Chương 4

Buổi khám bệnh ở bệnh viện Oriental bắt đầu từ chín giờ sáng và kết thúc lúc năm giờ chiều. Giữa trưa nghỉ chừng một tiếng để ăn cơm.
Các nữ y tá đến làm việc vào khoảng gần chín giờ. Đến giờ, họ tập hợp lại một lát để nghe cô y tá trực đêm báo cáo và giao ban, nghe những chỉ thị của y tá trưởng về những công việc ngày hôm nay và nghe thông báo về các kế hoạch. Buổi họp ngắn này thường chỉ mất mười đến mười lăm phút, sau đó các cô gái giải tán, mỗi người chạy một phía về nơi làm việc.
Các bác sĩ thường đến vào khoảng chín rưỡi. Theo điều lệ chính thức thì họ phải có măt. lúc chín giờ, nhưng hầu như không có ai đến vào giờ này, vả lại các nữ y tá thường càu nhàu khó chịu khi có bác sĩ nào bắt đầu sai bảo này nọ trước buổi họp sáng. Dù sao thì các bác sĩ cũng phải có mặt châm nhất là mười giờ sáng, vì đúng mười giờ bác sĩ trưởng đến.
Naôê thường là người đến sau cùng - sau chín giờ rưỡi và nhiều khi gần mười giờ. Thường thường vào giờ này bác sĩ phẫu thuật thứ hai là Kôbasi đã bắt đầu khám các bệnh nhân được một lát. Cách đây hai năm, Kôbasi đã kết thúc thời gian thực tập và nhận một chỗ ở khoa phẫu thuật trong bệnh viện của trường đại học.
Kôbasi làm việc ở bệnh viện Oriental mới được hai tháng. Trường đại học phái anh về đây để thực tập thêm nửa năm. Số là phải sau một vài năm làm việc, khi đã thuần tay trong những phẫu thuật đơn giản nhất thì một bác sĩ trẻ tuổi như vật mới giúp ích được phần nào cho bệnh viện.
Kôbasi biết Naôê qua những bài viết trên các tạp chí khoa học và qua những lời nhận xét của các nhà y học. Naôê được coi là một bác sĩ phẫu thuật có tài, cho nên mọi người đều kinh ngạc khi ông đột nhiên bỏ trường đại học để chuyển sang ở một bệnh viện tư. Khi Kôbasi được phái về bệnh viện Oriental, một người bạn ra trường trước anh vài năm đã nói với một giọng đầy ganh tị: "Bác sĩ trưởng của bệnh viện Oriental là một gã lang băm, nhưng ở đấy lại có Naôê. Cái ông bác sĩ Naôê trước làm việc ở trường đại học ấy. Cậu thật là may mắn cực kỳ, cậu sẽ có thể học hỏi ông ta. So với thân phận của một anh bác sĩ phải rơi vào một bệnh viện thành phố vớ vẩn nào thì đây thật là một diễm phúc". Bản thân Kôbasi cũng nghĩ đúng như vậy. Anh ước mơ sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quí báu trong khi học hỏi Naôê trong nửa năm trời.
Song mới về được ít lâu anh đã thấy Naôê khó gần và lặng lẽ đến kỳ lạ. "Có", "Không" - ngoài hai tiếng đó ra hầu như chẳng thấy ông nói gì hơn. Khi kôbasi tìm cách hỏi thêm một vấn đề gì thêm cho thật cặn kẽ, Naôê thường chỉ trả lời qua loa cho xong chuyện. Quả tình trong những cuộc phẫu thuật, Kôbasi cũng học thêm đượt ít nhiều trong khi theo dõi những động tác của ông ta. Nhưng chung qui chỉ có thế. Naôê không có gì thiết tha trong việc hướng dẫn người bạn đồng nghiệp trẻ đi vào những hiểu biết và những kỹ thuật tinh vi không thấy nói đến trong các sách giáo khoa. Những lần chính Kôbasi mổ thì Naôê chỉ im lặng quan sát anh làm. Ông không bao giờ khen hay quở trách Kôbasi. Chỉ khi nào anh ta làm sai, Naôê mới buông một tiếng cộc lốc: "Không phải thế". Kôbasi không tài nào hiểu được: Phải chăng Naôê chỉ làm biếng không muốn mất công hướng dẫn anh ta, hay là ngay từ đầu ông ta đã không coi anh là một người học trò có triển vọng. Trong khi đó thì Kôbasi thậm chí gần như thuộc lòng bản luận án của Naôê. Chỉ cần có ai nói: "Tôi không hiểu người ta tìm thấy cái gì đặc