Nhược ngồi bệt xuống mấy hòn gạch lát, cạnh những miếng cau phưỡn cớn trên chiếc nong. Vỏ ngả vàng, ruột nâu sậm tóp teo như núm vú chị con sen thõng sau tấm phên nứa. Còn hai chũm nhỏ hồng hồng của trái ngực Nhược đang nhưng nhức lạ kỳ. Theo cơn quặn bụng, đầu gối rung bần bật. Không có gì ở đây ngoài cái nắng trưa đang bốc hơi trên con lạch, chao chao những cánh chuồn chuồn, hoa cả mắt. Bên kia, mấy dòng nước ngoằn ngoèo từ chân rặng dọc mùng, len qua bãi cúc tần rồi lẩn biến vào rề rau muống dập dềnh xanh. Cứ thế, giữa hai đùi Nhược càng lúc càng nhơm nhớp, một dòng gì không ngừng rỉ ra. Nó lại nhìn vội xuống rồi rùng mình quay đi. Bầy kiến cỏ xúm xít đặc nghẹt trên một chiếc lá sệt nhựa tênh hênh. Chân dạng, hai vành mông Nhược càng dính chặt vào hòn gạch. Không thể rời khỏi chỗ ngồi, chẳng thể đứng lên trong tình trạng này cho đến khi chị Châu về. Hơn nữa, bây giờ nó trực nhớ, trước khi đi chị đã dặn phải cẩn thận, không được theo con bé láng giềng nhảy nhót, leo trèo hái khế như mọi ngày. Nhưng nắng còn đứng sòng dọc trên bụi tre thế kia thì bao giờ chị Châu mới về. Mớ vải dầy chị đưa, bảo độn vào đáy quần giờ đẫm ẩm, cồn cộn đau đau. Nhược muốn đứng dậy tháo ra nhưng lại sợ. Sợ máu trút ào, biết đâu lăn đùng ra chết. Căn nhà rào trước vườn sau kín mít. Vợ chồng ông chú với hai đứa con oặt oẹo đang ngủ trưa. Con sen về làng từ hai bữa. Chị Châu chẳng biết xin phép đi đâu thật bất ngờ, nhưng phải dẫn theo thằng Bá. Các anh Chương và Đô mãi chiều mới tan trường. Chị Phượng thường về sớm hơn với Nhược, nhưng hôm nay nó không đi học thì thế nào chị cũng la cà trên đường lâu hơn. Mà trông nhờ chi chị Phượng, chắc chắn nó chẳng thể nào nói với bà chị này cái chuyện ghê gớm ấy. Cứ tưởng tượng ra hai lòng mắt đảo qua láy lại châm biếm, đôi môi biu bĩu của chị là nó đủ cáu sườn. Ngoài chị Châu, chỉ còn mẹ là người Nhược có thể mở miệng về vết nứt vỡ đầu đời ấy để kêu gọi một cầu cứu, nhưng mẹ đang phải đấm bóp, quạt cho bà nội ngủ. Cánh tay vẫn không được phép ngừng phẩy gió dù mi mắt mẹ mỏi sụp xuống tận vành vai gẫy gập. Nghĩ đến đấy nó nghiến hai hàm răng xin xít, chụp lấy chiếc guốc còn đeo trên bàn chân, dí thẳng vào lũ kiến, day day. Chúng cuống lên, bỏ đàn tán loạn, nhiều con chạy không thoát chết bẹp, dính chùm trong giọt nhựa quánh. Nhược cầm cuống lá, ném ra con lạch. Tưởng tượng lũ kiến bơi bơi ngoi ngóp trong nước, nó nghe ra tiếng chị Phượng vẫn kêu rêu: ‘‘A, con Nhược tàn bạo, con Nhược ngược ngạo’’. Mà kệ chị, nó có sợ gì. Cơn đau rút trong bụng dường có lặng theo với cặp mắt Nhược bắt đầu nặng trĩu. Giọng bác Liên à ợi từ nhà bên kia cất lên giữa tiếng lá tre lao xao. Mỏi mệt, nó buông người xoài trên nền đất. Trước khi thiếp đi, Nhược còn kịp nghĩ rằng, chẳng bao giờ mẹ nó biết ru con. Buổi chiều mẹ tôi khổ nhọc lê ra bụi chuối cạnh rặng mồng tơi vắt vẻo những đọt lá xanh non, để nôn dốc lên đó một thứ keo loãng, trộn vài hạt cơm nhai vội chưa tiêu, là một buổi chiều tôi vừa mười hai tuổi. Tôi hất vội thằng Bá đang cõng trên lưng xuống đất, bước tới ôm lấy bụng mẹ. Bá ngã kềnh nhưng bò dậy ngay, chân trước chân sau chạy ra cổng cuống cuồng gọi: ‘‘ Thầy ơi, con đi với thầy ’’. Chẳng biết bố có nghe không, nhưng anh xe kéo đã nhấc càng và tiếng bánh sòng sọc trên mặt đường rồi mất biến. Thằng bé nằm lăn