Mẹ Gà Con Vịt

    
ó tiếng la ồn ào ở nhà sau, tiếp tới tiếng cửa đóng sầm và tiếng gà quang quác chạy ngoài sân.
Lại con gà mái đen gây tai hại, tôi vừa nghĩ vừa bước lại cửa sổ nhìn ra sân. Quả đúng là con gà mái đen đang te tái chạy, vừa chạy vừa la. Đến cạnh bụi mãng cầu, nó đứng dừng, quay mặt lại rồi cục tác từng tràng dài như than thở, như phân trần, như chửi rủa người vừa rượt đuổi nó. Oang oang ở trong bếp là tiếng của con Bốn, con nhỏ ở, cũng vừa chửi rủa vừa phân trần:
- Ngày nào cũng lẻn chun vô bếp. Lật ngã chai, đập bể chén. Bươi cái bếp tro tan tành hết. Chết cha rồi, ngã bể cái chai dầu rồi. Gà gì mà gà quỉ gà quái.
Hai bên, gà và người không ai chịu nghe ai, cứ tự do làm ồn phần mình.
Con gà mái này do một cô em ở nhà quê đem biếu. Cô em nói:
- Gà này thuộc loại gà quạ, ăn thịt mát lắm, bổ hơn gà trắng, gà nổ. Ngày mai con Bốn làm thịt đi, chớ để lạ nước lạ gió nó bệnh đi, nó ốm đi.
Con gà bị cột chân bỏ nằm ở sàn nhà sau nghểnh cổ nhìn tôi, nhấp nháy tròng mắt vàng hoe. Tội nghiệp, nó ngây thơ không biết gì về cái số phận mà người chủ cũ của nó vừa phác họa cho nó. Một lưỡi dao cắt tiết. Một chảo nước sôi. Vặt lông. Mổ thịt. Xào nấu. Tôi thương hại, đặt một tay sờ lên mái lông mượt bóng của nó. Con gà “ứ ứ” vừa tránh lui. Tôi cười thầm: “Sắp chết rồi mà vẫn gắng giữ tiết hạnh”.
Theo đề nghị của cô em thì sáng hôm sau là ngày thi hành bản án tử hình con gà. Nhưng mới vừa bảnh mắt, một đứa con nhỏ của tôi, thằng Đức đã la lên.
- Ba ơi, có cái trứng gà ở đâu đây này.
Hai đứa con khác vội nhảy ra khỏi giường không kịp xỏ dép xỏ guốc chạy về phía có tiếng kêu. Dưới chân con gà quả có một cái trứng nằm đó, dính đất cát lem luốc. Con gà mái thì đứng thẳng người mắt nhìn láo liên. Chân nó bị buộc vào một đầu dây và đầu dây kia bị buộc vào một gốc mận.
Trang, con lớn của tôi thò tay khoèo cái trứng một cách rụt rè. Con gà “cục cục” khiến nó rụt tay trở lại, sợ bị mổ. Thằng Đức lại vỗ lên lưng gà, miệng an ủi:
- Đừng mổ, con. Chớ có dại. Để chị Trang lượm cái trứng của con.
Cái trứng được nhặt lên, đem nhúng vào thau nước, kỳ cọ một lát và được chuyền tay giữa ba đứa nhỏ. Con Ngân, con bé nhất nói:
- Đẹp quá hở anh Đức? Cái trứng trắng ghê.
- Màu hồng nhạt thế này là trứng gà so đây.
- Gà so là sao hở anh?
- Là con gà này đẻ lần đầu tiên đó.
Tiếng cô em ở nhà trên vọng xuống:
- Trứng gà so bổ lắm. Con gà này mới kêu ổ từ hôm kia. Ăn thịt vừa mềm.
Ba đứa nhỏ đưa mắt cho nhau, im lặng. Vẻ khó chịu. Thằng Đức nhíu đôi môi, ý chừng muốn bảo: “Cứ nói ăn thịt hoài”. Con Ngân không biết rụt rè vì nó nhỏ được tôi chiều hơn hết, nói ngay:
- Đừng ăn thịt nó nghe Ba?
Có Ngân mở đường, Đức tiếp lời:
- Để nó đẻ, Ba à. Ăn thịt nó tội nghiệp.
Con Bốn, con nhỏ ở chuyên môn nêu ra những sự khó khăn:
- Rồi chuồng đâu mà nhốt nó?
- Nhốt ở cái giỏ cũng được.
- Lúa đâu cho nó ăn?
- Nó ăn cơm không được sao?
Tôi để mặc cho ba đứa con và con Bốn đối đáp nhau. Tôi không trả lời, không giải quyết và như thế nghĩa là con gà khỏi bị giết.