biệt trong bản luận án này! Có ai cần đến một công trình nghiên cứu cài màu ly phân của thận nhân tạo?! " là Kôbasi lập tứ nổi sùng: "Phương pháp này đang được ứng dụng rộng rãi không chỉ ở Mỹ, mà cả ở cộng hòa liên bang Đức và ở Pháp. Công trình của Naôê cực kỳ chính xác". Những chương trong luận án có đề cập những vấn đề phẫu thuật thì Kôbasi đều có thể nhắm mắt đọc làu làu. Anh hết sức khâm phục những trí thức uyên bác cũng như cái nghệ thuật điêu luyện của Naôê, nhưng dù có cố gắng bao nhiêu anh cũng không thể khoét được một đột phá khẩu trong bức tường cách biệt mà ông ta đã dựng lên xung quanh mình. Chỉ cần bước một bước thôi qua cái vạch ngăn cấm, thì một cánh cửa vô hình đã lập tức đóng sập lại ngay trưới mũi anh. "Thật là một con người kỳ quặc! " - Kôsiba băn khoăn tự nhủ. Dĩ nhiên là có thể tìm cách giải thích tất cả những điều đó bằng cái tính cách xấu bụng và khó tính của Naôê, nhưng cách giải thích này không thể làm Kôbasi hài lòng. "Có lẽ sở dĩ như vậy chẳng qua là vì ông ta với mình học trong những trường đại học khác nhau chăng? " - Kôbasi loay hoay trong những phỏng đoán tương tự. Nhưng có một lần, một người quen của Naôê đến bệnh viện tìm ông mượn một số tài liệu gì đấy. Trước kia hai người cùng học một lớp với nhau, thế mà Naôê vẫn tiếp người bạn đồng nghiệp với một thái độ không kém lạnh lùng một chút nào. Người ấy nói: "Naôê tiên sinh đã thay đổi rất nhiều", rồi vội vàng cáo từ. Như vậy nghĩa là Naôê lạnh nhạt không phải riêng gì đối với Kôbasi...
Tại sao Naôê bỏ trường đại học đi nơi khác? Điều đó Kôbasi không thể nào hiểu được, thế nhưng rõ ràng là nếu không giải được bài tính đố này thì không thể nào khám phá được những nguyên nhân bí ẩn của thái độ lạnh lùng khép kín của Naôê. Những nguyên nhân thật của tái độ ấy thì không ai biết được, dù là người bạn học kia hay là bác sĩ trưởng, hay là người chị của ông cũng vậy. "Có một cái gì không ổn ở đây... " - Kôbasi nghĩ như vậy. Ở phía sau cái mặt nạ thường ngày với vẻ đẹp lạnh lùng của nó hình như có che dấu một gương mặt hoàn toàn khác mà những người xung quanh không thể hay biết, và có lẽ chính điều đó làm cho Kôbasi suy nghĩ lao lung, chính điều đó thu hút anh như một chất nam châm.
"Dù sao chăng nữa thì mình được làm việc với một bác sĩ lỗi lạc như vậy cũng là một điều may mắn lớn lao! " - Kôbasi tự thuyết phục mình một cách nhiệt thành.
Thế mà bây giờ Naôê lại có ý định mổ cụ già Yôsiđzô Isikura! Dù là một người khâm phục Naôê đến như anh cũng không sao hiểu được việc này. Quả tình trước đây cũng đã có lần những lời khuyên và những phương pháp điều trị của Naôê gieo những mối ngờ vực vào lòng Kôbasi, nhưng lần này thì... Hôm qua Kôbasi nhân ghé vào trường đại học đã kể cho bạn mình nghe tất cả những chuyện này, và cuộc nói chuyện đã làm cho Kôbasi tin hẳn rằng mình đúng.
Vào ngày dự định mổ, Kôbasi đến phòng điều hành sớm hơn thường lệ, mặc áo blouse trắng, ngồi xuống đi văng, giở một tờ báo ra chờ Naôê đến. Nhưng chưa được năm phút thì cô nữ y tá Sawanô từ phòng cấp cứu chạy lên.
- Thưa bác sĩ, có một bệnh nhân đến!
- Cái gì nữa thế - Kôbasi rời tờ báo.
- Cái cậu thiếu niên vừa được cắt bỏ chiếc móng tay hôm qua ấy.
- Thì sao? Chỉ cần thay băng. Cô có thể tự làm lấy.
- Vâng, nhưng... Hôm nay đã là ngày thứ hai mà...
- Cô bảo cậu ấy đợi một chút. Tôi đang cần nói chuyện với bác sĩ Naôê.
Cô y tá làm ra một vẻ mặt bất mãn rồi đi ra ngoài.
