C. Ta muốn trở thành khôn ?

1. Hãy rửa chân cho nhau.
 
Mẫu gương rửa chân được chính Chúa Giêsu áp dụng với các môn đệ của Ngài trong bữa Tiệc Ly đã gây kinh ngạc cho các ông, cũng như để lại cho hậu thế một bài học độc đáo có một không hai trong lịch sử. Điều đáng nói ở đây là, sau khi làm như thế, Chúa đã ra lệnh cho các ông và các kẻ theo bước các ông sau này phải theo tấm gương đó mà rửa chân cho nhau.
Ta biết rồi, rửa chân là công việc của các tôi tớ làm cho chủ. Mà đường lối của Chúa, các môn đệ đã được chỉ dạy: “Ai muốn làm lớn trong chúng con thì hãy học sống như đầy tớ để mà phục vụ và hầu hạ anh em mình”. Cũng trong khung cảnh huấn giáo môn đồ để họ chấp nhận đường lối khác biệt của những kẻ theo Chúa, Ngài đã mượn câu chuyện  hai người con của Giêbêđê muốn xin được ngồi bên tả bên hữu Chúa trong Nước vinh quang (theo kiểu suy luận sai lạc của đa số dân Dothái đương thời) để cho tất cả thấy rõ rằng xin như thế là chẳng hiểu tý nào về cuộc sống tông đồ cả. Các môn đệ khác tỏ ra khó chịu bực tức với hai người này, chung qui cũng chỉ vì họ đang mang cùng một ước mơ, một tâm sự như hai ông.
Lệnh truyền rửa chân cho nhau dĩ nhiên phải được khởi sự từ một tâm hồn khiêm tốn chân thật, khi hoàn toàn nhận ra vẻ yếu kém bất xứng của chính con người mình. Đứng trước tôn nhan cực thánh và quyền uy của Chúa, ta dễ thực hiện việc hạ mình xuống và thú nhận tình trạng đớn hèn của mình. Tuy nhiên, trong tương quan với anh em đồng loại, chả dễ gì để ta thực tâm công nhận tha nhân khá hơn ta, nhất là khi so sánh với những kẻ bề ngoài xem ra bê bối lắm khuyết điểm.
Chúa Giêsu biết rõ như thế, nên Ngài cặn kẽ chỉ cho các môn đệ thấy những cái vô lý và tệ hại của tâm hồn kiêu căng. Ngài dạy các ông hãy ngó tới cái xà trong mắt mình trước khi tìm vạch bới cái rác trong mắt anh em. Qua việc tha tội người đàn bà ngoại tình, Chúa bảo các ông trước khi luận án để ném đá người khác, phải tự xét xem mình có hoàn toàn trong sạch không đã. Vả nữa, qua bài dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện, Chúa đã minh định với các ông rằng nếu ta hợm mình, coi khinh anh em mà nâng chính mình lên, ta sẽ bị Thiên Chúa kết tội tức khắc.
Chúa cũng thấy tỏ tường những tâm tư bực bội bất an của đa số người đời, nên Ngài tha thiết kêu gọi: “Hãy đến học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và rồi các ngươi sẽ gặp an vui thanh thản cho hồn mình”. Phải rồi, ta rất dễ ghen tương giận tức khi thấy tha nhân nổi hơn ta, được mến hơn ta, còn mình thì “oan ức” bị khinh chê coi thường. Lời mời gọi của Chúa lúc này sẽ là phương thuốc hữu hiệu duy nhất cho những khủng hoảng của đời ta.
Dĩ nhiên ta không chỉ cần học sống khiêm hạ trong tư tưởng thầm kín, nhưng còn phải thực hành nơi mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, mỗi hành động trong đời thường nhật mà ta thường xuyên giao tiếp với tha nhân.
Bước đầu tiên là học nhường  nhịn, học dành vinh dự, dành chỗ tốt, chỗ cao cho người khác. Ta phải hiểu làm như thế như làm cho chính Chúa, theo mẫu gương Thánh Gioan Tiền Hô: “Tôi sẽ phải bé đi, còn Chúa cần được lớn lên”. Khi có cơ hội, ta còn phải ra tay phục vụ trong tư thế của kẻ hèn mọn thấp kém. Rồi nhiều khi người môn đệ khiêm nhu đích thực của Chúa còn cần theo gương Ngài mà vui chịu những hiểu lầm, những khinh bỉ và những nhục mạ nữa.
