Dung đã biết đi xe đạp. Cứ tám giờ sáng, sau khi cho gia súc ăn xong, em sang hột gà ra những chiếc vỉ bằng nhựa treo sau ba ga xe đạp. Thu làm thêm cho Dung thanh gỗ có mấu chắc chắn, buộc vào sau ba ga để Dung chở cho tiện. Xong xuôi, Dung chạy xe ra tiệm giao hột và lấy cám về. Hôm nào nhiều hột, Dung đi hai lần. Công việc vừa nhanh vừa khỏe, không như bữa nào phải nhờ đến Thu. Bà Năm rất hài lòng dù không nói ra. Dung là con ở, không phải trả tiền tháng. Tuy vậy, bà Năm cũng chỉ may cho Dung một bộ quần áo loại vải rẻ tiền trong một năm. Còn lại, Dung phải mặc đồ Thu Hiền thải ra. Dung vốn giản đơn. Điều kiện của cô không cho phép mình được ăn mặc đẹp. Trong khi đó Thu Hiền càng lớn càng sửa sọan dữ. Trong tủ của Hiền có đủ kem thoa mặt, son gió, phấn, bút kẻ chân mày… Mỗi lần đi đâu, Hiền phải mất cả buổi chuẩn bị. Còn Dung, đến chiếc lược chải tóc cũng không có. Sáng dậy, sau khi rửa mặt, Dung đứng trước tấm kiếng lớn và chải tóc bằng chiếc lược bé xíu của bọn con trai. Thấy tội quá, Thu đã mua tặng Dung một chiếc lược bằng sừng và chiếc gương tròn mỏ neo. Nhận quà, Dung mừng lắm. Nó thiết thực với cô biết bao. Năm tháng trôi đi, Dung và Thu Hiền vẫn là bạn thân với nhau. Những lúc Dung rỗi, họ ngồi bên nhau trò chuyện. Một phần hiểu biết xã hội thượng lưu bên ngoài của Dung là do Thu Hiền trang bị cho cô. Thu Hiền cần có Dung để tâm sự những điều thầm kín trong lòng. Hai đứa cùng đang ở lứa tuổi đầy mơ mộng, nhưng rõ ràng Thu Hiền phát triển tính nữ nhanh hơn Dung nhiều. Có bữa, Thu Hiền kể cho Dung nghe một bạn trai để ý đến nó. Thu Hiền thấy tội nghiệp cho chàng trai. Lúc ngủ, nó hay mơ thấy anh ta đi chơi với nó, vuốt bàn tay nó… Dung chưa biết rằng Hiền đã yêu, cô nàng không biết tình yêu là gì. Em chỉ thấy cuộc đời bên ngoài đầy nao nức. Tất bật với công việc nên Dung không chăm sóc đến khuôn mặt mình nhiều. Mãi cho đến một chiều, khi cho gà vịt ăn xong, Dung lấy kiếng ra soi. Dung bỗng thấy hồi hộp với mái tóc của mình, sao nó dài óng ả và cô thấy khuôn mặt trái xoan của mình ửng hồng, đôi môi thắm đỏ. Sau lớp áo mỏng đã nhu nhú cặp vú rắn chắc. Người nhà ông Năm Thọ đều nói Dung hao hao giống Thu Hiền. Nhưng không ai dám nói lên sự thật giản dị: Dung thon thả và đẹp hơn. Hiền mập hơn Dung. Nó sợ mập nên bữa cơm chỉ ăn có hai lưng, thức ăn không đụng đến mỡ. Nó còn uống giấm, ăn me cho bớt mập. Nhưng vốn có lực từ bé, đến tuổi dậy thì cứ lộ sự no đủ ra ngoài mà không cần biết đến các chế độ kiêng khem. Ngược lại, mặc dù kham khổ từ bé nhưng nhờ lao động, Dung phát triển cân đối. Gặp riêng Dung, ai cũng khen cô đẹp. Út Trung thường tìm cách hướng ống kính camera về phía Dung. Trung hay so sánh Dung với cô bé lọ lem trong phim truyện cổ tích. Trung có nhiều bạn bè. Vài cô gái muốn trở thành dâu ông chủ tịch nhưng chưa ai nghĩ ra mẹo bắt giò Trung như Nguyệt đã bắt giò Ba Tôn. Phải nói, Út có sức quyến rũ bởi tính hào hoa. Trăm ngàn đổ một tiếng cười như không. Đổ một trận cười là còn tiếc đấy, còn Trung thì chẳng tiếc thứ gì mà anh phung phí. Nhờ chiếc cúp "nữ hoàng", chiếc camera và chiếc điện thoại bỏ túi, anh nổi bật lên trong đám con trai dòng dõi ở thị xã này. Út có nhiều bồ. Anh muốn chọn cô nào trong đám bạn bè của mình đều được. Nhiều cô, anh rủ đi Vũng Tàu đổi gió, ngủ lại khách sạn qua đêm. Nhưng nay Út phải sững sờ trước bông hoa dại rực rỡ, tự nhiên mọc ngay trong nhà mình mà anh chưa một lần để ý thấy. Bỗng nhiên anh ít ngao du cùng bạn bè. Trung ở nhà quay đủ thứ cảnh vật từ ngoài vườn vào bếp. Cô em ở đợ bắt đầu được vào những phút phim video cùng với những chú heo mập núc ních, đàn gà công nghiệp, bầy vịt đông đúc… Nhà làm phim này quay thật tồi, với bao nhiêu cảnh mà giới làm phim trông thấy chắc phải mắc cỡ và bỏ luôn phim trường. Cũng may Dung đẹp một cách tự nhiên, các cảnh lại quay thật trăm phần trăm, không có chút nào của đạo diễn chen vào nên một anh đạo diễn bên đài truyền hình có xin được mấy trích đoạn để cất dành khi cần sẽ mang ghép vào phim nói về thành tích chăn nuôi trong tỉnh. Điều này khiến Trung hết sức tự hào và tự cho mình cũng là nghệ sĩ, loại nghệ sĩ tài tử, hào hoa, đâu phải như mấy cha nội nhà văn, nhà thơ rách rưới, luộm thuộm và nghèo kiết xác nhưng cứ làm bộ phớt đời.
