Phần 4

1916
20 tháng 4
Giấc mơ: hai nhóm đàn ông đánh nhau. Nhóm có tôi tham gia đã bắt được một đối thủ, một gã đàn ông khổng lồ trần truồng.
Năm người trong số chúng tôi giữ hắn, một giữ đầu, hai người giữ tay, hai người giữ chân. Thật tiếc, chúng tôi không có dao để đâm hắn, chúng tôi hỏi nhanh khắp cả lượt những người đứng quanh ai có dao không - chẳng một ai có cả. Nhưng không hiểu tại sao lại không thể để phí thời giờ, mà gần đó lại có một cái bếp lò, cánh cửa bằng gang to lớn khác thường của nó bị nung đỏ rực, chúng tôi lôi hắn tới đó, ép một chân hắn sát vào cánh cửa cho đến lúc chân bốc khói, sau đó kéo ra cho nguội đi để rồi lại đẩy tới cánh cửa. Chúng tôi làm trò đó suốt thời gian mãi tới khi tôi tỉnh giấc không những khắp người đầm mồ hôi lạnh mà hai hàm răng còn đánh cầm cập vì sợ.
4 tháng 7
Mi là gì? Tôi thực thê thảm. Hai miếng gỗ xiết ốc vào hai thái dương.
5 tháng 7
Nỗi thống khổ của cuộc sống lứa đôi. Xa lạ, thảm hại, dục vọng, hèn nhát, háo danh, và chỉ ở tận dưới đáy có thể còn một dòng suối con đáng được đặt tên là tình yêu, không thể tìm thấy được, chỉ một lần loé lên trong tích tắc.
6 tháng 7
Hãy đón nhận tôi vào vòng tay của mình, ở đó có chiều sâu, hãy đón nhận tôi vào chiều sâu, không muốn ngay giờ - thì muộn hơn cũng được.
Hãy đón nhận tôi, hãy đón nhận tôi - một hỗn hợp nỗi đau và ngu xuẩn.
20 tháng 7
Hãy xót thương tôi, tôi tội lỗi đến tận cùng bản thể. Nhưng ở tôi đã từng có những mầm mống không đến nỗi tầm thường, ít nhiều những khả năng tốt đẹp, - mà tôi ngu xuẩn đã phung phí chúng một cách vô ích, và giờ đây đúng lúc khi bề ngoài mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp đối với tôi, thì đời tôi đã sắp hết. Xin đừng đẩy tôi vào hàng những kẻ lạc loài. Tôi biết, đó là tiếng nói của lòng tự ái nực cười, nực cười từ ngoài nhìn vào, thậm chí cả ở gần cạnh cũng nực cười, nhưng một khi tôi đang sống thì tôi vẫn có cái quyền tự yêu mình của một sinh vật sống, và nếu sự sống không là nực cười, thì tất cả những biểu hiện bình thường của nó cũng là không nực cười. Một phép biện chứng thảm hại!
Nếu như số phận tôi đã được định đoạt, thì tôi được định đoạt không chỉ phải chết, mà còn được định đoạt phải kháng cự cho đến tận khi chết.
