Chờ ông Thịnh ngủ thật say Trâm lén vào nhà trong, lục trong tủ, dưới đống quần áo, cuốn sổ mới mua đươc chiều qua, gói vội vào tờ giấy báo rồi lại len lén đi ra. Trâm sợ Ông Thịnh tỉnh giấc bất chợt, gặp nàng lại hỏi lôi thôi và thế nào cũng cho nàng trận đòn nếu ông bắt được cuốn sổ này. Sau những lần đánh Trâm dở sống dở chết, ông Thịnh đã đe dọa: - Từ rầy tao cấm chì mày không được động tới sách vở nữa, nghèo thì phải biết thân biết phận, mày còn làm bộ làm tịch, còn bêu xấu tao nữa, tao đập mày chết, nghe rõ chưa Trâm? Và Trâm đã ứa nước mắt, run run thưa lại: - Con xin nghe lời ba, con hứa không dám nữa ….. Tuy nhiên những khi ông Thịnh vắng nhà Trâm vẫn lén lấy những cuốn vở củ ra để nhìn, để ngắm, để vuốt ve, để ôm vào ngực hầu vớt vát một vài cảm giác nuối tiếc những kỹ niệm xa vời, để tự sưởi ấm phần nào tâm hồn đơn độc – bởi vì trên đời này Trâm không còn gì thân thiết, không còn ai thương nàng, cảm thông với nàng. Trâm nghĩ cha mẹ thì đã tuyệt nhiên không còn một chút tình thương nào danh cho nàng, còn người mà Trâm đặt niềm hy vọng mỏng manh cuối cùng thì cũng đã bỏ đi – như cánh chim bằng biền biệt ở một phương trời xa thẳm nào đó, hẳn đã hoàn toàn quên nàng ….Nhưng lần nào cũng vậy, những cuốn sách, quyển vở cũ cũng đều làm cho Trâm ràn rụa nước mắt. Và nàng càng chìm sâu hơn nữa trong vực thẳm tuyệt vọng …… Đi ngang qua giường ông Thịnh nằm, tự nhiên Trâm cẳm thấy xót xa; nàng lấy tấm chân đắp lên người cha – ba ơi, tại sao ba không thương con; ba đánh đập con đau quá! Con có làm gì nên tội đâu. Con vẫn luôn luôn thương yêu và kính trọng cha với mẹ. Nếu gì nghèo mà ba đánh con thì tội nghiệp con quá ba. Con vẫn cầu xin cho ba tìm được việc làm, cho mẹ mau khỏi bệnh và con cũng đang tìm việc để đi làm giúp đỡ ba mẹ. Xin thương con, ba nhé. Chỉ cần một chút tình thương của ba – một chút thôi – cũng đủ giúp con sống vui, tin tưởng và đủ thừa can đảm để đón nhận tất cả những khổ đau, những thiếu thốn vật chất, những thua thiệt bạn bè …..Ba, thương con, ba nhé …..Trâm ra khỏi nhà bằng cửa sau vì sợ bà Thịnh đang ngồi nói chuyện ở nhà bé Trung nhìn thấy. Hễ khi nào trời ấm, cơn suyễn không hành hạ, khỏe khỏe trong người một chút, bà Thịnh lại lân la sang hàng xóm, hết nhà nọ đến nhà kia để ngồi lê đôi mách. Trâm không khó chịu chút nào về tính xấu đó của mẹ, bởi vì nếu nằm ở nhà, mỗi khi thấy Trâm bà Thịnh lại cất tiếng chửi rủa bằng những câu thật tục tằn, thô lỗ khiến nhiều lúc Trâm không còn nhận ra bà Thịnh là mẹ mình nữa. Những bài văn, bài thơ ca tụng tình mẫu tử mà Trâm đã được giảng dạy ở trường học không đúng ở gia đình nàng – Lòng mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như đồng lúa chiều rì rào ….Thương con thao thức bao đêm trường, lận lội gieo neo nuôi con đến ngày lơn' khôn …Dù cho khuya sớm không quản thân gầy mẹ hiền; một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền ……Lời hát thật hay, thật ý nghĩa, cảm động nhưng lại trở thành mỉa mai, chua xót cho trường hợp cửa Trâm. Nàng thèm khát được nghe tiếng nói ngọt ngào cửa mẹ, được nũng nịu trong cánh tay mẹ, được mẹ vuốt ve mái tóc, được mẹ mắng yêu: “này, lớn rồi đó cô ạ, lấy chồng được rồi mà còn nhõng nhẽo mẹ” để rồi thẹn thùng, sung sương phụng phịu “Ư ….ư, mẹ nói kỳ quá à, con hổng chịu đâu, con chả thèm lấy chồng, con ở với mẹ suốt đời” ……được tức tưởi khóc trong lòng mẹ khi gặp chuyện gì buồn hay thủ thỉ cho mẹ nghe những mẫu chuyện ngộ nghĩnh ở lớp học, trong bạn bè để rồi hai mẹ con lại khúc kkic'h cười với nhau …Nhưng trời đã không cho Trâm được hưởng hạnh phúc bé mọn đó mà bắt nàng độc hành giữa sa mạc cháy bỏng. Mãi nghĩ ngợi Trâm đã tới nhà người bạn lúc nào không hay. Do dự một lúc Trâm đưa tay nhấn nút chuông. Cánh cửa xịch mở. Một người con gai gọn ghẽ trong bộ quần áo ngắn hiện ra, òa reo: - Trâm! Trời ơi lâu quá mới gặp mày! Trâm ngập ngừng: - Tao tới ….để …..đền mày cuốn sổ bửa nọ ba tao xé. Cô gái nhăn mặt: - Trâm, bộ mày khùng hay sao mà nói chuyện đền với đáp. - Tao ân hận lắm, Vân ạ. - Trường hợp cửa mày ai lại chả biết, bày đặt. - Thôi …..mày cứ nhận …..để tao đỡ ….áy náy phần nào. - Mày thật kỳ Trâm ạ. Thôi mày liệng đại trên thềm gạch kia đi. Thật tao chả biết nói mày sao nữa. Sau câu nói Vân nắm tay Trâm kéo đi: - Vào đây, tao cho mày xem một cụm hoa ông anh tao mới gửi từ Đàlạt về tặng. Bên Vân, Trâm thấy thèm vẻ hồn nhiên, thèm những nụ cười trong sáng và ánh mắt long lanh không gợn chút mù sương cửa bạn. Chỉ ít phút sau vẻ tươi vui cửa Vân dần dần lây sang Trâm. Nàng say mê nhìn những cánh hoa mầu tím đang lay động trong gió nhẹ. Ánh nắng chiều chờn vờn khiến mầu hoa óng ánh và mềm mại như nhung. Trâm hỏi Vân: - Hoa gì mà đẹp thế mày? - Forgetmenot! - Cái gì? - For-get-me-not! - Tên gì lạ vậy! - Đó là tiếng Anh, có nghĩa là “xin đừng quên tôi”; tên tiếng Việt gọi hoa này là “Lưu Ly Thảo” - Tên hay quá há! - Người ta kể về sự tích hoa này là có một cặp tình nhân yêu nhau rất tha thiết. Một hôm hai người đi dạo trên một dòng suối để tâm tình. Bất chợt người con gái trông thấy một bông hoa tím mọc ở ven bờ nước; nàng đòi người thương hái cho để cài lên tóc. Vốn xưa nay bao giờ cũng chiều ý người yêu bé bỏng, chàng thanh niên lội xuống hái hoa; tuy nhiên vì chổ đó gần một ngọn thác nên sâu và nước chảy siết, chàng nhoài người ra hái được bông hoa thì cũng mất thăng bằng ngã theo. Trước khi bị chìm sâu, chàng thanh niên còn cố nhoi người lên, tay ném bông hoa tím vào bờ cho người yêu, miệng la lên: “Forgetmenot! – Đừng quên anh!”