-- 4 --

     oàng, trán và mũi dán vào kính tủ hàng, nhìn mê mệt bao nhiêu là chế tạo phẩm hào nhoáng trong đó, từ chiếc sắc da sấu đến cái quẹt máy nhỏ xíu. Giây lâu nàng đứng thẳng lên rồi thỏ thẻ nói:
- Nay anh cho em một lọ be đờ Sâm banh được chưa?
Dương Châu giựt nẩy mình. Lọ nước hoa Bain de Champagne mà chàng đã hứa bướng với Hoàng hồi nàng còn ở trên Tuyết Hương, được nàng cứ nhắc đi nhắc lại mãi từ khi đôi bạn tái ngộ với nhau, và chàng cứ cù cưa cú cứa mãi mà chưa mua nổi cho bạn. Chàng bối rối đáp:
- Để cuối tháng hãy hay.
- Hổm nay anh hẹn cuối tuần, mà đã hai tuần qua rồi, nay anh lại hẹn cuối tháng thì không biết mấy tháng nữa mới có. À, này anh, em không biết chữ, vậy chớ be đờ Sâm banh là ve nào đâu?
Dương Châu trỏ lọ nước hoa xấu xí hơn hết trong tủ, khiến Hoàng kêu trời.
- Trời ơi, sao mà giống chai xá xị dữ vầy nè? Chắc anh xí gạt em chớ dầu thơm hạng sang, sao ve lại xấu quá như vậy!
- Anh cũng không hiểu vì sao mà hãng hế tạo họ trình bày tệ đến thế, nhưng anh gạt em làm gì. Có nhãn giá kia, tới ba trăm tám lận.
- Tại anh hết đó. Hôm nọ có hai trăm sáu không chịu mua, giờ thì giá các vật đều lên.
Dương Châu nghe hơi xót xót trong lòng: nếu giá vật không lên, mà lại sụt đi nữa, thì cũng không bao giờ chàng mua nổi lọ nước hoa ấy cho bạn. Chàng kiếm cớ để xí xóa bối rối và hổ thẹn, nhưng cớ của chàng lại đúng sự thật:
- Bain de Champagne là nước hoa của đàn ông. Phụ nữ mà dùng loại nước hoa ấy, có vẻ đĩ thỏa lắm.
Chàng còn đang đứng tần ngần đó thì thình lình có ai vỗ vai chàng. Anh thi sĩ cháy túi này day lại thì té ra đó là Ngọc, người bạn đồng sở với chàng ngày xưa. Ngọc đi với hai người bạn trai khác mà anh ta không giới thiệu, mặc dầu cả bốn bắt tay nhau.
- Đi ta, vô đây uống nước chơi!
Ngọc chỉ hiệu Brodard ở phía bên kia đường Tự do. Chàng thấy ngay rằng đưa Hoàng vào quán sang trọng ấy rất không tiện, nên xin phép bạn, nói nhỏ riêng với nàng một câu rồi đi theo bọn Ngọc.
Bấy giờ chàng mới quặn đau hơn bao giờ cả. Chàng đã đầu hàng phong tục trưởng giả. KHÔNG DÁM LÀ CHÀNG NỮA, không dám bất kể thiên hạ nữa, nên mới bỏ rơi bạn giữa đường Tự do này.
Thì ra, chàng vẫn chưa là nghệ sĩ lắm như chàng ngỡ, hay chỉ nghệ được trong môi trường của chàng thôi. Ra khỏi thế giới riêng biệt của chàng, chàng đâm ra kính nể khuôn sáo của người thường mà chàng miệt thị là bọn trưởng giả.
Chàng không dám đẩy Hoàng vào đây không phải vì dĩ vãng của Hoàng mà bọn người trong đó không thể biết, mà biết cũng chẳng cười chê gì, mà chỉ vì Hoàng quê kịch đối với không khí của cái hiệu ăn và giải khát có máy lạnh ấy thôi. Ở đó người ta dung tha con đĩ mà không dung tha sự quê kịch và chàng sợ họ không dung tha chính chàng là kẻ dìu dắt sự quê kịch.
Vừa kêu món uống xong, Ngọc đã hỏi:
- Sao nghe mầy nổi danh, có khá hay không?
Hỏi xong, hắn nói với bạn hắn, giọng đầy hãnh diện:
- Nó là thi sĩ Dương Châu đó.
Rồi lại giới thiệu trễ muộn bạn hắn với chàng:
- Thắm cũng làm văn nghệ. Tý có đi Tây.
Dương Châu suýt bật cười. Tại quán Tai heo của lũ văn nghệ sĩ đói, không bao giờ mà ai nghe được một câu giới thiệu bất hủ như vậy. Cái chức vị "Có đi Tây" thật là đúng lịch sự xã giao của cái bọn mà Dương Châu đã tránh để khỏi bị họ xem bằng nửa con mắt khi có ai cắc cớ giới thiệu chàng là thi sĩ.
Còn cái anh chàng Thắm "cũng làm văn nghệ" kia sao mà lạ hoắt, Dương Châu nhìn mãi mà không nhận được một văn nghệ sĩ nào nơi con người đó cả. Chàng đã quen hoặc biết mặt tất cả văn nghệ sĩ ở thủ đô, nhưng chưa hề gặp người này.