Theo thường, đây sẽ là chỗ khó khăn hàng đầu của kế hoạch tu sửa bản thân bước đi với Chúa. Chúa muốn ta bỏ mình đi, mà cái cần bỏ số một, và cũng gay go hạng nhất, chính là bỏ cái tôi to lớn, bỏ cái tự ái nặng nề, bỏ cái kiêu căng cao ngút tựa Thái Sơn luôn đè nặng lên mỗi con người trần tục của ta. Nó sẽ đòi ta lội ngược giòng nước đời chảy ào ào như thác lũ. Thiếu ơn thánh siêu nhiên, ta không sức nào đứng vững cho được.
Rất hiếm người cư xử được như Juan Sebastian del Cano là viên phụ tá của nhà thám hiểm Magellan: Ông đã tận tình phục vụ Magellan quên mệt nhọc, chấp nhận sống như chiếc bóng mờ sau lưng chủ, để rồi khi chủ bị giết khi chưa hoàn tất cuộc hải hành đầu tiên vòng quanh thế giới, lúc về tới điểm chót, ông vẫn dành hết mọi vinh dự cho Magellan trước mặt người đời và vui chịu bị lãng quên cho tới cuối đời.
Lối sống phục vụ theo mẫu mực “rửa chân” trên đây dĩ nhiên cũng đòi hỏi một tâm hồn chứa đầy lòng bác ái siêu nhiên: ngày đêm ta tìm cách làm sự lành cho anh em trong tình mến Chúa. Ở đây, ta được mời gọi áp dụng lời Chúa khuyên: “Khi tay phải con làm phúc thì cố giấu đừng cho tay trái biết”. Nghĩa là hãy âm thầm thi thố tình yêu thương cho tất cả, không mong được ca tụng, chẳng đợi được đền bù.
Để thực hành Đức Ái theo lời dạy của Chúa, ta cũng phải đạt tới cao điểm của sự “khờ” Kitô giáo, từ chỗ sẵn sàng tha thứ cho kẻ xúc phạm làm hại mình cho đến sự cầu nguyện và chúc phúc cho họ ; từ chỗ chịu đựng nết xấu khuyết điểm của tha nhân tới chỗ chân thành khuyên răn nhắc bảo họ ; từ chỗ mở vòng tay chia sẻ bố thí cho tới chỗ xả thân hiến dâng cả đời mà phục vụ kẻ khốn khổ đáng thương.
Điều đặc biệt mà cũng khó thực hiện ở đây là ta không được lựa chọn những kẻ đáng yêu để thương yêu hay chọn những kẻ đáng tha mà thứ tha. Ta phải đón nhận tất cả, mà nếu cần, phải dành ưu tiên cho những kẻ nghèo hèn bết bát nhất. Hơn nữa, Chúa còn muốn ta hãy làm ơn cho những kẻ không có phương tiện đền ơn lại cho ta!
Hình ảnh cao đẹp của người Samaritanô nhân hậu của Phúc Âm ngày nay vẫn được thế nhân truyền tụng và ngợi khen, nhưng nói tới chuyện đem ra thực hành trong đời, vẫn chẳng có mấy ai dám can đảm và quảng đại khởi sự. Bởi chuyện này đòi ta phải biết lột xác, biết ra hẳn ngoài cái tôi ích kỷ, biết dấn bước dứt khoát để nhận lối sống thiệt thòi vì Chúa.
Để đóng vai trò của thánh Veronica can trường lấy khăn lau mặt Chúa trên đường khổ nạn, ta phải chấp nhận cái nguy hiểm và hung hãn. Giờ đây, bộ mặt khốn khổ của Chúa cũng đang hiển hiện nơi bao sinh linh xấu số quanh ta. Giáo Hội luôn mong mỗi người con của mình mạnh dạn theo chân Veronica để giúp đỡ Chúa.
Với Đức Ái, ta còn phải mau mắn tình nguyện ra tay ngay cả trước khi được tha nhân lên tiếng xin xỏ, hỏi nhờ. Thánh Vinhsơn đã học được bài học ấy để rồi trở thành vị anh hùng hàng đầu của bác ái vị tha: Thời còn trẻ, có lần Vinhsơn đi dạo trên hè phố, khi thấy một anh hành khất rách rưới ngồi bên lề đường lặng thinh, chàng lên tiếng:
- Nếu anh biết mình là kẻ ăn mày đói khổ, sao không mở miệng ra mà xin giúp đỡ?