trên sân dẫy đành đạch gào bố. Mẹ gập người quay lại chưa kịp nói gì, ông chú tôi đã hiện ra lừng lững ở ngưỡng cửa. Chỉ thoáng thấy bóng ông, Bá vội vàng lồm cồm đứng lên. Áo quần lấm đất trộn lẫn với lá ướt mẹ đang quét dở. Nó giơ tay quẹt nước mũi ngang dọc, da mặt non nẻ ra vì lạnh. Mẹ tựa trĩu vai tôi để lê vào căn nhà trũng sau thân cây bưởi rộng một vòng ôm, dưới cái nhìn của ông chú. Đôi mắt ông bao giờ cũng mở to, sáng quắc. Chị Phượng hay nói, đanh đá như con Nhược còn phải sợ cặp mắt ấy. Mắt bố tôi cũng to nhưng dìu dịu lãng đãng, thỉnh thoảng hay nhắm lại như thể lẩn tránh một ý nghĩ hay ảnh tượng gì, đi đôi với giọng nói chậm và nhỏ. Ông nội hay gắt: ‘‘Anh cứ thế, dân nào nó sợ’’. Trời hôm nay đã váng lên chút nắng hanh nhưng rét cắt. Bụng mẹ giật run từng chập, mái tóc sổ bung trên tấm áo vải dầy. Một thứ mùi gì quen thuộc từ người mẹ bay ra. Đã lâu tôi không được ngửi mùi hương ấy. Bao giờ cũng đến khuya khi bà và ông tôi đã vào giường, cả nhà trên yên ắng, mẹ mới trở xuống căn phòng sau cây bưởi. Tôi nằm sát cửa sổ nghe tiếng chân chậm chạp lần dò, có khi tôi nhìn con trăng qua những nhánh cây đôm đốm lá và chờ đợi. Mẹ khe khẽ đẩy cánh cửa gỗ mỏng manh, đi tới cuối căn phòng, khêu ngọn đèn dầu, lục đục một lúc lâu rồi mới trở ra se sẽ đặt người. Chiếc giường kèn kẹt vài ba tiếng lẫn trong kêu mớ của một đứa con. Nhiều lần tôi muốn ngồi dậy như chị Châu, giúp mẹ tháo gỡ cái băng vải bó đôi bàn chân tho thó, đôi bàn chân đáng lẽ chỉ để thong thả ra vào với kẻ hầu người hạ. Nằm dính trên giường, tôi nghe mẹ rên đau nhức mỏi. Thế là viên gì sệt như keo, to tướng, trồi lên thụt xuống làm tức ngực và nghẹn cuống họng, nhưng dù sao sự uất ức vẫn chưa bằng lần ấy. Lần ấy, mẹ đang ốm dở vẫn phải phục dịch, bưng chậu nước sôi lên nhà trên cho ông tắm rửa. Nền đất trơn sau cơn mưa ẩm, hai bàn chân bước đi càng chệnh choạng. Bà nội đứng ngay ngưỡng cửa trông xuống vừa mắng vừa giục. Tôi đang ngồi xâu những vòng hoa bưởi trắng nõn nhìn lên, bắt gặp cặp môi mỏng dính cong tớn kéo theo mẻm trầu đỏ quạch. Bà chống tay vững vàng oai vệ chỉ xỉa vào mẹ tôi run cuống dưới sân, bà nhại thêm vài tiếng Tàu của mẹ bằng cái giọng oang thé. Thế là con Nhược quái ác, lúc nào cũng ấm ức thập thò vụt đẩy tôi đứng dậy, xấn tới dành chậu nước nóng bỏng trên tay mẹ đổ ào xuống rổ bông phau phau thơm ngát rất quí của bà nội. Mẹ hốt hoảng ngồi sụp giơ tay hớt vội đám hoa đã ướt sũng, xọp tái tức thì. Trong khi ấy, vành nước trầu trên khóe miệng mím chặt kia sắc lại, như một vạch dao vừa cứa thành rãnh máu, rồi róc lên tới hai con mắt trợn trừng giận dữ. Con Nhược tôi làm cú đó xong là cứng đơ như trời trồng, nó đợi tiếng hét chị sen đem ra cho bà nội cái phất trần dài ngoẵng một đuôi mây, bà vẫn nhịp nhịp trên tấm phản. Mẹ cuống quít ra dấu bảo tôi chạy đi nhưng hai chân tôi dường bị lún chặt nhựa đường. Dòng nước mắt sợ hãi đã bắt dầu trào ra ở một nếp đuôi buồn thảm trên khuôn mặt mẹ tôi. Nhưng rồi mẹ đứng lên ôm lấy con vào người che chở, cả hai đợi chờ cơn giông chụp xuống. Anh Chương về học đúng lúc ấy, không hiểu rõ việc gì nhưng cứ nghe tiếng bà nội rít lên và thấy dáng điệu mẹ và con em là như mọi lần, Chương lẳng lặng nhìn thẳng bà nội, rồi điềm tĩnh dìu mẹ vào nhà. Cái nhìn của anh kỳ lạ thay là tổng hợp ánh mắt quyết liệt