ddy Thall đặt chiếc dao rọc giấy trên mâm thức ăn sáng. Nàng đọc lại bức thư, rồi quay nhìn người đàn bà mặc áo trắng đang kéo tấm màn phòng ngủ. - Tinka, vú lại đây xem, vú biết cô này không? Người vú già cầm lấy tấm ảnh nhỏ bằng con tem. Bà ta đưa ra xa hơn một chút để nhìn cho rõ hơn, ngắm nghía bộ đồng phục đen, cổ trắng. Tinka Neva chớm khóc, bà xúc động dễ dàng và khóc ngay mỗi lúc có người nhắc đến một sự kiện hay một điều gì về quá khứ của bà hay của gia đình họ Thall. Tinka vừa lau nước mắt vừa bảo: “Đúng là cô Eddy chứ còn ai vào đây nữa!” - Tôi vừa mới nhận lại được sáng nay đấy, Eddy bảo do một người ái mộ tôi gửi trả lại. Tinka, vú tưởng tượng xem, một cậu con trai si tôi từ hồi tôi mới mười lăm tuổi. Kéo cái gối lên tận vai. Eddy cầm bức thư và nói với người vú già: “Vú nghe anh ấy viết cho tôi như thế này đây: Thưa cô, “Cách đây mười lăm năm, khi cô còn là một nữ sinh của trường âm nhạc, cô đã bỏ quên tấm ảnh này trong một cuốn sách ở thư viện. Tôi thấy được và giữ nó đã lâu lắm, đợi cơ hội trả lại cô tận tay. Nhưng cơ hội đó không bao giờ đến hay nói cho đúng, tôi đã không có can đảm tìm đến cô để trả lại bức ảnh dù tôi đã trông thấy cô nhiều lần ngoài đường, ở ký viện, ở hiệu bánh, ở công viên. Cô có đến Neamtz suốt cả mùa hè. Và tôi đã thấy cô mỗi ngày. Ít lâu sau cô trở thành một nghệ sĩ danh tiếng, rồi tự thành lập một hý viện? Dù đã lớn tôi vẫn thiếu can đảm. Lần này không phải sự e dè của tuổi thành niên làm tôi nhút nhát, mà chính vì danh vọng sang chói của cô. Chiều qua, tôi đã trở về nhà, tìm lại bức ảnh mà tôi mong cô nhận lại với tất cả lòng ngưỡng mộ sâu xa của tôi Pierre Pillat Thẩm phán Tinka đứng nghe cạnh giường. Eddy nói tiếp: Còn một giòng tái bút nữa đây: Bức ảnh này đã có một người xin, bạn tôi Boris Bodnar, trước khi hắn trốn sang Nga. Hắn bị đuổi khỏi trường võ bị và đã vượt sông Dniestr. Chiếc ảnh này đáng lý đã du lịch sang phương Đông. Tôi lấy làm sung sướng đã giữ lại được để bây giờ trả lại cho cô, dù không phải tôi chỉ yêu một mình nó mà thôi. Eddy Thall buớc xuống giường. Nàng nhìn chiếc đồng hồ treo nhỏ màu xanh da trời. Đã 8 giờ sáng. Thấy Tinka đang khóc, Eddy hỏi: - Có chi mà nghe bức thư đó vú lại khóc? - Eddy à, lời lẽ trong thư thật đẹp, đẹp đến nỗi tự nhiên nước mắt tôi trào ra. - Hồi nhỏ tôi có đẹp không vú nhỉ? Đẹp đến độ người ta phải si mê một bức ảnh? - Cô Eddy lúc nào mà chẳng đẹp. Tinka nói thế và đặt mâm xuống. Eddy Thall đọc nốt các bức thư khác, rồi cầm lại bức thư của ông thẩm phán Pierre Pillat. Nàng nghĩ đến cậu học trò đã trốn sang Nga và tiếc rằng Boris Bodnar đã hỏng thi và bị trục xuất khỏi trường học. Eddy Thall là một nghệ sĩ hữu danh. Cho nên mỗi ngày nàng nhận không biết bao nhiêu là thư từ của những kẻ hâm mộ. Nhưng không lá thư nào làm nàng thích thú bằng lá thư của Pillat. Bỗng Tinka bước vào phòng ngủ bảo: - Có hai ông cảnh sát muốn gặp cô đấy. Giọng Tinka có vẻ thay đổi vì sợ hãi. - Hãy bảo chờ tôi uống xong cà phê đã. - Họ gấp lắm, muốn nói chuyện ngay. Tôi đã bảo cô ngủ chưa dậy. Nhưng họ đã vào phòng khách và đang chờ cô đấy. Eddy cầm lược chải đầu. Nàng bực dọc bước ra phòng khách. Hai người cảnh sát trẻ mang áo mưa đang đứng đấy. Nàng mời họ ngồi xuống, xé một tờ lịch và nhìn họ như lúc nàng đang diễn xuất trên sân khấu. - Các ông cần điều gì ạ? Họ vẫn đứng. Eddy hỏi tiếp: - Tại sao các ông không chịu ngồi xuống? Nàng vò tấm lịch đề ngày 9 tháng giêng năm 1940 và vứt vào sọt rác. Một trong hai người cảnh sát