° °
° Buổi tối hôm ấy Út dùng máy điện thoại cầm tay gọi đến các bạn, mời họ đến nhà. Nhà ông Năm rộng mênh mông. Nhà trên là giang sơn của ông bà. Còn nhà ngang là giang sơn của Út. Ông Năm bận nhiều việc lớn lao nên ít có thời gian để mắt đến con cái. Sáu giờ tối đám bạn của Út đã tụ tập đến đầy nhà. Út vẫn là trung tâm của mọi người. Anh nổi bật trong bộ quần áo Jean, thu hút các bạn bằng tư thế chủ nhà, con ông chủ tịch tỉnh. Các cô bạn gái ăn mặc dỏm dáng. Phần đông các cô mặc váy đầm đi giày trắng. Họ thuộc loại con nhà khá giả trong tỉnh. Đám con trai đều quần Jean, áo trắng, giày trắng. Út mở nhạc. Họ thành từng đôi, cầm tay nhau dìu ra sàn nhảy. Sàn nhảy chính là căn nhà ngang rộng rãi. Đèn Neon phụt tắt, chỉ còn lại ánh đèn màu vàng yếu ớt. Bóng những cô gái ngả vào vai các chàng trai… Ngay từ chiều, Út đã dặn Thu và Thắng làm mọi việc cho Dung. Anh còn dặn Dung sửa soạn, chọn bộ áo quần đẹp nhất. Anh nói:- Hôm nay anh có bạn đến chơi. Em tiếp khách giùm anh nghe. Dung bị bất ngờ. Cô chưa từng tiếp khách. Cô cũng chưa từng chuẩn bị quần áo, sửa soạn trang điểm để đi dự một buổi tiệc nào. Út yêu cầu, làm cô hồi hộp. Bộ quần áo đẹp nhứt ư? Dung có bộ nào ra hồn đâu. À, cô có hai bộ quần áo Thu Hiền thải ra. Một bộ áo trắng quần đen và một bộ gấm Thượng Hải, màu hồng nhạt. Dung chọn bộ màu hồng. Tuy nó hơi cũ nhưng còn đẹp. Dung cũng muốn có chút phấn son nhưng em làm gì có tiền để mua. Tuy vậy Dung vẫn thấy hài lòng vì nước da trắng mịn, đôi môi không cần tô son vẫn thắm đỏ, đôi má hồng của tuổi dậy thì. Nào cần phải kẻ lông mi, tô chân mày vì đôi mi của cô dài và cong cong. Dung e thẹn. Lần đầu tiên cô xuất hiện trước đám đông quần áo sặc sỡ và chờ Trung sai bảo điều gì. Út giới thiệu Dung với các bạn.- Em gái của anh đó. Mấy cô gái đều nhiều tuổi hơn Dung. Họ quây lấy cô, làm bộ vui vẻ với cô nhưng trong lòng ganh tị sắc đẹp của Dung. Dung bối rối không dám nhìn ai, khuôn mặt càng ửng hường hơn. Trước tuyệt tác đó, một cậu con trai lớn tiếng nửa đùa, nửa ngưỡng mộ: "Tao sẵn lòng làm em mày, Út à". Út cười mãn nguyện. Anh sung sướng vì Dung đã nhập cuộc một cách rực rỡ vượt quá ước muốn của anh. Không phấn son nhưng Dung đẹp hơn tất cả các bạn gái của anh. Hôm nay, lần đầu tiên Út trông thấy Dung tươi vui trong sự bẽn lẽn. Niềm vui, nét đẹp của sự trong trắng, ngây thơ mà không cô nào ở đây có được. Mấy cô gái khen bộ quần áo của Dung may khéo, rất vừa với thân hình mảnh dẻ của cô. Thu Hiền cũng ngờ ngợ, bộ gấm Thượng Hải ấy có phải của mình thải ra không? Lúc các cô gái cáp đôi nhau nhảy, Dung thấy mình trơ trọi. Dung chưa bao giờ xem người ta nhảy, chứ đừng nói đến nhảy. Cô thấy mình quê mùa, ngốc nghếch quá. Qua một bản nhạc. Từng cặp trai gái trở về chỗ của mình. Mặt họ hồng hồng phấn khích.Út lăng xăng điều khiển cuộc vui. Anh lo thay băng máy Cassette, đem Camera quay phim… Đến bản thứ hai, Út lại rủ Dung:- Bản này nhẹ, em nhảy với anh.- Em có được đi học nhảy đâu - Dung lí nhí đáp.- Không sao. Bản này em chỉ cần nhún một chỗ là được.- Thôi, em không biết nhảy, họ cười chết. Mặc cho Dung từ chối, Út nắm tay cô kéo vào sàn nhảy. Dung luống cuống, không biết trốn vào đâu… Nhạc đang ru điệu du dương. Các cô gái trong vòng tay các chàng trai đang dập dìu lướt đi trong sóng nhạc. Dung không biết mình có nhảy hay không nữa. Dường như Út đang dẫn cô vào một thế giới nào đó vừa huyền ảo vừa xa xôi… Có lẽ vì sàn nhảy chật nên chẳng ai để ý đến những bước đi như mộng du của Dung. Tất cả chìm trong ánh điện mờ ảo và chuyển động. Bỗng cô nhìn thấy bóng Thu ở đâu đó giữa những khuôn mặt xa lạ như đang mê đi trong tiếng nhạc. Như bị giội gáo nước lạnh, Dung sực tỉnh hoàn toàn. Mình có lỗi với Thu. Cũng vừa lúc bản nhạc chấm dứt, Dung chạy nhanh về chỗ ngồi như người vừa thoát một giấc mơ êm dịu, ngọt ngào nhưng đầy tội lỗi. Không, đây không phải là trò giải trí cho Thu và em nữa. Chúng ta làm gì có tiền, chúng ta làm gì có thời gian để nhảy như thế này. Trò chơi này chỉ dành cho bọn họ. Tội nghiệp cho anh quá Thu ơi!Bản nhạc tiếp theo nổi lên. Út mời Dung nhảy. Dung lắc đầu:- Em mệt lắm, anh Út cho em nghỉ.Vì sao anh Út mời mình dự cuộc vui này? - Dung thắc mắc hỏi và cô dứt khoát đứng lên đi về phía Thu với ý nghĩ: Đây không có chỗ cho cô và Thu.° °
°Chiếc xe đò kéo lên hồi còi dài làm Dung sực tỉnh. Các hành khách trên xe cũng bừng tỉnh như cô. Xe đang vượt qua chiếc cầu bê tông bắc ngang qua con sông rộng. Tiếng máy nổ gấp, nặng nề hơn. Dòng sông được hai bên dãy đèn cao áp rọi xuống trở nên lung linh. Kìa, đôi bờ đều bừng lên ánh điện rực rỡ. Đã đến một thị trấn nhỏ. Từ con đường này sẽ về đến quê Thu. Nhà anh ở phía đó, nhưng Dung biết, trong ngôi nhà lá đơn sơ chỉ còn má anh. Anh đã đi rồi, anh có nhớ cái đêm nhảy đầm ấy không. Em tìm đến anh…° °