Dương Châu sợ bạn thất vọng, nhứt là bẽ mặt với anh em của va, nên đáp phân hai:
- Cũng dễ thở, nhưng không sung sướng cho lắm.
Một lần nữa, chàng không dám là chàng, không dám thú nhận cảnh cơ khổ của giới chàng. Và nói xong lời dối trá ấy, lòng chàng lại quặn thắt đau, nhớ đến cô bạn mà chàng đã bỏ rơi khi nãy với món quà thèm muốn của cô ta mà chàng rất sẵn lòng mua tặng bạn nhưng không sao chạy ra tiền.
Cái anh chàng "có đi Tây" nói:
- Hồi tôi ở bên Tây, tôi thấy văn nghệ sĩ rất giàu. Xã hội Âu châu rất cưng văn nghệ sĩ của họ và nuôi hạng người này rất đầy đủ.
Anh chàng "có làm văn nghệ" cười ha hả mà rằng:
- Bên cạnh những văn nghệ sĩ giàu mà anh thấy đó, còn khối văn nghệ sĩ không đủ tiền mua bánh mì cho mỗi bữa ăn. Anh có phải là người trong giới đâu mà biết những điều đó.
- Là tại họ bất tài.
- Hà... hà... rõ ràng là anh không biết gì hết. Nhiều văn nghệ sĩ bên ấy, đến khi nhắm mắt không hòm chôn, mới được nổi danh, danh lẫy lừng, thế nghĩa là họ không bất tài. Vậy xã hội Âu châu cũng không nuôi phủ phê tất cả những con người văn nghệ sĩ của họ như anh tưởng đâu.
Nhưng về sự cưng văn nghệ sĩ, xã hội ta cũng thế, nào có kém ai đâu. Anh không nghe nói số lương tháng của các nghệ sĩ sân khấu à?
Dương Châu nói lên ý nghĩ riêng của chàng mà từ lâu nay, trong cay đắng của cuộc đời, chàng đã thoáng có trong trí chàng, ý nghĩ ấy còn mờ mờ ảo ảo, nay gặp dịp trao đổi quan niệm giữa hai người bạn một giờ này, nó mới thành hình hẳn.
- Tôi thì tôi nghĩ rằng, xã hội có bổn phận nuôi ba hạng người này: các nhà bác học, các triết gia và các văn nghệ sĩ.
- Anh nói có lẽ đúng. Nhưng anh cứ làm văn nghệ cho anh, thì ai dại gì mà nuôi anh.
- Chớ làm cho ai bây giờ?
- Làm cho mọi người, cho nhơn dân.
- Thì ai muốn ngâm thơ tôi, cứ mà ngâm, tôi có cấm đoán ai đâu.
- Nhưng tôi ngâm thơ anh, tôi không thấy có lợi thì tôi ngâm làm gì. Anh cứ than khóc những mối tình tan vỡ, trong khi tôi đói bụng thì sao lại đòi tôi nuôi anh?
- Vậy ra thi sĩ phải đổi công. Tôi phải khóc cái đói bụng của anh tôi mới mong khỏi đói bụng như bây giờ là lúc mà tôi cứ khóc nàng?
- Trong xã hội, ai cũng có bổn phận đối với ai cả, không riêng gì thi sĩ đâu.
- Nhưng tôi đã làm bổn phận là giúp họ "mua vui một vài trống canh".
- Cái công đó ít quá so sánh với số cơm gạo mà anh cần hằng năm mà người khác phải cung cấp cho anh. Hồi cổ thời, một chánh khách đã nói: "Thi sĩ là hạng người đáng mến, đáng quý, nhưng ta nên đặt vòng hoa tráng lệ lên đầu họ rồi đuổi họ ra khỏi biên giới lãnh thổ ta vì họ là những người rất vô ích".
Danh từ thi sĩ mà chính khách ấy đã dùng với nghĩa rộng, chỉ luôn rất nhiều văn nghệ sĩ như là họa sĩ chẳng hạn.
Quả thật thế, phần đông văn nghệ sĩ rất vô ích, họ ở không hằng tháng, hằng năm, để chỉ sản xuất được có mỗi một tác phẩm nhỏ xíu ăn không được, mà cũng chẳng nưng đỡ được tinh thần ai hết.
Nhưng giờ thì người ta đã tìm được lối thoát cho văn nghệ sĩ rồi, là họ cứ hữu dụng đi, thì sẽ no.
- Như con trâu vậy à? Mầy cứ kéo cày đi, rồi tao sẽ cho bó cỏ! Tôi lại lo họ sẽ cân công và cỏ thì nguy. Văn nghệ sĩ chúng tôi rất cần lười biếng và ở không, phải ngồi hằng ngày này qua ngày khác mà nhìn một chiếc lá rơi mới tìm thấy một mớ hứng rồi sau đó lắm khi cũng chưa viết gì ngay được cả. Như vậy, hai mươi kí lô cỏ mỗi ngày, bỏ lên đầu cân bên này thì cái cân sẽ nghiêng ngửa thế nào vì bên đầu kia chưa có được gờ ram văn nghệ nào cả.
