Đoàn trưởng Tiêu mở cửa xe đẩy tôi lên, và nói:
- Anh đến ăn Tết với anh em thì hay quá rồi. Đêm nay, phải cho anh đón giao thừa giữa rừng! Ngay cái nơi mà chúng mình đã đốt lửa qua đêm, mười hai năm trước!
Bao nhiêu vui mừng, ngạc nhiên xô đến lòng tôi cùng lúc với cái giật mạnh của chiếc xe con đang chồm về phía trước. Tôi phải bíu lấy cánh tay anh và hỏi to trong tiếng máy nổ vang:
- Vào Khe Beo à?
- ừ, Khe Beo!
Tôi chợt dậy lên những kỷ niệm cũ. Lần ấy, từ thị trấn nhỏ miền núi này, tôi theo tổ tìm than mỡ của anh, đi xuyên rừng mất năm hôm, qua Bản Nứa, Bản Mây, Suối Nai, Suối Cạn mới đến Khe Beo. Đêm đó, chúng tôi đốt lửa giữa rừng, bên thung lũng ven khe, ngồi chờ sáng. Tôi buột miệng hỏi:
- Kỹ sư Thanh giờ ở đâu?
Phải một lúc, anh mới đáp:
- Hy sinh rồi! Năm 1968. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.
Tôi lặng người đi. Phải nói thật rằng trong số những anh em chuyến ấy, người bạn tôi thân nhất là Thanh. Thanh lúc đó hai mươi lăm tuổi, người Bà Rịa, cùng quê Nam Bộ. Anh là lính trinh sát cũ, tập kết ra Bắc được đi học Liên Xô, tốt nghiệp kỹ sư địa chất. Đêm ấy tôi và Thanh cùng phiên gác. Ngồi bên đống lửa, Thanh kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện. Nào chuyện người yêu của Thanh, con gái Hà Nội chính cống, sinh viên khóa địa chất đầu tiên của ta. Nào những chuyện mơ ước tìm tòi đầy hấp dẫn của những người địa chất. Nào những cảm xúc, những nhận xét về thiên nhiên của những người đi rừng mà tôi thích thú ghi kín nửa quyển sổ tay. Đang câu chuyện, Thanh chợt dừng lại, lắng nghe những tiếng sột soạt giữa rừng đêm. Anh vớ lấy đèn pin, chiếu về hướng khe suối trước mặt. Hai đốm lửa đỏ rực, lóe lên như hai cục than hồng tóe ra những tia sáng kỳ dị. Thanh vụt nắm chặt cánh tay tôi. giọng hơi lạc đi:
- Hổ kia!
Tôi dựng Tiêu dậy. Thanh chộp lấy súng, đòi bắn. Tiêu không cho và bảo đốt lửa to lên. Hóa ra mải chuyện, chúng tôi đã để lửa lụi dần. (Sáng ra, đến xem, ven khe vết chân hổ to như cái bát!).
Để xua không khí rờn rợn, Thanh với lấy túi địa chất bày những mẫu than, mẫu đá ra, vừa nâng niu săm soi ngắm nghía vừa giảng cho tôi nghe về trầm tích học, về sự hình thành của các vỉa than. Nào là mấy trăm triệu năm trước vùng này ra sao, nào là giới prô-tê-ô-zôi,
pa-lê-ô-zôi, nào là hệ cam-bơ-ri, đê-von, tri-át. Thanh bảo rằng anh thích ngành địa chất vì ngành này giúp anh tìm than cho miền Bắc bây giờ và tìm dầu mỏ cho miền Nam khi nước ta thống nhất. Tôi nhớ ánh mắt anh lúc đó: Theo lý thuyết thì quê anh phải có dầu mỏ! Anh cất những mẫu than vào túi và tiện tay, phủi những hạt bụi than cho rơi cạnh đống lửa hồng. Than vụt bắt cháy, phát lên một ngọn lửa nhỏ đủ màu hồng, vàng, lam, biếc, đẹp vô cùng. Bỗng Thanh chộp lấy tay tôi, bóp mạnh:
- Anh có thấy cái màu kỳ lạ kia không?
- Đâu?
Thanh vơ vội túi, lấy một mẫu than, ghè ra. Rồi anh lại rắc những mẩu than vụn lên lửa. Tôi thấy tay anh run run và mắt sáng lên như hòn than nghiêng đúng góc độ nào đó bỗng ánh lên tia sáng của mặt trời. Rõ ràng có cái gì làm anh xúc động mạnh. Nhưng lần này, vẻ mặt anh ỉu lại, đôi mắt thăm thẳm đen. Anh lại ghè than và lắp lại cái việc rắc than lên lửa mấy lần. Tôi thấy lạ, hỏi. Anh trầm ngâm đáp:
- Những lần trước, đi tìm kiếm trên vùng này, tôi có mang về một số mẫu than nhờ phân tích. Nghiên cứu những kết quả, tôi chợt để ý đến một nguyên tố: Giéc-ma-ni-om. Hàm lượng của nó trong các mẫu rất thấp nhưng có một mẫu thì cao vọt hẳn lên. Những chuyện ngẫu nhiên như vậy trong địa chất cũng là thường, anh ạ. Nhưng sao điều đó cứ ám ảnh tôi. Tôi đặt giả thuyết. Tôi tìm sách đọc. Tôi tra hỏi những hiểu biết của con người về nguyên tố đó, mà tôi có thể tra được. Tôi bị nó dằn vặt nhiều đêm. Và vừa rồi, tôi lại trông thấy màu của nó như đã có lần tôi trông thấy màu ấy ở quang phổ! Chẳng lẽ tôi buồn ngủ, mơ đi?