Người hành khất đáp:
- Anh ngó thấy tôi nghèo khổ rách rưới như thế này, với thân hình tiều tụy đáng thương như đây, liệu chưa để để còn đòi tôi lên tiếng van lơn nữa hay sao?
Vinhsơn hiểu ý, để rồi từ đó hăng hái ra tay làm việc bác ái hết mình.
Yêu thương tha nhân theo mẫu mực Đạo Công Giáo còn khó ở chỗ ta phải yêu theo kiểu Chúa đã khởi sự yêu ta trước, yêu không tính toán, chẳng giới hạn, yêu cho đến hiến mình để chết cho kẻ thương yêu. Ta phải nhìn ở nơi tha nhân bóng hình của chính Chúa, nhận ra một bổn phận, một trách nhiệm nghiêm trọng ràng buộc ta với anh em đồng loại như thân nhân ruột thịt. Lo lắng khi thấy người khác đang lâm vào chỗ cùng bí như trường hợp Mẹ Maria lưu tâm đến cặp tân hôn ở Cana xưa, và còn nối tiếp việc chăm sóc cho trần gian mê đắm tội lỗi qua bao lần Mẹ hiện ra nhắn nhủ họ ráng đi theo đường lối của Chúa.
Chả mấy ai thấy niềm vui thanh khiết khi phải xả thân giúp đỡ anh em. Không mấy ai hiểu được rằng cho đi chính là ta nhận vào. Ngược lại, đa số chúng ta tiếp tục đóng vai những ông lữ khách vô tâm và cả những thầy luật sĩ và tư tế, khi thấy nạn nhân nửa sống nửa chết bên đường, vẫn bình thản làm ngơ bước qua!
Lời Chúa réo mời “hãy rửa chân cho nhau” vẫn vang vọng lạc lõng vào chốn sa mạc hoang vắng…
2. Hãy về bán gia tài.
 
Thánh sử Luca ghi lại một mẩu chuyện thế này: Bấy giờ có một chàng trai giàu có đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”. Chúa đáp: “Sao gọi tôi là nhân lành? Chỉ có một mình Thiên Chúa là nhân lành! Mà này, anh biết luật dạy đừng ngoại tình, giết người, trộm cắp, làm chứng gian và hãy thảo kính cha mẹ không?”. Người ấy đáp: “Tôi đã giữ mọi điều đó từ nhỏ”. Nghe vậy Chúa nói “Còn thiếu một điều nữa, đó là anh hãy về bán hết gia tài phân phát cho kẻ nghèo, để có được kho báu trên trời, rồi sau đó hãy đến theo Ta”.
đệ: “Người giàu khó vào Thiên Đàng lắm! Có lẽ lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn!”.
Chúa cũng biết giàu không là một tội. Cái nguy của giàu sang là khiến ta mê đắm và trở nên nô lệ của bạc tiền. Nó ngăn trở ta phục vụ Thiên Chúa và tha nhân và chỉ biết có riêng mình. Bởi thế, Chúa chọn môn đệ và tông đồ giữa đám người đánh cá nghèo nàn.
Khi Chúa bảo người giàu nói trên về bán gia tài, chẳng phải là dấu hiệu Chúa lên án hay khinh chê tiền bạc vật chất, nhưng chính là vì Chúa thấy đương sự đang quá ham mê dính bén của cải. Mà với Chúa, không ai được làm tôi hai chủ. Phụng sự Nước Trời thế nào được trong khi hồn trí luôn gắn chặt vào những thứ trần tục!
Thế nghĩa là Chúa đòi hỏi những kẻ theo Chúa một tinh thần khó nghèo, dầu có của cải cũng coi như không và sẵn sàng vì Chúa mà từ bỏ tất cả, nhất là một khi thấy rõ vì nó mà ta sống xa Chúa và đi ngược Phúc Âm.
