Nghiệp là thói quen huân tập tạo thành sức mạnh, chi phối tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống con người, từ khi mở mắt chào đời cho đến khi nhắm mắt và những đời kế tiếp. Nếu người Phật tử tu mà không hiểu rõ về nghiệp thì khó mà ứng dụng tu hành để tới chỗ an lạc. Chữ nghiệp trong nhà Phật không có nghĩa một chiều, hễ nói nghiệp thì phải là điều xấu điều ác. Kỳ thật, nghiệp cũng có xấu và cũng có tốt, nghiệp cũng có nghiệp chung và nghiệp riêng. Nghiệp riêng thì gọi là biệt nghiệp và nghiệp chung thì gọi là đồng nghiệp. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật có lấy một ví dụ để nói về biệt nghiệp vọng kiến. Khi đó đức Phật nói: Trước một cây đèn đang cháy, người nhặm mắt thấy chung quanh ngọn đèn có một cái vòng đỏ hoặc xanh. Còn những người mắt lành mạnh thì chỉ thấy ngọn đèn đang cháy mà không thấy vòng đỏ hay xanh. Cái vòng quanh ngọn đèn chỉ có đối với người bị nhặm mắt, đó là do nghiệp riêng của người bịnh mắt mà có thấy, còn người không bị nhặm mắt thì không thấy. Cũng vậy, trong cuộc sống giữa đời này tuy sống có mối liên hệ với nhau, nhưng mỗi người đều có mỗi cái nghiệp riêng của họ. Ví dụ người có nghiệp chủng đồng bóng như thầy bùa thầy pháp, thì họ thường thấy ma quỉ. Còn người có tinh thần khoa học thực tế thì không thấy không tin ma quỉ, họ chỉ tin những việc họ thấy và chứng minh cụ thể. Vậy những sự việc mà một hay vài người thấy, đó là nghiệp riêng của họ, vì họ chuyên làm củng nghề cùng nghiệp thì họ tương ưng với nó. Cũng sự kiện đó mà người khác không thấy là vì họ không có nghiệp đó. như cây cột tròn. Những người rờ trúng đuôi voi, thì nói con voi giống như cây chuổi... Mỗi người mù đều nghĩ rằng mình đã diễn tả đúng hình dáng của con voi qua bộ phận mà họ đã rờ. Nhà vua nghe qua tức cười và hết buồn. Phật kết luận: Nhóm du sĩ tranh cãi giống như những người mù rờ voi trên đây. Họ là những người mù không thấy đúng lẽ thật, lại chủ quan cố chấp, cho cái thấy biết phiến diện của mình là chân lý, không thừa nhận cái thấy biết của kẻ khác, nên mới tranh cãi với nhau ồn ào. Cũng vậy, chúng ta sanh ra đời, mỗi người mang theo nghiệp riêng của mình, mà cùng sống chung với nhiều người khác, mỗi người chấp giữ và làm theo nghiệp riêng của mình, mà không thừa nhận nghiệp riêng của người khác, nên mới có sự cãi vã tranh chấp. Trong một gia đình, ông chồng thì huân tập cái nghiệp của người nam, bà vợ thì huân tập cái nghiệp của người nữ. Hai cái nghiệp nam nữ tuy có vài điểm tương đồng, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt. Nên có nhiều gia đình vợ chồng gây cãi, đánh đập nhau hoài, là vì chồng chấp lý của mình là đúng, vợ cũng chấp lý của mình là đúng, không biết dung hòa nhau để sống. Cái đúng của người chồng là thói quen huân tập cái nghiệp của người nam. Cái đúng của người vợ là theo thói quen huân tập cái nghiệp của người nữ, thế nên phải thông cảm nhau để đối xử cho tốt đẹp, đem lại sự an vui hòa thuận trong gia đình. Khi chúng ta biết