Kể từ hôm Khang Thu Thủy xuất hiện, suốt một tuần lễ, sáng nào Kiều Lê Vân cũng tìm ra một chỗ chân núi ngồi vẽ tranh. Nhưng máu tim nàng, vốn như mặt nước hồ phẳng lặng, bỗng một phen bị chàng trai khuấy động lên rồi, nàng còn tâm trí nào để vẽ nữa? Ròng rã cả tuần qua, nàng chẳng hoàn thành được bức họa nào. Nỗi thất vọng cứ mỗi ngày một lớn. Cho đến hôm ấy, ngày Chúa nhật, nếu chàng trai vẫn không trở lại thì sợ rằng hắn sẽ mãi mãi xa nàng. Phải chăng hắn đã dò biết được nàng có tật chân? Nàng nhớ rõ: hắn hẹn sẽ trở lại gặp nhau nữa, nàng đành lại cầm bút, chấm chấm phá phá... tô đi vạch lại trên mặt giấy, để khỏi sốt ruột trong lúc đợi chờ... Qua vài mươi phút, nàng vẽ chưa ra cảnh gì, đã buồn chán, quăng bút xuống đám cỏ, phóng tầm mắt về phía xa xa... Nàng ngóng đợi một chiếc mô tô xuất hiện với chàng trai hiên ngang ngự trên đó, rồ máy chạy tới với nàng. Nhưng thời giờ trôi qua, bóng dáng xe chẳng thấy, mà tiếng động cơ cũng không nghe đâu cả. Nàng buồn nản, hết đứng lên lại ngồi xuống. Suy nghĩ quanh quẩn, nàng lại tự trách mình tưởng hão mơ huyền: Một cô gái tật nguyền, sao không biết an phận, mà lại mơ tưởng đến chuyện yêu đương? Hơn nữa còn dám tham vọng được một thanh niên khôi ngô thanh lịch yêu mình? Đau buồn quá, nàng căm hận cái bàn chân của mình, lầm bầm mắng nhiếc: - Chỉ tại mày! Ôi, cái chân thọt! Ta là một đứa con gái thọt chân, không ma nào thèm ngó ngàng đến! Sao nơi đây lại không có cái giếng cái vực? Nếu có cái vực sâu ngàn vạn trượng, ta sẵn sàng chạy tới, lao đầu xuống đó cho thoát kiếp tật nguyền!... Nhìn hình cái vực thẳm do mình vẽ ra một hồi, rồi nàng lại bực tức, giựt tờ giấy ra, vo tròn liệng ra xa... Thế là trên khung vẽ, vẫn là tờ giấy trắng, màu trắng trơ trọi đến lạnh người. Nàng mệt mỏi, bải hoải, tinh thần rối loạn, ngồi trơ trơ như pho tượng, rồi đầu óc mơ hồ, gương mặt như thất thần mê muội... Bỗng nàng cảm thấy vui hẳn lên: kìa, Khang Thu Thủy đã xuất hiện, đang tươi cười tiến đến gần. Nàng tự dưng bầy trò trêu chọc hắn, bằng cách không đón tiếp, mà bỏ chạy... Hắn đuổi theo. Nàng chạy vào tới khu rừng thưa thì bị hắn bắt kịp. Hắn nắm tay ôm lưng nàng, ép buộc phải nhảy một bản Valse... điệu vũ bất hủ tuyệt vời: "Dòng sông xanh Danube"... Nhảy mệt rồi, hắn dìu nàng tới một phiến đá cùng ngồi. Mặt nhìn mặt, tay cầm tay, nàng cảm thấy xao động cả thể xác lẫn tâm hồn, tình yêu nở mạnh như lửa lưụ dưới trời hè, như hoa đào trong sương sớm. Giọng hắn run run khen nịnh: - Vân em! Em khiêu vũ đẹp tuyệt trần! Từ nay bất cứ ở hội hè đình đám nào, anh cũng chỉ nhảy riêng với một mình em mà thôi. Trọn đời anh thề không ôm lưng nắm tay một phụ nữ nào khác nữa! - Anh Thủy! em sung sướng quá! - Anh thấy bộ đồ em mặc đây là đẹp nhất. Em Vân! Dẫu