Dĩ nhiên ta phải hiểu cho thật chính xác ở đây: Sự nghèo túng về vật chất suông chỉ thực sự là một tình trạng kinh tế tài chánh, không thể nào được coi là một nhân đức ; nghèo chưa chắc đã giúp ta mến Chúa. Nhưng một khi thực tâm yêu mến Chúa và hăm hở làm việc cho Nước Trời, người ta sẽ dần dà tự nguyện sống lối sống đơn sơ thanh bần, theo tấm gương cao cả của chính Con Một Chúa khi xuống làm nguời, rồi mang những tài sản của mình àm chia sẻ ra với những kẻ xấu số khổ đau.
Đó là then chốt của Lời Chúa mời gọi từng người chúng ta. Và đó cũng chính là đầu mối để ta trở thành dại khờ vì Danh Chúa. Lời kêu gọi tha thiết của Phúc Âm này đã một lần đánh động tâm hồn chàng thanh niên Phanxicô thành Assisi để rồi biến đổi càng nên con người mới hoàn toàn theo bước chân khó nghèo của Chúa Cứu Thế.
Với một số nhà tu đức, việc sẵn sàng từ bỏ tài sản vật chất này mới là bước tiên khởi kéo lôi ta đi vào bước thứ hai: học cho kỹ bài học từ bỏ trong tâm tư tinh thần, cụ thể là cái ý riêng nặng nề nằm sâu trong bản thân mỗi người chúng ta. Việc từ bỏ thuộc nội tâm ấy đòi ta một bản lãnh thật cao cường, lúc nào cũng vui chịu để Chúa biến cải đổi thay, lôi kéo ta ra khỏi con người cũ mê đắm, với những thói quen tệ hại, những thái độ sai lạc, những cách thức suy tư phán đoán theo kiểu người đời.
Trở lại với lối sống thanh bần, Chúa vừa muốn ta theo gương nghèo hèn của Chúa, lại vừa mời ta làm bạn quen thân với những thành phần bất hạnh đói khổ quanh ta nữa: nếu có tổ chức tiệc tùng, chớ nên mời kẻ khá giả, nhưng hãy đưa tới những người khố rách áo ôm, để rồi sau đó họ không có hy vọng tổ chức ăn uống đáp lễ lại chúng ta bao giờ.
Sống cạnh kẻ nghèo và chia sẻ lối sống khó khăn của họ sẽ giúp ta gặp được Chúa và hiểu rõ đường lối của Ngài. Nó chẳng những giúp ta tránh lối sống ích kỷ như người phú hộ với Lazarô, mà còn không bị sa vào tình trạng giả hình của nhóm Pharisiêu để rồi đem đạo đức ra mà “nuốt cả gia tài của các bà góa”. Hơn thế, nó cũng giữ ta khỏi đi tới chỗ vì mê tiền bạc mà khinh thường sự thánh, giống như đám người buôn bàn đổi chác tiền nơi đền thờ, hay tệ hại hơn nữa, đi vào chỗ phản bội mà bán cả Chúa như Giuđa!
Điều đáng tiếc ở đây là, thời nào cũng thế, người nghèo thì đầy dẫy khắp nơi, nhưng kẻ thực sự học được tinh thần nghèo khó của Chúa thì bao giờ cũng ít. Thành ra, ta phải để ý cả khi mình đang có cuộc sống sung túc hay đang chẳng may lâm vào chỗ túng thiếu: lòng tham lúc nào cũng lăm le khơi dậy trong lòng mỗi người chúng ta. Vua Louis IX nước Pháp cũng như hoàng hậu Elizabeth xứ Hung Gia Lợi xưa quả đã nêu tấm gương thực hiện và yêu thương kẻ nghèo hết sức lạ lùng, để tạo nên cho Giáo Hội hai đấng thánh, dẫu cho cả hai sống trong cảnh sang trọng lụa là.
Tất cả các vị thánh khác cũng đều muốn đi vào vết bước của Vị Thầy Chí Thánh, mà theo lời Phaolô diễn tả, là Đấng vốn giàu sang vô cùng nhưng đã tự làm mình nên khó nghèo cùng cực vì mưu ích cho chúng ta, hay nói cách khác, cho chúng ta được trở nên giàu trong ân sủng của Thiên Chúa.
