Thiên hạ thường nghĩ đời một cô ca sĩ chắc phải sóng gió, với những mối tình cho và nhận bừa bãi ở những chốn ăn chơi hời hợt. Trong trường hợp Cúc Phương, sự trung thủy với một kẻ kém cỏi như gã Phúc càng không thể tưởng tượng được. Lạ thay, mặc dù tất cả ở Cúc Phương như một lời mời mọc, nàng lại từ chối những chàng nghệ sĩ tình cảm lai láng và những tay chơi tiền tài dư thừa. Không ai nghĩ gã Phúc đủ sức làm cho người vợ sợ mình. Kẻ xấu mồm nghi là hắn giữ cô nàng bằng bùa ngải. Nhiều người đồng ý với một giải thích sâu sắc hơn. Cúc Phương chỉ có bề ngoài, nàng sợ đàn ông thất vọng khi nhìn thấy con người thật của nàng. Nàng thỏa mãn với một ông chồng chẳng có gì cho phép hắn đòi hỏi ở người khác. Chuyện nàng dăng díu với ông dược sĩ Nghĩa không xảy ra ở thế giới vui đêm. Nó bắt nguồn từ cái bệnh máu khiến Cúc Phương phải mua thuốc chữa trị tháng này qua tháng khác. Không có bệnh máu này thì ông dược sĩ và cô ca sĩ chẳng thể nào gặp nhau. Tiệm dược phẩm của ông Nghĩa ở gần nhà nàng, ông còn là người đồng hương. Ông Nghĩa chỉ có một mình, ở xa nơi gia đình cư ngụ và chỗ vợ làm việc. Buổi sáng tiệm thuốc vắng khách, Cúc Phương rảnh rang, hai người có thể ngồi nói chuyện cả giờ. Nàng thấy mọi thứ ở đây đều có vẻ trong lành, làm yên tâm. Từ tiệm thuốc sạch bóng, đến cái blouse trắng và đôi kính cận thị của ông chủ tiệm. Ông Nghĩa không có cái nhìn cởi quần áo và những câu nói thô tục của loại đàn ông Cúc Phương thường gặp. Ngược lại, ông nói chuyện đứng đắn lịch sự, văn vẻ trí thức. Nghe ông kể về những chuyến du lịch ở các nước xa xôi lạ lùng, Cúc Phương thấy ông hiểu biết rộng và có cuộc sống phong phú. Đời của ông ổn định làm sao, với bà vợ làm kỹ sư và hai đứa con vừa học giỏi vừa ngoan. Cô nghệ sĩ không bị lòe mắt bởi cái xe Mercedes mới toanh của ông, hay các loại giải trí đắt tiền của gia đình ông. Nàng biết của cải và may mắn trên đời không thể chia đều cho mọi người. Nhưng nàng không ngờ một người thành công như ông Nghĩa lại giản dị, dễ thân như vậy. Phải nói Cúc Phương chỉ thực sự bị lôi cuốn từ khi, quen nàng hơn, ông Nghĩa bắt đầu tâm sự về cuộc đời của ông. Cô khách không cùng môi trường sống, không cùng giới, ông không có gì phải thận trọng giấu giếm. Hóa ra ông Nghĩa không có hạnh phúc! Từ hồi trẻ đến bây giờ, đã gần 50 tuổi, mọi chuyện trong đời ông đều được vạch sẵn, tổ chức chặt chẽ, không có chỗ cho tình cờ và may rủi. Thời chiến tranh ông đi du học, gia đình đủ phương tiện để ông chọn đường học vấn dài, ra trường ông lấy vợ liền, con nhà danh giá và có nghề nghiệp vững chắc, bố mẹ Ông và gia đình vợ ngay lúc đó hùn vốn mua tiệm thuốc, thiếu bao nhiêu thì nhà băng vui vẻ cho mượn tiền, vợ chồng lập kế hoạch có 2 con, cách nhau 2 tuổi, và 2 nhà, 1 biệt thự Ở ngoại ô cho mình và 1 căn hộ trong Paris cho thuê. Những gì gặt hái được là những kết quả không thể khác. Nhưng ông Nghĩa thiếu những thất bại để hưởng sự thành công của mình. Mặt khác, sự nghiệp của cả hai vợ chồng đã ổn định, con cái đã vào đại học, tiền của đã đủ chỗ đầu tư, nhà cửa không thể làm đẹp hơn, tiêu thụ đã cạn nhu cầu, giải trí phải bớt đi vì tuổi tác... Ông thương vợ con không thua gì ai. Nhưng tình thương này cũng thành thói quen, con mắt không còn nhìn thấy. Như bức tranh đắt tiền rơi vào quên lãng khi treo quá lâu. Cuộc sống mất dần mùi vị và ý nghĩa. Ông dược sĩ chán đời giữa cảnh gia đình đầm ấm và sự giàu sang. Vẫn biết thiếu gì người thèm thuồng địa vị của ông. Nhưng họ không hiểu, chẳng có niềm hạnh phúc nào mọc lên được từ đất khô cằn của một đời người quá phẳng lặng. Ông Nghĩa càng than vãn, cô ca sĩ càng muốn gần gủi ông hơn. Tất nhiên Cúc Phương không thể hiểu và thông cảm một hoàn cảnh xa lạ với nàng như vậy. Nhưng nàng nhìn thấy ở người này một cái gì tương tự như một tâm trạng nàng có. Phải chăng mọi nỗi bất hạnh, dù khác nhau đến đâu đi nữa, đều muốn xích lại gần nhau? Vì cái thiếu hạnh phúc của kẻ khác làm nguôi đi cái khổ của chính mình. Thêm vào đó, chưa bao giờ có ai cần tình thương của Cúc Phương như vậy, kể cả chồng nàng. Cúc Phương không ngờ cá nhân mình cũng có thể cần thiết cho một người khác. Cho tới nay nàng chỉ biết ngồi chờ nhận, bây giờ nàng mới có dịp để cho. Khi an ủi ông dược sĩ, nàng thấy lòng mình trong sáng, cao thượng lên. Mỗi lần đến tiệm thuốc, người đàn bà tưởng như đẩy lùi được những hạn chế của mình, thoát ra ngoài một thân phận thấp kém. Ông dược sĩ và cô khách thân cùng nhau vào sâu những tình cảm tâm tư thầm kín của mỗi người. Lần này qua lần khác, họ cởi bỏ từng lớp cái bí mật che chở cá nhân. Cứ như vậy họ bị thu hút về chỗ trần truồng nhất của con người là thể xác. Bắt đầu là những thoáng đụng chạm, như tình cờ vô ý, đi theo những lời trìu mến. Sau đó, hai người càng chối nhận sự dao động của mình, hai thể xác càng tưởng được phép giục gọi nhau. Cuối cùng, cuộc gặp gỡ xác thịt trở thành cần thiết để họ gần nhau hơn. Họ làm tình vội vàng vào những giờ nghỉ trưa, nơi căn phòng nhỏ phía trong tiệm thuốc, đến cả cái giường cũng thiếu. Có khi họ cuồng loạn như say khướt tội lỗi. Có khi họ vụng trộm như trốn tránh chính mình. Phúc sẽ không bao giờ biết được chuyện của vợ chàng với ông Nghĩa. Tiệm dược phẩm chỉ cách nhà có hai ngã tư nhưng ở rất xa thế giới của Phúc. Hai người đàn ông có gặp nhau vài lần trong khu phố. Nhưng người Việt ở đây chẳng mấy khi chào nhau ngoài đường khi không quen biết. Suốt thời gian tới lui tiệm thuốc, thái độ của Cúc Phương và cả tình cảm của nàng đối với chồng không thay đổi nhiều. Không phải vì nàng giả dối với Phúc hay với chính mình. Nàng gặp ông dược sĩ ở ngoài cái thực tế của nàng. Những giờ nghỉ trưa của tiệm thuốc là những khoảng thời gian nằm trong dấu ngoặc, tách rời khỏi cuộc sống thật. Như những giấc mơ vừa xa vừa ngắn, chúng không để lại những dấu vết lâu dài. Ông Nghĩa không có mặt trong địa phận Cúc Phương chung với chồng. Ông đứng ngoài với một phần riêng tư của nàng, cái phần dù sao cũng không có chỗ trong đời sống vợ chồng nàng. Với thời gian, ông Nghĩa nhận ra sự sa ngã của mình. Ham muốn và thỏa mãn quá ngắn ngủi so với những dằn vặt sau đó. Ông còn thấy chẳng đổi trác được gì với cô nhân tình. Vì chỉ có ông mới có thứ để cho, để mất. Cô ta không như ông, đâu có một hiện tại và một tương lai đáng được bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Những giá trị của ông ngày càng lung lay, do lỗi cô nghệ sĩ đùa nghịch với đạo đức người khác. Cúc Phương phải thấy rõ hạnh phúc của gia đình ông. Ông tỏ ra chăm lo gia đình hơn trước, ông điện thoại cho vợ con trước mặt cô nhân tình, ông dẫn nàng đi mua quà cho họ... Ông Nghĩa đi từ mặc cảm tội lỗi qua cái sợ. Ông cầu cứu Trời Phật, tổ tiên, thày bói, đồng cô đồng cậu. Ma quỷ hãy tha cho ông. Để ông trở về với cuộc sống trước đây, một cuộc sống ít nhất còn được yên ổn. Cúc Phương lúc đó mới biết, giữa nàng và người đàn ông này chỉ có sự hiểu lầm hai chiều.