lên tiếng: - Chúng tôi xin phiền bà cho lập một biên bản. Người thứ hai mở chiếc cặp da trong lúc người kia tiếp tục hỏi: - Người đàn bà ra mở cửa cho chúng tôi có phải là người giúp việc cho bà không? Eddy trông hai người đứng đắn như hai học sinh ở nhạc viện và nàng mỉa mai trả lời: - Người đàn bà ra mở cửa cho hai ông là vú già của tôi đó. Một người rút một cuốn sổ tay ghi chép trong lúc người kia hỏi: - Bà ta giúp việc đã bao lâu? - Khi tôi sinh ra thì bà đã giúp việc cho cha mẹ tôi rồi. - Cách đây mấy năm, thưa bà? - Tôi nghĩ chừng bốn mươi năm rồi, nếu mấy ông muốn biết rõ hơn xin cứ hỏi thẳng bà ấy ắt biết ngay. - Lương tiền như thế nào? - 5000 lei mỗi tháng bỏ vào trương mục của bà ấy, cùng tất cả mọi thứ bà ấy cần dùng. Nghĩa là bà ấy ở đây cũng như đang ở tại nhà riêng vậy. Eddy châm một điếu thuốc. Nàng là chủ nhân một hý viện mang chính tên nàng. Báo chí đã phê bình nàng như một diễn viên xuất sắc nhất. Ảnh nàng trên bích chương được treo khắp nơi. Đài phát thanh nhắc tên nàng nhiều lần trong ngày. Hình nàng người ta đem dán ở khắp các phòng đợi hỏa xa, xe điện ngầm, bến xe đò. Cả đến những đứa trẻ cũng biết tên Eddy Thall. Tất cả những cảnh sát viên mà nàng biết từ trước đến giờ đều muốn xin thủ bút của nàng làm kỷ niệm. Nhưng hai người cảnh sát này không thế. Họ đến đây để lập biên bản. - Bà làm ơn cho tên vú già? - Tinka Neva. Còn gì nữa xin các ông nhanh lên cho. Nàng đứng dậy tắt thuốc lá. - Chúng tôi muốn biết người vú theo tôn giáo nào? - Thiên chúa giáo. Eddy trả lời gọn lỏn. Người cảnh sát thứ hai gập sổ lại và bỏ vào cặp. “Luật pháp tuyệt đối cấm người có dòng máu Do Thái nuôi người ở có đạo Thiên Chúa. Bà bị buộc phải trả lương cho người vú đủ ba tháng và cho bà ấy thôi việc. Đó là tất cả những gì chúng tôi phải nói với bà.” Hai người cảnh sát nghiêng mình chào Eddy, cũng nghiêm giọng như khi họ mới đến. Eddy đợi cho đến lúc họ đi về phía cửa lớn, nhưng một ngưòi lại nói: “Mọi vi phạm luật lệ này đều bị phạt sáu tháng tù ở”. Và ông ta hỏi tiếp : - Chúng tôi có thể lấy cung bà Tinka Neva ? Eddy bấm chuông gọi : - Tinka, mấy ông này muốn nói chuyện với vú đó. Xong nàng trở về phòng. Tinka ở lại một mình với hai người cảnh sát. Bà quan sát cách ăn mặc của họ. Một người hỏi : - Bà là Tinka Neva ? Tinka hơi ức : - Cô tôi đã cho biết tên tôi rồi, hỏi làm gì nữa ! - Bà ấy nói chưa đủ. Bà cần phải khai thêm cho chúng tôi. Người thứ hai lại rút sổ tay, và bắt đầu ghi chép. - Năm nay bà bao nhiêu tuổi. Bà giúp việc cho gia đìnhThall từ bao lâu ? - Lúc tôi mới bước chân vào gia đình này, tôi mới có 18 tuổi. Từ đó đến nay đã được 38 năm rồi. Tinka hơi run sợ. Chưa bao giờ bà chứng kiến cảnh này trong nhà. - Bà có bằng lòng cách đối xử của bà chủ không? - Nếu tôi không bằng lòng, tôi đã không ở suốt đời nơi đây. - Mặc, chủ bà sẽ trả bà đủ ba tháng lương và cho bà thôi việc. Luật pháp cấm người Do Thái thuê người ở có đạo Thiên chúa. Hai người cảnh sát gài lại nút áo choàng. Tinka hỏi: - Tôi không có quyền làm việc để kiếm ăn hay sao? - Bà có quyền làm việc, nhưng không được làm cho người có dòng máu Do Thái. Tinka cho như thế là bất công nên bà không còn sợ hãi nữa, bà phản đối: - Chính tôi chọn chủ để làm việc chứ. Tôi là một người giúp việc. Điều quan hệ cho tôi là có một người chủ tốt. Phần còn lại - người chủ là Do Thái hay có đạo Thiên chúa – không quan hệ cho tôi gì cả. Hai người cảnh sát tiến ra cửa. - Nếu bà chủ không trả đủ cho bà ba tháng lương trước khi cho bà nghỉ việc, bà