27 tháng 8
Kết luận cuối cùng sau hai ngày đêm khủng khiếp: hãy cảm ơn thói xấu quan liêu của mi, thói xấu yếu đuối, tằn tiện, không quyết đoán, chi li và cả lo v.v...vì rằng mi đã không gửi bưu thiếp cho F. Có thể mi sẽ không đoạn tuyệt với nàng, tôi đồng ý, rằng điều đó có thể. Kết quả liệu sẽ ra sao? Hành động, vượt lên? Không. Ðã có lần mi đã thực hiện cái hành động ấy, nhưng không có gì tốt lên. Ðừng có cố lí giải điều ấy; tất nhiên, mi biết cách lí giải mọi điều quá khứ, thậm chí mi không dám đi tới tương lai nếu trước đó chưa lí giải nó. Mà điều đó lại đúng là không thể! Cái gọi là tinh thần trách nhiệm và nó xứng đáng mọi sự tôn trọng, nói cho cùng chính là tính quan liêu, thói trẻ con, là ý chí bị ông bố bẻ gãy. Hãy chọn lấy cái gì là tốt nhất trong con người mi, hãy hoàn thiện nó, - điều đó nằm trong tay mi. Ðiều đó có nghĩa là: đừng thương tiếc bản thân (hơn nữa còn làm hại F. yêu quí của mi nữa), bởi thương tiếc là không thể, sự thương tiếc giả tạo hầu như đã giết chết mi. Vấn đề thương tiếc không chỉ liên quan đến F., đến đám cưới, con cái, trách nhiệm vv....vấn đề thương tiếc liên quan đến cả nhiệm sở, nơi mi ì ạch mãi, đến căn hộ tồi mà mi không thể từ bỏ. Tất thảy. Vậy thì thôi nói chuyện này. Không thể thương tiếc bản thân, không thể tính toán trước mọi chuyện. Mi không biết gì về bản thân để mà đoán trước điều gì là tốt hơn đối với mi. Ðêm nay, chẳng hạn, trong mi đã diễn ra cuộc đấu giữa hai mô típ ngang giá và ngang sức làm hao tổn tâm trí của mi, mỗi mô típ đều đem lại những lo toan - điều đó có nghĩa là không thể lường trước được. Vậy làm gì đây? Ðừng hạ mình, đừng biến mình thành một loại trường đấu nơi người ta chiến đấu mà không cần biết mi sống hay chết ra sao và mi không cảm thấy gì ngoài những cú đánh của các đấu sĩ đáng sợ. Vậy thì hãy tập trung toàn lực. Hãy sửa chữa bản thân, hãy bỏ thói quan liêu, hãy bắt đầu hiểu mi đang là ai thay vì việc suy tính nên thành loại người nào. Nhiệm vụ gần nhất là đi lính. Mi đang phạm phải một sai lầm rồ dại khi so sánh, chẳng hạn, với Flaubert, Kierkegaard, Grillparzer - hãy chấm dứt điều đó. Ðó là kiểu hết sức trẻ con. Như mắt xích trong chuỗi những tính toán, các thí dụ, tất nhiên, có thể có ích, hoặc chính xác hơn, vô ích đồng thời với tất cả các tính toán còn được xếp riêng lẻ trong sự so sánh, ngay từ đầu chúng đã chẳng ích gì. Flaubert và Kierkegaard biết rất rõ tình cảnh này, họ có ý chí kiên định, đó không phải là sự tính toán, đó là hành động. Ở mi thì một chuỗi bất tận những tính toán, suốt bốn năm trời cứ hết cố sức vươn lên rồi lại chìm nghỉm. So sánh với Grillparzer có thể là đúng, nhưng mi lại không cho Grillparzer là xứng đáng bắt chước, đó là một thí dụ khốn khổ mà hậu thế cần phải cám ơn, vì ông ta đã đau khổ vì họ.
1917
3 tháng 8
Thêm một lần tôi hét toáng bằng toàn bộ sức mạnh của lá phổi. Sau đó người ta tọng giẻ vào mồm tôi, đeo gông lên tay và chân, dùng khăn bịt lấy mắt. Tôi bị lôi đi lôi lại mấy lần, dựng lên đè xuống cũng mấy lần, nắm chân kéo đau đến nỗi tôi phải bật dậy, cho nằm yên một chốc, rồi sau đó đã đâm một vật gì đó rất nhọn, rất sâu chỗ này chỗ nọ một cách tuỳ hứng.
4 tháng 8
Văn học, khi được sử dụng để trách móc, là một sự giản lược ngôn ngữ mạnh đến mức dần dần tự nó dẫn theo, - có thể, ngay từ đầu nó đã được dự tính sẵn như vậy - cả sự giản lược tư duy, điều đó làm mất đi viễn cảnh đúng đắn và khiến cho sự chỉ trích bắn chệch mục tiêu rất xa.
15 tháng 9[1]
Mi có một khả năng, - trong trường hợp thật sự có một khả năng như thế - bắt đầu từ đầu. Ðừng bỏ qua nó. Nếu nhất quyết muốn đi đến tận cùng thì không thể tránh khỏi bị vấy bẩn bởi những thứ bẩn thỉu từ trong con người của chính mi tuôn ra. Nhưng đừng lăn lộn trong đó. Nếu như mi khẳng định, vết thương trong phổi chỉ là biểu tượng, biểu tượng của sự tổn thương mà sự viêm cấp của nó có tên là F., độ sâu của nó có tên là sự Bào chữa, nếu đúng như thế, thì cả lời khuyên của bác sĩ (ánh sáng, không khí, mặt trời, sự yên tĩnh) - cũng là biểu tượng. Hãy bám chặt lấy biểu tượng này.
