Chương 3

Bây giờ cũng khó lòng mà hiểu cho ra tai họa từ đâu đến. Mọi việc đều lẫn lộn, rối như tơ vò... Quả thật chính tôi đến nay cũng đã hiểu nhiều, nhưng bây giờ thì còn nói làm gì... Tôi gặp người ấy trên đường đi một cách tình cờ. Chúng tôi chia tay nhau mà cũng không ngờ rằng đó chưa phải là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa hai chúng tôi. Cuối mùa thu năm ấy tôi đi tải hàng. Trời rất xấu. Mưa cũng chẳng ra mưa, tuyết cũng chẳng ra tuyết: trên trời cứ đổ xuống một thứ gì ướt át, lâm thâm, chẳng hiểu là cái gì. Trên các sườn núi sương mù dày đặc như kem sữa. Gần suốt dọc đường tôi phải cho que gạt kính chạy: cửa kính cứ như toát mồ hôi. Xe tôi đã đi sâu vào núi, đậu ở chân đèo Độ Long. Chao ôi, Độ Long, Độ Long, con quái vật khổng lồ của vùng Thiên Sơn! Cuộc đời tôi đã gắn bó với nó biết chừng nào! Đó là đoạn đường khó khăn, nguy hiểm nhất của tuyết hành trình. Con đường ngoằn ngoèo chữ chi, hết vòng này lại sang vòng khác, cứ men vực thẳm leo mãi đến tận trời xanh, bốn bánh đè lên mây mà leo; khi thì người bị ép sát vào lưng ghế không nhấc lên được, khi thì lại ngã chúi về phía trước, phải chống tay cho ngực khỏi xô vào vôlăng. Thời tiết ở trên đèo thì như một con lạc đà xấu tính: Dù là mùa hạ hay mùa đông, đèo Độ Long cũng chẳng thèm đếm xỉa: trong nháy mắt trời bỗng dưng đổ một trận mưa rào, mưa đá, hay tuyết cuộn lên mù mịt không còn trông thấy gì nữa. Đấy, cái đèo Độ Long của chúng tôi là như thế đấy!... Nhưng chúng tôi, dân Thiên Sơn, đã quen với nó rồi, nhiều khi lại còn vượt đèo ban đêm nữa. Ấy, bây giờ tôi mới nhớ lại đầy đủ những nỗi khó khăn, nguy hiểm, chứ khi làm việc ở đấy hàng ngày thì cũng chẳng hơi đâu mà suy nghĩ đến những chuyện ấy.
Thế rồi một hôm, trong một hẽm núi gần đèo Độ Long, tôi đuổi kịp một chiếc xe vận tải. Tôi nhớ rõ đó là một chiếc GAZ 51. Nói đúng ra thì không phải tôi đuổi kịp: nó đã dừng sẵn ở đấy rồi. Hai người đang loay hoay chữa máy. Một trong hai người thong thả bước ra đứng giữa đường, giơ tay lên. Tôi hãm lại. Người ấy đến cạnh xe tôi, mình khoác chiếc áo choàng không tay bằng vải bạt ướt sũng, mũ chụp kéo lên đầu. Đó là một người tuổi trạc bốn mươi, có bộ ria mép màu hung xén thành bàn chải theo kiểu bộ đội, vẻ mặt hơi lầm lì, nhưng đôi mắt điềm đạm.
- Anh bạn ạ, anh cho tôi đi nhờ đến trạm coi đường ở Độ Long. Tôi cần lên lấy một cái máy kéo, xe này bị hỏng máy.
- Ngồi lên, tôi chở đi. Nhưng có lẽ ta thử nghĩ cách gì chăng? - tôi đề nghị và xuống xe.
- Còn nghĩ cái nỗi gì, nó chẳng xì ra được tí hơi nào - người lái xe kia vừa nói vừa đóng sập capô lại, vẻ chán chường. Tội nghiệp anh chàng lạnh quá, người cứ co ro, mặt tím bầm. Rõ ràng không phải dân chúng tôi, chắc là một tay lái xe ở thủ đô nào đấy, anh chàng bỡ ngỡ nhìn quanh. Họ đang chở gì từ Frunze lên trạm coi đường thì phải. Biết làm thế nào bây giờ? Tôi chợt nảy ra một ý rất ngông cuồng. Nhưng trước hết tôi cũng nhìn lên phía đèo đã. Trời u ám, đục nhờ nhờ, mây bay là là rất thấp. Nhưng tôi vẫn quyết chí. Cái ý của tôi cũng chẳng có gì hay ho lắm, nhưng lúc ấy tôi thấy như đang lao vào một cuộc tập kích liều lĩnh.
- Phanh của anh tốt đấy chứ? - tôi hỏi người lái xe.
- Còn phải hỏi... chả nhẽ tôi lại lái xe không phanh đi à? Đã bảo máy hỏng, chỉ thế thôi.
- Thế có dây cáp không?
- Có đấy!
- Mang ra đây, mắc vào.
Hai người nghi hoặc nhìn tôi, vẫn đứng yên tại chỗ.
- Sao, anh điên rồi chắc? - người lái xe nói khẽ.
Nhưng tính tôi nó thế. Tôi cũng không biết thế là tốt hay xấu, nhưng một khi tôi đã nảy ra ý gì thì dẫu có chết tôi cũng làm bằng được.
- Anh bạn ạ, anh nghe tôi, mắc vào! Tôi lấy danh dự mà nói rằng tôi sẽ kéo anh đến nơi! - tôi cố thuyết phục người lái xe.
Nhưng anh ta chỉ xua tay:
- Thôi đi! Anh không biết là đường này không thể kéo rơ-moóc được à? Không xong đâu.
Tôi thấy bẽ mặt như thể vừa tha thiết khẩn khoản điều gì mà bị cự tuyệt. Tôi nói:
- Hèn thế, đồ con lừa!
Tôi gọi người kia. Về sau tôi được biết đó là một người trạm trưởng trạm coi đường. Người trạm trưởng nhìn tôi một lát rồi nói với anh lái xe:
- Lấy dây cáp ra!
Anh lái xe ngần ngại:
- Đồng chí sẽ phải chịu trách nhiệm đấy, Baitemir-akê ạ.
- Tất cả chúng ta sẽ chịu! - người trạm trưởng đáp gọn.
Thái độ đó khiến tôi rất thích. Một người như vậy, thoạt mới gặp đã thấy kính nể ngay. Thế là chúng tôi móc hai xe vào nhau kéo đi. Lúc đầu khá êm thấm, mọi việc diễn ra một cách bình thường. Nhưng trên đèo Độ Long đường cứ luôn luôn lên dốc, ngược theo sườn núi, men theo vực thẳm, rồi lại lao thẳng xuống núi. Máy xe rền rĩ, gầm rú lên, nghe váng cả tai. Tôi nghĩ thầm: đừng hòng rên rỉ, tao sẽ bắt mày phải qua cho kỳ được! Từ trước tôi đã để ý thấy rằng dù đường đèo Độ Long có gian nan thật, nhưng bao giờ cũng còn thừa sức, có thể dành để kéo thêm rơ-moóc được. Anh em bao giờ cũng thận trọng bắt chúng tôi chở hơi nhẹ: nhiều nhất là bẩy mươi phần trăm trọng tải tiêu chuẩn. Dĩ nhiên lúc bấy giờ tôi không nghĩ đến chuyện ấy. Trong người tôi sôi sục lên một sức mạnh man dại tương tự như cái máu mê của người chơi thể thao; phải làm cho kì được, sống chết cũng phải giúp hai người kia, kéo chiếc xe đến tận nơi. Nhưng đến khi làm mới biết là việc ấy không đơn giản. Chiếc xe tôi lại cứ rung chuyển lên, thở ì ạch như một con vật kiệt sức, một cái gì ươn ướt cứ dính lầy nhầy ở cửa kính, hai cái que gạt đưa lia lịa mà cũng không lau kịp nữa. Mây đen ở đâu ùn ùn kéo đến, đọng ở dưới bánh xe, bò ngang đường. Những chỗ ngoặt thì góc nhọn hoắt, cheo leo trên vực. Trong thâm tâm, của đáng tội, tôi đã bắt đầu tự sỉ vả: tại sao lại đi chuốc lấy vạ, nhỡ toi mất hai mạng người kia thì sao? Chiếc xe ì ạch khổ sở là thế, nhưng so với tôi chẳng thấm gì. Tôi đã cởi bỏ hết: mũ lông, áo bông, áo vét, áo len, chỉ còn mặc mỗi chiếc áo sơ-mi, thế mà người tôi cứ bốc hơi lên như ngồi trong phòng tắm. Kéo một chiếc xe tải đã nặng sẵn như thế, lại còn chở đồ nữa, có phải chuyện đùa đâu. Cũng còn may mà Baitemir đứng ở bậc xe giúp chúng tôi phối hợp cách lái, với tôi thì nói, còn với người lái xe sau thì vẫy tay ra hiệu. Khi chúng tôi bắt đầu leo những đoạn ngoằn ngoèo chữ chi, tôi đã nghĩ anh ta sẽ không nén nổi mà bỏ xe nhảy xuống đường để thoát thân. Nhưng anh vẫn không sờn lòng. Người cúi chồm chỗm như một con đại bàng đang lấy đà để cất cánh, Baitemir đứng bám chặt lấy cửa buồng lái. Tôi liếc nhìn khuôn mặt anh, khuôn mặt điềm tĩnh, nét gãy gọn như khắc vào đá, có những giọt nước lăn trên má, trên bộ ria, và thấy lòng nhẹ bớt.