của ông chú lẫn hiền lành của bố tôi, và nó có hiệu quả làm bà trở người quay đi. Dù sao, chị em tôi vẫn biết tuy ông bà đầy đọa đứa con dâu mà thằng con trưởng một gia đình thế gia dám tự cưới hỏi ở xứ người rồi dắt về, nhưng ông bà thương quí mấy thằng cháu nội, huống hồ anh Chương là cháu đích tôn. Đôi lần tôi chứng kiến ông bà nhỏ nhẹ bảo anh Chương và Đô lên ở nhà trên để tha hồ có chỗ học hành, sung sướng. Chương cương quyết lắc đầu. Tôi phục, buột miệng: - Anh Chương và anh Đô oai hơn thầy nhiều. Hai chị Châu, Phượng ngần ngừ chưa trả lời, tôi được đà: - Chứ không sao, thầy chỉ biết ậm à ậm ừ, khi thấy có việc gì sắp ồn ào là leo lên bảo anh xe kéo đi, bỏ me chịu trận. Nếu thầy oai, sao thương me mà lại nghe lời ông bà lấy người khác. Tới đó thì chị Châu hốt hoảng chạy lại bịt miệng con em: - Nhược, im ngay, ai nghe được thì có mà chết đòn, me cũng không yên thân. Tôi đẩy tay chị, hậm hực: - Thầy lúc nào cũng ra điều ít nói, ra vẻ suy tư, chỉ thở dài mà thật ra là trốn tránh. Hiện rõ trong tôi hình ảnh những lần thỉnh thoảng bố về một mình, không có người vợ ông bà chính thức cưới cho sau này đi theo. Nhà vắng, bố kéo mẹ ra cuối bóng sân. Lúc ấy mẹ vừa khóc vừa tuôn những tràng tiếng Tàu quay quắt như trút ra bao tháng ngày đè nén. Bố nghe, lặng im, nhìn đăm đăm xuống hai bàn chân mẹ bé xiu, xỏ trong đôi dép mỏng. Ánh mắt mẹ soi thẳng gương mặt ông nhưng bố tôi có ngửng lên vài giây thì đã quay ngay đi, mông lung tìm một mái ngói hay một giải nắng trên đọt cây. Tuy thế, bằng linh cảm của đứa con gái vừa dớm thành thiếu nữ, tôi tin mẹ không ấm ức giận dỗi được lâu hơn. Chỉ cần một vòng tay bố đưa ra, người đàn bà cô độc khô héo ấy đợi chờ cánh tay này vớt lên thân xác đã rũ mòn, khánh kiệt. Con Nhược trực cảm điều ấy nhưng chưa thể hiểu vì sao, nên nó bưng bức, bực dọc bỏ đi, trèo lên cây khế vặt một loạt, không thương tiếc, những trái đang ửng vàng tươi bóng rồi vất đoành đoạch xuống con lạch loang loáng nước. Dòng lạch cuối vườn là nơi con Nhược trút vào bao nhiêu giận đời, oán sợ ông bà, cáu kỉnh chị Phượng và hờn trách bố nó. Lạ một điều, Nhược lại dửng dưng với vợ chồng ông chú và hai đứa con gái cầu tự hụt của họ. Chị Phượng kể, ngày em Bá chào đời thì người thím ấy vừa sinh đứa con gái thứ ba. Đã đi bao đình chùa cúng kiếng nên chú thím tin tưởng kỳ này là con trai nên đặt sẵn một cái tên là Dũng. Con Dũng hơn một tháng mà da vàng ủng, bé tóp tọp trong khi Bá được hai ngày khi bố về thăm, dưới tấm chăn đắp, thằng nhỏ căng hồng, mắt đã mở đen nhánh. Bà nội đến vỗ vào mông nựng mấy tiếng, nhưng quay ngay sang mẹ tôi đanh thép: - Này, đã bảo đủ rồi đấy nhé. Cỡn vừa vừa chứ. Nhược hỏi chị Phượng cỡn là gì, chị ngúng ngẩy: - Không nói được, mà con Nhược ơi, leo cây bắt ve, ra vườn bắt dế đá với mấy thằng con trai đi, không được hỏi chuyện người lớn. Nguýt một cái, nó chẳng thèm trả lời vì nó tin chị Phượng cũng không biết gì hơn, mà chắc rằng mẹ và các anh cũng không ai chịu giải thích. Nhưng lắm khi một mình ngồi thõng chân vào con nước, đá ngược bầy cá lia thia, nó trầm ngâm suy nghĩ, cái chữ đặc biệt này lại trở về mơi móc tò mò. Nhược chẳng dám hỏi thầy giáo hay ai khác, nó sợ người ta bắt khai ra nghe được ở đâu. Nhược biết sẽ không bao giờ nó kể cho một ai về những gì xảy ra trong thế giới cỏn con