Chương 4

Đầu năm 1964, Quân Đội Mỹ ồ ạt đổ qua Việt Nam. Việt-Cộng nằm vùng đủ mọi nơi, đủ mọi thành phần, khó biết nơi nào, chẳng biết được ai theo phe ai? Toàn dân miền Nam sống trong hoang mang hồi họp... Luôn luôn sợ bị đặt chất nổ và pháo kích những nơi công-cộng.
Thường trong tuần, xế chiều Mai Ly đi học thêm tiếng Anh. Em học càng ngày càng khá. Em làm ở một Snack-bar Rừng-Trúc (Forêt de Bambou) gần khu chợ Sàigòn, nơi đó toàn là khách Mỹ và Tây.
Rồi một đêm, Mai Ly gặp anh lính Mỹ. Anh ta giận thù ai hay thù Việt-Cộng gì không biết? Anh chửi bông lông:
- Đồ cứt! Tất cả Việt Nam chúng bây là thứ cứt, thứ dơ bẩn... Mai Ly nghe và hiểu được. Em nổi máu Dân Tộc lên, bèn chửi lại:
- Nếu tụi bây cho Dân Tộc Việt Nam tao dơ bẩn, thì tụi bây hãy cút hết đi. Về Mỹ hết đi. Chớ tụi bây ở đây, như là tụi bây uống nước tiểu và ăn phân của Việt Nam chúng tao. Anh lính Mỹ bị Mai Ly chửi lại, anh ta tức quá, dựng đứng nói Mai Ly là gián-điệp cho Việt-Cộng. Lính đến ba bốn xe bao vây bắt Mai Ly còng tay. Ngồi trên xe lính Quân-Cảnh Mỹ M.P. Trong khi đó có một ông Việt Nam cũng trọng tuổi, hỏi Mai Ly:
- Nè, tôi hỏi cô, có phải cô làm gián-điệp cho Việt-Cộng không?
Mai Ly ngớ ngẩn ngạc nhiên, hỏi lớn:
- Làm gián-điệp! Trời đất ơi! Gián-điệp là gì, con không hiểu?
- Không hiểu! Thôi, cô đừng có đùa, hãy nói thiệt đi, chớ về bót là cô bị khai thác mạnh bạo đấy!
- Ờ, thôi. Con hiểu rồi chú ơi! Vì con vừa chửi lộn với thằng lính Mỹ bên kia kìa. Tại nó chửi tất cả người Việt Nam của chúng ta là đồ dơ bẩn. Con tức quá, máu Dân Tộc của con nổi lên, rồi con chửi lại và đuổi nó về Mỹ. Vì con nói nếu nó còn ở lại đây, thì như nó uống và ăn đồ dơ nhất của Việt Nam. Con nghĩ, vì nó chạm đến tổ tiên, ông bà con. à, mà trong đó có luôn cả chú nữa đó.
Chú thông dịch viên nghe thế, ông cũng nổi máu Dân Tộc lên. Chú nghiêm trang nhìn ông đại úy M.P., chú kể từ đầu tới đuôi. Chàng M.P. lắng tai nghe, mắt nhìn nhìn Mai Ly, chẳng hiểu ông nghĩ gì, mà đầu ông gật gật, ông quay sang bảo lính tháo coòng tay cho Mai Ly, rồi còng tay chàng lính Mỹ kia. Mai Ly được thả dọc đường, em mừng quá vì thoát nạn. Miệng em nói cám ơn lia lịa với ông thông dịch viên và chàng Quân-cảnh M.P...
Mai Ly ngang dọc giữa đời.
Kiêu căng ngạo mạn, tánh trời đặt cho
Rừng đời lớn rộng quanh co
Hùm beo, rắn rít lò mò rình theo.
Mượn da sư tử mang đeo
Phòng khi gặp nạn, móng vèo vươn ra.
Mai Ly cặm cuội đi làm, em rất ngạo mạn, bất cần đời. Bởi mục đích riêng của Mai Ly là phải làm cho có thật nhiều tiền để nuôi thân và nuôi mẹ già.
Thắm thoát trôi qua, vào khoảng giữa năm 1964. Thời buổi loạn ly, lính lùng bắt, xét giấy khai gia-đình lung tung. Mai Ly cứ bị bắt vào hết bót này đến bót nọ. Tại vì em không có giấy tờ. Sau đó, em phải trở về Bình Chánh để nhờ chú Hữu Huỳnh làm cho tấm giấy căn cước trội thêm một tuổi cho hợp lệ với pháp lý hiện hữu.