Dương Châu có cảm giác rằng anh bạn nọ tuyên truyền cho một chế độ nào, vì chàng cũng đã nghe luận điệu tuyên truyền ấy đôi lần rồi.
Anh bạn cười rất rộng lượng rồi cãi:
- Không cân như anh tưởng đâu. Người ta vẫn biết nhịp sản xuất văn nghệ sĩ rất khác nhịp sản xuất của thợ. Ai mà cân dại dột như vậy.
- Nhưng người ta lại bắt chúng tôi sản xuất theo ý muốn của người ta.
- Theo ý muốn của đa số.
- Chưa chắc lắm. Thằng Ngọa Hổ nó viết truyện võ hiệp được tám vạn người mê say, có phải là đúng theo ý muốn của đa số hay không? Thế mà tôi chắc không chế độ nào thèm nuôi nó đâu, vì nếu hiểu hai tiếng "hữu dụng" theo nghĩa của anh thì truyện võ hiệp không hữu dụng tí nào cả.
Anh bạn "có làm văn nghệ" nói:
- Hay lắm. Anh chịu thảo luận nên lòi ra nhiều mối hay. Rồi ta sẽ gặp lại nhau để dứt khoát vấn đề này. Giờ đây tôi thấy bạn hữu đã muốn ngáp nên xin chấm dứt, nói chuyện thtrờng cho vui. Tôi rất thích những người băn khoăn về số kiếp văn nghệ sĩ như anh. Có băn khoăn mới cố mà tìm ra lối thoát.
Dương Châu nói:
- Tôi không ngáp đâu. Tôi có ý kiến riêng về vụ này. Theo tôi thì cũng tại dân trí cả. Tôi thấy bên Tây, văn nghệ sĩ cũng không hữu dụng theo cái nghĩa của anh dùng, mà họ vẫn sung sướng nhứt đời. Một quyển tiểu thuyết tình lãng mạn có thể nuôi họ đàng hoàng trong ba năm dài, mà họ khỏi phải viết theo chỉ thị nào cả. Ỏ xứ ta, một quyển tiểu thuyết chạy nhứt chỉ bán được ba ngàn cuốn là cùng. Có phải chăng là vì dân ta ít tiêu thụ văn nghệ nên văn nghệ sĩ mới đói. Chừng nào sách bán chạy hằng triệu cuốn như ở Âu Mỹ, thì các văn nghệ sĩ sẽ thoát cảnh bần cùng. Cái điểm "hữu dụng" không phải là giải pháp đúng về nghệ thuật mà chỉ đúng về một sự mua bán công bằng thôi: "Mầy chế tạo ghế tròn, mầy bán ế à? Vậy cứ chế ghế vuông đi, tao mua hết cho. Có ai thích ngồi ghế vuông hay không, mặc tao, mầy chỉ cốt bán được thôi nhé!"
Ngọc thấy buổi cà phê đãi bạn mà chàng muốn vui vẻ sắp thành sóng gió nên hòa giải theo lối ba phải:
- Ai nói nghe cũng xuôi tai hết. Thôi, ta bước sang chuyện khác vậy. Minh nè, từ ngày mầy nổi danh, trong sở mấy thằng tre trẻ áp nhau viết văn làm thơ hết trọi. Mầy báo hại lắm nhé. Tụi nó không còn làm việc được nữa.
- Phải chi tụi nó biết tao đang đói...
Dương Châu lần này dám dùng cái tiếng thật đúng đó, vì chàng biết bọn kia không tin. Vã lại sau một cuộc thảo luận như vừa rồi, chàng nghe lòng được cởi mở hơn đối với những người thông cảm với kiếp sống của con người văn nghệ.
- Đói no, tụi nó bất chấp, miễn là làm ra được cái gì hay thì thôi, nhứt là miễn nổi danh thì thôi.
Nổi danh! Giờ nghe hai tiếng đó, Dương Châu rất buồn cười. Nhưng quả năm xưa, chàng đã thiết tha mong mỏi như vậy. Hình thư con người, thằng nào cũng muốn nổi danh cả, không nổi danh trong ngành này thì trong ngành khác, không ca hay số dách thì phải đánh tơ nít giựt cúp mới được.
Cho chí những đứa không đánh máy nhanh như chớp để được giải quán quân đánh máy, cũng cố mà nổi danh bằng cách ký tên lên các tảng đá trên núi, ngoài biển như cụ Các đã nói.
Giờ đây, chàng chỉ còn bị ám ảnh vì những cưu mang trong lòng, cần cho nó ra ngoài bằng phương tiện nghệ thuật, không thôi nó hành hạ chịu không nổi. Sự ám ảnh thứ nhì là phương tiện nghệ thuật nói trên. Chàng đã chạy theo suốt cả tuần lễ một ý nghĩ nhỏ rồi lại bỏ một tuần lễ nữa để làm một tiếng thật là thơ để nói cái ý nhỏ đó ra, và khi chụp được nó, chàng sướng như thợ săn bắn được thịt, hay anh chàng mê gái chinh phục được một cô nàng.
Sự nổi danh, y như là thi đậu bằng cấp. Hằng bao năm mơ nó, mà được rồi thì không còn nghe thú vị gì nữa cả.

