Biên tập: Ngô Nhân Dụng, Võ Ngàn Sông, Đinh Quang Anh Thái
Chương 3

     rước đống tin học là báo Trung Quốc thời Đặng hạ Mao và khai phóng, cải cách, tôi bảo Kiều Đệ rằng tôi sẽ dịch và đánh máy làm tư liệu những cái quan trọng của Nhân Dân nhật báo.
Một việc quá hay và bổ ích. Họ phê phán, chế nhạo những cái hiện thịnh hành ở ta, do bao nhiêu năm nhất nhất làm theo “kim chỉ nam”. Giống với ta đến mức ở cuối mỗi bài hay tin dịch xong tôi không thể không bình một lời. Thí dụ dưới bài “Phàm là…” (hễ phàm là lãnh tụ phán thì phải thực hiện) và bài “Phái hóng gió” (cán bộ đảng viên chỉ cần có năng lực giỏng tai hóng tin cấp uỷ) tôi bình: “Ở ta cũng đầy hai cái phái này!” Hay ở bài phê phán thói bịp dân bằng bày “Hàng mẫu không bán” thì tôi Thánh Thán: “Có lẽ học bạn dữ nhất là cái thuật lòe dân! Trò lòe nay vẫn giữ bền, không suy xuyển, khiếp thật!” Từ 1966, học Bắc Kinh, các cửa hàng bách hoá to nhỏ khắp miền Bắc đều trưng biển “Hàng mẫu không bán”. Nhưng áp dụng vào thực tiễn Việt Nam nên đã cho thêm vào cạnh nó một cái biển nữa đề “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Một cái thẳng thừng nói không để bán. Một cái cho xem thoải mái như cho mua nhưng cấm mang về dùng. Mỗi quầy kính nguy nga của Bách hoá mạn Hàng Bài đầy biển hai khẩu hiệu kia. Nếu đi ô tô nhanh quá sẽ dễ đọc lầm thành Tự do… hàng mẫu… không bán…
Kiều Đệ bảo tôi Hoàng Tùng cần một bản. Sau vài ngày, Hoàng Tùng phán: Của người ta thế nào cứ để nguyên, không bàn thối.
Thánh Thán tôi đành thôi.
Đặng (Tiểu Bình) lên, dư luận có vẻ hoan nghênh. Một buổi họp toàn cơ quan, Hoàng Tùng lên nói. Tình hình cách mạng nước ta chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ. Vì Khơ và Mao, hai đầu sỏ phản cách mạng đều đã chết, nay cụ Đặng bên kia lên làm cái xư xư xư xư, (shi shi qiu shi, thực sự cầu thị, thực tiễn là thước đo chân lý) Trung Quốc nay đã lại như ta, tiền đồ cách mạng sáng sủa lắm rồi.
Đang trơ trọi, Đảng rất cần trụ cột ý hệ. Ông anh sát nách mà như ta thì nhất!
Biết “Cụ Đặng giống ta” là ý của Lê Duẩn (vì Hoàng Tùng rất nhanh nhạy tán phát ý Tổng bí thư được tiếng là nhiều sáng tạo) tôi, ngồi tít dưới cùng, gọi to lên: Phát âm sai.
Tất cả hội trường quay lại, mặt mày hoặc căm tức, hoặc khó chịu. Tôi đã phá mất giấc mộng vàng: Cụ Đặng giống ta thi đại phúc cho cách mạng và mừng quá đi chứ!
Nhìn những bộ mặt giận dữ, (đỏ gay gắt là của Đặng Ha, còn phẫn nộ thêm phàn nhớn nhác “an ninh đâu nhỉ” là của Hữu Thọ) tôi rất ngạc nhiên. Sao người ta cần đầu tàu thế? Cần được phê ma tuý thế? Mới hôm nào, cũng tại hội trường này, Hoàng Tùng nói hôm qua anh Duẩn báo tôi rồi đây Mỹ bồi thường ba bốn tỉ đô la hàng hoá thì không biết lấy kho nào ra mà chất cho xuể đây, tôi đã quân sư ngay: Mỗi cơ quan cắt đi một nửa quân số để làm cố mỗi việc là ngày đêm thay phiên nhau nằm hè coi hàng Mỹ bồi thường. Vỉa hè ở ta là địa điếm chiến lược. Tôi hỏi mọi người ở đây, Quang Trung đại thắng nhà Thanh mà vẫn phải làm tượng vàng cống nó, đúng không? Vậy thời nào nhận tượng vàng Mỹ cống như thời Lê Duẩn?
Tính bốc đồng một lần làm tôi tiến thoái đều kẹt. Và rồi giật mình.
Hôm ấy, Lè Duẩn đến báo nói chuyện đại thắng Mỹ. Toàn cơ quan dồn hết cả lên mấy hàng ghế đầu để được nhìn cho tỏ vị anh hùng thắng Mỹ, cả một nửa trên hội trường chật bíu vào nhau như sung, nửa dưới đến bảy tám mét hoàn toàn vắng tanh.