Chúng tôi còn phải leo một cái dốc dài nữa, qua được dốc này là xong, là thắng lợi. Vừa lúc ấy Baitemir cúi đầu vào buồng lái:
- Cẩn thận, có xe ở phía trước! Tránh sang phải tí nữa.
Tôi cho xe tránh sang phải. Từ trên dốc một chiếc xe vận tải đang đi xuống, xe của Giantai! Tôi nghĩ bụng: thôi, chuyến này thế nào cũng bị đồng chí kỹ sư phụ trách an toàn lao động cự cho một mẻ ra trò; Giantai về nhà sẽ tha hồ mách lẻo. Xe Giantai mỗi lúc một đến gần. Hắn tì hai tay lên vôlăng cho xe xuống dốc, mắt nhìn gườm gườm. hai xe đi sát vào nhau, thò tay ra là chạm phải xe kia. Khi đi qua ngang tầm, Giantai né người ra cửa xe. Cái đầu đội mũ lông chồn màu hung lắc lắc ra vẻ bất bình. “Thôi kệ mày - tôi nghĩ bụng - muốn thì cứ về mà mách lẻo.”
Chúng tôi lên đến đỉnh dốc, xuống một đoạn thẳng đứng, rồi qua một quãng đường dốc thoai thoải và đến chỗ có đường rẽ vào trạm chữa đường. Tôi cho xe rẽ vào đấy. Thế là kéo qua được rồi! Tôi tắt máy và không còn nghe thấy gì nữa. Tôi có cảm giác như không phải tai mình váng đi, mà chính là núi đồi đã câm bặt. Không có lấy một tiếng động. Tôi tụt ra khỏi buồng lái, ngồi lên bậc xe. Tôi thở hổn hển như hết cả hơi, hơn nữa vì không khí trên đèo rất loãng. Baitemir chạy lại, choàng chiếc áo bông lên vai tôi, ấn chiếc mũ lông lên đầu tôi. Người lái xe kia loạng choạng rời xe bước tới, vẻ trầm lặng, mặt tái xanh. Anh ta ngồi xổm xuống trước mặt tôi, chìa ra bao thuốc lá. Tôi cầm lấy một điếu, tay run bần bật. Cả ba chúng tôi cùng châm thuốc hút, hoàn hồn lại. Cái sức mạnh man dại chết tiệt kia lại sôi sục lên trong người tôi.
- Ha! - tôi rống lên - Thấy chưa! - đoạn tôi vỗ đánh đét một cái lên vai anh bạn lái xe, mạnh đến nỗi anh chàng ngồi bệt luôn xuống đất. Rồi cả ba chúng tôi nhảy chồm lên và cứ thế huỵch vào lưng, vào vai nhau, cười ha hả, reo hô những câu vô nghĩa, vui mừng... Cuối cùng chúng tôi bình tâm lại, cùng châm điếu thuốc thứ hai. Tôi mặc áo, xem đồng hồ và sực nhớ ra:
- Thôi, tôi phải đi đây.
Baitemir cau mày:
- Không được, anh ghé vào nhà tí đã, anh sẽ là thượng khách.
Nhưng tôi không thể nán lại lấy một phút:
- Thôi cám ơn anh! - tôi nói - Tôi không có thì giờ. Muốn về nhà một tí, vợ tôi đang đợi.
- Ở lại một lát thì đã sao? Ta sẽ làm một chai! - anh bạn lái xe mới của tôi khẩn khoản.
- Thôi để cho cậu ấy về! - Baitemir ngắt lời - Chị ấy đang đợi. Cậu tên là gì nhỉ?
- Ilyax.
- Thế Ilyax đi nhé. Cám ơn. Cậu đã cứu giúp ta.
Baitemir đứng trên bậc xe tiễn tôi ra đến tận đường cái, lẳng lặng bắt tay rồi nhảy xuống. Trong khi xe lao lên đỉnh dốc, tôi ngoái cổ nhìn lại. Baitemir vẫn đứng trên đường cái, tay vò cái mũ lông, đầu cúi xuống như đang suy nghĩ điều gì. Chỉ có thế.
Tôi không kể chi tiết việc này cho Axen nghe. Tôi chỉ nói là dọc đường có việc phải giúp nên về muộn. Tôi thường không giấu vợ điều gì, nhưng riêng việc này tôi ngần ngại không dám kể. Cứ thế này Axen cũng đã lo lắng nhiều cho tôi rồi. Vả lại tôi tuyệt nhiên không có ý định tái diễn những trò như thế. Trong đời người chỉ xảy ra một lần thôi; tôi đã thi gan đọ sức vời đèo Độ Long thế là đủ rồi. Vả lại lẽ ra chỉ sau ngày hôm sau tôi đã quên khuấy việc này đi, nếu trên đường về tôi không lăn ra ốm. Té ra hôm ấy tôi đã bị cảm. Vừa lê về được đến nhà là tôi ngã lăn đùng ra. Tôi không biết gì nữa, lúc nào cũng chỉ mơ màng thấy mình đang kéo chiếc xe trên đèo Độ Long. Bão tuyết cứ táp vào mặt nóng bỏng, trong người hết sức khó chịu, như không có không khí mà thở nữa, vôlăng như làm bằng bông, ra sức lái mà nó cứ nhẽo nhèo ra trong tay. Phía trước mặt là một ngọn đèo cao ngất không thấy bờ, không thấy đỉnh ở đâu cả, chiếc xe ghếch mũi lên trời, gầm gừ leo lên, rồi lại lao thẳng xuống... Chắc hẳn đó là “ngọn đèo” của cơn bệch. ốm đến ngày thứ ba tôi mới qua được ngọn đèo ấy. Tôi bắt đầu bình phục. Tôi nằm hai ngày nữa, thấy trong người đã khoẻ khoắn, muốn dậy, nhưng Axen cứ một mực bắt tôi nằm xuống giường. Tôi nhìn nàng và nghĩ bụng: tôi ốm hay nàng ốm? Tôi không nhận ra nàng được nữa, nàng hốc hác hẳn đi, mắt có quầng thâm, người gầy xọp, tưởng chừng như gió thổi bay được. Lại thêm đứa con dại trên tay. Không được, tôi nghĩ bụng, thế này không xong. Tôi không có quyền nằm ườn ra thế này. Phải cho Axen nghỉ ngơi. Tôi rời giường đứng dậy mặc quần áo.
- Axen! - tôi gọi khẽ; thằng bé đang ngủ - Em nhờ bên hàng xóm trông hộ thằng Xamát, ta đi xem chiếu bóng.
Axen chạy đến cạnh giường, đẩy tôi ngã xuống gối, nhìn chăm chăm như thể trông thấy tôi lần đầu, cố nén khóc nhưng nước mắt cứ trào ra long lanh trên đôi hàng mi, môi run lẩy bẩy. Axen úp mặt vào ngực tôi và khóc oà lên.
