Đó là một pho tượng kỳ lạ, nó màu đen và bóng loáng mắt xếch lên như kiểu cười, nhưng mồm bậm lại nguệch xuống như kiểu khóc. Tai nó nhọn như tai mèo còn cái mũi to như kiểu mũi sư tử. Phần thân thì thô hơn, tay duổi thẳng và chân cũng thẳng đứ theo chiều của thớ gỗ. Chắc là người tạc nó sau khi đã dồn hết tâm trí để tạc phần đầu thì đến phần chân làm chán nản nên mới làm qua loa cho xong chuyện. Nó dài độ chừng gang tay nên cầm nó rất gọn. Pho tượng đó không còn nữa, thời gian trôi đi cách đây hơn ba chục năm rồi... Nhưng tôi vẫn nhớ nó như in.Ấy là thời gian sau ngày hòa bình lập lại, làn gió bình yên đã tràn xuống khắp những thôn làng xơ xác vì chiến tranh và đói kém ở một vùng miền biển quê tôi.Gia đình tôi ngày ấy thuộc gia đình khá giả. Bố tôi là người đàn ông rộng lượng và vui vẻ làm nghề may vá quần áo. Ông có dáng người gầy guộc, lưng hơi gù luôn chân đạp chiếc máy may cổ hủ và củ kỹ, suốt ngày nó phát ra những tếng kêu cành cạch rời rã, buồn tẻ. Mẹ tôi làm nội trợ và buôn bán quần áo may sẵn ở các chợ quê quanh vùngchúng tôi ở. Cứ sáng sớm tinh mơ bà đã dậy và chuẩn bị. Sau đó bà đi ra khỏi nhà với một thúng quần áo nặng chịch ở trên đầu. ở đỉnh đầu mẹ tôi có một khoảng không hề mọc tóc vì chổ này luôn luôn bị chà xát bởi nan cứng của chiếc thúng. Bữa cơm của gia đình tôi có lúc phải độn khoai nhưng chúng tôi vẫn có cơm ăn thường xuyên còn xung quanh mọi người đâu có! Họ ăn những con ốc bắt ở vũng bùn, những mớ rau má, rau dền gai dại hái ở ven bờ đê ven hoang vắng. Trời mùa đông xám xịt, suốt ngày đổ mưa phùn ướt át. Gió bấc thổi réo lên khi qua những cành cây trơ trụi không còn mảy may một chiếc lá. Mùa đông ở quê tôi là mùa đói ăn và giá lạnh. Một lý do nữa nhà tôi mang tiếng là giàu vì ở làng người ta gọi những người đẻ ra mình là "bố" là "bu" còn các chị tôi và tôi lại gọi là "cậu" là "mợ". Một cái từ ngữ lạc lõng và nó có vẻ pha chút khôi hài ở nơi đây.Có lần thằng Toán tròn mắt ngạc nhiên nói với tôi:-Tại sao cậu gọi bố mẹ là "cậu,mợ". "Cậu"là em ruột của mẹ chứ!Tôi cũng chẳng hiểu gì nhưng mãi sau này tôi mới hiểu là gia đình tôi đã có thời ở Hà nội. Ngày đó bố tôi có hiệu may Tây và trong nhà tôi lúc nào cũng có bốn năm con sen thằng ở. Bố tôi cũng biết dăm ba chữ Tây còn mẹ tôi thì mù chữ. Nhưng khi đi ra khỏi nhà bà luôn luôn mặc quần áo tân thời (áo dài phụ nữ kiểu mới) và gọi xe tay (xe dùng sức kéo là người) dù chỉ là một quãng ngắn. Đó là những ngày sung túc nhất của gia đình tôi, nhưng tiếc thay tôi không hề biết vì lúc ấy tôi chưa sinh ra ở trên cõi đời này. Nhà may "Chí Thành" có thuê sáu bảy thợ về làm công và thuê cả gia sư về dạy học thì đương nhiên chúng tôi phải gọi bố mẹ mình là "cậu" là "mợ" để chứng tỏ gia đình mình có thang bậc trong xã hội.Nhưng rồi chiến tranh bùng nổ, bố mẹ tôi đã bỏ cả gia sản để tản cư về vùng thôn nghèo túng này! Dưới con mắt của những người dân ở đây, gia đình tôi thật là khác lạ. Họ thường đứng