Lê Duẩn nói được vài phút, tôi lách ra đi xuống hàng ghế cuối cùng. Vừa đứng đặt tay lên lưng ghế thì thấy luôn ba thanh niên quân kaki vàng, sơ mi trắng đến ốp ở hai bên và khép lại ở sau lưng. Gay rồi, tôi tự nhủ. Nhưng đành ở đó, quay về còn… thối nữa.
Suốt buổi là tiếng hò reo, tiếng vỗ tay. Diễn giả nói gì tôi không nghe. Chỉ thấy nặng trịch bốn bề. Rồi nhẹ người khi Lê Duẩn nói xong, tất cả lại ầm ầm kéo theo sau ông ra đứng đầy ở gốc đa chụp ảnh.
Tôi len lách - vì người chờ chụp ảnh với Lê Duẩn quá đông - ra cổng đến với Hồ Gươm và gió bỗng như thì thầm: “này anh bồng bột đến độ liều lĩnh đấy! Thì anh vừa cố tạo nên khoảng cách lù lù với Lê Duẩn đó! Anh im nhưng ầm ĩ ra mặt không tán thành chiến thắng vĩ đại của đảng, hà hà, anh đã nhận ra clura?
Phải nhận rằng đến lúc ấy tôi mới thấy rợn. Thế nào an ninh chả điều tra. Họ sẽ kết luận sao? Cuối cùng tặc lưỡi. Được cái hồ giống như đàn bà, có sức làm ta chìm đắm ngay vào đó.
Sáng sau xem báo thấy chạy gần hết phần tư trang nhất một ảnh toàn bộ quan viên báo chụp với Lê Duẩn. Vốn đến báo quân đội để chống xét lại rồi bị chu Huy Mân cho về Cục xuất bản nhưng Tố Hữu, Hoàng Tùng lại kéo sang báo đảng thành đầu trò ở đây. Th. T., tay quắp một quyển sách lớn có lẽ một cụ kinh điển nào anh vừa chạy vào thư viện mượn làm đạo cụ diễn xuất, đầu thì ngả hẳn vào Tổng bí thư, cười sưng sướng.
Khuông, thanh niên xung phong bị bom vùi méo mặt, hiện đánh máy ở báo, hỏi sao không thấy tôi.
- Tớ để ria không được phép chụp hình.
Nói thế chứ biết nói sao? Khuông tin thật. Hôm nọ công an đến báo chụp ảnh làm chứng minh nhân dân, tôi chụp xong đến Chính Yên. Anh vừa ngôi xuống ghế thì anh công an khẽ nói thâm vào tai anh và anh đứng lên ra ngoài. Lát sau quay vào. Sau đó có cả Khuông ở đó, Chính Yên bảo tôi: họ bắt tớ cạo râu, tớ hỏi thế Trần Đĩnh sao không cạo thì họ nói Đĩnh là ngoài đảng. Tôi nghĩ, vậy là trong danh sách những người chụp ảnh sáng nay có ghi rõ lai lịch tôi. Không chừng trong chứng minh nhân dân cũng có mã số phân biệt công dân đen, công dân đỏ?

*

Có việc cấm để râu ria thời gian ấy. Học tập nóng hổi Hồng vệ binh, thẳng tay trị râu ria, tóc dài, quần loe ngay từ 1967. Taliban ở Afganistan bắt quần áo và râu tóc phải lòe xòe nhưng Hông vệ binh và Thanh niên cờ đỏ Việt Nam lại bắt gọn cộc. Tuy vậy giống nhau: đều bằng đàn áp, cưỡng bách.
Tôn Thất Thành, con trai nhà giáo Tôn Thất Bình bị giết cùng với bố vợ là Phạm Quỳnh, có hôm họp cơ quan ngồi cạnh tôi đã nói: Râu tóc anh thế này người ta coi là khiêu khích đấy.
Lúc ấy, hai trí thức Việt kiều được trọng vọng mời về nước đều gặp vạ quần loe.
Tạ Thị Thuỷ, người phụ nữ Việt Nam hiếm hoi lọt vào đại học Bách Khoa Pháp nhân dịp đi Bắc Kinh dự hội nghị các nhà giáo đại học bách khoa rồi ngỏ ý tiện dịp xin về nước. Trí thức được Bắc Kinh mời thì đắt giá quá. Ta bèn nhận lời nhưng chỉ cho danh nghĩa là “bạn của cá nhân Tạ Quang Bửu” (may mà cùng họ). Thuỷ về. Một hôm đi bờ hồ, chị bị hai thanh niên cười nhăn nhở, xập xèo đánh bốn cánh kéo nói: “Cô em, giơ chân lên, cô em…” Thuỷ ngẩn ra thì bị nạt luôn: “Ngoan cố hả? Nào, giơ chân cho anh cắt hay là để mất quần?” Đang giằng co chợt hai thanh niên khác đến can. Hai anh cờ đỏ vũ trang bằng kéo liền xửng: “Chạm mát à? Em gái hả?” Hai thanh niên kia chìa ra một thẻ bìa đỏ. Cờ đỏ khiếp thẻ đỏ, cụp vòi luôn. Nghe nói về khách sạn Kim Liên, Thuỷ nhảy tưng một cái lên giường cười phá một trận. Một con bọ ngựa sắp xơi chị thì mọt con chim sâu đến. Con chim đã theo dõi chị từ hôm chị đặt chân lên mảnh đất tổ quốc thân yêu.