- Em làm sao thế Axen? Làm sao thế? - tôi thảng thốt hỏi.
- Có sao đâu, em mừng vì anh đã khỏi.
- Thì anh cũng mừng, nhưng việc gì phải cuống lên thế? Ừ thì anh có ốm thật, nhưng lại được ở nhà với em, tha hồ chơi với thằng Xamát. - Bấy giờ cháu nó đã biết bò, đang chập chững tập đi; đúng vào cái tuổi ngộ nghĩnh nhất - Em ạ, giá có ai bắt ốm thêm một trận nữa anh cũng không phản đối! - tôi nói đùa.
- Anh chỉ nói bậy! Em không muốn thế! -Axen khẽ kêu lên.
Vừa lúc ấy thằng bé thức dậy. Axen bế nó ra, người nó nằm trong chăn hãy còn ấm. Ba chúng tôi nô đùa với nhau như hoá dại, thằng Xamát giống một chú gấu con bò khắp giường, dẫm cả lên chúng tôi.
- Đấy em xem, có vui không nào? - tôi nói - Còn em thì sao? Ít nữa ta sẽ về làng thăm hai ông bà cụ em. Hai ông bà thử không tha thứ xem. Các cụ mà trông thấy Xamát nhà ta kháu khỉnh thế này, các cụ sẽ quên hết.
Phải, chúng tôi vốn có ý định về làng xin lỗi cha mẹ nàng như người ta vẫn thường phải làm trong những trường hợp như thế này. Dĩ nhiên, cha mẹ nàng giận chúng tôi lắm. Họ lại còn nhờ một người cùng làng hay tới Narưn đánh tiếng là họ sẽ không đời nào tha thứ hành động của con gái. Họ bảo họ không thèm biết đến đời sống của chúng tôi. Nhưng Axen vẫn hy vọng mọi việc sẽ ổn thoả khi nào chúng tôi về làng xin cha mẹ tha thứ. Song trước hết phải xin nghỉ phép, chuẩn bị đi đường; thế nào cũng phải mua quà biếu khắp họ hàng. Về hai tay không thì tôi chẳng muốn.
Trong khi đó trời đã sang đông. Mùa đông vùng Thiên Sơn rất ác liệt, mưa tuyết, bão tuyết liên miên, trong núi lại hay có những trận tuyết lở. Dân lái xe chúng tôi thêm nhiều nỗi vất vả, mà anh em công nhân chữa đường lại càng gian truân hơn. Mấy hôm nay họ đang làm công tác chống sụt tuyết. Ở những nơi hiểm nghèo có thể xảy ra sụt tuyết, họ nổ mìn cho tuyết lở trước đi rồi dọn đường lại. Quả tình mùa đông năm ấy tương đối yên tĩnh, hay cũng có lẽ chỉ vì tôi không để ý thấy gì; nghề lái xe lúc nào cũng bận bịu. Và đến đây, trạm xe hơi đột nhiên nhận được nhiệm vụ mới ngoài kế hoạch. Nói cho đúng hơn, chính anh em lái xe chúng tôi tự nguyện nhận lấy nhiệm vụ đột xuất, và tôi là người đầu tiên xung phong nhận. Ngay đến bây giờ tôi cũng không ân hận, nhưng thật ra có lẽ chỉ vì việc này mà tôi phải chịu bao nhiêu chuyện không may. Số là thế này. Có một hôm vào buổi tối, tôi đang lái xe về trạm. Axen có gửi tôi đưa cho vợ Alibêk Gianturin một cái gói nhỏ. Tôi rẽ ngoặt ghé ngang nhà họ, bóp còi. Vợ Alibêk ra. Chị ấy cho tôi biết rằng anh em công nhân ở nhà máy điện Tân Cương có đánh điện sang trạm xe, yêu cầu chở ngay các bộ phận thiết bị nhà máy sang.
- Thế anh Alibêk đâu? - tôi hỏi.
- Còn ở đâu nữa? Ở ga dỡ hàng. Anh em đều ra đấy cả. Nghe nó đoàn xe lửa chở hàng đã đến.
Tôi ra đấy. Tôi nghĩ bụng phải biết cho rõ tình hình ra sao. Tôi đánh xe đến. Ga dỡ hàng của chúng tôi ở trong một hẽm nũi trông ra hồ. Đó là ga tận cùng của đường xe lửa. Chung quanh bóng hoàng hôn chập chờn, thảng thốt. Gió từ trong khe núi giật thốc ra từng cơn xô các ngọn đèn lắc lư trên cột, thổi tuyết bay lất phất trên đường sắt. Mấy cái đầu máy chạy tới chạy lui để dồn toa. Trên dải đường sắt ngoài cùng, một chiếc cần trục đang quay, bốc từ các toa xuống những cái thùng gỗ chằng tôn và dây thép: hàng xuất biên sang Tân Cương, dành cho nhà máy điện. Công cuộc xây dựng bên ấy đang tiến hành trên một quy mô lớn, ít lâu nay chúng tôi cũng đã chở thiết bị sang được ít nhiều. Xe vận tải tập trung lại rất đông, nhưng chưa có ai bốc hàng cả. Người ta có vẻ như đang chờ đợi một cái gì. Anh em người thì ngồi trong buồng lái, người ngồi trên bậc xe, người thì lại đứng tựa vào các thùng gỗ cho khuất gió. Tôi chào hỏi, thì chỉ được đáp lại những tiếng ậm ừ lơ đãng. Ai nấy đều im lặng rít thuốc lá. Alibêk đứng riêng ra một nơi. Tôi đến gặp anh.
- Có chuyện gì thế? Vừa nhận được điện à?
- Phải. Anh em bên ấy muốn cho nhà máy bắt đầu vận hành trước thời hạn.
- Thế thì sao?
- Việc ấy còn tuỳ chúng mình có làm được không... Cậu cứ xem biết bao nhiêu hàng để ngổn ngang dọc các đường sắt, lại còn một số nữa sắp đến. Liệu đến bao giờ mới chở hết được? Trong khi đó anh em họ chờ đợi, họ trông mong vào mình!... Mỗi ngày đối với họ đều rất quý!
- Sao cậu lại gắt mình! Mình có dính dáng gì...
- Không dính dáng là thế nào! Cậu là cái gì, người ngoại quốc chắc? Hay cậu không hiểu đây là việc gì?
- Cậu này lạ thật! - tôi ngạc nhiên nói và bỏ đi chỗ khác.
Vừa lúc ấy đồng chí Amangiôlôv, trưởng trạm xe, lặng lẽ đến cạnh một người lái xe, lấy vạt áo che đầu để châm thuốc lá hút. Đồng chí nhìn cả bọn chúng tôi một lượt.
- Tình hình như thế đấy các đồng chí ạ - Amangiôlôv nói - ta sẽ điện lên Bộ, có lẽ trên ấy sẽ bổ sung lực lượng cho ta. Nhưng không nên ỷ vào đấy. Làm cách nào thì hiện nay chính tôi cũng không biết...
- Phải, nhưng trường hợp này nghĩ ra không phải dễ, đồng chí Amangiôlôv ạ - một người lên tiếng - Hàng thì cồng kềnh, mỗi xe chở được hai, ba thùng là nhiều. Dù có tổ chức chuyển tải liên tiếp suốt hai mươi bốn giờ thì nhờ trời cũng phải sang đến mùa xuân mới hết.
- Vấn đề chính là ở chỗ ấy đấy - Amangiôlôv đáp - mà phải làm cho được. Thôi bây giờ hẵng về nhà đã, mọi người cứ cố nghĩ cách đi!
Đồng chí thủ trưởng lên chiếc xe Gat nhỏ ra về. Anh em lái xe không ai nhúc nhích.
Trong một xó tối, có một giọng ồ ồ nói bâng quơ:
- Mẹ kiếp! một tấm da cừu mà cứ đòi cắt cho được hai áo! Phải nghĩ cho sớm chứ! - người ngồi trong xó nói dứt lời đứng dậy tắt mẩu thuốc lá và ra xe. Một người khác hưởng ứng - Ta thì bao giờ cũng thế, cứ để nước đến chân rồi mới cuống lên - các đồng chí lái xe ơi, giúp cho với!