Con gà hóa thành người bạn mới của ba đứa nhỏ. Buổi sáng đứa nào cũng tranh nhau ném ruột bánh mì cho gà. Buổi trưa, đứa thì ném cơm, đứa thì vất rau cho gà mổ. Con gà cũng dạn dĩ với ba đứa. Khi nó đi bên chân Ngân mà Ngân ngồi xuống ôm nó thì nó đứng yên miệng “ứ ứ” khe khẽ như chỉ phản kháng lấy lệ. Thằng Đức bắt được một con dế dũi béo ngậy cầm giữa hai ngón tay miệng túc túc gọi nó thì nó vội chạy lại rồi nhảy lên đớp ngay. Thấy con gà đã hóa hành bạn chơi của ba đứa con, tôi cũng lần lần thương nó. Ba đứa con của tôi cần một người túc trực ở nhà để chúng thương yêu. Tôi thì đi vắng luôn mà nếu có ở nhà thì chúng khó chơi đùa với tôi như với một người bạn nhỏ. Con gà mái hơn một con búp-bê nhiều. Con bup-bê chỉ im lặng và trẻ con phải bắt nó cảm xúc theo ý chúng. Đằng này con gà linh hoạt hơn, ngồi nhìn nó bới đất mổ sâu, chạy đuổi theo một con cào cào hay đi lưỡn thưỡn trong ánh nắng… lũ trẻ đã thấy vui. Những nỗi vui thay đổi luôn vì con gà có nhiều sáng kiến. Thật cần thiết để lũ trẻ khỏi sống những ngày bằng phẳng, vì thiếu một người mẹ thì cuộc sống trong gia đình không thể không bằng phẳng. Chính người mẹ bày ra cho có việc.
- … Hôm nay ăn bún chả, nghe! Ngân lại ngồi với má tập lặt rau. Này, những lá rau vàng vàng úa úa thế này phải vất đi đấy. Trang có thể tỉa ca-rốt củ cải để ngâm giấm đi. Nhanh lên.
- … À mùa này có hột sen tươi đây, món tráng miệng sẽ là chè hột sen. Trang lo bóc vỏ này. Thằng Đức lấy cái tăm nhỏ mà đẩy cái ngòi sen đắng ra này. Ừ, có lẽ nên mua thêm một cái liễn to để đựng xà-lách. Lũ nhỏ đã lớn rồi nên chúng đã bắt đầu ăn to.
Những tiếng nói êm đềm ấy, cái cảnh mẹ con lăng xăng ấy, đã sáu năm nay không có. Riêng bé Ngân thì chưa bao giờ biết được cái cảnh má con lăng xăng nó ra thế nào. Vì khi má mất Ngân chỉ mới biết đứng nhìn. Sống với cha thật gần như sống trong một ký túc xá. Ăn, ngủ, học có giờ. Ngủ và học thì không cần có sáng kiến và cũng chẳng thú gì mấy. Mọi sự thích thú quây quần xung quanh việc ăn mà Ba thì không nghĩ đến còn con Bốn thì vừa không có óc phát minh vừa không biết đề nghị. Tôi nghĩ tội nghiệp cho con mình. Những món ăn: sữa, ca-cao, chuối, trứng… quả tình không gây thèm thuồng bằng mít, xoài, ổi, mực khô… Nhưng những món này tùy mùa mới có và có ai theo dõi đâu mà biết? Có lần tôi đi làm thấy một người đàn bà bê trên tay một miếng mít vàng mật. Tôi mới chợt nhớ ra rằng hình như không biết đã mấy năm nay rồi, lũ con tôi chưa biết mít là gì. Trưa về tôi hỏi:
- Bốn này, sao không mua mít về cho em ăn?
Con Bốn trả lời tỉnh táo:
- Thầy không dặn con mà.
- Tao biết đâu mà dặn? Ra chợ thấy món gì ngon thì mua cho em ăn chớ tao đâu có ra chợ mà biết.
Con Bốn “dạ” và sau đó ngày nào nó cũng bắt lũ nhỏ ăn mít. Mấy lần tôi ngồi ở hiệu cắt tóc nhìn ra chợ. Bao nhiêu món ăn thay đổi mà chỉ ngồi ở nhà nghĩ tới, tôi chắc không thể kê ra được quá ba phần mười.
Con gà cứ tiếp tục đẻ và lũ trẻ cần mẫn lấy trứng đem cất chỉ để lại một trứng nơi ổ. Cứ đẻ xong một lứa, nghỉ vài mươi ngày nó lại đẻ lại. Nhưng tới một thời kỳ nào đó, nó cứ nhất quyết nằm trên ổ - với một cái trứng - mà không chịu bỏ ổ nhảy xuống. Trẻ con lại gần nó xù lông lên, miệng la lục cục. Con Ngân chạy vào báo cáo.
- Ba ơi, con gà cứ nằm hoài trên ổ, không chịu xuống.
Con Bốn “xì” lên một tiếng.
- Nó ấp mà cũng mét với Ba.
- Ấp gì có một trứng mà cũng ấp, - thằng Đức nói.
Tôi giảng cho nó:
- Con gà nó phản đối chúng mình. Trứng nó đẻ mình lấy hết đi nên nó tỏ ý không bằng lòng.
- Mình lấy luôn cái trứng cuối cùng của nó đi xem nó ấp cái gì, - Trang đề nghị.