Giéc-ma-ni-om! Tôi cũng bị xúc động mạnh. Tôi đã nghe nói đó là một nguyên tố quí và hiếm, về mặt nào còn hơn cả u-ra-ni-om. Cho nên tôi nhớ mãi phút ấy như người con gái nhớ lại lần đầu người yêu nắm tay mình và nói lên cái chữ kỳ diệu của cuộc sống!
Chúng tôi ngồi bên nhau khá lâu cho đến khi Thanh vỗ vai tôi, chỉ ngôi sao mai như hòn ngọc biếc long lanh trên nền trời nhung tím. Ô! ở trên núi thấy sao mai to hơn, sáng hơn và gần gũi hơn ở đồng bằng! Tôi nói nhận xét đó. Thanh gật đầu ngay:
- Đúng! To, sáng và gần hơn, thân thiết hơn. Này, khi nào bắt đầu khoan thăm dò than của vùng này, tôi sẽ lập một phương án đề nghị nghiên cứu chuyên đề Giéc-ma-ni-om. Theo lý thuyết, nó có trong than nâu, than mỡ. Vùng này là than gầy, có quá trình biến chất cao hơn. Nhưng, biết đâu chúng ta lại chẳng có cuộc gặp gỡ với một qui luật mới.
Một tứ thơ vụt đến, tôi đứng lên, đập vào vai Thanh:
- à này, màu sao mai trên núi: màu giéc-ma-ni-om!
Thanh bóp chặt tay tôi:
- Không hẳn đâu.
Nhưng đang cảm xúc, tôi viết luôn mấy câu thơ có cả sao mai và giéc-ma-ni-om. Thanh cười:
- ừ, phương án ấy tôi sẽ đặt cho nó cái bí danh là Sao Mai.
Cho nên, kỷ niệm của tôi về Thanh có thể nói là kỷ niệm sâu sắc đầu tiên về những người địa chất.
*
Chiếc xe rời con đường chiến lược, ngoặc vào rừng. Đêm đổ xuống. Hai ngọn đèn pha không đẩy ra xa được màn sương vùng núi đêm ba mươi Tết. Vậy mà xe vẫn hùng hổ leo dốc. Tôi nhìn phía trước. Hầu như không có đường. Mà xe bò lên đỉnh núi theo một dòng suối cạn! Anh tài trẻ đánh vật với tay lái, tay số, ga và phanh. Tài xế này cũng khét mùi tài xế địa chất đây! Rõ là quân địa chất! Càng đêm, xe càng đi sâu vào rừng già. Tôi và đoàn trưởng Tiêu chỉ nói chuyện nhát gừng vì chúng tôi đang túm chặt lấy xe như túm bờm ngựa chứng và nhiều lúc ngã xô vào nhau dúi dụi.
Đột nhiên, ở cửa kính phía trước, tôi thấy thấp thóang qua cây rừng và màn sương, một mảng trời đầy sao lấp lánh! Tôi còn chưa tin ở mắt mình thì đoàn trưởng Tiêu nói to bên tai tôi:
- Khe Beo đấy!
Đặt chân xuống đất mà tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Thung lũng Khe Beo tràn ngập ánh điện. Từng dãy nhà xinh xắn, ngay hàng thẳng lối, mọc lên khắp các ngọn đồi chung quanh.
Đoàn trưởng Tiêu giành xách hành lý, dắt tôi thẳng đến nhà khách bên kia suối. Kỳ lạ thật! Đây là con suối năm xưa chúng tôi đã xuống rửa mặt, lấy nước nấu cơm, và đã thấy bờ suối in những vết chân hổ to bằng cái bát!
Một chiếc cầu bắc ngang qua suối làm bằng những ống khoan cũ, to như cổ chân, hàn lại với nhau. Chiếc cầu cong, to rộng, vững chắc hầu như quá đáng, kiểu mường tượng như cầu Thê Húc của Hồ Gươm vậy! Dọc thành cầu, hai dãy đèn điện xanh, đỏ, tím vàng! Tôi cứ mê đi, tưởng mình đang chơi giao thừa ở đền Ngọc Sơn!