. Từ đó ven các bờ suối thường mọc loại hoa tím này và để tưởng nhớ một mối tình thơ mộng chung thủy, người ta đặt tên cho loài hoa này là Forgetmenot – Lưu Ly Thảo! Tên gọi và huyền thoại cửa loài hoa tím chợt gợi đến một thoáng buồn lướt nhẹ trong tâm hồn Trâm. Nàng cũng không hiểu tại sao. Bản chất của Trâm đa cảm nên dễ xúc động trước các câu chuyện thương tâm. Tuy có lẽ ý nghĩa của tên loài hoa tím đã vô tình gơi dậy trong tâm tưởng Trâm về một hình ảnh thân ái nhưng mơ hồ nào đó. Trâm không đám dừng lại với những ý nghĩ vu vơ hiện hữu trong đầu. Nàng nối tiếp câu chuyện với Vân: - Thế thì chàng thanh niên chết rồi, người con gái có chết theo không? Vừa đưa tay vun thêm đất vào gốc cây hoa Vân vừa trả lời chặm rãi như không chú ý lắm vào câu nói: - Tao cũng..không được biết nữa. Giọng Trâm chợt chùng xuống: - Nếu như tao, tao ….nhảy xuống chết theo người tình. Vân ngưng lại, nhìn Trâm như để dò hỏi. Trâm không để ý tới thái độ của bạn, thản nhiên nói tiếp: - Như vậy mới chứng tỏ sự chung thủy, chứng tỏ mình cũng …..yêu hết mình người tình. Hơn nữa nếu còn sống, tao dám chắc người con gái đó cũng không thể sống thanh thản được, trái lại sẽ bị rây rứt trong nội tâm vì hối hận đã gián tiếp làm người yêu của mình chết vì một ý thích không đâu của mình. Nghe giọng nói say sưa của Trâm; Vân bật cười: - Mày làm như từng trải lắm. Trâm nghiêng nghiêng nét mặt, cười theo: - Chứ sao! - Để khi nào nó ra nhiều tao cho mày tỉa ít cây về mà trồng. Trâm reo lên: - Thiệt không? - Để lâu lâu mày ………gửi tặng cho “người ta” một bông để nhắc nhở:“Forgetmenot”! Trâm thẹn, véo vào tay bạn: - Chỉ nói nhảm! - Còn làm bộ! Sức mấy mà qua nổi mắt tao. Mở tròn đôi mắt to, đen láy, Trâm bỡ ngỡ: - Mày nói gì tao không hiểu? - Đóng kịch hoài! - Thật mà! - Mày dấu tụi con Thanh còn có lý, với tao mà mày còn này nọ. - Nhưng tao đâu có gì. Mày là bạn thân nhất của tao, từ xưa đến giờ có chuyện gì tao cũng nói cho mày nghe hết ….. - Vậy mà chuyện này mày lại dấu tao! - Chuyện gì? - Yêu! - Yêu? - Ừa! Chuyện mày với …..chú Tuấn tới giai đoạn nào rồi? Hiểu ra, Trâm đỏ mặt, bối rối như bất ngờ bị liệng vào khoảng trống, cảm thấy chân tay thừa thãi. Thấy Trâm im lặng, tưởng bạn công nhận, Vân thích thú nói tiếp: - Hết chối rồi nha. Khai hết đi! - Tao đã nói với mày nhiều lần rồi, giữa tao và chú Tuấn …..không có gì hết trơn! Chú ấy coi tao như một …..đứa cháu gái, ngược lại tao cũng ……kính trọng chú ấy. - Có một điều không hiểu mày có để ý không là những người …..say rượu không bao giờ nhận họ say. Ở tuổi mới lớn cũng vậy, người ta yêu tha thiết nhưng vẫn …….chối dài, như thể họ có mặc cảm; họ sợ phân tích về mình, về tình cảm của mình. Điều này theo tao nghĩ cũng không lạ gì, bởi vì bước vào tuổi mới lớn, lần đầu tiên bất gặp những tình cảm mới lạ nên người ta bỡ ngỡ, không hiểu rõ …..chứ còn ở những người đã trưởng thành, họ biết khi nào họ đã yêu hay ….sẽ yêu hoặc đang yêu đến độ nào. Trâm ngạc nhiên trước lý luận của Vân. Nàng thầm nhận bạn mình có những nhận xét khá tinh tế – nhỏ này sao có vẻ sành sỏi quá vậy, chắc nó đọc sách nhiều nên mới biết như vậy, chứ nó đâu đã …….có bồ. Cứ tưởng nó Ít nói và hiền lành thì ngờ nghệch, ai ngờ nó cũng ……quá trời – Trâm mỉm cười với những ý nghĩ trong đầu. Vân bắt gặp, hỏi liền: - Nhỏ này, mày cười gì vậy? - Mày giống như một bà cụ non! Vân cũng cười theo. Hai người sóng bước chung quanh vườn. Những viên sỏi trắng kêu lao xao dưới gót chân. Mùi hoa lan thoang thoảng trong không khí. Một vài con bướm sặc sỡ nhởn nhơ như đùa cợt với các bông hoa làm sinh động cả khu vườn. Trâm tâm sự với bạn: - Tại mày cứ quan trọng hóa chuyện tao với chú Tuấn. Tao không chối cải là nhiều khi tao cũng thấy ….mến chú ấy kinh khủng, nhưng tao cũng biết như vậy là tao …dại. Bởi vì như mày thấy đó, gia đình tao nghèo, tao lại ….thất học, nhan sắc …..không có gì, trong khi chú Tuấn là một họa sĩ, mai mốt có danh vọng, địa vị thì dĩ nhiên chú ấy thiếu gì …….nơi xứng đáng. Vân nắm chặt tay Trâm như muốn chia xẻ Hết những nỗi niềm u uất của bạn: - Tao thì khác, tình yêu đâu có đặt trên các yếu tố vật chất như mày vừa nói ….. Trâm ngắt lời bạn: - Nhưng thực tế thì các yếu tố vật chất lại chi phối mãnh liệt tình cảm. - Đồng ý, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự chân thật, sự vẹn toàn và sự cảm thông. Qua những điều mày kể về chú Tuấn va dựa vào lá thư chú ấy gửi lại cho mày trước khi đi, tao thấy chú ấy cũng có rất nhiều …..cảm tình đặc biệt đối với mày. - Nhưng khi ra khỏi miền biển này thì ….hết rồi! - Tao không tin! - Thì còn gì nữa. Chú Tuấn hứa sẽ viết thư liền cho tao khi về tới Sàigòn, sẽ kể cho tao về cuộc triển lãm của chú ấy, nhưng đã ……một tháng mười hai ngày rồi, tao đâu có thấy gì. Rút cục, tao …chỉ còn mình tao! Trong giọng nói của Trâm, Vân nghe như có cái gì nghẹn ngào, cay đắng. Trong số những người bạn thân Van thương nhất là Trâm. Hai đứa học với nhau từ dạo mới cắp sách đến trường nên Vân hiểu Trâm và cảm thông được với những buồn vui của nàng. Ở Trâm, Vân thích nhất tính hiền lành, dịu dàng, tế nhị và chịu đựng. Từ ngày Trâm không còn được đi học Vân thường cho nàng mượn sách vở và hay đến nhà nàng chơi với chủ đic'h an ủi và làm dịu vợi nỗi tủi thân và mặc cảm của nàng. Tình bạn ngày càng thắm thiết. Tuy nhiên giờ đây nghe Trâm tâm sự, Vân không biết phải khuyên nàng những gì. Tuy rằng hiểu khá rõ những tình cảm Trâm dành cho chú Tuấn nhưng trước sự kiện Tuấn