mỗi người mỗi có nghiệp riêng thì không chủ quan không cố chấp, mà thông cảm hòa nhịp được cuộc sống với mọi người. Xưa có một gia đình, người vợ thì tương đối tốt, biết bổn phận, biết lo làm ăn, người chồng thì bê tha rượu chè cờ bạc. Mỗi lần ông cờ bạc thua, về nhà là khảo tiền, nếu bà không có để ứng thì ông chửi mắng thậm tệ. Người thân thuộc, láng giềng ai thấy cũng đau lòng thắc mắc tại sao bà không ly dị cho rồi, cứ để ông hành hạ khổ sở như thế? Nhưng khi hỏi bà, thì bà nói không thể ly dị vì bà còn thương ông. Có nhiều gia đình, có những đứa con ngỗ nghịch bất hiếu, phá gia sản gần khánh tận. Vậy mà gia đình vẫn thương không thể từ bỏ, vì cha mẹ có nghiệp riêng với con. Để thấy, cái nghiệp riêng của người, mình là kẻ ngoại cuộc không có nghiệp đó thì không chấp nhận, không chịu nổi. Còn những người đã có nghiệp, có nợ nần với nhau, dù bị đánh đập, phá phách, đối xử tồi tệ mà người ta vẫn chấp nhận chung sống, không thể rời nhau được. Như vậy, nếu biết được mỗi người có cái nghiệp riêng, thì chúng ta có thái độ sống hết sức dung hòa không thắc mắc, không trách cứ những hoàn cảnh khó khăn rắc rối, mà người trong cuộc không giải quyết dứt khoát được, vì nghiệp riêng của họ. Nghiệp chung tức là đồng nghiệp vọng kiến. Cũng trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật có dạy: Người có nghiệp chung mới sanh ra ở chung một nước, nói cùng một ngôn ngữ, sống cùng một tập quán... Nếu có cùng nghiệp xấu thì cùng thấy những điềm bất thường như sao chổi, sao phướn... Chỉ có dân nước đó trông thấy mà dân nước khác không thấy. Cũng giống như những người cùng nhặm mắt, cùng thấy chung quanh ngọn đèn đang cháy có một cái vòng xanh hay đỏ, còn những người không nhặm mắt thì không thấy. Vậy, người có cùng nghiệp thì cùng cảm nhận hiện tượng giống như nhau. Có nhiều người thắc mắc tại sao anh chị em cùng cha mẹ sanh ra trong một gia đình, kẻ vầy người khác, ý tứ không hợp nhau, rầy rà gây cãi hoài? Hoặc vợ chồng chấp nhận sống chung trong một gia đình, mà kẻ ý này người ý kia, bất hòa hờn giận nhau hoài là tại sao? Nếu không có duyên nghiệp với nhau tại sao gặp nhau, sống chung với nhau để khổ? Chúng ta đã biết khi gặp nhau là đã có nghiệp đồng phần rồi, tức là đã có cộng nghiệp nên cùng ở chung với nhau. Tuy ở chung nhau, mà mỗi người cũng có cái nghiệp riêng nên không ai giống ai. Nếu có giống chăng chỉ giống năm sáu mươi phần trăm là tối đa, không bao giờ có hai người giống nhau từ hình dáng đến tánh tình. Phần giống nhau thì gọi là đồng nghiệp, vì đồng nghiệp nên mới cùng nhau sanh trong gia đình, trong một đất nước. và, vì mỗi người có cái nghiệp riêng nên có người thì giàu sang sung sướng, an vui hạnh phúc, lại có người bần cùng khốn khổ. Hoặc anh em cùng cha mẹ sanh ra, học chung một trường mà có người học giỏi có người học dở. Đó là trong cái đồng nghiệp vẫn có cái biệt nghiệp; mà dù là đồng nghiệp hay biệt nghiệp, đức Phật đều gọi là vọng kiến. Vọng kiến là cái thấy hư dối không thật. Tại sao gọi