Theo một tập quán đã hình thành từ trước, người khám các bệnh nhân mới đến bệnh viện lần đầu trước tiên là Naôê. Ông chẩn đoán bệnh và chỉ định cách điều trị xong mới chuyển lại cho Kôbasi. Hai bác sĩ phẫu thuật ngồi đối diện với nhau ở hai bên bàn khám bệnh. Các bệnh nhân mới làm tốn khá nhiều thời giờ, nhưng so với những người đến khám lần thứ hai hay thứ ba thì họ không đông bằng. Cũng có khi bệnh tình tiến triển thêm nay cách điều trị tỏ ra vô hiệu: lúc bấy giờ bệnh nhân lại được trả về cho Naôê. Ngoài ra, Naôê còn phải khám những bệnh nhân được ai đó gửi gắm riêng cho ông. Naôê giải quyết khá nhanh những trường hợp thuộc phần việc của ông. Xong việc, ông thường lấy tạp chí ra và vùi đầu vào một bài nào đấy. Kôbasi bận bịu với các bệnh nhân của mình, cố gắng làm ra một vẻ mặt thản nhiên. Dĩ nhiên Kôbasi so với Naôê thua kém hẳn về kinh nghiệm và kỹ năng, cho nên cách chia việc như vậy không làm cho anh bất mãn chút nào. Nhưng nói chung thì Naôê lẽ ra thỉnh thoảng có thể giúp Kôbasi một lời khuyên hoặc khi hết việc có thể làm hộ anh nữa... Nhưng điều đó lại không bao giờ xảy ra. Cả cái thái độ Naôê hình như muốn nói: "Xin để cho tôi yên". Nhưng Kôbasi uất ức chủ yếu không phải vì cái tính vị kỷ của ông, mà vì cái vẻ thờ ơ lạnh lùng của ông thì nhiều hơn: Anh không thể nào quen được với cái vẻ ấy...
Theo thường lệ, Naôê đến sau chín rưỡi một chút
- Chào bác sĩ, -Kôbasi cúi chào Naôê.
- Chào anh, - Naôê đáp lễ, mặt vẫn quay về phía cái tủ chim. Kôbasi giả vờ tìm một cái gì trên giá sách. Anh lấy cuốn "y học", lật vài trang. Naôê, lúc bấy giờ đã mặc áo blouse, đang đi ra phía cửa.
- Thưa tiên sinh, tôi muốn hỏi tiên sinh một điều.
- Vâng?
Cũng như mọi khi, gương mặt Naôê xanh nhợt nhạt.
- Tôi muốn hỏi về bệnh nhân Isikura. Tiên sinh vẫn quyết định mổ ông cụ à?
- Tôi đang chuẩn bị mổ
- Tôi phản đối cuộc phẫu thuật này.
- Tại sao?
- Muộn rồi. Cắt bỏ một cái mà đã có di căn chỉ làm cho bệnh nhân chết nhanh hơn.
- Nhưng tôi không hề có ý định cắt bỏ u. Tôi chỉ rạch ra rồi khâu lại, để cho bệnh nhân nghĩ rằng người ta đã cắt bỏ những phần bị tổn thương.
- Nhưng... - Kôbasi đang nói bỗng im bặt không sao nói tiếp được nữa.
Trung thực mà nói, tối hôm qua anh cũng đã từng thoáng nghĩ đến một giải pháp tương tự, nhưng anh đã lập tức gạt nó đi. Anh không thể nào tưởng tượng nỗi rằng Naôê dám làm một việc như vậy. Có thể đây là một cách giải quyết vấn đề, nhưng nó quá ư tàn nhẫn...
- Vậy tiên sinh sẽ nói với bệnh nhân là đã cắt bỏ hết những gì cần cắt bỏ?
- Tôi sẽ nói là tôi đã cắt bỏ những gì có thể cắt bỏ
- Nhưng chính ông cụ biết là có u rồi kia mà! Có một lần chính ông cụ cầm lấy tay tôi để lên bụng đúng vào chỗ có thể sờ thấy thớ thịt xo cứng lại.
Naôê lặng thinh.
- Ông cu sẽ hiểu là chúng ta lừa dối!
- Ông cụ sẽ hiểu hay sẽ không hiểu... Đoán trước như vậy phỏng có ích gì? Cứ làm rồi sẽ biết.
- Không thể coi bệnh nhân như một kẻ toàn toàn đần độn! Nếu ông cụ hỏi cho kỹ được thật ra bệnh của mình là bệnh gì, thì chúng ta sẽ trả lời sao?
- Có thể nói rằng ông ta bị một vết loét lan rộng.
Naôê thong thả cài khuy áo blouse. Kôbasi cảm thấy cơn giận lại bắt đầu sôi lên trong người anh.
