ây nói về mười mấy năm trước, khi Thu Hương vừa thoáng thấy Nga đến Sài Gòn, thì linh tánh nàng báo rằng sắp có việc không hay cho nàng. Nên suốt mấy hôm, nàng lo viết kế hoạch để lại cho bà vú coi theo mà nuôi nấng và dạy dỗ con nàng, cùng những lời di chúc để lại cho Xích Tử, đến khi nào Tàu cho nổ bom nguyên tử, sẽ trao cho nó xem. Nàng sang cái tiệm sách ở chợ Thái Bình, nhưng những sách cho mướn thì nàng cho vô thùng và chở đi trước. Rồi nàng chờ số phận, cái số phận mà độc giả đã thấy ở trước.
Bà vú ẵm thằng Xích Tử đi xuống Cần Thơ, mở một chỗ cho mướn sách. Số tiền thâu dư dả cho hai bà cháu sống một đời an nhàn. Xích Tử lớn lên, sớm tỏ ra đĩnh ngộ thông minh, lên ba, chàng đã được đi học, trong mấy tháng đã biết đọc. Trong nhà chỉ có hai bà cháu, nên bà vú y theo kế hoạch, lợi dụng tình cảm mà khiến chàng đọc sách theo một chương trình đã hoạch sẵn. Lúc nào không đi học thì bà vú bảo nó đọc sách cho bà nghe. Công việc máy móc này nhét hiểu biết, tư tưởng vào đầu óc của nó, thành ra đối với bọn đồng tuổi nó trở nên là một «học giả». Những sách trong hiệu, đến bảy tuổi nó đã học và hiểu hết. Từ ấy bà vú mua thêm sách mới cho nó đọc và sau đó cho mướn.
Có điều nó thắc mắc là nó không biết cha mẹ là ai. Nó xem khai sanh nó thấy tên mẹ nó là Lê Thu Hương, nhưng không biết là Thu Hương nào. Còn tên cha thì khai sanh lại bỏ trống, thành ra nó càng không biết gì nữa. Nó đọc quyển tiểu thuyết Thu Hương, thì mơ ước nhân vật trong tiểu thuyết này là mẹ nó. Nó thấy bà vú nói giọng Huế, cũng hơi nghi, nên sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, nó hỏi bà:
- Thưa bà, mẹ con có phải là người Huế không?
Bà đáp:
- Phải. Mẹ con là người Huế. Con hỏi làm chi vậy?
- Con hỏi để biết mẹ con có phải là người trong tiểu thuyết THU HƯƠNG không?
- Mẹ con hồi trước có học thuốc ở Hà Nội. Bà có theo mẹ con ra đó mà nuôi. Song bà lại đưa về. Nên không biết mẹ con có làm những việc đã thuật trong tiểu thuyết ấy cùng không.
- Bây giờ mẹ con ở đâu?
- Mẹ con đã chết rồi.
- Còn cha con là ai? Bây giờ ở đâu?
- Hai việc ấy bà hoàn toàn không biết.
Nghe bà vú đáp như vậy, nó càng thắc mắc hơn nữa. Khi nghe bà vú dạy nó nên nghiền ngẫm quyển PHI LẠC SANG TÀU, và dặn nó thêm rằng đó là lời di chúc của mẹ nó, thì nó chuyên tâm mà nghiên cứu. Càng nghiên cứu, nó càng thắc mắc. Điều mà nó thắc mắc hơn hết là bà vú nói với nó rằng đó là lời di chúc của mẹ nó, mà sao trên sách tên tác giả HỒ HỮU TƯỜNG, còn trên xấp báo SÀI GÒN MỚI, tên ấy lại là Ý DƯ. Nó không biết nên nói làm sao cho ngã ngũ. Nhơn có người đi ngang qua Cần Thơ, để cổ động bán tự điển, nó hỏi thăm có biết Hồ Hữu Tường bây giờ ở đâu và địa chỉ thế nào, thì nó được đáp như ý muốn. Và nó viết thư như sau:
