Tháng ngày đã qua

I
Từ thị trấn Bến Hải, tôi đạp xe về xã Vĩnh Tú, thăm một người quen. Đoạn đường đất đỏ lúc vừa mới rời khỏi thị trấn, tuy thỉnh thoảng phải lên dốc xuống dốc một tí, mà vẫn dễ đi. Nhưng đến quãng gần xã Vĩnh Tú, con đường phải xuyên qua một trảng cát. Đang mùa hè, lại vào giữa trưa, nhìn vào cát trắng đã lóa mắt. Chiếc "Thống nhất" tôi mượn của một đồng chí cán bộ huyện ủy là chiếc xe tốt, đạp nhẹ và bon, vậy mà sục vào cát cứ ngủng ngoẳng, ngùng ngoằng như thằng say, cuối cùng rồi cũng đổ nghiêng xuống. Đành dắt bộ vậy. Thực ra tôi đang muốn cố thử lên xe lần nữa xem sao nhưng nhìn đằng xa thấy một người dắt xe đi ngược chiều, tôi biết tình thế của mình. Trẻ mỏ gì cho cam, ngoài năm mươi tuổi đầu rồi, sức mấy mà định "làm xiếc", tôi tự diễu mình để yên lòng mà đẩy xe đi.
- Trảng cát này có dài khôngn hả bác?
Người dắt xe ngược chiều chở một đứa bé cỡ một tuổi, từ nãy tới giờ hầu như không chú ý tới tôi. Nghe tiếng tôi hỏi, mới chậm chạp ngẩng đầu lên. Một khuôn mặt lấm tấm mồ hôi với bộ râu lởm chởm, rõ ràng không phải vì nuôi râu mà là biếng cạo. Quái lạ! Lẽ nào bác già này lại là cậu Thể. Tôi nhìn chằm chằm vào đôi mắt chớp chớp và cái miệng mở ra ngơ ngác của người chợt gặp và kêu lên:
- Phải Thể đấy không ông?
Bị gọi đúng tên, vậy mà bác già không chịu reo lên một tiếng. Bác quay lại nhìn đứa bé, lấy ống áo quân phục cũ mèm quệt mồ hôi, rồi mới chịu nhận tên mình bằng một câu hỏi máy móc:
- Anh béo ra nhiều anh Thiều ạ! Nhe nói lên đến cán bộ cao cấp rồi mà vẫn phải đi xe đạp? Anh về cái đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" này thì lấy đâu ra cảm hứng mà làm văn làm thơ?
Bấy giờ, Thể mới cười, chìa tay trái ra. Tôi nắm chặt bàn tay thô ráp của anh.
- Trời đất ạ! Có lẽ gần mười lăm năm rồi mới gặp lại ông đấy. Trông ông già quá! Nghỉ hưu rồi à? Sao lại để râu ria thế kia không cạo? Chắc bà xã mát tính chứ...
Với giọng bỗ bã tôi nói đùa mà Thể tỏ vẻ không hưởng ứng nên tôi vội quay sang hỏi Thể về cháu bé gái hai má tròn căng đang chín ửng lên vì nắng.
- Cháu ngoại đấy anh ạ. Mẹ con bé dạ học dưới Vĩnh Tú. Tôi có việc lên huyện, với lại cảnh hưu trí cũng rỗi rãi, nên xuống đón cháu về. Cháu chào ông đi!
Con bé ngước cặp mắt đầy tia nắng mặt trời, rồi cúi đầu xuống "ạ ông". Thật là trời không thương chúng tôi, chọn ngay một chỗ nắng nỏ cát bỏng này mà gặp nhau, chúng tôi đã đành, còn cháu bé nữa. Tôi đâm ái ngại nhưng nhìn quanh chẳng có bóng cây nào.
- Thế bây giờ chị ấy và các cháu ở đâu?
Người bạn già của tôi chợt lắc đầu và nhăn mặt lại như vừa lên cơn đau dạ dày:
- Vợ tôi hy sinh lâu rồi anh ạ1 Tôi chỉ còn mỗi mẹ con nhỏ này. Thôi thì ha con ông cháu ở với nhau.
Tôi đâm ra ân hận là mình buông câu bông đùa ban nãy, câu bông đùa rơi vào nỗi đau của Thể. Tôi càng ân hận là mình không hề hay biết gì về sự mất mát này. Chỗ bạn bè xa nhau lâu ngày không hiểu hoàn cảnh của nhau cũng là chuyện thường tình, nhưng giá tôi thăm hỏi anh, ý tứ hơn, thì tôi không trở nên lúng túng và ân hận. Thể lại có vẻ thông cảm, anh nắm vào ghi đông xe đạp tôi và nói với giọng thân mật:
- Anh đi Vĩnh Tú à? Thôi lâu ngày mới gặp nhau anh quay về nhà tôi đi. Anh phải ở lại với tôi một đêm ta bù khú với nhau. Cũng là thâm nhập thực tế nông thôn đó chứ anh.
Thể cười, làm tôi trở nên nhẹ nhõm. Tôi hứa với Thể là chiều nay thế nào cũng tìm đến chơi với anh còn bây giờ thì hãy cho tôi "thâm nhập thực tế" ở Vĩnh Tú một tí đã.
Chúng tôi bắt tay nhau thật chặt, sau khi Thể chỉ đường cho tôi tới nhà anh bên kia sông Bến Hài: "... Anh cứ tới Chợ Cầu hỏi nhà Thể ai cũng biết".
II
Từ Vĩnh Tú về, tôi lại mượn tiếp chiếc xe đạp đi Chợ Cầu. nhất định tôi phải tới thăm Thể. Gặp nhau vội vàng lúc ban trưa nắng nỏ chưa nói được gì với nhau. Với lại, tôi coi cuộc thăm viếng này như một cách xin lỗi anh về sự vô tình của mình.
Thực ra tôi và Thể không thân nhau lắm. Cả một thời gian khá dài sống với nhau, có lúc anh làm tôi khó chịu, nhưng có lúc anh thật gần gũi dễ thương.
Hồi tập kết ra Bắc, bộ đội địa phương Trị Thiên được xóc lại thành lập các trung đoàn quân khu 4. Thừa Thiên một trung đoàn, Quảng Trị một trung đoàn. Đại đội tôi phụ trách làm chính trị viên phần lớn là anh em quê ở huyện Hương Trà, Thừa Thiên. Chấn chỉnh tổ chức được vài hôm vì thiếu một trung đội trưởng, cấp trên điều Thể tới. Thể là người Quảng Trị duy nhất lọt vào cánh bộ đội địa phương Thừa Thiên cũ thuộc đại đội tôi. Qua lời giới thiệu của ban tổ chức trung đoàn, tôi hiểu ý cấp trên muốn tăng cường chất lượng cho đại đội. Thể là trung đội trưởng chiến đấu ở Quảng Trị có hai huân chương. Đấy là một người tầm thước, tóc cắt ngắn, mắt nhỏ mà dài, nước da ngăm ngăm đen. Thoáng gặp, đã nhận ngay ra một tay nông dân, đánh nhau nhất định vào loại chì. Quả thật, anh là người năng nổ, gương mẫu, tính nết chặt chẽ, nên chẳng bao lâu, trung đội của anh trở thành trung đội có nề nếp nhất và huấn luyện cũng khá nhất. Theo sự gợi ý của trên, sau khi trúng cấp ủy, anh được phân côn làm phó bí thư chi bộ. Có lẽ thời kỳ đó, chung tôi sắp chỉnh huấn cải cách ruộng đất, nên chọn một đồng chí bần nông, có thành tích chhiến đấu tốt làm phó bí thư, cấp trên cũng muốn bổ sung vào chỗ non yếu của bí thư tức là tôi. Chỗ non yếu theo cách nhìn hồi bấy giờ là dù sao tôi cũng thuộc thành phần trung gian, dễ giao động trong đấu tranh giai cấp. Vào những ngày mùa hè năm 1955, không hiểu bắt đầu từ sự nhạy bén của chị vợ anh nào, mà lần lượt các cô các chị trong Hương Trà kéo nhau qua giới tuyến ra Nghệ An thăm chồng. Thôi thì đại đội tôi lúc nào cũng bận bịu tíu tít vì khách khứa. Khốn khổ nhất là đơn vị chưa có chiêu đãi sở, lính còn đang ở trong nhà dân, nên việc mượn nhà cho những đôi vợ chồng gặp nhau quả là một gánh nặng. Trong hội nghị cấp ủy, phó bí thư Thể đề xuất ý kiến phải lãnh đạo anh em không được viết thư vào Nam nhắn vợ ra. Theo anh, sự vất vả cho đơn vị không đáng kể bằng tư tưởng không ổn định của anh em. Anh em dễ nẩy sinh hoài nghi, ít tin tưởng vào thống nhất Bắc Nam. Hơn nữa, làm sao thằng diệm lại không biết lợi dụng những chuyến đi ra bắc của đám vợ lính mà khai thác? Anh nói:
- Ngay như hoàn cảnh tôi cũng vậy. Vợ tôi ở Gio Linh sát giới tuyến, muốn ra Bắc thì nhẹ như không. Vậy mà tôi viết thư cấm cô ấy ra thăm. Cô ấy là đảng viên phải bám trụ phong trào.