- Dù sao cũng không thể dấu nổi một sự lừa dối!
- Ông cụ bị ung thư. Thành thử dù sao cũng đành phải nói dối.
- Nhưng mổ như vậy... chẳng lẽ lại cần phải nói dối đến mức ấy?
- Tất cả đều tùy quan điểm.
- Khi ông cụ biết ra sự thật, ông ấy sẽ cay đắng vô cùng.
- Có thể.
- Đến khi ông cụ than thở rằng mổ rồi mà vẫn không đỡ chút nào, thì chúng ta xử lý ra sao?
- Thì im lặng mà nghe.
- Thế nếu ông cụ dồn ta vào chân tường?
- Không dồn đâu.
- Tại sao?
- Khi cái chết đến gần, con người bao giờ cũng tự mình cảm biết được. Chúng ta không có nhu cầu phải nói rõ ra.
- Thế còn...
- Bệnh nhân sẽ im lặng khi biết rằng không còn ai có thể cứu mình nữa. Và đồng thời lại bấu víu lấy niềm hy vọng cuối cùng. Bệnh nhân sẽ không oán giận nếu người ta không nói với họ là họ bị ung thư...
- Nhưng tại sao, tại sao tiên sinh lại cho rằng bệnh nhân sẽ im lặng mà nuốt lấy sự dối trá ấy?!
- Tại vì bản thân họ không muốn tin vào sự thật khủng khiếp ấy! Họ không muốn nghĩ rằng đây là sự kết thúc. Tại vì họ sợ nghe sự thật. Họ sẽ biết rằng các bác sĩ nói dối, nhưng lại sẵn lòng tin lời bác sĩ. Nếu chúng ta sẽ im lặng, họ sẽ cố gắng tự thuyết phục mình. Xét cho cùng, chết trong khi vẫn tin vào một sự dối trá đầy sức an ủi cũng không có gì quá tệ.
Đột nhiên trong đôi mắt trũng sâu của Naôê hiện ra một nỗi buồn da diết, tuyệt vọng. Kôbasi chợt nghĩ: Hay có lẽ Naôê nói đúng?... Không! Dù sao làm như vậy vẫn đê hèn. Đó là một sự phỉ báng đối với con người.
- Tôi không thể chấp nhận điều đó được, - Anh nói, giọng rắn rỏi.
- Kôbasi - san! - trong giọng nói khe khẽ của Naôê nghe như lanh lảnh những âm thanh kim loại - Không được ủy mị!
- Tôi không hề ủy mị - Kôbasi nổi giận - Chẳng qua tôi muốn phụ vụ con người một cách thật trung thực, không cần đến sự dối trá.
- Anh là thấy thuốc hay là người nhà của bệnh nhân?!
- Dĩ nhiên tôi là thầy thuốc.
- Vậy thì hãy lập luận như một người thầy thuốc!
Naôê trùm lên Kôbasi một cái nhìn có sức hủy diệt, quay ngoắt đi và ra khỏi phòng điều hành.

°0°0°0°0°

Cuộc phẫu thuật được bắt đầu lúc hai giờ trưa như đã định. Trước đấy một giờ cụ Yôsiđzô Isikara đã nuốt một viên rabônal và bây giờ gần như đã ngủ khi người ta đẩy xe cáng và phòng mổ. Khi bắt đầu gây mên, ông cụ gần như líu lưỡi không nói được nữa.
- Xin bác sĩ... làm ơn... cố gắng... lão không muốn chết...
Kôbasi im lặng bắt mạch. Nhịp mạch và độ căng đều bình thường.
- Xin bác sĩ, - ông cụ lại thều thào, - cẩn thận cho... Đừng cắt nhiều quá.
- Cụ cứ ngủ đi. - Nôrikô cầm lấy tay Isikura. - Cụ săp ngủ rồi đấy. Xin cụ đếm: "một, hai, ba... ". Đếm chầm chậm.
- Được, được... Chỉ xin các vị đừng quên lời thỉnh cầu của tôi...
- Cho thuốc mê được chưa? - Nôrikô quay về phía Kôbasi. Anh im lặng gật đầu. Mặt anh bịt kín chỉ còn trông thấy đôi mắt.
- Nào, xin cụ đếm cho... một...
- Một...
- Đếm tiếp!
- Một...
Chất thuốc gây mê từ từ chảy vào đường tĩnh mạch xanh xanh cộm lên dưới lớp da khô héo của cụ già.
- Mô-ô-ột... Dễ chịu quá -
Cụ Iskura ngáp một cái và mấy giây sau thở đều đều.
Khi Naôê rửa tay xong, đeo khẩu trang và bước đến bà mổ, đồng hồ đã chỉ hai giờ ba mươi phút.