ngoài ngõ giương những cặp mắt lèm nhèm bám đầy ghèn dỉ, lơ láo nhìn vào. Họ kháo nhau về chuyện chị em tôi mặc đồ Tây và váy đầm... Nhưng cha tôi là người rất tốt, ông mang những quần áo cũ của chúng tôi cho họ, ông cặm cụi vá từng chiếc áo rách bẩn thỉu của họ mà nhiều khi chẳng lấy một đồng tiền nhỏ nào nên dần dần gia đình tôi đã hòa nhập vào tất cả mọi người.Người bạn tôi quen đầu tiên là Toán. Nó đen đuổi và bẩn thỉu, về mùa hè suốt ngày nó cởi trần và chỉ mặc một cái quần đùi vá chằng vá đụp lúc nào cũng bết đất và âm ẩm nước, chả hiểu là thứ nước gì? Còn mùa đông đến nó thường co ro, rét run trong manh áo mỏng, bên ngoài khoác một chiếc áo tơi là loại áo thời đó được dệt bằng cói, dân quê tôi thường khoác lên người để tránh mưa và tránh rét.Một buổi chiều tôi đang ngồi tập phát âm mấy từ tiếng Anh mà cha tôi mới dạy thì từ phía xa ngoài cánh đồng vút lên những tiếng sáo đầy quyến rủ. Tôi nhìn trước nhìn sau không có ai biết mình liền chui qua rào, chạy thẳng ra cánh đồng để đến nơi có tiếng sáo ấy. Cánh đồng về mùa này không hề có nước, chỉ còn trơ lại những thân lúa đã bị cắt tận gốc và những đám cỏ xanh lấm tấm hoa trắng, hoa vàng. Những ngọn cỏ non tơ thường bám những giọt sương long lanh trông thích mắt ấy là món ăn lý tưởng cuả lũ trâu bò. Đứng trên bờ ruộng tôi nhìn thấy cái đầu trọc trắng hếu đang nghẹo đi để thổi sáo bản nhạc quen thuộc:"Có con dế mènKhóc trong đêm khuyaHát xẩm không tiềnNên nghèo xác xơ"Chợt thằng bé quay ngoắt đầu lại, nó nhận ra tôi. Tôi cũng sững sốt vì bắt gặp đôi mắt rất sáng. Điều này cũng lạ, bởi vì quê tôi hầu hết dân ở đây đều mắc bệnh đau mắt hột mà họ gọi là toét mắt với thói quen dùng nước ao hồ tụ đọng như vậy thì khó mà tìm thấy một cái "cửa sổ tâm hồn" nào hoàn hảo và trong sáng được.- Thằng bé nhanh nhẹn tụt khỏi lưng trâu đi lại chổ tôi. Hắn cười toe toét để lộ ra mấy cái răng sún, tay đưa chiếc sáo về hướng tôi, hắn nói:- Cậu thổi sáo đi!Tôi lắc đầu lễ phép:- Thưa anh tôi không biết thổi sáo ạ!Thằng bé trố mắt ngạc nhiên bởi chưa ai nói với nó những lời lễ phép cỡ như vậy. Từ bé đến lớn khi nói nó chỉ xưng hô mày tao mà thôi, nhưng sao cái thằng nhóc ăn mặc diêm dúa này lại dùng những lời nói cầu kỳ xa lạ như vậy.Tôi ít tuổi hơn Toán khoảng hai tuổi nên lúc đầu tôi thường gọi Toán là anh nhưng ở cái nơi nghèo đói này những từ ngữ mang tính gia giáo cầu kì của tôi trở nên lạc hậu, rồi sau đó tôi cũng vứt quách nó đi như vứt một thứ trang sức thừa thãi để xưng hô cho đúng cách. Toán dạy tôi trèo lên lưng trâu từ phía đầu. Trước hết hai tay phải cầm lấy sừng trâu ấn nhẹ xuống. Con trâu ngoan ngoãn gục mặt và hạ đầu xuống. Tôi bước chân lên đầu và sau đó nó ngẩng mặt lên để tôi trườn từ cổ về lưng.quả là sự hợp đồng tuyệt diệu giữa trâu và người. Toán nói rằng động tác đó là do no ựhuấn luyện cho trâu đấy. Cũng phải tập trong thời gian khá dài tôi mới thành công vì lúc đầu không quen với áo nhung đỏ của