điêu đứng âm u, vây bọc bằng cả một thành trì lễ giáo. Hòn máu dính keo trên mảnh lá chuối ngửa giữa bàn tay con chị sen, trước mặt ông bà nội và người chú. Con Nhược rùng mình. Hòn máu lớn hơn nhưng cùng thứ màu tái tím nó đã gợt ra từ manh vải trong quần cái ngày đầu tiên kinh nguyệt không xa. Cành cây cặp giữa đùi, thằng Bá đang nhảy nhót, nhún chân chồm chồm cưỡi ngựa, ngửng sựng lại khi bất ngờ ông bà nội bước vào. Bóng hai người bề thế ở ngưỡng cửa phủ sầm căn nhà đã thấp. Nhược ngồi ở bàn học vừa làm bài vừa hí ngựa với thằng em, đứng bật dậy. Mẹ đang lúi húi sau bức tường ngăn căn nhà ra làm hai, một nửa cho các anh và một nửa cho mẹ với bọn con gái. Bà nội đanh đảnh: - Chị Kiều đâu. Mẹ đi ra, tóc chưa kịp quấn, một vạt áo còn lọt trong lưng quần. Ánh sáng cuối chiều từ chiếc cửa sổ còn lại đủ hắt xanh màu da nhợt nhạt. Bà nội bước hẳn vào trong, lôi con sen đứng sau lưng ra tới trước. Biết chừng một điều kinh khủng sẽ xảy ra, Nhược và thằng Bá chạy đến ôm cứng lấy mẹ. Vừa lúc ông chú Nhược ở đâu đã xuất hiện, ông khoác tay chỉ thẳng ra cửa: - Con Nhược dắt em ra ngoài. Nhược dứt tay thằng em níu đeo đùi mẹ, ngước nhìn hoảng hốt. Nhưng nó kinh hoàng không phải vì sự hiện diện oai quyền của những người lớn vừa đổ ập vào căn nhà nhỏ nhoi. Mà vì lần đầu tiên con bé nhìn thấy đôi mắt một người đàn bà kỳ hoặc đến thế. Không, không phải một người đàn bà mà đơn giản một con người trước bờ vực. Ánh mắt ngó chăm vào hòn máu rồi ngước lên choàng kín mâu thuẫn, vừa phủ màn xanh đen, sâu buốt tuyệt vọng của nỗi chết cùng một lúc rực lên sắc lửa quyết liệt báo hiệu sự tử chiến để sống còn. Và lạ lùng thay, sau vài tích tắc hãi sợ, con Nhược cảm thấy đôi chút yên lòng, nó bước khỏi cánh cửa. Chị sen cũng bị đuổi ra ngoài, Nhược chẳng chờ đợi nhảy vọt tới trước chắn đường, long mắt chặt ngang khuôn mặt xạm xịt trâng trâng của chị ta một lằn dao. - Cái ấy là cái gì? Chị lấy ở đâu ra, nói mau. Tấm thân bèn bẹt lùi giật ra sau, ấp úng: - Thì…trưa nay bà lết vào sau tấm phên, rồi…rồi tôi thấy bà giơ tay ra ngoài xé miếng lá chuối khô, làm gì sột soạt trong ấy thật lâu, tôi nghi. Nhược quát: - Ai cho phép nghi, ai cho phép rình mò me tôi. Tôi mách thầy quất chị mấy roi. Nhưng qua phút bất ngờ, chị ta đã bình tĩnh, tay gạt con nhỏ oắt tì sang bên rồi đi một mạch lên nhà trên. Đến thềm, quay ngược, hếch mũi: - Mách đi, tao cóc sợ, đã có lệnh của cụ. Sau này, nhiều năm sau, Nhược không thể quên mấy câu đối thoại nó thoáng nghe được trước khi cánh cửa ấy bị ông nội đóng ập, khép kín bên trong một tấn tuồng oan nghiệt. Bà nội nghiên nghiến: - Canh cấm như thế mà làm sao cũng dấm dúi với nhau cho bằng được. Tiếp theo giọng ông chú áp đặt, quen kiểu quan biện lý: - Tôi đã bảo, người đàn bà này không vừa. Chị ta cố tình làm cái trò này để trù yếm gia đình mình. Bấy giờ có tiếng mẹ vẫn chậm chạp như mỗi khi cố gắng nói tiếng Việt, nhưng lần này mạch lạc chẳng ngờ: - May cho nhà chú, tôi mà đẻ nó ra thì chắc chắn lại một thằng con trai. Bốn đứa con trai tứ tử, phúc đức lắm. Nhà này mà không nhờ cái đức giòng họ tổ tông của tôi thì làm sao có người nối giõi. Tôi đâu có tiền vung ra mua thần chuộc thánh. Không chờ đợi, hai ba giọng cùng quát to: - Câm miệng. Im. Láo. - Im. Vâng, tôi sẽ im nhưng hòn máu kia nó không im, nó sẽ nói cho mấy người