nghiệp là vọng kiến? Ví dụ có người nói lời xúc não làm cho mình nổi giận. Khi nổi giận thì miệng nói lời hung ác mắng chửi, tay thì đánh đập người ta. Khi đánh đập chửi mắng người thì bị pháp luật trừng trị, cái khổ của tội phạm pháp này ít nhứt cũng một tháng tù. Và nếu mình là người có sức mạnh có võ nghệ, đánh người chết tại chỗ, thì tù tội khổ sở ít nhứt cũng 10, 15 năm. Vậy, miệng nói bậy thân làm bậy đó là nghiệp ác, và nghiệp ác đó từ ý nổi sân mà ra. Ý sân chỉ nổi lên khoảng 5, 10 phút mà hậu quả không lường được. Nghiệp ác của miệng và thân có ra là do ý ác chủ động, ý ác tức là niệm sân, chúng ta nhìn xem tướng trạng của nó ra sao? Khi nhìn nó thì nó mất tiêu, không thấy hình dáng tướng mạo nó đâu cả, mà không kình dáng không tướng mạo thì không thật. Như vậy, chính cái chủ động tạo nghiệp (ý sân) là không thật. Cái không thật mà vì chúng ta mê, chạy theo nó để tạo nghiệp thọ khổ thì thành có thật. Nên ngài Khuê Phong nói: “Thể không mà thành sự”. Bản chất của cơn giận vốn là không, bất giác theo nó tạo nghiệp nên trở thành sự. Đó là nghiệp ác. Nghiệp lành cũng vậy, giả sử chúng ta đi đường gặp người bịnh tật đang nằm rên rỉ bên đường, chúng ta khởi lòng thương đem họ vô lề đường, kêu xe chở tớ bịnh viện để chữa trị. Vậy, lòng thương hình dáng tướng mạo như thế nào? Có thật không? - Không. Nhưng khi theo nó thì tạo nghiệp lành, thân miệng ý nói làm lợi ích cho người. Cái gốc tạo nghiệp ác hay nghiệp lành không có thật thể, nhưng khi mê theo nó tạo tác thì sẽ thành nghiệp hoặc lành hay dữ. Phật dạy nghiệp là cái không thật, tuy không thật, nếu mê đã làm thì sẽ thọ quả, chớ không tránh khỏi. Trốn tránh người thế gian thì được, mà nghiệp thì không thể trốn được. Vì khi tạo nghiệp thì mắt thấy tai nghe thân cảm thọ, chủng tử nghiệp đã chứa vào tạng thức rồi, hội đủ duyên thì kết quả tụ. Về ý nghĩa đồng nghiệp, trong kinh có ghi: Một hôm Phật ở trong hương thất trên núi Linh Thứu, gần đó có nhiều đoàn Tỳ-kheo đi thiền hành. Đoàn thứ nhứt gồm một số Tỳ-kheo đi theo Tôn giả Xá-lợi-phất. Đoàn thứ hai người dẫn đầu là Tôn giả Mục-kiền-liên. Đoàn thứ ba các Tỳ-kheo đi sau Tôn giả Ma-ha-ca-diếp. Đoàn thứ tư gồm những Tỳ-kheo đi theo sau Tôn giả A-na-luật. Đoàn thứ năm là một số Tỳ-kheo đi theo Tôn giả Phú-lâu-na. Đoàn thứ sáu là những Tỳ-kheo đi theo sự hướng dẫn của Tôn giả Ưu-ba-ly. Đoàn thứ bảy là những Tỳ-kheo đi theo sau Đề-bà-đạt-đa. Khi đó Phật mới nói với các Tỳ-kheo đang ở bên cạnh: - Những Tỳ-kheo cùng đi theo Xá-lợi-phất là những Tỳ-kheo có trí tuệ lớn. Những Tỳ-kheo cùng đi với Mục-kiền-liên là những Tỳ-kheo có đại thần thông. Những Tỳ-kheo đi theo Ma-ha-ca-diếp là những Tỳ-kheo ưa tu hạnh đầu đà... Còn những Tỳ-kheo mà đi theo Đề-bà-đạt-đa là những Tỳ-kheo có tâm ác dục. Và Phật kết luận rằng: Ai cùng đi theo người nào là đã có cái nghiệp chung với người đó. Những Tỳ-kheo đi theo Tôn giả Xá-lợi-phất là có cái nghiệp chung với Ngài về trí tuệ. Những Tỳ-kheo đi theo Tôn giả Mục-kiền-liên là có nghiệp