Đang hưng phấn nghĩ được một ý thơ hay vội đưa lên máy chữ gõ lóc cóc thì bà xã của Tễu tôi đi chợ về. Nhìn cái làn đầy rau muống với cái mặt không vui của bả, Tễu tôi biết là nguy rồi! Thế nào cũng bị “ xóc óc” mấy câu cho vui vì bả là cái “hàn thử biểu” về giá cả mua được mớ rau, con cá rẻ được vài trăm bạc (nói theo giá trị trợ búa là rẻ được vài ba xu) là bả vui lắm. Suốt cả cuộc đời vì chồng con chưa một ngày sung sướng vì cái đồng lương hưu (không chết nhưng sống ngắc ngoải) của hai vợ chồng còn đè nặng trên vai bả cho đến lúc xuống mồ! May thay lần này bả nhẹ nhàng nói:“Giá bố nó mang cái máy chữ lên ngồi ở cửa uỷ ban hoặc Đồn CA đánh thuê đơn “tứ khiếu” thì cũng thêm đồng rau mắm cho tôi! Mèng đét ơi! Hôm nay bà xã tôi nói chữ mới lạ chứ! Tôi ngỡ ngàng hỏi lại: “Đơn tứ khiếu” là cái chi? Bả thủng thẳng đáp: thì đó: “khiếu tố nè, khiếu nại nè, khiếu oan nè, khiếu kiện nè”... Nghe mấy chữ nè lê thê cứ ngỡ là bất tận. Còn bố nó cứ tí tách từ ngày này sang ngày khác, tốn công, tốn sức, tốn cả ru - băng! Nghe bà nói mà nghẹn lòng, hồn thơ bay đi đâu mất vội ngừng tay gõ. Rồi như người bói Kiều, với tay với hú hoạ một cuốn sách trên giá và mở một trang bất kỳ. Ôi! Không có cái hoạ nào lại không kèm theo cái may. Quyển sách hú hoạ tôi cầm trên tay là cuốn “thông tin công tác tư tưởng” số tháng 9 - 1999 trang 15 có bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng với đầu đề “ Những nội dung chủ yếu của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII”. Lời “hịch” thì quá dài, Tễu tôi không làm sao lĩnh hội hết được. Chỉ nhặt nguyên văn sau đây để bàn về “vấn đề nguyên tắc phân phối theo lao động”!.... Nhiều trường hợp người làm việc giản đơn thì được lương cao, trong khi người có đào tạo, làm việc có tính chất phức tạp, có trách nhiệm lớn thì lại hưởng lương thấp, thậm chí không đủ sống. Đã có người phàn nàn rằng một ca sĩ đi hát “chạy sô” mấy triệu một bài, một tháng sẽ có bao nhiêu triệu. Trong khi đó nhạc sĩ sáng tác, bỏ chất xám ra thì được hưởng bao nhiêu? Và ông phàn nàn rằng: ... Ngày càng bất hợp ý, trái với nguyên tắc phân phối lao động?... và so sánh “Lính uỷ ban hơn quan bên Đảng”. Từ trước đến nay ai ai cũng quan niệm: Đảng với chính quyền “ Tuy hai mà một”. Hôm nay được nghe “lời vàng” từ miệng ông Uỷ viên Bộ chính trị thì Đảng với Chính quyền “Tuy một mà hai”!Tễu tôi xin được bàn vấn đề “tuy hai mà một” hoặc “tuy một mà hai” sang một câu chuyện khác. Việc bàn chính là phân phối theo lao động! Tễu tôi không rõ ông Phú Trọng có đi du hành vũ trụ rời trái đất quá lâu mới quay trở về nên mới viết những đoạn Tễu mới nêu trên.Theo đường lối của Đảng ta: Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Và phân phối lợi ích xã hội theo nguyên tắc phân phối theo lao động!...Xin mạn phép ông Võ Đại Lược, người hiểu quá rõ cái gót “ASin của Mác”.Trích đại ý một bài viết của ông: Anh đã chấp nhận “ Kinh tế thị trường” sao lại còn theo phân phối lao động. Giả thử anh mang một đôi giày ra chợ bán, anh đòi người mua phải trả anh 100.000 đ vì anh lý sự là anh mất 3 ngày công rồi tiền nguyên vật liệu và bao thứ phí kèm theo... Nghe ra thì rất hợp tình, hợp lý nhưng... trên đời vẫn còn chữ nhưng... người mua