Mặc dù Thể có cái nhìn của người phó bí thư phụ trách bảo vệ, nhưng ý kiến cua anh có cái gì đấy hơi cứng nhắc, không được cấp ủy chấp nhận, cấm hoặc là khuyên những người vợ không đi thăm chồng là đụng chạm tới tình cảm anh em. Cố nhiên là cấp ủy lưu ý tới khía cạnh phải giáo dục chiến sĩ về ý thức cảnh giác, tránh làm lộ những bí mật quân sự. Thể không tranh luận nhưng có vẻ không hài lòng. Sự ấm ức của anh đã làm anh vấp vài ngày sau đó. ở trung đội Thể có một tay tiểu đội trưởng tên là Nẫm là con trai một, nên gia đình buộc phải cưới vợ vội vàng trước lúc tập kết. Cô vợ còn quá trẻ quãng 18, 19 tuổi vừa ra thăm chồng cách đây một tháng. Đùng một cái, cô ta lại trở ra, hồn nhiên nói với Thể rằng, cô ở với chồng mười hôm, về đến nhà thấy vẫn có kinh nguyệt, nên mẹ chồng bắt cô phải ra khi nào có thai mới được về. Bạn bè thì ai cũng vui cười, xem sự thể này cũng là tâm lý bình thường và chân thật. Nhưng Thể không cười. Anh gọi Nẫm ra quát một trận. Trong những câu nói nặng nề của Thể, có ý nghi ngờ cô vợ trẻ biết đâu lại chẳng là cộng tác viên của tình báo ngụy. Nẫm ấm ức với Thể nhưng lại đem trút lên đầu cô vợ trẻ và đuổi cô về. Thế là cô vợ trẻ nước mắt ngắn nước mắt dài lên thưa với ban chỉ huy đại đội. Đại đội trưởng chúng tôi vốn nóng tính, nghe chuyện, bèn lập tức cho liên lạc gọi Thể lên, và chẳng làm thế nào để can ngăn anh khỏi nóng mắt. Thế là chuyện chẳng đâu vào đâu mà tôi phải dàn xếp đến mệt. Nào là tổ chức các vị hòa giải với nhau bằng một cuộc tọa đàm nhẹ nhàng, nhưng thực chất là kiểm điểm. Nào là phải cùng Nẫm thu xếp cho cô vợ trẻ về Vinh ở tạm nhà người chị họ, để có nơi có chốn cho Nẫm về thăm, khỏi phiền hà đơn vị v.v... Chuyện vợ chồng Nẫm sau này cũng có sự bất ngờ. Khi cô vợ có thai vài tháng định về thì thằng Diệm khóa tuyến, không về được. Cô ở lại miền Bắc luôn và trở thành cô kế toán nông trường. Nhưng đấy lại là chuyện khác. Chuyện tôi đangn kể là chuyện về anh chàng Thể lúc nào cũng nghiêm túc và lầm lì. Các cô gái chỗ đóng quân khá xinh đẹp và hồn nhiên, xem ra cũng ưa bắt chuyện với các anh bộ đội trẻ người Huế, nhưng thấy bóng Thể là tảng lờ ngay. Không hiểu có phải các cô biết Thể là tay giỏi đi soi ếch hay tại cái tính nết hà khắc của Thể mà ác cô bèn đặt cho anh cái tên là "ông ộp". Cái tên ấy làm Thể không vui.
Sau một thời gian liên tiếp làm đủ các thứ "chống": chống đói, chống di cư, chống bão lụt v.v... trung đoàn chúng tôi bắt tay vào chỉnh huấn cải cách ruộng đất. Trong lãnh đạo chỉnh huấn, cấp trên vẫn để tôi làm bí thư nhưng xem ra lại coi Thể là cốt cán, là chỗ tin cậy vì tuy là chính trị viên đại đội, tôi lại xuất thân từ thành phần trung nông... là học sinh tiểu tư sản... Tôi biết thế nhưng chẳng mếch lòng vì thực sự cũng tin là hễ ai có gốc gác cùng khổ người ấy sẽ kiên cường cách mạng hơn. Nói chung cấp ủy chúng tôi lãnh đạo đơn vị học tập là thông đồng bén giọt nếu không có cái đêm toó khổ tai tiếng kia. Đầu đuôi câu chuyện là thế này: Thể được cấp ủy phân công tổ chức việc tố cáo tội ác giai cấp địa chủ. Anh nghiên cứu hoàn cảnh từng chiến sĩ và sau đó chọn một chiến sĩ cố nông tên là Bé làm điển hình tố khổ. Tôi biết Bé là cậu chiến sĩ mới thoát nạn mù chữ, nghe nói từng đi ở cho địa chủ, nhưng tính nết không được thuần lắm. Tệ nhất là cậu này có tính tắt mắt và hay nói thiên nói thẹo. Nhưng Thể đã chọn, đã bồi dưỡng cho Bé cách kể khổ hàng tuần liền, thì coi như quyết định. Tuy vậy tôi vẫn thẩm tra lại Bé. Nghe Bé kể đời mình tôi đâm hoang mang. Tay này mà lên kể khổ thì nghe khó lọt tai quá. Dường như cu cậu bịa lung tung. Buổi chiều hội ý cấp ủy, tôi đem sự hoài nghi đó ra trình bày và đề nghị chọn một người khác. Cấp ủy gồm có năm người, thì tát cả đều đổ dồnn mắt về phía Thể. Bấy giờ Thể đang ngồi lấy hai cái vỏ ngao nhíp râu. Thể dặng hắng rồi phán một câu:
- Đừng nên hoài nghi như thế, đồng chí bí thư ạ. Đồng chí đâu đã từng nhặt từng hột cơm vãi dưới đất lên mà ăn như cậu Bé, để hiểu nổi sự đau đớn của người khác.
Hội nghị ngồi im re. Trong cấp ủy tiếng nói của Thể là có sức nặng. Ngay đại đội trưởng là tay có học đến tú tài bán phần nhưng dính một chút con nhà cường hào, nên anh đành im lặng. Tôi không đến nỗi sợ Thể là cốt cán, nhưng có tâm lý tự ty, biết đâu Thể nói đúng. Mình chẳng phải con nhà giàu có gì nhưng bố mẹ vẫn đủ miếng ăn để cho con đi học. Thằng học sinh trung học với thằng bé đi ở chăn trâu, hai cuộc đời khác xa. Biết đâu chính là tôi sai. Thôi vậy, cuộc hội ý cấp ủy vẫn quyết định như cũ, để cậu Bé lên kể khổ cho toàn đại đội nghe vào đêm hôm sau, đúng như chương trình học tập của tiểu đoàn. Ngọn đèn măng sông đã thắp sáng trong đình làng, một trăm hai mươi cán bộ chiến sĩ thuộc đại đội tôi đã ngồi bệt xuống nền gạch, súng dựa trên vai, nét mặt nghiêm chỉnh sẵn sàng nghe kể khổ. Đại đội chúng tôi là đại đội hát hay vào bậc nhất trung đoàn, nhưng đêm đó chúng tôi quyết định không hát, cũng là một cách gây men cho kông khí căm thù giai cấp địa chủ. Ngồi ở ghế chủ tịch đoàn có tôi, Thể và một đồng chí trung đội phó thành phần công nhân. Bé bước lên diễn đàn. Đấy là một chiến sĩ cao lêu đêu, mắt hiếng, nói hơi cà lăm và cái đầu lúc nào cũng không yên, cứ lúc la lúc lắc như chim chào mào. Anh nói tay vo, chẳng có đề cương hoặc bài viết gì cả. Mười lăm phút đầu, cả đại đội chú ý lắng nghe, nhưng càng về sau họ càng tỏ ra thất vọng. Anh chàng ba hoa xích đế này rõ ràng không phải là người thực sự có cuộc đời đau khổ. Anh bịa lung tung, mà lại không biết bịa nên câu chuyện cứ lằng nhằng, thậm chí vô lý quá thể. Đã thế anh lại làm ra vẻ căm thù, cứ gào rống lên. Ai cũng cắn răng lại cho khỏi bật cười. Thế mà có anh cười khùng khục trong cổ.