Cần Thơ, ngày... 1955 Kính gởi bác Hồ Hữu Tường, Cháu là Lê Xích Tử, mồ côi mẹ, không biết cha là ai. Mẹ cháu là Lê Thu Hương, chết hồi cháu còn bú. Cháu có mấy điều xin hỏi bác. Trước hết là Thu Hương mẹ cháu có phải là người bác tả trong tiểu thuyết của bác viết chăng? Kế nữa, bà vú nói PHI LẠC SANG TÀU là di chúc của mẹ cháu để lại, thì tại sao trong SÀI GÒN MỚI, lại ký tên là Ý DƯ, còn trên sách lại ký tên bác? Kính chào bác. XÍCH TỬ Cả tháng sau, Xích Tử mới được cái thơ trả lời như sau:
Bình Xuyên,... 1955 Thân ái, cháu Xích Tử, Thơ cháu gởi về địa chỉ ở Sài Gòn, đến đó khi bác đã rời đi rồi, qua Bình Xuyên và mắc kẹt bên ấy. Mãi sau có người đem đến cho bác. Bác đọc và vội trả lời cho cháu. Về câu hỏi thứ nhứt, bác không thể trả lời quyết đoán được. Người mà bác tả trong tiểu thuyết THU HƯƠNG, thật ra, bác không biết tên trong giấy tờ và cả ở ngoài là gì. Bác chỉ gặp lần trước năm 1945, trên con đường từ Huế ra Hà Nội trong dịp nàng chở đường mà bán. Bác gán cho cái tên THU HƯƠNG. Bác không biết gì về hành tung của người buôn đường mà bác cổ động những cử chỉ cách mạng của thời ấy mà luyện ra một nhân vật tưởng tượng. Bác tả nhân vật tưởng tượng, còn mẹ cháu, là nhân vật thật. Thì làm sao bác dám quyết đoán rằng hai nhân vật ấy là một? Người buôn đường mà bác đã gặp ở Hà Nội, bác lại gặp một lần nữa ở Sài Gòn. Bác có trút một mớ tâm sự của bác cho nàng. Một ít lâu, những tâm sự ấy bị tiểu thuyết hóa mà đăng lên SÀI GÒN MỚI, dưới bút hiệu Ý DƯ. Ấy là PHI LẠC SANG TÀU. Tâm sự của bác, chỉ là cái viễn đồ chánh trị cho nước Việt là nước sẽ bị cắt đôi và chiến lược để thống nhứt là chiến lược Quang Trung, khác có điều là thời Tây Sơn, chiến lược ấy ròng là quân sự, mà về sau, chiến lược ấy phải nặng về chính trị và lý tưởng. Phần tâm sự ấy, và chỉ phần đó là của bác. Còn phần xây dựng ra cốt truyện, phần nghệ thuật, phần lý thuyết do miệng các nhân vật thốt ra, tất cả cái ấy là của tác giả tiểu thuyết, không phải là của bác. Tác giả ký tên là Ý Dư này là ai? Là nàng buôn đường năm 1945, mà bác gặp lại năm 1948 và đã nghe tâm sự của bác rồi sáng tác ra tiểu thuyết? Hay là một văn sĩ ẩn danh, nghe được nàng buôn đường thuật lại mà viết ra tiểu thuyết? Và văn sĩ ẩn danh này phải chăng là chính mẹ cháu, Lê Thu Hương? Những câu hỏi này, đứng về lập trường khoa học, bác không làm sao trả lời cho cháu được. Có điều bác dám quả quyết là văn sĩ ẩn danh ấy không phải là bác. Điều ấy, bác dựa vào câu phương ngôn mà các nhà phê bình văn chương thường dùng là «văn ấy là người». Người của bác hiền, ít nói trong đám đông chỉ ngồi nghe, không khi nào nói trịch thượng với ai, đạo mạo như một vị tu sĩ, có tư tưởng lạ mới có khi cả đời còn giấu trong lòng. Còn tác giả PHI LẠC SANG TÀU, dựa vào câu «văn ấy là người» phải là một kẻ nói dóc trật đòn dọc, ngụy biện, phách lối, coi đám nhân tài bên Tàu là hột tiêu cả, trào phúng, dương đông kích tây, xảo quyệt. Người của bác và người của Ý Dư khác nhau như ban đêm khác ban ngày. Hai người ấy không thể là một. Vậy Ý Dư không phải là bác. Ý Dư đã không phải