tôi nên con trâu tỏ ra sợ hãi. Một điều mừng nữa là tôi cũng được Toán dạy thổi sáo và bắt đầu tập tọe thổi được. Tôi rất yêu quý Toán, có một lần tôi để phần cho Toán một cái bánh rán. Hắn sáng mắt lên ăn ngấu nghiến như cả đời mới được một lần như thế. Nhưng đến nửa chừng hắn bổng dừng lại và hỏi:- Bánh phần của cậu cho tớ phải không?Tôi gật đầu.Nó nói tiếp:- Bố tớ bảo đừng bao giờ mắc nợ bọn nhà giàu, hầu hết những người nhà giàu đều không tốt.- Cậu bảo nhà mình là không tốt ư?- Mình không biết nhưng mình biết cậu là người tốt.Mặt hắn quặm lại, giọng nói tỏ ra hậm hực:- Cậu biết không cả ngày vất vả chăn trâu cắt cỏ mà ông Đoan chỉ trả tớ hai hào, cứ mỗi khi trâu về ông ấy lại sờ hông trâu, nếu thấy hông bị lõm xuống là ông ấy lại trừ tiền, mà hông trâu lúc lồi lúc lõm thì chỉ có ông trời biết! Còn chuyện này nữa chứ, mẹ tớ bị bệnh nặng mà ông ấy không hề cho vay một đồng nào, vì thế mẹ tớ mới chết đấy. Tớ nói thế nhưng bố tớ lại bảo vì bệnh của bà ấy chứ không phải là không có thuốc, có cho bà ấy thuốc cũng vô ích mà thôi!Tôi lớn lên trong gia đình yên ấm được cưng chiều vì nhà tôi có những sáu chị còn tôi là con trai út duy nhất. ở trong lòng tôi trắng tinh không gợn sự hận thù nên tôi không hiểu được cái đầu của Toán, cậu bé vừa tròn 10 tuổi ấy đã có bóng tối và gai góc.Tôi phục Toán là thằng lì lợm. Thằng Hinh bắt Toan cõng qua chỗ lội. Toán không cõng. Hinh đấm thẳng vào mặt Toán. Toán đánh lại nhưng đương nhiên là Toán thua vì Hinh lớn tuổi hơn. Một quy luật chơi của trẻ, nếu mà có đứa phát khóc lên thì đứa kia sẽ ngừng đánh. Hinh đánh Toán túi bụi nên Toán đã phải khóc và cuộc chơi kết thúc. Nhưng khi đã chạy được ra xa Toán đã gào lên:Mày là thằng độc ác đã làm sai mà còn đánh người ta. Đến chết tao cũng không sợ mày đâu!Mùa nước lũ con sông gần nhà tôi trở nên dữ tợn, nước chảy xiết cuồn cuộn sủi trắng bọt và đầy những xoáy nước, phù xa đỏ ngầu vẩn lên, đứng trên bờ nhìn xuống mà chóng mặt. ấy thế mà tôi cùng Toán dám bơi qua. Công dạy tôi biết bơi là công của Toán. ở đời có những chuyện phi lý tưởng như trong mơ nhưng mà đã xảy ra thật. Một buổi chiều vắng vẻ bổng chúng tôi nghe thấy có tiếng kêu cứu ở trên sông. Tôi và Toán chạy đến. Một cô thiếu nữ đang chới với giữa sông. Chị ta cố nhoai lên mặt nước kêu lạc giọng. Không chần chừ Toán đã lao xuống nước.Tôi hốt hoảng vì một lúc lâu chẳng thấy nó trồi lên... Nhưng kìa! Tôi thở phào vì Toán đã xuất hiện trên mặt nước một tay đang nắm lấy mái tóc dài của cô gái cố sức bơi vào bờ. Cũng may mà chị ấy còn tỉnh táo chắc là chỉ uống độ mấy ngụm nước sông thôi! Toán đã cứu được người con gái đó. Chị ta đang tắm không may bước hẫng vào chổ sâu nên bị nước cuốn đi. Chị ấy là người lạ chúng tôi chả biết tên. Chị ta cám ơn Toán, và xin địa chỉ nhà của Toán. Nhưng Toán chỉ cười khì khì và không trả lời. Chúng tôi vùng chạy khỏi tay chị làm chị ngỡ ngàng đứng ngẫn người ra nhìn theo.