°Lúc đó Thu đang đứng ngoài nhìn cô. Dung nở nụ cười hỏi anh:- Chú Thu không vô nhảy à?Anh buồn lắc đầu:- Chú không biết nhảy. Dung học nhảy từ khi nào vậy?- Tại anh Út đó. Ảnh cứ kéo Dung vô. Dung có biết gì đâu.- Ta ra bên ngoài ngồi chơi. Trong nhà nực nội quá.- Dạ.Dung theo Thu lên sân thượng. Cô tin Thu, Thu dẫn cô đến đâu cũng được. Với Thu, Dung tin như tin chú, tin người anh ruột thịt của mình. Thu luôn là người mẫu mực cho Dung tôn kính. Anh không nhậu nhẹt, chơi bời. Anh sống có chí hướng, ham đọc sách, lại hay giảng cho Dung nghe những điều người ta viết trong sách. Dung ít đọc, thông qua Thu, cô tiếp nhận được nguồn kiến thức, giúp cô mở rộng tầm nhìn. Đối với Dung, Thu là người có kiến thức uyên bác. Cô thắc mắc, Thu nhặt những hiểu biết ấy để làm gì trong khi ngày ngày anh rửa chuồng heo, nuôi gà vịt và hầu hạ những người dốt đến nỗi không theo kịp bạn bè và phải bỏ học. So sánh Thu với Út, Dung càng thấy nản lòng.Dung rất mê đọc tiểu thuyết tâm lý xã hội. Có thời gian đầu óc cô luôn bị ám ảnh bởi các số phận nhân vật trong sách. Có lúc cô khóc vì thương những nhân vật gặp cảnh đời đen bạc, trầm luân. Thu khuyên cô đừng đọc tiểu thuyết nữa. Anh mượn cho cô những cuốn sách lạc quan hơn, đó là những cuốn tiểu thuyết của các nhà văn Việt Nam đương đại nói về công cuộc xây dựng nước nhà. Chúng giông giống nhau ở cốt truyện cũng như cách xử lý mâu thuẫn. Cái tốt bao giờ cũng chiến thắng và người lạc hậu nhận ra khuyết điểm hứa khắc phục rồi như trong một giấc mơ, họ biến thành người tốt hơn cả người bình thường nữa. Các nhà văn này trở nên nổi tiếng ở trong nước bởi họ khai sáng dòng văn học lãng mạn cách mạng và phi hiện thực đất nước. Bù vào đó, họ được các nhà phê bình ca ngợi là đã phản ánh được hiện thực Xã hội chủ nghĩa và bước đường tất yếu đi lên. Tuy thế nó cũng làm Dung phấn chấn và tin vào ngày mai. Ở tuổi đang định hình, tính nết thay đổi thất thường và dễ bị tiêm nhiễm của các lối sống không lành mạnh thì âu đó cũng là điều có lợi cho Dung.Năm tháng lặng lẽ trôi. Dung lớn lên và trở thành cô gái đẹp lúc nào Thu cũng không hay.Lúc Thu thấy Dung nhập cuộc vui, anh không khó chịu mà thấy lo cho Dung. Bởi Thu biết khi đám thanh niên cuồng nhiệt kia thấm mệt, họ sẽ lại quây quần xem những bộ phim video không lành mạnh. Dung còn nhỏ dại quá. Em sẽ ra sao giữa bầy người quá sành sõi ăn chơi này. Con thỏ non tránh sao được cạm bẫy cuộc đời đang chăng ra với vẻ hào nhoáng, cao sang kia. Chính vì thế Thu luôn luôn tìm cách xuất hiện để kéo Dung ra. Nếu Dung sa ngã, lỗi đó thuộc về anh. Mấy năm nay hai anh em dựa vào nhau để sống. Và chính Thu cũng tìm thấy nguồn an ủi, niềm tin yêu từ sự ngây thơ, chân thành của Dung.Trăng non vừa hé. Ánh trăng dìu dịu khắp nơi. Trăng không sáng lắm, từ trên cao, Thu và Dung thấy rõ cái bàng bạc, mỏng manh mà huyền diệu của ánh trăng non.Dung ngồi bên Thu. Dưới ánh trăng, Dung trở nên đẹp lạ lùng. Cô thu mình trong cái lạnh se se, dễ chịu.- Dung có thích nhảy đầm không - Thu hỏi. Dung lắc đầu, mái tóc ánh lên dưới trăng:- Cháu không biết nhảy nên không thích. Nhảy dở, người ta cười chết.- Rồi Dung cũng phải học nhảy, vui lắm chứ. Nhảy làm người ta hưng phấn, rất có lợi cho sức khỏe, tâm lý cũng như giao tiếp.- Dung thấy nó thế nào ấy.- Cháu nói đúng đấy. Bây giờ hai chú cháu ta chưa có gì để bảo đảm cho tương lai. Ta phải biết phấn đấu. Nhảy, đó là trò chơi. Trong khi ta chưa giải phóng cho mình khỏi vất vả, đã vội lao vào trò chơi đó rồi sẽ đi đến đâu. Đó là chú chưa nói đến mục đích của người muốn đưa ta vào trò chơi ấy liệu có phải vì muốn cho ta tốt đẹp lên không hay chẳng qua là để mua vui cho họ.- Dạ cháu hiểu rồi. Cháu sẽ không học nhảy nữa.Thu nhìn vào mắt Dung. Ánh trăng làm khuôn mặt cô đẹp đến lung linh.- Dung này!- Dạ…- Nay Dung đã lớn rồi. Dung biết tôi nhận ra Dung lớn từ lúc nào không - từ lúc nhìn Dung nhập cuộc với các bạn gái, nhất là nhìn Dung nhảy. Dung đã trở thành thiếu nữ rồi. Vậy mà tôi cứ nghĩ là Dung còn bé lắm, phải chiều chuộng giúp đỡ.Dung nhõng nhẽo:- Ý, bộ Dung trở thành thiếu nữ thì không cần phải giúp đỡ sao. Dung cần chú Thu giúp đỡ mãi, tới chừng… Dung già mới thôi.- Không, tôi muốn nói Dung lớn rồi, chúng mình phải… thay đổi cách xưng hô. Không người ta nghe Dung kêu bằng chú, họ cho tôi già lắm rồi, ế vợ chết…Dung quay lại, cô nhìn vào mắt Thu, cười:- Chú mà ế vợ. Gạt không hết thì có. Thôi kệ cho họ tưởng, Dung kêu chú lâu rồi chứ bộ.