Chẳng ai chối cãi sự kiện TÔN GIÁO đã hiện diện với nhân loại từ thuở ban sơ.Dĩ nhiên, lịch sử cho thấy đa số dân “bán khai” đều tôn thờ ngẫu thần. Lý do thật dễ hiểu: Qua những chặng đường phiêu bạt giang hồ lo sinh kế, sau những tháng năm dài đương đầu với thú dữ cũng như trăm ngàn hiểm nguy khác, họ cố gắng tìm về những nguồn trợ lực huyền bí mơ hồ mà, với khối óc còn hoang sơ đơn giản, họ coi như thần thánh quyền uy.Tâm trí họ luôn hướng về một tiềm lực cao cả nào đó từ trên cao đang ảnh hưởng và chi phối cuộc sống mình.Để rồi đi tìm kiếm bằng tất cả khả năng hiểu biết đang có. Tất cả chỉ là tự nhiên, trong khuôn khổ nhân loại hạn hẹp.Thế là kể cả với những xã hội được coi như đã khá văn minh, tỉ như Ai Cập, Hy Lạp và La Mã, người ta cũng chỉ gặp được một hệ thống tôn giáo đa thần.Đó đây đều có bóng dáng của thần núi, thần sông, thần mặt trời, thần mặt trăng v.v…Và rồi, có cúng bái, cầu khẩn, riêng tư cũng như công cộng.Nhiều dân tộc, không khác dân Việt là bao, còn quan niệm hồn thiêng của tổ tông ông bà cũng có thần lực khả dĩ hộ phù được cho đoàn con lũ cháu. Và rồi ngay cả những vị anh hùng dân tộc chết rồi cũng có sức linh thiêng giáng phúc cho người trần.Bên Trung Quốc được thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh, đã có một ý niệm tổng quát mù mờ về “Ông Trời”, mặc dù Khổng giáo không bao giờ muốn khai triển thêm về tư tưởng này, bởi người ta chỉ chú trọng đến cuộc sống xã hội nhân bản. (Lão giáo cũng có một quan niệm tương tự về ĐẠO như một nguyên tố tuyệt đối tối hậu). Khi phải giải đáp cho những thắc mắc về nguồn gốc vũ trụ và nhân sinh, họ cũng chỉ nói xa vời về 2 yếu tố Âm – Dương kết tinh tạo nên sự hiện hữu vạn vật, như một câu trả lời tối thiểu, bắt buộc phải có cho một học thuyết.Nơi xứ Ấn Độ huyền bí, từ gốc rễ đạo Bà-la-môn phiếm thần cho đến Ấn giáo ngự trị nơi hầu hết các gia đình ngày nay, người ta thấy cả một hệ thống đạo giáo phức tạp khó hiểu: Vừa có một vị Brahman tối cao mà lại vừa có cả trăm triệu vị thần khác. Thế giới luôn nhìn vào dân Ấn Độ như một dân tộc đầy tôn giáo tính: lúc nào người ta cũng muốn tìm kết hợp với Đấng tối cao và kiếm con đường giải thoát bằng cuộc sống khắc khổ, chay tịnh và an hòa. Tuy nhiên giáo thuyết Ấn giáo, qua cái nhìn khách quan của người bên ngoài, luôn mang đặc tính mù mờ, tối tăm, khó chấp nhận và nhiều khi bao gồm rất nhiều mâu thuẫn, không cắt nghĩa được.Cũng từ trong môi trường đó, Phật giáo đã phát sinh và khai triển con đường giải thoát khỏi vòng luân hồi nghiệp chướng, bằng phương thức diệt dục và tìm về Niết Bàn. Cũng giống như Khổng Tử, Phật Thích Ca luôn nhấn mạnh đến cuộc sống thực tế hôm nay, nhưng rồi ở mặt khác, cũng phải lo chuẩn bị cho cuộc tự giải thoát mai sau. Tuyệt nhiên, Ngài không muốn đề cập tới nguyên thủy vạn vật. Người ta nghĩ về Phật giáo như một giáo thuyết nhân bản luân lý, đặt nền tảng trên sự giác ngộ bản thân nhiều hơn là xây dựng mối tương giao với một Đấng Thượng Đế bên ngoài nào khác. Do đó, một số đã ngần ngại khi phải xếp loại học thuyết nhà Phật vào số những học thuyết tôn giáo.Người dân Việt, ngoài tư tưởng Khổng Mạnh, còn được nhiều ít thấm nhuần tư tưởng nhà Phật qua bao thế kỷ. Phật giáo thật đáng mến khi đem lại những kêu mời về từ bi hỷ xả, tạo nên những vị cao tăng thiền sư đức độ cao vời, cũng như nhắc bảo ta về những giá trị tương đối và mau qua của trần đời, nhưng phần nào Phật giáo đã thiếu sót khi không đưa ta đến cuối con đường tìm hiểu về nguyên thủy và cánh chung, thiếu sót khi chủ trương không chấp nhận những chân lý khách quan (tất cả là vô thường, sắc sắc không không), và khi bản thân ta là vô ngã, không có cái chi là bản thể riêng tư. Mà cũng vì không nhận cái bản thể ngã biệt này mà người ta sẽ lúng túng khi phải giải thích về câu chuyện luân hồi: Ai luân hồi, ai trách nhiệm cho ai?Cũng ở Việt Nam, còn có 2 tổ chức lớn khác lôi cuốn được niềm tin của quần chúng, đó là: Đạo Hòa Hảo và đạo Cao Đài. Hòa Hảo thì chỉ là một phong trào Phật giáo canh tân. Còn Cao Đài thì cố gắng tổng hợp giáo thuyết của nhiều đạo khác nhau ; tuy có mang được sắc thái hòa đồng sung mãn, nhưng xem ra không khách quan và mạnh đủ về mặt giáo lý khi phải trình bày cho người ngoài cuộc. Rõ ràng là thiếu đặc tính nguyên thủy.Trên đây chỉ nhắc qua những giáo thuyết ta thường nghe nói tới, những giáo thuyết từ căn bản không muốn chấp nhận một Thượng Đế tuyệt đối duy nhất và như một Vị Tạo Hóa toàn năng, luôn trực tiếp chi phối cuộc sống con người.Đó đây trên toàn thế giới, ngay cả hôm nay, cũng còn nhiều hình thức tôn giáo phiếm thần hoặc đa thần khác nhau. Ngoại trừ một số đang vô tình hay hữu ý chủ trương vô thần, nhân loại hầu hết đều mang một ý thức tôn giáo trong tâm tư.Để tiếp theo con đường đổi trao và đối thoại, ở chương sau, chúng ta sẽ đề cập đến lập trường chủ trương chân nhận và tin thờ một Thiên Chúa.