Đến một quãng vắng, dưới những bụi dâu xanh mướt trên sông Toán mới dừng lại nói với tôi:- Tại sao cậu biết bơi mà không nhảy xuống cứu chị ấy?- Mình... mình...sợ! Tớ...tớ... nhỏ quá mà!- Trời, sao cậu hèn vậy! Dạy cậu bơi thật uổng công. Tớ không thèm chơi với cậu nữa.Hình như lúc đó tôi đã giận Toán và mấy ngày chúng tôi không gặp nhau.Việc tôi chơi với Toán đã làm gia đình tôi chia hai phe. Một bên là mẹ và các chị của tôi, một bên là bố tôi. Mẹ tôi cho rằng chơi với hạng ấy là không nên người được, nó và bố nó không đáng làm con sen thằng ở của cái nhà này!Bố tôi nói cần phải chơi với Toán vì những trò nghịch ngợm đó sẽ giúp con người mạnh bạo và khôn khéo hơn. Ông cao giọng:"ở đời này, nói chung cuộc săn bắt, tôi không muốn cho con tôi là con cừu, con thỏ tôi muốn nó là con sư tử con hổ hoặc ít ra cũng là con ó con mèo!" Nhưng đó là lý luận thôi, sự thật ông già chưa bao giờ dạy tôi đi "vồ mồi" cả. Xét về đời ông,tôi thấy ông là con mồi nhiều hơn là con mãnh thú. Dưới gầm trời thê thảm này ông đã bị thất bại liên tiếp và cuối cùng ông đã kiệt sức và ngã gục xuống.Có một lần Toán khoe tôi một đồ vật mà bố nó mang mãi từ miền núi về. Đó là thằng người bằng gỗ. Khi hắn rút từ cặp quần ra vừa trông thấy tôi đã mê luôn chả hiểu tại sao như vậy. Nó đen sì sì như một cục than. Nó bóng loang loáng như được bôi mỡ khuôn mặt dữ tợn như thế mà sao lại cuốn hút vậy? Về sau này tôi cứ trêu Toán hoài, bảo rằng khuôn mặt ấy giống hệt mặt Toán.Tôi ngắm nghía không chán đến nỗi khi Toán đòi lại mấy lần tôi cũng không trả. Toán van nài: - Trả mình đi chứ... cậu thích lắm hả? Thế thôi này nhé, bố tớ vừa cho tớ nên tớ rất thích. Để cho tớ chơi một thời gian đã đến...đến tết tớ sẽ cho cậu.- Thật không?Tôi sáng mắt lên nhìn nó.- Thật chứ mình hứa danh dự.Mặt Toán trở nên tư lự nó nói tiếp:- Còn một điều này nữa nhé, đáng lẽ tớ lớn tuổi hơn tớ không được nhờ cậu. - Nhưng biết làm sao, Tớ thèm lắm. Tớ thèm biết chữ Quang ạ! Có lần tớ thấy cậu đọc sách, nước mắt cậu rơm rớm, chắc sách nói hay lắm nên cậu mới buồn chứ. Ôi chao! Giá mà tớ biết được những điều gì mà sách đã viết nhỉ!Tôi cười:- ừ được rồi!tớ sẽ dạy cậu ngay từ bây giờ, nhưng cậu phải hứa là cho tớ thằng người gỗ nhé!- Đương nhiên!Thế là cam kết của chúng tôi đã xong. Ngay chiều hôm ấy hắn ngồi bó gối hát ê a bài học đầu tiên tôi vừa dạy:" o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì có râu"...Tôi ngạc nhiên vì Toán có một trí nhớ rất tốt. Chỉ cần nói một hai lần là hắn nhớ luôn. Chẳng mấy chốc Toán bắt đầu biết đánh vần...Việc học của Toán đang trôi chảy thì có một chuyện xảy ra. Sự kiện này đã làm cho phe mẹ tôi đắc thắng hẳn phe bố tôi.Chiều hôm đó sau khi kiếm được một bông lau lớn chúng tôi liền đóng giả Đinh Bộ Lĩnh phất cờ giết giặc. Hai chúng tôi đã ở trên lưng trâu, Toán liền hô to:- Ta là Đinh Bộ Lĩnh!Tôi ngồi sau một tay ôm chặt bụng hắn còn tay kia cấu đùi hắn và gặng hỏi:- Vậy tớ là ai?Hắn suy nghĩ một lúc và