Ngày ở chiến trường dài dằng dặc, bởi chất chứa bao nhiêu là sự, là chuyện, từ cái sống, cái chết, nỗi buồn, niềm vui, đến thất vọng, mơ ước, yêu thương, thù hận... Qua rồi, ngoảnh nhìn, lại thấy sao mà thấm thoắt, sao mới khoác cái áo vải xanh thơm mùi hồ, chật căng ngực đã ngấp nghé tuổi ba mươi. Rồi bỗng lại thấy những ngày đầu hòa bình, cứ phẳng lặng, nhàn nhạt. Nên lặp đi lặp lại thứ tâm trạng bâng khuâng, vẩn vơ. Cứ muốn vào một chốn ồn ào, mày tao chi tớ, môn khoai, cá ruốc không từ. Nhưng mấp mé chốn ấy thì nhận ra nó không hợp với mình, không dành cho mình. Thì cứ thử xem sao, biết đâu viết được cái gì đó về đời sống sinh hoạt thành phố. Đủ cả đèn xanh, đỏ, rượu ngoại, thuốc ngoại, rượu nội, thuốc nội, thịt rừng, cá biển, người già, kẻ trẻ, người mặc quân phục, người com lê, kẻ sơ vin... Mình là nhà báo, dù là bao nhiêu năm biết nghĩ để tính đường đi cho đời mình, cô chưa nghĩ mình thành nhà báo. Lớp 7 xong, vào bộ đội, đọc mỗi báo Nhân dân, báo Quân đội, dăm bảy cuốn sách chữ nghĩa đựng vừa nửa lòng mũ tai bèo. Gặp anh Thuần nhà báo, anh nài nỉ: "Cô viết cho tôi về tiểu đội của cô. Cứ thấy sao viết vậy. Làm việc gì, ăn uống ra sao, Mỹ ném bom thì xử sự thế nào. Xong việc ở Sư bộ, tôi xuống lấy." Bốn trang giấy học sinh kín chữ cô chép trong hai đêm. Tưởng anh ta sẽ nhặt lấy vài chục chữ cho bài viết của anh ta. Hóa ra đấy là bài báo đầu tiên được in của cô. Sau đó cô còn gặp anh Thuần mấy lần nữa. Nhờ anh mà khi chiến tranh kết thúc cô được chuyển về báo tỉnh. Anh bảo: "Đừng nghĩ viết báo khó. Khối người dốt như me đặc, chữ nghĩa nhì nhằng, kiến thức thực tiễn mỏng như giấy Pơ luya mà cũng trưởng ban, phó tổng. So với cô, bọn ấy chưa là cái gì. Cứ viết đi, vài tháng thấy không ổn, bảo tôi, tôi xin cho cô bán hàng thương nghiệp. Chốn ấy là hũ mỡ lợn. Cô muốn thành con chuột đói không?" Cô đáp: "Không". Giờ thì anh Thuần không biết ở chân trời góc biển nào. Chiến tranh làm tan tác mỗi người mỗi ngả, hòa bình cũng thế, không kém. Cứ nghĩ, ngày tháng qua đi, cái khoảng trống chung quanh càng rộng ra. Như cốc nước chanh đang cạn dần trước mắt. Từ bao giờ Nhi hay nghĩ vẩn vơ, còn triết lý vụn nữa. Nhất là những lúc ngồi một mình, như bây giờ, cô lắng nghe những ý nghĩ, nhấm nháp những triết lý của mình. Một người từ bàn bên cạnh bước tới. - Có phải Nhi? Tôi làm sao quên được cô. Nhi từ từ ngước lên, thận trọng nhìn, toan thốt: "Anh Phú", nhưng rồi lại chỉ mấp máy môi như không nhận ra, con người mặc bộ quần áo công nhân màu xanh rõ những vết dầu mỡ như bị ai bôi rành mạch mảng, miếng trước mắt mình là Phú. - Nhìn kỹ vào. Nhi không thể quên tôi. Bụng bảo dạ: Phải xử sự khôn khéo, nếu không muốn làm con thiêu thân, Nhi tỏ ra vồn vã: - Anh Phú chứ còn ai nữa. Không ngờ lại gặp anh, thấy anh khỏe, trẻ thế này. Cô nói và không