Ngọn đèn không hắt bóng chiếu sáng khoảng bụng trần của cụ Isikura lộ rõ giữa những tấp drap trắng thành một hình thoi đều đặn. Naôê chăm chú nhìn vào làn da nhăn nheo, rồi bàn tay đi găng cao su khẽ ấn lên chỗ dạ dày. Ở phần dưới dạ dày có thể sờ thấy một khối cứng cứng. Nó không cộm lên, nhưng khi ấn xuống, ngón tay lập tức gặp phải sự kháng cự, như thể chạm phải một vật thể cứng. Xem xét trên bề mặt khó lòng xác định đúng những đường giới hạn của khối u, nhưng hoàn toàn chắc chắn là nó không còn nhỏ hơn một nửa lòng bàn tay.
- Dao mổ!
Naôê ra lệnh vắn tắt trong khi ước lượng chiều dài của đường vạch.
Cụ Isikura đã ngủ say.
Vì mọi người đều biết rất rõ ràng phẫu thuật sẽ rất đơn giản, họ quyết định không mời bác sĩ chuyên gia về gây mê, mà giao cho Kôbasi làm việc này. Người phụ mổ là Nôrikô.
- Bắt đầu được chưa?
Kôbasi im lặng gật đầu. Con dao mổ ấn vào phía dưới lồng ngực, rồi chạy nhanh xuống bụng, đến gần rốn thì vẽ thành một hình bán nguyệt sắc nét chạy sang phải rồi lại chạy thành đường thẳng xuống phía dưới. Một đường mổ thông thường khi cần cắt bỏ một phần dạ dày. Mũi dao để lại ở phía sau một đường máu đỏ thẫm.
- Kẹp!
Naôê kẹp hay bên mép của đường rạch nhanh chóng chặn đứng dòng máu từ vệt mổ. Nhìn từ bên ngoài có thể thấy những động tác của ông có vẻ hơi chậm, nhưng mấy ngón tay đang nắm lấy các huyết mạch chuyển động không ngừng. Sau khi chấm dứt sự xuất huyết trong mấy phút, Naôê lại gọi dao mổ. Sau lớp da banh rộng, phía dưới các cơ thịt, có thể nhìn thấy chất mô dài màu trăng trắng của khoang bụng. Nôrikô cầm móc khẽ kéo cho các tổ chức tách ra. Naôê dùng cặp nhíp nâng khoang bụng lên một cách khéo léo và khẽ chạm mũi dao vào. Một lỗ nhỏ hình thành.
- Banh!
Naôê đưa cái banh vào chỗ thủng nhỏ xíu ấy và bấm mép bên phải lại. Ông keo căng cho lỗ thẳng căng sang bên trái. Bây giờ Nôrikô dùng móc kéo các cơ thịt một đằng lên phía trên, một đằng xuống phía dưới. Cô không cần đợi mệnh lệnh của Naôê: cô đã biết sẵn cần phải làm gì. Hai đôi tay của họ cử động theo một tiết tấu đồng nhất.
Trong vết rạch ba mươi phân được banh rộng có thể thấy các nội tạng phơi trần của cụ già Isikura, trong khi cụ không hề hay biết gì, vẫn ngủ rất say.
Bằng cái nhìn của người nghiên cứu, Naôê nhìn một lát những khúc ruột, đang co bóp đều đều như nhịp sóng, rồi bằng một động tác quả quyết ông thò mấy ngón tay đi găng vào khoang bụng... Những ngón tay tinh xảo của Naôê không ngừng sờ nắn, thăm dò... Sau khi cắt một cái hạch bạch huyết nở to, ông bỏ nó sang một bên, rồi nhấc cái dạ dày lên, nhòm xuống phía dưới. Ông vạch các vòng ruột ra để lộ vách sau của khoang bụng và sờ vào cột sống lưng.
Ông nhìn chăm chú đến nỗi có thể tưởng chừng ông đang cố ghi nhớ vĩnh viễn tất cả vào ký ức. Nhưng mắt ông là mắt một nhà khoa học nhiều hơn là mắt một thầy thuốc đang cố cứu bệnh nhân, và thân xác của con người trước mắt ông chỉ là một đối tượng nghiên cứu đã quen thuộc.
... Khi Naôê cuối cùng đã ngẩng đầu lên và rút hai tay ra khỏi khoang bụng thì tính từ lúc bắt đầu mổ đã trôi qua bốn mươi phút. Lúc bấy giờ là ba giờ mười phút. Trong thời gian này, nếu không kể việc cắt bỏ hai cái hạch bạch huyết, họ không hề làm một cái gì có thể tạm gọi là một phẫu thuật thật sự.