*

-
Chị Hoàng ơi! Tôi đang xây dựng giai tác của đời họa sĩ của tôi đây!
Nghe Đan nói câu ấy, Dương Châu bỗng giựt mình. Chàng nhìn lại đôi con mắt say sưa của người bạn của giờ thứ nhì trong nhóm quán Tai heo và nghe rằng thằng bạn ấy đã bắt đầu để tim hắn máy động trước tình yêu.
Bấy giờ vào một buổi sáng nắng tốt. Hoàng đến đây vào buổi sáng từ một tuần nay vì sự can thiệp của chính chàng, chớ nàng chỉ làm ban đêm thôi. Đan đã yêu cầu nàng mặc chiếc áo choàng trắng của nữ chiêu đãi viên thường để vẽ nàng dưới bề ngoài ấy. Hoàng đứng như tượng gỗ, tay hưng một mâm rượu và đồ nhắm, trước cửa buồng của quán.
Đành rằng Đan đã tìm thấy dấu vết của những nét đẹp xưa đang ẩn kín khắp người của Hoàng, đã mê những nét đẹp ấy theo lối con nhà nghệ sĩ mê bất kỳ cái đẹp nào, mê một cách trong lành, không ra ngoài tình ái-mỹ của mình, và quyết đưa ra ánh sáng những nét đẹp đó, nhưng cách nhìn người mẫu của họa sĩ bấy giờ khác hẵn mà anh con trai nhiều kinh nghiệm về ái tình là Dương Châu không thể lầm với cách khác được.
Cơn ghen bỗng nổi lên, chàng muốn nhảy lại xé rách tấm bố căng mà Đan đã bệt màu lên đó. Đôi môi dầy của Hoàng đã được thằng khốn kiếp này vẽ quá lố ra cho dầy hơn thật trạng khiến nhìn bức chơn dung gần xong, chàng thấy một cô Hoàng đầy nhục dục, và cứ nghe như là Đan muốn hưởng sự nhục dục ấy trong tưởng tượng của nó bằng cách vẽ ra như vậy.
"Không, Đan không có gì hơn mình cả, Dương Châu tự bảo thầm như thế để được an lòng. Hắn cũng râu dài, áo quần nhầu nát và lang thang như mình. Mình không kém hắn, lại đang thủ thành kiên cố, kẻ muốn hảm thành, lực lượng phải nhiều hơn thế kia".
Bỗng nhớ lại một chi tiết, chàng đâm sợ và nổi giận muốn bẻ cổ ngay cô chiêu đãi viên đang đứng làm người mẫu.
Số là Hoàng đã dẩy nẩy không chịu đứng cho Đan vẽ. Chàng đã dụ dỗ bạn bằng cách nói khéo cho Đan mua tặng nàng lọ Bain de Champagne mà nàng mơ ước từ bao lâu nay. Chàng muốn làm một công mà hai việc, thoát khỏi hai ám ảnh: Đan không còn đeo theo chàng để nhờ chàng can thiệp và Hoàng không còn đòi chèo chẹo lọ nước hoa nữa.
Cái hôm mà Hoàng nhận quà biếu, Dương Châu đã nghe quặn đau nơi lòng, trước sự hí hửng của nàng. Nàng đã ôm lọ nước hoa trên ngực như là một đứa bé gái ôm con búp bê vừa nhận được.
Món quà mà nàng ao ước từ lâu và chàng cứ lần lựa mà không tặng, giờ người khác tặng nuột cách dễ dàng quá, làm sao nàng khỏi cảm tình với người ấy và biết đâu khỏi so sánh hai người?
Dương Châu đứng dựa lưng vào quầy thu tiền, tần ngần lâu lắm. Hôm nay, lần đầu tiên trong đời chàng, chàng nghĩ nhiều về ái tình và lòng người và từ đầu dây này sang mối nhợ khác, chàng phân tách chính lòng chàng. Lòng chàng ích kỷ lắm! Đã nghe rõ là không yêu người ta nhiều, và lắm lúc bực mình muốn dứt, lại khổ sở mà nhận rằng khó dứt, thế mà bây giờ lại ghen.
Xấu bụng lắm Dương Châu ơi! Mầy muốn vứt đi, người ta toan lượm, mầy lại tức như người ta cướp của quý của mầy.
Hay là biếu quách Hoàng cho Đan! Ý nghĩ này làm cho Dương Châu bật cười và Đan với lại Hoàng cũng cười theo. Đan ngỡ bạn cười chế diễu anh ta vẽ xấu, và Hoàng thì ngỡ nhân tình của ả ta cười việc đứng trơ như tượng gỗ của nàng.
"Ừ, Dương Châu nghĩ. Cứ để cho thằng Đan nó chinh phục con Hoàng cho nó nếm mùi yêu đương mà sáng tác mạnh thêm. Nếu Hoàng ngã vào tay thằng ấy thì Hoàng sẽ có chỗ nương dựa và mình khỏi phải tội nghiệp nó nữa. Mình chỉ thương xót nó bơ vơ thôi, mà có Đan là nó nghe ấm lòng rồi, còn cần quái gì mình nữa.
"Hoàng thật khó chịu. Nó đòi chụp ảnh chung với mình! Thành ra mình cứ phải từ chối là từ chối, cứ phải nói dối là nói dối, đến bực mình!