- Dù không có trứng nào, nó vẫn ấp. Đã bảo nó phản đối mà lại.
Con gà mái nằm trên ổ suốt ngày, chỉ trưa nhảy xuống kiếm ăn một lát rồi lại lên nằm. Vẻ mặt nó nghiêm trang pha một chút giận dỗi. Sự kiện mới này xáo trộn cuộc sống bình nhật của ba đứa con. Chúng nó thập thò đi lại đứng ở chuồng gà, lúc thì một đứa đơn chiếc, lúc thì cả ba. Khi có hai đứa hay ba đứa cùng đứng thì chúng chỉ trỏ và trao đổi ý kiến với nhau. Có lúc thì một đứa giảng giải, hai đứa lắng nghe, có lúc thì cả ba đứa tranh nhau nói mà chẳng đứa nào nghe cả. Riêng con gà thì cứ nhẫn nại nằm đó như một con mẹ nằm vạ. Một hôm sau thằng Đức hớn hở chạy vào méc với tôi như vừa khám phá ra một sự lạ:
- Chị Trang lấy mất cái trứng của con gà rồi.
- Để làm gì?
- Để cho con gà khỏi ấp nữa. Chị Trang nói: con gà nó ấp nó cứ nhịn đói hoài. Chị ôm nó lên thấy nó nhẹ bổng.
Tôi trả lời lơ đãng:
- Tùy ý. Nhưng theo kinh nghiệm thì con gà vẫn không bỏ ổ.
Quả đúng như vậy, con gà cứ nằm trên cái ổ trứng. Đưa tay lại gần, nó vẫn xù lông cổ ứ ứ như để bảo vệ một bè trứng của nó. Ôm nó ném bỏ xuống đất thì nó xù lông lên vừa đi chậm rãi vừa kêu cúc cúc. Đi một vòng, nó nhảy lên ổ nằm lại. “Thật là một trạng thái bệnh hoạn”, tôi nghĩ.
Sau đó, một hôm Trang đề nghị:
- Con có ý kiến này: mình mua trứng vịt lộn đem bỏ cho nó ấp.
- Được lắm. Con cứ thí nghiệm đi. Mua chừng bảy tám trứng thì vừa đủ cho nó, nhiều quá ấp không hết. Nếu có thất bại thì coi như bỏ ra vài chục bạc để mua một kinh nghiệm. Ngược lại, nếu thành công thì…
Tôi mỉm cười chưa nói tiếp thì Đức đã nhảy cỡn lên:
- Thì mình có một bầy vịt. Thích lắm, Ngân ơi.
Cái ý định mua trứng vịt lộn đem ấp được thực hiện nhưng cả nhà lo lắng không biết con gà có chấp nhận những cái trứng lạ không. Để tránh sự đột nhiên bỡ ngỡ, Trang đứng sau đuôi gà cầm một trứng vịt chùi nhẹ dưới bụng gà. Con gà ứ ứnhích mình lên một chút rồi nằm im. Trang lại chùi vào một trứng thứ hai. Con gà lại ứ ứ lại nhích lên và lại nằm xuống. Khi cái trứng thứ bảy đã chùi xong và con gà nằm yên, ba đứa con cứ đứng nấp sau bức sáo theo dõi từng cử chỉ của nó. Có một lúc nó nhảy ra khỏi ổ rồi đâm đầu chạy quanh sân, miệng kêu quang quác như bị ai đuổi đánh. Sau đó nó nằm xuống cát đập cánh vùng vẫy khiến bụi bay mù lên. Lúc nó trở dậy thì lông cánh mốc xì một lớp bụi. Nó xù lông vẫy tung một lát rồi mới lò dò đi lại tìm cơm nguội ở vại nước. Thấy con gà dường như bỏ quên bè trứng, thằng Đức nóng ruột chạy lại ôm nó bỏ lên chuồng. Nhưng nó chỉ đứng chớ không chịu nằm, Đức lại phải lấy tay ấn nơi lưng bắt nó nằm xuống. Con gà nhẫn nại nghe lời nhưng mặt mày ngó láo liên như chuẩn bị để bỏ chạy nữa. Tuy vậy, qua phút bắt buộc ấy, con gà trở lại say mê trong việc ấp. Lũ nhỏ tỏ ra yên tâm mỗi khi đi học về nhìn ra chuồng gà thấy nó cần mẫn nằm trên ổ. Để thưởng công cho nó, - có lẽ để cho nó khỏi bỏ đi ăn rồi quên về chuồng, - Trang đem một lon gạo một lon nước để cạnh, vừa tầm cho mỏ mổ. Thật là chu đáo.
Chừng mươi ngày sau bỗng một hôm có tiếng thằng Đức la lớn từ chuồng gà:
- Có tiếng chít chít ở chuồng gà Ngân ơi. Con vịt nở rồi. Ra xem, mau.