chung với Ngài về thần thông. Cho tới các Tỳ-kheo đi theo Đề-bà-đạt-đa cùng có nghiệp chung về ác dục. Cái nghiệp chung đó có từ quá khứ, hiện tại, vị lai cứ theo nhau không rời. Đó là cộng nghiệp của những Tỳ-kheo thời xưa, được Phật dạy trong kinh. Còn cộng nghiệp trong thời hiện tại, chúng ta thấy rất thực tế và cụ thể. Người thích rượu chè say sưa thì cùng ăn chơi thân cận với người uống rượu. Người ưa cờ bạc thì giao du với người cờ bạc. Người chuyên cần học hành nghiên cứu thì tới lui thân thiện với người nghiên cứu học hành. Người thích đi chùa tụng kinh niệm Phật thì kết bạn với người đi chùa tụng kinh niệm Phật. Như vậy, người này thích người kia là họ có chung nghiệp (đồng nghiệp) nên mới hợp nhau. để thấy trong cuộc sống này, mọi người cùng có nghiệp chung, nên mới trở thành chồng vợ, cha con, anh em, bè bạn. Và vì ai cũng có nghiệp riêng nên dáng mạo, tánh tình, năng khiếu, trí tuệ sai khác, không ai giống ai. Vậy, nghiệp chi phối cả đời sống chúng ta, nếu huân sâu nghiệp nào thì nghiệp đó có sức mạnh, có hấp lực thu hút chúng ta đến môi trường của nghiệp đó. Vì vậy, người Phật tử biết tu hành thì thân khẩu ý luôn luôn phải thiện, mới chiêu cảm được biệt nghiệp tốt và đồng nghiệp thiện. Nếu còn tu trong vòng tương đối, thì phải biết tránh nghiệp ác, tạo nghiệp lành để thọ thân tốt, tức là được biệt nghiệp tốt và sanh trong cõi thiện, có đồng nghiệp thiện. Tiến thêm một bước nữa, nếu biết nghiệp là không thật, do ý sinh ra, mà ý cũng không thật có, nó là niệm phân biệt chợt hiện chợt mất, nên không theo là dừng được nghiệp ý. Nghe nói trái tai vừa nổi bực tức muốn đánh chửi người, liền nhìn lại xem coi cái bực tức hình tướng thế nào, phát xuất từ đâu? Tìm lại thì không thấy hình tướng của bực tức, mà nguồn gốc khởi bực tức cũng không có nữa. Thấy của người, lòng tham vừa móng khởi muốn lên lấy, liền nhìn lại coi tướng trạng của tham lam như thế nào; phát xuất từ đâu? Khi nhìn kỹ lại thì không thấy hình dáng của tham lam và nơi chốn phát xuất ra tham lam cũng không có nữa. Như vậy, nghiệp phát xuất từ ý, rồi ra miệng, ra thân, mà ý là gốc phát ra nghiệp đã không thật, thì nghiệp miệng nghiệp thân làm gì có thật? Sở dĩ thấy nghiệp thật là do mê. Những chỗ khác dạy khi đối duyên xúc cảnh, nếu có khởi tham lam sân giận, cứ lo niệm Phật nhớ Phật thì tham lam sân giận sẽ lắng xuống. Đó cũng là cái thuật đối trị bịnh tham bịnh sân. Ở đây thì chúng tôi chủ trương dùng trí nhìn lại những cái xấu như tham, sân, kiêu mạn... hình dáng tướng trạng ra sao, xuất phát từ đâu? Khi nhìn lại nếu nó tan biến là nó không thật, và khi thấy rõ nó không thật thì nó không có sức mạnh khiến mình nói, làm theo nghiệp ác. Và cứ mỗi lần đối duyên xúc cảnh, nếu có tham sân... dấy khởi, liền nhìn lại xem tường tận thấu đáo, thấy nó không thật thì nó không chi phối khiến mình nói làm sai quấy. Khi tâm chúng ta thanh tịnh là đã cắt đứt được dòng tạo nghiệp là vọng tưởng là ý nghiệp không còn luân hồi sanh tử, được giải thoát.