tin đấy là lời của mình. Rồi tự khuyên mình cứ dối lòng mình một tí chẳng ảnh hưởng gì đến tư cách đạo đức vì để có tư cách phải được yên ổn mà cái bản mặt kia cứ gợi cho cô một thắc thỏm bất an. - Một mình thôi à? Nào, xin mời ngồi cùng bàn - Phú nói và xòe rộng bàn tay ra. Nhi đứng dậy theo Phú. Anh ta ngồi cách chỗ cô hai bàn và chắc đã ngồi lâu với nhiều người vì trên bàn la liệt đủ thứ, lơm nhơm dở dang. Một cô gái quen quen, Nhi cố nhớ mà không nhận ra. Cái môi tô son đỏ quá, phấn trắng dày quá, cổ áo không ra Tây, chẳng ra ta... Một người đàn bà nửa quê nửa tỉnh, hai phần quê, một phần tỉnh. Phú nói, không nhìn người đàn bà, giọng dửng dưng, cả khó chịu nữa: - Vợ tôi, Nguyệt xóm chợ. Nguyệt con bà Bá, nhà cổng chợ Nhu. Hồi Nhi ở quê cô ta bán cháo lòng cùng mẹ. Nổi tiếng chanh chua. Thì nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo. Khôn ngoan, tàn bạo Phú gặp chanh chua Nguyệt. Nhưng về hình thức thì lệch lắm. Cái mẽ đẹp trai, lịch lãm của Phú với vẻ thô nhám, bèn bẹt của chị ta. Phú tự giới thiệu về mình, không thể không nói được là anh ta khoe khoang: - Nhi đi rồi, mấy tháng sau tôi cũng đi. Lãnh đạo một đội xe vận tải, cứ là lăn giữa bom đạn. Nổi tiếng cả vùng khu Bốn. Thế nên xong chiến tranh, tỉnh điều sang làm đại đội trưởng đội thủy lợi, mở kênh Vách Nam. Rồi sang Liên Xô học. Hồi ở quê tôi và Nhi học hành được mấy con chữ, còn bị rơi rụng xuống bờ xuống ruộng nữa. Những thầy Thi, thầy Ngõa, cô Thóc, cô Song thuộc lớp cổ lai hy, chữ Pháp loằng ngoằng, chữ Quốc ngữ thì què quặt. Hỏi học trò như chúng ta khá lên sao được. - Ba hoa chích chòe vừa thôi ông - Cô vợ ngấm ngoảy nhìn Nhi bực bội vung toẹt ra vậy. - Im cái miệng đi bà lão. Tôi nói đến chỗ làm thư ký cho Phó chủ tịch rồi phải không. Đấy, tóm lược công việc mấy năm xa Nhi là thế. Giờ thì ổn rồi, tốt rồi. Nhưng mà mệt, việc chồng chất. Ông Phó chủ tịch đi đâu, tôi phải có mặt ở đó. Về, phải phân tích, đánh giá tình hình thực tiễn báo cáo trước thường vụ. Cơ giới hóa nông nghiệp là một cuộc cách mạng mang tính lịch sử. Giờ thì tôi đang đặc trách theo dõi huyện X, huyện thí điểm. Làng mạc cho lên núi lên đồi, còn lại đồng lúa, mênh mông đồng, thế thì máy cày, máy gặt đập liên hợp mới tung hoành được. Nhi biết chứ? Nhi bảo, biết. Rồi đưa hai bàn tay áp vào hai bên thái dương để nghe cái dòng chảy thao thao bất tận từ đôi môi mấp máy. Thực tình Nhi cứ lờ mờ, cứ lâng lâng về một chuỗi ký ức xa xăm. Sao hai con người ấy lại kết hợp thành vợ, chồng. Nguyệt chắc đã khổ, rồi sẽ còn khổ mất thôi. Mộc mạc, thô nháp như chị thì làm sao... - Cô vẫn ở Báo à? - Đột ngột Phú hỏi. - Vâng, vẫn - Nhi đáp. Rồi đứng dậy vì tự dưng cô thấy bụng dạ cồn cào, cứ muốn nôn. Và nói tiếp - Tôi có việc xin về trước. Nguyệt nói: - Về đi. Phú nói: - Rồi còn gặp nhau, tất nhiên rồi