- Nghe lời chú… Ý… anh đi Dung. Kể từ bây giờ anh kêu Dung bằng em và Dung kêu tôi bằng anh nghen.Dung lặng yên. Cô nhớ lại những ngày nằm viện và tim cô bỗng đập gấp. Mái đầu của anh đây, đêm ấy rất gần cô. Vậy mà lúc đó sao cô chẳng có cảm giác nào ngoài lòng thương và biết ơn dành cho anh. Dung liếc mắt nhìn Thu đang ngắm trăng. Thu gần gũi biết nhường nào. Cảm giác nghèn nghẹn dâng lên trong cô. Dung đâu biết đó là tiếng thổn thức của con tim mình. Nó đánh dấu từ đây tình cảm yêu thương như ruột thịt mà cô dành cho Thu đã chuyển thành thứ tình cảm mãnh liệt hơn.Còn Thu, anh cũng thương Dung bằng tình yêu chân thành của người cùng cảnh ngộ. Lúc đầu chỉ như thế. Một lần anh về thăm me,ï ngủ lại nhà, anh nhận ra khi xa nhà, nhớ mẹ, nhưng lúc bên mẹ, anh lại nhớ Dung da diết. Phải chăng anh đã bắt đầu nếm dư vị của tình yêu. Giờ đây ngồi bên Dung, giữa đêm trăng thơ mộng, anh càng cảm thấy tình cảm của mình dào dạt. Anh cảm thấy hơi thở nóng hổi của Dung bên má mình. Anh nhè nhẹ kéo vai cô vào sát mình hơn. Mái tóc cô xõa xuống vai anh. Làn tóc thơm nhẹ nhẹ, nguyên sơ, không pha mùi nước hoa, mùi xà bông đắt tiền. Anh nói trong hơi thở gấp gáp:- Dung à…- Dạ.- Em… Có khi nào nhớ anh không.- Dạ… có… Hôm trước anh về nhà có một bữa mà em trông muốn chết. Chỉ lo anh bị làm sao.Ờ, nỗi nhớ của Dung giống mình quá. Không biết Dung có yêu anh không? Nếu anh có Dung trên đời này, thì Dung ơi, anh sẽ bớt đi bao cô quạnh, bớt đi bao đau khổ…Ánh trăng hạ tuần nhạt bớt. Cả hai cùng thích thú bởi một ngôi sao đổi ngôi vụt sáng lên rồi tắt ngấm. Tự nhiên đến không ngờ, Dung từ từ ngả đầu vào vai Thu.Út Trung cuống cuồng tìm Dung. Ngoài cổng đã khóa kỹ, vườn nhà được rào rất kín đáo, vậy Dung biến đi đâu. Út trông thấy Dung đi với Thu mà. Ghen tức làm Út nghẹt thở. Út nguyền rủa Thu. Út vốn ghét Thu từ lâu. Hồi Dung còn là cô gái tóc đỏ quạch, chưa có gì để Út phải để ý. Chỉ đơn giản, Thu ham học, không chơi bời như Út, và bao giờ cũng tỏ ra điềm đạm, chín chắn. Út không hiểu Thu học để làm gì khi không tiền, không có thế lực và chắc chắn là không để thi vào một trường đại học nào. Sống mà không rượu, trà, trai gái, chơi bời thì sống làm gì? Mỗi lần la rầy Út, bà Năm lại lấy Thu ra để so sánh: “nhìn thằng Thu đó, hễ rảnh là học, còn mày, được cha mẹ cho đi học không thôi mà cũng không học được”. Để tồn tại, Thu phải vươn lên và vì vậy, anh phải học. Còn Út đã có một tương lai sẵn rồi. Muốn đi làm ở cơ quan nào mà không được. Còn nếu ở nhà chơi, Út có chết đói đâu. Thế nào ba không phải lo làm nhà, cưới vợ cho. Vậy học làm gì. Đến như mấy tay kỹ sư, - mài đũng quần đến rách vậy mà đã chắc biết lái honda, cầm máy quay vidéo như Út đâu, đó là chưa nói nghèo kiết xác? Trời không phú cho Út cái đầu mít đặc như bà Năm tưởng, nhưng lại cho Út cái thú ham chơi hơn ham hiểu biết. Những bài toán đâu có hấp dẫn bằng những thú vui chơi. Thầy cô rầy la, bạn học coi thường sao thú vị bằng kẻ hào hoa, là tay ăn chơi anh chị. Nhiều lúc Út hạ nhục Thu bằng cách sai anh bưng đồ ăn, rót nước cho bạn bè Út, Thu vẫn làm lặng lẽ và không vì thế mà anh trở nên thấp hèn. Điều đó làm Út càng căm hơn.Nhưng lần này thì quá lắm. Thu đã dám chơi tay trên với Út. Nhà có mỗi cô gái đẹp và Út đã tốn bao nhiêu tiền bạc của ba má, công sức của mình để mua vui cho cô ta, để cho cô ta rực rỡ lên trước khi Trung ra tay chiếm đoạt thì nay Thu dám dẫn vào xó nào đó để chim chuột. Nó không biết địa vị của nó, của Dung và của mình trong căn nhà này sao - Út tức tối nghĩ. Út phải tìm cho kỳ được chúng, Út chạy khắp vườn, khắp xó xỉnh. Ở đâu có bóng tối là Út lao vào đấy với hy vọng sẽ tìm thấy Thu và Dung ở đó. Trung chợt nhớ đến sân thượng. Chỉ có thể họ ngồi với nhau trên sân thượng. Ở đó vừa yên tĩnh vừa xa cách với mọi người…Út phóng lên cầu thang, nhảy hai bước một. Chỗ lầu hai lên sân thượng hẹp hơn, Trung vẫn chạy ào ào. Người nóng ran, tim đập mạnh, vừa chạy Trung vừa thở, sợ không kịp… Trung nghĩ nhanh, chắc Thu đang thỏa sức…Gặp hai người đang chụm đầu vào nhau, Út hổn hển:- Dung, Dung… Mọi người đang chờ em.Họ giật mình, vội buông nhau ra, bối rối. Út túm lấy cổ áo Thu, rít lên:- Mày dám dẫn con gái người ta đi chim chuột hả.- Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau một cách đàng hoàng - Thu bình thản.Dung hoảng hốt kêu:- Anh Út, thả tay ra. Không được xúc phạm đến anh Thu.Út điên tiết. Chắc nãy giờ hai đứa có gì với nhau trên này rồi nên mới bênh nhau chằm chặp vậy. Mẹ nó! Không được xúc phạm này! Đừng có xúc phạm này! Út vung tay đấm túi bụi vào mặt Thu. Thu đưa tay gạt đỡ. Út càng điên tiết tấn công dồn dập hơn. Một quả đấm giáng đúng mũi Thu làm anh ôm mặt lảo đảo. Dung trông thấy hai dòng đen đen chảy ra từ mũi Thu.- Máu! - Dung hét lên - Anh Thu, có sao không?!Dung rút khăn tay lau vội máu cho Thu. Cử chỉ ấy làm Trung càng thêm lồng lộn, nhào tới. Dung gạt Trung ra và đứng chắn giữa hai người. Trung vẫn chưa hết cơn điên, nghiến răng đe:- Từ nay bỏ nghe không thằng khốn kia. Nếu còn quan hệ với Dung, tao sẽ xé xác mày ra nghe con! - đoạn hắn nắm tay Dung kéo đi.