Để được vậy, ta phải tập hướng cặp mắt thiêng liêng để ngước nhìn những tài sản vô giá trên Thiên Quốc đang chờ đợi ta. Qua Phúc Âm, Chúa dạy ta “hãy lo thu tích của cải trên trời là nơi mối mọt không làm hư hỏng, là chốn kẻ trộm không đào khoét và lấy đi được”.
Hơn nữa, ta cũng cần học phó thác và tin tưởng nơi bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, Đấng đã “sinh voi cũng sẽ sinh cỏ” và “săn sóc cả loài chim sẻ bé mọn dẫu chúng chẳng hề gieo, gặt hay dự trữ kho lẫm”. Tại sao thế? Bởi vì tiên vàn ta được mời gọi lo tìm thực hiện Nước Thiên Chúa và sự Công Chính của Ngài, và Ngài sẽ lo liệu cho ta tất cả những thứ khác cần cho đời ta.
Các thánh nhân hiểu thật rõ lời Chúa dạy “của các ngươi ở đâu thì lòng trí các ngươi sẽ ở đó”, cho nên các ngài luôn cố gắng lưu tâm tối thiểu tới phần vật chất, để rồi chăm sóc tối đa cho phần thiêng liêng của linh hồn. Cũng ở trong tâm trạng đó mà lúc các anh của thánh Bênađô trao lại toàn bộ tài sản gia đình cho người em út của ngài để đi tu, cậu ta đã khóc trả lời: “Các anh xử bất công quá, sao chọn phần giá trị mà rồi chia cái phần thấp kém này cho em. Em không thể chịu như thế. Em cũng nhất định theo các anh sống đời tận hiến cho Chúa”.
Chê của đời không luôn dễ và rồi sẽ bị mang tiếng là ngu ngốc. Tuy nhiều người đã nghe lời Chúa long trọng hứa “ai bỏ nhà cửa, cha mẹ, vợ con, anh em vì Danh Ta thì sẽ được thưởng gấp trăm và rồi sẽ được sống đời đời”, nhưng trước mắt họ, những thứ hào nhoáng bên ngoài lúc này vẫn kéo lôi hấp dẫn họ hơn nhiều. Thành ra số người hăm hở theo Chúa để làm tông đồ xưa nay luôn hiếm hoi: bởi vì lúc ra đi, họ không được mang theo tiền bạc, bánh trái, bao túi, không được mang thêm quần áo giày dép phòng hờ.
Cách diễn tả của thánh sử Marcô trên đây cho phép ta hiểu rằng người tông đồ của Chúa phải từ bỏ để phó thác hoàn toàn nơi Ngài. Bây giờ, dầu ta không thuộc về một tổ chức hay tu hội truyền giáo nào, ta cũng phải sống cái tinh thần không dính bén của cải vật chất để dễ bề lưu tâm đến Nước Chúa và thực hành đức bác ái cũng như phục vụ tha nhân hơn.
Một lần nữa, ta cần hiểu rằng, cũng như các Mối Phúc Thật khác, tinh thần nghèo khó theo Tân Ước đây phải là kết quả của tấm lòng mến Chúa thật tình. Trong  thực tế, ta chỉ có thể có kinh nghiệm về nó, chứ khó lòng để tạo nên một định nghĩa hay nêu lên một công thức về việc khó nghèo này. Những điều Chúa dạy ta thi hành cũng chính là những điều thiện hảo thuộc chính bản tính Chúa. Thành ra, ta cần được Thánh Linh giúp đỡ để hiểu, để chấp nhận và để thực hiện trong đời. Nhờ vậy, ta sẽ hiểu được lời nói của Thánh Kinh: “Thiên Chúa thương yêu kẻ nghèo khó và chỉ muốn mạc khải về Mình cho họ mà thôi”.
Trên đây là lý do để ta thấy tại sao Chúa chúc dữ cho những kẻ giàu mà ích kỷ, những kẻ ôm tiền bạc tài sản khư khư cho mình mà không muốn san sẻ cho ai khác.
Dĩ nhiên chia sẻ theo kiểu Chúa là chấp nhận thiệt thòi liên tục. Đức Kitô đã làm gương khi từ bỏ chức vị cao trọng là Con Thiên Chúa tối cao, để rồi nhận phận tôi đòi hèn hạ của nhân loại hầu mong cứu rỗi họ bằng cái chết trên Thánh Giá.