18 tháng 9
Xé tan hết tất cả.
19 tháng 9
Tôi luôn luôn không thể hiểu nổi, rằng hầu như mỗi người biết viết đều có thể khách quan hoá cái đau trong cơn đau, rằng tôi, nói thí dụ, trong cơn bất hạnh, có thể với cái đầu hãy còn đang bốc hoả vì bất hạnh, lại ngồi viết thư cho ai đó rằng: tôi đang bất hạnh. Hơn thế nữa, thậm chí với các đường lượn khác nhau, tuỳ cái tài năng dường như chẳng liên quan gì tới sự bất hạnh, vẽ vời về nó một cách đơn giản, hoặc đối chọi, hoặc với cả một dàn hợp xướng của sự liên tưởng. Và điều đó hoàn toàn không phải là sự dối trá và không làm dịu cơn đau, mà đó chỉ đơn giản là một chút sức lực may mắn còn sót lại vào thời điểm khi nỗi đau đã bào đến cạn kiệt thấy rõ toàn bộ sức lực của tôi đến tận đáy tâm hồn tôi. Vậy cái còn sót lại ấy là gì?
Trong thời bình mi không tấn tới, lúc chiến tranh mi lại chảy máu.
25 tháng 9
Sự thoả mãn tạm thời tôi vẫn còn có thể có được từ những tác phẩm như "Một thày thuốc nông thôn", - với điều kiện tôi vẫn còn làm được những điều tương tự (rất ít khả năng). Nhưng tôi chỉ hạnh phúc khi tôi có thể nâng thế giới tới được sự trong sạch, sự thật và ổn định.
Những cái roi chúng ta dùng để quất nhau, qua năm năm đã trổ đầy những cái mấu chắc nặng.
28 tháng 9
Trích thư gửi F; có thể là thư cuối cùng.
Khi tôi kiểm tra lại bản thân bằng mục tiêu cuối cùng của mình, thì hoá ra rằng tôi, thật ra không hướng đến việc trở thành người tốt và có thể chịu trách nhiệm trước một toà án tối cao nào đó, mà hoàn toàn ngược lại, tôi muốn nhìn tổng quát toàn bộ cộng đồng người và động vật, nhận biết những mối quan tâm, những mong muốn, những lí tưởng đạo đức của nó, giản lược chúng thành những tiêu chuẩn đơn giản, tự mình làm sao có thể phát triển tương ứng nhanh nhất khiến mình có thể trở thành một kẻ vừa ý tất cả, và hơn nữa (đây mới là mấu chốt) vừa ý đến mức, không để mất đi tình yêu toàn thể, tôi trở thành kẻ có tội duy nhất mà không bị ném vào vạc dầu; được phép công khai, phơi bày những tật xấu của mình trước mắt tất cả. Nói tóm lại, tôi chỉ quan tâm tới toà án của con người, hơn nữa tôi còn muốn đánh lừa, - tất nhiên, không bằng sự lừa đảo.
8 tháng 10
Việc trong thời gian qua: những bức thư ca thán của F., G..B. doạ gửi thư đến. Một trạng thái chẳng vui sướng gì. Cho dê ăn, ruộng bị chuột đào bới, nhặt khoai tây ("Gió thốc vào mông đít chúng tôi"), hái hoa kim anh, gia đình nông dân F. (bảy cô bé, một cô nhỏ với ánh mắt đáng yêu, trên vai là một chú thỏ trắng), trong phòng treo bức tranh "Hoàng đế Franz Josef trong hầm mộ của những tu sĩ dòng tu khổ hạnh", người nông dân K (khổng lồ, sự trình bày dông dài về lịch sử thế giới của nền kinh tế của ông ta, nhưng vui tính và dễ mến). Ấn tượng chung về những người nông dân: những ngài quý tộc tìm được sự cứu rỗi trong công việc nhà nông, ở đó họ tổ chức công việc của mình một cách thông minh và khiêm tốn, khiến nó hoà hợp khít khao với toàn thể và gìn giữ họ khỏi mọi dao động và bệnh say sóng. Những công dân thật sự của đất.