- Đi xuống với bọn anh đi Dung!Dung giằng ra khỏi tay Trung nói bằng giọng ghê tởm pha lẫn kinh hoàng:- Không! Tôi không thể chơi với những kẻ đánh người ta chảy máu một cách vô cớ… Tôi không đi đâu hết!Trung ngạc nhiên nhìn Dung. Trong đêm nhưng Dung cảm thấy đôi mắt đó vằn lên nỗi căm giận bất lực. Trung vung tay đấm vào thành lan can nghe bốp một cái rồi quay ngoắt người, đi xuống theo cầu thang đen ngòm. Từ trong bóng tối còn vọng ra tiếng chửi thề "Mẹ họ! Để rồi xem!".Dung lấy khăn lau mặt cho Thu. Cô âu yếm nép vào ngực Thu. Thu vuốt tóc Dung. Cảm giác buốt đau nơi anh dịu xuống. Thu thấy mình tan chảy trong niềm hạnh phúc hơn là lòng căm phẫn, đớn đau…° °
°Sóng gió bắt đầu trút lên đầu Thu kể từ bữa ông Năm kêu mất chiếc đồng hồ. Chiếc đồng hồ rất đẹp, làm ông tiếc mãi. Không khí nghi kỵ trong nhà bắt đầu trỗi lên. Theo Út, Thu lấy trộm chứ không ai. Bà Năm nghi Hải, người hay bê tha, hay tắt mắt. Hải gọi ông Năm bằng bác, cũng bà con xa với ông. Út còn cam đoan thấy Thu cầm chiếc đồng hồ ấy. Ông Năm không tin. Ông biết Thu là người đàng hoàng. Người ngoài còn anh tài xế, Dung và chị Tư. Nhưng dù sao Thu cũng bị chú ý.Ông bà Năm ở một phòng riêng dưới tầng trệt. Bà rất có ý thức bảo vệ căn phòng. Bước chân ra khỏi nhà là bà Năm khóa ngay cửa lại. Bà cảnh giác với những người ở trong gia đình. Ngay cả con ruột, con dâu, cháu nội cũng không được tự tiện vô buồng ông bà.Vậy mà phòng ông bà Năm cũng bị mất trộm. Mấy mét vải katê trắng ông bà để trong tủ không cánh mà bay. Lần này bà không thể chịu đựng được nữa. Bà chửi om lên: "Nhà này không để được cái gì sao?"… Bà lại nghi Hải. Cái thằng lấc cấc, mắt láo liên đó chứ không ai vô đây. Nếu trộm mà vào được sao không mất cái tivi màu, cái cassette… Chẳng lẽ nó bỏ công chui vào đây để lấy mấy mét vải. Mất vặt thế này chỉ người trong nhà lấy. Của không đáng là bao nhưng bực cái tính tắt mắt. Kiểu này, cứ luôn luôn cảnh giác, chịu sao thấu. Đích thị thằng Hải. Nó lĩnh tháng mấy chục ngàn đồng, không đủ xài vặt, lấy đâu ra tiền hút thuốc ngoại, uống rượu, bia, lẻn ra hú hí với con Lan ở ngoài tiệm cà phê.Út Trung nói với má:- Con nghi thằng Thu. Thằng đó coi chững chạc nhưng thâm hiểm. Má đừng tin nó. Con nghĩ rằng mấy mét vải này chưa đi ra khỏi nhà. Phải khám tất cả. Bắt đầu từ thằng Thu.Bà Năm nghi ngờ Hải nên gật đầu. Bà nghĩ ngay: mới một giờ đồng hồ, người đánh cắp chưa đủ thời gian tẩu tán được. Chẳng đáng là bao nhưng kẻ trộm phải bị vạch mặt. Mình nóng quá không được sáng ý như thằng Út. Cuộc hội ý giữa bà và mấy đứa con được triệu tập. Anh Ba đứng ra mời tất cả mọi người trong nhà lại và tuyên bố: Khám! Dung, Hải, Thu, Thắng, chị Tư đều vui vẻ chấp nhận, họ không lấy trộm nên vững dạ. Người được khám đầu tiên là Thu. Bất ngờ tang vật được lôi ra trong chiếc hòm gỗ của Thu. Mọi người sững sốt. Mặt Thu đỏ bừng:- Không phải tôi lấy. Ai đã bỏ vô đấy.Nhưng còn ai tin anh nữa. Mọi người kéo lên nhà trên. Bà Năm giận bừng bừng. Khuôn mặt núng nính những mỡ của bà đỏ bừng. Bà nói:- Dân trí thức xảo quyệt, thâm hiểm thật! Bà quen gọi Thu là dân trí thức vì thấy anh hay đọc sách.- Con nói rồi, má không tin nữa đi. Thứ đó đạo đức giả - Út chêm vào. Bà Năm xuống giọng, vẻ áy náy:- Thôi, trả nó về cho thím Tám. Tội nghiệp thím ấy khi có thằng con như vậy. Để nó ở đây chỉ mang họa mà nó cũng chẳng còn mặt mũi nào để nhìn những người trong nhà này nữa.Bà nói với con để giải tỏa bực bội mà thôi. Chuyện trong nhà bà tự quyết lấy. Việc gì cần làm, bà không làm được mới phải cho ông Năm hay. Có lẽ do ông Năm đi suốt ngày, việc trong nhà bà phải quán xuyến hết nên bà quen như thế. Đôi lúc bà tâm sự với con: cứ như ba mày thì đến cái nhà lá cũng không có mà ở. Ổng đâu có biết chuyện gì xảy ra ở trong gia đình. Ổng chỉ biết đến mỗi việc nước. Để bù lại khiếm khuyết trong ông, bà tự tổ chức lấy công việc làm ăn trong nhà. Bà làm những cú áp phe lớn nhờ cậy vào quyền chức ông Năm mà chính ông Năm cũng chẳng hay biết. Những kẻ tay chân của ông Năm đều biết dựa vào bà. Bà dựa thế của ông để chỉ huy đám cận thần này. Bà hốt bạc triệu dễ như moi trong túi ra vậy. Người ta thường nói khó giấu cái nghèo, nhưng chính cái giàu càng khó giấu hơn. Bởi vì đối tượng phải giấu là chồng bà. Ông sẽ thắc mắc, bà làm gì mà giàu nhanh thế. Bà biết trả lời thế nào với ông. Bà nghĩ ra cách chăn nuôi. Bà biết ông Năm rất khoái chăn nuôi, phát triển nông nghiệp. Sẵn có vốn, bà tung tiền ra nuôi gà công nghiệp, mua heo, mua vịt, số lượng khá lớn. Bà học cách chăn nuôi của bà Ba bên cạnh. Bà không thể lội vô chuồng heo, chuồng gà. Bà có những việc lớn khác. Giao cho vợ chồng thằng Hai, thằng Ba… Tụi nó có công việc của nó. Tính mãi, cuối cùng đành phải mướn người làm. Việc này, buộc lòng bà phải báo cho ông Năm hay. Bà chọn lúc ông Năm quan tâm đến bà nhất để nói. Bà nghiệm ra rằng nói trong lúc ông Năm đang âu yếm bà là hay nhất. Lúc đó "nhu cầu" của ông rất cao, nên dễ dàng chấp nhận cho được việc của mình.