là bác, thì tại sao sách PHI LẠC SANG TÀU lại xuất bản với tên của bác? Vậy để bác phân trần cho cháu rõ. Năm 1949, bác ở Paris, nghèo đói lắm. Thình lình, nhà văn Sơn Khanh, giám đốc nhà xuất bản Sống Chung, gởi thơ qua cho bác, thông báo rằng ông cho xuất bản PHI LẠC SANG TÀU. Vài tháng sau, ông lại gởi tiền qua cho bác xài. Tục ngữ nói, bần cùng sanh đạo tặc, tuy bác không «đạo tặc», song trong cảnh «bần cùng», bác xài đỡ tiền của ông Ý Dư nào đó. Hẹn trong lòng rằng khi nào ông Ý Dư đứng ra kiện mà đòi tiền nhuận bút, bác sẽ chạy mà trả lại. Rồi sách cứ tái bản mãi, với tên của bác. Rồi bác đã mượn được một lần, thành thói quen, bác mượn mãi mà xài, chẳng có Ý Dư nào đứng ra kiện ông Sơn Khanh và bác cả. Ý Dư là ai? Là nàng buôn đường hồi trước và đã nghe tâm sự của bác chăng? Là Lê Thu Hương mẹ của cháu chăng? Nếu cháu đem đủ bằng chứng xác thực mà chứng minh rằng Ý Dư là mẹ cháu, thì bác sẵn sàng hẹn nợ với cháu vậy. Có điều là hiện nay, bác mắc kẹt trong «trận âm dương» do Quỉ Vương Ngô Đình Diệm lập ra, thế nào bác cũng mang án tử hình. Mặc dầu bác có «hạnh huỳnh kỳ» để che thân mà thoát tử nạn, song chừng nào Quỉ Vương bị trừ diệt, thì may ra, khi bác khỏi tù và làm ăn có tiền, bác sẽ hoàn lại cho cháu. Chào thân ái và hẹn ngày tái ngộ với cháu. HỒ HỮU TƯỜNG T.B. Ông Sơn Khanh, tên thật là Nguyễn Văn Lộc, hiện nay làm luật sư tại tòa Thượng Thẩm Sài Gòn. Nếu cháu có đủ bằng cớ khoa học rằng Ý Dư là mẹ của cháu và cháu muốn đòi tiền tác giả thì cháu có thể kiện ông. Ông là luật sư, chắc ông biết trước rằng cháu có lý, ắt sẽ được kiện, thì có thể thỏa thuận trước mà dập nhẹp cho êm. Nhưng bác khuyên cháu chớ nên chịu dập nhẹp. Cháu cần phải kiện, mặc dầu bác ở vào bên bị cáo. Kiện để làm gương cho bọn văn sĩ «đạo văn» biết mà răn mình.*
*
Đọc xong thơ, Xích Tử suy nghĩ trọn một tuần, toan nói với bà vú dắt nó lên Sài Gòn, qua Bình Xuyên mà giáp mặt với Hồ Hữu Tường để hỏi thêm về những điểm mà nó thắc mắc. Không dè ra dô của nhà bên cạnh cho hay rằng ở vùng Bình Xuyên có kịch chiến súng nổ bom rơi, nhà cháy. Nó bèn không nói với bà vú, chờ xem thời cuộc biến đổi ra sao. Những tin tức sau đó báo rằng quân Bình Xuyên thua, kéo xuống rừng. Nó cho rằng chỉ còn chờ Quỉ Vương Ngô Đình Diệm bị tru diệt, họa may mới gặp tận mặt được Hồ Hữu Tường để hỏi những điều thắc mắc.
Từ ấy nó lập tâm nghiên cứu PHI LẠC SANG TÀU, từ đầu đến cuối nó thuộc ráo. Đã vậy mà còn nhớ ở trang mấy, dòng mấy câu ấy nói gì. Thêm những chữ mà thợ in sắp sai, nó cũng suy nghĩ được mà tự đính chánh nổi. Vùng Cần Thơ là vùng có đông tín đồ Hòa Hảo, họ tin rằng Hồ Hữu Tường viết được PHI LẠC SANG TÀU là nhờ gặp được Đức Thầy Huỳnh giáo chủ nói lại những tiên tri cho, rồi thêu dệt thành tiểu thuyết đọc cho hấp dẫn và vui. Nó bèn tìm những bô lão, những tín đồ có tuổi đạo cao mà hỏi về cái huyền thoại ấy. Cũng may, nó gặp một ông phán già thuật.