Trang và Ngân lật đật nhảy xổ ra. Con gà lúng túng trước sự hiện diện ồn ào của ba đứa nhỏ và trong khi nhích mình lên đã để lộ một cặp nhân nhỏ xíu. Đúng là con vịt con rồi. Ngân vội vàng thò tay vào rờ cái chân bé xíu thì bị con gà mẹ mổ cho một cái, vội rụt tay lại. Trang lấy một que nhỏ đẩy vào mình gà khiến nó né tránh và để lộ thân hình một con vịt con màu vàng hoe. Ồ! Con vịt ngây thơ nhìn ngơ ngác xung quanh với đôi con mắt tròn đen nháy. Nó sợ ánh sáng, vội núp dưới cánh gà mẹ. Cái mỏ nhỏ màu hồng nhạt ria rỉa vào lông cánh rồi rỉa cả vào mặt gà mẹ. Gà mẹ nheo nheo con mắt như để tránh đứa con nghịch ngợm. Mà quả nó nghịch ngợm thật. Vì chừng nửa ngày sau là nó đã bạo dạn bước ra khỏi ổ khiến gà mẹ cứ cúc cúc gọi chừng không cho nó đi xa. Cái mỏ tí xíu bạ chỗ nào cũng rỉa, rỉa vào cái mào, rỉa vào cái tích, rỉa vào cái mỏ sắc của mẹ nữa. Lũ nhỏ thật khiếp hãi khi nghĩ rằng cái mỏ kia mà nổi giận lên mổ mạnh một cái là đi đời con vịt con dại dột.
Qua hôm sau nở thêm hai con vịt con nữa, một con lông vàng một con nâu đen! Lũ nhỏ vội vàng chia của.
- Con vịt Cả phần tao - Trang nói.
- Em lãnh con vịt Hai lông vàng, Đức nối lời.
Ngân phụng phịu:
- Em không chịu con vịt lông đen nâu. Vịt đen xấu lắm. Em lãnh con vịt lông vàng của anh.
- Mày là em thì mày phải lãnh con vịt em chớ, - Đức nói.
- Nhưng con vịt em xấu lắm, em không chịu.
Trang phân giải:
- Thôi Ngân nhận con “em” đen đi. Rồi nếu mai nó nở một con nữa thì bù cho Ngân.
Ngân biết không cãi lại được vì anh chị đã ngầm về hùa với nhau rồi. Ngân đành phụng phịu nhận lấy, vẻ mặt không vui.
Hôm sau nở thêm một con nữa. Con này yếu quá đứng không muốn vững nên cứ nằm cả ngày. Màu lông vàng sẫm.
Đức quên cả lời hứa hôm qua, đề nghị liền:
- Con vịt này để phần cho Ba.
Ngân cãi:
- Hôm qua anh với chị Trang nói rằng con này phần của em mà.
Đức nghiêm sắc mặt, rầy ngay:
- Nhưng mày một mình mà tới hai con. Còn Ba chưa có con nào. Sao mày tham vậy?
- Tại hôm qua anh hứa với em rồi.
- Hứa cái gì. Tao nói chơi thôi. Bộ mày không cho Ba hả? Tiền của Ba mua trứng chớ tiền của mày à?
Ngân nghĩ: Người lớn nói gì cũng có lý, kể cả anh Đức hơn mình chỉ ba tuổi. Nhưng thôi, con vịt út vừa yếu vừa xấu xí để cho Ba cũng được. Vả lại Ba lãnh một con vịt xấu như mình cho mình có bạn.
Qua hôm sau, con gà bỏ ổ đứng dậy. Bốn con vịt con lao nhao sợ hãi miệng kêu chíp chíp. Đức bế gà mẹ bỏ xuống đất và lần lượt lùa bốn con vịt vào giữa kẹt ngón tay mà bổ xuống theo. Gà mẹ dõng dạc bước đi, miệng kêu túc túc. Bốn con vịt đi theo, chíp chíp luôn mồm. Bước gà mẹ quá dài khiến vịt con phải chạy theo mới kịp. Nhưng vì chưa biết chạy ra làm sao, chúng cứ nhảy choi choi. Gà mẹ đóng vai một cách tự nhiên gặp chỗ nào nó cũng đứng lại bươi. Đôi chân vạm vỡ hất tung từng búng rác, hất tung cát đất lên phủ đầy mình bốn con vịt con ngơ ngác. Bới một lát gặp một miếng mồi, nó túc vịt con lại nhưng vịt không nghe tiếng gà nên chúng cứ đứng ngẩn ngơ và không ngớt mồm kêu. Sợ chúng đói, mấy đứa nhỏ lấy ruột bánh mì xé nhỏ ra cho chúng ăn. Tuy vậy, chừng hai ngày thì vịt đã quen tiếng mẹ và đi đứng đã có chiều nhanh nhẹn vạm vỡ. Đôi chân nhỏ hoạt động không ngớt. Cái mỏ màu nâu đen mềm và mướt bạ chỗ nào cũng rỉa. Cái thân hình mang lông tơ nõn, nhẹ tưởng chừng một cơn gió mạnh có thể thổi bay đi cũng hoạt động quắn quít theo bước chân và cái mỏ.