Hàng ngũ người nghe đã có vẻ lộn xộn. Ngáp dài, nói chuyện tiêng và ho. Rồi bệnh ho bỗng nhiên như bệnh truyền nhiễm, góc này góc nọ nổi lên những tiếng ho khan. Chả còn ra cái vẻ một đại đội đang nghe chuyện căm thù nữa. Buồn và giận đến tái mặt, tôi không dám nhìn xuống đại đội nữa, cúi cuống cuốn sổ tay vờ ghi chép nhưng chỉ vẽ những hình thù vớ vẩn. Thể ngồi cạnh tôi xem bộ cũng áy náy không yên, anh cứ ngọ nguậy như người bị rôm cắn. Trong lúc đó, các đại đội bạn: đại đội 2, đại đội 3, ở thôn bên cạnh đang vang lên những tiếng thét đả đảo giai cấp địa chủ. Vang đến tai chúng tôi cả những tiếng khóc, tiếng chân của những chiến sĩ bị kích động quá mạnh, đang chạy đi lùng địa chủ trong làng. Bây giờ thì bạn đọc có vẻ hơi buồn cười với ái trò xem ra như trẻ con này, còn lúc đó thì hoàn toàn khác. Tiếng thét, tiếng khóc của chiến sĩ hoàn toàn chân thật, đấy là sự đồng cảm với nỗi khổ của người kể chuyện đời mình, một cuộc đời bị dày vò, bị chà đạp dưới sức mạnh tàn bạo của giai cấp thống trị. Tiếng thét tiếng khóc ở các đại đội bạn vang tới chứng tỏ ở đấy, những người lên kể khổ đã nói những lời chân thật, đã rỏ những giọt nước mắt chân thật. Sự thật có sức truyền cảm ghê gớm, có sức lay động hàng trăm trái tim khác. Còn ở đại đội tôi, ôi tôi vừa xấu hổ vừa oán giận mình, oán giận Thể, oán giận cả cấp ủy. Chúng tôi đã để một buổi học tập tố khổ đến nông nỗi này. Mà bấy giờ chẳng có cáh gì cứu vãn nổi. Trên diễn đàn, Bé gào lên một lúc rồi quay ra giải thích thế nào là sự áp bức của giai cấp địa chủ. Chao ôi, lại còn đến nước này nữa thì qú lắm. Tôi phải ghé tai thì thầm với Thể bảo Bé kết thúc đi. Thể có vẻ cũng bực mình, xô ghế đứng dậy ra hiệu cho Bé. Buổi tố khổ kết thúc hoàn toàn trái với ý muốn của lãnh đạo. Nó vừa nhạt nhẽo vừa như một trò hề đáng buồn cười. Cấp ủy chúng tôi nhìn nhau chán ngán, rồi ai nấy về đi ngủ cũng chẳng kiểm điểm gì nữa. Sáng sớm mai có điện thoại trung đoàn gọi tôi lên gặp chính ủy. Thôi, tôi chẳng kể lại cuộc gặp mặt không vui này. Tôi hoàn toàn chịu trận trước những lời khiển trách ngọt ngào của chính ủy mà đối với tôi thì thà ông mắng tôi còn dễ chịu hơn. Tôi chịu là mình đã thất bại mà không thanh minh gì. Nhìn cái dáng vẻ nén cơn giận của chính ủy, tôi hiểu là nếu tôi khiêu khích một câu là sự thể sẽ bung ra. Chợt nghĩ đến một chi tiết buồn cười. Chính là Thể chứ không ai khác, đã phát hiện với ban tổ chức trung đoàn rằng nên kiểm tra lại lý lịch tôi. Thể có gặp vài người làng tôi, họ đều nói tôi là con ông Phó Bài. Phải chăng đấy là con một tay phó tổng hoặc phó lý? Ban tổ chức trung đoàn đã cho người đi xác minh và kết luận là lý lịch tôi hoàn toàn đúng. Ông Phó Bài không phải phó tổng phó lý gì mà chỉ là ông phó mộc. May mà chuyện này xẩy ra trước đây, chứ nếu xẩy ra lúc này thì phiền to, chỉ cần nghi ngờ tôi là con nhà địa chủ cường hào thì sự thất bại của đêm tố khổ sẽ được suy diênx là phản ứng giai cấp. Tôi chỉ lo bị oan. Sự thất bại lần này, tôi chịu, không kêu ca mình oan, vì tôi tự thấy mình cũng có lỗi. Dù sao, tôi cũng tỏ ra hèn. Chỉ một câu dọa của Thể rằng tôi chưa bao giờ nhặt từng hạt cơm rơi dưới đất mà ăn thì chưa hiểu nổi sự đau đớn của người khác là tôi đành im như thóc. Thật đáng đời cho tôi quá! Tôi chỉ hứa với chính ủy sẽ về tổ chức buổi tố khổ khác tuy sẽ khó đạt kết quả rực rỡ nhưng ít nhất cũng làm cho anh em thấy rõ bộ mặt của giai cấp bóc lột. Tôi vừa đứng dậy định xin lui thì Thể xuất hiện. Có lẽ anh vừa chạy một thôi từ dưới đại đội lên, nên mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Anh báo cáo ngay với chính ủy rằng, buổi tố khổ không thành công, khuyết điểm chính thuộc về anh. Thể nói rõ đầu đuôi câu chuyện và thanh minh cho tôi. Anh còn đề cao tôi, coi tôi là người sáng suốt. Rõ ràng là anh lo cho tôi, lo chính ủy đánh giá tôi sai. Tôi thầm cám ơn Thể. Ra về Thể mới cho tôi biết, là anh vừa thẩm tra lại cậu Bé. Anh đi hỏi tất cả anh em cùng quê La Chữ với Bé, họ đều nói là Bé không phải cố nông. Bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đi ở với bà cô trên Huế. Đi ở gánh nước và làm việc vặt, nhưng cu cậu cũng đã từng đi móc túi người ta ngoài chợ Đông Ba. Thế đấy, thì ra không riêng Thể mà tất cả cán bộ đại đội chúng tôi đều hiểu chiến sĩ một cách mù mờ. Dọc đường về, Thể và tôi say sưa bàn với nhau cách lãnh đạo đơn vị. Nếu hôm qua hôm kia, Thể gây cho tôi khó chịu thì lúc này Thể lại tỏ ra trung thực thẳng thắn thật đáng yêu. Chúng tôi còn sống với nhau cùng đại đội trong một thời gian ngắn nữa. Và sau đó là trung đoàn giải thể đi xây dựng nông trường. Tôi đi học chính trị rồi về tổ chức triển lãm nghĩa vụ quân sự cho quân khu. Thể cũng được đề bạt lên đại đội phó, đi học nghiệp vụ bảo vệ ở Hà Nội. Loanh quanh thế nào, khi tôi về làm trợ lý ban tuyên huấn ở sư đoàn giới tuyến lại gặp Thể đã là trợ lý ban bảo vệ ở ddấy. Trước kia Thể và tôi ngoài việc phải lãnh đạo một chi bộ, một đại đội, còn là quan hệ cấp trên, cấp dưới. Bây giờ đã khác, chúng tôi đều là trợ lý, mỗi người có một chức trách riêng, nghiệp vụ riêng. Dù tôi là thượng úy, Thể là trung úy thì chúng tôi đều bình đẳng trong quan hệ. Đối với tôi, Thể không phải là bạn thân thiết để có thể chia sẻ với nhau mọi điều tâm sự thầm kín. Nhưng dù sao đã sống với nhau gần hai năm nên chúng tôi vẫn lui tới với nhau luôn. Thực ra Thể hay sang chỗ ban tuyên huấn chúng tôi nhiều hơn, để rủ tôi chơi cờ tướng. Thể và tôi là những tay chơi cờ khá trong phòng chính trị sư đoàn cho phép cả hai chúng tôi đi chơi Cửa Tùng. Dạo đó ở đồn liên hợp Cửa Tùng trong số lính cảnh sát ngụy sang gá, có một tên thượng sĩ vào loại cao cờ mà rất huênh hoang. Anh em công an ta đã thử sức mà chưa hạ được nó. Chủ nhiệm chính trị cho Thể và tôi đi chơi với mục đích cho tên thượng sĩ huênh hoang nọ một bài học. Tôi không muốn kể lại những ván cờ căng thẳng với tên ngụy để khi hạ được nó, quả thật cả Thể và tôi đều toát mồ hôi, mà muốn nói đến cái đem Cửa Tùng năm ấy. Đêm mùa hè, sóng biển vỗ như ru, mà chúng tôi đều khó ngủ. Thể rủ tôi ra ngoài bờ sông, ngồi bệt xuống cát mịn và hút thuốc. Lần đầu tiên, tôi bắt gặp Thể buồn. Anh mơ màng nhìn qua bên kia sông Hiền Lương và bảo với tôi rằng, nhà anh chỉ cách đây một tiếng đồng hồ đi bộ. Thuở nhỏ anh vẫn sang bên này Cửa Tùng đi cắt cỏ. Anh còn bố mẹ già và cô vợ anh mới cưới trước khi tập kết. Bây giờ không biết ra sao? Cô vợ anh còn trẻ mà cũng xinh gái, một cô bán hàng xén ở chợ Cầu, lại là đảng viên, du kích trong chống Pháp. Vậy là xa nhau năm năm rồi! Chà năm năm! Tôi chợt nhớ những ngày ở Nghệ An, Thể là người cứng cỏi, luôn luôn tin tưởng hai năm sẽ thống nhất đất nước, đã viết thư về cấm vợ không được ra thăm. Chắc bây giờ Thể lấy làm tiếc. Lúc này, Thể bỗng nhiên gần gũi với tôi, gần gũi với cuộc đời quá. Tôi thương anh, trân trọng nỗi nhớ của anh, nên cũng chỉ lặng im, nghe sóng vỗ lép bép dưới đáy những chiếc thuyền câu. Bên kia sông Hiền Lương có tiếng chó sủa sang, tiếng chó nhà giầu mà Thể và tôi đều rất dễ nhận ra. Gói thuốc lá Điện Biên, chúng tôi hút đã vơi dần. Lúc chúng tôi vắt áo lên vai đi về doanh trại thì đã quá nửa đêm.