- Năm 1944, Hồ Hữu Tường ở Côn Nôn về, bị an trí xuống Cần Thơ, mướn một cái ga ra cũ của xã Long mà ở với vợ và bốn con. Đến tháng ba năm sau, khi Nhựt đảo chánh chừng vài ngày rồi, thì Đức Thầy Huỳnh giáo chủ có xuống Cần Thơ, mướn một cái phòng ở bun-ga-lô mà tiếp khách. Bổn đạo trong vườn nghe đồn Thầy xuống, tấp nập đến lạy Thầy. Thình lình, có một số khách đến, tôi quên là bao nhiêu người, do Đức Thầy cho mời, và trong ấy có Hồ Hữu Tường. Họ là những người trí thức, họ không lạy Thầy như bổn đạo, mà được Thầy mời ngồi ngang với Thầy. Thầy không giảng đạo như đối với tín đồ, mà Thầy luận đàm chính trị. Mấy người khác thấy có đối đáp qua lại với Thầy. Chỉ có một mình Hồ Hữu Tường nghe mà không nói. Thầy mời tất cả tham gia vào Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội mà Thầy sáng lập. Mấy người kia tỏ ý ưng thuận, chỉ có Hồ Hữu Tường làm thinh và lắc đầu nhè nhẹ. Thầy ngó thẳng vào mắt Hồ Hữu Tường. Hồ Hữu Tường nhìn thẳng vào mắt Thầy, không nói gì cả. Một chập, Thầy lấy giấy ký tên Thầy, chìa cho ông Tường xem. Xem xong, ông Tường chớp mắt, nhắm lại trong một giây, tỏ ý bằng lòng. Chữ Thầy ký, thì sau khi uốn hai cái vòng của chữ S, Thầy đá lên, cái đá này cắt đôi chữ S. «Vô ngôn», Thầy và ông Tường đã nói chuyện với nhau, và đồng ý rằng nước Việt ta, hình chữ S, sẽ bị cắt làm đôi. Nghe nói, tối đêm ấy, Thầy đi một mình đến gặp riêng Hồ Hữu Tường, nói chuyện với nhau rất lâu. Tôi nghĩ rằng Thầy đi một mình, có ai gặp đâu, mà sao người ta biết mà truyền lại? Ấy vậy, đó là huyền thoại. Cũng nghe nói rằng trước khi đi ra Bắc, Hồ Hữu Tường có đến đường Miche ở Sài Gòn mà từ giã Thầy và hai người dặn dò nhau điều gì, không ai được nghe. Có lẽ những điều Thầy nói với ông Tường, ông đem ra mà viết vào PHI LẠC SANG TÀU.
Nghe nói Xích Tử đáp:
- Cháu có bằng cớ rằng không phải ông Tường viết sách ấy.
Ông phán già nói:
- Ông ấy không viết, song thuật lại cho người khác viết, thì cũng chẳng khác chi chính ông viết lấy. Nói cho đúng ra, thì ông lãnh trách nhiệm về cái «ý chánh», còn những ý khác, tô điểm cho câu chuyện ngồ ngộ, vui vui, ấy là những «ý dư» thì chính người việt lãnh trách nhiệm. Cháu có học tiếng Pháp không?
Xích Tử đáp:
- Năm nay cháu học Đệ Ngũ, lấy tiếng Pháp làm ngoại ngữ, cũng biết một ít tiếng.
- Vậy để ông nói cho cháu nghe. Cái «ý chánh» đó, tiếng Pháp gọi là «fond», còn những «ý dư», tiếng Pháp là «forme». Kẻ đọc vẫn thường như những kẻ nuốt thuốc có bọc đường, chỉ thưởng thức được lớp đường ngọt bọc ở ngoài mà không nếm được chất thuốc nằm ở trong. Họ đọc mà lấy làm hào hứng vì những «ý dư» trào phúng bọc ở ngoài, nhưng khi ngậm cho tan lớp ngọt ngào ở ngoài, chừng ấy họ sẽ nếm mùi cay đắng của «ý chánh» ở trong, là đất nước sẽ bị chia đôi.
Cái «ý chánh» ấy bi đát lắm.
Xích Tử nói:
- Xin lỗi ông, cho phép cháu có một nhận định khác với ông. Cháu nói ra chỗ nào ông thấy cháu lầm xin ông dạy cho.
Ông phán đáp:
- Ông cho phép, cháu nói đi.