Sau khi có tấm căn cước hộ thân, Mai Ly đi làm yên ổn hơn. Đi làm dư được chút ít tiền, em có ý muốn đổi căn phòng khác rộng hơn. Vừa có ý nghĩ đó thì có một chàng lính Hải Quân Mỹ cấp bậc Thượng-Sĩ-Nhứt, tuổi ngoài ba mươi, tướng tá cao ráo, khá đẹp trai, chàng rất si mê Mai Ly. Chàng ta đề nghị mướn nhà cho Mai Ly ở.
Từ hẻm Võ-Tánh, Mai Ly dọn qua ‘’Building-Mai-Anh’’, số... đường Nguyễn Công Trứ cạnh Khu-Dân-Sinh, gần chợ Cầu-Ông-Lãnh. Nơi đây là một căn phòng rộng rải, khá trang trọng và đầy đủ tiện nghi. Xem như đời Mai Ly được bước lên từ từ với cái nghề chiêu-đãi-viên Snack-bar. Một nghề xưa như trái đất mà đâu đâu trên thế gian, nước nào cũng có, bất luận xứ nghèo hay xứ giàu...
Cô bé Mai Ly lúc bấy giờ không còn là cô bé dịu hiền, nhút nhát nữa. Mà em chẳng còn biết sợ một ai trên cõi đời này. Xem như bé Mai Ly không còn nữa. Cát-bụi-đời đã phủ lấp xác thân em rồi. Lúc bấy giờ, Mai Ly chỉ còn biết em là một đóa hoa đem sắc hương bán cho những lủ ong, đàn bướm mua vui thôi. Mai Ly thay đổi đàn ông như thay áo. Em bắt đầu ngụp lặn trong trụy lạc, bập bẹ hút thuốc, uống rượu. Mai Ly chỉ biết có tiền và những cuộc vui. Còn trái tim của em, có lúc yêu, có lúc thù ghét đàn ông. Bao trận tình ngắn ngủi cứ đu qua, đánh lại. Mai Ly vui bao nhiêu thì cũng buồn bấy nhiêu. Khi tiền bạc thịnh hành, nhờ gặp thời, thì trong lòng của em quay về với những người tình xưa. Nhứt là hình ảnh của Hoàng và Larry. Nhưng trong lúc này thì có chàng lính Hải-Quân, tên Andy. Andy yêu tha thiết Mai Ly nhưng nàng lại dửng dưng đùa cợt, xem Andy như một khách mua hoa hay là một ‘’khách’’ bao tháng mà thôi.
Một thời gian ngắn, Andy chán nản bỏ ra đi. Mai Ly chẳng chút gì tiếc nuối. Em đổi Snack-bar này sang Snack-bar khác. Vì em tự biết mình trẻ đẹp, hấp dẫn, nên đi đến chỗ nào người ta cũng nhận. Suốt mấy năm sống phóng đãng, xem ái tình như món đồ chơi đùa vui mà lại có tiền. Giả chân - chân giả? Làm sao ai nào hiểu nổi, niềm đau của những cô gái ‘’làng-chơi’’ đây? ‘’Tay nâng ly rượu, miệng cười mà lệ rưng rưng...’’.
Rồi những giây phút tâm hồn cảm thấy cô đơn, tim lòng trống vắng. Mai Ly gặp Dzoanh, người con trai Việt Nam, cỡ hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi, giáo sư Anh văn trường Quân-Đội Việt-Nam Cộng-Hòa. Chàng lớn hơn Mai Ly tám, chín tuổi. Mấy tháng cặp-bồ với Dzoanh. Ái tình vừa bén lửa thì Dzoanh ngả bệnh. Mai Ly được tin ấy, em đến tận nhà thăm Dzoanh. Hôm ấy, Mai Ly mặc chiếc áo dài trắng, tóc kẹp, không điểm trang chút son phấn nào cả. Trông em như một cô nữ sinh... Mai Ly bước vào nhà thì gặp ngay cha của Dzoanh. Em lễ phép chào, chào đến ba lần mà cha Dzoanh không nhìn, chào lại. Ông còn đưa ánh mắt khinh bỉ em. Tâm hồn Mai Ly trở lại với nỗi niềm đau hận, em thoáng nghĩ đến Hoàng mà lòng tràn ngập mối hận tình năm xưa. Năm phút sau Mai Ly ra về mà nghe tim đau nhói, vì tự biết mình đang yêu Dzoanh tha thiết. Em nhủ:
- Làm sao mình làm dâu trong nhà Dzoanh được. Vã lại, Dzoanh là đứa con trai Cả của một gia đình phong kiến lễ nghi. Nếu Dzoanh theo mình, Dzoanh sẽ mang tội bất hiếu. Vì mình là gái bụi-đời cũng chẳng xứng đáng gì với gia đình Dzoanh. Thành kiến, bảo thủ, nho giáo của người Việt Nam rất khắc khe. Vậy mình hãy trốn tránh Dzoanh...