- Rõ rồi. Ta khâu lại.
Đột nhiên Nôrikô có một cảm giác kỳ dị. "Lục lọi xem xét khoang bụng của một con ngường kỹ đến như vậy... Chắc hẳng không phải mọi thứ đều rõ cả... " Song vẻ mặt của Naôê hoàn toàn thỏa mãn.
- Di căn rất nhiều... - Ông lẩm bẩm.
Nôrikô đã quen thuật ngữ này. Cô hiểu rằng toàn bộ đều bị tổn hại.
- Vậy tức là không thể làm được gì nữa sao?
- Chừng hai tháng là hết.
- Nặng thế ư?...
- Phía dưới dạ dày đầy di căn. - Trong mắt Naôê sáng lên một xác tin vững chắc. - Chỉ lụa số bốn!
Cầm lấy cái kìm cặp kim của Nôrikô đưa, Naôê nhanh nhẹn kéo hai mép khoang bụng lại và bắt đầu khâu. Khi ông khâu xong mũi cuối cùng, đồng hồ chỉ ba giờ hai mươi phút. Thường một phẫu thuật cắt đoạn dạ dày phải kéo dài từ một tiếng đến một tiếng rưỡi. Thì giờ còn thừa nhiều quá.
- Áp lực động mạch?
- Bình thường, - Kôbasi liếc nhiền áp kế rồi nói.
- Đúng cả. Đúng phải như thế: Lượng máu mất không đáng kể. - Với một nụ cười mệt mỏi, Naôê nhấc tay lên khỏi bụng bệnh nhân. Nôrikô từ phía sau bước nhanh tới và cởi dây áo blouse.
Naôê quay về phía cô.
- Để ông cụ ngủ ở đây nửa giờ nữa.
Nôrikô gật đầu
- Và đặt bình tiếp. Chỉ cần ghicôza năm phần trăm.
- Còn cái này đưa đi đâu? - Nôrikô giơ cáo cái lọ pênicillin đựng hai cái hạch bạch huyết vừa cắt bỏ.
- Gửi đi xét nghiệm.
Ông cầm lấy cái lọ, rồi lau vầng trán lấm tấm mồ hôi và đi sang phòng điều hành.
Một tiếng sau cụ Isikura tỉnh lại. Lúc bấy giờ Naôê đang ở phòng ngoại trú khám một bệnh nhân bị thương trong một tai nạn xe hơi. Chiếc taxi ông ta đi phanh lại ở đèn hiệu ngã tư, và vừa lúc ấy một chiếc xe khác từ phía sau đầm vào taxi. Sự va chạm mạnh làm cho đầu người khách bị hất ra sau, và ông ta thấy đau nhói. Bây giờ ông ta kêu là thấy nặng trong đầu và đau ở gốc cổ.
Sau khi khám qua, Naôê gửi ông ta đi chiếu điện rồi bước vào phòng bệnh nhân.
Dưới tấm chăn dày, thân hình cụ Isikura nằm trên giường trông như bẹp dí. Nghe những bước chân của Naôê, ông cụ mở mắt và mỉm cười niềm nở.
- Cụ đã tỉnh rồi ạ?
- Tiên sinh! Cám ơn tiên sinh nhiều quá.
Giọng ông cụ còn hơi khàn, nhưng nghe cũng khỏe khoắn.
Naôê bắt mạch cho cụ, xem lại bình tiếp huyết thanh. Ngồi cạnh giường ông cụ là người con dâu và một cô thiếu nữ trẻ măng chắc là một người cháu gọi ông cụ bằng ông.
- Bác sĩ đã cắt sạch hết cho tôi rồi chứ?
- Có một vài chỗ không cắt được, nhưng chính ổ bệnh thì đã thanh toán hẳn rồi.
Naôêe vừa trả lời vừa lấy cái ống nghe trên tay Nôrikô đặt lên ngực cụ Isikura. Cụ già nhắm mắt lại, háo hức nghe. Về trương lực tim không có gì thay đổi. Trước đây một giờ, Kôbasi trong khi báo cào về tình trạng bệnh nhân, đã nói rõ như vậy. Nói cho đúng ra thì không thể có gì khác được. Làm sao có được những sự lệch lạc trong khi một trái tim hoàn toàn khỏe mạnh sau một "phẫu thuật" như vậy? Bỏ cái ống nghe xuống Naôê xem lại lòng trắng mắt của cụ già, yêu cầu tụ le lưỡi ra xem.
- Tốt cả, không có gì phải lo. Bây giờ cụ cần ngủ cho đẫy.
- Thưa bác sĩ, thế bao giờ tôi có thể ăn cơm được? - Cụ Isikura sốt ruột hỏi.