Nhiều lúc tôi nghĩ cuộc đời cũng thú vị, tổ chức xã hội cứ như một chiếc sàng, cứ lắc mãi lắc mãi rồi hạt nào có vị trí của hạt ấy. Từ anh trung đội trưởng bây giờ Thể là trợ lý bảo vệ, công tác này quả là hợp với tạng của Thể. Đôi mắt nhỏ và sắc của anh bao giờ cũng nhìn ra bốn phía. Có thể anh hơi căng cứng nhưng đấy là tính cách của anh. Còn tôi, dù có bị chê là mềm mại, vẫn có tính cách riêng của mình. Từ anh chính trị viên đại đội trở thành trợ lý tuyên huấn phụ trách văn hóa văn nghệ. Công việc này cũng phù hợp với tạng người tôi. Chúng tôi đều là cán bộ cùng một phhòng chính trị rất an tâm với công tác được giao. Nhưng giữa chúng tôi vẫn có một khoảng cách khó đo lường cho chính xác, cái khoảng cách dường như co dãn luôn luôn, khi gần khi xa. Khi gần, tâm hồn tôi tưởng như hòa nhịp với tâm hồn anh, cùng đa cảm đến nỗi nhìn một con chim bay lẻ loi cũng đều rơi nước mắt. Khi xa là lúc tôi chỉ muốn ngoảnh lưng với anh, là lúc tôi bực bội khó chịu với anh chỉ muốn quát to lên rằng, anh là thằng tự đánh lừa mình, trái tim chân thành của anh đã bị cái đầu xơ cứng của anh lừa dối. Cái mâu thuẫn trong con người Thể biểu hiện rõ ràng vào một ngày mùa thu năm 1959. Cả phòng chính trị chợt xôn xao lên vì cái tin vợ cậu Thể vừa vượt tuyến ra thăm chồng, đang ở dưới chiêu đãi sở. Chẳng riêng tôi mà cả cơ quan ai cũng mừng cho Thể. Vậy mà anh cứ tỉnh bơ. Thoạt đầu anh còn cho là tin vịt, cậu nào đùa dai tai quái đấy thôi. Mãi sau có điện bên tham mưu gọi sang rằng anh Thể có vợ là Hồ Thị Chín muốn gặp anh mới tin, nhưng vẫn đủng đỉnh uể oải thế nào ấy. Cứ như người khác thì nghe tin thế, công việc gì cũng dẹp, đạp xe ù xuống Vĩnh Nam, đến chiêu đãi sở mà gặp vợ. Năm năm xa cách chứ ít ỏi gì. Thế mà Thể còn chờ hết giờ làm việc, đợi kẻng ăn cơm, xách bát đi ăn về đâu vào đấy mới đạp xe đi. Anh em kê ầm rằng anh này được gặp vợ sướng mê hồn không biết hưởn lại còn tiếc bữa cơm đại táo ba hào. Rằng mày làm bộ làm tịch vừa vừa thôi, chứ bắt vợ chờ đợi một phút lúc này là bằng chờ cả năm lúc khác. Nhìn cái điệu khoan thai của Thể, tôi cũng phát bực. Buổi tối, chúng tôi đang vừa chơi tú lơ khơ vừa tán chuyện Thể, thì bỗng dưng thấy cu cậu lù lù về. Tôi bỏ đám chơi, xách đèn pin đi sang nhà ban bảo vệ, gần như túm lấy cổ Thể mà hỏi chuyện đầu đuôi làm sao mà không ở lại với vợ. Thể móc túi lấy bao thuốc lá "Ru bi" bóc ra mời tôi hút.
anh nói:
- Vợ tôi nói là cô ấy ra thăm tôi dăm ba bữa để vào Sài Gòn làm ăn, có công việc của cấp trên giao... Ông bà già tôi mất cả rồi, mất cách đây vài ba năm rồi.
- Nhưng làm sao cậu không ở lại với cô ấy, mà chuồn về đây?
Tôi bực tức hỏi vặn, còn Thể lại đủng đỉnh:
- Đối với đàn bà không nên vồ vập quá, e nó khinh chứ anh? Đàng nào thì cô ấy còn ở đây cả tuần. Xa nhau hơn năm năm còn chịu đựng được thì sá gì một đêm. Tôi phải nói dối cô ấy là đêm nay tôi bận họp.
Tất nhiên là cô ấy buồn nhưng cũng là một dịp để cô ấy tự thẩm vấn mình. Xem xem trong năm năm qua cô ấy có thực sự thương nhớ tôi không, có thực sự giữ được phẩm chất trong sạch không?...
Ngồi nói chuyện với Thể lúc ấy ngoài tôi ra còn có anh Thọ trưởng ban bảo vệ. Nghe Thể phân trần như thế, anh Thọ kêu lên: "Bậy, bậy hết sức. Cậu xử sự như một tên bịp bợm. Tôi biết tỏng trong đầu cậu nghĩ ngợi cái gì rồi. Cậu nghi ngờ cô ấy có làm sao mới đâm nhào ra thăm cậu chứ gì. Bậy quá. Thôi cậu quay lại chiêu đãi sở đi! Rồi liệu mà tìm cách xin lỗi người ta..." Anh Thọ nói gần như là quát, còn Thể không trả lời chỉ im lặng nghe, nhưng dường như chưa có ý định vâng lời anh Thọ. Chán Thể quá tôi bỏ về, điếu thuốc Ru-bi - quà của vợ ở miền Nam ra, Thể mời tôi, tôi trả lại.