Giờ có một thằng ngốc nhảy vô gánh tất cả mọi khó chịu đó thì đỡ khổ cho mình biết bao!"
Lý trí chàng bảo thế, nhưng lòng chàng thì khác xa. Tự nhiên Dương Châu thấy bạn đẹp hơn ngày thường và dễ thương hơn ngày thường. Cơn ghen thoáng qua như tiêm vào người chàng một chất kích thích. Chàng thấy bạn quyến rủ hơn và tự ái xui chàng quyết giữ cô nhơn tình tạm bợ ấy.
Chàng đang có cái tâm trạng của một đứa bé ích kỷ, vứt đi món đồ chơi mà nó chán, mà khi thấy đứa khác lượm mót thì nó cà nanh, quyết giành lại cho được mới nghe.
Chị Hoàng ơi! Tôi đang xây dựng giai tác của đời họa sĩ của tôi đây! Chị có biết hay không là chị sẽ trường sanh bất tử vì bức chân dung nầy? Tôi sẽ để ở dưới là: "CHƠN DUNG CÔ HOÀNG, NỮ CHIÊU ĐÃI VIÊN QUÁN TAI HEO".
Bây giờ Dương Châu đã thôi nghĩ miên man. Chàng uể oải bước lại sau lưng bạn để xem toàn thể bức chân dung.
Nhà thơ này kinh ngạc biết bao nhiêu mà thấy sự thành công rực rỡ của bạn chàng. Quả đây là một cây cọ tàí hoa, hắn đã làm nổi bật lên tất cả bản chất riêng của người mẫu mà mắt người thường không thấy được. Duyên thầm, mỹ miều kín, nét đẹp xưa, tất cả những thứ ấy đều được tế nhận và ghi ký bằng màu sắc, nhứt là màu sắc.
Cây cọ tài hoa này chắc chắn là không được người đời thưởng thức vì chơn dung hắn vẽ không giống người thật bao nhiêu, lại vẽ vụng quá, cổ người quá cao, chơn người quá dài, bàn tay, bàn chân lại giống rễ cây, và ly, chai trên mâm, méo mó như do một anh thợ điên chế tạo nên.
Như chàng, anh họa sĩ tài hoa này đang đói và chắc chắn là sẽ đói mãi, nếu anh ta cứ không chịu vẽ quảng cáo hoặc vẽ người đẹp, cảnh đẹp mà bất kỳ ông nhà giàu dốt nào cũng biết thưởng thức. Thi sĩ phải viết truyện kiếm hiệp mới đủ tiền trả quán, mà họa sĩ thì phải vẽ tranh tứ thời mới đủ cơm ăn.
Trong giây phút phấn khởi trước một nghệ phẩm thành công, và trước liên tưởng về số kiếp chung của hai người, Dương Châu bỗng nghe thương mến bạn vô cùng. Chàng vịn vai người họa sĩ tài hoa, mắt rưng rưng lệ thảm.
Không, Hoàng phải là của Đan mới được, vì chính Đan mới là kẻ đưa Hoàng vào nơi bất tử. Bài thơ của chàng không cụ thể bằng bức chân dung này đâu.
Và chính mối tình của Đan mới là to lớn. Chỉ có kẻ nào yêu thật là yêu mới sáng tác ra được mộl tác phẩm như vầy, vì tác giả phải để hết cả tấm lòng y vào đó mới thành công tới mức ấy.
Chàng, chàng chỉ yêu Hoàng trong một cơn ngông mà thôi, không có gì là sâu đậm hết. Nếu ngày sau mà Đan sẽ hết yêu Hoàng đi nữa, thì hắn cũng xứng đáng được Hoàng yêu bây giờ vì tình yêu chơn thật và to lớn của hắn hiện nay.
- Thế nào bồ? Đan hỏi, đương đầu nổi với bài thơ khoai đắng bánh ngọt của bồ hay không?
- Hơn đứt bài thơ. Mầy đã để rất nhiều MẦY trong nầy và cũng đã để rất nhiều NÀNG trong đó nữa. Mầy xứng đáng được yêu nàng và được nàng yêu hơn tao.
Đan khoác tay ra dấu bảo Hoàng đi, và nói:
- Hôm nay bấy nhiêu đó là đủ rồi chị Hoàmg à. Chị chịu khó làm tượng đá vọng phu thêm ba lần nữa là xong.
Hắn ta đã đánh trống lấp khi bạn hắn nói đến tiếng yêu. Tình cảm thầm kín của hắn, hắn thấy là bậy nên rất sợ bị sự xúc động lật tẩy hắn.
Con người văn nghệ của xứ nào cũng bị mang tiếng nhiều về tình trường, vì giới văn nghệ là giới mà trong đó (tương đối và bằng theo tỷ số) đã xảy ra nhiều mối tình lộn xộn hơn cả.
Nhưng nào con người văn nghệ có muốn thế đâu! Đó là những phần tử của nhơn loại đã rủi ro, và do tình cờ sinh lý, mang phải một bộ thần kinh quá nhạy. Vì thế mà họ dễ rung cảm, và vì dễ rung cảm nên họ thành văn nghệ sĩ. Họ dễ rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của sự vật, của tư tưởng, của tâm hồn. Vì thế mà họ yêu nhiều hơn kẻ khác và yêu xô bồ hơn.