Đoàn trưởng Tiêu vội cắt nghĩa:
- Đừng tưởng chúng tôi lãng phí nhé. Những mùa lũ trước, chúng tôi đã bị trôi mất ba cầu, kiên cố chẳng kém cầu này! Làm to là vì bắt buộc nó phải thế mới trụ nổi giữa rừng. Còn đèn xanh đỏ là vì hôm nay giao thừa. Đêm nay, chúng tôi vẫn phải làm việc. Công nhân mà. Tôi muốn dành cho anh nhiều ngạc nhiên của một đêm giao thừa nên không nói trước.
Chúng tôi đến nhà khách. Sau khi hướng dẫn mọi điều cần cần thiết và chờ tôi rửa mặt xong, hết một tuần trà, đoàn trưởng Tiêu nói:
- Đêm nay, tôi cũng rất bận vì công việc sản xuất. Anh sang làm quen với một kỹ sư vừa ở Tổng cục về đây ít lâu, đang nghiên cứu một chuyên đề. Chốc nữa, đồng chí ấy cũng xuống một tổ máy khoan. Đồng chí ấy sẽ dắt anh đi. Thế là hoàn toàn đúng yêu cầu của anh nhé.
Anh đứng dậy, chỉ sang phòng bên, nói tiếp:
- Bên đó trước là phòng của chuyên gia giúp ta đặt máy khoan sâu. Việc xong đã lâu, họ rút hết rồi. Chúng tôi để đồng chí ấy ở tạm và làm việc.
Anh dắt tôi sang gõ cửa phòng. Có tiếng phụ nữ đáp:
- Mời vào.
Cửa mở. Ngay phút đầu, gian phòng cho tôi một cảm giác lộng lẫy, với đồ đạc sang và ánh đèn ống mát dịu, giữa một cánh rừng già. Đặc biệt là chiếc tủ kính, trong có nhiều sách, những mẫu than, đất, những lát đá được mài hết sức mỏng.
Cũng cần nói thêm trong cái đêm Tết này, là phía trên cửa sổ căng tấm đăng-ten trắng, trước bàn làm việc treo một giò phong lan với chùm hoa dài, nở căng, đẹp choáng váng! Chị phụ nữ đang ngồi trước chiếc kính hiển vi dưới giò phong lan ấy, khẽ quay đầu lại:
- à, anh Tiêu. Có tin tức gì của Lan Anh cho tôi chưa?
- Chưa. Cô cần lắm phải không? 0 giờ đêm nay sẽ có thêm một lần liên lạc. Chắc là có điện chúc Tết của Tổng cục. Nếu có tin cho cô, tôi sẽ đưa ngay.
Chị phụ nữ định nói thêm gì đó, nhưng chợt thấy khách lạ, chị thu dọn mặt bàn, đứng lên chào. Đoàn trưởng Tiêu giới thiệu:
- Chị Phương Mai, kỹ sư địa chất, cán bộ Tổng cục.
Anh cũng không quên nói rằng tôi được Tổng cục "đặc biệt giới thiệu về đây để ăn tết với anh em địa chất"!
Bàn giao và dặn dò xong xuôi, anh bắt tay tôi, quay đi với công việc của anh.
Phương Mai mời tôi ngồi sang bộ bàn ghế trúc và pha trà đãi khách. Cô trạc ba mươi tuổi, nhanh nhẹn trong chiếc áo len dài tay màu tím Huế. Cổ quàng một chiếc khăn màu hoa cà, mỏng và nhẹ như một đám mây. Cô đáp lời tôi, với cái duyên dáng và lịch sự của người Hà Nội:
- Cảm ơn anh, tôi được một cháu gái.
- Anh ấy công tác ở đâu, chị?
- Cùng ngành với tôi, anh ạ.
Tôi thấy đôi mắt đen của cô dường như thăm thẳm, buồn buồn. Cô sửa mái tóc có lẽ đã lâu không có dịp làm lại, buông gần chấm vai, còn lưu ở đuôi tóc những làn sóng nhẹ.
- Chị về đây nghiên cứu chuyên đề gì?
Phương Mai chuyển tách nước sang, mỉm cười mời tôi, tránh câu hỏi. Đôi má lúm đồng tiền làm cho nụ cười thêm tươi, trên gương mặt trái xoan, da hơi xanh dưới ánh đèn ống. Tôi nhận thấy điều đó nên vội cười chữa:
- Có lẽ tôi.
Phương Mai cũng cười:
- Không sao anh ạ. Thỉnh thoảng tôi vẫn phải trả lời với bạn bè. Chuyên đề tôi đang nghiên cứu gọi là chuyên đề Sao Mai.
Tôi tròn mắt, ngạc nhiên hết sức, và không kìm nổi tiếng thốt bật ra:
Giéc-ma-ni-om?
