CỤ LANG BẦN

Vì cụ quê ở Bần Yên Nhân, nên người quen biết cụ thường  gọi là cụ lang Bần. Cụ giữ nghiệp dao cầu thuyền tán cũng là một  sự ngẫu nhiên, nhưng về sau các thầy địa lý vì nặng tình cơm rượu  đã tán rằng cụ được ăn về ngôi mả tam đại phát danh y. Nguyên  trước cụ làm việc phát vé tàu điện, nhân một buổi cụ phải giữ việc  dồn toa về nhà máy, bỗng thấy một quyển sách nhỏ, đóng giấy ta  bìa cậy, bỏ chơ vơ trên ghế ngồi. Cụ cầm lên xem, tuy không nhận  rõ là quyển gì, nhưng cũng đọc lõm bõm được mấy chữ trần bì, cam  thảo. Cụ biết ngay là một quyển sách thuốc của một ông hành khách nào bỏ quên. Cụ đem về mượn ông đồ bên cạnh sang xem  cho biết quyển sách thuốc ấy thế nào. Ông đồ bảo đấy là quyển  sách thuốc gia truyền của họ Đào để lại, các môn thuốc, các chứng  bệnh đều đã lập thành cả. Cụ bèn thuê ông đồ mấy đồng để phiên  dịch quyển sách ấy ra quốc ngữ. Trước hết hãy làm thử mấy thứ thuốc viên cho vợ bán, như thuốc cam, thuốc sài trẻ con, thuốc khí  hư huyết tích đàn bà v.v...
Chẳng ngờ làm bỡn mà ăn thật, khách tới lấy thuốc ngày  một đông; biết là một nghệ có thể kiếm ăn được, cụ bèn quẳng trả  "sà cột" cho nhà máy điện mà về. Nuôi một ông đồ làm gia sư để  làm cố vấn trong việc biên đơn bốc thuốc, sắm cả dao cầu thuyền  tán, nghiễm nhiên làm một ông lang chính thức. Môn thuốc của cụ  đã hay, mà cái môn nói khoác lại ghê gớm hơn nữa! Này đây một  cái mộng tưởng của cụ:
- Cái nghề thuốc của tôi còn là biến hóa vô cùng! Ông cũng  đã viết ở đây, về môn chữa thuốc tây thì còn ai hơn lão "Oa đề ba"  nữa, thế mà nhiều con bệnh đến cậy lão chữa, lão đã bó tay xin  chịu, mà đến tôi thì khỏi hẳn! Thực ra tôi vẫn phục lão về cái tài  mổ xẻ châm chích, tức là môn chữa ngoại khoa. Nhưng điều đó  cũng chẳng khó khăn gì, rồi nay mai ông sẽ biết! Tôi đã bỏ phí  năm mươi đồng để vận động cho con tôi được vào làm bồi phụ  trong nhà lão.
Cụ nói tới đây rồi ngó trước nhóm sau, thấy vắng vẻ cụ mới nói:
- Tôi xin nói thực với ông câu này, xin ông giữ bí mật cho,  nếu tiết lộ ra thì con tôi không thể nào được ở yên trong nhà lão!
Tôi sửng sốt không hiểu vì duyên cớ gì mà ghê gớm thế, gặng  mãi cụ mới nói nhỏ vào tai tôi:
"Tôi quyết cho con tôi lọt vào đấy là chỉ cốt để ăn cắp nghề  của lão cho bằng được. Rồi cụ lắc lư nói:
- Ông phải biết phàm ai tài nghề gì mà chẳng muốn giấu cho  kỹ, dù cha con cũng chưa chắc truyền cho nhau hết phép. Đấy ông  xem, nhà nước mở ra trường thuốc chẳng qua là chỉ dạy cho học  trò biết một vài món loàng xoàng thôi chứ nào đã có ai tài được  như lão đâu, như thế chẳng phải là lão có môn thuốc bí truyền là  gì? Tôi biết thóp thế, nên mới chịu bỏ tiền ra lo chạy cho con tôi  vào đấy, cốt là vì nghiệp thuốc của tôi, chứ chạy tiền để làm anh  bồi phụ thì chạy làm gì. Chỉ vài năm nữa, con tôi ăn cắp được môn  thuốc bí truyền của lão thì về môn ngoại khoa như mổ, xẻ, châm,  chích đã có con tôi. Hai bố con khi đã thu được hết phép của đông  tây rồi thì còn ai địch nổi nữa".
Cụ nói rồi, dương cái mặt khờ khạo, nở một nụ cười đắc chí!
Tôi cũng cười hộ cụ cho thêm vui, rồi hỏi:
- Thế cậu cả nhà ta đã học được món gì chưa?
- Ôi chao! Ông tưởng dễ lắm đấy! Truyền nghề cho đã là khó,  đến ăn cắp nghề lại càng khó hơn nữa. Cho nên tôi vẫn khuyên  thằng cả nhà tôi phải kiên tâm cố chí lắm mới được, mới đến bảy  tám tháng thì đã ăn thua gì. Hiện công việc của cháu ở nhà lão chỉ  có lau bàn ghế, quét dọn buồng ăn buồng ngủ, cũng như ta, các cụ  khi xưa bắt đầu nhập môn cầu học cũng phải làm những công việc,  sái, tảo, ứng, đối là thường.
Tôi lại hỏi:
- Thế cậu cả nhà ta có biết khá chữ tây không?
Cụ giương cặp mục kỉnh mà đáp:
- Ấy, chữ thì cháu không biết, nhưng tôi đã đút cho anh bồi  đưa cháu vào mấy chục để cho cháu học tiếng, nên tuy chữ cháu  không đọc được, nhưng nói thì đã khá lắm. Vả chăng cái nghề  thuốc chúng tôi, chỉ cốt trong cho tin, nghe cho rõ là được, chứ bây  giờ lại học chữ đã thì ông tính đến bao giờ. Mình học là học tắt ông  nghe chửa.
Cụ nói tới đây thì bỗng có khách lại lấy thuốc, cụ đứng dậy  bỏ tôi mà đi, tôi ngồi lại thẩn thơ tự hỏi: từ bác vé xe, nhảy lên ông  lang, từ anh bồi phụ nhảy lên ông đốc tờ, chẳng biết bao giờ hai  cha con nhà ấy sẽ gặp nhau, mà lúc gặp nhau rồi thì cái kết quả sẽ  ra sao?