Làm văn nghệ và yêu vô trật tự chỉ là hậu quả của một sự cấu tạo cơ thể mà họ không dự phần trách nhiệm. Luân lý đôi khi đã thắng trong sự chèo kéo nơi nội tâm họ, và tiếng nói của lý trí đôi khi có được uy quyền. Nhưng thường thì con người văn nghệ đầu hàng tình cảm của họ, mặc dầu họ muốn chống trả và có chống trả. Đan đang muốn chống trả.
Hai người bạn trai nắm tay nhau đi lùi ra mấy bước để ngắm xa bức chơn dung gần xong ấy.
Dấu vết của vẻ đẹp ngậm ngùi của ngôi đền đài cổ kính hoang tàn là Hoàng đã được tất cả mọi con mắt nghệ sĩ của quán Tai heo nhận thấy ngay từ lúc họ mới đến. Nhưng chỉ có hai người là bị cảm nặng thôi. Dương Châu đã yêu vẻ đẹp ấy trong một lúc buồn chán và bơ vơ rồi sau không rời được nữa và giờ đây thì Đan, anh chàng nầy đã hóa thành một cây si vì được dịp ngắm kỹ ngôi đền nhiều hơn hết, được dịp phân tách tỉ mỉ để vẽ và nhờ thế, được thưởng thức vẻ đẹp ấy bằng cả trí và lòng anh.
Hoàng và tiếp theo đó Hai Lọt, cả hai đều áp đến mà xem công trình người họa sĩ đầu bù mà hổm nay họ chưa thưởng thức vì Đan chỉ ghi những nét vẽ phác nên đó thôi. Hôm nay hắn mới dùng dầu để vẽ vài nét của gương mặt cô nữ chiêu đãi viên gầy.
Chủ quán và cô công nhân của quán vừa mới thấy bức tranh thì kêu rú lên một tiếng thất vọng và sợ hãi:
- Trời ơi, Hai Lọt nói, thầy vẽ ai chớ có phải vẽ con Hoàng đâu! Cái mặt thấy mà sợ!
Hoàng thì mếu máo, giọng muốn khóc mà rằng:
- Em đâu có xấu dữ vậy! Các anh ác vừa vừa chớ!
Dương Châu an ủi:
- Em không sành xem tranh, đẹp lắm đó chớ!
- Đã không giống lại còn...
- Không cần giống.
- Không cần thì vẽ làm gì?
- Ậy, khó nói cho em hiểu lắm. Em cứ tin là chơn dung này đẹp là đủ rồi.
- Làm sao mà em tin được. Nó xấu như ma, con nít dòm vô cũng thấy liền.
Hai người bạn trai đành lặng thinh nhìn nhau mà mỉm cười. Có ẩn chua xót phần nào trong cái mỉm cười ấy vì không trao ý cho nhau, mà cả hai đều nghĩ đến số phận của bức tranh. Có lẽ nó sẽ bị dùng để làm nóc che một cái sạp thuốc rê nào, hoặc bị dùng làm cửa một chuồng gà nào vì người biết thưởng thức hiếm hoi quá; cũng chẳng có được những trọc phú a dua như bên Âu Mỹ, mua tranh để khoe của hoặc để mang lốt sành đời.
Nếu bức tranh này mà không bị gió mưa thắm mục, Dương Châu nghĩ, nếu do một tình cờ nào mà nó được lưu lại đời sau và chừng đó mới có người thưởng thức và chừng đó cô nữ chiêu đãi viên đứng kia đã vào lịch sử rồi, nếu thế thì càng tủi hơn biết bao vì chính cái người được bức tranh đưa vào cõi bất tử giờ đây lại cũng chẳng đoái hoài đến tranh.
Ý nghĩ đó bỗng làm cho Dương Châu càng thương bạn hơn lên. Cái bạc bẽo của đời đối với họa sĩ phải được đền bù ít lắm cũng bằng sự mãn nguyện trong mối tình cua y. Y xứng đáng mối tình đó và đáng được hưởng mối tình đó.
Bất giác chàng ngâm nho nhỏ nhũng câu thơ chua xót mà chàng đã ngâm để khóc riêng phận chàng:
Xắn từng mảnh tâm hồn
Viết lên cho người đọc,
Người mãi theo vàng son,
Sương chiều như ai khóc.
Trong khi Hoàng ra sau nhà, Dương Châu rốc túi lấy ra năm mươi đồng trao cho bạn một cách đế vương, làm bộ như là chàng đang giàu có lắm, cho Đan khỏi e ngại gì hết. Chàng nói:
- Hoàng nó cứ đòi tao đưa đi xi-nê trưa nay. Nhưng tao bận và mệt quá, mầy lãnh nhiệm vụ này cho tao, tao sẽ thưởng công cho.
Đan tin bạn bằng lời nên mừng rỡ nói:
- Mầy đưa tiền và cho Hoàng đi với tao là thưởng công rồi, còn gì nữa.
- Còn công làm cái khổ dịch ấy.
- Không, đó là thú dịch chớ.
- Tùy mầy.