Người thứ hai là Nguyễn Thế Học, con trai út Thế Lữ, giáo viên toán ở Pháp. Để tỏ ra coi trọng trí thức Việt kiều, Nhà nước mời Học và Thảo, vợ anh, cũng giáo viên toán về nước. Nguyễn Đình Nghi cho hai vé xem kịch ở Nhà hát lớn. Học vừa leo lên mấy bậc tam cấp chìa vé ra thì liền bị đẩy lùi lại khá thô bạo: Thay quần! Học ngớ ra cho đến khi nhận câu mắng thứ hai: về nhà mặc quần khác mà vào hay là muốn cắt?
Cố nhiên tối ấy Học không vào Nhà hát lớn. Tôi đã bảo Nghi: Giá như phát cho mỗi Việt kiều ta mời về một huy hiệu “Miễn Cắt” có phải gọn hơn không?
Sau đó vợ chồng Học và vợ chồng Nghi cùng Thế Lữ đi Sài Gòn. Hôm họ trở lại Hà Nội, tôi đến ăn cơm gia đỉnh. Nghi bất bình kể một chuyện anh nói là “kinh khủng”. Lên máy bay, nhà Nghi bị tách ra làm hai: vợ chồng Học ngồi ở một cái bàn có bình hoa ni lông giáp buồng lái còn Thế Lữ và vợ chồng Nghi ngồi bên dưới cùng hành khách. Học đề nghị cho được xuống với bố và anh chị. Chiêu đãi viên không nghe. Đây là chính sách ưu đãi trí thức. Học kêu lên: Dạ, tôi chỉ là giáo viên toán trung học! Bố tôi, cụ Thế Lữ và anh chị tôi, đạo diễn với nghệ sĩ kịch mới là trí thức ạ! Cù cưa mãi, cuối cùng Học cứ đứng. Đến bước biểu tình đứng thì Cục Hàng không đành chịu để Thế Lữ và vợ chồng Nghi lên ngồi “ăn theo” trên ba cái ghế phụ tròn xoe, không lưng, không tay.
- Ghế phụ là đúng đấy! - Tôi nói.
Anh em Nghi ngạc nhiên nhìn tôi.
-”Phụ” là bố mà!
Một lần về nước sau này, Học bảo tôi: Người Mỹ nói có hai cái người Mỹ trọng nhất là sinh mạng và tự do thì người Việt Nam coi khinh nhất. Chết và tù là chuyện nhỏ, rẻ mạt. Ở New York, nơi chúng em ở có một băng sát thủ lợi hại nhất là của thiếu niên Việt Nam. Một người Pháp bạn nhà giáo với em hồi ở Bờ Biển Ngà sang chơi nghe tin băng sát thủ này có hỏi em phải chăng chiến tranh liên miên đã làm cho người Việt Nam vô cảm với mạng sống. Theo ông, nước trải qua chiến tranh hàng chục năm như Việt Nam nên có nghiên cứu sâu về hậu quả của chiến tranh ở mặt tâm lý, tâm thần, đặc biệt là ở những người trực tiếp chiến đấu và như vậy có lợi cho sức khỏe tâm thần của xã hội. Chiến tranh nào, kể cả chính nghĩa, cũng là một vết sẹo lớn. Nhắm mắt với vết sẹo thì nó có thể ngấm ngầm phát triển thành ung thư. Không phải chỉ lính Mỹ sau khi ở Việt Nam về mới tự sát. Nếu nghiên cứu chắc cũng có thể thấy là đã có những người Việt tự sát vì ân hận đã nổ súng bừa. Chỗ này ngoài phân tâm học còn cần văn học.
Thảo, tức Thảo Nguyên, vợ Học nói: Em thấy chiến tranh để lại sự gian giảo, dối trá. Đánh du kích thì phát triển cái ấy mà.
- Nhưng lại có ý cho rằng văn học cần vũ trang cho dân lòng căm thù và tinh thần bạo lực kiên cường nên văn nghệ mới viết đi đánh Mỹ là ngày hội lớn hay “Căm thù lại gọi căm thù, Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu”. Lạc quan tếu và thù hận sâu là hai con sóng lớn dìu chúng ta đi trên đại dương mà chúng ta cho nổi sóng.
Không sợ chiến tranh và không sợ Mỹ đã thành chuẩn đầu bảng của đạo đức cách mạng. Nhưng thay vào đó có cái sợ thiêng liêng được đảng ra sức bồi dưỡng, phát triển: Sợ đảng trừng trị.
Cần bàn sâu hơn về cái sợ mà đảng cộng sản đã hun đúc nên ở đảng viên, cán bộ, nhân dân. Sức mạnh của đảng dựa trên cái sợ phi nhân này.
Vì nó phủ đen ngòm lên cả lãnh tụ.