bộ xiêm áo Nghê thường vũ y của Hằng Nga cùng không đẹp bằng áo quần của em hôm nay. Em chính là nàng tiên của anh. - Lời anh nói đáng yêu vô cùng. Anh Thủy ơi, đừng rời xa em anh nhé? Đừng bỏ em một mình, dù trong một phút một giây nghe anh! - Chỉ có ngu ngốc mới rời xa em! Ồ! Đôi chân em thon dài trắng trẻo, mới đẹp làm sao! Thật là đôi chân tuyệt mỹ! - Vâng. Em rất được an ủi vì có đôi chân hoàn mỹ. - Thế, em là "nàng tiên chân đẹp" của anh. - Lời anh khen khiến em phấn khởi, Đôi chân đối với con người thật trọng yếu. Anh Thủy à! Em muốn chạy nhảy thật nhiều. Em không muốn để uổng sức dẻo dai của đôi chân xinh đẹp. Anh chạy chơi với em một hồi nhé? - Được lắm! Chúng mình chạy về phía biển rộng, chạy lên non cao, dù có mệt bở hơi tai, cũng được vui sướng với nhau. Thế là hai người nắm tay, cùng chạy đi phăng phăng.. Đột nhiên có chiếc máy bay lướt tới gần. Tiếng động cơ gầm rít chói tai nhức óc, và... Kiều Lê Vân giật mình bừng tỉnh: Ảo cảnh vừa rồi tan biết mất! Nàng lại buồn thấm thía, chán ngán... Lập tức nàng sờ xuống bàn chân: Đôi chân nàng chẳng hoàn mỹ chút nào! Đang đau buồn, bỗng nàng nhớn nhác nhìn ra xa, rồi đứng bật dậy: có chiếc xe mô tô xuất hiện dưới chân đồi. Dần dần nàng nhận ra rõ, người cưỡi xe chẳng phải ai khác: Chính là Khang Thu Thủy! A! Lần này thì không phải ảo cảnh trong tưởng tượng nữa. Hắn đã trở lại với nàng. Nàng đưa khăn lau đôi má, xoa xoa nắn nắn mái tóc, cầm cây bút lên, cố lấy dáng điệu tự nhiên, quyết không để cho hắn đoán biết nỗi buồn khổ vừa rồi của nàng. Hắn chống chiếc xe để đó, đeo bộ đồ vẽ lên vai, bước lên nhanh như chạy, miệng kêu to: - Cô Vân ơi! Cô Vân! Rồi hắn chạy rầm rập tới, chạy nhanh đến nỗi vấp suýt té. Nàng phải kêu lên: - Ấy!... Cẩn thận chút! Nàng đứng bật dậy chờ đợi, quên cả đôi chân lệch của mình. Chờ đợi suốt cả tuần lễ giờ thấy hắn trở lại, nỗi vui mừng khiến nàng quên cả tật nguyền. Nhưng khi hắn bước tới gần, thì nàng kịp thời sực nhớ ra, vội vàng ngồi xuống ghế. Tuy nhiên ánh mắt vẫn sáng lên long lanh, gương mặt lộ rõ vẻ hân hoan thích thú. - Chà! Lâu lắm không tới được, nay mới lại thấy cô. Kiều Lê Vân không nói gì, nhưng mặt mày tươi cười hơn. Nàng nhận thấy Khang Thu Thủy hơi gầy đi, nhưng vẻ tuấn tú nhanh nhẹn vẫn không thay đổi. Nàng rất quan tâm về sức khỏe của hắn, nhưng nghĩ không tiện hỏi. Hắn đặt bộ đồ vẽ xuống đất, cầm chiếc ghế nhỏ giơ ra: - Cô xem, hôm nay tôi cũng đem cái này đi. Nàng trỏ tay tươi cười duyên dáng: - Thế, mời anh anh ngồi đây. - Cảm ơn cô cho phép. Thân mật như một đôi tình nhân, cô cậu ngồi kề nhau. Hắn nói: - Mấy hôm nay lo học, lo thi, không sao tới đây học vẽ được. Cô chưa biết chứ, tôi sốt ruột ghê lắm. Nhưng nghĩ rằng thi cử xong là đến nghỉ hè, có đủ thời gian