Thích chia sẻ. Nhận thiệt thòi. Sẵn sàng chịu mỗi ngày mỗi nghèo đi vì Chúa và tha nhân. Tất cả những chuyện này làm ta trở nên càng khờ dại trước mắt trần gian.
3. Lời lãi cả thế gian mà làm chi.
 
Nơi giáo lý của Chúa, ta thỉnh thoảng gặp được lời Ngài nhắc nhở về cùng đích của đời mình: ít ra hãy suy niệm về những sự thực chờ đợi ta sau cái chết, để nắm vững trong tâm trí rằng, dẫu bây giờ ta có được lợi lộc cả trần thế, nhưng rồi mai ngày linh hồn ta phải hư thiệt mất trong hình phạt trường cửu, thì quả là một chuyện sai lầm to nhất.
Ma quỷ và thế gian thường xuyên kéo lôi ta hãy lưu ý để kiếm tìm những giá trị và thú vui của cuộc sống hữu hình trước mắt. Thành ra, học sống theo giáo lý của Chúa như trên đây sẽ bị chê là dại dột, viễn vông, không thực tế.
Người Kitô hữu ôm ấp cái giáo lý lạ lùng của Chúa bởi họ tin vào lời của Ngài, sau khi đã hiểu rằng Ngài đã cho kẻ chết sống lại và cuối cùng làm cho chính mình được phục sinh. Niềm tin dây dĩ nhiên luôn là một thử thách trong đời, bởi nó luôn hướng dẫn mọi hành động của họ trên đường đi tới cuộc sống tiếp sau sự chết: cùng phục sinh với Chúa.
Cái Đức Tin ấy càng khó hơn khi ta phải chấp nhận đổi thay quan niệm tầm thường của mình về thân thế, về hành động, về sứ mạng của Ngài khi Ngài đến giữa chúng ta. Nó càng khó hơn bội phần khi ta phải vâng lời Ngài mà sửa mình, mà biến cải, mà canh tân cuộc sống của mình thường xuyên theo mẫu mực và tiêu chuẩn Ngài đề ra. Chuyện canh tân này phải được thực hiện tận gốc rễ, tạo đời ta thành trơ trụi trống rỗng để dánh chỗ cho Chúa ra tay chiếm ngụ và hành động. Ngài muốn ta thấy rõ mình yếu đau để đón tiếp Ngài như một thầy thuốc tới cứu chữa, cũng như mong ta nhận ra mình đang mất thăng bằng trong đời để Ngài tới đem lại sự thăng bằng cho hồn ta.
Khi ta bắt đầu thấy rõ và nhận ra những điều này, ta sẽ khởi sự học hỏi để sống những giới luật và lời khuyên của Phúc Âm, để rồi tâm niệm rằng đời ta là một chuẩn bị lâu dài cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau, cơ hồ tích lũy những điều kiện giúp ta vượt qua nổi cuộc thi tối hậu Chúa chờ ta ở cuối đời mình.
Như thế, sự Phục Sinh vinh hiển với Chúa phải là đích điểm và niềm hy vọng cuối cùng cho mọi cố gắng hy sinh theo Chúa trong đời ta. Chính vì ta chỉ có một linh hồn, có một kiếp sống, nên đây là cơ hội duy nhất để ta dứt khoát quyết định lựa chọn, một mất một còn.
Ta không muốn đánh bạc như Pascal khi ông này biện luận rằng nếu có Chúa mà ta thờ ơ với Ngài, thì ta có thể bị trừng phạt muôn kiếp ; kỳ dư, nếu không có Ngài và chuyện Phục Sinh, thì dẫu có hy sinh đời này cũng chỉ thiệt trăm năm là tối đa!
Cái điểm then chốt ở đây là tuy biết rồi ra ai cũng phải chết, nhưng khổ nỗi không người nào có thể biết về ngày giờ chết của mình. Âu là Chúa chủ ý xếp định thế để ai nấy biết luôn sẵn sàng chuẩn bị, tựa năm cô trinh nữ không ngoan kể trong Phúc Âm. Nhờ luôn sẵn sàng và năng nghĩ tới sự chết mà ta không dám đi lạc con đường Chân Lý.
Về cuối đời, lúc được các Đức Hồng Y hỏi đâu là bí quyết để ngài sống an bình và làm việc thành công khác thường, Đức Giáo Hoàng Innocent IX đã chỉ vào một chiếc quan tài bé xíu để trên góc bàn giấy làm việc và nói: “Đây là mọi bí quyết của đời tôi”.