còn gặp nhau. Có khó khăn, có cần gì cứ gặp người này nhé. Người này sẵn sàng giúp. Gì đi nữa cũng là đồng hương. Phú không làm Nhi khó chịu mà chỉ thấy chán. Không muốn nghĩ về cái chán ấy, nên càng không biết chán về cái gì. Nhưng ám ảnh thì rõ. Nhi bị Phú ám ảnh đến nỗi xuất hiện một linh cảm tai họa mơ hồ. Nhi đi ngủ, hình ảnh Phú cứ chờn vờn, biến dạng. Khi thì là người, khi không là người. Điện không đủ sáng, Nhi vặn to ngọn đèn dầu hỏa. Khói đèn đen bốc ngoằn ngoèo. Gián và nhện bò trên tấm lá cót trần nhà. Một đêm trường thức trắng. Mấy ngày sau, ông Tổng biên tập gọi Nhi lên phòng làm việc. - Cô xuống huyện "ba cùng" với nhân dân, viết cho được một bài thật sâu sắc về phong trào của Đảng bộ và nhân dân... Đi ngay đi. Chưa xong bài, chưa về. Cô nhớ câu hát "chưa hết giặc chưa về" không? Thế nhé. Hãy sâu sắc vào, vừa khái quát vừa cụ thể vào. Từ bao giờ, người ta thích nói nhiều với thứ ngôn từ to tát thế? Cứ như để cuộc cách mạng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa thành công thì mọi thứ cũng phải lớn theo, từ làm lớn đến ăn lớn, nói lớn. Cờ quạt cũng phải lớn. Nhi đạp xe đi dưới bóng cây và cả bóng cờ, bóng khẩu hiệu, biểu ngữ. Khẩu hiệu kẻ bằng vôi trên nống, trên cót, trên những bức tường ngoảnh mặt ra đường, rồi cả trên những sườn núi lô xô dọc theo đường lớn. Tiếng trống to, nhỏ nơi này, chỗ kia, như có hội làng. Mà hội làng thật. Người nhâm nhi khắp nơi. Gặp ai cũng nghe nói về tương lai, một tương lai đầy máy móc, với điệp điệp lời trích dẫn... Sự hào hứng của khối người hữu hình và cả vô hình lây sang Nhi, làm cô cảm thấy rạo rực, thấy trong người cứ căng ý tưởng, thấy ngón tay cứ ngọ nguậy muốn viết. Nhi gặp một người đàn ông thấp, nhỏ, ngực lực lép đi khập khiễng trước cổng trụ sở Huyện. Ông ta chằng chằng nhìn Nhi. Rồi hỏi: - Cô là nhà báo? - Phải. - Đi thực tế, viết bài? - Vâng. - Viết cho tử tế nhé. Phản ảnh cho thật trung thực chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhân dân ta trong sản xuất và xây dựng. Cái tinh thần "mo cơm, quả cà, tấm lòng cộng sản" phải nêu nổi bật lên. Nhi định nói rằng, ông không phải dậy tôi viết như thế nào, nhưng chưa kịp nói thì ông đã bỏ đi. Một quãng, ông ngoảnh lại: - Nhớ gặp anh Nguyễn Hoàng Phú, thư ký của tôi, đặc trách chỉ đạo huyện này mà xin tài liệu. Anh ấy sẽ không làm cô thất vọng đâu. Đấy là nhân vật tích cực của tác phẩm văn học, báo chí hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhi sững người. Nhi biết ra con người kia là Phó chủ tịch tỉnh. Rồi cũng giống như những con người yếu bóng vía nhan nhản khắp nơi, Nhi nhớ lại những câu đối đáp của mình vừa rồi. Nó trúng nhưng không hết ý, không xởi lởi, không nhiệt tình. Nếu biết trước là Phó chủ tịch tỉnh thì mình sẽ làm gì, cười toe toét hay cúi xuống thưa, dạ, bẩm? Ra những