quay lại nói:- Cậu là Đinh Tiên HoàngTôi khoái quá cũng hét to:- Ta là Đinh Tiên Hoàng!Toán dùng roi quất trâu lia lịa để trâu phi nước đại... Nhưng chẵng hiểu thế nào Đinh Bộ Lĩnh lẫn Đinh Tiên Hoàng bị ngã lộn xuống đất.Tai nạn khủng khiếp xảy ra. Đinh Bộ Lĩnh thì không thấy sao, còn Đinh Tiên Hoàng đầu bị rách một miếng, máu ứa ra trông dễ sợ. May mà lúc đó có người lớn gần đấy, họ dùng thuốc lào bịt ngay vết thương trên đầu tôi. Chị cả của tôi biết tin chạy đến...Vốn dĩ không ưa Toán nên Toán tìm đương lẫn tránh. Lúc đó tôi còn thoáng thấy mặt hắn xanh mét, vết xước trên má cũng đang rướm máu.Tôi bị bắt nằm trên giường mấy hôm, bị ép uống thuốc này thuốc nọ. Thực ra vết thương đó chẵng nhằm nhò gì vì nó chỉ là vết thương ngoài da đầu nhưng rồi nó cũng để lại một vết sẹo đánh dấu tình banù của chúng tôi. Chiều hôm sau tự nhiên mấy con chó nhà tôi sủa điên lên giận dữ. Nhìn qua cửa sổ tôi thấy ngoài ngõ một người đàn ông ốm yếu, tay ôm một con gà tay kia cầm cái nón rách tơi tả đi vào. Chị cả tôi chạy ra đuổi chó. Ông già tiến lại hỏi thăm:- Thưa cô đây có phải nhà ông Vận không? Ông ấy có nhà không ạ!- Bố tôi không ở nhà! Ông là ai? Ông đến có việc gì?Chị tôi nói như gắt tỏ vẻ rất khó chịu. Đấy là thói xấu của bà chị cả của tôi. Chị ấy rất khó tính, tuy đẹp nhưng mãi 30 tuổi mới lấy được chồng. Chị ấy rất khinh những người nghèo thiếu học thức và sự thực trời cũng phù hộ chị. Chị tôi lấy được người chồng giàu có.- Tôi là bố của cháu Toán, ông già trả lời. Hôm vừa rồi xảy ra chuyện không may đến cháu út nhà ta, hôm nay tôi đến hỏi thăm và... biếu...biếu... một con gà! Cho tôi xin... xin lỗi.- Ông về ngay đi! Nhà tôi không thiếu! Chị cả tôi ngắt lời ông già, với giọng bực tức chị tiếp. Đây là ý kiến của gia đình tôi, từ nay trở đi ông đừng để cho thằng con hư đốn của ông rủ rê em tôi đi nghịch phá nưã nhá!Nói xong chị quay ngoắt đi, vội vã bước vào nhà.Ôm lấy ngực tôi muốn hét lên,trời, sao chị tôi ác quá, nhưng hàm tôi như cứng lại, tiếng kêu của tôi chỉ là trong ý nghĩ.Ông già hốt hoảng, đứng chững lại một lúc giương mắt tròn xoe ngạc nhiên... Nhưng rồi ông cũng phải quay ra vì lúc này, đối thoại với ông là ba tên lính gác cổng đang sủa lên inh ỏi và tỏ ra rất hăng hái trong việc tấn công địch thủ.Tôi bị giam lỏng ở nhà và những bài tập toán của bố tôi cho cũng tăng lên để cho tôi không còn thời gian đi chơi nữa.Tôi buồn vô cùng vì khi nghĩ đến buổi chiều ấy. Những buổi chiều mà cánh đồng mênh mông quê tôi tràn ngập gió biển lồng lộng. Phía chân trời xa xôi rực hồng ánh hoàng hôn. Những đám mây lặng lẽ hình như đã ngừng trôi nhuộm một sắc tím kỳ ảo, bỗng hiện lên đôi sừng cong vút của con trâu già to lớn ngạo nghễ và ở trên lưng nó, bóng một thằng bé loắt choắc, vắt vẻo hai chân nhỏ bé. Nó đang nghẹo cổ thổi một khúc đồng dao réo rắt...Toán đâu rồi, tôi vẫn tìm cái bóng hình quen thuộc đó nhưng nào thấy. Sắp tết rồi, ngoài kia thỉnh thoảng tiếng pháo