nghe vì nông nỗi nào nó không được thành người. Chẳng đợi chờ, ông chú với bà nội cùng hét lên. Rồi rầm, ông nội, quan án sát không còn nhậm chức đã mấy năm, xoay người đóng sầm cánh cửa gỗ sau khi trừng mắt hất tay đuổi con Nhược vẫn nhấp nhổm cách đấy không xa. Nó đành kéo thằng Bá ra cuối hàng rào, ngửng lại, tự dưng con Nhược thấy buốt ngực. Trên bầu trời bắt đầu đùn nặng những đám mây, mảnh trăng treo một mình, ngó xuống căn nhà giờ càng nhỏ thúp, kín mít trơ vơ như ốc đảo. Không rõ chuyện gì đã xẩy ra sau cánh cửa, chỉ biết những ngày tiếp theo mặt mẹ tái mét âu lo đã đành, mà cả ông và bà cũng nhợt nhạt đăm đăm. Cho đến hôm bố về, lần đầu tiên cả nhà thấy bố giận dữ điên cuồng, sùng sục tìm ông chú: - Nó đâu. Bảo ra mau, giỏi thì nguyền rủa tôi đây, ai cho nó động đến vợ con tôi. Tôi giết nó. Các con trai tôi mà chết thì nó cũng không sống hơn một ngày. Nhưng ông chú đã về quê vợ giỗ chạp từ nhiều hôm. Bà nội tái mét, cuống giọng: - Nó nhỡ nhời con ơi. Thầy me sẽ gọi sư thầy cúng giải. - Ganh thù gì tới nỗi nó dám trù các con trai tôi chết sớm, tới cả con chúng sau này. Me đừng bênh nó. Con trai, cháu trai tôi là giòng tộc nối giõi chi họ nhà mình, thầy me thừa biết. Ông nội vội vàng: - Thầy biết, thầy biết chứ. Thầy sợ lắm, nhưng làm sao đây. Tuy thế chỉ lần ấy thôi, rồi thế giới này lại im ỉm đóng. Chị em Nhược hỏi mẹ, bà gạt ngay. Và ông bà nội càng tỏ ra ân cần với các anh Chương, Đô cũng như gần gũi thằng Bá hơn. Về sau lớn thêm, khi con Nhược hiểu được đáng lẽ Bá không phải là đứa con cuối cùng của mẹ, thì hòn máu trong mảnh lá chuối teo khô càng nở ra, to phồng lên, bập bềnh thở, thoi thóp đập, trong nhiều cơn mơ vỡ. Từ buổi cuối chiều trăng lên sớm ấy cho đến lúc ông nội lùa anh em chúng tôi lên ba chiếc xe kéo rồi ô tô để đi gặp bố trước khi ông nhắm mắt chỉ chưa đầy ba tháng. Bố nằm trong căn phòng cửa mở ra cây ngọc lan xanh mướt lá, nồng nức mùi hoa đang nở. Ông nội ra hiệu cho người vợ của bố kéo hai đứa con gái tránh ra để mẹ con tôi đến gần. Tự động tôi lùi trốn ra sau. Mẹ đẩy tuần tự chị Châu, Phượng, thằng Bá, anh Đô rồi tới anh Chương. Bố giơ tay muốn vuốt đầu mỗi đứa con nhưng quá yếu. Chị Phượng và Châu đã oà khóc ngay khi thầy phán của bố về báo tin, bây giờ càng nức nở to hơn. Hai anh Chương, Đô nghiêng xuống giường thật lâu, gật gật. Tôi lấp ló sau cánh cửa nên không nghe rõ lời bố nói. Cuối cùng mẹ mới đến gần, chị Châu kéo thằng Bá, tất cả mọi người đi ra, tôi rời chỗ nấp lẳng lặng bước theo. Ngồi trong phòng khách nhà bố, hai chị vẫn sụt sịt, anh Chương thọc tay túi quần đứng cửa sổ nhìn ra ngoài. Còn Đô dỗ Bá trong vườn. Chỉ có tôi, tôi quan sát thật kỹ căn nhà sang trọng của quan tuần. Sàn gạch lát đá hoa vân, tường viền hình vẽ ‘‘bát tiên quá hải’’ màu mè đẹp đẽ, những ông tiên bay qua biển qua núi thong dong. Tủ chè đồ sộ bóng đến soi gương, mành mành công phượng. Cũng sang trọng như nhà ông bà, nhưng có gì riêng tư lắm làm tôi ưng ức, nó ngoài cuộc sống của mẹ con tôi, khác hẳn căn nhà khuất dưới tàn bưởi. Mắt ráo hoảnh, đảo quanh bốn phía, còn muốn xuyên thủng cả bức tường qua những gian phòng khác nhà bố xem sao. Bất chợt tôi dừng lại ở chiếc trường kỷ khuất trong góc, không thể tin hình ảnh hai con người vốn quyền oai nhất trong thế giới tôi đang lụn xuống, tọp vào nhau. Vành