không liên lạc bằng thư từ như đã hứa, Vân cũng nghi ngờ lắm, không dám quyết đoán điều gì, sợ hậu qủa xẩy đến không như ý muốn sẽ càng làm cho Trâm đau khổ hơn, đó là điều mà Vân không bao giờ cầu chúc cho Trâm. Do đó Vân kéo Trâm ra khỏi vấn đề hiện tại bằng cách lảng qua câu chuyện khác: - Tụi mình vào trong nhà đi. - Ở ngoài này thích hơn. - Tao mỏi chân rồi! Trâm chiều ý bạn, theo Vân vào nhà. Căn phòng dành riêng cho Vân không rộng lắm nhưng xinh xắn. Một cái giường, một cái bàn và một tủ sách vừa vặn một diện tích rộng chừng năm chiếc chiếu. Trên tường, ngoài tắm hình chụp bán thân của Vân còn treo nhiều bức ảnh của các tài tử chớp bóng ngoại quốc. Trâm thích vào đây lắm vì thấy ấm cúng, thân mật. Trong khi Vân gọi người làm lấy nước, Trâm ngồi lật những trang giấy của một tuần san viết về tâm lý phụ nữ. Một vài hình ảnh trong đó làm nàng cau mày. Trâm vứt trả trên bàn cuốn báo, hỏi nhỏ Vân: - Hai bác với tụi lỏi đâu rồi mà nhà vắng vậy? - Đi chơi. - Chắc lại đi tắm biển? - Có lẽ vậy! - Sao mày không đi? - Ở nhà trồng hoa sướng hơn. Chợt Trâm thở dài; giọng nói mang vẻ xa vắng: - Gia đình mày hạnh phúc thật! Vân nhìn bạn – con nhỏ này lại nghĩ vớ vẩn đây. Cái đầu bé nhỏ thế kia mà ……lắm chuyện. Mình không cho nó nghĩ ngợi mới được. Nhưng Vân chưa kịp thực hiện ý định. Trâm đã buồn buồn nói tiếp: - Tao thấy gia đình ảnh hưởng dường như toàn diện đến con người, không chỉ tới tình cảm khi còn bé mà còn có tính cách quyết định cả tương lai. Như hoàn cảnh của tao, nếu ba mẹ tao biết thương con cái thì cuộc đời tao đâu có đau buồn như bây giờ. Nhiều lúc tao muốn chết phức đi cho xong! - Đừng nói nhảm mày! - Thật đấy! Sống mà không tình thương thì vô nghĩa lắm mày ạ. - Con tao đây, bộ mày quên à? - Mày cũng sẽ ….không còn thương tao khi mày có người yêu! - Hai lãnh vực đó đâu ăn nhằm gì tới nhau. Bộ cứ khi nào yêu là người ta quên tình bạn sao? Mày vô lý! - Rồi mày sẽ thấy! - Tao thí dụ nếu mày với ….chú Tuấn yêu nhau …. - Đừng nói bậy mày! – - Tao thí dụ thôi. Thí dụ mày yêu chú Tuấn, chắc mày nghỉ chơi tao ra? - Không bao giờ! - Mày vừa nói ….. - Tao khác! - Khác ở chổ nào? - Mày mâu thuẩn quá! - Tao lúc nào cũng thíêu thốn tình thương nên nếu …..yêu, tao vẫn thương mày như thường. Còn mày, mày được hạnh phúc trong gia đình ….. - Đó không phải là lý do để quên bạn bè. - Nhưng ….. - Tao không nói nữa. Mày ngụy biện lắm! Thấy Vân có vẻ giận dỗi, Trâm vội kéo nàng ngồi xuống cạnh mình, xiết mạnh tay bạn: - Cho tao xin lỗi! Vân làm thinh, đưa mắt nhìn qua cửa sổ. Giọng Trâm buồn buồn: - Tại tao ….khổ quá mày ạ. Tao đã mất hết tình thương. Không còn lấy một người hiểu tao, chỉ có mày là còn thông cảm tao nên tao …..tao……sợ mày cũng sẽ ….quên tao …. Quá xúc động, Trâm òa khóc. Vân thương bạn, ôm chầm lấy Trâm, khóc theo. Những tiếng nức nở, nghẹn ngào vang trong căn phòng. Không gian như tối xầm lại. Tất cả như ngưng động, thê lương. Người giúp việc mang nước lên, ngạc nhiên đến suýt đánh rơi hai chiếc ly trước cảnh hai cô gái ôm nhau khóc rũ rượi. Không hiểu nguyên do nhưng cũng không đám lên tiếng hỏi, người giúp việc len lén đặt khay nước xuống bàn rồi rút lui lẹ, vừa đi vừa lắc đầu. Vân mếu máo: - Tao ……thương mày lắm …….Trâm ạ …… Giọng Trâm đầy nước mắt: - Đừng ….bỏ tao, nghe mày …… - Không ……không bao giờ …. Hai người lại òa khóc to hơn. Cảnh tượng trên kéo dài đến mười lăm phút thí chấm dứt khi có tiếng chuông chợt vang lên ngoài cổng. Vân lấy tay quệt vội mắt trong khi Trâm kéo vạt áo chậm chậm nước mắt. Cả hai nhìn nhau rồi bỗng phá lên cười. Người giúp việc khi ra mở cổng, đi ngang qua phòng cô chủ nhỏ, ngó vào lại một lần nữa trợn tròn mắt, há hốc miệng ngạc nhiên thấy hai cô gái nức nẻ cười. Có lẽ trong suốt quãng đời đi ở, chưa lần nào được chứng kiến cảnh những người tự nhiên òa lên khóc rồi lại tự nhiên lăn ra cười, người giúp việc chỉ biết lắc đầu, chạy đi làm phận sự. Người giúp việc mở cổng. Đến bốn năm cô gái cỡ tuổi cô chủ, tay cầm những cuốn sách, cuốn báo, miệng nhóp nhép ngậm kẹo, tranh nhau hỏi rối rít: - Có Vân ở nhà không chị? - Có, mời các cô vào chơi. - Có ai ở trong nữa không? - Hình như có Trâm. - Đó, tao nói đâu có sai. Rồi không chờ được mời đến lần thứ hai; cả đám ùa vào như đàn ong vỡ tổ. Người giúp việc nhìn theo, lắc đầu – chắc bây giờ mà lũ này hè nhau lại mà khóc rồi cười, chắc đến sập nhà mất! Căn phòng như mở hội. Tiếng cười nói như đầy ắp trong một không gian quá nhỏ. Người thì nhảy tót lên giường vừa ngồi vừa nhún trên chiếc nệm, người tranh nhau ngồi trên mặt bàn, đong đưa đôi chân trong khi mấy chiếc ghế bỏ không. Thanh vẫn luôn luôn là cô bé nhanh miệng: - Tao đoán mày ở đây, trúng phóc! Loan, người đang ngồi trên giường, nói chen vào: - Tụi tao vừa lại nhà mày. Trâm hỏang hốt: - Chết! - Mày an tâm, tụi tao đâu ngu gì để ông bà bô mày biết. - Thế sao …… Thanh cướp lời: - Tụi tao thuê một thằng bé năm đồng để vào gọi mày nhưng nó nói là mày đi vắng, chỉ có ông bô mày đang ngủ. Thế là tụi tao dzông lại đây. Trâm thở ra nhè nhẹ, như vừa thoát một chuyện nguy hiểm: - Chắc tụi bay tìm tao có chuyện gì? - Suya là có! Vừa nói Thanh vừa giật lấy mấy tờ báo trên tay một nhỏ bạn: - Cho mày hay một tin tuyệt vời luôn! Các trang báo được trải rộng trên mặt bàn. Năm sáu mái đầu chụm lại. Cả chục con mắt dõi theo ngón tay của Thanh đang chạy trên những hàng chữ đậm: Đi xem phòng triển lãm tranh sơn dầu của họa sĩ Trường Tuấn. Tim Trâm đột nhiên đập mạnh; hơi thở dồn dập. Nàng hồi hộp như