- Độ bốn ngày nữa cụ sẽ ăn cháo được.
- Bốn ngày ạ? Tức là sẽ đau suốt bốn ngày?
- Phải chịu khó. Dù sao cũng là cắt đoạn dạ dày.
- Thế mà người ta cứ dọa tôi: ông mà ưng thuận cho người ta mổ thì chỉ có chết. Ngay từ đầu, tôi đã biết họ nói bậy hết. Tôi bảo là cứ cắt đi cho tôi. Thế là y như rằng, tôi nghĩ sao là đúng như vậ y! - Cụ Isikura đắc thắng nhìn sang người con dâu, - Ấy, tôi đã ngần này tuổi rồi mà chưa bao giờ đau ốm gì đáng kể. Còn đọ sức với thanh niên được!
Naôê mỉm cười
- Bao giờ các vị cho phép tôi xuống giường?
- Chắc khoảng mười ngày.
Isikura trầm ngâm nhìn ra khoảng không, biểu lộ đang tính nhẩm số ngày.
-Thế bao giờ thì cho tôi xuất viện?
- Kìa ông! - Người con dâu không ghìm được. - Ông không được nói chuyện nhiều thế. Nó sẽ yếu sức đi.
- Đến tháng hai tôi đã ra khỏi đây rồi nhỉ?
- Tôi không dám tiên liệu quá xa như vậy.
- Vâng-vâng, dĩ nhiên... - Cụ Isikura ngoan ngoãn gật đầu.
- Cụ nghỉ nhé - Naôê đứng dậy.
- Cám ơn bác sĩ.
Mấy người đàn bà cúi mình chào còn cụ Isikura thì hơi nhấc đầu lên khỏi gối một chút.
Trên tần của các phòng thượng hạng rất sạch sẽ, những bức tường trắng đều bóng lộn lên, trong các dãy hành lang có bày những chậu cây cao-su và dứa. Cố đi thật nhanh cho kịp Naôê, Nôrikô lo lắng hỏi.
- Chẳng lẽ có thể lừa bệnh nhân như vậy sao?
- Nhưng còn biết làm thế nào nữa?
- Chúng em cũng phải nói với ông cụ như vậy à?
- Dĩ nhiên.
Naôê bước đi, hai tay thọc vào túi áo blouse, mắt nhìn thẳng phía trước.
Ở phòng khám ngoại trú có một bệnh nhân đang đợi ông. Trong bệnh án có đề: "ba mươi lăm tuổi" nhưng trên hai thái dương tóc đã điểm bạc, và trên đỉnh đầu tóc thưa rõ rệt. Nói chung ông ta trông già hơn tuổi nhiều.
- Ông làm việc ở đâu?
- Ở tòa thị chính Tokyo, - người đàn ông trả lời, bàn tay để sau ót. Tên ông ta là Kuwana.
- Như vậy tức là lúc bấy giờ ông đang đi...
- Đi công chuyện, rồi sau đó sẽ trở về sở.
Kỹ thuật viên X-quanh đã đem tới những tấm phim rửa gấp chụp các đốt xương sống vùng cổ của Kuwana, dùng cặp treo lên tấm kính sáng thành một dãy. Ảnh chụp từ nhiều góc độ khác nhau: từ phía trước, từ một bên, cái thì chụp đầu nghiêng về phía trước, cái thì chụp đầu ngả về phía sau, cả thảy sáu tấm. Không có một tấm nào cho thấy có sự lệnh lạc.
- Cột sống lành lặn, - Naôê nói.
Naôê bắt đầu viết kết luận vào bệnh án. Kuwana trầm ngâm xem xét những đường viền của mấy đốt xương của bản thân được tấm kính mờ soi sáng từ phía sau. Phía trên cái cột nhỏ gồm bảy đốt xương sống chồng lên nhau có một vùng sáng rộng hiện lên trăng trắng - đó là hộp sọ.
- Vào lúc đụng xe, khi cái đầu hất đột ngột về phía sau, có một số huyết quản nhỏ và một số thở của tổ chức cơ. Chính tình trạng đó gây nên đau đầu và những cảm giác khó chịu ở vành cổ, nhưng không có hiện tượng vỡ hay xê dịch các đốt xương sống.
- Hóa ra tôi chỉ bị trẹo cổ thôi ư?
- Theo ngôn ngữ khoa học thì không gọi như vậy. Thành ngữ "trẹo cổ" chỉ nguyên nhân của tình trạng chứ không phải bản thân tình trạng.
- Thế nếu gọi theo khoa học thì thế nào ạ?
- Giãn hệ dây chằng ở vùng cổ của cột sống.