tới đây ngồi bên nữ họa sư kiều diễm, xin học vẽ. - Tôi thật không mong đợi anh thêm vào hai chữ "kiều diễm". - Tại sao vậy? - Bởi danh từ và sự thật cách nhau rất xa. - Cô nói không đúng. Vẻ đẹp vốn không có tiêu chuẩn nhất định. Cứ mình nhận thấy đẹp, ấy là đẹp. Thí dụ như tôi, tôi nhận thấy cô là một thiếu nữ kiều diễm phi thường; ấy là không bao giờ, tuyệt đối không bao giờ cô xấu nữa. - Cho tôi được ngỏ trăm ngàn lời tạ ơn. - Nhiều quá. Nhưng tôi vẫn thích nghe. Rồi hắn trỏ tay vào giá vẽ hỏi: - Ủa? Cô chưa vẽ gì cả ư? Tờ giấy vẫn trắng nguyên. Nàng tinh nghịch đáp: - Vì chưa có mẫu. Không có mẫu làm sao vẽ được. Đến non xanh nước biếc kia cũng không còn gây hứng thú cho tôi vẽ nữa. Hắn đưa tay vỗ ngay vào ngực, đứng bật dậy, bước lui ra mấy bước, thích thú nói: - Đây, một "vật mẫu" coi được lắm đây! Mời nữ danh họa bắt đầu. - Trong lúc tôi vẽ, anh không được nói chuyện nhé! - Được rồi. - Hôm nay tôi hãy vẽ nụ cười của anh. - Được lắm.. - Nào, bây giờ thật sự bắt đầu... - Ồ! Nhưng đến chừng nào thì xong? - Chừng nào tôi... vẽ xong ấy là xong! Khi một con người đã yêu một con người, thì quan tâm chăm sóc đủ thứ, nên lúc ấy nàng không nỡ bắt hắn phải đứng chôn chân. Nàng đẩy cái ghế ra một chút, bảo: - Anh ngồi xuống đó. - Cảm ơn. - Khi nào tôi tô màu, thì anh duy trì nụ cười cho tươi nhé! - Chẳng cần duy trì! Miệng tôi lúc nào cũng toe toét, không có mếu đâu mà cô sợ. Tay mặt cầm bút, tay trái vuốt phẳng tờ giấy, nàng ngẩng nhìn chăm chú vào gương mặt tươi cười của hắn. Nhưng chính nụ cười của hắn lại khiến nàng rung động, nên nàng cứ nhìn chăm chăm... Rồi nàng không khỏi hồi tưởng lại cái ảo cảnh mới diễn ra trong trí tưởng tượng của hồi nãy. Đôi má nóng ran, đỏ bừng, nàng phải lập tức tỏ vẻ lạnh lùng bình tĩnh, rồi mới bắt đầu vẽ nụ cười của hắn được. Nàng chỉ vẽ một lát là xong, và buông cây bút xuống bảo hắn: - Anh xem này! Hắn ngạc nhiên bước tới gần. - Ủa? Sao chóng vậy? Nàng đáp như thốt tự đáy lòng: - Bởi nụ cười của anh rất dễ vẽ. - Để tôi xem kỹ càng hơn chút,... Ồ, giống lắm. Cô vẽ thật là giống. Tôi soi gương cũng thấy y hệt như vậy. Cô quả là một nữ danh họa. - Nếu anh còn nói "danh họa" với "đại họa sĩ" nữa, thì tôi chỉ vẽ một nụ cười thế thôi, ngoài ra tôi sẽ không vẽ gì khác nữa. Tuy miệng nói nhún, nhưng thái độ nàng trông có vẻ tự hào, và phong tư thật yểu điệu duyên dáng. - Ấy, xin cô vẽ cho đủ mặt mũi tay chân tôi chứ! Vâng, tôi sẽ không nói như thế nữa. Vậy thì khi nào cô vẽ thêm? - Ngày mai, ngày mốt, vẽ đến bao giờ hoàn thành bức họa thì thôi. Hắn cũng tinh nghịch không kém, gãi gãi vào đôi tai, nói: - Như hai cái tai này, cô cũng vẽ hai ngày riêng sao? - Có thể! Cả hai cùng bật lên cười thật vui. Trong thâm tâm, nàng muốn tận hưởng giờ phút này, bởi nàng có tật chân, thì vui được giờ khắc nào thì quý giờ khắc ấy, kẻo rồi cái buồn nó lại tiếp theo sau. Tuy nhiên, trong lúc này, nàng cũng thầm ước Khang Thu Thủy sẽ là người duy trì niềm vui cho nàng mãi mãi... Bấy giờ hắn ngửng đầu nhìn lên, nói: - Dưới bóng cây này, từ nay sẽ là nơi tôi mong mỏi khát khao, là nơi tôi nghĩ đến từng giờ từng phút. Cô Vân ơi! Trong tuần lễ này, cô đã tới đây mấy lần tất cả? - Tôi... Nàng nghĩ không nên thú thật rằng ngày nào mình cũng đến đây, nên đáp: - Tôi... tôi cũng không nhớ nữa. - Phần tôi, nói đúng ra, thì ngày nào tôi cũng có ở đây. - Ồ! Anh... - Tôi muốn nói... trái tim của tôi đã gửi ở đây. Nàng thở phào một hơi nhẹ nhõm, nhưng mắc cở cúi đầu. Mới nghe, nàng cứ tưởng hắn ngấm ngầm mò đến đây mỗi ngày, để rình dò đường đi lối về của nàng. Té ra hắn nói bóng gió tình tứ. Mặc dù đã hiểu, nàng vẫn còn nghi ngờ: Biết đâu hắn đã chẳng bí mật tới dò la? Và nếu hắn trông rõ bước đi khập khiễng của nàng, thì nàng phải mất hắn. Không! Nàng không để mất hắn được. Hắn là chàng trai tốt cần thiết cho niềm vui sống của nàng. - Thế nào? Hôm nay có thể cho phép tôi đưa đi dạo chơi ở một chỗ khác được chưa? - Anh chán chỗ này rồi ư? Nàng nhanh trí, hỏi lại một câu rất khôn khéo như thế. - Không! Tôi mến thích chỗ này vô cùng. Phần cô, cô thấy không muốn đi đến một chỗ nào khác sao? Ôi! Muốn thì có muốn, nhưng "đi" thì làm sao cho được? Nàng không có can đảm cho hắn biết sự thật. nàng tự nhận mình ích kỷ quá. Vì muốn có hắn ở bên mình, nên nàng cứ kiếm cách giấu hắn. Tâm tình thật đầy mâu thuẫn, nhưng nàng là một cô gái thông minh, nên cuối cùng nàng hỏi: - Thật lòng anh muốn mời tôi đi chơi ở một nơi khác ư? - Xin đừng nghi ngờ lòng chân thành của tôi nữa. - Nếu vậy, hãy đợi ít lâu... Và giọng nàng nhỏ đi, hơi thở yếu đi: - Để tôi suy nghĩ lại cho kỹ. - Tôi xin kiên nhẫn đợi chờ. Hắn không nài ép; điều này khiến nàng càng hài lòng. nàng cần có một chàng trai vừa nhân từ vừa nhẫn nại như hắn. - À, xin đươc hỏi thêm: Hiện nay cô học trường nào nhi? Nàng thắc mắc điều này, sao hắn chưa hỏi vợ chồng Hồ Bình - Diệp Lạc? Nghĩ một chút, nàng đáp: - Đậu Tú Tài rồi, tôi bỗng sinh lười, không muốn học nữa. Tôi là một cô gái không có chí học cao. - Bởi cô yêu hội hoa. Người có thiên tài là người không muốn bị sách vở, thời giờ trói buộc, và càng không muốn làm con mọt sách. Nàng gượng nụ cười héo hắn: - Anh thật khéo an ủi người khác. Như thế anh càng tỏ ra con người có chí, lấy học vấn và sự nghiệp làm trọng. - Đó là quan niệm cũ hồi trước, nay tôi đã đổi mới. Học vấn tuy trọng yếu, nhưng ta cũng không thể quên những thứ khác, tỷ như: vận động thể thao, thưởng thức nghệ thuật, giải trí tìm vui và... yêu đương. - Anh thay đổi quan niệm