Nhưng trưa lại, lên thư viện có chút việc. Dương Châu thấy Đan đang vùi đầu vào một quyển sách giấy vàng khè. Chàng bước đến gần bạn, vỗ vai hắn và nói thầm thì:
- Mầy ăn hết năm chục của tao rồi trốn phận sự hả?
Đan ngước lên, lắc đầu chán nản:
- Nó không chịu đi, tao biết làm sao! Tao thích đi với nó lắm chớ, chắc nó sợ mầy ghen.
- Mốc xì! Tao có nói với nó là giao cho mầy công việc ấy! Tại mầy không chịu cạo râu, không chịu chải tóc, đầu cổ như thằng điên nên nó mắc cỡ mà lánh mầy nơi chỗ đông người chớ gì.
- Ai biết đâu. Nhưng quả tao đã xài hết tiền của mầy rồi. Để thủng thỉnh tao trả cho.
- Thôi đi tía nội.

*

12 giờ khuya. Cả bọn đứng lên để mỗi đứa về một ngã; Hoàng đưa nội bọn ra tới vỉa hè và hỏi nho nhỏ:.
- Hôm trước chú nào nói muốn yêu, chị quên mất rồi?
- Chú đây cháu à! Hiền đáp. Mấy thằng kia cũng có nói, nhưng cháu nên giúp một mình chú thôi.
- Nè, sắp có tiên nữ đến rồi đó nha!
- Vậy a? Chừng nào?
- Ai đó?
- Đẹp hay không?
- Suỵt, nói nho nhỏ vậy.
- Sao mà bí mật thế?
- Cháu của ổng, dưới nhà quê lên. Nghe ổng khoe thì đến đàn bà cũng nhiểu nước miếng! Ế quá, nên ổng định tăng cường, coi họa may có rù quến thêm khách được chăng?
- Vậy thì là trái cấm rồi!
Hoàng cười mà rằng:
- Biết đâu được, để xem.
Lũ quỉ đi rồi, Đương Châu kéo bạn vào quán hỏi:
- Sao hồi trưa em không đi coi chiếu bóng với thằng Đan?
- Xí, em không thèm đi với nó đâu.
- Sao lạ vậy?
- Nó xấu lắm.
- Nó đã làm gì em?
- Nó ngó em.
- Trời ơi, có biết bao nhiêu người đã ngó em...
- Nhưng nó ngó một cách khác thường.
- Thì có biết bao nhiêu thằng khác đã ngó em một cách khác thường.
- Hồi đó thì không sao, nhưng bây giờ thì khác.
Khổ quá, tại sao lại có chuyện không ăn rơ trong cuộc đời? Dương Châu tự hỏi như vậy. Những cô gái lãng mạn, thích thay đổi người yêu sau những cuộc tình duyên ngắn ngủi, sao các cô ấy lại không đi buôn hương cho đỡ khổ không biết bao nhiêu là anh tình nhơn, lại xui cho cô gái "thường nhân, phàm phu tục tử" này vướng phải kiếp ấy! Hoàng là một phụ nữ thường tình với tâm hồn thường nhân của nó. Nó chỉ mong ước được làm người thường thôi, không tham vọng phiêu lưu trên đường tình, thì tại sao...?

*

Vợ Hai Lọt đang quét nhà còn ông ta thì gom ly để rửa lại, theo thường lệ mỗi sáng, thì một chiếc xích lô đạp ngừng trước quán Tai heo.
- Cậu! Mợ!
Nghe tiếng con gái ngoài xe kêu như vậy, hai vợ chồng ngẩng lên nhìn rồi Hai Lọt la:
- Trời, con Bảy Rùa!
- Dữ ác hôn, vợ Hai Lọt nói. Tao với cậu mầy đợi mầy gần rụng rún!
Thấy cháu đưa một tấm giấy năm chục, mà anh phu xích lô nhận rồi toan đạp xe đi, Hai Lọt bước ra vỉa hè hỏi:
- Đi từ đâu tời đây mà năm chục lận?
- Từ bến xe Lục tỉnh cậu à.
- Trời ơi, chú xich lô, chú xí gạt con nít nhà quê hả?
- Tại cô chịu giá.
- Phải, nhưng nó không biết.
- Tôi đạp cả giờ đồng hồ.
- Tại chú đạp chạy vòng vòng để đòi tiền nhiều. Trả bớt lại hay không thì nói đi nè!
Anh xich lô thấy bộ Hai Lọt dữ tợn nên chịu thua ngay và thối lại bốn mươi đồng, không quên cằn nhằn nho nhỏ mấy tiếng.
Con Rùa khệ nệ kéo lết vào quán hai bao cà ròn đựng đầy nhóc cái gì không biết.
- Gì mà nặng dữ vậy? Vợ Hai Lọt hỏi.
- Dừa, thơm, với lại ốc. Bà ngoại gởi lên cho cậu mợ đó.
Bà ngoại của nó chỉ là dì của Hai Lọt chớ không phải mẹ ruột, mặc dầu nó ăn nói như vậy (Đáng lý ra nó phải nói: bà ngoại của cháu mới đúng).