cứ việc khiếu nại ở sở cảnh sát. - Tôi không đi đâu hết, tôi bằng lòng ở lại đây. Và bà Tinka khóc. “Chỉ có chủ tôi mới có quyền đuổi tôi ra khỏi nhà nếu cô ấy không bằng lòng tôi. Nhưng cô ấy rất mến tôi.” Tinka vừa nói thế vừa khóc, trong khi hai người cảnh sát ra khỏi nhà. II Lúc hai người cảnh sát đã đi khỏi. Tinka Neva ngồi khóc. Tấm thân già yếu của bà run rẩy như một cành cây mong manh. Eddy cầm lấy đôi vai Tinka: - Tinka, vú yên đi nào. Ma quỷ cũng không quá hung dữ như người ta tưởng đâu. Vú cứ ở lại đây. Tôi quen biết lớn, tôi sẽ nhớ người ta can thiệp. Tinka không thể nói gì hơn nữa. Bà lại lau ghế, lau sạch chỗ nền nhà mà hai cảnh sát vừa đứng, như là bà muốn lau hết tất cả vết tích của họ để lại trong nhà. Câu chuyện vừa rồi là cả một sự nhục nhã đang xâm chiếm đến tận cùng cơ thể của bà. Bà nghĩ rằng không ai có quyền đuổi bà ra khỏi nhà trừ cô chủ. Và cũng không ai có quyền can thiệp vào việc riêng của bà. Nếu mình có làm điều gì tốt hay xấu thì cũng chỉ có cô chủ là có quyền phán xét mà thôi. Tinka đã đi khỏi làng từ ngày chưa thành niên. Bà không còn gia đình hay họ hang gì nữa cả. Nhà của bà chính là nhà của gia đình Thall. Eddy bỗng trao cho Tinka một gói thư từ: - Tinka, vú đừng khóc nữa. Vú lại đây và đốt hết mấy bức thư này đi. Tinka ngần ngại cầm mấy bức thư trong tay. Bắt bà đốt thư thật là một điều khổ sở cho bà quá. Tinka là một người nhiều cảm xúc. Đốt thư, nhất là bây giờ, sau vụ hai người cảnh sát vào nhà vửa rồi, thật là một hành động cực nhọc, vượt ngoài sức lực của bà. Tinka không biết đọc. Suốt đời bà chưa bao giờ nhận một lá thư. Nhưng suốt đời bà mang thư cho chủ nhà cùng với mỗi lần dọn ăn sáng. Mỗi lần như thế bà trông thấy cô chủ vội vã bóc thư. Trong óc của Tinka đã in sâu ý nghĩ thư là những người sống biết nói chuyện. Chúng có thể làm cho ta cười, thích thú hay buồn tẻ. Nếu bức thư không phải là người sống thì nó không thể có cái quyền hạn đó được. Chính vì vậy mà Tinka luôn luôn lau tay sạch sẽ trước khi lục thư trong thùng đặt cạnh cửa. Bà kính trọng những bức thư lắm, nên bây giờ bắt bà đốt thư thì chẳng khác gì ép bà đốt những sinh vật, đốt những con chim bồ câu, quay một con thỏ. Eddy đang lục một số các bức thư khác để đốt. Tinka có cảm tưởng mỗi phong bì trở thành một thứ tội lỗi thêm vào những tội lỗi mà bà đã phạm từ trước. Eddy bảo: - Vú đốt hộ những bức thư của Lidia Petrovici. Vú còn nhớ mình gởi cho Lidia kiện hàng cuối cùng ngày nào không? Hình như đã bốn tháng rồi mà sao tôi chưa thấy trả lời. Tôi sợ đã có gì không hay xẩy ra. Rất có thể cảnh sát đã tịch thu gói quà. Và họ sẽ trở lại đây điều tra mình. Tốt hơn hết nên đốt các bức thư này đi. Eddy nghĩ tới người em họ, Lidia Petrovici đang ở tại Quốc gia Nam tư, một quốc gia đang thanh trừng Do thái một cách khốc liệt. Lidia phải sống dưới một tên giả. Nàng là một trong những người Do thái còn sống sót. Gởi những gói quà cho Lidia thật là nguy hiểm quá. Vì vậy Eddy phải đốt những bức thư mà Lidia đã viết để báo tin đã nhận đều đặn thuốc men, sô cô la và quần áo do nàng gởi. Tinka hỏi: “Xin lỗi cô, cảnh sát đến đây là vì tôi; đáng lý tôi không nên gây cho cô điều phiền phức đó.” Eddy trả lời: “Có can dự gì đến vú đâu mà vú nhận lỗi. Thôi, vú lo đốt mấy bức thư đó đi cho rồi.” Chuông ngoài cửa lại reo lên hai lần, người bấm chuông có vẻ dè dặt. Eddy bảo ngay: “Vú đừng có ra mở cửa với cả đống thư trên tay nghe” Rồi giật lấy tập thư trên tay Tinka, Eddy dấu xuống dưới tấm khăn trải giường.