Người đàn ông lại chăm chú nhìn mấy tấm phim X-quang. Phía trên cái cằm chạy hai hàng răng và trong số răng có một cái nổi rõ lên: đó là một cái răng giả bằng kim loại. Kuwana thận trọng sờ lên cổ.
- Nói một cách khác. Hệ dây chằng nối liền các đốt xương sống này tạm thời bị yếu đi, - Naôê giảng giải.
Cánh cửa bổng mở ra và trên ngưỡng cửa một viên cảnh sát xuất hiện. Sau lưng y thấp thoáng bóng dáng một người trẻ tuổi. Mặt người cảnh sát, Naôê thấy quen quen. Đó chính là người cảnh sát trực cách đây ba ngày đã đưa tên du đãng sau rượu vào bệnh viện.
- Thưa bác sĩ, bây giờ tôi nên thế nào ạ? - Kuwana hỏi.
- Ông chẳng có gì đáng sợ. Nhưng phải một tháng mới hết đau, không sớm hơn.
- Không cần nằm bệnh viện chứ ạ?
- Không. Chẳng qua ông nên cố giữ một chế độ yên tĩnh hoàn toàn. Trong tình trạng này nhiều khi vào ngày thứ hai hay thứ ba cảm giác đau tăng lên.
- Xương không sao chứ ạ?
- Ông đừng lo.
- Như thế nghĩa là xương vẫn lành lặn... - viên cảnh sát quay về phía người trẻ tuổi đứng sau lưng nói.
- Anh kia là gì, người gây ra tai nạn phải không? - Naôê hỏi. Nghe tiếng nói của ông, người trẻ tuổi sợ hãi ngẩng đầu lên. - Địa chỉ?
- Khu Sêtagaya, Phố Staghenđzyaya..
Người trẻ tuổi là một sinh viên năm thứ hai trường đại học.
- Sự việc xảy ra như thế nào?
- Cái xe thể thao của anh ta đâm và đít chiếc taxi - viên cảnh sát trả lời thay cho người trẻ tuổi - Cái xe taxi chẳng sao, chỉ có cái thanh chắn sau bị vẹt một tí, còn xe của anh này thì cả hai cái đèn phía trước đều vỡ tan.
- Giấy bảo hiểm của anh hợp lệ đấy chứ?
Người trẻ tuổi gật đầu và nhìn ra phía khác. Nôrikô ghi địa chỉ và số điện thoại của anh ta vào bệnh án.
- Ông sang bên kia tiêm.
Kuwana đưa mắt nhìn một lần nữa, chành sinh viên mặc săngđdai rồi đi sang phòng ghi danh.
Viên cảnh sát quay về phía người trẻ tuổi.
- Anh ra ngồi ở phòng khách đợi một chút. tôi cần bàn với bác sĩ một lát.
Người thanh niên ngoan ngoãn đi ra.
-Thưa bác sĩ, thế còn cái gã bệnh nhân kia thì sao ạ?.. Cái gã bị nhốt vào toa-lét ấy mà... Hắn không phá phách gì chứ ạ?
- Không.
- Thế bạn bẹ hắn có kéo đến bệnh viện nữa không ạ?
- Hình như có đến một lần, nhưng tôi không gặp.
- Tôi cứ lo bác sĩ gặp những chuyện lôi thôi.
- Anh lo cũng phải.
- Thế ạ? - Viên cảnh sát bối rối. - Có việc gì xảy ra hay sao ạ?
- Cái số tiền ba mươi ngàn mà họ ứng trước đã sắp hết.
Nghe nhắc đến tiền bạc, viên cảnh sát ngượng nghịu cúi đầu, như thể chính anh ta định quịt số tiền phải trả thêm.
- Còn đủ được đến ngày nào ạ?
- Hôm qua tôi có hỏi ở phòng văn thư: họ nói là khoảng hai ngày nữa.
- Chỉ thế thôi ạ?
- Phòng của anh ta nằm dù không điều trị cũng phải trả ba ngàn yên một ngày, thành thử ba mười ngàn yêu trên thực tế chẳng là cái gì cả. Thậm chí cũng không đủ chụp một tấm X-quang.
- Xin bác sĩ thứ lỗi cho tôi.
- Sao anh lại phải xin lỗi?
- Mấy tên cùng bọn với hắn không thể nào lại không có tiền...
- Tôi đã nói từ đầu rồi, hễ hết tiền là tôi cho xuất viện.
- Thế hiện nay hắn ra sao rồi ạ?
- Vết thương hơi bị mưng mủ... Không sao, điều trị tiếp theo chế độ ngoại trú cũng được.
Naôê đến cạnh lavabô và bắt đầu rửa tay.