dễ dàng quá. - Nếu thay đổi hợp lý, cũng nên lắm chứ! Nói rồi hắn với cái ba lô, mở ra, lấy chai nước ngọt, bánh mặn điểm tâm, mấy quả chuối thơm, mấy trái táo... ra mời nàng cùng ăn uống. Thấy hắn đẹp trai, lại cẩn thận chu đáo, săn sóc nàng tận tình, nàng càng nghiêng lòng yêu mến. Lắm lúc mắt nàng nhìn hắn đăm đăm không rời, cứ toan thố lộ hết nỗi lòng. Nhưng… rồi lại chưa dám. Nàng chỉ uống chút nước ngọt, và từ chối mọi thứ. - Anh ăn đi thôi. Tôi ăn sáng hãy còn no. - Tôi cũng ăn sáng rồi. Vậy mấy thứ này, đợi đến 12 giờ đúng, chúng ta sẽ ăn. Ăn rồi ở đây chơi cho đến chiều tối, nhé! - Tôi không thể ở đây lâu quá, trừ phi đã dặn trước ba má tôi ở nhà. Tôi nghĩ rằng sẽ còn dịp khác nữa. Hắn nhìn tờ giấy, mỉm cười bảo: - Cô Vân à! Cô thứ cho cái lỗi yêu cầu quá nhiều nhé! Từ ngày mai, sáng nào cô cũng vui lòng tới đây, được chăng? Nàng nghĩ một chút rồi đáp: - Nếu anh chịu nhận vài điều kiện của tôi? - Chắc có thể được. Cô cứ cho biết. Vâng lời cô là một điều sung sướng của tôi mà! - Anh khéo nói quá, càng chứng tỏ tôi vụng ăn vụng nói. - Tôi không có ý chiếm đoạt cái hay của cô. - Tôi hoài nghi sự thật thà của anh. - Đối xử với một thiếu nữ mà mình ngưỡng mộ, ai lại chơi xấu bao giờ? Tôi nghĩ thế. Cô cần điều gì, xin cứ dặn kỹ. - Anh thúc giục một cách khéo léo ghê! Vậy tôi xin nói: Tôi vốn sáng nào cũng ra đây vẽ tranh. Giờ lại thêm anh nữa, cũng vẽ. Vậy tôi quy định như vầy: thứ nhất, mỗi sáng, cứ quá tám giờ rồi, anh hãy tìm tới đây. Thứ hai, anh nên về sớm hai mươi phút, trước khi tôi cần về. - Cũng có chỗ tôi còn chưa hiểu, nhưng tôi không hỏi. Vâng, về hai điểm đó, tôi xin dốc lòng tuân theo. - Cứ yên chí, thong thả, rồi tôi sẽ giải thích. - Mong rằng lúc đó là lúc cô rất cao hứng. - Có thể. Nàng nói với giọng yếu ớt. Hắn đang vui sướng, nên không nhận ra nét đau buồn của nàng qua tiếng nói yếu ớt ấy. Hắn còn hỏi: - Còn gì nữa không? Nàng ngửng nhìn chàng trai đáng yêu trước mắt, lòng xốn xang xung động, như muốn nhào người vào đôi tay hắn, nhưng cố nhiên nàng tự kìm hãm được. Thật khéo thay đổi không khí, hắn trỏ tay về phía cư xá Trung Dũng: - Cho phép tôi đoán thử số nhà của cô, nhé! - Được rồi. - Lầu hai, số nhà hai? Nàng lắc đầu, nhớ lại cái hồi gia đình tới cư xá Trung Dũng tậu nhà, cha mẹ nàng nghĩ nàng có tật chân, không tậu ăn trên lầu, mà phải mua lại căn nhà ở tầng dưới. Lòng cha mẹ bao giờ cũng vì con trước hết. Hắn đoán mò hai, ba lần đều trật. Nàng mới buột miệng nói ra: - Từng dưới hết, nhà số 2! - A ha! Cô... Cô cho tôi biết rồi nhé! Hắn mừng rỡ như điên, trong khi nàng thầm chê mình nói quá vội. Lời đã nói ra, chẳng ai rút lại được nữa. Nàng đành ra thêm điều kiện: - Anh đừng tới nhà tìm tôi. - Nếu như cô chưa cho phép, tôi tuyệt đối không