Xung quanh ồ lên một lượt:
- Việc này là việc của anh em, Ixmain ạ, thế mà mày cứ kêu ầm lên như một mụ đàn bà ở ngoài chợ ấy!
Tôi không tham dự vào cuộc tranh luận. Nhưng tôi bỗng sực nhớ đến hôm tôi kéo chiếc xe trên đèo, và chợt hăng tiết lên như mọi khi. Tôi nhảy ra giữa đám công nhân.
- Còn nghĩ gì nữa? Phải móc rơ-moóc vào mà kéo!
Không ai nhúc nhích. Có nhiều người thậm chí cũng không thèm nhìn tôi nữa. Chỉ có một thằng ngốc thâm căn cố đế mới có thể xì ra một ý kiến khó nghe như vậy.
Giantai khẽ huýt sáo lên một tiếng:
- Hay đấy nhỉ! - tôi không trông thấy hắn, nhưng nhận ra giọng nói của hắn.
Tôi đứng nhìn quanh, những toan kể lại việc dạo nọ, thì một anh chàng khoẻ như vâm từ phía sau một thùng hàng bước ra, cởi bao tay trao cho người đứng cạnh, đến trước mặt tôi nắm lấy cổ áo kéo sát tôi vào người, gần chạm mặt nhau:
- Nào, thở ra xem nào!
- Hà-à! - tôi thở vào mặt hắn.
- Hắn tỉnh anh em ạ! - anh chàng to lớn kinh ngạc buông cổ áo tôi ra.
- Thế thì hắn là một thằng ngốc! - bạn tay kia đỡ lời, và cả hai ra xe mở máy đi mất. Những người còn lại cũng lặng lẽ đứng dậy sửa soạn ra về. Tôi chưa bao giờ phải biến thành một trò cười như vậy! Tôi đỏ bừng mặt lên vì nhục.
- Khoan đã, đi đâu thế! - tôi chạy giữa đám công nhân lái xe - Tôi nói thật đấy. Có thể mắc rơ-moóc...
Một bác lái xe già, một ăcxakan, bước lại gần tôi, vẻ tức giận:
- Khi tôi bắt đầu lái xe ở đây, thì anh còn ở truồng tồng ngồng chạy chơi giữa đường ấy, anh bạn trẻ ạ. Thiên Sơn không phải là cái sân khiêu vũ. Tôi thấy thương hại cho anh lắm, đừng làm trò cười cho thiên hạ...
Anh em vừa cười vừa tản về các xe. Tôi liền quát vang cả nhà ga:
- Toàn là công tử bột, chứ lái xe gì cái thứ ấy!
Tôi đã nói bừa, chỉ tổ chuốc vạ vào thân.
Mọi người đứng phắt dậy, rồi xông vào tôi cả một lượt:
- Mày nói gì! Mày muốn thí mạng kẻ khác phỏng!
- Ra điều phát huy sáng kiến đấy! Muốn kiếm món tiền thưởng mà! - Giantai đệm theo.
Họ thi nhau mắng nhiếc, dồn sát tôi vào đống thùng. Tôi nghĩ bụng không khéo họ giã tôi chết mất. Tôi liền vớ lấy một tấm ván.
Bỗng có tiếng còi, rồi có ai xô đám đông ra.
- Xê ra nào! - đó là Alibêk, anh quát - Khẽ chứ! Còn cậu, Ilyax, ăn nói cho tử tế một tí! Nói nhanh lên!
- Nói gì nữa! - tôi vừa thở hổn hển vừa đáp - Các cậu ấy giật đứt hết cúc áo của tôi rồi còn gì. Trên đèo tôi đã có lần kéo một chiêc xe đến trạm coi đường. Kéo một cái xe chở nặng hẳn hoi. Chỉ có thế.
Anh em im lặng, ngờ vực.
- Thế sao, có kéo qua được không? - có ai hỏi, giọng nghi hoặc.
- Có chứ. Qua hết đèo Độ Long, đến tận trạm coi đường.
- Ghê thật! - có ai tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Chỉ nói phét! - một người khác bẻ lại.
- Có chó nó thèm nói phét. Chính Giantai có trông thấy. Ê, Giantai, mày ở đâu rồi? Nói đi nào! Mày nhớ đấy, chúng ta gặp nhau ở...
Nhưng không thấy Giantai thưa. Như thể hắn đã độn thổ đi đâu mất. Nhưng lúc bấy giờ chẳng ai nghĩ đến hắn. Anh em bắt đầu bàn cãi. Có mấy người đã đứng về phía tôi. Nhưng một người thiếu tin tưởng làm họ thay đổi ý kiến ngay.
Hắn nói, giọng bi quan:
- Việc gì cứ đi tán nhảm mất thì giờ. Thiếu gì trường hợp như thế: có người làm được một lần, nhưng như thế chưa có nghĩa gì hết. Chúng ta không phải là trẻ con. Trên đường này cấm không được kéo rơ-moóc. Và không ai cho phép làm như vậy đâu. Cứ thử nói với đồng chí kỹ sư phụ trách an toàn lao động mà xem, lại không được một mẻ chừa đến già ấy à! Đồng chí ấy chả dại gì nghe các bố để rồi ra toà đâu... Đấy chỉ có thế.
- Thôi đi ông! - một người khác xen vào - không cho phép là thế nào! Đây có bác Ivan Xtêpanôvits năm ba mươi đã lái chiếc xe tấn rưỡi mở đường lên đèo lần đầu tiên đấy. Có ai cho phép bác ấy đâu? Tự bác ấy đi. Đây, bác vẫn còn sống sờ sờ ra đấy thôi...
- Phải, quả có thế - bác Ivan Xtêpanôvits xác nhận - Nhưng tôi ngờ lắm; đường này ngày mùa hạ cũng chẳng ai dám kéo rơ-moóc, huống hồ bây giờ đang mùa đông...
Alibêk, nãy giờ vẫn lặng thinh, lên tiếng:
- Thôi đừng bàn cãi nữa. Việc này dù khác thường cũng cứ nên suy nghĩ xem sao. Có điều là không thể làm như cậu được đâu, Ilyax ạ, cứ thế lắp rơ-moóc vào rồi hấp, đi luôn! Phải chuẩn bị, suy nghĩ cho chín, bàn bạc, thí nghiệm xe đã. Chỉ nói suông thì không chứng minh được cái gì hết.
- Tôi chứng minh cho mà xem! - tôi đáp - Trong khi các anh ngồi nghĩ hết nước hết cái, tôi sẽ chứng minh! Đến lúc ấy các anh sẽ thấy rõ!
Mỗi người một tính. Dĩ nhiên phải biết điều khiển cá tính, nhưng không phải lúc nào cũng điều khiển được. Tôi ngồi vặn lái mà không cảm thấy mình đang ngồi trên xe, đi trên đường nữa. Lòng tôi sôi sục lên vì đau xót, giận hờn và đắng cay, uất ức. Lòng tự ái bị xúc phạm mỗi lúc một thêm cay cú. Được, tôi sẽ làm cho các anh sáng mắt ra, cho các anh bỏ cái thói không tin người, chế nhạo người ta, cho các anh chừa cái lối rụt rè e ngại!... Alibêk cũng hay lắm đấy cần suy nghĩ, chuẩn bị, thí nghiệm! Cậu ấy thông minh, chín chắn! Nhưng tôi thì tôi nhổ toẹt vào. Tôi cứ làm phăng cho họ biết tay! Cho xe vào gara xong, tôi còn loay hoay hồi lâu ở bên cạnh. Tâm trí tôi căng thẳng đến cực độ. Tôi chỉ nghĩ đến một điều: phải kéo rơ-moóc qua đèo Độ Long. Dù có thế nào cũng mặc, tôi phải làm cho bằng được. Nhưng liệu có ai cho tôi rơ-moóc? Tôi đi đi lại lại trong sân nghĩ mãi những chuyện ấy. Bây giờ đã khuya. Duy ở phòng điều vận là còn thấy ánh đèn ở cửa sổ. Tôi dừng lại: phải rồi! Người phụ trách điều vận có thể dàn xếp xong xuôi hết! Hôm nay hình như Kađitsa trực nhật. Càng tốt, Kađitsa sẽ không từ chối. Mà xét ra có phải tôi định làm việc gì tội lỗi đâu, ngược lại, nếu cô ấy chỉ giúp tôi làm một việc có ích, cần thiết cho mọi người.