Xích Tử nói:
- «Ý chánh» không phải chỉ là bi đát. Nói cho đúng ra, ấy là một ý «tiền hung hậu kiết», khởi đầu thì bi đát thật, song về sau rất lạc quan, rất vui tươi. Mấy chương sau của tiểu thuyết dự kiến khi «minh đạo tái sanh», đem thái bình và hạnh phúc trên đất này, xây dựng một vinh quang chưa hề có cho dân tộc, ông nên đọc lại. Rồi ông sẽ dạy cháu coi sự nhận xét của cháu có sai chăng.
Ông phán nghe nói, có ý gẫm, bèn đọc lại mấy chương chót của tiểu thuyết, ngày sau cho gọi Xích Tử đến mà nói:
- Ông đã đọc lại, và rất kỹ, quyển tiểu thuyết. Quả y như sự nhận xét của cháu. Có điều là cái gút phân đôi cái hứng và cái kiết, phân đôi cái viễn đồ làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu là giai đoạn nước bị chia đôi. Quốc Cộng tranh hùng, giai đoạn sau là cảnh thái bình và vinh quang, cái gút ấy, tác giả không nói rõ làm sao, mà lại để những chấm, chấm, chấm. Giấu cái bí mật như vậy, khó mà hiểu, không hiểu, khó tin.
Xích Tử nói:
- Xin phép ông, cho cháu nói ý kiến của cháu. Bây giờ không nên tìm hiểu, bởi tìm hiểu cũng chẳng thấy. Thời này là thời của Quỉ Vương như chương đầu đã nói. Lẽ tất nhiên là tác giả phải giấu không để lộ thiên cơ, sợ e Quỉ Vương hiểu được mà phá máy trời.
- Cháu thấy tác giả giấu ở chỗ nào?
- Thưa ông, cháu xin đơn cử một ví dụ. Tác giả nói sư Hoàng Hạc bàn quẻ thứ mười, mà nói rằng «Thỉ hậu ngưu tiền», ấy là khoảng từ năm tân hợi (1911) đến năm đinh sửu (1937), cộng cả thảy là 26 năm, điều ấy rõ ràng là tác giả cố tình đánh cho lạc hướng. «Thỉ» là năm tân hợi đã đành. Còn «ngưu» nói cho đúng là năm kỷ sửu (1949) mới là đúng hơn. Vì năm ấy độc tài cộng sản mới xuất hiện ở nước Tàu. Vậy quẻ thứ mười gồm 38 năm chớ chẳng phải chỉ có 26. Và câu thứ tư của quẻ này, cũng bị tác giả đánh lạc hướng. «Bằng» không phải là bè bạn, mà là con chim bằng, từ ngoài biển bay vào. «Bằng lai» ấy là nói sự xâm lược của giống người Phù Tang, từ năm 1937 đến năm 1945, nhưng không kết quả chi hết. Vô cửu ấy! Tác giả cố tình đánh lạc nhưng cũng có ẩn ý để cho độc giả thấy cái ngón của mình mà, cho sư Hoàng Hạc chết ngay, không thấy lời bàn của mình có ứng không.
Ông phán nói:
- Nếu quẻ thứ mười đã bị sư Hoàng Hạc bàn sai như vậy, thì những quẻ sau còn có đúng không?
Xích Tử đáp:
- Tác giả cho Tả quân bàn quẻ thứ mười một cũng với dụng ý đánh lạc hướng nữa. Bốn câu của quẻ này nói về chế độ cộng sản ở nước Tàu thôi, chớ không bàn về «chiến tranh thế giới thứ hai. Tứ môn sạ tịch, đột như kỳ lai» ấy là nói năm kỷ sửu (1949), cộng sản tràn ngập nước Tàu, như bốn cửa thình lình mở, như chúng nó từ dưới đất mà chun lên.
Ông phán hỏi:
- Vậy thì câu «Thần kè nhất thanh» không phải nói cho năm Ất Dậu (1945), và nói cho năm đinh dậu (1957) à?
Xích Tử đáp:
- Thưa ông, không phải năm ất dậu (1945) đã đành, bởi vì năm ấy trước việc cộng sản lấy nước Tàu. Cũng không phải là năm đinh dậu (1957). Đó là năm kỷ dậu (1969).
Ông phán hỏi:
- Vậy thì Tả quân bàn sai sao?
Xích Tử đáp:
- Không phải là Tả quân bàn sai. Việc Tả quân bàn của tác giả bịa đặt, mượn chuyện Tả quân bàn sấm trong chiêm bao, mà nói «ý dư» của mình. Và cũng như ở trước, tác giả có ý đánh lạc hướng.