đang được đọc lá thư đầu tiên do chính Tuấn viết riêng cho nàng. Tiếng Thanh oang oang bên tai mà cơ hồ Trâm không còn nghe thấy gì. Mắt nàng ngấu nghiến với từng chữ trong bài báo. Nàng sung sướng và cảm thấy một niềm hãnh diện lâng lâng trong tâm hồn khi biết người viết khen ngợi Tuấn. Tuy nhiên Trâm cảm động nhất là gặp trên một tạp chí tắm hình chụp bức tranh “Rong Biển” với hàng chữ bên dưới: “họa phẩm đắc ý nhất của Trường Tuấn”. Hình ảnh một buổi tối mưa bảo sống lại trong tâm trí Trâm. Tuấn đã vẽ nàng khi nàng đang thiếp ngũ trước ngọn lửa của chiếc bếp dầu hôi. Trâm sẽ không bao giờ quên giây phút Tuấn tỏ ra hiểu thấu thân phận nàng khi gọi nàng là loài rong biển. Trâm muốn bây giờ tất cả mấy nhỏ bạn biến đi hết để mình nàng sống với những tờ báo này. Nàng không muốn ai dự vào thế giới riêng của nàng và của Tuấn. Tuy nhiên, như không để cho Trâm tận hưởng niềm vui sướng thầm kín, nhỏ Thanh nhấc bổng tờ báo lên, vừa cười vừa nói: - Tụi bay nghe này, đây mới là đoạn quan trọng: “Trước câu hỏi của chúng tôi, người con gái trong tranh phải chăng là “Trường Tuấn phu nhân” người họa sĩ trẻ 27 tuổi đời này chỉ mỉm cười thay câu trả lời”. Đấy bụi bây thấy không, trước đây tao đã “ca tụng” mối tình …….chú – cháu và quả quyết từ “chú” tới “anh” mấy hồi mà tụi bây không tin, bây giờ thấy lời tao nói ứng nghiệm chưa? Mặt Trâm đỏ bừng, e thẹn như một cô dâu trong ngày vu qui, không biết phải phản ứng ra sao trước những lời châm trọc của bạn bè. Vân hiểu tâm trạng của bạn, sau khi đưa mắt cười với Trâm, chặn lại câu nói nhỏ Thanh: - Con này xạo hòai! Chú Tuấn đâu có tuyên bố gì mà mày dám nói là …..là ….. - Úi giời ơi, nhỏ này ngu ơi là ngu! Hèn chi chỉ khá Việt văn mà dốt toán: Báo nói chú Tuấn của nhỏ Trâm cười, mà cười tức là công nhận đứt đuôi con nòng nọc rồi chứ gì! Cả bọn phá lên cười. Trâm cảm thấy vui vui trong lòng. Nàng có cảm giác của một người đang lênh đênh trên sóng nước. Trâm không hiểu mấy đứa bạn tìm được ở đâu nhiều báo nói về Tuấn đến thế? Nàng dự tình sẽ xin tụi bạn những số báo đó, nhưng chắc nàng sẽ không dám nói sợ chúng nó lại được một dịp cười đùa. Nàng ghi nhớ trong đầu tên và số báo để chiều tối lén ra phố mua. Đối với Trâm bây giờ những gì liên quan tới Tuấn đều đã trở thành những vật thần thánh. Nàng thấy nhớ chú Tuấn vô vàn. Tâm trí đang bay bổng, Trâm giật mình bởi một cái nhéo tay của Loan: - Mơ mộng hòai! Nhìn chú mày đẹp giai chưa này! Cuốn tạp chí được dí sát vào mặt Trâm. Nàng phải kêu ầm lên Loan mới hạ xuống bàn cho cả đám cùng coi. Dưới hàng tít lớn chạy, ngang cả trang báo “hình ảnh văn học trong tuần qua”, ảnh Trường Tuấn được đóng khung trịnh trọng. Cạnh đó là những hình chụp phóng sự buổi lễ khai mạc phòng triển lãm. Trâm không bỏ sót chi tiết nào; chỗ nào có Tuấn đứng là sáng rực lên và chung quanh mờ đi, biến mất. Nhưng rồi ánh mắt Trâm bỗng dừng lại ở một bức ảnh nằm cuối trang: Tuấn tươi cười giữa những cô gái trẻ đẹp. Mặt Trâm chợt cau lại. Nàng không còn đọc rõ nổi hàng chử in nhỏ bên dưới. Cơn vui chìm đi – như bong bóng vỡ trong trời mưa. Trâm chạnh nghĩ đến thân phận mình. Trước mắt nàng, biết bao cô gái kiều diễm, giàu sang bao quanh Tuấn. Và chàng đã đến với họ. Trâm thóang hiểu lý do Tuấn đã thất hứa không viết thư cho mình. Nàng đứng ngây người mà nước mắt muốn trào dâng lên. Mấy nhỏ bạn vô tình không ai để ý đến thái độ biến đổi đột ngột ở Trâm, vẫn nhao nhao bàn tán: - Chú Tuấn giống Alain Delon quá mày! - Các cô này đẹp ác há! - Chuyện, gái Sàigòn mà! - Sao chú Tuấn lại có ….lắm các cô thế nhỉ? - Ai mà biết, nhỏ này hỏi vớ vẩn! - Sức! - Tao thấy tại họ sửa soạn để chụp hình nên mới đẹp thế chứ ở ngoài chắc gì được như vậy. - Mày có lý. Tao dám cá các cô này còn thua xa …..nhỏ Trâm tụi mình! Cả bọn lại khúc khích cười. Như giọt nước thêm vào chén nước đã đầy, như ngọn lửa âm ỉ được khơi dậy, bùng lên, Trâm tím mặt, giật tờ báo nghiến răng xé toạc ra. Những tờ giấy vô tội bay trắng mặt gạch. Trâm bật khóc, tức tưởi chạy ra ngoài. Bạn bè ngơ ngác, khơng hiểu gì. Trâm bịt tai như sợ nghe thấy những tiếng gọi sau lưng: - Trâm! Trâm! - Dừng lại, Trâm! Vân nói cái này! Bóng Trâm đã khuất. Rồi những tiếng cải cọ nhau: - Cũng tại mày, trêu nó hoài! - Mọi khi nó chịu chơi lắm mà! - Ừ, không hiểu sao hôm nay nó dở chứng bất ngờ thế? - Còn hỏi nữa, ai bảo nhỏ Trang so sánh nó với các cô trong ảnh làm chi? - Tao khen nó chứ bộ! - Khen kiểu mày thì đốt thiên hạ rồi! Trong khi đó Vân có vẻ suy nghĩ, ngạc nhiên lúc đầu nhưng sau thoáng hiểu lý do. Nàng nói với mấy nhỏ bạn còn đang đỗ lỗi cho nhau: - Tao biết tại sao Trâm nó giận rồi! - Sao? - Nó thuộc loại “ớt hạt tiêu”! Cả bọn nhìn Vân. Qua ánh mắt của họ, Vân biết chưa nhỏ nào hiểu câu ví von của mình. Nàng cười: - Tụi bây sao tối dạ thế! Nó ……ghen! Mấy người à à, tỏ vẻ hiểu – lại bàn tán – cuối cùng Trang đề nghị: - Hay tụi mình chạy theo ….xin lỗi nó đi. Vân gạt ngang: - Khỏi! Cứ để nó khóc cho vơi đi. Nước mắt vừa làm sạch tròng đen, tròng trắng, vừa tải bớt được nỗi buồn. Mai hai giờ sau tụi mình “cúp” đến nhà nó là …..huề cả làng! - Cúp đông bà Giám thị biết tẩy thì sao? - Hối lộ cho nhỏ Quyên đừng trình sổ điểm danh! Thế là những tiếng cười, tieng nói lại ròn tan. Trong khi đó Trâm thất thểu giữa hai hàng lá me. Cơn nghèn nghẹn vẫn đầy ứ trong lồng ngực, dâng lên tận cổ. Nàng cũng thoáng hối hận hành động vừa rồi của mình, nhưng cảm thấy mãnh liệt ghét Tuấn. Nước mắt lại ứa ra. Một vài lá me vàng rắc trên tóc Trâm. Nàng