Tiếng chiếc tách trên tay Phương Mai rơi xoảng trên mặt đĩa. Đến lượt cô tròn mắt nhìn tôi. Cô đánh rơi luôn cả sự chủ động từ nãy giờ của một người tự tin. Cô lẩm bẩm như nói một mình:
- Chẳng lẽ anh Tiêu lại.
Tôi cải chính:
- Không. Anh Tiêu chẳng nói với tôi một tí gì về công việc của chị.
- Thế thì ai.
Tôi hiểu ngay mối băn khoăn của cô nên nói:
- Chị đừng lo. Đây chỉ là một sự tình cờ. Tôi biết chuyên đề Sao Mai vì một người bạn tôi nghĩ ra tên ấy, ngay tại chỗ này hơn mười năm trước.
Và tôi kể lại chuyện cũ. Sắc mặt Phương Mai thay đổi nhiều lần. ánh mắt cô nhiều lúc sáng lạ, nhất là lúc tôi ca ngợi người bạn tôi, ca ngợi cái phút giây lóe sáng trí tuệ của người địa chất, người làm công tác khoa học, rất quí và rất hiếm như giéc-ma-ni-om ở trong than vậy.
Phương Mai bỗng ngồi xuống ghế. Nước mắt cô ứa ra. Và không giấu tôi sự xúc động ấy, cô nói:
- Vậy hóa ra anh Minh là anh?
Tôi hơi ngạc nhiên bởi câu hỏi lạ, vì nãy giờ nói chuyện với tôi, cô vẫn gọi đúng cái tên đó, theo lời giới thiệu của anh Tiêu cũng như tôi vẫn gọi tên cô là Phương Mai. Cô thân mật nói:
- Anh Thanh em trước đây, mỗi lần bàn đến chuyên đề Sao Mai là nhắc đến anh. Nhắc đi nhắc lại cái đêm giữa rừng mà anh vừa kể cho em nghe.
Đến lượt tôi ngã vào thành ghế. Tôi thật xúc động. Vậy hóa ra Phương Mai là cô! Tôi nghĩ đến Thanh.
Phương Mai đứng dậy mở tủ kính, lấy ra một tập ảnh. Này là Thanh đang đeo ba lô, tay cầm búa, tay chống nạnh, đang cười rất tươi ở giữa rừng, trong một cuộc lộ trình tìm kiếm. Vẫn đôi mắt sáng ấy, vẫn nét mặt cương nghị ấy. Này là gia đình nhỏ của Thanh: Thanh trong chiếc áo bơ-lu-dông màu sẫm bên cạnh Mai trong chiếc áo len dài tay và chiếc khăn voan (đúng là chiếc áo len màu tím Huế thủy chung Mai vẫn mặc đây); Mai bế một cháu gái chừng một tuổi, gương mặt cháu giống mẹ và đôi mắt sáng thì giống bố như đúc. Này là Thanh trong bộ quân phục mới với cấp hiệu trung úy công binh trên ve áo. Mai nói:
- Anh Thanh em đi bộ đội cuối năm 1965. Anh làm địa chất điều tra mở một tuyến mới trên Trường Sơn. Đến năm 1968. Các đồng chí kể lại, hôm đó, trong khi anh đang khảo sát thì.
Giọng Mai nghẹn lại. Tôi nghĩ rằng không nên hỏi thêm. Mai cũng lật tiếp ảnh: Một cháu gái, đúng cháu gái ấy, lớn hơn một chút và gương mặt càng giống mẹ, đôi mắt càng sáng hơn. Tôi hỏi:
- Cháu tên gì, chị?
Phương Mai cười:
- Anh thử lật phía sau mà xem.
Tôi làm theo lời Mai. Sau ảnh, một dòng chữ:
"Sao Mai của bố Thanh lúc 5 tuổi. Ký: Phương Mai."
Tôi nhìn Phương Mai. Đôi mắt đen buồn bỗng ánh lên, như ánh sáng xanh của ngôi sao mai báo hiệu một ngày mới. Cô tủm tỉm:
- Cháu Sao Mai nay đã bảy tuổi, học lớp một. ở nhà, mỗi lần bà cháu hỏi "Sao Mai quê ở đâu?", cháu đáp ngay: "Quê cháu ở Bà Rịa"!
*
Rừng đêm. Phương Mai đi trước dẫn đường. Ngọn đuốc trong tay tôi xua bóng đen và màn sương giá lạnh. Thỉnh thoảng nứa nổ lép bép. Giờ này quanh Hồ Gươm, pháo đốt nhiều phải biết! Đường ô tô xuyên rừng, quang đãng, đi bộ thấy nó phẳng hơn nhiều. Tùng quãng, thấp thoáng mấy nếp nhà riêng của gia đình cán bộ, công nhân. Nhiều nhà đèn còn sáng. Tôi cố hình dung lại Khe Beo cũ. Ngọn lửa hơn mười năm trước đã sáng tại nơi nào ở đây nhỉ? Nghĩ đến Thanh, tôi nói vui:
- Anh Thanh trước sau cũng là lính trinh sát. Vì địa chất là trinh sát của công nghiệp lớn. Mà người trinh sát thì có một con mắt thứ ba, chị Mai ạ.