lại nổ đì đùng...Trời càng lạnh giá những ngọn rau cải bắp, xu hào bắt đầu bị xoắn lá, mặt đất ngấn lền những đám trắng loang lổ vì sương muối. Nhà tôi cứ tối đến lại đốt một đống lửa lớn để sưởi... Trong ánh lửa bập bùng đó, tôi bỗng thấy hiện ra con mắt ai? Thôi đúng rồi, con mắt sáng rực của Toán, nó nhìn tôi buồn thảm và như trách móc. Bàn tay nó cầm thằng người gỗ cháy rừng rực, nó cố gắng đưa ra cho tôi, làm sao tôi có thể cầm được nhỉ, khi cả Toán và thằng người gỗ đang bốc cháy?- Cái thằng này lại ngủ gật!Tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng chị tôi nói, tôi thở phào nhẹ nhỏm, thì ra đó chỉ là một giấc mơ thoáng qua.Nỗi day dứt nhớ Toán càng tăng lên, có nhiều lúc tôi ngẩn người ra làm cho người lớn trong nhà sợ hải. Thời gian đã trôi đi năm ngày hay bảy ngày, không biết bao lâu tôi không nhớ nữa, chỉ biết rằng lâu lắm rồi... Có một ngày tôi ngẩng cổ nhìn lên bầu trời. Chao ôi những đàn chim én từ phương Bắc bay về. Chúng bay cao quá, trông như những chấm đen giữa nền trời còn xám màu tro của mùa đông lạnh lẻo. Mùa xuân sắp đến, tết sắp đến! Toán ơi cậu còn nợ mình thằng người gỗ nhé! Cái thằng người mà cậu khoe rằngđã làm từ cây gỗ lim 100 tuổi, mọc mãi trên một đỉnh núi cao ngất, nơi mà chỉ có độc một loài chim đại bàng bay tới... Vì thế, dù có chôn xuống đất hay quẳng trong nước hàng ngàn năm nó cũng không bao giờ mục nát được!Lại một ngày nữa trôi qua, lòng tôi xáo động lạ lùng, lồng ngực tôi như nghẹt lại, nặng nề, u uất, tôi cảm thấy khó thở, chân tay rời rã. Vốn dĩ tôi là đứa trẻ con ốm yếu, trong cuộc sống tôi cần phải dựa dẫm vào ai đó... Đúng rồi, thời gian qua tôi đã dựa vào Toán, một thằng bé đen nhẻm nhưng tốt bụng, phóng khoáng và dũng cảm biết bao... Thế mà cả nhà tôi (trừ cha tôi) đã khinh nó, ghét nó chỉ vì nó nghèo không có áo quần lành lặn. Chân nó cũng như chân bố nó chưa bao giờ được xỏ vào giày, dép, suốt ngày chỉ đi chân đất! Tôi nhớ lắm cái bàn chân của bố nó ở loét sần sùi khi đứng trước ngỏ nhà tôi. Tôi lại rùng mình khi nhớ tới hôm đi chợ huyện cũng có một bàn chân như thế, chắc tệ hơn chút thôi, bàn chân của người ăn mày bị bệnh hủi, những ngón chân ấy bị cụt hết bám đầy đất cát. Tại chổ vết thương nước vẫn chảy ra rỉ rỉ, thịt ở đây thối đen lại như bám bồ hóng. Ruồi bu lại, con đậu, con bay tranh nhau hút lấy hút để cái thứ nước vàng vàng hôi hám đó. Ôi những bàn chân trần đi dất ấy kéo lê trên khắp nẻo đường quê hương tôi đã từ bao đời nay rồi nhỉ?Tôi bỗng giật mình khi thấy bóng thằng Hinh ngoài ngõ. Hắn làm hiệu cho tôi ra. Tôi vội chạy ra ngõ. Hắn tròn mắt thì thầm vào tai tôi:- Cậu với tớ đến nhà thằng Toán đi, nó chết rồi!Chẳng cần biết tôi có đồng ý hay không nó cầm tay lôi tuột tôi đi. Tôi như một chiếc máy làm theo ý nó. Đây là lần đầu tiên tôi đã làm sai lệnh của bố tôi, kể từ hôm ông quyết định không cho tôi ra khỏi nhà.Vừa đi Hinh vừa kể:-...Ngay từ hôm cùng bị ngã trâu với cậu nó đã