đi mà tâm trí không ý thức về những bước chân. Thỉnh thoảng một vài thằng con trai chạy xe ngang, ngoái cổ lại nhìn; có đứa cười nham nhở. Trâm không thèm để ý; đầu óc vẫn quây cuồng với những ý nghĩ giận hờn – “người ta” đâu thèm để ý gì đến mình – những lời khuyên lơn, giảng giải, những câu ủi an, cảm thông chẳng qua chỉ là đầu môi chớp lưỡi – mình không ngờ! – thì ra “người ta” đã có thiếu gì người đẹp, những người giàu sang – hèn chi mà “người ta” đã giả vờ hứa hẹn chú lên Sàigòn sẽ viết thư về cho Trâm ngay! – mình chỉ là thứ rong biển vô định, nghĩa lý gì đâu! – Thế mà tự mình đã dại dột mơ với mộng! – từ bây giờ chấm hết tất cả! Và Trâm nhận ra sự vô lý của mình – Tại sao khóc? Trâm lau vội nước mắt, bước nhanh hơn, tâm hồn rã rời. Một chiếc Lambretta vượt qua Trâm bỗng quay trở lại tiến sát bên nàng. Một thằng con trai – có lẽ là học sinh – mắt đeo kính đen, miệng nhai kẹo cao su, mỉm cười nửa miệng: - Cho phép làm tài xế đưa người đẹp về, được không? Trâm không phản ứng gì; như những lúc khác nàng đã hoảng hốt nhảy vội lên lề đường. Tiếng thằng con trai vẫn dai dẳng: - Sao người đẹp khó thế? Có ai đòi “buộc boa” đâu mà sợ! Trâm làm thinh. Chiếc xe vẫn rề rề theo: - Thôi mà người đẹp, bố thí cho kẻ hèn này ân huệ cuối cùng trước khi …..nhập ngũ tòng quân! Nếu không kịp giữ lại có lẽ Trâm đã phì cười vì câu nói của hắn. Đánh bạo, Trâm lườm vào bộ mặt non choẹt đang hăm hở nhìn nàng, tưởng hắn thất vọng bỏ đi, không ngờ hắn quặt xe lại chặn trước chân nàng: - Nhà người đẹp ở đâu, cho phép “em” đưa về. - Kệ tôi! - Thôi mà, khó với nhau làm chi! Ở đâu lận? - Xa lắm! - Chân trời góc bể là cùng chứ gì! Ngồi lên đi! Tiếng qua tiếng lại, rồi cả hai cùng cười, rồi không hiểu nghĩ gì Trâm đã leo lên yên phía sau. Chiếc xe liền vụt chạy. Gió mát thổi vù vù bên tai, làm chùng những tế bào căng nóng. Trâm chợt tỉnh như vừa thoát khỏi một cơn mê. Nàng hoàn hồn, nhưng vẫn không hiểu hành động của mình. Tên con trai ngoái cổ lại, nói gì Trâm nghe không rõ. Nàng tự trách đã liều lĩnh trong lúc giận hờn. Sư hối hận thúc đẩy đưa Trâm về thực tại. Nàng thét lớn: - Cho tôi xuống! Cho tôi xuống! Đến lượt thằng con trai ngạc nhiên nhưng hắn vận tay ga mạnh hơn. Trâm hoảng hốt khi nhận ra con đường này đưa về ngang nhà mình: - Dừng lại, không tôi vẫy cảnh sát bây giờ! Đồng thời một tay Trâm giữ chặt yên xe, một tay đấm thùm thụp sau lưng thằng con trai. Hắn không chịu để mất con mồi, vẫn rạp người xuống cho xe chạy hết tốc lực. Trâm la: - Cho tôi xuống! Dừng lại! Những người đi đường nhìn theo, có lẽ nghĩ rằng một cặp nhân tình đang giận hờn nhau. Trâm vẫn la hét, vẫn cào cấu đến rách áo thằng con trai: - Dừng lại! Dừng lại! Không kết quả. Trâm như điện dại, lắc mạnh yên sau. Chiếc xe lảo đảo, chạy chữ chì. Xe hơi chạy sau bớp còi inh ỏi. Thằng con trai có vẻ mất bình tỉnh, cố giữ chặt tay lại nhưng chiếc xe vẫn nghiêng hẳn đi gần đổ mấy lần. Trâm liều mạng hơn, nắm tóc hắn giật ngược lại phía sau. Phản ứng tự nhiên, hắn la ối ối đồng thời đạp thắng. Bánh xe rít trên mặt đường, kéo một vết dài. Không chờ cho xe ngừng hẳn Trâm vội nhảy xuống. Đũng quần vướng phải chân xe, nàng mất thăng bằng, ngã sống soài vào vệ hè. Người đi đường và đông nhất là trẻ con xúm lại. Thằng con trai vội vã rồ xe chạy. Một người đàn ông đỡ Trâm dậy. Có những tiếng xì xào, bàn tán. Trâm xấu hổ đến chín người. Nàng ước gì đất lở ra nuốt trọn nàng xuống hay thân thể bốc thành hơi, biến khỏi nơi đây. - Cô có sao không? - Hắn là chi của cô vậy? - Liều thật, nhẩy xuống như vậy không chết la may! - Bà con ai có dầu nóng không; tay cổ chảy máu kìa! - Hình như cô này ở dãy phố trên? - Chắc đi theo trai rồi bị trai bỏ! - Coi cũng xinh đấy chứ ……. Trâm cắm đầu chạy. Những câu chế giễu như đuổi theo nàng. Chạy đến còn cách xa nhà chừng một quãng, Trâm mới dừng lại, lấy tay chận ngực cho nhịp thở đỡ dồn dập. Tự nhiên nước mắt lại tuôn chảy. Trâm cố giữ không để tiếng nấc buột khỏi cô. Tất cả những việc vừa xẩy ra diễn biến như trong một giấc mơ. Đầu óc Trâm lảo đảo khiến nàng không còn một chút sáng suốt để nhận diện mình và phán đoán sự việc. Trâm có cảm tưởng nàng chỉ là một bóng hình mò mẫm trong đêm đen – không có lấy một tia ánh sao hy vọng! Bỗng một tiếng gọi sau lưng làm Trâm giật mình: - Cô Trâm! Qua màn lệ mờ, Trâm nhận ra một người đàn bà hàng xóm vẫy mình. Định quây gót nhưng thấy bà ta vẫy tay có vẻ khẩn thiết, Trâm đành tiến lại, uể oải bước lên thèm gạch. Lấy cánh tay áo quẹt nước mắt, Trâm hỏi nhỏ người đàn bà hàng xóm: - Gì thế bác Tư? Người đàn bà khoãng chừng bốn mươi tuổi đó không trả lời, thân mật kéo tay Trâm vào trong nha. Để Trâm ngồi xuống sập gỗ xong, ba Tư cũng kéo chiếc ghế mây thả người xuống, đối diện với nàng: - Rồi, gặp thằng chả phải hôn? Không hiểu bà Tư muốn ám chỉ ai, Trâm hỏi lại: - Thằng chả nào, bác Tư? - Tía mày chứ ai! Trâm hơi biến sắc: - Ba con ngủ mà! Miệng tớp tép nhai trầu, tay cắt núm vỏ cau, bà Tư chậm rãi kể cho Trâm nghe: - Thấy con khóc, bác tưởng con gặp thằng chả rồi chứ. Mà tay con sao kia? Lật úp bàn tay xuống, bây giờ Trâm mới biết mình bị trầy trụa vì cái ngã lúc này. Trước câu hỏi bất chợt của bà Tư, Trâm hơi lúng Túng nhưng trấn an ngay được: - Dạ …..dạ …..con té ngoài bài biển. Lấy tận đáy khay trầu một lọ dầu nóng nhỏ xíu, bà Tư đưa cho Trâm: - Xức đi con, kẻo làm độc. Trâm làm theo. Dầu nóng vừa chạm tới chỗ da trầy, Trâm nghe xót tận xương tủy, khắp thân thể. Không để ý tiếng xít xoa của Trâm, bà Tư kể tiếp: - Lúc nãy thấy thằng chả gọi con ầm ầm rồi vác gậy đi tìm, bác nghĩ rồi rồi lại lên cơn! Trâm lo lắng: - Ba con đi về phía nào, bác Tư? - Ai mà biết. Chắc lại tạt vô quán rượu cha Sáu già rồi! Ôi hơi đâu mà thắc mắc chi! Mặc dầu bà Tư nói vậy, Trâm vẫn sợ sệt; nàng định đứng lên đi về nhưng bi giữ lại: - Ngồi xuống đi con, về bây giờ thằng chả đánh chết! - Lát nửa ba con uống rượu về con lại càng chết hơn. - Khỏi sợ! Ở lại đây với bác luôn! - Dạ ….