chê không thích mẫu giày của anh với đủ ngàn lẻ một lý do như: da xấu, cứng đường chỉ thô, si không bóng và không “niu phá - sần” và người ta không mua, khi đã không bán được thì một xu không có lấy gì mà phân phối theo lao động với nguyên tắc của Đảng. Còn trường hợp ví dụ khác (trong muôn ngàn ví dụ) có liên quan đến các ca sĩ mà ông Phú Trọng đề cập. Nói ra thì hơi “phạm thượng” một chút nhưng đó là sự thật hiển nhiên chứ Tễu tôi không hề có ác ý gì. Các ca sĩ ngôi sao như: TL, NT, H.NH, ML... trước khi bước ra sân khấu làm “Lao động Mi - cờ - rô” là cả một sự phấn đấu rèn luyện từ tấm bé cũng nhọc nhằn cực khổ. Trời lại phú cho một thân hình đẹp gương mặt khả ái và giọng hát khổ luyện và đầu tư cho mấy ưu thế trên cũng khá tốn kém. Nào là: giữ thân hình thon thả thì cũng phải “A- rê - rô - bích”.Bộ mặt cho dễ nhìn thì cũng phải son phấn mỹ viện. Cái quan trọng nhất là “ cái cổ họng trời phú” thì không thầy đố mày làm nên. Nhìn bên ngoài thì cái việc lao động Mi - cờ - rô của mấy ca sĩ cũng không khác mấy các vị chức sắc hoặc mấy ông tuyên huấn hoặc mấy chú cán bộ tuyên truyền. Nhưng giản đơn thôi... cơ chế thị trường mà! Khi các ca sĩ ngôi sao về hát chỉ lơ thơ mấy cái “băng - đờ - rôn” mà thiên hạ chen chúc trước “ghi - sê” dốc tiền vào đó không tiếc. Thậm chí hết vé thì đã có “ dịch vụ vé chui” phục vụ với từ 200,300, đến năm bảy trăm nghìn một đôi vé. Nghe giá vé khi tình cờ Tễu tôi đi ngang qua cứ sây sẩm hết mặt mày, thế mà không còn một ghế trống. Cũng “lao động Mi-cờ-rô” của các vị chức sắc, tuyên huấn, tuyên truyền v.v... tất nhiên đều hiểu rằng bán vé thì một xu cũng không ai mua mời họ đến nghe thì không phải là “món ăn tinh thần” của các thị dân. Cho nên chỉ các vị nói thì các vị nghe với nhau. Vì các vị lao động là một thứ lao động ăn theo, thu vào như một băng cát-sét. Nhưng “cát-xê” cho “lao động Mi-cờ-rô” của các vị có điều rất đặc biệt mà cơ chế thị trường tự do không dám theo, nghĩa là người “lao động Mi-cờ-rô” được “cát-xê” 100.000đ, thì người được mời đến nghe (không mất tiền vé đã đành) khi ra về cũng được một phong bì chừng mươi nghìn tuỳ theo Ban tổ chức buổi nói chuyện moi từ túi nhà nước ra nhiều hay ít. Đến dòng này Tễu tôi tạm chia “lao động Mi-cờ-rô” ra thành hai loại: “Lao động Mi-cờ-rô chính trị” và “lao động Mi-cờ-rô nghệ thuật” để dễ so sánh! “Lao động Mi-cờ-rô nghệ thuật” đem tới cho xã hội một nhu cầu mà người ta tập hợp sống thành bày đàn. Nó là chế độ vô cùng công bằng. Không có áp bức bóc lột. Mọi người đều phải lao động bình đẳng như nhau. Mọi thành quả lao động đều được chia đều (bình quân). Vì năng suất lao động săn bắn, hái lượm lúc đó rất thấp, làm chỉ vừa đủ ăn trong ngày. Của cải vật chất được tập trung vào ông Tù trưởng của bộ lạc để cuối ngày phân phối cho đều đến các thành viên. Thật là một xã hội trong sáng tuyệt vời về sự công bằng. Ngày nay có Tivi khi xem các đoạn phim về “Thế giới động vật”, tôi bắt đầu ngờ ngợ về các điều mà tôi lĩnh hội được gần nửa thế kỷ trước. Các vị hãy cùng Tễu tôi xem một bày đàn sư tử khi săn được mồi thì con sư tử đực đầu đàn nó thả sức chén no nê đã, còn các con khác có đủ ăn không, đối xử như vậy có gây cho đồng loại bị chết đói hay không