Trông con vịt con bắng nhắng liu tiu hơn con gà con nhiều. Gà con tuy cũng hoạt động nhưng dường như cử chỉ của chúng một tính toán chừng mực hơn. Cũng chạy,cũng bới đất vẩn vơ nhưng không đến nỗi đuểnh đoảng như vịt con. Nhất là khi vịt lớn chừng một tuần thì quả tình vịt giống như một lũ mất trí. Chúng bắt chước nhau một cách khờ khạo. Con đi đầu chọc mỏ vào cái chậu nước rồi bỏ đi thì ba con đi sau cũng lần lượt chọc mỏ vào chậu nước rồi bỏ đi. Con đi đầu đi vòng quanh qua gốc chùm ruột rẽ sang vại nước, rỉa xuống vũng cát ướt rồi chạy lại mẹ thì ba con sau cũng làm theo đúng từng cử chỉ nhỏ ấy. Dường như chúng rất vui thú trong sự bắt chước nhau làm những việc vô ích đó.
Buổi trưa khi gà mẹ nằm dưới gốc cây nghỉ là bốn con vịt con cũng hạ mình nằm xuống kề mẹ. Dáng nằm không gọn gàng tí nào hết, chỉ vì cái mình quá dài và đôi chân quá ngắn. Lúc nào cũng như chực ngã chúi xuống. Cái đuôi thì ngoắt lia lịa. Có lẽ chúng không biết mệt là gì. Nằm xuống là vì bắt chuớc theo thôi chớ nằm nào có yên. Hết quay qua đến xoay lại, rồi nhích tới một chút, rồi ì ạch ngồi dậy, rồi kềnh càng nằm xuống. Gà mẹ làm như đã có nhiều kinh nghiệm nuôi con nên không để ý đến những sự lộn xộn đó. Nó gục đầu nhắm mắt một cách bình tĩnh. Chỉ khi nào gió xao động mạnh lá cây hay có một tiếng kêu to ở đâu quanh đó là nó chợt mở mắt ra và túc túc gọi con. Tức thì bốn con vịt líp chíp nhặng lên và líu tíu đứng dậy chạy lại nằm gần mẹ hơn. Chúng có vẻ mong đợi lời kêu gọi ân cần đó. Khi mẹ đứng dậy bước đi thì chúng vội vã gọi nhau đứng dậy liền. Rồi chạy rồi tỉa. Thực tế thì đó chỉ là những trò chơi thôi vì chẳng có gì ăn trong một cái chậu nước quá trong, thế mà con nào cũng rúc mỏ vào rỉa mãi không thấy chán. Thỉnh thoảng một con ngứa tay chân đứng ưỡn người đập cánh. Trông đôi cánh bé mà tội nghiệp. Chỉ to bằng hai cái lá con và dễ thường cũng chỉ dày như thế. Đập cánh nhiều nhất là khi cho các cậu vào tắm trong một thau nước lớn. Thôi thì đua nhau mà vục đầu xuống, rồi dùng mỏ mà quay lại rỉa vào lông lưng lông nách, còn đôi chân, - những đôi chân màu hồng hay màu đen mướt - thì xòe ra đằng sau để quạt nước mà bơi tới. Nước vung tung tóe xung quanh và mồm ríu ra ríu rít. Thật đúng là những đứa bé năm, sáu, tuổi nghịch nước.
Tối lại, bốn con tranh nhau nấp dưới cánh mẹ. Thật chẳng yên với lũ nhỏ láu táu này. Nằm kín trong đôi cánh mà chốc chốc vẫn nghe tiếng líp chíp như còn nói chuyện hay đùa nhau hay cãi nhau trong đó.
Một hôm thằng Đức lùa con gà mẹ và bốn con vịt con đi ngao du ở trước sân. Ra đến cổng thì chợt có một lũ trẻ con đi ngang qua. Một đứa đứng dừng lại, vừa chỉ trỏ vừa gọi to lên:
- A! Mẹ gà con vịt. Lại xem tụi bay ơi! Mẹ gà con vịt.
Cả bọn đứng lại, đi trở lui, nhìn vào sân. Một đứa trông lớn tuổi hơn hết trong bọn hát lên rằng:
Mẹ gà con vịt chít chiu
Mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng
Mấy đứa khác vỗ tay reo và hát theo.
Đức lộ vẻ khó chịu đóng sầm cửa ngõ lại. Rồi lùa bầy vịt ra vườn sau.
Từ ngày đó, câu hát “Mẹ gà con vịt chít chiu” trở lại luôn. Những người hàng xóm, những người đến chơi nhà hễ thấy gà mẹ dẫn bầy vịt con đi ăn là lại đọc lên:
Mẹ gà con vịt chít chiu
Mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng
Chừng một tháng sau thì chen vào lông tơ nõn đã có những cuống lông ống mọc so le ở hai cánh và ở đuôi. Màu lông này nhạt hơn. Rồi sau đó những chòm lông mái xuất hiện ở cổ, rải rác ở lưng. Bốn con vịt dáng bụ bẫm nhưng mình vẫn dài lêu nghêu như những đứa trẻ 14, 15 tuổi bắt đầu lớn. Đi giữa bốn vịt con, gà mẹ thật chẳng khác một người đàn bà nhỏ người, chững chàng đi giữa một bầy con tuy cao lớn hơn mình nhưng vẫn còn ngờ nghệch trong nét mặt và cử chỉ.