"Copperfield"[2] của Dickens ("Người thợ lò" là sự bắt chước hoàn toàn Dickens, cuốn tiểu thuyết đang thai nghén còn hơn thế nữa). Câu chuyện với chiếc vali, người mang lại hạnh phúc và kẻ quyến rũ, những công việc thấp hèn, người yêu ở thái ấp, những ngôi nhà nhớp nhúa,vv..., nhưng trước hết là phong cách. Ý đồ của tôi, như bây giờ tôi thấy, là viết một cuốn tiểu thuyết kiểu Dickens, nhưng được làm phong phú bằng những nguồn sáng gay gắt hơn mà tôi sẽ mượn ở thời gian, hoặc yếu hơn nếu tôi lấy ở chính mình. Sự phong phú của Dickens và dòng trần thuật sôi nổi, mạnh mẽ, nhưng đồng thời là những chỗ thiếu sinh động đến kinh khủng, nơi ông chỉ uể oải khuấy trộn những cái đã có sẵn. Một thể thống nhất vô nghĩa tạo ra một ấn tượng dã man, cái dã man mà tôi đã tránh được, thật ra, nhờ sự yếu đuối của mình và tôi là kẻ hậu sinh. Một sự vô tình đằng sau phong cách tràn đầy cảm giác. Ðó là khối biểu lộ đặc tính còn thô được gán ghép giả tạo vào từng nhân vật và nếu không có chúng thì có lẽ Dickens không đủ sức, dù chỉ một lần, leo nhanh lên công trình của mình...
1921[3]
17 tháng 10
Cái sự tự huỷ hoại chính tôi một cách có hệ thống trong suốt nhiều năm này thật đáng kinh ngạc, nó giống như con đập cũ nát cứ sụt dần - một hành vi đầy ý đồ. Cái tinh thần đã thực hiện việc này chắc bây giờ phải ăn mừng thắng lợi; tại sao nó không cho tôi tham dự vào cuộc lễ đó? Nhưng có thể nó còn chưa thực hiện xong ý đồ của mình và vì vậy nó không thể nghĩ đến chuyện gì khác.
18 tháng 10
Ta hoàn toàn có thể hình dung rằng sự tuyệt vời của cuộc sống vẫn hiện hữu trong mỗi sinh vật từ muôn đời toàn diện. Thế nhưng nó nằm khuất ở nơi sâu thẳm hay chốn xa xôi, không nhìn thấy được. Nhưng mà nó nằm đó, không thù địch, không miễn cưỡng, không điếc. Nếu gọi nó đúng lời, đúng tên, thì nó sẽ đến. Ðó là bản chất của phép mầu, nó không tạo ra, nó gọi đến.
19 tháng 10
Người nào khi sống không thể xoay xở được với cuộc đời, thì một tay cần cản phần nào nỗi thất vọng về số phận của mình - việc này rất không trọn vẹn, - còn tay khác anh ta có thể ghi lại những gì anh ta thấy dưới đống đổ nát, bởi vì anh ta nhìn thấy nhiều hơn và khác hơn những người khác: anh ta đã chết ngay sinh thời và là kẻ thật sự sống sót. Với điều kiện để chống chọi với nỗi tuyệt vọng anh ta không cần dùng đến hai tay và không nhiều hơn những gì anh ta có.
21 tháng 10
Anh ta không thể bước vào nhà được vì đã nghe thấy một giọng nói ra lệnh: "Hãy chờ, ta sẽ dẫn anh vào!" Và anh ta vẫn cứ nằm trong bụi đất trước ngôi nhà, mặc dù tất cả có lẽ đã trở thành vô vọng.
Tất cả đều là hoang tưởng - gia đình, công việc, bạn bè, đường phố; tất cả đều là hoang tưởng - xa hơn hay gần hơn, - và vợ cũng là hoang tưởng; còn cái sự thật gần gũi nhất chỉ là việc anh đập đầu vào bức tường của gian xà lim không cửa sổ lẫn cửa ra vào.
6 tháng 12
Trích từ một lá thư: "Nhờ đó mà tôi sưởi ấm, chịu đựng cái lạnh trong mùa đông u uất này". Ẩn dụ là một trong nhiều điều khiến tôi lâm vào tuyệt vọng khi viết.
Sự gò bó khi viết, sự phụ thuộc vào cô người làm đốt lò sưởi, vào con mèo nằm sưởi cạnh lò, thậm chí vào ông già nghèo sưởi ấm. Tất cả những cái đó là những hành động độc lập có qui luật riêng, chỉ có việc viết là bất lực, không tự tồn tại, nó chỉ là một trò giải trí và nỗi tuyệt vọng.