cái gọi là ý thức cá nhân, là bản lĩnh... của Nhi lâu nay cũng chỉ mới là nghĩ. Mới biết cái nghĩ chẳng khó khăn gì mấy. Bất giác Nhi thấy mặt nóng phừng. Đáng ra đi vào trụ sở ủy ban Huyện thì cô lại quay ngoắt trở ra. Nhi mới gặp Phú hôm qua. Thế cứ gặp lại, gặp với tư cách nhà báo đến làm việc. Người ta chỉ cho Nhi một ngôi nhà giữa đồng, cột tre, mái che vải bạt. Cho có vẻ chiến trận hay thực tế cần phải thế. Nhi cứ nghĩ rằng, thứ nhà mang vẻ chiến trận ấy mới hợp với Phú, rồi lại ngẫm ra mình cố chấp, ra mình không ưa đổ thừa cho xấu. Chuyện xưa rồi sao mình cứ khư khư giữ trong mình. Phú ngồi sau cái bàn gỗ chất chồng những giấy tờ với sách vở. Xúm xít quanh anh ta là những người cán bộ huyện, cán bộ xã (Nhi đoán thế) vẻ tất bật, mệt mỏi nhưng mồm miệng luôn cười. Phú nói với người này, chỉ tay vào người kia, nhanh nhẹn, dứt khoát và lộ rõ cái vẻ cố tỏ ra mình có quyền năng. Vãn khách, anh ta ngước lên. Khuôn mặt co lại, đôi mắt hẹp dần. Rồi anh ta đứng dậy thong thả vươn vai, vung tay trái ra phía trước làm một động tác dứt khoát, như để giãn xương cốt, như đánh vào một vật vô hình nào đấy. Cuối cùng thì vồn vã: - Nhà báo Nguyễn Kim Nhi. Sao không nói trước tôi cho xe đến đón cùng đi. Tôi cũng mới ra sáng nay. Mụ vợ nghi ngờ tôi và Nhi có tình ý. Khỉ thế. Chẳng là hôm trước gặp Nhi ở quán Cửa Tiền, cái đẹp của Nhi đã làm mụ táng đảm. Mù mịt thế, Nhi chỉ biết nghe, nghe bập bõm và đưa tay văn văn ngọn tóc. Lại tiếng Phú: - Nhi nên cố gắng viết một bài cho tử tế vào. Ông Phó chủ tịch đang thèm báo ca ngợi tốc độ dời làng lên núi. Cứ bớt ngày, tăng số lượng, tức là bớt t tăng m là thành tăng tốc độ. Ha! ha!... Thì ra vẫn Phú làng Đông của hàng chục năm trước, có liến thoắng hơn, từ ngữ rổn rảng hơn. Bất ngờ Nhi thấy khó chịu, thấy lại cái cảm giác chiều mưa xưa, khi Phú bảo, dừng đám cưới lại để được đề bạt Chủ tịch xã. Xưa, cảm giác ấy rát tâm can làm người bải hoải rỗng roãng, nay cảm giác ấy bốc cháy rần rật trong người Nhi. Cái giọng nói của Nhi cũng rần rật, hay chỉ là do Nhi cảm thấy vậy. - Anh quên là tôi không biết dối trá rồi à? Xưa, không dối, nay cũng không. Với lại, cứ mở mắt nhìn ra bốn phía, phơi phới cờ, băng khẩu hiệu... - Tôi nói đùa, vì quen biết nhau mà đùa tý - Phú ngắt lời Nhi. Rồi nét mặt Phú đổi khác, nó trịnh trọng, nó trang nghiêm, nó cay nghiệt. Đoạn, nói - Cô cần tư liệu gì đây? Chẳng sách vở, tôi thuộc lòng. Cô ghi, viết theo ý cô. Nhưng mà... Phú bỗng dừng, khẽ lắc đầu, chém tay vào khoảng không. Là cảnh báo, là đe nẹt? Là trò trẻ con. Nhi nghĩ, lờ mờ rồi rõ dần, ra trước mắt anh ta, Nhi vẫn là kẻ dưới quyền, yếu thế, là cái cô Nhi em ông An, thông gia Lý Nhu ở làng Thượng Cồn. Trước cái buổi chiều hôm kia, nghĩa là trước khi gặp Phú, Phú không tồn tại trong cô, còn từ ấy đến giờ Phú cứ ám ảnh