Chợt một hôm có tiếng con Bốn lại la lên ở nhà sau. Và tiếp theo là tiếng rủa sả:
- Lại đập phá đồ đạc nữa! Con gà quỉ.
Rồi tiếng cửa đóng sầm lại và tiếng gà mẹ cục tác. Con gà mẹ lại lo tìm ổ. Nó sục sạo khắp cả nhà dưới nhà trên. Bầy vịt con ngơ ngác chạy theo mẹ, bơ vơ lạc lõng. Mỗi khi gà mẹ bay lên đứng ở mặt bàn, đứng ở chân giường, mắt dáo dác tìm một chỗ cao hơn để bay lên nữa thì bầy vịt đứng ở dưới đất líu kíu gọi mẹ, hiếng mắt nhìn và chạy vòng quanh. Khi gà mẹ nhảy xuống đất thì chúng mừng rỡ chạy ùa lại sán vào chân mẹ. Nhưng gà mẹ mổ cho một cái và chúng hoảng vía vừa xô nhau chạy trốn vừa té lăn kềnh vừa cất tiếng la. Sau nhiều lần bị mổ như vậy, bốn con vịt con không còn dám líu ríu đi sát theo chân mẹ nữa. Tuy vậy mẹ đi đâu chúng vẫn sắp hàng chạy theo và lúc nào cũng giữ một khoảng cách vừa phải để mẹ có sấn lại mổ thì chúng kịp quay mình chạy trốn.
Buổi tối, gà mẹ nhảy lên nằm một mình ở chuồng cao. Bốn con đi vòng quanh dưới đất cất tiếng gọi mẹ nhưng vô hiệu. Cuối cùng, chúng nằm rúc vào nhau để ngủ. Thật tội nghiệp khi nhìn bốn đứa mình nằm kề nhau, con này áp ngực lên con kia, con kia rúc đầu vào cánh con nọ. Một cơn gió thổi qua là chúng xô đẩy vào nhau mạnh con nào con nấy xô, chân đạp vào lưng, mỏ rỉa vào hông, cả cái khối bất ổn đó di chuyển xáo trộn, ngã lăn ra. Rồi lại sắp xếp lại, lộn xộn bất ổn như cũ. Những tiếng kêu líu kíu nho nhỏ, khàn khàn thỉnh thoảng phát ra. Ngủ yên chừng hai phút thì chợt có một con líu kíu nhỏ trong mồm rồi những con khác cũng líu kíu họa theo, thật y như tiếng khóc thút thít của những đứa trẻ khóc giữa giấc mơ.
Có đêm gà mẹ không leo lên chuồng nằm mà nằm ngay dưới đất. Tức thì bốn con vịt nằm quây quần xung quanh. Để gà mẹ không chú ý đến sự hiện diện của chúng, chúng đi thật nhẹ và cẩn thận hạ mình cách mẹ chừng bốn tấc. Đuôi xếp về phía mẹ và đầu quay ra ngoài. Chừng như được yên tâm, giấc ngủ của chúng đỡ chập chờn hơn. Mỗi khi giật mình choàng dậy chúng sửa đổi thế nằm thì bao giờ chúng cũng cố nhích vào gần mẹ hơn một chút.
Ngày đầu khi gà mẹ mổ con, thằng Đức vừa quát vừa chạy đi tìm roi đánh:
- A! Con gà điên! Sao mầy mổ con?
Tìm không ra cái roi, nó rượt con gà chạy quanh sân.
Tôi đứng nhìn bốn con vịt nghểnh cổ nhìn nhau la và con gà mẹ ba chân bốn cẳng chạy trước mặt Đức. Tôi gọi con lại:
- Thôi đừng rượt nó nữa.
- Nó cắn vịt con Ba à.
- Ba biết rồi.
- Phải đánh cho nó một trận.
- Đánh vô ích. Nó lẻ con ra để đẻ mà.
- Nhưng sao lại mổ mấy con vịt?
- Nếu không mổ, lũ con nó sấn lại thì đẻ sao được? Không phải nó ghét vịt con đâu mà dù cho con ruột nó nữa, nó cũng phải mổ. Nó không dùng lời nói để giảng giải được, nó không có bàn tay dịu dàng để vỗ về con được mà nó chỉ có cái mỏ. Đó không phải là lỗi của nó.