thì chắc nó không quan tâm. Những ông Tù trưởng của Bộ lạc người vượn dù có thông minh hơn thì ông cũng không hình dung nổi thế nào là bóc lột nên khi bày đàn tập trung của cải, vật chất vào tay ông ta rồi liệu ông ta xử sự có giống con sư tử đực đầu đàn kia không? Như vậy cái “Công hữu cộng sản nguyên thuỷ” như Mác dạy: Nó vô tư, nó trong sáng thì cũng đã có bàn tay quyền lực của cá nhân dính vào rồi. Và khi đã có quyền cá nhân dính vào rồi thì sao còn là “công hữu” nữa?... Cứ như thế ta giở dần trang lịch sử cuả loài người, chủ nô cũng giữ “giùm” của cải vật chất cho nô lệ, vua chúa phong kiến cũng giữ “giùm” ruộng đất cho nông dân, các ông chủ tư bản cũng giữ “giùm” nhà máy, hầm mỏ cho giai cấp công nhân, cho đến bây giờ các ông Tổng bí thư, Bí thư Tỉnh, Thành phố, huyện, xã cũng đang giữ “giùm” cái giang sơn gấm vóc Việt Nam theo “Công hữu” của chủ nghĩa Mác đó thôi. Nghĩ về cái con sư tử đực đầu đàn như trên, Tễu tôi chợt nẩy ra một ý nghĩ lẩn thẩn: Giá mà ta tổ chức được một cuộc dạo chơi đến thăm tư thất của các vị Bí thư, chủ tịch từ cấp xã, phường lên tận cấp Trung ương thì mới thấy hết được cái tinh thần cách mạng kiên trì đến cùng chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên trì đến cùng chủ nghĩa Cộng sản. Nói hơi xa một chút, cố đồng chí Brêgiơnhép nguyên Tổng bí thư ĐCSLX, một người đại diện cho giai cấp vô sản có nhiều thứ không kể hết được như: lấy “ô tô xịn vào loại cao cấp” của các hãng ô tô hàng đầu của “bọn đế quốc” làm tang vật dẫn chứng thì có mười mấy cái!... Đồng chí Xê-au-xet-cu, nguyên tổng bí thư ĐCS Ru-ma-ni của cải chắc cũng không kém “người anh Liên Xô” của mình, nhưng có một chi tiết khá thú vị là các rô-bi-nê trong toa lét hoàn toàn đúc bằng vàng và có một tác phong rất “giản dị vô sản” là sau khi bắt tay ai kể cả bắt tay Tổng thống Mỹ là phải rửa tay bằng cồn 900 để sát trùng. Nhưng trước loạt đạn trừng phạt của nhân dân, không có một thứ thuốc sát trùng nào cứu nổi mạng ông. Trả nợ máu là quy luật của muôn đời. Còn ở ta thì sao? Những vi-la thơ mộng với các hàng liễu rủ ở Hồ Tây, những dẫy biệt thự sang trọng “ liếm” vào chỉ giới bảo vệ đê hàng chục mét ở đê Yên Phụ là của những ai vậy? Còn những ông “Kễnh” ở những toà nhà toạ lạc giữa thủ đô nay đã “chầu trời” từ lâu có trả về cho “công hữu XHCN” không? Nghe nói có vị phá nhà cũ xây lại nhà mới hết những “ ba tỉ”. Rồi còn nghe đồn đại có vị tư lệnh nào đó khi được rước về nơi cực lạc cũng cố mang theo cỗ áo quan trị giá 17 triệu đồng.Đất nước này là hương hoả của tổ tiên, ông bà để lại cho 80 triệu con lạc, cháu Hồng, đâu có phải của riêng của “Đảng”. Suốt hơn nửa thế kỷ chiến đấu chống ngoại xâm giành độc lập tự do cho dân tộc, xương phơi máu chảy khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam và cả Miên- Lào, rải rác hàng triệu nấm mồ liệt sĩ. Đảng viên ngã xuống một người, ngoài Đảng ngã xuống gấp trăm, gấp nghìn. Hà cớ gì vì cái lý thuyết “công hữu” ngoại lai mà Đảng tự cho phép mình thống trị 100% các cơ quan quyền lực và quản lý kinh tế, tài nguyên của đất nước. Thật là kỳ lạ cái cơ quan mà người dân không hề có một chút quyền thì Đảng lại đặt những cái tên rất “mĩ miều và mị dân”: Quân đội nhân dân - Công