Sáng hôm sau, Thể tìm tôi sau giờ tập thể dục. Anh nằn nì mời tôi cùng xuống chiêu đãi sở với anh. Biết Thể hối hận, tôi cũng nhận lời. Và cả anh Thọ cũng cùng đi. Dù sao có chúng tôi kéo xuống thăm vợ Thể cũng sẽ nguôi giận. Quả có thế thật, vợ Thể đã tiếp chúng tôi rât vui vẻ lịch sự, mặc dù nhìn khuôn mặt kém tươi của cô, ai cũng biết cô vừa thao thức suốt đêm. Anh Thọ và tôi bắt buộc phải nói dối để ô ấy tin rằng, đêm qua chúng tôi bận một cuộc họp quá quan trọng. Vợ Thể chỉ cười, còn Thể cứ lấn bấn ngượng nghịu, pha ấm chè mà để nước đổ tung tóe đầy bàn. Tôi nghĩ bụng; tay Thể này còn biêt ngượng nghịu còn là thằng chân thật. Thể ở với vợ đâu như được ba bốn hôm. Anh em ai cũng hỏi Thể, sao không giữ cô ấy ở lại ít lâu nữa, Thể lắc đầu, lên giọng gân cốt: "Cô ấy trở về cũng còn có nhiệm vụ khẩn thiết...".
Thời gian sau đó là chúng tôi xa nhau. Tôi được điều ra Hà Nội công tác. Thể ở lại sư đoàn. Trong buổi liên hoan chia tay. Thể cũng không biểu hiện sự quyến luyến đối với tôi như vài người bạn thân khác. Cũng những lời chúc, cũng cái bắt tay thông thường. Từ bấy đến nay, tôi chỉ tình cờ gặp anh hai lần. Vào quãng cuối năm 1966 chúng tôi chạm trán nhau trong một chiếc hầm công cộng trước chợ Ngọc Hà Hà Nội. Khi còi báo yên, chúng tôi mới vội vã nói chuyện với nhau được dăm bảy câu. Được biết, Thể đang công tác ở một đơn vị huấn luyện đi B ở Xuân Mai. Lần thứ hai vào năm 1969 tôi gặp Thể trên đường hành quân giữa hai trạm giao liên. Tôi đi vào chiến trường, còn Thể bị thhương quay ra Bắc điều trị. Thể bị thương trong một trận B52 ở giáp ranh Thừa Thiên. Vết thương vào chân, phải nằm cáng. Cũng chỉ thăm hỏi nhau được dăm phút. Tôi đưa cho anh một gói sữa bột, anh từ chối, nhưng tôi cũng cứ nhét bừa vào cáng của anh. Khi chiếc cáng của anh qua bên kia con suối, tôi thấy anh còn đưa tay ra vẫy vẫy giã từ tôi. Một bàn tay đen đúa, xương xẩu.
III
Quả là tìm nhà Thể không khó. Đến chợ Cầu, theo tay chỉ của một em bé, tôi đến đúng ngõ. Một cô gái đang tưới rau, thấy tôi dắt xe đạp vào, reo lên như quen biết đã lâu:
- Ôi chú, mời chú vào nhà. Ba cháu đạp xe lên hội ý với bí thư Đảng ủy một chút, rồi về ngay.
Nhìn cô gái tôi biết ngay con đẻ của Thể. Đôi mắt nhỏ mà sắc y như đôi mắt anh chàng trung đội trưởng Thể năm xưa. Cô buông thùng tưới, tự giới thiệu là Linh và gọi người nhà rối rít. Chồng cô tên là Toàn, một thượng úy đang công tác ở thị đội Đông Hà bế cả đứa bé ban sáng tôi gặp, ra hào. Bà chị Thể, người mà Linh giới thiệu là o Năm, cũng chạy lật đật từ ngôi nhà bên cạnh qua. Bà Năm sai Linh múc nước rửa mặt, bảo Toàn cất xe đạp vào nhà và đưa tận tay tôi chiếc quạt giấy. Rõ ràng là cả nhà Thể đã sẵn sàng đón tôi. Bà Năm rất vồn vã, ngay từ đầu đã gọi tôi bằng cậu, như gọi Thể vậy. Bà rót nước chè xanh hãm sẵn trong giành tích mời tôi uống và xuýt xoa trách cậu Thể đến là khó bảo. Đã bảo mình đi thheo cách mạng hơn ba chục năm rồi, bị thương những hai lần xuýt chết chứ ít à, bây giờ Đảng và quân đội cho về hưu thì chỉ nghỉ ngơi, lại còn cứ tham gia chân Đảng ủy xã. Họp hành luôn chứ có mấy lúc được rỗi rãi.
- Đó, cậu coi: Trung tá về hưu mà nhà cửa cứ tuyềnh toàng.
Bà Năm nói thế là trách yêu cậu em, chứ nhà cửa Thể nom cũng khá khang trang, nhà lớp ngói, thưng vách. đặc biệt có cái vườn hết chê. Một lô đất phía sau trồng tiêu. Những cây tiêu đã bén choải nom mỡ màng. Quanh vườn là hàng mít, loại mít ở đất Bến Hải này, cây cứ choai choai đã sai quả. Rồi đu đủ, rau muống, ớt, bí đao. Rõ ràng chủ nhân đã dầy công chăm sóc, vun xới. Đồ gỗ trong nhà tuy không phải là loại gỗ quý sang trọng nhưng khá đầy đủ. Cũng tủ chè, tủ đứng, bàn ghế, giường mô đéc. Nhà sạch sẽ và ngăn nắp. Tôi xuýt phì cười khi nhìn vào chiếc giừn một kê sát cửa sổ, chắc là giường của Thể. Anh bạn già về hưu rồi vẫn không quên gập chăn màn cho sắc thành vuông cạnh, cứ y như lính trong doanh trại. Kê sát tường là bàn thờ có treo ảnh người vợ đã hy sinh. Đúng là người chết còn trẻ mãi. Chị Chín vợ Thể trong ảnh, trẻ như cô Linh con gái chị bây giờ. Thì ra Thể cũng thờ cúng cẩn thận. Một bát hương to, chân hương cắm đầy như bát hương trên chùa. Lại còn mấy cọc nến bằng đồng. Một bát nước lã tàn nhang rơi vào lấm tấm, đặt bên cạnh đĩa hoa phần lớn là vạn thọ, cánh đã héo. Bỗng nhớ ngày xưa, Thể là anh chàng báng bổ nhất về việc thờ cúng. Hôm trong xóm chỗ chúng tôi đóng quân, có một ông già mất, chúng tôi kéo nhau tới viếng. Tôi thay mặt anh em vào thắp mấy nén nhang và vái mấy vái. ấy thế mà khi ra về, Thể phê bình tôi vậy là gây ảnh hưởng xấu với quần chúng, làm cho quần chúng càng thêm mê tín dị đoan. Chẳng hiểu bây giờ Thể thế nào mà thờ vợ chu đáo thế. Theo bà Năm kể thì hầu như đêm nào Thể cũng thắp hương...
- Chị Chín hy sinh vào thời kỳ nào hở bác? - Tôi hỏi bà Năm.
- Ôi chao! Lâu rồi cậu ạ! Sau Mậu Thân, bọn biệt kích Mỹ ở Quán Ngang đi xăm hầm, dạo đó đangn mùa mưa lũ cậu ạ! hầm dưới làng bị ngập nước hết, mợ Chín cùng ba cán bộ du kích xã phải núp hầm trên đồi tràm. Bọn Mỹ dàn hàng ngang ra, mỗi thằng một cái thuốn sắt. Khi hầm bị lộ, mợ Chín và anh chị em du kích đội hầm lên đánh. Thằng Mỹ phải đổi mạng hàng chục tên nhưng cuối cùng bên ta hy sinh hết. Thương quá cậu ạ! Mợ ấy là người nết na, đức hạnh lắm. Cậu Thể đi tập kết, tôi và mợ ấy ở với nhau còn hơn chị em ruột thịt.
- Thế, chị ấy mất đi chỉ để lại mỗi cháu Linh thôi ạ!