Không trừng phạt được con gà, lũ nhỏ chăm chút đàn vịt con. Đi học về là ba đứa bế vịt lên tay, áp mặt vịt vào má mình như khi nựng một em bé người ta áp mặt nó vào má mình vậy. Con Trang lo đập ruồi và bốn con vịt lúc thúc đi theo sau để mổ. Con Ngân cầm dao xới vũng cát xung quanh vại nước để tìm trùn. Bốn con vịt chạy lao xao để tìm mổ ngay khi lưỡi dao chưa rút kịp ra khỏi mặt cát. Thằng Đức thì bị con Bốn la luôn vì tội xốc tung những bó rau muống để lựa những cộng non đem xắt cho vịt ăn. Rồi đứa thì lo múc nước tắm vịt, đứa thì đem xới cơm cho vịt, rốt cuộc bốn con vịt được săn sóc như bốn đứa trẻ mồ côi. Ngược lại, bốn con vịt cũng quen với lũ nhỏ hết sức. Hễ lũ nhỏ đi đâu ra vại nước ra sân sau là bốn con vịt đi theo bén gót. Thử ngồi xuống lấy tay nghịch cát là bốn con đã vội chạy lại để hy vọng mổ trùn. Thỉnh thoảng nghe tiếng vịt hàng xóm kêu inh ỏi, bốn con vịt te tái chạy sang nhưng nghe tiếng chân con Trang chạy đuổi theo vừa cất tiếng to “A! Lẻn trốn chạy đó nghe” tức thì bốn con chạy quanh về và thế nào con vịt trắng của nó cũng nằm xuống sát đất đợi nó bế lên. Bốn con vịt và lũ nhỏ đã thành những người bạn thân thiết. Bây giờ chúng đã thay lông hoàn toàn nên trông đẹp đẽ hơn trước nhiều. Hai con lông trắng phau, một con hạt dầu và một con đen. Chúng trở nên những con vịt thành niên hồi nào, lũ nhỏ cũng quên để ý nữa. Đến hồi để ý trông lại thì mới thấy là chúng đã không còn bé bỏng nữa. Thỉnh thoảng giữa trưa khi đã tắm mát, chúng vươn rộng đôi cánh đập phành phạch miệng la quang quác. Con vịt đen không ồn ào hùng biện bằng ba con kia. Con Bốn có kinh nghiệm phân biệt cho lũ nhỏ biết rằng đó là con vịt đực. Không đứa nào tỏ ra mến con vịt đực cả vì lông đen xấu xí mà lại lòi xòi không mướt láng.
Trong khi đó, gà mẹ lại lên ổ ấp và lần nầy cũng lại phải ấp một mớ trứng vịt. Nhưng ngày nở chỉ có một con vịt con nở ra mà thôi. Khi xuống ổ, hai mẹ con lúc thúc đi cạnh nhau. Sự săn sóc có phần cẩn thận hơn, nhưng con vịt con quả tình trơ trọi hết sức. Không có anh chị em cùng lứa nó thiếu hẳn những thú vui ngây thơ. Nó kém hoạt động hẳn, đi bên cạnh một bà mẹ cần mẫn đảm đang nhưng nghiêm trang. Đã thế nó lại còn bị con vịt đực đen ăn hiếp nữa. Lừa lúc gà mẹ đi xa, con vịt đực chạy đâm bổ lại để mổ nó. Nó la lít chít vừa tìm đường chạy trốn. Gà mẹ nghe tiếng la vội xù lông chạy đến và chú vịt đực vội vã tháo lui. Có lúc thì lũ trẻ con hay con Bốn phải chạy đến can thiệp để đuổi chú vịt đực. Thành ra cả ngày cứ thỉnh thoảng nghe tiếng vịt con la, tiếng chân lũ nhỏ chạy rầm rập và tiếng quát tháo:
- Ùi, ùi! Con vịt quỉ.
- Ê! Con vịt anh ăn hiếp. Đánh chết! Đánh chết!
Không có đứa nào dành phần con vịt này cả nên nó lớn như thế nào, chẳng mấy ai để ý. Cứ tuần tự theo ngày tháng, nó thay lông để biến thành một chú vịt thanh niên. Nó không có bạn chỉ biết có mẹ. Nên đến tuần mẹ lên ổ nằm, nó cất tiếng kêu thảm đạm và đi quanh quẩn dưới chân chuồng. Nó ngước mặt nhìn mẹ nằm trên ổ, miệng kêu, vừa tìm đường leo lên nhưng không được. Khi kêu chán, nó nằm dưới chân chuồng. Động nghe tiếng mẹ cựa mình ở trên là nó vội đứng dậy, miệng líp chíp kêu tưởng như mẹ sắp xuống cùng mình. Khi mẹ xuống thật thì lòng mừng của nó biểu lộ vội vã quắn quít. Nó cạp cạp luôn mồm vẫy đuôi lia lịa và chìa mỏ lại gần mẹ. Con gà mẹ chừng cũng thương hại nó hơn mấy đứa trước nên không hề mổ mà trái lại, hai mẹ con sóng bước cùng đi tìm mồi. Nhưng những giây phút êm đềm ấy, nó hưởng không được nhiều. Khi gà mẹ ấp lại thì nó gần như bỏ ăn, cứ đi lảng vảng quanh chân chuồng hoặc nằm đó chờ đợi. Nếu buồn chân muốn đi đó đây một chút, hoặc ra vại nước kiếm cái ăn, hoặc ra sân trước thơ thẩn dưới gốc trứng cá, gốc vú sữa thì nó lại phải dòm chừng con vịt đực hung tợn. Khổ nhất cho nó là khi đi quanh góc tường, chợt bước trờ tới thấy ngay con vịt đực ở trước mũi, phải vội chạy ngược lại, có khi vội quá phải ngã lăn ra đất. Những lúc ấy trông nó thật là cô độc, thiếu thốn.