khăn trên đầu bà nội xệch che một bên mắt sưng vù. Còn ông, tấm thân đường bệ bị vợ bấu chụp, lấn áp. Miệng bà thỉnh thoảng thốt kêu ‘‘Giời ơi ’’, môi tái, không vệt trầu, vều lệch. Một lúc sau mẹ ra, giọng nghẹn nước mắt: - Thầy bảo chưa thấy con Nhược. Tôi dùng dình mãi mới trở vào căn phòng có cây ngọc lan ngoài cửa sổ, có bố thoi thóp trên chiếc giường chân quỳ. Nắng xuyên qua những cánh lá thả bóng lốm đốm trên khuôn mặt thoáng chốc già hơn vỏ cây đa. Bố ngước nhìn bằng cặp mắt mà con Nhược vẫn cho là lẩn tránh, biểu hiện sự bất an, thiếu cá tính hay bạc nhược. Nhưng bây giờ nó ánh lên nỗi thao thiết của người biết mình sắp bước qua bờ bên kia, nơi tất cả những gì thân yêu sẽ xoá trắng, vô hình vô thanh. Không còn có thể bày tỏ, chẳng thể phân trần, không cả nói lên ước mong cuối cùng. Bố mấp máy đôi môi nhưng tôi sợ nghe, tôi sợ nghe những lời yếu đuối từ một người tôi vẫn nghĩ là không có can đảm để yêu thương và bảo vệ tình yêu của mình. Thế mà, bố vừa chạm nhẹ thì một dòng điện giật từ bàn tay ấy truyền lên ngực, xuống bụng. Nó khiến tôi không được tiếp tục lẩn trốn trên mấy búp lan óng nắng, phải quay lại và can đảm nhìn vào hai đáy mắt chưa cạn được bao điều muốn nói. Và đó là lần đầu tiên con Nhược biết nương nhẹ từ tốn, tôi cầm mấy đường gân xanh bàn tay của bố, đặt lên tấm chăn. Cặp mắt ấy chừng quá mỏi, từ từ khép lại. Ngày mẹ qua đời, tôi có cảm tưởng đó là cái tang cuối cùng. Sau bà, sẽ chẳng còn cái chết. Sổ tung mấy cuộn sô gai trắng, tôi xé phăng phăng, xẻ dọc cắt ngang. Nào áo, nào khăn, hai cái này cho chị Châu và Phượng, mảnh nọ rộng hơn cho hai bà chị dâu goá bụa. Còn lại, cắt nhỏ cho mấy đứa cháu gái. Ông chồng cao ngạo của tôi chắc chỉ chịu nhận một vành vải quấn trên cái đầu giờ lưa thưa dăm sợi tóc. Anh ta chưa đến, nhưng thế nào cũng xuất hiện đúng vào lúc phát tang với cái vẻ ngoài bóng bả của một quả dưa nẫu ruột. Tôi nào khác gì, lọn cải muối vắt kiệt sau ngày chôn cất Thanh, thằng con duy nhất của chúng tôi. Hình như mẹ cũng đã ngừng thở theo đứa cháu trai cuối cùng này. Dù trong suốt một năm ròng sau đó, hai người con gái và cô con dâu vẫn ngày ngày đút vào giữa kẽ môi khô của bà vài thià cháo, lúc đầu còn thêm dăm bụi trứng muối đỏ cam. Nhìn ba người đàn bà loay hoay bên cái thân thể gầy đét của mẹ, tôi lặng im. Chị Phượng nghĩ rằng con Nhược bị câm từ buổi ấy. Không nhớ, ánh mắt luôn luôn châm chọc của chị nhìn tôi dịu hẳn xuống, kèm theo thương xót bắt đầu tự bao giờ. Từ ngày chồng chị qua đời, hay khi nghe tin thằng con tôi chết? Có một điều không ai biết ngoài tôi và mẹ. Ngẫu nhiên thôi, chẳng chủ ý giấu giếm gì. Cái chiều đó, ào vào phòng mẹ hồng hộc thở, tôi ghé liền vào tai bà tuôn ra một mạch chuyện động trời mình vừa làm. Thằng Thanh nằm bất động trên mặt đường rịn những giọt nhựa, nắng cháy bốc loà mắt. Vậy mà con Nhược bỏ đó, hung hãn đôn đáo chạy tìm cho được nhà ông chú nay vợ đầu đã mất sau di cư vào Nam, ông tái giá và có một đứa con trai nghe đâu cũng cỡ tuổi Thanh. Con Nhược ngày xưa đã xông đến cửa căn nhà ấy điên cuồng hét trả lại lời nguyền hiểm độc. Nó trù con trai, cháu trai ông chú phải yểu tử như các anh, các cháu và thằng Thanh của nó. Nếu một đời tôi không thể quên hai hạt nước mắt lăn xuống mép môi mím chặt, vầng trán phẳng rộng bất ngờ rúm rụm rãnh