Đêm đó, cũng như mọi lần, lúc ông Năm âu yếm bà, ông vẫn còn khỏe, đòi hỏi sinh lý ở ông còn tiềm tàng, lại vừa đi dự hội nghị về, được tẩm bổ toàn "cao lương mỹ vị" nên sung lắm. Đợi đến lúc ông đòi hỏi mạnh nhất, bà mới thủ thỉ:- Tôi bàn với ông chuyện này. Tôi tính nuôi gà, nuôi heo. Nhà bà Ba chăn nuôi thấy ham. Ông thấy sao?Ông Năm đang nghĩ đến chuyện leo trèo nên ừ đại:- Ừ. Tôi cũng tính bàn với bà. Nhưng lu bu quá lại quên. Bà cứ làm đi.- Kẹt cái, không có ai cho chúng ăn. Ông thấy đó, nhà này có ai rảnh đâu.- Ông Năm ôm bà hun chùn chụt như hồi hai người còn trẻ. Ông đang muốn hoàn thành cái công việc ông cần nên chẳng để tai nghe bà nói. Bà Năm cứ tiếp tục: - Hay tôi mướn hai người cùng lo với mình.Ông Năm giật mình, buông ngay bà ra:- Không được. Bà làm gì thì làm, nhưng không được mướn người. Trả công bao nhiêu đi nữa cũng mang tiếng bóc lột. Tôi và bà đi kháng chiến bao năm trời là để đánh đuổi bọn bóc lột. Bây giờ vô tình mình lại đi bóc lột, vậy làm sao đem lại công bằng cho mọi người được.- Tôi thuê họ, tôi trả tiền sòng phẳng. Cả hai bên đều lợi. Tôi và họ thỏa thuận với nhau sao gọi là bóc lột được. Nếu họ thấy mình bị bóc lột thì họ nghỉ, tôi đâu có ép. Cũng giống như mua một món đồ ngoài chợ. Thuận mua, vừa bán, tôi có ép ai đâu.Ông Năm cụt hứng nên nổi nóng, giọng ông gay gắt:- Bà dạo này cũng học đòi lý sự. Tôi nói: không được là không được. Thà mình làm cán bộ nhỏ. Đằng này mình làm chủ tịch tỉnh. Làm vậy coi sao đặng.Bà Năm thở dài. Bà đã làm hàng chục phi vụ còn "ác" gấp hàng chục lần chuyện ấy. Nhưng những cái đó bà khỏi cần thông qua ông. Ôi mấy ông cách mạng bây giờ, ngây thơ quá! Thật đáng thương, chớ không đáng giận. Chỉ sợ mang tiếng bóc lột mà không dám làm chuyện gì, cái sự bóc lột của nó rắc rối hơn các ông nghĩ nhiều. Các ông quản lý tồi, làm ăn thua lỗ, đem công sức, tiền bạc của nhân dân vứt ra sông, xuống biển, để nhân dân sống trong nghèo khổ, đau thương thì còn dã man hơn bóc lột. Bà nghĩ ra sáng kiến:- Bây giờ người ta đổi mới rồi. Nếu ông sợ, tôi sẽ thuê người trong bà con dòng họ nhà mình. Chả ai dám qui mình bóc lột bà con ruột thịt cả.Ông Năm vẫn một mực:- Kỳ lắm. Tôi đã nói không được là không được. Cứ nói dai à!Bà Năm tức anh ách. Đúng là người từ trên trời rơi xuống. Việc nhà nước sao ông sáng thế còn việc nhà lại tối mò mò. Không có bà bươn chải bây giờ ông còn nằm trong nhà lá hay nhà tập thể nhà nước cấp cho chớ báu gì. Nghĩ mà tủi thân. Bà quay mặt vô vách sụt sịt.Ông Năm quay lại với vợ. Ông nghĩ: bà ấy thế mà cực. Vợ chủ tịch tỉnh nhưng có thấy bà được nghỉ ngơi bao giờ đâu. Tối ngày lo buôn bán, làm lụng nuôi con. Ngày ông còn thanh niên, bà là một cô gái quê xinh đẹp. Ông cưới bà, có với nhau hai mặt con trong lúc chiến tranh, đạn bom, cơ cực. Bà vừa nuôi con vừa công tác. Lúc căng thẳng, theo yêu cầu cách mạng, bà về lại vùng tạm chiến. Bị địch o ép là thế mà bà vẫn chung thủy, nuôi con khôn lớn. Nay bà muốn nuôi heo là vì mình, vì con cái. Ông cứ lan man, suy nghĩ. Đến lúc vợ khóc to, không đành lòng được, ông lay vai vợ:- Có gì mà bà khóc. Tôi lo là lo cho cả gia đình mình…- Ông ích kỷ lắm - Bà tức tưởi.Ông nghĩ nhanh: ồ mình có ích kỷ quá không. Mình sợ cho cái ghế của mình ư. Để mặc vợ con đói khổ ư? Thôi được! Bà đã muốn thì tùy bà. Ông nói:- Nếu bà nghĩ tôi ích kỷ thì thôi, bà làm gì thì làm.Bà Năm làm thinh, thôi không khóc nữa. Công việc hệ trọng, tưởng không vượt qua nổi, hóa ra lại quá đơn giản. Bà cứ sợ ông nhìn thấy bà vui ra mặt.Trong lúc người ta tinh giảm biên chế, người trong cơ quan đang bị thải ra, những thanh niên mới lớn không có nghề đặc biệt, khó có thể xin được việc làm. Người thất nghiệp rất đông, bà thuê người với lời hứa ngọt xớt nên rất dễ kiếm. Cuối cùng bà chọn được Hải và Thu. Người trong nhà tăng thêm, lại đẻ ra vấn đề hậu cần, cơm nước, bà lại phải thu thêm chị Tư nữa. Chị Tư là người phụ nữ "quá đát", ngoài ba lăm tuổi vẫn chưa có người đàn ông nào để mắt tới. Có lẽ tại chị hơi “mát”. Chị ăn nói vô duyên, lại ốm tòng teng, ngực mông lép kẹp. Được cái chị thiệt như đếm, siêng năng, sạch sẽ. Chị đang thất nghiệp, nghe bà Năm rủ, phấn khởi nhận liền. Chị cũng là bà con xa với bà Năm. Số người làm mướn trong gia đình chỉ có Dung không thuộc dòng họ. Nhưng bà đã sắp sẵn cách nói với ông Năm. Hôm xin Dung (đúng ra là mua) bà cũng hỏi ý kiến ông. Bà cũng chọn thời cơ ông Năm đang vui, đang hứng, cần đến bà để nói:- Ông có thấy con Dung ở bên nhà ông Ba không. Con bé mồ côi cha mẹ, nghĩ thật