Con gà mẹ lần này được ấp chính trứng của nó đẻ. Không phải do một lý luận nhân ái nào của lũ nhỏ mà chỉ do ở tính lười của chúng. Lười hốt trứng, lười mua trứng vịt, rốt cuộc chúng để trứng, mặc kệ cho gà. Kết quả là chín con gà con nở ra, đa số màu lông đen như mẹ. Khi gà mẹ dẫn bầy gà con đi thì chú vịt tháp tùng theo. Bây giờ thì chú đã lớn hẳn rồi, đầu lông ô đen nháy và bụng xệ đi núc ních. Chú chậm chạp bước sau bầy gà con. Thỉnh thoảng chú đi lại gần gà mẹ miệng lạp cạp như có chuyện gì báo cáo cho mẹ nghe. Tối lại, nhốt gà mẹ trong một cái giỏ thì chú nằm sát bên giỏ. Rồi sáng ra khi bầy gà hớn hở đi chải đất tìm mồi thì chú lại nặng nề đi sát theo hộ vệ. Hễ gà mẹ gặp tai nạn gì cất tiếng la lên là chú xông tới. Những tai nạn thường do con chó Tô gây ra. Nguyên nhân hầu hết là giành ăn. Gà mẹ sợ con Tô nhưng chú vịt lại coi thường. Ăn hiếp Tô được đôi lần, chú vịt tỏ ra dể ngươi. Có lần Tô đang nằm hớ hênh ngủ, chú vịt đi qua rỉa mỏ vào bụng Tô rúc mấy cái khiến Tô hoảng hốt đứng vụt dậy. Lắm lúc vịt ta dám lấy mỏ rỉa vào ngay mặt Tô khiến Tô phải lãng bỏ đi xa. Không biết đó là do tính can đảm thiên phú hay là do tính dại dột không biết người biết ta. May thay con Tô đã có tuổi, bắt đầu trầm tư nên lười biếng không thèm chấp nhất. Ai quấy rầy thì nó bỏ đi. Chỉ có miếng ăn mới cần phải, đôi khi, tranh giành mà thôi.
Một hôm, Ngân chợt hỏi tôi:
- Con gà mẹ là dì ghẻ của con vịt hở Ba?
- Không phải. Nó là mẹ nuôi con vịt.
- Thế má con vịt đâu?
- Má nó ấp không được nên mình phải nhờ con gà ấp.
- Sao dì ghẻ lại không nâng niu con chồng hở Ba?
- Ai bảo con vậy?
- Lũ trẻ nó hát đó.
Mẹ gà con vịt chít chiu
Mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng
- À, đó là vì người đặt ra câu ca dao không nhìn rõ một con gà mẹ nuôi bầy vịt con. Sự âu yếm chăm sóc của nó đâu có kém khi nó chăm sóc chính con nó? Một con vịt chạy ra xa là nó đã vội túc túc gọi về. Ai bắt con vịt lên tay là nó vội chạy tới quang quác cái mồm ra la, xòe rộng hai cánh, xù lông lên và nhào tới đá liền. Con gà coi bầy vịt đều là con nó, không phân biệt rằng chúng có giống hay khác nó như thế nào.
- Câu hát nói rằng người dì ghẻ không thương con chồng.
- Đó là chuyện đời xưa. Đời xưa có những người đàn bà độc ác không thương lũ trẻ con.
- Đời bây giờ cũng vậy. Bác xích lô chở con đi học hay nói với con như vậy.
Tôi nhìn con gần hơn vừa ôn tồn hỏi:
- Bác ấy nói thế nào?
- Bác ấy bảo nay mai con sẽ có dì ghẻ và dì ghẻ đánh con.
- Không có đâu. Ai lại nỡ đánh con. Con ngoan và học giỏi mà.
- Nhưng mà…
Ngân ngừng nói, cầm bàn tay tôi áp vào má.
- … Nhưng mà… Ba đừng cưới dì ghẻ nghe Ba?
Tôi mỉm cười gật đầu.
Chợt tôi nhìn ra xa mông lung suy nghĩ.
Chiều hôm qua tôi vừa nhận được bức thư của Diễm trong đó có đoạn nàng viết: “… Em nghĩ rằng em sẽ thương yêu ba đứa con của anh như con của chính em vậy. Đã yêu anh, em không thấy có sự hy sinh nào là quá sức của em hết. Vả lại, có gì đâu mà gọi là hy sinh?…
Ngân lay tay tôi:
- Ba nhớ nghe?
Tôi thẫn thờ cầm tay con, gật đầu mà không trả lời.