Ông phán hỏi:
- Nhưng tại sao cháu quả quyết rằng năm kỷ dậu (1969) là năm «Thần kè nhất thanh, kỳ đạo đại suy»?
Xích Tử thấy gãi trúng chỗ rồi, lật đật chạy về nhà lấy hai cuốn SẤM GIẢNG và THI VĂN GIÁO LÝ của Huỳnh giáo chủ đem lại, lật ra, chỉ cho ông phán xem và nói:
- Trong SẤM GIẢNG KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM, Đức Thầy nói: «Khắp trong trần hạ, máu hồng nhuộm rời, chừng nào mới đặng thảnh thơi. Dậu Phật ra đời thế giới bình yên». Dậu ấy không phải là ất dậu (1945). Vì Đức Thầy còn để lại bài thơ nói trước, bài thơ tên là KỶ DẬU. Cháu xin đọc cả bài:
Cuộc đời càng gắt lại càng gay, Ngặt máy thiên cơ chẳng dám bày. Rắn núp dưới hang coi Ngựa chạy, Khỉ ngồi trên Ngựa ngó Gà bay. Đông Tây chộn rộn, Trời che xác, Nam Bắc ê chề đất chở thây. Nhơn vật mười phần hao bảy tám, Thần tiên thấy vậy cũng châu mày.
Ông phán nói:
- Mấy chỗ này, ông thuộc. Nhưng đức Thấy tiên tri về thời cuộc ở Việt Nam, mà sao cháu đem áp dụng cho Tàu?
Xích Tử đáp:
- Cháu không áp dụng cho Tàu, cháu dùng luận điệu xem khói biết lửa, xem lửa biết khói mà kết luận. Việc gì xảy ra ở ta, thảy đều do nơi Tàu mà xuất phát. Bên Tàu có cộng sản Tàu ra lịnh, cộng sản Việt tuân theo mà gây rối trong xứ. Cộng sản Tàu là gốc, cộng sản Việt là ngọn. Cộng sản Tàu là lửa, cộng sản Việt là khói. Hễ cộng sản Tàu «đại suy», thì cộng sản Việt cũng tàn theo, cũng như lửa tắt rồi, thì hết khói. Năm kỷ dậu, có êm ở Việt Nam, thì ấy ở bên Tàu, cộng sản đã «đại suy» mà nhào đổ.
Ông phán vốn là tín đồ của Phật Giáo Hòa Hảo, vốn đã tin tưởng những tiên tri của đức thầy, nay nghe thằng nhỏ giảng giãi rất xuôi, rất hạp, rất hay, nên phục nó hoàn toàn. Và gặp bạn bè, thì khoe nó không ngớt và nhứt định nó là một kỳ tài, một TIỂU PHI LẠC. Từ ấy, danh tiếng nó tràn lan, bè bạn nó đều kêu nó là TIỂU PHI LẠC. Điều ấy làm cho nó hãnh diện. Và cũng làm cho nó cố gắng đọc sách thật nhiều để có thể ngôn ngữ như lưu. Ông phán lại muốn xây dựng cho nó, rèn luyện cho nó đọc được chữ Hán giỏi thêm tiếng Pháp, nói được tiếng Anh. Không mấy năm, nó học vượt hơn chúng bạn, đến kỳ đi thì, phải xin miễn tuổi. Thấm thoát mà mấy năm qua, năm mão đến, Ngô Đình Diệm bị lật đổ và phải đền mạng. Sang năm Thìn, sau khổ đổ xong bằng tú tài, thì bà vú kêu nó mà đưa một cái bao thơ và nói rằng:
- Khi trước, mẹ con có dặn bà trao cho con cái cẩm nang này. Con y theo đó mà thi hành.
