Từ làng Ea Blang, B 10, tới Phòng Giáo Dục huyện Chu Pah mất khoảng 7 tiếng đi bộ. Sau một đêm ở lại làng để giới thiệu thầy Nhân cho dân làng, cũng như chuyện trò với thầy Nhân tới khuya, tôi quyết định đi thăm các giáo viên xã B 10, một là thăm hỏi, động viên, khuyến khích các giáo viên của tôi, hai là xem xét tình hình học hỏi và ý kiến của dân làng để có thể đưa ra những kế hoạch phù hợp với nhu cầu của dân làng. Ở một làng nơi hẻo lánh xa xôi, mỗi giáo viên Kinh trụ trì một làng, rất cô đơn, chẳng có ai để chuyện trò nên chúng tôi rất mừng rỡ khi có ai ghé lại. Đi thăm các giáo viên ở các làng cũng là nhiệm vụ lớn của tôi, vì tôi không thể hoàn thành sứ vụ của mình nếu không có sự cộng tác đắc lực của mọi người. Đành rằng tôi nhớ và rất muốn ghé lại thăm Du, nhưng làng Du ở cũng gần Phòng Giáo Dục, chỉ đi bộ mất độ vài tiếng. Nếu tôi về liền, khi vòng lại trên xã B 10, sát biên giới Cao Miên, vừa mất giờ vừa mệt sức, nên chắc Du cũng chẳng trách cứ gì. Tôi nghĩ vậy và an tâm đi thăm các giáo viên của tôi để xem xét và lấy ý kiến của mọi người.Khi hỏi han các thanh niên cũng như người già trong làng họ cười nói với tôi, "Học để làm gì? Người con Thượng biết trồng cái lúa, biết nuôi con heo, biết bắn con hoẵng... đâu cần phải học nữa! Người cần phải học là đám con nít kia! Chứ chúng tôi đi làm cái nương, đi đốt cái rẫy, phải nghỉ ngơi để có sức làm việc, để làm cách mạng chứ?"Ban đầu tôi chưa hiểu hẳn nên thấy họ nói làm cách mạng tôi nghĩ họ nhiệt tình với đường lối của nhà nước. Cho đến khi họ kể chuyện con cọp và con thỏ cho tôi nghe, và như có ý thử tôi có nhớ không, họ nói tôi kể lại câu chuyện tôi vừa nghe, tôi ngây thơ vui vẻ kể lại, làm họ cười lăn cười lóc, còn tôi thì rất ngạc nhiên, vì tôi rõ ràng ghi lại các chữ họ nói và tôi biết giọng tôi cũng khá giống giọng của họ nên không lẽ gì mà tức cười đến như vậy. Tôi hỏi vì sao họ cười vui thế. Họ càng cười ha hả. Thú thật, người Thượng có cái cười rất hồn nhiên vô tư mà tôi chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào, trừ những nụ cười của các em bé. Họ sống chân thành, chất phác và thật vô tư. Mãi sau họ mới nói với tôi một câu mà tôi phải xét lại những đánh giá ban đầu về những người con của núi rừng này, "Nă Juan Tơpai, Nă Jarai Amông, " Có nghĩa là người Kinh là con thỏ (chuyên môn lừa dối), người Thượng là con cọp ( có sức mà hay bị lừa ). Tôi nhớ lại những chuyện cổ tích Việt Nam xưa, thường những con vật nhỏ, hay người yếu phải dùng trí khôn để đương đầu với những người khoẻ mạnh hay lớn dữ. Tôi thăm dò xem trong làng có những ai còn có thể viết được tiếng Gia-Rai (Jrai), làng nào cũng chỉ có một hai người có thể viết được tiếng mẹ đẻ của họ được thôi, chứ không nhiều. Một sáng kiến manh nha trong trí tôi và tôi hỏi họ, "Nếu tôi xin cấp trên cho đồng bào học đọc và viết tiếng Gia Rai, đồng bào có thích không?" Họ cười vui vẻ, trả lời, "Thầy mà làm được chuyện đó, thầy là thần của dân tộc Jrai!" Tôi nói, "Thật nhé! Tôi không là thần, nhưng chỉ muốn là con Jrai thôi!"Đồng bào trong các làng cười sung sướng vì thấy tôi hoà đồng với họ. Thật sự tôi rất yêu mến họ, có lẽ vì mối liên hệ của tôi với các linh mục thừa sai và linh mục Vương Đình Tài, họ là những người dấn thân thực sự trong công việc truyền giáo trên Cao Nguyên.Từ làng cuối cùng ở xã B 10 về tới B 6 nếu đi đường mòn phải mất thêm một ngày vì phải lộn lại các làng tôi đã qua nên tôi quyết định đi ngã tắt xuyên qua rừng và rẫy của đồng bào cho tới xã B 9 thì mới có đường mòn.Quyết định đi tắt này đã đưa tôi tới một cảnh khó xử và là khúc ngoặt lớn của đời tôi. Không biết đó là rủi ro hay duyên số, nhưng nó đã thay đổi nhiều và làm tôi trưởng thành hơn trong lối nghĩ và hành động trong cuộc sống, chứ không phải chỉ chăm lo hoàn thành nhiệm vụ giáo viên mà thôi.