Trong khi bước về phía phòng điều vận tôi chợt nghĩ rằng đã lâu tôi không vào cửa phòng như hồi trước, mà chỉ đứng ở ghisê. Tôi ngần ngại. Cánh cửa mở ra. Kađitsa đứng trên ngưỡng cửa.
- Tôi đến gặp cô đây, Kađitsa ạ. May mà cô chưa về.
- Tôi đang sắp sửa về đây.
- Thế thì cùng đi, tôi đưa cô về nhà.
Kađitsa ngạc nhiên giương cao đôi mày lên, nhìn tôi có vẻ nghi hoặc, rồi mỉm cười:
- Ta đi thôi.
Chúng tôi ra khỏi trạm xe. Ngoài đường tối mù mịt. Từ phía hồ vẳng lại tiếng sóng vỗ, gió lạnh thổi vù vù. Kađitsa nắm lấy khuỷu tay tôi, nép người vào tôi cho khuất gió.
- Lạnh à? - tôi hỏi.
- Gần anh thì chẳng sợ chết cóng! - cô ta đùa lại.
Mới phút trước tôi còn lo lắng cuống cuồng lên, mà bây giờ không hiểu sao đã thấy yên lòng.
- Mai cô trực nhật vào lúc nào, Kađitsa?
- Phiên thứ hai. Thế sao?
- Tôi có một việc rất cần. Thành hay bại là tuỳ cô cả đấy...
Lúc đấy Kađitsa chối quầy quậy, nhưng tôi cứ một mực thuyết phục. Chúng tôi dừng chân cạnh một cột đèn ở góc đường.
- Chao ôi, Ilyax! - Kađitsa lo sợ nhìn vào mắt tôi nói - Sao anh lại đi bày chuyện ra như thế cho khổ!
Nhưng tôi hiểu rằng Kađitsa sẽ làm theo yêu cầu của tôi. Tôi cầm lấy tay cô ta:
- Kađitsa hãy tin tôi! Mọi việc sẽ đâu vào đấy cả. Sao, đồng ý chứ?
Kađitsa thở dài:
- Thôi, đối với anh thì còn biết làm thế nào nữa! - đoạn cô gật đầu.
Tôi bất giác ôm choàng lấy vai Kađitsa.
- Giá Kađitsa sinh ra làm một chàng gighit thì phải hơn. Thôi, đến mai nhé! - tôi siết chặt tay cô - Đến chiều cô nhớ chuẩn bị giấy tờ cho đủ nhé, hiểu chưa?
- Khoan đã! - Kađitsa thốt lên, không buông tay tôi ra. Rồi cô bỗng quay phắt đi - Thôi anh đi đi... Hôm nay anh ngủ ở nhà tập thể à?
- Ừ!
- Ngủ ngon nhé!
Hôm sau ở trạm chúng tôi kiểm tra kỹ thuật. Anh em đều lo lắng bứt rứt: mấy ông thanh tra ấy lúc nào cũng đến bất chợt, động tí gì cũng moi móc, cũng lập biên bản. Họ gây ra bao nhiêu chuyện rầy rà, phiền phức. Nhưng các ông tướng ấy thì cứ lạnh như tiền. Về phần xe tôi thì tôi yên trí lắm, nhưng tôi cứ đứng xa xa làm ra vẻ như đang bận chữa. Phải trì hoãn cho đến phiên Kađitsa trực nhật. Không ai bắt chuyện với tôi, không ai nhắc nhở đến việc hôm qua. Tôi biết các cậu ấy chẳng hơi đâu mà nghĩ đến tôi: ai nấy đều cố sao qua cuộc kiểm tra kỹ thuật cho nhanh để lên đường cướp lại thời gian đã mất. Tuy vậy nỗi uất ức trong lòng tôi vẫn không nguôi.
Quá trưa mới đến lượt tôi kiểm tra kỹ thuật. Các cán bộ kiêm tra đã ra về. Trong trạm bây giờ im lặng và vắng hẳn đi. Ở cuối sân có mấy cái rơ-moóc để giữa trời. Thỉnh thoảng nó vẫn được dùng khi đi đường đồng bằng, những chuyến vận tải nội địa. Tôi chọn lấy một chiếc kiểu thông thường: một thùng bốn bánh. Bao nhiêu mưu mẹo chung quy chỉ có thế... Có gì đâu mà phải vật vã khổ sở mãi... Lúc ấy tôi chưa biết những gì đang chờ tôi. Tôi bình thản trở về nhà tập thể để ăn cho chắc bụng và ngủ lấy một tiếng đồng hồ cho khoẻ: đường đi sẽ khó khăn. Nhưng tôi cứ trằn trọc mãi không chợp mắt được. Khi trời bắt đầu sẩm tối, tôi trở về trạm xe.
Kađitsa đã ở đấy. Mọi thứ đều chuẩn bị xong xuôi. Tôi cầm lấy công lệnh và bước vội ra gara. “Bây giờ bọn mày phải coi chừng!” Tôi mở máy, đánh xe đến chỗ xếp rơ-moóc, cho về số một, bước ra ngoài đưa mắt nhìn quanh. Không có lấy một bóng người. Chỉ nghe tiếng máy tiện chạy rè rè trong xưởng sửa chữa và tiếng sóng dào dạt ở ngoài hồ. Trời có vẻ quang quang, nhưng vẫn không trông thấy sao. Bên cạnh, máy kêu xình xịch khe khẽ, trống ngực tôi hình như cũng hoà theo. Tôi châm thuốc hút nhưng rồi lại vứt ngay; sau hẵng hút.
Ra đến cửa bác thường trực chặn tôi lại.
- Đứng lại, đi đâu?
- Đi bốc hàng, ăkxakan ạ - tôi nói, cố làm ra vẻ thản nhiên - Giấy ra cửa đây.
Ông già chúi đầu vào tờ giấy dưới ánh đèn lồng ông ta chẳng mò ra được chữ gì.
- Nhanh lên không muộn mất, ăkxakan ạ! - tôi sốt ruột quá, giục - Công việc không trì hoãn được đâu.
Việc bốc hàng diễn ra một cách bình thường. Xe chở đến mức tối đa: hai kiện trên thùng xe, hai kiện trên rơ-moóc. Chẳng ai nói gì hết - tôi cũng lấy làm lạ. Xe ra đến đường cái rồi tôi mới châm thuốc hút. Tôi ngồi lại cho thoải mái, bật đèn pha lên và thả hết ga. Bóng tối trên đường nghiêng ngả, chập chờn trước mặt tôi. Đường quang, không có gì ngăn trở tôi dận hết tốc lực. Xe chạy bon bon, cái rơ-moóc lịch kịch ở phía sau hầu như không có ảnh hưởng gì. Quả tình ở những chỗ ngoặt, xe hơi láng sang một bên, trả lại có khó hơn nhưng tôi nghĩ đó là vì lâu nay không kéo rơ-moóc; rồi sẽ quen dần thôi. “Nào, tiến lên Độ Long, tiến về Tân Cương!” - tôi tự ra lệnh và cúi lom khom trên tay lái như một kỵ sĩ cúi mình trên bờm ngựa. Trong khi đường còn bằng phẳng phải chạy dấn vào. Tôi trù tính đến nửa đêm sẽ bắt đầu tiến lên chiếm lĩnh Độ Long.