sâu của ông chồng mình trước thi hài thằng con bị đụng xe nằm giữa mặt đường, thì cũng chẳng có gì xoá nổi hình ảnh lòng mắt xám nhướng lên kinh hãi rồi nhắm nghiền của mẹ. Chưa kịp nghe hết câu tôi kể, tấm thân gầy mảnh của bà đã đổ ngay xuống mặt giường cùng hai tiếng kêu thảng thốt: ‘‘Oan gia ’’. Hai tiếng này tiếp tục tấn thảm kịch đã phủ chụp xuống đời, kể từ lúc tụm lá chuối vàng xòe ra trong lòng bàn tay chị con sen nâu nứt. Ngược ngạo mỗi điều, miếng lá càng bé nhỏ bần tiện thì bi kịch càng to lớn và thê thảm. Đến nỗi, sau lời tự thú việc làm trả đũa thù hằn ấy của tôi, rất hiếm khi mẹ mở miệng, ngay cả bao lần có người đồng hương thân thuộc ghé về thăm viếng. Tôi nghĩ, những ngày cuối cùng mẹ đã quên tiếng nói. Chẳng phải chỉ tiếng nói thường ngày mà cả ngôn ngữ. Không có ngôn ngữ, lấy gì gìn giữ linh hồn lưu lạc. Bàn tay ngón dài khô cành cằn cỗi chẳng còn quờ quạng tìm mấy trang giấy thảo bà từng ngồi phẩy những nét bút lông, hay cầm lên cuốn truyện, tập thơ cất giữ gần cả một đời. Bà từng bảo hai chữ Tàu này là Lý Bạch, ba chữ kia Tô Đông Pha. Tôi gật gù qua loa, chỉ có chị Châu chăm chú. Mẹ sinh chị và anh Chương ở xứ sở xa xôi của bà trước khi phải theo chồng về làm dâu quê người. May có hai đứa con đầu thỉnh thoảng quen miệng gọi mẹ ‘‘ma ma’’, để gương mặt u buồn ấy được gợn sáng một nét cười. Mẹ cao hơn đàn bà thường. Tấm quan tài đặt riêng, dài và không khắc chữ vạn trên mặt gỗ. Chị Châu bảo chưa bao giờ thấy bà niệm Phật. Chín cây nến đỏ bùng cháy rọi thắm màu điều của sa tanh lót áo quan và vải gấm trên người mẹ. Chị Châu nói đám ma Tàu màu sắc rực rỡ, kèn trống phải vang rân, không được tỉ tê, ảo não như người Việt. Sau cái chết của Đô, mẹ cho chị Châu toàn quyền điều khiển, chị cả tôi hoá thành người nhạc trưởng của một dàn nhạc lỏng lẻo gồm dăm người lớn và vài đứa trẻ trong gia đình. Trông hiền lành, ít nhất hiền hơn bà Phượng và tôi, nhưng trong mọi việc tết lễ, cúng giỗ cùng tang chế chị cương quyết chỉ huy đúng theo luật lệ gia tộc ông nội tôi khi xưa. Một lần nghe mẹ dặn dò cách thức này khác, tôi nổi cơn: - Sao không theo kiểu người Tàu của mẹ. Mình đã bỏ trốn ông bà nội từ Bắc chạy vào Nam, vậy là đoạn tuyệt. Việc gì mẹ cứ phải làm theo phép tắc, thói nhà. Toàn những thứ áp đặt, giả dối. Bà mấp máy môi, ngước mắt lên bàn thờ một lúc lâu, mẹ đang tìm chữ vừa Việt vừa Tàu để nói cho tôi hiểu: - Thầy con ngồi kia, luôn luôn còn đó. Không phải phép tắc, mà văn hoá thầy muốn chúng mày gìn giữ. Quay mặt đi, tôi bực bội đá chân vào chiếc ghế, lầm bầm: - Thứ văn hoá chỉ biết chắc lưỡi thở dài. Mẹ có nghe câu tiếng Việt này của đứa con gái út nhưng lặng thinh. Chị Châu đang tỉ mẩn thêu con bướm cánh vàng đậu trên hoa hồng đỏ gần đấy, ngước mắt cau mày có ý phiền trách. Tự dưng trước mắt tôi hiện ra một khuôn mặt nhúm nhó, cặp mắt mờ đục dần dần nhíp lại sau hai lòng kính lão trễ trên mũi, đôi môi lõm vào bờ lợi hở chẳng còn răng. Chị Châu xinh đẹp của tôi nếu cứ mỏi mòn với khung thêu như vậy, chẳng chóng thì chầy sẽ có ngày gục xuống trên đôi chim khuyên đậu cành lựu đỏ hay cặp bướm nhởn nhơ đủ màu chỉ thắm. Tôi vẫn không hiểu, chị còn mặn mà thế sao chẳng lấy chồng, trong khi bà Phượng nhấp nha nhấp nhổm, kẻ đón người đưa, để cuối cùng lấy một người đàn ông đã có vợ con, nhưng phải nói đấy cũng