an nhân dân - Toà án nhân dân - Viện kiểm sát nhân dân - Uỷ ban nhân dân... Còn cái cơ quan “công hữu” rất cần sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thì chữ “nhân dân” Đảng lại... quên: Ngân hàng Nhà nước - Kho bạc Nhà nước?... Với cách “công hữu” hiện nay, Đảng đã tự xếp mình ngồi chung trên cỗ xe lịch sử của quá khứ với lũ chúa đất, chủ nô, với các vua chúa phong kiến. Với xã hội “tư hữu” của C.N.T.B mà ông Mã Khắc Tư vô cùng căm ghét thì còn lâu “Đảng” mới đáng ngồi chung cỗ xe với họ. Cái “Cơ chế thị trường theo định hướng X.H.C.N” của Đảng còn đang lẽo đẽo chạy theo vết xe T.B.C.N trên chặng đường lịch sử, sức mạnh của Đảng không còn là chân lý nữa, mà sức mạnh hiện nay là dựa vào súng đạn. Nhưng xin hỏi: Đảng có “sợ” sự phán xét của mai sau không? Trăm năm “bia đá công tích” của “Đảng” sẽ mòn đi, nhưng “bia miệng” về “Đảng” hẳn trơ gan cùng tuế nguyệt!.Ôi chao! Đang bàn về vấn đề “công hữu” Tễu tôi đi lạc đề khá xa rồi. Cái thời của Mác, Mác chỉ thấy vật chất của cải là những vật hữu hình là chủ yếu như: Cái xe, cái bàn, cái ghế...Ngày nay có vi tính, nó không hữu hình, nó đang hình thành một nền Thương mại điện tử. Nó mua bán, nó trao đổi trên trời mỗi ngày 1500 tỷ đô la Tễu tôi không hình dung được các học trò của Mã Tư Khắc sẽ “công hữu”nó như thế nào? Nghe đâu Tổng cục 2 chi gần 10 triệu USD để xây dựng một tổng đài rà quét máy điện thoại di động VMS, liệu có phải là “công hữu” nốt cả khoảng trời vô hình kia không?Còn một số “công hữu” cuối cùng mà Tễu tôi muốn bàn đến. Đó là... “công hữu suy nghĩ” hay gọi là “công hữu tư tưởng” cũng vậy! Vậy Tễu tôi xin được thưa với các vị lãnh đạo các cấp của Đảng là: Hơn một nửa thế kỷ nhân dân Việt Nam dốc một lòng theo Đảng nay còn chút suy nghĩ về cuộc đời này chỉ xin Đảng đừng “công hữu” nốt. Đảng rất vĩ đại, toàn dân Việt Nam ai cũng thấy, không cần phải nói thêm một điều gì về sự vĩ đại này nhưng Đảng cày ruộng không giỏi bằng một nông phu, Đảng đánh cá không thể hơn ngư dân, Đảng hiểu về khoa học, hiểu về nguyên tử không thể hơn các nhà bác học và muôn ngàn cái đẹp cùng triệu nỗi đắng cay của cuộc đời này Đảng không thể nghĩ thay cho văn nghệ sĩ. Những điều này nó nằm trong óc của từng người. Không hề tốn kém về vật chất, tiền bạc và cũng không thể làm giảm được tin tưởng và sự kính trọng trong lòng nhân dân nếu “Đảng” thực sự đứng vững trên đôi chân của chính “Đảng”. Quá khứ là rất trân trọng nhưng không thể dùng quá khứ làm vẻ vang hiện tại bằng cách đàn áp, áp đặt mọi suy nghĩ khác Đảng, cái “công hữu” mà Đảng thực hiện đang làm cho toàn dân tộc Việt Nam đau đớn vì suy thoái của Đảng. Đảng đã tự đưa Đảng lên hàng Đế chế.Ơi các bạn mọi nơi mà tôi không quen biết khi đọc những dòng này trong đau đớn hoặc chế riễu, cười cợt thì mắt Tễu tôi cũng từng đẫm lệ nhiều rồi.“Người thức giả phải biết nói lên sự thật cho muôn dân được ấm no, thiên hạ được thái bình và triều đình được vững mạnh”Chu Văn An Tễu tôi luôn tự nghĩ thân phận mình như một con cóc nhỏ nhìn lên bầu trời thì mênh mông, nắng nóng như đang thiêu đốt chốn nhân sinh, cố đem chút sức tàn “nghiến răng” vài tiếng liệu có vang trời cao! Mưa... tôi van xin “trời” hãy mưa đi...Hà nội năm 2000Tễu