Tôi đã chạy nhanh hơn cả dự tính ít nhiều, nhưng khi bắt đầu vào núi đành phải lái thận trọng hơn. Không phải vì máy không đương nổi sức chở nặng. Những khi lên dốc không khó mấy, xuống dốc mới gay. Cái rơ-moóc cứ chồm chồm trên sườn dốc, kêu ầm ầm, thúc vào chiếc xe, không cho xuống dốc một cách êm thấm; phút phút lại phải sang số, hãm phanh, trả vôlăng. Lúc đầu tôi giữ vững tinh thần, cố không lưu ý tới. Nhưng càng đi lại càng khó, rốt cục tôi bắt đầu hoang mang, cáu kỉnh. Trên đường đi bao nhiêu là dốc lên, dốc xuống, chưa hề có ai nghĩ đến chuyện đếm thử! Nhưng tôi vẫn không nản lòng. Chưa có gì đáng cho tôi phải sợ cả, nhưng sức tôi cứ kiệt dần. “Không sao! - tôi tự an ủi - trước khi lên đèo ta sẽ nghỉ một lát. Nhất định sẽ qua được!” Tôi không hiểu tại sao lần này lại vất vả hơn nhiều so với dạo mùa thu, hôm tôi kéo chiếc xe kia. Đã sắp lên đến đèo Độ Long. hai luồng ánh sáng của đèn pha lướt trên những vách đá đồ sộ của hẽm núi đen ngòm. Những tảng đá khổng lồ đầu phủ tuyết cheo leo ở trên đường đi. Những bóng tuyết lớn chập chờn trước cửa kính. “Hẳn là gió từ trên đèo thổi xuống” - tôi thầm nghĩ. Nhưng các bông tuyết bắt đầu bám vào cửa kính và từ từ tụt xuống; thế tức là trời đang mưa tuyết. Tuyết không dày lắm nhưng ẩm ướt. “Chỉ còn thiếu có thế nữa thôi!...” - tôi càu nhàu qua kẽ răng. Tôi cho que gạt kính chạy. Đã lên đến những đoạn đường dốc đứng của đèo Độ Long. Máy xe bắt đầu điệu hát quen thuốc. Tiếng ro ro đều đều, nhức tai bò dọc đường cái tối tăm. Cuối cùng xe đã lên đến đỉnh dốc. Bây giờ trước mắt còn cả một con đường xuống dốc dài. Máy nấc lên từng đợt. Xe bắt đầu lao xuống. Nó lập tức trùng triềng từ bên này sang bên nọ. Sau lưng, tôi cảm thấy cái rơ-moóc giở chứng lồng lộn lên, thúc vào xe, tôi nghe tiếng xủng xoảng, tiếng sắt nghiến ken két ở chỗ nối rơ-moóc. Cái tiếng ken két ấy như cứa sâu vào lưng tôi, khiến hai bả vai tôi nhức buốt ê ẩm. Bánh xe không chịu ăn phanh nữa, cứ trượt trên lớp tuyết ướt át phủ trên đường. Xe cứ chuỗi xuống, cả cái khối nặng rung chuyển nhảy lên chồm chồm, giật vôlăng ra khỏi tay tôi và toài ra nằm chéo giữa đường. Tôi lái trả lại và dừng xe. Không thể đi được nữa, tôi kiệt sức rồi. Tôi tắt đèn, khoá máy lại. Hai tay tê dại hẳn đi, cứ như tay gỗ. Tôi ngả người vào lưng tựa và nghe thấy tiếng thở khò khò của mình. Tôi ngồi như thế mấy phút cho lại sức, châm thuốc hút. Xung quanh bóng tối dày đặc, im lặng một cách hoang dã. Chỉ có tiếng gió thổi hun hút qua các khe hở của buồng lái. Tôi không dám hình dung đoạn đường phía trước. Từ đây trở đi là những đoạn dốc chữ chi cheo leo trên vực thẳm. Leo những đoạn dốc ngoằn ngoèo vô tận ấy thật là một cực hình cho xe và cho hai bàn tay. Nhưng không thể do dự được nữa, tuyết đang xuống mỗi lúc một dày đặc.
Tôi mở máy. Chiếc xe gầm gừ nặng nề leo lên dốc. Tôi nghiến răng lái một thôi không nghỉ qua các đoạn dường chữ chi, hết đoạn này đến đoạn khác. Đoạn đường chữ chi đã hết. Bây giờ là một đoạn xuống dốc thẳng đứng, rồi đến con đường bằng phẳng, xuống thoai thoải dẫn đến tận chỗ rẽ vào trạm coi đường và sau đó là đỉnh đèo. Tôi khó nhọc lái xuống. Trên con đường thẳng kéo dài khoảng bốn cây số, tôi cho xe lao vun vút và luôn đà phóng lên dốc. Xe leo lên, leo lên nữa... Nhưng chẳng mấy chốc đã hết đà. Xe bắt đầu giảm tốc độ một cách đáng sợ, tôi chuyển sang số hai, rồi số một. Tôi tựa hẳn vào lưng ghế, xiết chặt vôlăng. Qua một khoảng hở giữa các đám mây, mấy ngôi sao lấp lánh chiếu vào mắt - xe đứng yên không chịu nhích tới nữa. Bánh xe bắt đầu quay không, dạt sang một bên. Tôi dận hết ga.
- Nào, cố lên! Tí nữa thôi! Cố lên - tôi quát, giọng lạc hẳn đi.
Tiếng máy rên rỉ kéo dài chuyển thành một tiếng sắt rung lanh lảnh, rú lên, rồi tắt hẳn.
Chiếc xe từ từ tụt xuống. Hãm mấy cũng không ăn thua nữa. Dưới sức nặng của chiếc rơmoóc, xe lăn xuống dốc, rồi húc vào đá đứng phắt lại. Xung quanh im phăng phắc. Tôi đẩy cửa xe nhìn ra ngoài. Tôi đoán không sai! Thật đến khổ! Chiếc rơ-moóc đã tụt xuống hố. Bây giờ không có sức mạnh nào có thể lôi nó lên được. Trong cơn hoảng hốt, tôi lại mở máy dấn về phía trước. Bốn bánh xe quay tít, chiếc xe cố sức lên gân, rướn thẳng tới, nhưng không hề nhích lên được chút nào. Tôi nhảy xuống đất chạy đến cạnh rơ-moóc. Bánh nó đã lún sâu xuống hố. Làm thế nào bây giờ? Không suy nghĩ gì hết, như điên như dại, tôi xông vào chiếc rơ-moóc, bắt đầu dùng hai tay và tì cả người vào đẩy. Rồi tôi ghé vai xuống dưới thùng rơ-moóc, gầm lên như con thú dữ, hì hục lên gân đến nỗi đầu buốt như kim châm, cố sức đẩy rơ-moóc lên đường cái, nhưng đẩy làm sao được! Kiệt sức, tôi ngã sấp mặt xuống đất, hai tay cào lớp tuyết lẫn bùn, và khóc lên vì uất ức. Một lát sau tôi đứng dậy, lảo đảo đến ngồi ở bậc xe.
Từ xa vọng lại tiếng động cơ. Hai đốm sáng đang lướt xuống dốc, đi về phía đoạn đường thoai thoải. Tôi không biết người lái xe ấy là ai, tại sao, số phận dun dủi đi đâu mà lại qua đèo vào lúc đêm hôm khuya khoắt như thế, nhưng tôi hoảng lên như thể hai ngọn đèn ấy sắp đang đuổi theo tôi, sắp bắt lấy tôi. Như một thằng kẻ trộm, tôi chạy đến tháo xích móc vứt xuống đất nhảy lên buồng lái và cho xe phóng lên dốc, bỏ chiếc rơ-moóc lại trong hố. Một nỗi sợ hãi vô lý, rùng rợn đang truy bức tôi. Tôi cứ có cảm giác như chiếc rơ-moóc đang đuổi tôi sát gót, sắp kịp đến nơi. Tôi phóng nhanh chưa từng thấy, và sở dĩ không lao xuống vực có lẽ cũng chỉ vì tôi đã thuộc làu đường này. Gần tảng sáng tôi về đến trạm chuyển tải. Không còn hay biết gì nữa, như một thằng điên, tôi nện cả hai quả đấm lên cửa. Cửa mở, không nhìn Axen, tôi vào nhà, bùn lấm bê bết từ đầu đến chân. Thở hổn hển, tôi ngồi lên một cái gì ươn ướt. Đó là một đống quần áo đã giặt để trên chiếc ghế đẩu. Tôi lục tìm túi thuốc lá. Tay tôi chạm phải chùm chìa khoá xe. Tôi dang tay vứt mạnh sang một bên, gục đầu xuống và ngồi thừ ra, kiệt sức, bẩn thỉu, ngây dại. Đôi chân không của Axen dẫm dẫm bên cạnh bàn. Nhưng tôi biết nói gì với Axen bây giờ? Axen nhặt chùm chìa khoá vứt giữa đất để lên bàn.