tội. Hôm rồi nó xách hai giỏ cám lội bộ, tôi dừng xe lại, cho nó quá giang. Nó chơi thân với con Thu Hiền. Ông có thấy hai đứa đánh vũ cầu qua hàng rào nhà mình không? Hay mình nhận nó qua nhà mình cho nó đỡ cực. Coi như làm phúc vậy. Tôi không có con gái, mình nhận nó làm con nuôi cho đỡ trơ trọi…Giọng bà Năm như sắp khóc khiến ông Năm mủi lòng. Bả không có con gái. Người mẹ không có con gái đến khi bịnh tình lấy ai chăm nom. Con dâu sao bằng con nuôi, nói chi con đẻ. Ngày xưa bà và ông cũng đã phải chịu mất đứa con gái vì cách mạng rồi. Ôi nếu mình có đứa con gái để nó kêu mình bằng ba thì thú vị quá. Ông ủng hộ:- Ờ, phải đó, bà nhận nuôi nó đi. Nhưng nó ở bên nhà thím Ba. Biết chú thím có chịu cho nó sang bên này không?Bà Năm phấn chấn:- Mình nuôi giùm đứa trẻ, đỡ gánh nặng cho chú thím, gì mà bên ấy không chịu.Ông Năm không biết tất cả các mánh lới làm ăn của bà mà chủ yếu là nhờ uy tín của ông. Cũng như mọi người, ông Năm cho rằng sở dĩ có đồng ra đồng vào là nhờ tài tổ chức chăn nuôi của vợ mình.Từ ngày Dung dọn sang, ông vẫn thường đi luôn nên ít để ý đến cô. Những lúc về nhà, ông mệt mỏi, thèm nghỉ ngơi yên tĩnh không muốn người nhà quấy rầy, mà cuộc đời làm chính trị thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhiều bữa buồn, có lúc tức anh ách. Không lẽ đem về trút lên đầu vợ con. Ông đành kiếm nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi. Những bữa nào vui, ông chia sẻ niềm vui với cháu nội. Ông vứt cặp, ôm lấy cháu hun, vuốt tóc và cho quà. Ngày có Dung, ông chia đôi quà cho hai đứa. Nếu ông không bận việc đi luôn thì kẻ ăn, người ở trong nhà này chẳng phải khổ nếu không nói là được bình đẳng như con cháu ông. Ông là người vô tư, nhân hậu. Nhưng ông quan liêu nên lòng tốt của ông không giúp gì được cho những người bị vợ ông sử dụng.Hôm nay cũng vậy. Việc thải Thu, tự bà Năm quyết định lấy mà không hỏi ý kiến ông. Vả lại, lúc xảy ra biến cố ấy ông Năm vắng mặt. Nếu chờ ông về bàn bạc, mọi chuyện sẽ hỏng hết vì ông quyết định giáo dục Thu chứ không phải là "kỷ luật" anh. Mọi việc vì thế mà rắc rối hơn. Chi bằng đặt ông vào việc đã rồi. Lương tâm ông sẽ được thảnh thơi…° °
°Mặt buồn ảo não, Thu ngồi lặng lẽ trong phòng. Dung thấy thương anh quá. Một người cô vô cùng kính trọng và yêu thương lại hèn hạ như vậy sao? Hay má anh ở nhà bị làm sao, anh kẹt tiền quá nên phải làm liều vậy? Không, Thu không bao giờ ăn cắp. Vì sao mấy mét vải oan nghiệt kia lại nằm trong rương anh? Dung không biết nên an ủi anh thế nào. Thu ngẩng lên, thấy Dung, anh nói:- Em có nghĩ là anh lại đi ăn cắp không?Dung lắc đầu:- Không! Em tin anh! Anh bị oan.Thu gật đầu cười buồn:- Cám ơn em! Anh nghĩ mãi, vì sao có cớ sự này?- Có người ghét anh. Họ muốn anh phải rời khỏi nhà này trong nhục nhã.Thu xúc động cầm tay Dung:- Em của anh giỏi lắm. Anh mừng vì em đã lớn, biết phân biệt phải trái, trắng đen. Anh buồn không hẳn vì danh dự anh bị tổn thương, cái chính là mai này em phải ở đây một mình, không có anh, em có đứng vững trước cạm bẫy của cuộc đời không. Không có anh, lấy ai đỡ đần cho em, chia sẻ những đắng cay…Nước mắt Dung đầm đìa. Cô gục đầu và lòng anh, thổn thức:- Anh đừng đi. Anh Thu… xa anh, em chịu không thấu…Thu cũng rưng rưng:- Anh cũng chưa muốn đi. Nhưng có lẽ bà Năm sẽ đuổi anh.Dung ngẩng lên nhìn vào mắt Thu:- Hay anh cho em theo với!- Anh chưa dành dụm được nhiều tiền. Chúng ta làm sao sinh sống. Hơn nữa, bà Năm không đời nào cho em đi.Dung cương quyết:- Em đã lớn rồi. Em biết làm việc. Chúng ta không chết đói…Thu bóp vai Dung:- Em của anh giỏi quá. Dù gian khổ thế nào chúng ta cũng qua được vì chúng ta biết lao động.Anh ôm Dung vào lòng. Vòng tay siết chặt, người anh nóng bừng làm cô thấy rạo rực. Dung say sưa:- Nhiều hôm em ao ước rồi sẽ có ngày chúng ta có đàn heo, đàn gà đông đúc y như ở đây, để anh em mình chăm sóc chúng. Mỗi ngày em đi bán hột, gom tiền lại. Chỉ một năm sau là chúng ta dựng được nhà, phải không anh?- Ừ, chúng ta là những con người tự do. Nhưng muốn có những đàn heo, đàn gà đông đúc thế này ta phải có vốn. Bây giờ ta phải lo ăn từng bữa Dung à.Nói xong, Thu ân hận vì đã giội gáo nước lạnh vào khát vọng tự do của Dung. Dung tiu nghỉu nói:- Dù có ăn đói, mặc rách em cũng chịu được. Chỉ cần có anh.Tiếng Hải gọi Thu ra cho bà Năm gặp mặt đã cắt đứt câu chuyện. Thu đứng dậy, chia tay Dung. Anh nặng nề bước lên nhà trên.Bà Năm đang ngồi trên ghế salon. Bà mặc chiếc áo bà ba màu hồng nhạt được ủi phẳng phiu, rô đê cầu kỳ. Cách trang điểm khiến người ta nghĩ bà đang “cưa sừng làm nghé”. Đôi mắt ti hí của bà càng nhỏ hơn trên khuôn mặt bự, núng nính thịt. Thu chột dạ khi nhìn khuôn mặt ấy căng thẳng đến dễ sợ. Anh rón rén ngồi ghế đối diện với bà. Nhìn thẳng vào mặt Thu, bà nói:- Mợ thấy cháu chịu khó, mợ tin, luôn nghĩ tốt về cháu. Nhưng sự việc đã diễn ra như vậy. Thôi, mợ biết cháu cũng không muốn ở đây nữa. Mợ cho phép cháu thu xếp đồ đạc, sớm mơi cháu về… Tiền công của cháu đây. – Bà đặt tiền lên bàn, nói tiếp: - Đấy là tiền lương tháng rồi. Còn tháng này, cháu mới làm được hơn nửa tháng nên… chưa có…Thu định nói đôi lời phân minh, song anh lại thôi, có ai tin anh đâu. Bà đã muốn thế, anh ở đây làm gì nữa. Thu lẳng lặng trở về phòng mình thu xếp đồ đạc.° °