Hai đứa trẻ ở nhà một mình, leo vào cái hòm lớn, nắp hòm đóng sập lại, chúng không thể mở ra được và chết ngạt.
1922
16 tháng 1
Tuần lễ cuối này như một sự suy nhược, một sự suy nhược hoàn toàn đến thế chỉ xảy ra vào một đêm hai năm trước đây, và tôi không gặp phải một lần nào như vậy nữa. Dường như tất cả đã chấm hết, mà ngay đến tận bây giờ mọi việc vẫn còn chưa có gì thay đổi. Ðiều đó có thể cảm nhận khác nhau và, có lẽ, cũng chỉ cảm nhận đồng thời như thế mà thôi.
Thứ nhất: bất lực, không thể ngủ, không thể thức, không thể chịu đựng cuộc sống, hay đúng hơn, sự tuần tự của cuộc sống. Thời gian trôi đi khác nhau, bên trong phi lên phía trước với một nhịp điệu quỉ dữ, hay là ma quái, hay ít ra là không phải của con người; còn bên ngoài thì vừa đi vừa chựng lại theo nhịp điệu thường nhật. Còn có thể xảy ra chuyện gì khác hơn là hai thế giới khác nhau đó tách rời nhau ra, và chúng quả đang tách nhau, hay ít nhất cũng đang giằng xé khỏi nhau một cách khủng khiếp nhất. Bước chạy điên cuồng của thời gian bên trong có thể có nhiều căn cứ, và căn cứ hiển nhiên nhất trong số đó là sự tự quán, nó không để cho bất cứ ý niệm nào được lắng đọng lại, dồn đuổi hết lên bề mặt, để rồi tự trở thành một ý niệm và lại bị một sự tự quán mới tiếp tục xua đuổi.
Thứ hai, chiều hướng của cuộc săn đuổi này là từ nhân loại. Nỗi cô đơn mà đã từ lâu một phần tôi bị áp đặt, một phần do tôi tìm kiếm - nhưng tìm kiếm chẳng lẽ không phải do bắt buộc? - nỗi cô đơn đó giờ đã trở nên tuyệt đối rõ ràng và đạt đến giới hạn. Nó sẽ dẫn tới đâu? Nó có thể dẫn đến mất trí - điều đó có lẽ là hiển nhiên nhất và không thể nói gì về điều đó thêm nữa, cuộc săn đuổi xuyên qua tôi và xé tôi ra từng mảnh. Hoặc giả tôi có thể - liệu có thể không? - cho dù là ở mức độ ít nhất - đứng vững, nghĩa là để cuộc săn đuổi mang tôi đi. Lúc đó thì tôi sẽ đi tới đâu? "Cuộc săn đuổi" chỉ là hình ảnh, cũng có thể nói "cuộc tấn công vào giới hạn trần gian cuối cùng" và chính là một cuộc tấn công từ phía dưới, từ phía mọi người, và vì đây cũng chỉ là hình ảnh, có thể thay nó bằng hình ảnh một cuộc tấn công từ trên xuống, nhằm vào tôi...
21 tháng 1
Không tổ tiên, không hôn nhân, không con cháu, với một nỗi khát khao điên cuồng tổ tiên, hôn nhân, con cháu. Tất cả chìa tay cho tôi: tổ tiên, hôn nhân, con cháu, nhưng quá xa tôi.
Ðối với tất cả đều có thế phẩm nhân tạo thảm hại: đối với tổ tiên, hôn nhân, con cái. Người ta tạo ra trong những cơn co giật, và, nếu người ta không chết bởi những cơn co giật, thì cũng chết bởi sự buồn thảm của cái thế phẩm đó.
27 tháng 1
Một sự an ủi kì lạ, bí ẩn, có thể nguy hiểm, có thể cứu nguy của việc viết lách: thoát ra khỏi hàng ngũ kẻ giết người, cho phép thường xuyên quan sát các hành động. Sự quan sát hành động, trong đó nẩy sinh một kiểu quan sát khác cao cả hơn, không sắc bén hơn, và nó càng cao cả hơn thì càng khó đạt tới hơn đối với "hàng ngũ", càng không phụ thuộc, càng thẳng hướng đi theo các qui luật vận động riêng, và con đường của nó càng bất ngờ, vui sướng và thăng tiến hơn.