Phương Mai quay lại cười:
- Nhưng trước sau gì em cũng bảo với anh Thanh em: cái màu Sao Mai mà anh thấy trong rừng đêm đó chỉ là do anh tưởng tượng ra thôi.
- Nhưng.
Cô kỹ sư địa chất không đợi tôi nói hết:
- Anh Thanh vẫn cứ cãi em. Nhưng đó chẳng qua là mơ ước của anh với lý luận mà anh đã học và những quang phổ mà anh đã có dịp thấy, cộng với sương mù Khe Beo, rừng đêm và tiếng hổ sột soạt. Nói tóm lại, đó là hiện tượng tâm lý chứ không phải hiện tượng khoa học.
- Ước mơ mà thành hiện thực, không khoa học sao được?
Phương Mai chỉ vào một khe suối phía trái:
- Ta rẽ lối này, đi tắt lên gần hơn anh ạ.
Những chiếc ủng cao su của chúng tôi giẫm lạo xạo lên đá cuội dưới lòng suối. ánh đuốc soi dòng nước trong đang vỡ ra phát đi những làn sóng lan dài. Tôi chưa từng bao giờ đi rừng đêm và thấy suối đẹp đến thế. Lòng suối biến ảo những màu của vàng, bạc, kim cương lóng lánh.
- Anh Thanh thật là một người biết ước mơ.
- Em thì em lại thích cái tính làm việc khoa học của anh Thanh hơn là những điều anh mơ mộng.
Tôi vội hỏi ngay:
- Khoa học như thế nào, chị có thể nói cho tôi nghe.
Phương Mai lúng túng, chẳng biết vì cô thấy không tiện khen chồng mình trước mặt bạn, hay là vì lẽ gì khác:
- Cũng khó nói, vì. anh không ở trong nghề. Em lấy một vài câu chuyện vặt thôi. Ví dụ: Lúc thăm dò sơ bộ, anh Thanh em gởi phân tích một số mẫu. Kết quả thật khác xa nhau; hàm lượng Sao Mai trong than chỉ mấy phần triệu, có mẫu thì lại đến năm phần vạn. Tiện thể, nói anh biết: nếu xác định hàm lượng là hai phần vạn thì coi như thiết kế khai thác được rồi. Nếu trên năm phần vạn thì mỏ này không gọi là mỏ than, mà người ta sẽ gọi nó là mỏ Sao Mai! Em trở lại những kết quả. Những kết quả làm em nản lòng. Lúc đó Mỹ đã bắt đầu đánh Hà Nội. Anh Thanh em đã đi bộ đội và đúng cái đêm anh trở về nhà trước khi vào tuyến lửa, trong một đợt bom, điện mất, anh Thanh em nói: Chúng ta tiến hành phân tích mẫu trong điều kiện dòng điện không ổn định cho nên kết quả không ổn định. Đầu óc em chợt lóe sáng: anh Thanh em.
Đuốc hết. Tôi dừng lại đốt tiếp bó khác. ánh lửa mờ đi. Bóng đêm như trùm xuống. Nghe rõ tiếng suối thì thầm và bầu trời đen như đặc hơn, lạnh hơn. Chợt trong bầu trời đêm ấy, tôi nhìn thấy một ánh sáng. Đúng, ánh sáng cao, xa xa, như một ngôi sao. Lạ thật! Một ngôi sao giữa rừng, đêm ba mươi Tết! Tôi hỏi Phương Mai. Cô nhìn lên và chợt bật cười. Tiếng cười trong như nước suối vang vang rừng đêm:
- Sao Mai đấy anh ạ! Anh không biết ư?
Cô lại cười như cố ý trêu tôi.
Chúng tôi tiếp tục leo dốc. Trước mặt tôi, ngôi sao của Phương Mai càng lúc như càng gần lại.
- Theo ý anh Thanh, em đề nghị phân tích lại, vạch ra một loạt biện pháp mới mà trình độ hiểu biết của em cho phép trong đó có việc tìm cách khống chế dòng điện cho thật ổn định. Và kết quả rất khích lệ: tất cả các con số đều suýt soát trên dưới hai phần vạn! Em viết thư cho anh Thanh em. Sau đó anh Thanh em. Lúc nãy, em chưa kể với anh trường hợp anh Thanh em hy sinh. Một quả bom địch xuyên sâu lòng đường. Và quả bom ấy đã nổ.
Chúng tôi đến một hồ nhỏ. Mặt nước bắt ánh lửa đuốc loang loáng bạc. Tiếng máy rì rầm đâu đây.