Bác Năm lại thở dài, giọng phiền não:
- Cái số cậu mợ nó cũng vất vả lận đận. Cưới nhau trước lúc tập kết, thôi thì đỏ mắt chờ Bắc Nam thống nhất mãi không đặng. Chị em tôi đi biểu tình đấu tranh mãi, mợ Chín nó bị bắt lên bắt xuống mấy lần. Cái năm 1959, bởi mợ nó là đảng viên nên cấp trên điều vô Sài Gòn, nói là mần ăn nhưng cốt làm cơ sở ở một vùng trắng. Khi vượt tuyến ra Bắc để nhận nhiệm vụ, vợ chồng gặp nhau mấy ngày mới mang thai. Vô Sài Gòn chưa được sáu tháng thì cơ sở bị lộ. Địch bắt vô khám Chí Hòa, sau mới trở về giam nhà lao Quảng Trị. Con cháu Linh sanh ở trong lao đó cậu. Tôi là người đi vô đi ra nhà giam tiếp tế cho cháu. Năm cháu Linh được ba tuổi, nghĩ tội nghiệp con bé, tôi bàn với mợ nó cho cháu về ở với tôi. Đó là hòn máu của thằng em tôi để lại, mà chỉ mình tôi biết sự thật. Chứ với tụi địch thì mợ nó chỉ nói quấy nói quá là con rai cho xong chuyện. Năm 1967 nhờ bộ đội ta tập kích vào thị xã Quản Trị, giải phóng nhà lao, mợ Chín nó mới thoát ra. Hồi đó cháu Linh đã lên bảy. Nhưng rồi mẹ con chẳng được ở với nhau, mợ nó lại đi hoạt động bí mật cho đến lúc hy sinh.
Bà Năm nói chuyện với tôi bằng cái giọng bùi ngùi, thỉnh thoảng lại chấm nước mắt. Trong lúc đó vợ chồng Linh đang lúi húi dưới bếp giết gà làm cơm. Có tiếng cười ri rích và tiếng bi bô của trẻ con. Âm thanh của một cặp vợ chồng trẻ hạnh phúc làm tôi chạnh nghĩ đến sự cô đơn của Thể. Tôi hỏi bà Năm:
- Sao chị Chín hy sinh lâu rồi mà Thể vẫn kiên tâm ở vậy, không đi bước nữa?
Bà Năm lại xuýt xoa phân trần rằng, chính bà cũng coi đó là sự lạ. Cậu có biết không, năm 1972 Quảng Trị giải phóng, cậu ấy trở về thăm nhà là tôi đã tính đến chuyện đó. Buổi đầu, thì cậu ấy bảo từ từ, nhưng nghe ngóng mãi, chẳng thấy nhắc gì đến nữa. Có phải riêng tôi đâu, cả bà con chú bác cả cháu Linh ai cũng khuyên, cũng bàn. Tôi đã tìm được vài nơi, cũng là chỗ vợ liệt sĩ, hãy còn trẻ tuổi, nết ăn ở cũng hay, vậy mà cậu ấy cứ thờ ơ như không. Tôi là chị cả, cha mẹ mất rồi, lo cho em út là phần việc của tôi. Thôi thì hết ngọt ngào khuyên lơn đến làm mặt giận mắng mỏ, cậu ấy vẫn không nhúc nhích. Cuối cùng thì cậu ấy cáu, gắt ầm lên rằng đừng có ai động đến chuyện đó. Để cho cậu ấy yên. Thế là thôi, mặc xác. Đấy là nói lúc cậu ấy còn ở đơn vị, nhưng khi được về hưu, tôi chắc bụng là cậu ấy sẽ nghĩ lại. ở bộ đội, có anh em vui vẻ, công việc lại bận, nên quên chuyện riêng đi, chứ về hưu mà vò võ một mình cũng buồn cũng chán. Lựa dịp tôi lại lôi chuyện cũ ra, nhưng cậu ấy đánh trống lảng, nói sang chuyện khác. Mãi lúc sau, còn hai chị em cậu ấy mới nói:
- Em luôn luôn nghĩ là mình có lỗi với cô Chín, nên em chẳng lấy vợ nữa đâu. Chị thương em thì chị lo dùm việc chồng con cho cháu Linh.
Từ đấy là thôi, tôi cũng hết cách. Cậu ấy sinh ra gàn gàn dở dở thế nào ấy. Có lúc ngồi hàng tiếng đồng hồ trước bàn thờ mợ Chín, y như người bị ma lấy hồn.
Ngồi nói chuyện với bà Năm một lúc thì Thể đạp xe về. Vẫn bộ quân phục cũ mèm và bộ râu lởm chởm. Nhìn kỹ mới thấy anh già hơn tuổi năm nhăm, những dẻ quạt ở cuối đuôi mắt đã lộ sâu, răng rụng dăm ba cái không buồn trồng lại nên nom móm mém hẳn đi.
Anh phân trần:
- Lên hội ý một chút, mà cứ lằng nhằng mãi. Mình là anh quân sự làm việc đúng giờ giấc quen rồi, về làm việc với anh xã cứ phải chờ đợi nhau, tức như bò đá. Anh chờ tôi đã lâu chưa?
Thấy tôi đến đúng hèn, Thể rất vui. Lúc này, bà Năm đã lui xuống bếp nhường cho Thể tiếp chuyện. Bạn cũ lâu ngày gặp nhau, thôi thì đủ thứ chuyện. Chúng tôi nhắc đến bạn bè cùng đơn vị, nhắc đến những kỷ niệm trong hòa bình, trong chiến tranh. Chuyện gì chúng tôi cũng nói với nhau say sưa được. Không hiểu sao khi nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ, Thể thường có cái nhìn khá trước, cái nhìn độ lượng và ưu ái hơn. Dường như anh có đôi chút hối hận là cả một quãng đời dài anh đã tạo cho mình một thứ sắt đá huyẽen hoặc, một sự cứng nhắc khuôn sáo. Nói chuyện với anh lúc này dễ chịu hơn ngày xưa nhiều lắm. Cũng có thể là do chúng tôi đã luống tuổi, đã từng trải khá nhiều, chúng tôi có khuynh hướng nhìn lại quá khứ. Quá khứ có cái tốt đẹp, có cái chưa vừa lòng. Nhưng hầu như chúng tôi không bàn chuyện tương lai, tương lai mênh mông quá. Và bàn đến tương lai, biết đâu chúng tôi lại bất đồng với nhau.
Chuyện đang vui. Ngoài sân đã lãng đãng hoàng hôn. Có tiếng gà nhảy lên chuồng. Bà Năm với đầy đủ dáng dấp của một bà mẹ Quảng Trị, đôn hậu và xăng xái, ra dọn ấm chén uống nước trên bàn. Để chả mấy khi bạn cũ gặp nhau, mời cậu (tức thừa vì cẩn thận chu đáo quá tôi) xơi bữa cơm dưa muối nhà quê.
Bà Năm chưa dứt lời, Linh đã bưng mâm lên. Toàn đặt xuống cạnh mâm một chai rượu cam. Nhìn bữa cơm thịnh soạn tôi biết cả nhà coi tôi là khách quý. Bỗng nhiên tôi nẩy ra một ý định, tôi nói với Thể:
- Anh Thể ạ1 Cách đây hơn hai mươi năm, anh có đưa tôi tới thăm chị Chín. Ban sáng gặp lại anh, tôi cứ ngỡ rằng, bây giờ đất nước thống nhất, anh chị được sum vầy. Không ngờ... Thôi, chiến tranh là thế! Chúng ta là những người còn lại, xin có tấm lòng nhớ tới người hy sinh. Trước lúc ăn cơm, anh cho phép tôi thắp cho chị ấy vài nén hương...
Thể bồi hồi và cảm động thực sự trước lời đề nghị của tôi. Anh lập cập thắp ngọn đèn trên bàn thờ, thay lại bat nước lã, và bằng một tín hiệu kín đáo nào đó, cô Linh đã chạy vào nhà, bưng lên đĩa xôi, đĩa thịt gà đặt lên bàn thờ. Tôi kính cẩn thắp ba nén hương trong lúc đó Thể cứ cuống lên không biết làm gì. Tôi có cảm giác như anh đang lắp bắp trong miệng, có lẽ là khấn khứa hay cám ơn tôi câu gì đó. Quả thật, tôi không tin vào mấy nén nhang thấu đến vong linh người đã mất nhưng tôi tin vào tấm lòng người đang sống. Dường như Thể chỉ vì ngại tôi, nên không muốn bày ra chuyện thắp hương, nhưng khi tôi tỏ lời thỉnh cầu thì anh lại quá mừng rỡ đến ngỡ ngàng, quá ưu ái đến mức chỉ muốn ôm chầm lấy tôi mà kể lể...
Bữa cơm đủ mặt cả nhà quây quần vui vẻ... Thể rót rượu ra chén và nói với tôi:
- Tôi bị dạ dày anh ạ! Tôi kiêng rượu. Nhưng hôm nay có anh tới chơi, tôi xin uống với anh một chén. Xin anh cứ tự nhiên cho. Tôi biết tửu lượng của anh khá lắm. Đã có cháu Toàn đây, hâu sinh khả úy mà anh, cháu sẽ tiếp rượu anh...