đâu được bác Tư! - Sao không? Thằng chả đâu phải ….cha ruột con mà sợ làm chi! Trâm ngẩng vội mặt lên, nhíu mày, trân trối nhìn người đối diện. Nàng không tin ở thính giác mình, giọng hơi lạc đi: - Bác …..bác Tư nói sao? Như không chú ý lắm vào câu chuyện, bà Tư vẫn thản nhiên nhai trầu; mắt không ngó Trâm: - Bác nói thằng chả không phải là cha ruột con. Cả con mẹ nữa! Cha mẹ gì mà ác dữ vậy? Trâm nghĩ có lẽ vì thương mình bị đánh chửi luôn nên bà Tư nói vậy để một phần an ủi mình, một phần trách cứ cha mẹ mình. Nàng gượng cười nói giọng bình tĩnh: - Con có lỗi thì ba má con đánh chứ ….có gì đâu. - Nhỏ Liên nhà bác không được một phần của con mà bác đâu có đánh nó dữ như thằng chả, chỉ tại ….. - Tại sao, bác Tư? - Bác nói rồi, con không phải là con ruột thằng chả với con mẻ đó. Ở đây mấy người có tuổi như bác ai chả biết! --- - Thưa bác Tư, con không hiểu gì cả. Bà Tư không nói gì thêm, lẳng lặng đi vào nhà trong, một lúc sau trở ra với một chiếc hộp gỗ trên tay. Trâm chờ đợi trong cơn nôn nóng và sửng sốt. Nàng vẫn có cảm tưởng mình đang sống trong một giấc mơ. Bà Tư, sau khi ngồi lại chổ củ, trịnh trọng mở chiếc hộp, lục lọi bên trong rồi lấy ra một tấm ảnh, đưa cho Trâm: - Con nhận ra ai đó không? Tấm ảnh đã ngả mầu vàng nhưng vẫn còn rõ hình người; ảnh chụp một đám cưới; cô dâu và chú rể tươi cười đứng giữa những người thân. Cầm hết tâm trí quan sát, Trâm nhận ra một số khuôn mặt quen thuộc mặc dầu đã thay đổi rất nhiều theo thời gian: - Đám cưới của bác Tư đây phải không? - Ừa! - Dạo bác Tư còn trẻ quá! - Mừơi bẩy năm rồi đó con! - Rồi, đây phải là bà Ba bán vải không bác Tư? - Ừa! Còn ai đứng cạnh bà Ba? - Thím Tùng, bác Long, bác Khánh, chú Sạch ….. - Ừa! Thế ai đứng mé trái bác! Trâm ngần ngừ. Khuôn mặt này nàng chưa hề gặp bao giờ. Nàng cố moi trí nhớ, thầm tính trong đầu những người hàng xóm đồng lứa tuổi với bác Tư, nhưng vô hiệu? - Ai vậy bác Tư? Không trả lời câu hỏi của Trâm, bà Tư với chiếc lon sữa bò đã rỉ Sét, nhổ quết trầu, lấy dúm thuốc lào chà đi chà lại trên hàm răng đỏ ngầu. Trâm nóng ruột nhắc lại: - Ai vậy bác Tư? Như không quan tâm đến vẻ khẩn khoản chờ đợi của Trâm, bà Tư hỏi qua chuyện khác: - Con biết ai đứng hàng sau ló cái đầu giữa bác và bác trai không? Khuôn mặt một người đàn ông trẻ, khoảng ngoài hai mươi, với đôi mắt thật sắc, hàng lông mày rậm, tóc lòa xòa trên đài trán rộng, hoàn toàn xa lạ với Trâm. Ký ức lại được moi đậy nhưng không thể nào giúp Trâm nhận ra ai. Nàng đành chịu: - Con ….không biết ai cả, bác Tư. Sau khi bỏ miếng cau khô vào miệng, bà Tư nhìn Trâm: - Tía với má ruột mày chứ ai! Như một tiếng nổ chát chúa bên tai, một làn chớp lóe trước mắt, Trâm không còn nghe, còn thấy gì nữa – thật sao? - Đây là cha, là mẹ ruột của tôi? Thế còn ba ma tôi ở nhà là ai? Tại sao tôi lại sống với những người tuy gọi là ba, mẹ nhưng giờ đây không phải là cha mẹ ruột tôi? Đâu là sự thật? Vậy thì cha mẹ ruột tôi hiện giờ ở đâu? Sao không nuôi tôi mà để tôi khổ sở thế này? Cha ơi! Mẹ Ơi! Sao nỡ bỏ con vậy? Giọng bà Tư lôi Trâm về thực tại: - Ảnh chụp hồi đó tía con với lối xóm dự đám cưới của bác. Mà xưa chỗ này vắng lắm chứ không đông như bây giờ, nhưng có điều lối xóm thương nhau, ai có chuyện gì cũng tới giúp. Tía con tuy nghèo nhưng là người thiệt tốt, giúp bác nhiều lắm trong vụ cưới xin. À hồi chụp cái hình đó thì chưa có con; tía má con mới lấy nhau chừng một năm chi đó, bác nhớ không rõ. Ba Tư ngừng giọng, têm một miếng trầu mới. Trâm cúi xuống tấm hình, cố tìm trên dung nhan của cha mẹ những nét thân yêu. Nước mắt nàng rơi trên ảnh làm nhòe đi các khuôn mặt. Vẫn với giọng bình thản, bà Tư nói tiếp câu chuyện dĩ vãng: - Cuối năm đó, má con sinh con. Chừng con được ba bốn tháng, tía con đưa về quê chơi, nhưng khi đi đường xe ….bị mìn ….Cả nhà chết gần hết; con nhờ má con ôm chặt vào lòng nên sống sót …… Trâm oà khóc, gập cả nữa người trên sập gỗ – Mẹ Ơi! Cha ơi! - Câu chuyện dĩ vãng như đang diễn ra trước mắt nàng. Những xát người chết không toàn thây, trong đó có cha, có mẹ nàng, sinh động trong tâm trí khiến nàng quặn đau. Thêm vào đó niềm hy vọng vừa nhú mầm do việc vừa được biết cha mẹ ruột liền bị dập chết trong phũ phàng càng đưa Trâm đến tuyệt đỉnh khổ đau. Nàng muốn hét thật to cho cơn đau vơi dịu nhưng những tiếng nấc nói tiếp nhau như những làn sóng cuồn cuộn trong lồng ngực khiến Trâm càng nghẹn ngào. Thấy Trâm khóc, bà Tư cũng không cầm nổi nước mắt; bà không nhai trầu nữa, kéo chiếc ghế lại gần, nhè nhẹ vỗ trên vai Trâm: - Nín đi con! Nín con! Dù sao chuyện cũng đã qua rồi! Nín con! Trâm ngẩng lên; khuôn mặt đầm đìa nước mắt; nàng nói như hét lớn: - Sao bác Tư giấu con lâu vậy? Bà Tư hạ giọng; tiếng nói không còn bình thản như trước nhưng đầy xúc cảm: - Tại thằng chả dọa làm dữ nếu ai cho con biết chuyện: Ngừng lại một lúc như để trấn tĩnh, bà Tư nói tiếp: - Mà ai có ngờ thằng chả với con mẹ đổ đốn vậy. Hồi trước hai người đó giàu có nhất vùng, nên khi cha mẹ con mất, ở đây ai cũng mừng thấy con được họ nhận nuôi. Mà