- Em lấy nước anh rửa nhé? Nước em hâm từ chập tối - Axen nói khẽ.
Tôi từ từ ngẩng đầu lên. Axen, người rét cóng, đang đứng trước mặt tôi, mình mặc mỗi chiếc áo sơmi, hai cánh tay mảnh dẻ áp trước ngực. Đôi mắt nàng hốt hoảng nhìn tôi, lo lắng và ái ngại.
- Rơ-moóc bị sụp ở trên đèo rồi - tôi nói, giọng thẫn thờ, không biểu lộ một cảm xúc gì cả.
- Rơ-moóc nào? - Axen không hiểu.
- Chiếc bằng sắt sơn xanh, chiếc số 02-38 ấy! Rơ-moóc nào mà chả thế! - tôi gắt gỏng quát lên - Anh lấy trộm rơ-moóc em hiểu chưa? Anh lấy trộm.
Axen khẽ kêu lên một tiếng, ngồi xuống mép giường hỏi:
- Nhưng để làm gì?
- Sao, để làm gì à? - tôi nổi cáu lên vì óc chậm hiểu của vợ - Anh muốn kéo rơ-moóc qua đèo! Rõ chưa? Anh định chứng minh ý kiến của anh là đúng... Thế rồi anh đã thất bại!... Tôi lại úp mặt vào lòng bàn tay. Cả hai chúng tôi im lặng một lát. Axen bỗng quả quyết đứng dậy mặc áo.
- Anh còn ngồi đấy làm gì? - nàng hỏi, giọng nghiêm nghị.
- Thế biết làm gì bây giờ? - tôi lẩm bẩm.
- Quay về trạm xe.
- Sao! Không có rơ-moóc ấy à?
- Về đấy anh sẽ nói hết.
- Em nói gì lạ thế! - tôi phát khùng lên, loạng choạng chạy khắp phòng - Mặt mũi nào mà lôi rơ-moóc về đây? Ấy, xin lỗi các đồng chí, tôi trót sai lầm, xin các đồng chí tha thứ cho! Bò lê bò la theo họ mà van xin ư? Không đời nào! Họ muốn làm gì thì làm. Nhổ toẹt vào!
Tôi quát to quá làm thằng bé thức giấc. Nó khóc thét lên. Axen bế nó lên, nó lại càng khóc to hơn.
- Anh hèn quá! - nàng bỗng nói, giọng khẽ nhưng rắn rỏi.
- Sa-a-ao? - tôi điên tiết xông lại, vung quả đấm lên, nhưng không dám đánh. Đôi mắt nàng mở to vì kinh ngạc đã chặn tay tôi lại. Trong đôi con ngươi của Axen tôi đã trông thấy khuôn mặt dúm dó, khủng khiếp của tôi.
Tôi phũ phàng gạt Axen ra một bên, bước ra khỏi nhà và đóng cửa đánh sầm một tiếng. Ngoài trời đã sáng hẳn. Dưới ánh sáng ban ngày tôi càng thấy những sự việc xảy ra hôm qua sao mà đen tối, xấu xa, không phương cứu vãn. Hiện nay chỉ có một lối thoát: ít nhất cũng đem đến tận nơi chỗ hàng chở trên xe. Còn sau đó sẽ làm gì nữa thì tôi không biết... Trên đường về tôi không ghé qua nhà. Không phải vì tôi đã xích mích với Axen, mà vì tôi không muốn giơ mặt ra cho ai thấy hết, tôi không muốn gặp ai hết. Tôi không biết người khác thì thế nào, nhưng riêng tôi thì trong những trường hợp như thế thà cô độc một mình còn hơn. Tôi không muốn bày ra cho người khác thấy nỗi buồn của mình. Ai người ta cần biết đến nó? Có giỏi thì hãy chịu đựng đến cùng cho mọi sự tiêu tan hết... Tôi nghỉ đêm ở dọc đường, trong quán trọ. Tôi nằm mơ thấy mình đi tìm chiếc rơ-moóc ở trên đèo. Không phải là một giấc mơ thường, mà là một cơn ác mộng. Tôi trông thấy vết bánh xe, nhưng rơ-moóc thì chẳng còn tăm hơi. Tôi vật vã tự hỏi nó biến đi đằng nào, ai kéo nó đi?...
Quả nhiên trên đường về tôi không trông thấy chiếc rơ-moóc ở cái chỗ oan nghiệt ấy nữa.
Sau này tôi mới biết Alibêk đã kéo nó về trạm xe.
Sáng hôm sau tôi cũng về trạm. Mấy ngày qua da tôi đen sạm đi; nhìn vào chiếc gương ở trước buồng lái mà không nhận ra mặt mình nữa.
Ở trạm xe cũng như mọi khi, cuộc sống bình thường vẫn trôi qua. Chỉ có mình tôi, như một người ở đâu mới đến, ngần ngừ cho xe chạy vào cổng, lặng lẽ lái vào sân, dừng lại cách gara một quãng xa, trong một góc sân. Mọi người ngừng việc ngẩng lên nhìn tôi. Chao ôi, tôi chỉ muốn mở máy cho xe quay lại chạy biến đi đâu thì chạy. Nhưng không còn biết rúc vào đâu nữa, đành phải bước xuống. Tôi cố thu hết nghị lực đi qua sân đến phòng điều vận. Tôi cố làm ra vẻ điềm tĩnh, nhưng thật ra tôi bước như một quân nhân phạm tội ra trước hàng ngũ, tôi biết rằng mọi người đều hầm hầm nhìn theo tôi. Chẳng ai gọi tôi, chẳng ai thèm chào hỏi. Vả chăng giá ở địa vị họ, chắc chắn tôi cũng sẽ làm như thế. Tôi cấp chân ở ngưỡng cửa, và tim tôi như cũng giật thót lên: tôi đã quên mất Kađitsa, tôi đã báo hại cô.
Trong hành lang, tờ báo tường Tia chớp đập ngay vào mắt tôi. Một chữ “nhục” viết to tướng ở trên báo tường, phía dưới có vẽ một chiếc rơ-moóc bỏ chơ vơ giữa núi... Tôi quay đi. Mặt tôi nóng ran lên như vừa bị tát. Tôi vào phòng điều vận. Kađitsa đang nói chuyện qua điện thoại. Trông thấy tôi, cô ta bỏ ống nghe xuống.
- Đây! - tôi ném tờ công lệnh tai hại lên bàn.
Kađitsa ái ngại nhìn tôi. Tôi chỉ mong cô ta đừng bù lu bù loa lên. “Sau hãy hay, bây giờ khoan đã!” tôi nhẩm van xin Kađitsa. Và Kađitsa cũng hiểu ý, không nói gì hết. - Ầm ỹ lắm phải không? - tôi hỏi khẽ.
Kađitsa gật đầu.
- Không sao! - tôi nói qua kẽ răng, cố an ủi cô ta.
- Anh bị đình chỉ công tác rồi đấy - Kađitsa nói.
- Đình chỉ hẳn? - tôi mỉm một nụ cười mếu máo.
- Ở trên cũng định đình chỉ hẳn, cho về xưởng sửa chữa... Nhưng anh em đã xin hộ... Tạm thời anh bị đưa về đường nội địa. Anh đến gặp đồng chí trạm trưởng đi. Đồng chí ấy gọi đấy.
- Tôi không đến! Cứ để cho họ giải quyết, không cần có mặt tôi. Tôi sẽ chẳng tiếc nuối gì...
Tôi bỏ ra ngoài, cúi đầu bước dọc hành lang. Có ai đi ngược lại phía tôi. Tôi muốn lách sang một bên, nhưng Alibêk đã chặn ngang lối.