Thực ra tôi không uống nhiều. Chỉ vừa đủ nóng mặt. Tôi muốn giữ cho mình tỉnh táo để nói chuyện với Thể. Trong bữa cơm, Thể lại nói nhiều hơn cả. Anh giới thiệu tôi với cả nhà, giới thiệu một cách tỉ mỉ và với thái độ kính trọng khiến tôi cũng phát hoảng lên, không hiểu sao Thể lại bốc lên thế. Anh kể cho các con nghe về những kỷ niệm của chúng tôi nhất là những ngày chúng tôi đi chống đói, chống bão, và chống di cư ở Nghệ An. Trong giọng nói của anh có đôi chút tự diễu mình.
Xong bữa cơm cả nhà lui xuống bếp dọn dẹp, còn lại hai chúng tôi. Thể mắc chiếc màn đôi lên chiếc giường rộng, vui vẻ nói:
- Hôm nay, anh em mình nằm chung ta nói chuyện.
- Này ông Thể ơi, ông phải nói cho tôi biết, ông đã đóng cái giường đôi này rồi mà lại chỉ nằm giường cá nhân như anh lính là tại làm sao?
- à, à, - Thể cười - Cũng là tại cái số cả, anh ạ.
- Tôi xem ra cái số của ông vẫn còn là ẩn số đấy.
Chúng tôi chui vào màn, hai anh bạn già nằm hai bên. Gói thuốc lá Sông Cầu, chiếc bật lửa và cái gạt tàn đặt chính giữa. Chúng tôi nằm hút thuốc, mắt nhìn lên đỉnh màn. Đột nhiên, Thể dụi điếu thuốc hút dở vào gạt tàn, nhổm dậy nói với tôi:
- Anh Thiều ạ! Anh là người bạn quen thân từ lâu, đã hiểu ít nhiều cuộc đời tôi. Hôm nay tôi kể thêm cho anh nghe vài đoạn đời nữa, may ra anh hiểu tôi kỹ hơn, chứ cũng chẳng có ẩn số gì đâu. Chắc bà chị tôi đã kể về cô Chín vợ tôi cho anh nghe. Anh có nhớ những ngày chúng ta ở Nghệ An nữa không? Hồi đó tôi hăm bảy, vợ tôi hăm hai. Chúng tôi cưới nhau trước lúc ập kết dăm tháng, nhưng ở với nhau cũng mới gọi là quen hơi bén tiếng. Lúc chị em vợ các chiến sĩ ở đơn vị vượt tuyến ra thăm chồng, tôi cũng nhớ vợ tôi da diết. Còn tuổi thanh niên mà anh! Thoạt đầu tôi cũng mong cô ấy ra. Mong thì mong nhưng tôi không nhắn. Một thứ sĩ diện vớ vẩn mà anh... Mãi không thấy ra thì bực. Và thế là chẳng biết ma quỷ nào xui, tôi nổi cáu lên cả với đám vợ lính ra thăm chồng. Hồi đó, chính anh cũng tỏ ý không bằng lòng tôi. Khi đã lớn tiếng tuyên bố cái quan điểm kỳ quặc của mình, tôi viết thư về cấm vợ tôi không được ra. Cấm mà vẫn có chút hy vọng vợ không tuân lời...
Thể cười, châm điếu thuốc khác. Tôi cũng ngồi dậy xếp bằng, sẵn sàng nghe nốt chuyện anh:
- Bây giờ thì tôi "xưng tội" với anh, còn lúc đó, dù anh là chính trị viên đại đội chứ là chính ủy cũng thế, cạy răng tôi ra tôi cũng chỉ nói những lời như không phải của mình. Chắc anh không thể quên, cái dịp vợ tôi đột nhiên đến thăm tôi ở vĩnh Linh. Anh và anh Thọ đã mắng mỏ tôi những câu như đi guốc từ trong bụng tôi đi ra. Quả thật là tôi vẫn nghi. Cớ sao khi cửa giới tuyến còn mở không ra thăm chồng, nay giữa lúc tình hình giới tuyến căng thẳng đến mức e phải nổ súng lại đùng đùng ra? Thoạt tiên nhìn thấy vợ tôi ăn bận diêm dúa, áo ni lông trắng thêu rua, quần sa tanh bóng nhoáng, xức nước hoa thơm phức tôi đã cảm thấy xa lạ. Vợ tôi mừng cuống quít, cười rồi khóc thút thít mà tôi, anh biết không, thật là tai quái... đã không một lời yêu thương lại còn giữ bộ mặt đâm lê. Ôi tàn nhẫn làm sao là lúc cô ấy gục đầu vào vai tôi vừa khóc vừa kể nỗi đau khổ của mình trong xã hội miền Nam, dưới thời thằng Diệm, tôi đã gần như hất mái đầu cô ta ra. Một cử chỉ ghê tởm. Tôi không quên được nét mặt vợ tôi chợt tái mét đi, cái miệng nửa như mếu nửa như cười mỉa mai, còn tôi buông một câu dối trá là tối nay anh bận họp mai mốt ta còn phải nói với nhau nhiều. Một câu nói lạnh lùng và dọa dẫm! Thế đấy, tôi đạp xe về, may sao được các anh chỉ bảo, tôi đã hối hận kịp, vậy mà thú thật với anh, ở với vợ ba hôm ở chiêu đãi sở, tôi không sao đền bù được những gì tôi đánh mất. Hình như tôi càn cố gắng yêu thương vợ bao nhiêu, tôi càng rơi vào mặc cảm là mình dối trá. Tôi như một thứ người bị phân tâm, một phần của đời thực mình, một phần của cái ma lực nào đó xúi bẩy, vừa xơ cứng vừa hoài nghi. Đáng lẽ tôi còn giữ vợ lại hàng tuần nữa, nhưng khốn nạn thân tôi, tôi đã khuyên cô ấy trở về, công tác Đảng giao là trọng đại, là vinh quang, về với cơ sở sớm này nào hay ngày ấy. Đại để là tôi đã quen mất thói "lên gân", muốn tỏ rõ với vợ tôi và cả các anh nữa, rằng tôi không phải thằng đàn ông bịn rịn, yếu đuối, thằng đàn ông quá coi trọng tình yêu. Vợ tôi về miền Nam vẫn để lại cho tôi một ám ảnh về sự nhẫn tâm của mình. Tôi đã hất mái đấu cô ấy ra khỏi vai mình... Và tôi đã không xin lỗi cô ấy, không tự thú với cô ấy. Bởi vợ tôi vẫn ân cần niềm nở, vẫn tỏ hết lòng yêu thương tôi, cô ấy không hề nhắc đến cái đêm cô khóc tấm tức một mình, cái đêm cô đơn ấy, giá như người đàn bà khác thì đã bỏ đi, không thèm chờ đợi tình yêu của tôi như một thứ cầu xin nữa. Bởi vợ tôi là người nhân hậu, cố quên đi cái sự hoài nghi vớ vẩn của chồng, nên tôi càng coi sự xin lỗi là hạ mình không cần thiết. Việc đang làm đã không làm được để lòng tôi ân hận suốt đời. Mà không riêng ân hận đâu anh ạ!... Tôi phải trả giá. ở đời có vay, có trả. Tôi đã phải trả cái giá cũng chẳng nhẹ nhàng chút nào. ấy là vào năm 1967 tôi đang ở Xuân mai chuẩn bị đi B. Một hôm tôi nhân được cái điện "Con bị thương nằm viện Tân Kỳ Nghệ An. Anh vào ngay. Hồ Thị Chín". Tôi bàng hoàng. Chưa bao giờ tôi được tin là tôi có con. Rõ ràng bức điện ký tên vợ tôi, nhưng khó tin quá. Giã từ tôi từ mùa thu năm 1959, cô ấy đi vào Sài Gòn và từ đấy không có tin tức gì. Bỗng nhiên cô ấy xuất hiện ở Nghệ An cùng với một đứa con bị thương? Con tôi ư? Lẽ nào mấy đêm ngắn ngủi ăn ở với nhau đã để lại cho tôi một đứa con? Và làm sao con lại bị thương, lại nằm viện miền Bắc? Lòng tôi rối bời, nửa tin nửa ngờ. Lòng tin chỉ bám vào sự may rủi, còn ngờ vực lại hằn sâu vào quá khứ. Phải chăng cái điều ngày xưa tôi hoài nghi đã thành sự thực? Nếu cô ấy có