Mai Ly ra về mà trong lòng như cuồng phong bão tố và tâm hồn bấn loạn. Ngồi trên chiếc xích-lô-đạp đôi dòng nước mắt rớt rơi từng đợt, thầm nhủ: - Dzoanh ơi! Em phải xa anh! Em phải trốn anh! Em biết anh sẽ tìm em, hoặc anh nghĩ là em không có tình yêu với anh. Nhưng hoàn cảnh nào em cũng chịu. Em mong rằng ngày mai hay một thời gian nào đó, anh sẽ hiểu em hơn.
Mai Ly cố gắng quên Dzoanh. Hằng đêm em mượn tiếng nhạc, ánh đèn khuya và rượu nồng để giải sầu.
Lúc bấy giờ, Mai Ly đã đi ra trung-tâm; Nguyễn-Huệ, Tự Do, em xin làm vũ-nữ kiêm chiêu-đãi-viên trong một ‘’Dancing-snack-bar-Eve’’. Nơi đây, quan khách toàn là người ngoại quốc. Hầu hết, họ là dân đại-thương-gia, công-tư chức cao cấp...
Mai Ly lao mình trong sóng nhạc với ánh đèn màu. Em sống thác loạn quay cuồng để quên đời. Tiền rừng, bạc biển, xiêm-y lộng lẫy. Mai Ly ăn diện sang hơn, nghề nghiệp sành sõi hơn. Em bắt khách bằng đôi mắt lẳng lơ, mơ mộng, gợi lên nét buồn buồn đầy tình tự. Đôi khi gặp ‘’bướm đa tình’’, họ nói yêu em. Mai Ly nâng ly rượu đụng với họ và ngất ngưỡng cười, hỏi:
- Anh nói yêu tôi! Yêu tôi, mà có dám cưới tôi làm vợ không?
Khách trả lời rằng: - Sao cô đi nhanh thế?
- Nhanh à! Há! Miệng anh nói yêu tôi, mà lòng anh lại sợ. Có phải không?
Những bối cảnh đó thường xẩy ra hằng đêm như cái dĩa hát, mà Mai Ly cứ cho hát hoài không thấy rè.
Nghề-nghiệp nào cũng có nguyên tắc riêng để tán khách. Thật buồn cười trong xã-hội mà con người đôi khi bắt buộc phải đóng đủ vai, đủ tuồng trên sân khấu Đời này.
Như bài ‘’ Đời Lắm Việc‘’ của Thi Sĩ Tản Đà:
‘’ Đời người như giấc chiêm bao
Mà trong mộng ảo tại sao không nhàn?
Đã sanh ra ở nhân hoàn
Lao t âm lao lực một đoàn khác chi?
Người ông lớn, đứa cu li
Nhọc lòng nhọc xác cũng vì ‘’cái ăn ‘’.
Cuộc đời kinh tế khó khăn,
Người đời càng phải nhọc nhằn sớm hôm.
Những người khố rách áo ôm
Mồ hôi đổi lấy bát cơm no lòng.
Người thương mại, kẻ canh nông
Lo tiền, lo thóc, năm cùng lại năm.
Ngày ngày hai buổi đi làm
Cụ thừa trong sở, ông tham trên tòa.
Người khiêu vũ kẻ xướng ca
Cũng là nghề nghiệp con nhà làm ăn.
Người viết báo kẻ bán văn
Sinh nhai cái bút khó khăn lần hồi.
Người đi sông nước ngược xuôi,
Kẻ đêm kim chỉ ngày ngồi vá may.
Kẻ đi đồn thú Đông Tây,
Người khua chuông mõ ăn mày cửa không.
Người thuyền thợ kẻ gánh gồng
Người canh cửi kẻ bên sông lưới chài,
Cùng trong lao động một đời,
Kể sao cho xiết hạng người thế gian!
Giàu sang chưa dễ ai nhàn,
Nghèo hèn ai chớ phàn nàn làm chi!
Vui buồn ai cũng có khi
Có hoan lạc có sầu bi lẽ thường.
Trăm năm một giấc mơ màng,
Nghĩ chi cho bận gan vàng hỡi ai!’’
°
Mai Ly đã ra đến vùng trung tâm Sài-gòn ánh sáng. Nghề nghiệp cứng cõi, thông hiểu và kinh nghiệm khá nhiều về những cánh bướm mua vui. Khách đã mua cái vui từ thân xác và hương sắc của Mai Ly. Thì ngược lại Mai Ly chuốc lấy những nỗi buồn riêng, sau khi trở về với căn phòng trang nhã mà chỉ nhìn chiếc bóng lẻ, hình đơn của mình...