Mặc dù tôi đã viết tên tôi rất rõ ràng ở khách sạn, mặc dù họ cũng đã hai lần viết đúng tên tôi, nhưng trên tấm bảng ở phía dưới vẫn viết là Josef K. Tôi phải khai sáng cho họ hay để họ khai sáng mình?
2 tháng 2
Hạnh phúc biết bao được cùng với mọi người.
3 tháng 2
Sự yếu đuối, khiếm khuyết là hiển nhiên, nhưng thật khó mà tả, đó là hỗn hợp của sự rụt rè, dè dặt, ba hoa, hờ hững, tôi muốn bằng hợp chất đó mô tả một cái gì đó không xác định, một nhóm các điểm yếu trong một phương diện nào đó đại diện cho một điểm yếu được xác định chính xác (nó không hoà lẫn với những tật xấu lớn như dối trá, hiếu danh vv...) Nhược điểm này giúp tôi khỏi mất trí, cũng như khỏi các cơn hứng khởi. Vì nó tránh cho tôi khỏi mất trí, tôi nuôi nấng nó; vì sợ phải mất trí tôi hi sinh những cơn hứng khởi, và, tất nhiên, sẽ thua thôi trên cái lĩnh vực không biết đến sự thoả hiệp này. Nếu như sự ngái ngủ không can thiệp vào và bằng tác động ngày đêm không phá huỷ tất cả những gì cản trở, và dọn sạch đường. Nhưng lúc đó tôi lại vẫn bị mất trí, bởi vì tôi không muốn sự hứng khởi mà ta chỉ đạt tới khi ta muốn có nó.
4 tháng 2
Lạnh đến tuyệt vọng, mặt biến dạng, những nét mặt khó hiểu của những người khác.
Những gì M.[4] nói về niềm vui được chuyện vãn cùng người khác, nói mà không hiểu hết sự thật về điều đó (có một thái độ ngạo mạn tuy đáng buồn nhưng lại có cơ sở). Sao lại có người khác ngoài tôi lấy làm sung sướng khi được trò chuyện nhỉ? Tôi quay trở về với con người nhưng chắc đã quá muộn và lại lần theo con đường vòng rất quanh co khúc mắc.
15 tháng 3
Còn chưa sinh ra - và đã bị định mệnh buộc lang thang ngoài phố và nói chuyện với mọi người.
14 tháng 11
Buổi tối thân nhiệt cứ 37.6, 37.7. Tôi ngồi sau bàn làm việc, chẳng được gì, gần như không ra khỏi nhà. Dù sao đây cũng là thói vờ vĩnh kêu ca về bệnh tật.
1923[5]
12 tháng 6
Những nỗi kinh hoàng của thời gian gần đây không kể xiết, gần như không dứt. Những cuộc dạo, đêm, ngày, tôi không còn khả năng gì nữa, ngoài khả năng đau.
Nhưng dù sao. Không, không dù sao nào cả...
Càng ngày càng sợ khi viết. Ðiều đó dễ hiểu. Mỗi từ, được bàn tay thần linh xoay chuyển, - cái vung tay đó là cử động đặc trưng của họ - trở thành ngọn giáo chống lại người nói ra. Ðặc biệt là những nhận xét kiểu như vậy. Và như vậy đến vô cùng. Chỉ có một an ủi là điều đó sẽ xảy ra, anh có muốn hay không cũng vậy. Còn nếu như anh cũng muốn, điều đó chỉ giúp anh rất ít. Nhưng còn hơn sự an ủi là ý thức: anh cũng có vũ khí.

Chú thích
[1]Trước ghi chép này ít lâu, lần đầu tiên các bác sĩ xác định Kafka bị bệnh lao, ông quyết định huỷ hôn với F., thôi việc và chuyển về sống với em gái Ottla ở nông thôn.
[2]David Copperfield - tiểu thuyết của nhà văn Anh Charles Dickens.
[3]Suốt năm 1918 trong nhật kí không có ghi chép gì; năm 1919 viết chỉ trang rưỡi; năm 1920: một trang; từ ngày 9 tháng 1 năm 1920 đến 15 tháng 10 năm 1921 không ghi chép gì.
[4]M: Milena Esenskaia - nữ nhà văn người Sec, bạn thân của Kafka trong thời gian 1920 - 1922, dịch giả cuốn "Người thợ lò".
[5]Nhật kí của Kafka kết thúc vào năm 1923, trong năm này ông chỉ ghi lại đoạn được trích dẫn ra ở đây.

Xem Tiếp: ----