°Dung không ngủ được, thương Thu quá, nằm nghĩ vẩn vơ, Dung khóc. Cô tung mùng ngồi dậy. Đêm nay Thu có ngủ không mà đèn trong phòng anh còn sáng. Nhớ anh da diết và thương anh, Dung không ngại khi vào phòng anh.Thấy Dung, Thu giật mình, ngồi dậy. Dung đến với anh, tin cậy, nép mái đầu vào ngực anh. Thu âu yếm vuốt tóc Dung, thì thầm:- Dung, anh yêu em nhiều lắm.Dung không nói. Thu siết chặt cô vào lòng, cảm nhận dòng nước mắt của cô đang thấm ướt áo anh. Anh cúi xuống tìm môi cô. Hơi thở Dung nóng hổi. Cô từ từ ngã xuống giường với anh. Thu ôm Dung vào lòng. Anh rạo rực bởi những gì mềm mại của Dung. Mãi lúc sau Dung mới nghẹn ngào:- Đừng bỏ em nghen anh.Thu siết chặt Dung hơn nữa, thủ thỉ, động viên cô:- Dù chết, anh cũng không để mất em!- Thiệt nghen anh!… - Rướn người cô hôn môi Thu - Chừng nào anh đưa em đi?Câu hỏi của Dung làm Thu choàng tỉnh. Làm sao đưa Dung đi theo? Anh thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề. Anh dăïn:- Em cứ ở đây ít bữa. Anh về thưa với má rồi thu xếp đón Dung về sau. Điều còn lại là cậu mợ có cho em đi hay không.- Nếu họ không cho em đi, em trốn…- Ông bà có thế lực, liệu ta trốn được không. À Dung này, anh có người bạn làm rẫy trên rừng Cát Tiên. Bạn anh vỡ được cả chục mẫu đất, trồng tiêu, trồng bắp, nghe ham lắm. Bạn anh rủ lên đó vỡ thêm chục mẫu nữa. Anh nghĩ, mình lên đó như thế nào. Có vốn để thuê nhân công khai phá đất hoang không. Còn cất nhà thì không khó. Trên đó có sẵn cây. Chỉ hạ xuống là cất được nhà liền. Rất nhiều người lên đó, cất nhà, khai hoang, trồng cây lên xanh rồi mà bị bệnh sốt rét phải bỏ về. Có người bị sốt rét ác tính, bỏ xác trên đó. Không biết chúng ta có chịu được khó khăn nơi rừng sâu nước độc, sốt rét ác tính không …- Gian khổ thế nào em cũng chịu đựng được. Anh tin em. Chỉ cần chúng mình được tự do. - Dung náo nức. - Như thế tình yêu mới đẹp. Tình yêu của chúng ta phải qua bão tố chứ anh.- Em mơ mộng quá. Giữa tiểu thuyết và cuộc đời còn cách xa nhau nhiều lắm. Em phải thực tế chút.- Anh bảo em không thực tế sao. Sáng mở mắt em đã nhảy vào chuồng heo, suốt ngày với heo, gà, vịt em làm sao mơ mộng được. Anh hãy cầm bàn tay em đây. Em sống bằng bàn tay chai sạn và kiếm cơm cũng bằng nó đó anh. Em đâu có sợ chết đói. Chỉ cần chúng mình tự do, chúng ta sẽ làm ra được hết.Thu dùng môi bịt kín miệng Dung không cho cô nói nữa. Anh thầm kêu: Dung ơi! Anh thương em biết bao. Anh sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu để em được sung sướng, để em được tự do.Anh sẵn sàng hiến cuộc đời mình cho em. Anh phải thương yêu em thế nào để bù đắp lại những thiếu thốn em đã trải qua. Nếu số phận không cho anh làm nên giàu sang thì anh sẽ yêu em thật nhiều để mãi mãi em giàu có về tình thương, để em không bao giờ cảm thấy cô đơn.Hai người yên lặng. Anh không thủ thỉ với cô những lời ngọt ngào ấy, nhưng cô hiểu, anh đang yêu cô đến cháy bỏng. Thu ơi! Em sẵn sàng hiến dâng cho anh những gì quí giá nhất của người con gái. Em tin anh. Em muốn có với anh đứa con. Dù cho cuộc đời có đem về cho em ngang trái, thì đứa con sẽ là nguồn an ủi, sự gắn bó của em với anh. Em sẽ nuôi con cho nó lớn khôn, nuôi cho con ăn học nên người, như anh vậy. Đời nó sẽ không chịu cô đơn, khổ sở, mất tự do như ba má nó. Anh hãy yêu em đi… Em sẵn sàng chiều anh… Thu ơi, chỉ còn vài giờ nữa, anh sẽ xa em, nhưng khoảng trời đó vẫn còn trong em, thuộc về em. Và nó luôn luôn cụ thể như anh trong vòng tay em đây này.Thu hiểu rằng Dung đang yêu cầu anh đáp lại những nồng nàn của cô. Nhưng Thu cho rằng, tình yêu đẹp là tình yêu biết giữ lại cho nhau những gì cao cả nhất. Mà cô bé của anh còn phải vượt qua biết bao gian khó. Anh không muốn Dung phải lo âu. Càng yêu Dung, anh càng phải biết giữ cho Dung. Nếu không, có thể anh sẽ dìm em xuống bùn đen bởi tình yêu mù quáng trước khi kịp đưa em đến được tự do.Gà gáy sáng. Chú gà công nghiệp mà Dung chăm sóc cũng đã cất tiếng gáy. Tiếng gà nhắc họ hãy tỉnh lại, trời sắp sáng rồi. Tiếng gà đưa Dung ra khỏi cơn mê đắm. Cô run run hôn Thu, nước mắt cô ràn rụa trên mặt Thu. Nước mắt Thu, lúc đó cũng tuôn ra hòa cùng nước mắt của người yêu. Họ bịn rịn chia tay nhau trong tiếng gà gáy mỗi lúc một nhiều thêm. Tiếng gà! Tiếng gà! Ôi sao chúng vội vã thế, sao tiếng gà buồn bã thế!