- Khoan đã, cậu đứng lại tôi bảo! - Alibêk dồn tôi vào góc tường. Mắt nhìn thẳng vào mắt tôi, anh nói, giọng thì thầm giận dữ rít lên - Sao, anh hùng nhỉ, chứng minh được rồi chứ? Chứng minh rằng cậu là đồ chó đẻ!
- Mình định làm cho hết sức - tôi lúng búng.
- Nói láo! Cậu muốn chơi trội. Cậu làm vì cá nhân cậu. Thế là hỏng hết cả việc chung. Bây giờ cứ thử đi mà thuyết là có thể kéo rơ-moóc qua đèo nữa đi! Đồ ngu! Đồ hám danh!
Có lẽ giá phải người khác thì nghe những lời này chắc phải nghĩ lại, nhưng bấy giờ tôi còn bụng dạ đâu nữa; tôi không hiểu gì hết, tôi chỉ thấy mỗi một nỗi uất ức riêng. Tôi mà là một kẻ hám danh, tôi mà lại muốn chơi trội, muốn đi tìm danh vọng? Không đúng chút nào!
- Cậu đi đi! - tôi gạt Alibêk ra - Không có cậu tớ cũng đã lợm mửa lên rồi.
Tôi bước ra thềm. Một luồng gió lạnh thấu xương quét tuyết bay lất phất trong sân. Mấy người đi ngang qua, im lặng liếc nhìn tôi. Biết làm gì bây giờ? Tôi đút hai bàn tay nắm chặt vào túi quần và đi ra cổng. Những vũng nước đóng băng kêu răng rắc ở dưới chân. Tôi dẫm phải một cái hộp đựng dầu nhờn cũ. Tôi lấy hết sức đá mạnh nó qua cổng ra đường và bước ra theo.
Suốt ngày hôm ấy tôi đi lang thang không chủ đích trên các đường phố của thị trấn, thơ thẩn, men theo bến thuyền vắng ngắt. Gió bão thổi trên hồ Ixứckun, mấy chiếc sàlan dập dờn dưới bến.
Rồi tôi bỗng bất chợt thấy mình ngồi trong một quán trà. Trên chiếc bàn đặt trước mặt tôi là chai nửa lít vốtca đã vơi và một đĩa đồ nhắm gì đấy. Choáng váng ngay từ cốc đầu, tôi thẫn thờ ngồi nhìn xuống chân.
- Sao lại rầu rĩ thế, chàng gighit? - bỗng bên cạnh tôi có ai nói to, giọng niềm nở hơi thoáng ý giễu cợt. Tôi khó nhọc ngẩng đầu lên: Kađitsa.
- Sao, không có bạn uống mất ngon phỏng? - nàng mỉm cười ngồi xuống một bên. Thế thì ta cùng uống nhé! Kađitsa rót rượu ra hai cốc, đẩy một cốc lại cho tôi.
- Cầm lấy! - cô ta nói và nháy mắt tinh nghịch, làm như thể chúng tôi đã đến đây cốt để ngồi chơi uống rượu.
- Cô vui cái nỗi gì thế? - tôi hỏi, có ý không bằng lòng.
- Thì việc gì mà buồn? Có anh, em chẳng sợ gì cả, Ilyax ạ! Thế mà em cứ tưởng anh vững hơn kia đấy. Thôi, chả việc gì mà sợ! - Kađitsa cười khe khẽ, kéo ghế lại gần, chạm cốc, âu yếm nhìn tôi với đôi mắt đen thẫm.
Chúng tôi uống cạn cốc. Tôi châm thuốc hút. Lòng thấy nguôi nguôi, và lần đầu tiên trong ngày hôm ấy, tôi mỉm cười.
- Cô khá lắm, Kađitsa ạ! - tôi nói đoạn siết chặt tay cô ta.
Sau đó chúng tôi ra phố. Trời đã tối. Một cơn gió cuồng dại từ ngoài hồ thổi vào làm rung chuyển cây cối và đung đưa những ngọn đèn treo ngoài đường. Mặt đất như đưa võng dưới chân. Kađitsa nắm tay tôi dắt đi, ân cần bẻ cổ áo lên cho tôi.
- Anh có lỗi với em, Kađitsa ạ! - tôi thốt lên, lòng chan chứa ân hận và biết ơn - Nhưng anh sẽ không để em bị rầy rà đâu... anh sẽ chịu lấy trách nhiệm...
- Quên chuyện ấy đi, anh yêu! - Kađitsa đáp - Anh chẳng chịu sống yên ổn gì cả, lúc nào cũng xông xáo, em cứ lo thay cho anh. Chính em trước kia cũng thế. Được đến đâu, hay đến đấy, chẳng bon chen với cuộc đời được đâu... Trêu ngươi số phận làm gì...
- Cũng tùy cách quan niệm! - tôi cãi, rồi ngẫm nghĩ một lát, tôi nói thêm - Mà có khi em nói đúng cũng nên...
Chúng tôi dừng lại trước căn nhà Kađitsa ở. Cô sống một mình từ lâu. Không biết vì sao cô đã ly dị với người chồng trước.
- Thôi, em đến nhà rồi - Kađitsa nói.
Tôi ngần ngừ không bước đi ngay. Đã có một cái gì như thể ràng buộc chúng tôi lại. Vả chăng cũng không muốn đi về nhà tập thể bây giờ. Sự thật vẫn hay đấy, nhưng đôi lúc nó đắng cay quá chừng và người ta bất giác cố lẩn tránh nó.
- Lại nghĩ ngợi gì thế, anh yêu? - Kađitsa hỏi - Mệt à? Hay ngại đi xa?
- Không sao, rồi cũng sẽ lần về đến nơi được. Thôi anh về.
Kađitsa cầm lấy tay tôi.
- Ôi, anh bị cóng rồi còn gì! Đứng đây em ủ cho! - Kađitsa nói, ủ tay tôi vào trong áo măng-tô của cô và lật bật ghì siết vào ngực. Tôi không dám rút tay ra, không dám cưỡng lại cử chỉ âu yếm nồng nàn ấy. Tim Kađitsa đập dưới lòng bàn tay tôi, đập dồn dập như đang đòi hỏi điều mình vẫn hằng mong đợi bấy lâu. Tôi đang say, nhưng chưa đến nỗi không còn hay biết gì. Tôi thận trọng nhấc tay ra.
- Anh đi à? - Kađitsa nói.
- Ừ.
- Thôi, tạm biệt anh! - Kađitsa thở dài và vội quay đi. Trong bóng tối có tiếng cánh cổng đóng sập lại. Tôi cũng đã bỏ đi, nhưng chỉ được mấy bước tôi dừng lại. Tôi cũng chẳng hiểu ra sao, chỉ thấy mình đã lại đứng bên cánh cổng. Kađitsa đang chờ tôi. Cô ôm chầm lấy cổ tôi, ghì thật chặt và hôn lên môi tôi.
- Anh đã quay lại! - cô thì thầm rồi nằm tay tôi dẫn vào nhà.
Đến đêm tôi tỉnh giấc và mãi hồi lâu không tài nào hiểu được mình đang ở đâu. Đầu tôi nhức buốt. Chúng tôi đang nằm cạnh nhau. Kađitsa nửa mình để trần, người nóng hổi, ép sát bên tôi và thở đều đều vào vai tôi. Tôi định dứng dậy, đi khỏi nơi này ngay lập tức. Tôi cựa mình. Kađitsa mắt vẫn nhắm, lại ôm chặt lấy tôi.
- Anh đừng đi! - cô khẽ van xin. Sau đó cô ngẩng đầu lên nhìn vào mắt tôi trong bóng tối và nói thì thầm từng câu đứt quãng - Bây giờ em không thể nào sống thiếu anh được rồi... Anh là của em! Từ trước đến nay bao giờ anh cũng vẫn là của em!... Ngoài ra em không cần biết gì nữa. Chỉ cần anh yêu em là đủ, Ilyax ạ! Em không đòi hỏi gì hơn nữa. Nhưng em sẽ không chịu lùi bước đâu, anh hiểu không, em nhất định sẽ không lùi bước!... - Kađitsa bật lên khóc, nước mắt chảy ròng ròng trên mặt tôi.