Hồi đó tôi hai mươi lăm tuổi, thất nghiệp và đói. Đã nhiều lần tôi ở trong tình trạng như vậy tại Constantinople, tại Paris, tại Rome. Nhưng tại New York, ngay cái không khí người ta thở cũng có cái vị của hạnh thông mà thất nghiệp thì thật là tủi nhục. Tôi hoàn toàn không biết xoay xở ra sao, điều đó chẳng có gì lạ. Tôi muốn kiếm ăn bằng ngòi bút nhưng lại không viết được bằng tiếng Anh, nên suốt ngày tôi lang thang ngoài phố, không phải vì thích sinh hoạt mà để bà chủ nhà khỏi bận mắt. Một hôm, trên con đường 42, tôi đụng đầu với một người to lớn tóc hung hung. Tôi nhận ra liền: Féodoe Chaliapine, diễn viên Nga nổi tiếng. Hồi thiếu niên, đã nhiều lần tôi sắp hàng mua giấy hạng bét để nghe ông hát ở rạp Đế Quốc Hí Viện Moscou. Hồi làm báo ở Paris, có lần tôi đến phỏng vấn ông, tôi tưởng ông không nhận ra tôi, không ngờ ông nhận ra. Ông hỏi tôi: Bận lắm không? Tôi đáp lí nhí một câu mơ hồ. Có lẽ ông đoán được tình cảnh của tôi. Theo tôi về khách sạn ở góc đường Broadway và đường 103 nhé? Chúng mình cùng đi bộ Lúc đó đã giữa trưa và tôi đi lang thang đã năm giờ rồi. Nhưng ông Chaliapine ạ, từ đây tới đó năm sáu cây số lận. Ông ta ngắt lời tôi: Điên nào, chưa đầy trăm thước. Tôi ngạc nhiên hỏi: Trăm thước? Thì vậy chứ sao! Tôi không nói là tới khách sạn, dĩ nhiên. Là tới gian bắn ở đại lộ 6 ấy. Tôi chẳng hiểu gì cả, nhưng cũng đi theo. Một lát chúng tôi tới trước gian hàng đó, đứng ngó hai chú lính thủy bắn vào một cái bia, đều đều, không biết bao nhiêu lần. Rồi chúng tôi lại tiếp tục đi. Ông Chaliapine vui vẻ bảo tôi: Bây giờ còn hơn một cây số nữa. Tôi gật đầu. Một lát sau tới Carnegie Hall, ông Chaliapine bảo ông thích nhìn vẻ mặt của những người tới mua vé nghe hòa nhạc ở Viện Âm Nhạc. Chúng tôi ngừng lại vài phút rồi tiếp tục đi. Lần này ông nhanh nhẩu bảo: Chỉ còn tám trăm thước nữa là tới vườn thú Công Viên Trung Ương. Ở đó có một con đười ươi mặt giống như một ca sĩ có giọng cao mà tôi quen. Chúng tôi lại thăm con đười ươi. Cách đó một ngàn hai trăm thước, về đường Broadway, chúng tôi ngừng trước một tiệm tạp hóa. Trước cửa tiệm có bày một thùng dưa leo, Chaliapine trố mắt ngó dưa leo một lúc: bác sĩ cấm ông ăn dưa leo. Chà, coi ngon quá. Trông thấy mà nhớ tuổi trẻ của tôi. Còn tôi, tôi tự hỏi vì sao ông chưa ngất ngư chứ, mà lại thấy khỏe mạnh hơn bao giờ. Chúng tôi ngừng một lần cuối cùng nữa ở đường 90 để ngắm những hàng trái cây tại ngôi chợ trước trạm xe điện mới sơn lại, góc đường 96 và sau cùng là tới khách sạn. Chaliapine cười bảo tôi: Đường đâu có xa, phải không? Bây giờ tụi mình đi ăn. Sau bữa ăn thịnh soạn, ông mới cho tôi hiểu tại sao ông bắt tôi đi bộ sáu cây số đó. Giọng ông nghiêm trang: Anh sẽ không bao giờ quên lần đi bộ ngày hôm nay đâu. Tôi đã cho anh một bài học nhỏ đó. Đừng bao giờ lo lắng, buồn rầu vì đích còn xa. Chỉ nghĩ tới cái gì ở cách ta một trăm thước thôi. Đừng lo ngại về một tương lai bấp bênh. Chỉ nghĩ tới những cái vui ngày hôm sau thôi, dù nó tầm thường tới mức nào đi nữa. ° Nhiều năm đã trôi qua. Ông Chaliapine đã quy tiên nhưng hầu hết những chỗ làm mục tiêu để đi trong lần đi bộ không sao quên được đó nay đã không còn, cảnh vật đã biến thiên. Nhưng trong bao nhiêu năm đó, triết lý thực tế của ông đã giúp tôi rất nhiều. Nó đã giúp tôi khi tôi quyết định học tiếng Anh. Không khi nào tôi tự hỏi: “Phải học bao năm nữa mới viết được thứ tiếng đó?” Trái lại tôi tự nhủ: “Hôm nay trên tờ báo Times có hai mươi tám tiếng mình chưa biết. Ngày mai sẽ còn không tới hai mươi tiếng.” Triết lý đó cũng giúp tôi giữ vững được tinh thần khi vì lầm lỡ của các người hùn vốn, tôi buộc phải trả cho chủ nợ nửa số tiền mà tôi hy vọng kiếm được trong bốn năm sau. Nếu trong hai trăm lẻ tám tuần lễ đó, tôi cứ nghĩ bụng rằng phải sống cực khổ thì chắc chắn tôi đã nản chí mà không kiếm được một đồng nào cả. Nhưng tôi chỉ tự nhủ: “Thứ hai, thứ tư và thứ sáu, mình sẽ làm cho mình.” Nghĩ vậy thì mọi sự sẽ thay đổi hết. Tôi trả được hết nợ và kiếm được đủ sống, không đến nỗi thiếu thốn. Qui tắc trăm bước của Chaliapine là quy tắc vàng. Ai cũng thấy được điều hữu ích mà đi theo. Có thể rằng cái đích ta nhắm còn xa thăm thẳm, nhưng không đầy trăm bước là “tới đại lộ 6”. Như vậy cứ từng chặng từng chặng một, chúng ta chẳng những sẽ tới đích, mà trên đường đi còn được hưởng nhiều cái vui nữa. Frederick Van Ryn Nguyễn Hiến Lê dịch