- Máy bơm nước lên cho máy khoan. Chúng ta sắp đến rồi. Anh ạ, có những lúc chúng mình làm việc thiếu trách nhiệm và kết quả thật là. Cho nên em thấy phải đến tận máy khoan lấy mẫu sao cho như tự tay mình moi nó ra nguyên vẹn, từ trong lòng đất. Anh em thợ tốt lắm. Họ chưa hiểu hết khoa học, chưa hiểu hết yêu cầu của mình nên lúc đầu nhiều khi cũng. ẩu. Nhưng một khi anh em đã hiểu thì. Họ thật là những người tuyệt vời. Em thử hỏi anh, với đôi bàn tay này, em làm sao moi được những mẫu than từ ngàn thước sâu dưới lòng đất, trọn vẹn, tươi nguyên?
Phương Mai chìa đôi tay búp măng mềm mại ra trước mặt.
- Kết quả của em và các anh thợ mấy tháng qua đưa em đến một kết luận: hàm lượng Sao Mai ở đây phải trên năm phần vạn! Nhưng phải chờ câu trả lời chính thức của Lan Anh, sau khi qua những sự phân tích khoa học nhất mà con người hiện nay biết đến.
Đúng lúc đó, giữa đỉnh núi, hai đốm lửa hồng bỗng lóe sáng. Tôi hỏi Mai:
- Gì thế nhỉ?
Mai cười:
- Hổ đấy. Anh sợ à? Con hổ năm xưa của các anh không dám lảng vảng trong bán kính trăm cây số lại đây đâu. Vùng này đang thăm dò tỉ mỉ. Khắp nơi đều có máy móc và công nhân. Các anh thợ khoan đi đón em đấy. Mọi khi lấy mẫu, các anh vẫn về đón em tận nơi.
Thật quả như thế. Và đốm sáng trên bầu trời đêm ba mươi mà lúc nãy tôi tưởng là một ngôi sao, thật ra là ánh đèn hiệu trên đỉnh tháp khoan của các anh.
*
Chúng tôi lên đến tháp khoan khi anh em đang kéo cần. Chiếc Zíp 650 chạy đều đều, không hối hả. Mùi dầu đi-ê-den hăng sực. Những chiếc cần khoan to bằng cổ chân, dài hàng chục mét lần lượt được kéo lên, tháo ra, xếp một bên. Anh em công nhân trông thấy Phương Mai đều tươi lên. Ai cũng nói to, vì tiếng máy nổ vang:
- Có quà Tết cho anh em không, chị Mai ơi?
Phương Mai vỗ vào chiếc túi đeo bên hông:
- Có đây!
- Tuyệt quá! Chị ăn bánh chưng không? Bóc cái đầu tiên cho chị Mai, các cậu ơi!
Phương Mai giơ tay ngăn:
- ấy, để giao thừa!
- Sắp rồi!
Nói thế chứ ai đứng đâu vẫn đứng đấy. Đang kéo cần khoan mà.
Trên đỉnh núi, gió thổi ào ào, rét tê tái. Những chiếc liếp che chắn xung quanh tháp khoan không đủ ngăn gió. Mấy ngọn đèn điện run rẩy, hắt ánh sáng vàng đu đưa làm cho không khí thành ra hư hư thực thực giống như trong một chuyện cổ, kể đêm giao thừa, bên nồi bánh chưng.
Phương Mai bước vào góc lán, cởi túi đeo treo lên mắc, thân thuộc như người trong tổ. Cô giở nhật ký khoan ra xem. Tôi cũng đứng ngắm bản thiết đồ địa chất dự kiến và bản thiết đồ cột địa tầng lỗ khoan thực tế vẽ trên giấy kẻ ô ly màu vàng nhạt. Hai cột thiết đồ ấy dường như chẳng sai nhau là mấy. Phương Mai nói:
- Đây là một trong những tổ khoan vào loại nhất của Đoàn. Máy khoan sâu 650 mét để bắt hai vỉa than mới. Vỉa số 1, em nghi hàm lượng Sao Mai có đến ba hay bốn phần nghìn cơ! Còn vỉa số 2 đây thì đang khoan. (Cô giơ bút chỉ lên cột địa tầng dự kiến). Vỉa này ở độ sâu 580 mét, chạy từ hướng Tây Bắc đến, qua lòng núi này, rồi theo con suối lúc nãy ta đi qua mà đổ về hướng Đông Nam.
Ba, bốn phần nghìn! Nếu cái điều Phương Mai nghi mà lại đúng thì. Tôi thấy như vừa uống một hớp rượu mạnh. Tôi nhìn Phương Mai. Cô hơi lúng túng vì có lẽ đã nói ra một điều chưa nên nói. Cô quay đi xem mấy hộp mẫu.