Xích Tử bóc ra đọc:
«
Xích Tử con yêu dấu, « Thế thường, hễ thi tú tài xong, những trẻ khác thường được cha mẹ cho vào Đại học, để có một cái nghề hay, hầu giành một địa vị tốt trong xã hội. Mẹ muốn cho con không giống vậy. Mẹ muốn cho con đi tìm «đạo mà tu luyện» hầu ngày sau nhập thế mà cứu đời. Trong PHI LẠC SANG TÀU mẹ đã ghi ngay ở chương đầu cái cao vọng của mẹ là được ngày sau, con là Xích tử con làm cái công việc «đổi đời», mở cửa dắt loài người vượt qua hạ ngươn mà sang qua thượng ngương. Ở mấy chương chót, mẹ vạch lối cho con tìm đạo. Ấy là lối làm cho tái sanh cái minh đạo. Con còn tuổi nhỏ, phải cần người dẫn dắt. Với thành tâm con bắt gặp người ấy. Mẹ chúc con thành công. LÊ THU HƯƠNG Đọc xong di chúc, Xích Tử rất băn khoăn. Ai là người dẫn dắt mình để tìm đạo bây giờ. Nó đem cái băn khoăn ấy mà bộc bạch cùng ông phán. Ông nói:
- Ở miền Tây, ông nghe thuật lại rằng ai muốn tìm đạo thì đi vào Thất Sơn mà tìm. Người có duyên lành ắt gặp được Thầy Bửu Sơn truyền cho, mà ngộ đạo.
Nghe ông phán nói, Xích Tử lập chí đi Thất Sơn. Nó cụ bị vài bộ quần áo, một ít tiền bạc, lương khô mà đi vào núi. Vừa đến chơn núi Tượng, nó liền bị quân du kích bắt lại, trói ké mà bắt đi vào một cái hang. Trong hang, có một cái bùng binh rộng, trên có lỗ lớn thòng xuống, ánh mặt trời chói vào, nên sáng như ngoài sân. Bên một gốc, có một cái bàn, có người ngồi giữa, bên cạnh có một người viết. Người giữa hỏi:
- Mầy tên họ là gì, mấy tuổi, con của ai?
Nó đáp:
- Tôi tên là Xích Tử. Mẹ là Lê Thu Hương, cha không biết.
- Mầy vô căn cứ quân sự của chúng ta để làm gì? Có phải mầy là gián điệp, lãnh lịnh đi vô đó thăm tình hình trong này về mà báo cáo chăng?
Nghe buộc tôi là gián điệp, Xích Tử hơi lo, nhưng lanh trí, nó hỏi vặn lại:
- Mấy chú là người đã đầy kinh nghiệm, tại sao hỏi một câu ngớ ngẩn như thế?
- Sao mầy dám nói tụi tao là ngớ ngẩn?
- Bởi vì, phàm làm gián điệp, thì phải nghi trang hành động của mình cho không một ai để ý. Hoặc giả, làm thường dân rồi ứng mộ vào quân đội, lần lần làm cho cấp trên tin cậy mà cho xâm nhập vào những cơ quan bí mật. Hoặc gia nhập vào hàng ngũ công tác thành, mà gây cho được nhiều tín nhiệm, rồi bữa nọ giả tạo một việc bị khủng bố ruồng bắt, nhờ đem giấu trong bưng, do ngã đó mà thâm nhập vào tổ chức. Chớ ai một mình, không người giới thiệu, đeo trên lưng quần áo và lương khô mà vào đây, làm cho ai cũng biết rằng mình là người xa lạ? Vậy mấy chú nghi tôi là người gián điệp, ấy có phải là ngớ ngẩn mà nghi oan cho tôi chăng?
- Mầy không phải là gián điệp, vậy chớ mầy vô đây làm gì?
- Thưa thiệt với mấy chú, tôi vô đây mà tìm đạo.
Cả thảy nghe nó nói đều cả cười. Người ngồi giữa nói:
- Mầy lầm rồi. Từ mấy năm nay, quân du kích chiếm đóng Thất Sơn, các ông đạo đều bị đuổi. Mầy đi khắp cả, còn gặp ai ở đâu mà truyền lại cái đạo cho mầy? Thôi được rồi mầy nói mầy mười bảy tuổi, mà học lực mầy tới đâu?
- Thưa, tôi mới vừa thi đậu tú tài hai.
- Giỏi dữ he! Được rồi. Thôi mầy ở luôn trong này mà giúp việc giấy tờ. Khỏi ra hang.
Nói rồi ra lịnh cho dắt Xích Tử đi sâu thêm vào trong hang tới một cái bùng binh khác cũng có ánh sáng lọt vào như cái trước. Và ở đây chỉ có sách vở, báo chí, chữ Tàu có, chữ Pháp có, chữ Anh có. Có luôn chữ Nga, mà Xích Tử không biết đọc. Nhưng chẳng có người ở. Người dắt bảo nó ở đó mà chờ lịnh, rồi rút ra đi.