bị bệnh, họ nói rằng nó bị chấn thương và bị cảm lạnh nữa... Đến sáng hôm qua nó chết!Tôi lặng người, trời ơi Toán chết cũng vì ngã trâu. Như thế hôm bố Toán đến nhà tôi là lúc nó cũng đang bệnh nặng. Tôi bỗng cảm thấy căm thù chị tôi quá. Giá như chị tôi tiếp ông ấy hẳn hoi thì thể nào ông ấy cũng nói ra điều đó!Bước vào nhà tôi đã nghe mấy người đàn ông nói chuyện với nhau, họ là những người đến giúp việc chôn cất Toán. Toán của tôi là chiếc hòm gỗ nằm im lặng giữa nhà! Trên chiếc hòm đó có một bát cơm và một quả trứng luộc. Chiếc hòm được làm thô thiển từ một cánh cửa mục nát và còn có thể từ một chiếc rương bị mối xông được phá ra để đóng chung với nhau. Còn nhà của Toán như một quán nước sơ sài bên bờ đường, người ta không thèm làm đẹp vì sợ bị ăn cắp. Nó chỉ có bốn cái cột tre gầy guộc đỡ mái nhà lợp rạ đã mục nát. Trong nhà chẳng có gì ngoài một chiếc giường và một ống điếu cày hút thuốc lào của bố nó. Bát đĩa nồi niêu để lung tung chứng tỏ ở nhà này không có bàn tay của người đàn bà...Một người nói: (người này trông to lớn chững chạc, có lẽ là chủ chòm ở đây)- Nhân tiện chủ nhà không có mặt ở đây tôi xin trình bày riêng với anh em đôi điều. Hôm nay chúng ta làm giúp bác Phú thôi nhé! (anh ta cười) các anh thông cảm cho, đừng mong có rượu thịt! Bát cơm và quả trứng luộc là của nhà tôi mang đến đấy. Mấy ngày hôm nay hai bố con chỉ ăn có cháo loãng... Tội nghiệp cho thằng bé vì nhà nghèo nên đã chết oan uổng, tôi biết nhà này chỉ có cái mâm đồng là đáng gia ựthôi, ông ấy đã bán đi ngay từ hôm đầu để lo thuốc cho nó đấy... mà thôi tôi cũng chẳng muốn nhắc lại nữa. Nào anh em, chúng ta hãy cùng nhau đưa cậu Toán về nơi cực lạc.Nơi cực lạc ư? Tôi thầm nghĩ, cái chết là sự vĩnh hằng đen tối và vô nghĩa. Toán của tôi đã đi vào đó, mãi mãi không thể trở về. Tim tôi thắt lại, chỉ còn mười hai ngày nữa là tết thôi! Sao vậy? Toán ơi! Cậu không sống để dạy tớ làm súng bắn que diêm như cậu hứa à!Lúc đó ông Phú từ ngoài ngõ bước vào, thấy tôi, ông đứng sững lại. Con mắt của người đàn ông đau khổ này phút chốc lại rọi thẳng vào tôi, nó ánh lên một thứ ánh sáng lạnh lẽo. Con mắt đó đã chiếu vào chiếc áo nhung đỏ thắm ấm áp của tôi và cả đôi hài nhung màu tím dưới chân tôi nữa. Nhưng như chợt nhớ ra mặt ông bình thản lại, ông nhẹ nhàng bước tới cầm tay tôi. Vâng, ông đã nghĩ đến con yêu quý độc nhất của ông, ông hiểu nó đã từng có đứa bạn thân, nó vẫn thường khoe với ông trong những đêm hai cha con ông nằm ngủ trên chiếc giường tre ọp ẹp này.- Cậu đấy à! Tôi biết cậu lâu lắm rồi hôm nay mới gặp! tiếng ông nhỏ xuống xót xa. Cậu Quang ơi, Toán nó chết rồi, nó chết chính vì ngã trâu đấy. Tôi có ngờ đâu là nó chết, lúc ấy ai cũng bảo cậu bị thương nặng hơn... Nước mắt của ông ứa ra, ông loạng choạng ngồi xuống giường, tôi cũng bước theo ngồi xuống bên cạnh ông. Cậu biết không nó thương cậu lắm đấy, ngay từ hôm ấy nó thúc tôi đến thăm cậu. Nhà chẳng có gì nó bảo tôi mang chiếc mâm đồng của mẹ nó còn lại bán đi để mua một con gà mang đến... Chắc cậu biết đấy... ông cắn môi lại, im lặng một lúc, mắt ông lại rực lên những tia sáng lạ... Giọng ông trầm hẳn xuống. Tôi đã bị đuổi về... Ngày hôm ấy nó khóc hoài, nó ăn vạ tôi... nhưng biết làm sao đây!