Trong những hộp gỗ, chia từng ngăn dài song song, những mẫu đá xếp theo thứ tự trên dưới của chúng như chúng vốn nằm dưới lòng đất. Những mẫu đen sẫm, nhiều mẫu trắng ngà vân vân xám, nhẵn thín, trong ngon lành như những chiếc giò lụa. Phương Mai mở sổ ra ghi. Cô và anh tổ trưởng khoan cùng nhau xem xét, kiểm tra cẩn thận mọi việc rồi lại cùng nhau vạch ra một mệnh lệnh về chế độ khoan và lấy mẫu, sao cho máy khoan mang lên mặt đất một ống mẫu đầy đủ nhất, trọn vẹn, tươi nguyên như lời Phương Mai nói với tôi lúc nãy.
Mọi việc xong xuôi. Cô mỉm cười hỏi tôi:
- Anh có rét không? Mời anh sang đây.
Chúng tôi sang một mái lán riêng, kín đáo. Dưới đất, một bếp lửa vẫn còn hồng.
Phương Mái lấy ấm, đổ thêm nước vào, nhen thêm củi, đặt lên. Cô hơ đôi bàn tay trên ngọn lửa vừa bùng cháy nhảy nhót.
- Rét quá! Cóng cả tay!
Một câu hỏi nãy giờ ám ảnh tôi:
- Tại sao từ năm phần vạn lại lên tới ba, bốn phần nghìn?
Phương Mai im lặng, không trả lời. Rồi chẳng rõ vì sao cô lại ngước nhìn tôi, đôi mắt lấp lánh ánh lửa:
- Chắc anh nhớ cái điều anh Thanh nghi là "qui luật" mới chứ? Sao Mai thường có liên quan với than có quá trình biến chất thấp như than nâu chẳng hạn. Đó là qui luật mọi người địa chất đều biết, qui luật thông thường. Còn đây là than gầy, trái qui luật! Nhưng trong khi đến đây nghiên cứu chuyên đề Sao Mai, em lại nghĩ đến: sự xâm nhập của mác-ma. Vâng, chính Khe Beo cho em sự suy nghĩ ấy. Anh có để ý đến những ngọn núi buốt lạnh phía trước kia không? Mấy trăm triệu năm trước lúc mới thành tạo, chúng đã nóng hàng nghìn độ! Và mác-ma xâm nhập. Những nhà địa chất Việt Nam đã kết luận những điều cơ bản đó, về vùng này. Gần đây, em lại đọc được một tin ngắn khoa học của nước ngoài làm em tỉnh ngủ hẳn cả một đêm: ở nước đó, vừa tìm thấy giéc-ma-ni-om trong than gầy, có liên quan đến mác-ma!
Gió tung cửa liếp. Đêm tối đen mà tôi như nhìn thấy những ngọn núi trước mặt. Tôi rùng mình, khắp người gai ốc nổi lên. Sao Mai năm phần nghìn có thể trở thành chuyên đề khoa học mới. Tôi cười:
- Có lẽ rồi còn đến lúc cháu Sao Mai phải tới Khe Beo.
Phương Mai đứng lên khép chặt cửa lại, lắc đầu:
- Đợi Sao Mai thì lâu quá! Em tin rằng không lâu đến thế đâu.
Chúng tôi không phải đợi lâu. ấm nước đã réo sôi. Và chốc lát, hơi nước phì ra vòi, bắt ánh lửa, sáng lên bảy sắc cầu vồng. Tôi nhớ đến chuỗi màu ở những vụn than cháy mà Thanh đã rắc lên đống lửa ngày xưa.
Phương Mai mở túi lấy ra một gói chè Hồng Đào, pha mời tôi một chén rồi mang sang mời anh em. Cô trở lại với một chiếc bánh chưng nóng hổi. Cô nói:
- Mưa rồi.
Những hạt mưa bụi đọng trên mái tóc, đọng trên mi mắt cô lấp lánh ánh lửa như những ngôi sao tí xíu, xa tít trên dải ngân hà.
*
Khi ống mẫu lòng đôi được thả xuống đến đáy lỗ khoan thì cả gian máy khoan bỗng trở nên nghiêm trang thực sự. Những người thợ đứng ở vị trí mình như người lính trước giờ nổ súng. Tiếng máy chạy số 1 êm như ru. Cái spin-đen của máy khoan ngoan ngoãn tụt dần xuống. Mũi khoan xoáy vào vỉa than như mũi dao sắc xuyên vào thân chuối, ngập dần, ngập dần. Phương Mai đứng yên gần như bất động. Chỉ có đôi mắt đen là rực sáng, lấp lánh như những ánh sao. Tôi có cảm giác như chính ánh mắt ấy đang phóng ra những làn sóng điện, bắt mũi khoan phải xoáy sâu vào lòng đất, theo ý muốn mình. Gió lùa mái tóc và chiếc khăn voan bay lất phất. Tôi nhìn đồng hồ. Giao thừa đang đến nhanh. Trong không khí cổ tích ấy, tôi tưởng như quả đất đang quay theo tốc độ của mũi khoan đi vào lòng đất!