cũng thiệt là kỳ, đúng là trời quả báo, thằng chả với con mẻ lấy nhàu lâu rồi mà hổng được đứa con nào! Trâm thút thít khóc, lấy vạt áo thấm mắt nhưng nước mắt vẫn tràn ra. Nàng không còn biết nói gì nữa. Trong màn lệ hình như Trâm đã thấy được khuôn mặt thân yêu của cha mẹ. Tiếng bà Tư thoang thoảng bên tai Trâm: - Lối xóm thấy con bị đòn nhiều, ai cũng thương định cho con biết từ lâu để con đừng ở với thằng chả nữa, nhưng ai cũng ngán, sợ thằng chả làm khó dễ. Nay bác Tư thấy con …..khổ quá nên mới nói rồi muốn ra sao thì ra! Trâm không khóc nữa, nhưng đầu óc rối loạn, tâm thần tan nát. Tự nhiên nàng thấy khó thở. Chung quanh đang đảo lộn. Các vật dụng trong nhà đang nhảy múa. Trâm lắc đầu mạnh cho đỡ quay cuồng. Nàng có cảm tưởng nếu mình không ngồi trên sập gỗ và bà Tư không giữ vai nàng có lẽ nàng đã ngã gục xuống. Chợt thấy khuôn mặt Trâm tái xanh đi, mắt lờ đờ, bà Tư hoảng hốt: - Trời, sao vậy nè? Con có sao không? Môi Trâm mấp máy nhưng không thành tiếng. Với chai dầu nóng bà Tư xoa lên trán, hai bên thái dương, trên cổ Trâm rồi giật tóc mai, sóng mũi: - Con, tỉnh đi con. Chi mà khổ thế này? Bà Tư đỡ Trâm nằm xuống sập gỗ, xoa dầu trên lưng,cạo gió. Những đường tím bầm nổi lên. Tay ba làm việc, miệng bà không ngớt gọi: - Tỉnh …..tỉnh dậy con …..Tội nghiệp! Một lúc sau dần dần Trâm tỉnh lai; đầu óc đã bớt quay cuồng; tâm trí sáng suốt trở lại. Trâm định ngồi dậy nhưng bà Tư ngăn: - Nằm nghĩ một chút đi con! Trâm thở dài: - Cám ơn bác Tư, con khỏe rồi! Bà Tư đứng lên cất chai dầu. Trâm ngồi dậy, sửa lại áo, lấy tay cào cào mái tóc; đôi mắt không rời tấm ảnh: - Bác Tư à …. - Chi con? Trâm ngập ngừng: - Cho con …..tấm ảnh này …..nghe bác Tư. - Con cất kỹ kẻo thằng chả mà biết nó đập con chết! Im lặng một chút như để suy nghĩ điều gì, bà Tư nói nhỏ với Trâm: - Hay con qua ở với bác? Trâm cảm động, chớp mau mí mắt nhìn người đàn bà hàng xóm giàu tình thương, nhưng nàng không biết trả lời ra sao, thoáng nghĩ nếu mẹ mình còn sống chắc cũng khoảng tuổi này. Thấy Trâm làm thinh, bà Tư hỏi thêm lần nữa Trâm mới do dự đáp: - Dạ …..dạ ….bác để con ….suy nghĩ! - Suy nghĩ chi nữa. Thằng chả đâu phải là cha ruột con thì ở chi. Về với bác, dù sao bác cũng là bạn củ của mẹ con. Khuôn mặt mẹ lại hiện về – hiền từ và bao dung; đôi mắt long lanh giọt buồn như đang trìu mến nhìn Trâm xót xa – Mẹ! Trâm như quên hẳn câu chuyện đang nói dở dang với bà Tư. Bây giờ thì Trâm thèm được ngồi một mình, trong thinh lặng tuyệt đối để chỉ quấn quít với hình ảnh của cha, của mẹ gia tài của nàng còn lại chỉ có thế – vũ trụ Này không còn nữa! Lúc sau, Trâm xin phép đi về; bà Tư vội vã: - Ngồi nghĩ chút nữa, con! - Con khoẻ thật rồi, bác Tư! - Chắc thằng chả cón bên quán rượu, con về kẻo thằng chả bắt gặp! Câu nói của bà Tư vô tình khơi dậy một thực tế: tiếng roi quất, những câu chửi tục tằn, bộ mặt thú dữ bu đầy trong tâm trí Trâm. Nàng khẻ rùng mình. Đứng trên thèm nhà, nhìn bóng dáng bé nhỏ của Trâm đổ dài xiên xiên trên mặt đường gạch, bà Tư thở dài thương hại. Bà thầm cầu trời cho con nhỏ về nhà không bị đánh đập. Nắng chiều đã ngã thấp xuống thành phố. Nhưng Trâm đã không về nhà. Nàng đi ra hướng biển. Tâm trí nàng tỉnh táo trở lại. Đôi mắt khô ráo nhìn hai dãy nhà trên hè phố. Gió từ biển đưa vào mát lịm. Tiếng sóng ì ầm đã văng vẳng nhập vào thính giác Trâm. Nắng thật dịu về những nét loang lổ trên những mái nhà và trên những ngọn cây me đã cụp lá. Sự sống đã yếu dần ở thành phố miền biển về chiều. Nhưng Trâm, nàng như muốn thu hết vào trong ký ức – như những hình ảnh cuối cùng dấu ái cần được bảo bọc, giữ gìn cho vĩnh viễn theo thời gian. Khi đi ngang qua một căn nhà quen thuộc, tâm hồn đã chùng xuống của Trâm như được bất ngờ kích thích với sinh động. Tim Trâm đập mạnh trong lồng ngực. Nhìn cánh cửa của căn nhà đóng im lìm, Trâm có cảm nghĩ tất cả những kỹ niệm thân ái đã được ươm trồng trong đó cũng đã bị chôn vùi trong huyệt sâu – chả còn gì để nhớ, xa rồi tất cả – vĩnh biệt. Nhưng, dù tâm trí Trâm thì thầm nhiều lần vĩnh biệt, vĩnh biệt và dù đôi chân của Trâm đi vội vã như trốn chạy một nơi ghê rợn, nhưng một khuôn mặt vẫn hiện hữu trước mắt Trâm, dõi theo từng bước đi của nàng; nhất là đôi mắt sao buồn ray rứt nhìn nàng. Bất giác Trâm khẻ gọi: chú Tuấn! Đôi chân Trâm vẫn cử động – như trong cỏi vô thức – máy móc – trong khi tâm trí Trâm lại bận bịu với những ý nghĩ: chú Tuấn, chú thật tệ! Không ngờ chú chóng quên! Chú đi và chú đang vui với những hoa lệ của thành phố, với những diễm kiều của bao cô gái xinh đẹp, quí phái. Trâm cũng chẳng trách chú đâu, bởi vì Trâm chỉ là một cô gái nghèo, mồ côi và rất tầm thường. Có điều hơi oán chú là bởi chú đã hứa viết thư cho Trâm mà lại không giữ lời thề thôi! Bây giờ với Trâm chả có gì lưu luyến bởi vì tìm gặp được cha mẹ thì Trâm cũng vĩnh viễn trở thành mồ côi. Chú đâu có ngờ chuyện này nhỉ. Mà chính Trâm cũng chẳng bao giờ nghĩ người đang nuôi Trâm lại không phải là cha mẹ ruột Trâm. Chỉ một buổi chiều mà bao nhiêu bất ngờ xẩy đến với Trâm: mất chú và mất cha mẹ! Trâm chỉ là loài rong biển thôi chú nhỉ? Vô định trong lòng đời và vô nghĩa trước mắt chú! Chú Tuấn! Thật cũng may cho Trâm khi chú chưa hề biết một tí gì về tình cảm của Trâm dành cho chú dạt đào như đại dương và triền miên như sóng biển, chú ạ! Trâm đã không có tình thương trong gia đình, đơn độc cho đến khi gặp chú – tưởng loài rong biển nay đã có tảng đá khổng lồ để bám, nhưng Trâm đã bị ảo tưởng làm ngầu đục sáng suốt. Tất