Rồi một đêm đầu tháng, Mai Ly vừa có tiền riêng và vừa lãnh lương. Đêm ấy, em hơi say rượu, tâm hồn như điên loạn. Về đến căn phòng, nhìn vào gương, soi thấy son phấn lem luốt, nhạt nhòa. Tiền đang có trong xách tay, em mở ra lấy mấy sắp liệng lên trần nhà, làm tiền bay tung tóe khắp phòng. Rồi úp mặt, nằm sắp trên giường khóc nức nỡ và hét lên:
-Tiền! Tiền! Tiền! Em vụt đứng dậy lục lạo trong học tủ, thò tay lấy mấy viên thuốc ngủ cực mạnh định uống để cho ngủ năm bảy ngày... Nhưng bất chợt, em sực nhớ...:
- Má! Má! Má ơi! Con không uống thuốc đâu! Con còn có má, con phải nuôi má như lời của con đã hứa với má. Nhưng má ơi! Con buồn quá! Con cô đơn quá! Không có ai chân tình với con cả...!
Gào thét một hồi, đến đây Mai Ly giựt mình tự trách:
- Hứ! Mà mình có chân tình với ai không? Tại sao mình lại trách người? Hằng tá đàn ông nói yêu mình. Mình khi dễ họ mà. Mình không tin người, sao bắt người ta tin mình? Ha! Cho tình, mà còn chưa được tình. Huống gì mình không cho mà đòi được. Ích kỹ thật! Đồ ích kỹ! Đồ ích kỹ!
Mai Ly la hét, mắng chửi, tự trách mình, rồi nghe lòng nhớ lại, lảm nhảm:
- Ông Thành An, Larry Coper, Andy, Trần Đình Dzanh và... Những người đó, họ yêu mình thật. Những tấm chân tình giờ đây đã xa ta rồi. Hãy xóa bỏ và ráng quên đi!
Mấy năm ròng rã, Mai Ly thấy ngao ngán với ánh đèn đêm. Tiền có dư, bồ bao tháng hai, ba trự. Mỗi tháng ít nhứt nàng cũng có khoảng năm, sáu chục ngàn đồng. Mai Ly bỏ "Dancing-Eve" đến đường Tự Do xin làm ban ngày tại ‘’Prince-bar’’. Nơi đây, buổi trưa toàn là những dân làm văn phòng, họ nghỉ trưa thường ra uống nước và gần đó có hai khách sạn thuộc loại sang; Caravel và Continental.
Mai Ly làm tà tà được mấy tháng, y như cô thư ký "trá hình". Một hôm, nàng gặp lại ông khách quen hồi làm ở " Kim-Cương-bar ", tên Bill cỡ ba mươi tuổi. Bill nói, chàng thích Mai Ly từ lâu rồi. Bây giờ gặp lại Mai Ly, Bill đề nghị sống chung. Mỗi tháng chàng cho ba chục ngàn. Mai Ly thấy chàng ta cũng đàng hoàng nên chấp thuận ngay. Sau đó, hai người đi tìm mướn căn phố lầu ba từng ở gần Cư-Xá-Lữ-Gia (Phú Thọ). Nhưng Bill ra điều kiện, nhỏ nhẹ bảo:
- Mai Ly! Em về ở với anh như một người vợ, và anh không cho em đi làm bar nữa nhé!
Mai Ly bằng lòng. Nhưng nàng lại đi làm lén ban ngày. Một hôm xui, gặp bạn của Bill. Mai Ly căn dặn là đừng nói với Bill. Nhưng chàng trai kia bênh bạn mà học lại cho Bill biết. Bill giận lắm, chàng chửi thầm:
- Con khốn nạn này thật là xạo, nó sẽ biết tay ta...
Đến cuối tháng, thừa dịp Mai Ly đi làm, Bill về nhà dọn hết đồ đạc đi vô trại. Chiều Mai Ly về thấy nhà trống trơn, chỉ có chị làm còn ở đó, nàng hỏi thì chị nói:
- Hồi trưa em thấy ông Bill về với hai người bạn bằng xe Jeep. Họ hì hụt dọn đồ. Em không hiểu gì hết!
- Chị có nghe họ nói gì không?
- Dạ, không.
Mai Ly lên phòng dọn đồ đạc và gọi taxi chở đồ về nhà nàng. Rồi tiếp tục đi làm ban ngày nơi cũ. Một hôm bà chủ cần chiêu-đãi-viên làm đêm, bà hỏi:
- Cô Mai Ly à! Cô có làm đêm ở đâu không?
- Dạ, thưa bà, không.
- Trong lúc này, tôi cần ‘’gái’’ làm đêm, cô có làm được không?
- Dạ, được. Nhưng em chỉ làm ba đêm trong tuần thôi.
- Ờ, cũng được.