là người tôi ngưỡng mộ. Ông anh rể ấy đi vào gia đình tôi bằng sự thầm lặng nhưng vững chắc và sâu lắng. Phong cách trầm tĩnh đem đến cảm giác an toàn, trở thành chỗ dựa cho những người đàn bà trong nhà, từ mẹ tôi cho đến những đứa cháu. Những đứa cháu mồ côi, con anh Chương và anh Đô. Các anh đã ra đi nhanh chóng, gọn bâng, tàn ác không kém gì thằng Bá. Không tín hiệu báo trước, không một lời để lại. Làm sao ngờ một ngày gương mặt linh hoạt, chiếc răng khểnh thường ló ra để nháy một nụ cười tinh nghịch, đôi mắt con trai mà đen mướt mi cong mơ mộng của Bá lại lạnh toát thạch cao sau hai ngày mê sảng sốt. Bá chết năm tôi vừa lấy chồng và đang có thai Thanh. Chụp lấy bức chân dung của Bá ngày thi đậu tú tài chưa đầy mười bảy tuổi để trước bát hương, tôi ôm vào ngực. Tiếng khóc dồn đau muốn vỡ tung nhưng vẫn không thể bật ra. Mẹ lịm trên giường. Mấy người đàn bà vụng về lo đám tang đầu tiên trong gia đình, của người em út. Khi bố mất, ông bà nội điều khiển tất cả, bảo quỳ đâu mẹ con tôi lạy đó. Tơi tả trong mảnh áo sô, mẹ đứng nép bên cột nhà nắm tay Bá, thằng bé cứ nấc đòi ‘‘ Thầy, thầy ’’. Lạ một điều, chỉ có Bá quấn quít bố. Chỉ có đứa bé trai hồn nhiên này thể hiện với ông tình thương trong suốt, không gợn một vẩn mây của bầu trời lúc nào cũng đợi chờ nổi bão. Nhưng có phải chăng, vì thế, lời nguyền oan nghiệt của ông chú đã chọn Bá làm nơi ứng nghiệm đầu tiên, sau cái chết của bố tôi? Một loạt, một chuỗi, từng mấu xích lớn nhỏ của sợi dây chuyền dần dần gãy rụng. Giấc mơ nửa đêm, mẹ cầm trong tay sợi dây đứt rời những khoen mấu chốt, gương mặt bà thất thần ngây dại. Tay lần rờ, miệng lẩm bẩm rì rầm như đang lần tràng hạt đọc một câu kinh: ‘‘Đây, mẩu gãy đầu này là thằng Bá. Khoen này nhỏ hơn là thằng Tuấn con thằng Đô, nó cũng chết sốt xuất huyết như chú nó. Mấu tiếp là bố thằng Tuấn, nát vụn hơn tất cả vì Đô ơi, con đi thanh tra chuyến xe lửa ấy mà chẳng chọn ngày, tụi Nhật đặt mìn giữa đường nhằm nổ tàu chở mấy tên quan Tây. Tây Nhật đánh nhau chết bao nhiêu mặc kệ chúng nó, sao lại trúng ngay con hở Đô, thế là con Miên chưa đầy thôi nôi đã mất cha. Còn khoen lớn nhất đây là thằng Chương, phải không? Người ta chỉ mang về cho me chiếc đồng hồ me mua ngày con chịu nghe lời tiếp tục đi học lại như ý thầy trăn trối muốn con thành tài. Ngoài ra chẳng còn kỷ vật gì khác nữa. Người ta về báo tin nói thầm vào tai me, con chết ngày ấy tháng nọ trong một khu rừng trên đường Việt Minh tập kết ra Bắc…’’. Còn nữa, còn nữa, những lời mẹ kể lể bằng tiếng Việt sao thật rành rọt trong giấc mơ tôi kinh hoàng, dựng dậy cả một quá khứ tang tóc hỗn loạn. Tôi cố dìm con Nhược vào đáy sâu câm im nhất nhưng hồn cứ ứ đầy, bùng nộ cơn oán hờn tức tưởi. Tôi thấy mình về lại ngôi nhà ông bà nội xưa, rũ tóc tai bệt trong hai thắt bím hệt ngày còn nhỏ, leo lên cành khế cao nhất. Tôi đang mang đứa con thứ ba trong bụng nặng nề, cành cây kêu răng rắc. Nó chẳng chịu được tôi hay không kham nổi sức nặng của oan nghiệt chương phình trong con Nhược? Từ trên cao, tôi ném không ngừng bất kể những xác chết, những bóng ma, những lời rủa ác nghiệt, oan oan tương báo, và cả con Nhược vào dòng lạch cuối vườn. Nước xanh lục cuộn chảy ùng ục sau cơn mưa. Tất cả rơi xuống đó, lặn ngụp, quấn vào nhau, phình chướng, nổ tung lên, rơi trở lại, lội ngược dòng.