Ông từ từ đứng lên đi lại phía góc nhà, ông kiểng chân đưa tay rút từ mái rạ ra một vật đen đen... A! Thằng người gỗ.- Toán nó bảo tôi biếu cậu đây! Nó dặn rằng phải đưa tận tay cậu!Tôi đứng lên đưa cả hai tay đón lấy, thằng người gỗ mà tôi mong ước đã thuộc về tôi!Đôi mắt ông già nheo lại, có một chút vui tươi hài lòng trong đôi mắt ấy. Nhưng kìa, tôi giật mình vì môi dưới của ông ba vết răng vẫn còn in hằn và đang rớm máu.Tôi không ngờ rằng Toán chết không có một viên thuốc nào để uống. Người đàn ông kia đã nhầm, việc bố Toán bán chiếc mâm là kỷ vật duy nhất của người vợ yêu quý của ông đâu phải để lo thuốc cho Toán. Ông bán nó đi để lo cho tôi đấy chứ! Cái thằng tôi, đứa con trai vô tích sự này, vô tình đã cướp những viên thuốc còn lại của thằng bạn thân tội nghiệp của tôi! Tôi cảm thấy tôi hèn hạ quá, đúng rồi trước đây có một lần Toán đã nói như vậy. Tôi chính là con ký sinh trùng. Những người giàu có trên thế gian này phải chăng họ đã khỏe bằng sức khoẻ chiếm được của người nghèo, họ sống lâu hơn vì đã cướp được tuổi thọ của người nghèo!Người ta mang Toán đi dưới một bầu trời xám xịt tràn đầy mưa bụi. Mùa đông năm ấy sao mà tới tăm quá đỗi, đến gần trưa mà trời vẫn tối sầm vì mây che kín.Chiếc quan tài đó được buộc lên một đòn tre. Hai người thanh niên khênh nó đi. Chắc là dây yếu nên nhiều lúc nó lúc la lúc lắc như muốn rơi xuống đất. Tôi mong nó rơi xuống để Toán của tôi mở tung nắp hòm vùng dậy bước ra, như một tiên đồng tỏa sáng!Nhưng điều đó không hề xảy ra mà giờ đây họ đang lấp huyệt. Có một người cầm bát cơm có quả trứng luộc mà tôi đã trông thấy lúc trước đang vãi từng vốc nhỏ xuống huyệt. Theo phong tục ở quê tôi người chết nhờ bát cơm này mà sẽ có ăn...Nhưng phút này đây, liệu trong cái dạ dày nhỏ bé của Toán có chứa một hột cơm nào không? Tôi chợt nhớ tới một con ma đói mà Toán đã kể để dọa tôi. Nó là một cái bóng mỏng manh, lép xẹp vật vờ ở những nơi bẩn thỉu thối tha, suốt ngày tìm những mẫu xương, mẫu lá bánh để gặm, để liếm...Tôi nắm tay lại đau xót, thằng người gỗ cứng ngắt trong bàn tay tôi, tôi cúi xuống nhìn nó, cái mồm nó vẫn bậm lại như thế... Đây, đồ chơi của Toán đây, ở dưới đó Toán sẽ có cơm ăn và cả đồ chơi nữa nhé! Không do dự, tôi đã thả thằng người gỗ xuống cho bạn tôi. Những người lấp mồ không để ý, họ vẫn xúc đất đỗ tới tấp xuống. Thằng người gỗ của tôi cùng chiếc quan tài phút chốc biến mất. Tất cả đã bị chôn sâu trong nấm mồ cô quạnh ở bên dòng sông ấy. Cái con sông của tuổi thơ tôi tràn đầy kỷ niệm, suốt đời tôi, nó sẽ trong xanh triền miên êm ả trôi. Không! Nó sẽ đục ngầu, gào thét, cuồn cuộn chảy xiết như con nước lũ tháng Năm đầu mùa Hạ.