còn, biết đâu là con rô con trê mà nhìn nhận. Bấy giờ lại sắp đến ngày hành quân đi chiến trường rồi. Nếu vin vào bức điện kia mà đi Nghệ An, rất dễ có sự nghi ngờ là mình bố trí một bức điện giả để thoái thác nhiệm vụ chiến đấu. Và thế là tôi quyết định hành quân theo đơn vị. ở chiến trường, trong chiến đấu căng thẳng và gian khổ, thỉnh thoảng có nhớ tới bức điện lạ lùng kia, tôi cũng chỉ tặc lưỡi coi như một sự nhầm lẫn nào đó thôi. Giá như trận bom B52 ở giáp ranh giết chết tôi, thì tôi đã là người thanh thản. Đằng này tôi lại bị thương phải ra Bắc. Một hôm ở trại an dưỡng Hà Nam, nhân ngồi tán chuyện, tôi nghe một tay kể về kế hoạch K8, K10. Đấy là những kế hoạch sơ tán các em nhỏ ở hai bờ sông Bến Hải vào thời kỳ bọn Mỹ mở trận càn "Bạch Hóa" nhằm quét sạch dân sát giới tuyến. Người kể xuýt xoa về sự ác liệt của những chuyến xe chở trẻ con dưới tầm pháo hạm và đủ các loại máy bay. Có những chiếc xe thoát ra đến Đèo Ngang vẫn còn bị đánh cháy. Rất nhiều các em bị thương chở ra phía Tân Kỳ, Nghệ An. Nhìn cái cảnh ấy, đau lòng không chịu nổi. Người kể chuyện rơm rớm nước mắt, còn tôi chợt thấy đau nhói trong tim. Tôi linh cảm thấy mình là người cha nhẫn âm tội lỗi. Lập tức tôi xin trại an dưỡng đi Tân Kỳ. ở bệnh viện Tân Kỳ, người ta lục cho tôi hồ sơ bệnh án các em ở Vĩnh Linh ra năm 1967 và tôi đã nhận ra một cái tên: Em Trần Thị Mỹ Linh, sinh ngày 10-6-1960, cha Trần Ngọc Thể, Mẹ: Hồ Thị Chín, bị thương vì bom bi... Ôi con tôi, con tôi bây giờ ở đâu? Bênh viện trưởng Tân Kỳ mách tôi nên đến trại M.8 - trại nuôi dưỡng cá cháu ở giới tuyến ra phần lớn là các cháu mồ côi. Tôi lại bổ sấp bổ ngửa chạy đi tìm. Bác Tùng, trại trưởng M.8 nghe tôi trình bày xong, bình tĩnh thẩm vấn tôi một chốc, xem tôi có thực sự đúng là tôi không, rồi mới xác nhận rằng có cháu Linh ở đây. Tôi mừng cuống lên, muốn gặp cháu ngay, nhưng bác Tùng bảo cứ thư thả, lúc này đang giờ học của các cháu. Tan học, bác Tùng dẫn tôi xuống nhà ở của các cháu. Tôi hồi hộp đến run lên. Quãn hai chục cháu vây quanh lấy bác Tùng. Trong lúc bác hỏi han các cháu về việc học hành sinh hoạt, thì tôi quan sát từng khuôn mặt một em bé bé nom trắng trẻo, bẽn lẽn với đôi mắt nhỏ mà sắc thỉnh thoảng lại nhìn trộm tôi, rồi nghiêng đầu núp sau lưng bạn khác.
Tôi bước lại gần nắm lấy vai cháu:
- Cháu tên là Mỹ Linh phải không?
- Vâng ạ!
- Thế mẹ cháu bây giờ ở đâu?
- Mẹ cháu ở Gio Cam.
- Ba cháu ở đâu?
Con bé ngước cặp mắt ngờ vực nhìn tôi rồi lắc đầu:
- Cháu không biết!
Lòng tôi đau thắt lại. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy vai cháu kéo lại phía mình và với giọng lạc hẳn đi, khê khê như người vị cúm, tôi thốt lên:
- Mỹ Linh! Con! Ba là ba của con đây! Ba là Thể đây!
Tôi tưởng con bé sẽ sà vào lòn tôi, ai dè nó hốt hoảng nhìn tôi, một cái nhìn dữ dội. Bàn tay bé nhỏ của nó cứ bóc từng ngón tay tôi ra khỏi vai nó:
- Không, không, chú không phải ba tôi!
Và con bé tuột khỏi tay tôi, ù té chạy. Tôi châng hẩng. Và anh biết không tôi là một thằng lì lợm như thế, bỗng nhiên khóc thút thít trước đám trẻ con. Tôi khóc vì đáng đời cho tôi quá, con tôi không công nhận tôi, bởi vì chính tôi đã từng không công nhận nó. Đấy, món nợ đầu tiên tôi phải trả là như thế. Cố nhiên là sau đó thì sự thật vẫn là sự thật, ba con tôi đã nhận ra nhau. Lúc con bé đã gọi tôi bằn ba không còn ngượng ngập nữa và bắt đầu dám làm nũng với tôi thì cháu nó hỏi tôi nhiều câu về mẹ nó mà tôi không trả lời được. Vì quả thật tôi có hiểu gì về cuộc đời đầy gian truân của vợ tôi đâu. Bác Tùng trại trưởn là một cán bộ của Quản Trị lớn hơn tôi hàng chục tuổi, một người lịch lãm, tế nhị. Trong chuyện trò thăm hỏi về đời tư của tôi sau đó, bác Tùng thường gọi tôi bằng chú. Một lối gọi thân mật gần gũi và đồng cảm. Tôi không hề biết rằng, với lối gọi trìu mến ấy, bác Tùn đang tạo nên một không khí yêu thương đê cuối cùng bác báo cho tôi một tin sét đánh: vợ tôi đã hy sinh hai năm rồi, nhưng bác vẫn chưa cho cháu Linh hay, cháu còn dại quá? Nay đã có tôi tìm đến... bác tin rằng, nỗi đau đớn này tuy to lớn thật, nhưng đối với cháu Linh cũng giảm được đôi phần. Tôi chết lặng đi trước cái tổn thất mà tôi chưa hề lường trước được.
Tôi không khóc được. Nước mắt đặc sánh lại trong người tôi. Thế là hết, nỗi ân hận của tôi biết giãi bày cùng ai? Nỗi ân hận của tôi từ nay chỉ như là một cái u độc trong người. Tôi và cháu Linh để tang vợ tôi từ hôm ấy. Hoàn cảnh này đã buộc chặt hai cha con tôi lại, cháu Linh không muốn rời tôi ra nửa bước. Định mang cháu đi theo, nhưng hoàn cảnh bộ đội thật chưa tiện. Tôi trở về đơn vị và xin cấp trên chuyển về công tác ở quân khu 4 để được gần gũi săn sóc cháu. Gần gũi cháu, tôi có vui vẻ hơn đôi phần, nhưng vẫn không sao xua tan được nỗi ân hận lưu cữu trong người. Tôi có cảm giác vợ tôi hy sinh là một đòn trừng phạt đối với tôi. Thêm một lần nữa, tôi phải trả giá, mà cái giá này... quả là...
Thể kể chuyện cho tôi nghe đã khá dài. Tôi chăm chú vừa lắng nghe vừa hút thuốc, tịnh không hỏi xen anh câu nào. Hỏi xen anh, tôi sợ làm mất đi cái cảm giác là anh đang giãi bày với một người vô hình nào đó. Lúc này anh mới rút một điếu thuốc, châm lửa hút mấy hơi liền. Dường như khói thuốc làm anh sực tỉnh. Anh mỉm cười, vỗ vỗ vào vai tôi:
- Anh bảo cuộc đời tôi có ẩn số? Tất cả đã có đáp số minh bạch. Chiếc giường đôi này tôi sắm là để đón bạn bè tới chơi chứ không phải để lấy them một cô vợ khác. Tôi mà còn đi lấy vợ thì buồn cười quá. Có người bảo tôi lẩn thẩn, tôi gàn. Nhưng anh ơi! Đấy là ý nghĩ của người khác, còn tôi, tôi lại hoàn toàn thanh thản nhẹ nhõm. Đi gần hết cuộc đời rồi, tôi mới nhận ra rằng, được sống như chính mình cũng chẳng dễ dàng gì...

10 - 3 - 1984