cô. Chút tơ vương của mối tình xưa cũ thì không rồi, có ngẫm hàng năm cũng sẽ thấy không. Nhưng trong anh ta biết đâu còn có Nhi. Thế vẫn hơn thù hận. Nhi bối rối thật sự. Nếu Phú cứ gật gật đầu, cứ he hé mắt và chém tay vào không khí nữa thì Nhi sẽ không còn đủ khôn ngoan để đối đáp. Thế nên, Nhi nói: - Tôi chưa có ý định viết về cái gì. Đi xem, nhận biết không khí lao động sôi nổi khẩn trương, rồi gặp lại anh sau. - Cũng được - Phú hờ hững. Thoáng cái, anh ta đã cúi xuống bàn viết, như chưa từng có Nhi trong ngôi nhà tạm, lúc này gió thổi thông thống. Nhi dắt xe đi về phía sông Ninh. ở đó đang có một công trình thủ công đắp đập, xây cống để ngăn nước mặn tràn lên những lúc triều cường. Không biết cơ man nào là người, người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà khắp các ngõ ngách, xó xỉnh trong cả huyện được điều về đông nghìn nghịt. Kèn, kèn trầm, kèn bổng; trống, trống cái, trống ếch, cờ đuôi nheo, cờ lá chuối, cờ rước thần, cờ đỏ sao vàng... trùm lên tất cả những cái ấy, những thứ ấy là sang sảng, hào hùng tiếng loa buộc trên những cây tre chôn dọc bờ sông, thông báo công việc, thành tích năng suất... Nếu viết một bài văn tả cảnh chắc là hay. Nhi nghĩ và chợt nhớ lời ông Tổng biên tập lại đâm lo. Ông Trịnh Hòa ấy thì đừng có mong sự châm chước, tha thứ. Nguyên thượng tá quân đội ở Ban tuyên huấn Sư đoàn, ông đưa tác phong quân đội vào báo chí. Cứ nghe rắp! rắp! Ông cần ý tứ, không cần chữ nghĩa diễn đạt, có sai ngữ pháp, chính tả chả sao. Nhà văn, nhà báo làm ra ngữ pháp, chính tả chứ ai làm. "Sự thật là trên hết" - Ông nói, không những nói mà hét lên. Đang đi, Nhi giật mình. Một hòn sỏi rơi vào cổ. Người ném sỏi cười rinh rích đằng sau bụi cây chạc chìu. Nhi nhận ra Đông, phóng viên Đài phát thanh tỉnh. Đông leo qua quãng đất mới đào nham nhở, giẫm bừa qua bụi cây, cành lá ngoằn ngoèo khô xác về phía Nhi. - May quá gặp mày. - Tao đang mong được gặp ai đó. - Mày chẳng vừa gặp ông Phú thư ký Phó chủ tịch, một nhân vật thời đại đó sao? - Định lấy tư liệu, bỗng thấy chán, mình bỏ đi. - Dào, cái tay cơ hội số một, máu gái số hai, thủ đoạn số ba, tao lạ gì. Đông quay đầu nhìn quanh như sợ ai nghe thấy. Rồi kéo Nhi lại gần mình nói tiếp. - Tao kể mày nghe chuyện này. Nhưng có dám viết không? - Chuyện gì mới được chứ? Mà sao mày không viết? - Nếu tao có cái đầu của mày... Đông kể về vụ sập cống Hòa Hải làm 8 người chết, 2 công nhân thủy lợi, 6 thanh niên làng Nghĩa Khang. - Làm dối, làm ẩu, hám thành tích cho thông cống trước thời gian kỹ thuật cho phép, nên sập. Ai lệnh thông cống, mày biết không? Phó chủ tịch. Nhưng trận cờ này đã có mấy con tốt. Thí tốt. Giám đốc Sở Thủy lợi, tay Hà Hồng làm tốt đen, vào tù để an dân. Trời trưa mênh mang. Nhi bất giác ngưng thở, đặt vội tay lên ngực, có cái gì đó nhói lên trong tim.