Và rồi ống mẫu cũng được anh em thợ cẩn thận kéo lên, hết sức cẩn thận. Thời gian trôi. Từ 500 mét sâu dưới lòng đất, hòn than lấp lánh Sao mai đang được ống mẫu kéo lên dần, lên dần để nằm trong lòng bàn tay của Phương Mai. Cuối cùng khi mẫu than tươi rói, nguyên vẹn ấy đã nằm kín trong hộp mẫu đặt giữa cái túi da nhỏ mà Phương Mai vẫn đeo liền bên người thì tôi thấy Phương Mai đã mệt lả. Tôi rót một chén nước chè nóng bưng đến cho Mai. Cô tươi cười, hớp từng ngụm nhỏ.
Đúng lúc đó thì đoàn trưởng Tiêu đến. Tiếng anh vang vang:
- Chúc mừng năm mới!
- ồ thủ trưởng đến xông nhà anh em! Sớm quá, sớm quá! Năm nay, tổ em phát tài rồi!
Tiêu quay sang Phương Mai:
- Có tin mới cho cô đây.
Mặt Phương Mai tái đi vì xúc động. Cô đặt chén nước xuống và đưa tay đón bức điện. Tay cô run run, bóc mãi mới mở được tờ giấy.
*
Trên con đường chúng tôi từ máy khoan trở về Đoàn bộ, Phương Mai im lặng rất lâu. Đến khi rẽ xuống con suối, cô đột nhiên đứng lại, mở bức điện ra xem lại nữa. Tôi soi ngọn đuốc đến cho Mai. Bức điện viết:
"Sao Mai 31: 0,096; Sao mai 32: 0,073; Sao Mai 33: 0,070; Sao Mai 54: 0,420; Sao Mai 55: 0,480.
Chúc năm mới. Mừng thắng lợi mới. Phương Mai về để kịp ăn Tết khai hạ.
Lan Anh".
Gương mặt Phương Mai tái đi. Tay cô run rẩy. Tôi nói:
- Khéo Phương Mai cảm lạnh.
Cô lắc đầu, mỉm cười. ánh đuốc soi rõ hai đồng tiền trên má. Cô nói:
- Tổng cục gọi em về. Bài toán của em đã được thử. Cả sự nghi ngờ của em cũng được trả lời đúng. Mà sự thật khoa học lại cao hơn mơ ước của em! Trên 300 mét: bảy phần vạn, trên 500 mét: gần năm phần nghìn!
Đột nhiên Phương Mai nắm chặt tay tôi:
- Anh này! Lúc nào thì nên nói và nói thế nào., anh hỏi lại.
Tôi cảm động, siết bàn tay mềm và lạnh của cô trong hai bàn tay tôi:
- Tôi hiểu ý Phương Mai. Các anh ở Tổng cục sẽ giúp tôi.
Rừng đêm im vắng. Dòng suối phẳng lặng. Phương Mai có thể yên tâm. Vì lẽ nào đó mà tôi nói ra thì câu chuyện của tôi hoàn toàn vô hại, như ánh sáng xanh biếc của ngôi sao Mai vậy thôi.
Chúng tôi lại giẫm lạo xạo trên đá cuội dưới lòng suối, tiếp tục đi. Lòng suối biến ảo những màu của vàng, bạc, kim cương lóng lánh. Nụ cười của Phương Mai vẫn chưa tắt, làm tôi nhớ đến đôi má lúm đồng tiền của cháu Sao Mai. Tôi hỏi Phương Mai vì sao lại cười. Cô ngượng nghịu đáp:
- Giá có anh Thanh em ở đây thì anh sẽ nói là em không biết mơ ước.
Tôi thật xúc động:
- Không, anh Thanh sẽ nói: không phải ta đang lội trong dòng suối buốt lạnh giữa núi rừng đêm ba mươi Tết tối như mực, mà ta đang đi trong ánh Sao Mai lấp lánh, rất gần, chỉ cách bàn chân ta có 500 mét.
Phương Mai cười vì câu nói văn vẻ của tôi. Cô thực tế hơn:
- Đi từ máy khoan về!
Vâng, từ chỗ những người thợ khoan, những người nhặt ánh Sao Mai vỡ vụn chắp thành một ngôi sao to và đặt vào lòng bàn tay Phương Mai ngôi sao mơ ước đẹp đẽ trước đây của người mình thương yêu nhất.
Chúng tôi đang đi trong những ánh sao lấp lánh ấy, giữa đêm giao thừa. Không, giao thừa đã qua. Giờ là lúc lạnh nhất của đêm, báo hiệu ngày mới đã đến. Quả đất đã quay xong một vòng quanh mặt trời. Và nó đang trở lại điểm xuất phát để bắt đầu một vòng mới. Mới chứ không phải nó quay lại vòng cũ.
Tôi nhớ mãi nhận xét của Thanh giữa rừng đêm Khe Beo mười hai năm trước:
- Lên núi cao, thấy Sao Mai gần hơn là ta vẫn thường thấy.
Tháng 1-1975