Ở cái xứ mà bất cứ ai, dù tật nguyền, nhưng nếu mong muốn vươn lên cũng có môi trường và phương tiện để vươn lên, thật là may mắn. Nếu còn ở Việt Nam Xã Nghĩa lâu hơn, chắc là anh cũng sẽ chỉ còn nước đi ăn mày thôi. Như cả trăm ngàn phế binh VNCH đã phải ăn mày ăn xin hay lao động nặng nhọc, để sống còn bần hàn và tủi cực, trước sự dửng dưng của xã hội và sự hắt hủi, đay nghiến của nhà cầm quyền tàn độc Cộng Sản VN.

*

Thời gian thấm thoắt trôi đi, mới đó đã ba mươi năm qua. Những lo âu, những tức giận cũng phai dần theo tuổi tác.
Tuấn và Phượng đã về hưu và vẫn vui sống bên nhau trong căn nhà bên cạnh một khu rừng. Hàng xóm vẫn thường vẫy tay chào hai ông bà già á đông đi qua nhà họ để đi dạo trong khu rừng gần đó.
Hôm nay khi bất chợt nhìn thấy Ái Trinh, Tuấn như người bị điện giựt. Bây giờ ngồi trên xe bus, lòng bồi hồi nhớ về dĩ vãng, rồi trở về thực tại. Tuấn càng thấy mình vẫn cần phải duy trì ý nghĩ sẽ không bao giờ liên lạc với nhóm bạn cũ nữa. Như Bích Thuỷ đã có nói « Lục tào xá bị trở rồi, vữa rồi ». Hãy để cho Thu Hằng và các con yên thân sinh sống. Tuấn cũng biết Thu Hằng có thư về Việt Nam nhờ người hỏi tin về anh. Tuấn thật sự cảm động về mối chân tình của Thu Hằng. Nàng đã cho anh những ngày hạnh phúc nhất trên đời với hai đứa con dễ thương. Hẳn là bây giờ nàng đã lập lại gia đình với ai đó. Nàng xứng đáng để có người đàn ông nào giúp đỡ và thương yêu. Dù sao, người đó cũng là người may mắn hơn Tuấn.
Cuộc đời có những khúc quanh không ngờ, phải thế không Thu Hằng? Anh yêu em nhiều lắm và đôi lúc chỉ thèm nghe lại giọng nói, thèm được nhìn thấy em và thèm được nhìn thấy các con lớn đến đâu rồi. Nhưng anh cũng thương Thể Phượng, em nên hiểu cho anh Thu Hằng ơi, người thiếu phụ này mang cả một trời bác ái trong lòng cô ấy.
Anh chỉ còn biết nói lên lời cảm tạ tất cả những người đã yêu anh và anh đã yêu mà thôi.
Xin cảm tạ Thượng Đế đã thương và phù hộ con trong mọi tình huống.
Xin cảm tạ Thượng Đế đã và sẽ tiếp tục phù hộ Thu Hằng cùng các con trong cuộc đời.
Xin cảm tạ Thu Hằng và các con về thời gian hạnh phúc tuyệt vời đã qua.
Xin cảm tạ người đã thay tôi lo lắng cho vợ con tôi.
Xin cảm tạ Dì Hai đã thương con như con của Dì.
Xin cảm tạ ông bà Paul và ông Jean đã hết lòng giúp đỡ tôi ra khỏi địa ngục trần gian.
Xin cảm tạ Thể Phượng đã cứu mạng và chia sẻ cuộc đời khốn khó của anh.
Xin Thượng Đế hãy phù trợ cho những người Lính, lành lặn hay tàn phế, còn sống vất vưởng nơi quê nhà được thật nhiều nghị lực và thật nhiều may mắn.
Xin Thượng Đế hãy phù trợ cho những người Lính đã thoát khỏi nanh vuốt ngục tù Cộng Sản, hiện đang sinh sống chật vật nơi quê người, được thật nhiều nghị lực, thật nhiều hạnh phúc và ban cho họ thêm sự rộng lượng đối với những kẻ coi thường họ. Nhờ có họ đã xả thân cho dân tộc, cho đất nước, mà những người dân như tôi đây mới còn sống đến ngày hôm nay.
Xin Thượng Đế hãy phù trợ cho những người lớn và trẻ em đang sống vất vưởng trong các nghĩa trang có một ngày được thay đổi cuộc đời tốtlành hơn.
Xin Thượng Đế hãy giúp cho người dân VN có can đảm giải tán chế độ Cộng Sản tham tàn và phù trợ cho quê hương VN tìm được tương lai trong sáng, mới mẻ, tốt đẹp hơn.
Cái xe bus PC2 vẫn còn lang thang trên tuyến đường dài với nhiều trạm ngừng, mang theo một người đàn ông già nua, tàn phế, với cõi lòng man mác buồn và đang thầm thì những lời tạ tình tha thiết nhất.
Vân Hải, Paris 2012

Xem Tiếp: ----