Con Bảy Rùa mồ côi cha mẹ, ở với bà ngoại từ thuở bé. Bà ngoại nó nghèo lắm, nên Hai Lọt tháng trước có nhắn về Chợ Bưng, xin người dì cho nó lên đây, một là để đỡ tốn một miệng ăn cho bà, hai là nó có dịp lập thân. Nó có bóng sắc mà cứ lam lụ ở xó kẹt Chợ Bưng là cái xóm leo heo mười hai nóc nhà, phía trong ga cũ Tân Hiệp thì rồi nó sẽ "lấy chồng cuốc đất" thôi. Đó là luận điệu của vợ chồng Hai Lọt mà bà dì ấy đã nghe xuôi tai.
Con Bảy Rùa rinh hai bao quà vào tới nền quán thì mặt mày đỏ rần lên vì mệt. Đôi má trắng của nó ửng hồng khiến mợ dâu nó buông chổi đứng nhìn nó, chết sửng mấy giây. Mợ ấy cười nói:
- Con Rùa năm nay đã trổ mả rồi đó!
Rùa mắc cỡ, nên càng đỏ mặt hơn lên. Mợ Hai bấy giờ mới bước lại phụ lực với nó. Con Rùa không có gi cả để cho mợ dâu nó khỏi xem thường. Nhưng sắc đẹp của nó mà mợ nó vừa chợt thấy bỗng làm cho mụ chủ quán đâm ra nể nang nó.
Nhan sắc nghĩ cũng có sức nặng đó chớ, ngay cả với đàn bà! Tự nhiên vợ chồng Hai Lọt vui mừng lên như là nắng ấm vừa rọi vào căn nhà u tối. Quả thật hai vợ chồng đã gọi sự viện trợ này để mong quán có khách trở lại, nhưng cả hai đều không dè mà cuộc tăng cường được mạnh mẽ đến thế, bằng một kiện tướng cự phách, có thể đánh ngã tất cả mọi chiêu đãi viên của bất kỳ quán sang trọng nào của thủ đô.
Cả hai đều bu quanh đứa cháu, vồn vã hỏi thăm việc nhà việc cửa dưới Chợ Bưng làm cho con Bảy Rùa nghe vui thích ngay sau hồi bợ ngợ của cuộc tiếp đón lạnh lạt của mấy phút đầu.
Hai vợ chồng chưa hết ngạc nhiên về nhan sắc của đứa cháu. Còn nhớ cái năm mà hai vợ chồng từ giã thôn xóm để chạy loạn lên Sài-gòn, thì con Rùa còn để bánh bèo; cái bụng ỏng của nó chằn chịt gân xanh, mũi dãi lòng thòng, hai con mắt tèm hem thấy mà phát gớm.
Cách đây ba năm, hai vợ chồng có về xứ một lần. Con Rùa bấy giờ đã hết dơ bẩn, nhưng nước da mét chằn, nó ốm mà cao lỏng khỏng chớ có đâu mà thân thể chắc nịch như ngày nay và có đâu mà hồng hào như được nuôi dưỡng bằng cao lương mỹ vị thế này.
Vợ Hai Lọt cùng con Rùa sắp các thứ trong bao ra, vừa sắp mụ ta vừa kêu:
- Trời ơi! Dì Tư thật là hành xác cháu tôi quá, đường xa mà bắt nó bưng xách nặng như vầy...
- Con thức dậy từ hồi khuya, gánh ra ga cũ, rồi gởi gióng, đòn gánh trở về bà ngoại, đón xe mãi mà xe nào cũng đầy, làm phải đợi tới trưa trờ, trưa trật.
- Tội nghiệp! Sáng con đã ăn gì chưa?
- Dạ, ngoại nấu cơm, con ăn hồi khuya.
Con Bảy Rùa mặc quần đen Mỹ-A, áo bà ba ni lông màu xanh lá cây, trông quê chết đi. Nhưng thấy rõ là nó đã làm đủ cách để được đẹp hơn ngày thường trong bộ y phục mới may ấy: đôi guốc cao gót màu hồng, quai guốc gắn đầy bông xanh đỏ, và chiếc khăn mu xoa chạy rìa tai bèo bằng chỉ cô tông bẹc lê nhiều màu mà nó nhét túi để lòi chéo ra là những món trang sức nó ngỡ là đắc dụng lắm.
Ngày sau, quen với phồn hoa rồi, nó cũng sẽ téc ni cô lo như bây giờ, nhưng theo lối khác, kín đáo và tế nhị hơn, nhưng rõ là nó đã biết hiệu lực của trò téc ni cô lo.
- Cha, con sợ đi lạc quá cậu mợ ơi! Ở dưới họ dọa hễ đi lạc thì bị bắt bán tào kê, con nghe cũng ghê y như hồi con còn bé, nghe họ dọa hễ đi lạc thì bị Chà và bắt nấu cà ry.
- Lớn cái đầu rồi mà còn sợ, mợ Hai nói. Tao đã dặn kỹ là cứ biểu xích lô đạp chạy lại Ngã Bảy là tới nơi. Tao có nói giá tiền xe nữa mà!
- Ai nhớ dâu. Với lại con thấy nhà cửa, xe cộ nhiều quá, con ngộp, quên mất hết mọi lời mợ dặn.
- Thôi, con đem các thứ nầy ra ngoài sau hết.