cả chỉ là bọt biển mà thôi! Tuy nhiên Trâm cũng không hối hận đã sống trong ảo tưởng, bởi vì dù sao những ngày tháng ngắn ngủi đó với Trâm cũng đã quá thần tiên, cho Trâm tạm quên được phần nào thân phận bèo bọt của Trâm. Nhưng khi chú đi rồi, Trâm mới nghiệm thấy chú hiện diện khắp cùng đời sống, trong từng hơi thở của Trâm. Chú đâu ngờ “cô cháu bé nhỏ” của chú lại quay quắt với những nhớ nhung, chú nhỉ – đến nổi có những chiều lang thang nhìn đâu Trâm cũng chỉ thấy bóng hình duy nhất; mọi người trước mắt Trâm đã biến để thành một khuôn mặt dấu ái. Nhưng nhớ để mà nhớ, ray rứt chỉ để ray rứt một mình, chứ có ai thân thuộc đâu để mà tâm sự, mà kể lể! Chú Tuấn ạ, người ta bảo những đứa trẻ nghèo khó trưởng thành sớm về tình cảm. Đúng vậy chú ạ. Trâm biết mình đã ngậm trại đắng trong miệng. Và Trâm biết rõ chú đã làm rụng sớm trai xanh trong Trâm. Mà chú không biết! Vĩnh biệt chú nhé! "Nghìn trùng xa cắch đời đứt ngang rồi, Còn lời trăn trối, gửi đến cho người Nghìn trùng xa cắch, người cuối chân trời. Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người ……" Trâm đã ra tới bãi biển. Gió thổi rối bời tòc nàng. Sóng đánh vào ghềnh đá từng bọt trắng xóa. Ngoài xa, mặt trời xuống gần sát đường gạch chân trời, đổ ánh sáng đỏ rực chan hòa trên mặt nước. Trâm đưa tay giữ vạt aó, tìm một tảng đá để ngồi. Không hiểu vô tình hay hữu ý, nàng chọn đúng tảng đá mà trước đây nàng đã ngồi cho người họa sĩ vẽ trong ngày gặp gỡ đầu tiên. Tiếng gió, tiếng sóng trộn lẩn trong nhau ầm ì độc điệu. Thủy triều dâng cao, bao quanh các tảng đá. Trâm lấy trong túi áo ra tấm hình; miệng kêu thầm « mẹ ơi! ». Nước mắt ứa ra, chảy dài trên má. Lòng chùng xuống nghẹn ngào – Mẹ ơi! Cha ơi! Sao bỏ con côi cút thế này? Sao cha mẹ không cùng đem con đi mà để con ngập chìm trong phũ phàng của dòng đời? Người ta tàn nhẫn với con để con phải bỏ rơi những ngày tháng đẹp của tuổi vừa lớn, nhưng đau xót nhất là họ đã đẩy con tới chổ oán hờn tình gia đình, hoài tình cha mẹ với con cái. Thì ra người ta không phải là cha, là mẹ thật của con nên mới nhẫn tâm đánh đập, chửi rủa con như thế. Con vẫn tin chắc rằng không có người cha, người mẹ nào lại có thể ghét bỏ con mình. Và điều con tin đã được chứng minh trong việc tìm ra sự thật chiều nay. Nếu cha mẹ còn sống, chắc chắn con đã khong bao giờ bị một trận đòn nào, bị nghe một câu rủa tục tằn nào. Cứ nhìn khuôn mặt của cha mẹ trong tấm hình này, con biết cha mẹ của con hiền từ và bao dung lắm. Nếu cha mẹ còn sống, chắc chắn con đã được sung sướng, hạnh phúc lắm, sống sung mãn trong tình thương, hơn cả mấy nhỏ bạn của con. Nhưng con đã không được may mắn với điều mình mơ ước. Giờ đây cha và mẹ có nhìn thấy con của cha mẹ côi cút không? Hãy đem con đi! Cho con được ấp ủ trong lòng mẹ, nép vào cánh tay che chở của cha! Con không còn thiết gì ở cuộc sống này nữa, bởi vì cuộc sống này đã không có cha, có mẹ của con, tức là đã mất hết tất cả. Con muốn được về với cha mẹ để đời đời được hạnh phúc trong tình thương rạt rào của cha mẹ, để được chạ mẹ ươm cho con những giấc mơ thật đẹp, vĩnh cửu …… Tiếng sóng vỗ như một điệu nhạc, mời gọi – "Lòng mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như đồng lúa chiều rì rào ….." Biển ơi! Hãy đón Trâm và đưa Trâm về với cha mẹ, để Trâm bỏ lại đằng sau niềm đau cô độc và để Trâm được sống đúng với nghĩa của tên Trâm – rong biển! Trâm từ từ đứng lên, leo xuống ghềng đá, nương theo tiếng sóng – tôi là loài rong biển, tôi phải về với biển cả – Trâm bước đi thật nhẹ nhàng. Nước cuốn lấy lưng chừng chân – Hãy đón Trâm, đem Trâm đến vùng hạnh phúc với cha, với mẹ của Trâm! Rong biển ơi, ta đang về với các ngươi đây vì ta cùng một loài với các ngươi! Hay quấn lấy thân xác ta để loài rong biển chúng mình không còn trôi dạt vô định nữa! Trâm vẫn tiến từ từ ra xa …… Bỗng ….. - Trâm! Trâm! Trâm giật mình, choàng tỉnh. Nàng hoảng hốt như đang chơi vơi trong khoảng không. Không còn tự chủ được nữa, nàng ngã chìm xuống nước, bị sóng cuốn tròn. - Trâm! Trâm! Một người đàn ông vừa hét gọi vừa lao mình xuống biển. Trâm được kéo lên, ho sặc sụa. Người vừa cứu Trâm dìu nàng lên bãi cát: - Cháu làm gì vậy? Bộ cháu điên hả Trâm? Trâm òa lên khóc, nức nở. Giọng nói thật ấm, thật ngọt quen thuộc êm vang bên tai Trâm: - Đừng khóc nữa Trâm. Mọi chuyện đen tối kể như hết rồi. Cánh tay rắn chắc vòng ngang người Trâm. Nàng thấy ấm áp, ngước mắt trách hờn, nhưng tia nhìn vẫn không khỏa lắp được sự trìu mến, thiết tha: - Sao ….sao …..chú …..không viết thư cho ……Trâm? - Lên Sàigòn chú mới sực nhớ là mình không có địa chỉ của ….Trâm. Giọng Trâm buồn buồn, ngập ngừng: - Chừng nào …..chú …..lại đi nữa? - Khi nào …..có cả Trâm cùng đi! Trâm nói trong hơi thở: - Anh! ….. - Em! …… Hai bàn tay tìm nhau, xiết mạnh. Bỗng Trâm hoảng hốt: - Chết! Tuấn cũng giật mình: - Gì vậy? - Tấm ảnh của ….cháu ….em ở dưới biển! Ngoài xa, chiếc hình chỉ còn là một chấm trắng nhỏ, ẩn hiện trong làn nước xanh mát. Trâm phụng phịu: - Bắt đền anh đó! Xoay người Trâm lại, Tuấn nhìn sâu vào đôi mắt đen láy của người thương bé nhỏ: - Chúng mình nên cho chôn vùi hết dĩ vãng đen tối để khởi sự tạo dựng tất cả những cái mới của tương lai. Em bằng lòng không? Nước mắt dâng lên long lanh, Trâm gục đầu vào vai Tuấn, nghẹn ngào không nói được lời nào. Tia nắng chiều cuối cùng đang thoi thóp ở chân trời màu xám. Sóng biển rì rào như đang thay đổi cung điệu. Trên nền trời vì sao đầu tiên đã mọc ….. HOÀI MỸ (Sàigòn, ngày 12-5-1972) Hết