Nếu bắt chước được phần nào như vị Giáo Hoàng thời danh kia, ta cũng dễ dàng hơn để biết luôn ý thức về cùng đích đời mình mà hành động. Lúc đó, ta cũng sẽ biết quý trọng thời gian mà xử dụng từng phút từng giây của đời mình để lo cho phần rỗi. Quý trọng thời gian không giống kiểu sống của các đồ đệ thuyết Hiện Sinh, những kẻ chủ trương chỉ biết có giây phút hiện tại, và rồi ăn chơi trác táng, không cần lưu ý chi tới ngày mai.
Ngược lại, ta sẽ ân cần nên thánh trong chức vụ và bổn phận hằng ngày của mình, như mẫu mực của thầy dòng Phanxicô nọ tên Lêô: Thầy được trao nhiệm vụ may vá y phục cho các tu sĩ trong nhà, để rồi tới giờ sắp từ giã cõi đời, trên giường bệnh, thầy cứ luôn miệng đòi:
- Xin mang tới cho tôi chìa khóa mở cửa Thiên Đàng!
Lúc đó các tu sĩ khác đứng quanh ngơ ngác nhìn nhau. Rồi kẻ thì đem lại cây Thánh Giá, người mang tới cỗ tràng hạt, kẻ khác lại đem cuốn luật dòng. Nhưng lần nào thầy cũng lắc đầu.
Mãi sau có thầy ghé tai hỏi:
- Có phải thầy Lêô muốn cây kim khâu?
Thầy thì thào đáp:
- Đúng rồi.
Cầm cây kim trong tay, thầy nói qua hơi thở:
- Ôi người bạn đường yêu quý, hai ta đã cùng chung bước trên đường trần, nay ta cùng nhau hướng về Quê Trời vĩnh cửu.
Và liền sau đó thầy tắt thở trong nự cười vui sướng.
Và nữa, khi có được tâm trạng sáng suốt như trên, ngoài cái lợi ích biết lợi dụng mọi thứ để thánh hóa cuộc sống, ta còn luôn có được thái độ bình thản an vui trước tất cả các biến cố trong đời, để rồi khi nghĩ tới hay buộc lòng phải trực diện cái chết, lòng trí ta không hề bị xáo trộn lo âu. Thánh Charles Borroméo đã tiến thật cao về điểm này, cho nên lúc được cử làm bề trên một tu viện nọ, ngài đã quyết định nhờ họa sĩ tới sửa lưỡi hái của tử thần trong một bức tranh ở phòng khách nhà dòng trở thành một chìa khóa vàng.
Thành ra với nhiều thánh nhân, cuộc đời này càng chóng vánh mau qua, tâm hồn các ngài càng rạo rực vui sướng vì mau được về gặp mặt Chúa. Riêng với nữ thánh Têrêsa Avila, mỗi lần nghe chuông đồng hồ đánh điệu, là lại nói nhỏ: “Chúng ta lại được thêm một giờ nữa trên cuộc hành trình về Quê Trời”.
Nguyễn Gia Thiều có viết trong tập Cung Oán Ngâm Khúc của ông như sau:
“Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”
Phải, có nhiều lần ta đã sững sờ vì chuyện đời đến rồi đi cực kỳ mau lẹ như “giấc mộng Nam Kha” cổ nhân vẫn nói tới trên đây. Điều quan trọng là ta biết lợi dụng sự kiện đó mà xử sự cho có lợi ích thiết thực với hồn mình.
Lời lãi cả thế gian ư? Nghe thì xôm tụ sướng vui lắm, nhưng ngặt vì đời này vụt qua tựa bóng câu nơi cửa sổ, chưa kịp an hưởng thì hầu như đã tàn lụi. Còn phần rỗi linh hồn mới chính là tất cả của đời ta. Thiệt mất cái linh hồn vô giá ấy, ai sẽ đền bù cho ta đây?
Lo lắng cho linh hồn mình và phải chịu đựng hy sinh trong một thời gian để rồi bị chê là dại khờ, ta có thấy là việc đáng làm không?
Giáo Hội Công Giáo đã có câu trả lời cho ta rồi.