đường đột như thế. Bấy giờ nàng mới yên lòng. Nhưng hắn càng "ngoan ngoãn" càng lịch sự như vậy, lòng nàng lại càng xao động vì hắn. Có thể nói trái tim của nàng đã bị hắn năm giữ rồi. Trai gái ở tuổi thanh xuân rất dễ mến thích nhau, huống chi hai người gặp nhau lần đầu, lòng đã xiêu, hữu tình hữu ý? Trong lúc đôi trẻ cười nói chuyện trò vui thích, thời giờ cứ lặng lẽ trôi xuôi. Rồi Kiều Lê Vân bỗng nhìn đồng hồ tay, khẽ kêu: - Anh xem! Đã mười một giờ rồi. Tôi phải về thôi. - Cô đã nói cần về, thì tôi phải nhớ: tôi phải làm gì! Thế là hắn nhanh nhẹn thu xếp đồ vẽ, đứng dậy cười hì hì: - Tạm biệt cô nhé! - Anh nhớ kỹ lắm. Đáng khen thưởng. (Và nàng vẫy tay) Thôi tạm biệt. - Vâng, sáng mai lại gặp nhau. Nhìn theo Khang Thu Thủy cưỡi chiếc xe mô tô chạy xa khuất dạng rồi, Kiều Lê Vân đi đi lại lại mấy bước, quanh quẩn dưới bóng cây, bởi vì phải ngồi lâu là một cái khổ, tê chân mỏi người. Nhưng về phần tinh thần, thì hôm nay nàng không hề cảm thấy khổ. Chỉ có lúc Khang Thu Thủy ra về, là nàng buồn vì lưu luyến xốn xang. Đời nàng, trong giờ khắc này mới thật là đang sống đầy đủ. Nàng khoan khoái thu xếp bộ đồ vẽ, khoan khoái vịn cành cây, tựa thân cây. Rồi nàng phải ra về, nhưng tâm trạng khác hẳn hôm qua, hôm kia... nghĩa là nàng không ra về với nỗi niềm thất vọng, buồn bã nữa... Về đến nhà, mới bước chân vào sân, Kiều Lê Vân đã kêu: - Má ơi, má! Con đã về đây. Nhưng nàng không nghe tiếng mẹ, mà lại là tiếng ba nàng cho hay: mẹ nàng đi mua thêm các thức, về làm món ăn đãi khách. Ông Văn thương yêu con gái, nên rất quí mến bạn hữu của con. Ông bảo Kiều Lê Vân: - Lần trước, anh chị ấy đã ăn cơm một đôi lần, nhưng đó là chúng ta tiếp đãi một đôi tình nhân. Hôm nay, chúng ta thực sự tiếp đãi một cặp vợ chồng trẻ. Do đó, vợ chồng Diệp Lạc, Hồ Bình xin kiếu từ ra về, ông bà Văn không cho, nhất định giữ lại chơi, ăn cơm. Lát sau, bà Văn trở về, rồi bận rộn làm món ăn ở trong bếp. Kiều Lê Vân xin lỗi vợ chồng bạn để vào phòng tắm rửa mặt, kẻo mới đi nắng về. Ngoài này, trong khi ông Văn nói chuyện với Diệp Lạc, thì Hồ Bình để ý tới bộ đồ vẽ của Kiều Lê Vân. Bình muốn xem bạn đã vẽ được cảnh gì, nên bước tới mở cái khung tranh ra... Nhưng cô vừa giơ hình vẽ ra trước mắt chồng và ông Văn, thì Kiều Lê Vân đã bước ra, vội vã bưới tới cầm lấy, rối rít nói: - Hôm nay vẽ sai hết, chẳng ra gì cả. Xem làm gì? Cất quách đi, để nói chuyện chút. Hai cô bạn giằng kéo nhau bức họa, ông Văn bảo Kiều Lê Vân: - Vân con! Để cho chị xem chút. Đâu phải người xa lạ mà phải giữ kẽ! Hồ Bình nói: - Bác dạy rất phải. Vẽ thì cần có người thưởng thức chứ! Ông Văn đâu có biết: Sỡ dĩ con gái ông muốn dấu diếm là vì cô đã vẽ... một nụ cười của một chàng trai! Quả nhiên Diệp Lạc khẽ kéo tay vợ: - Này, em thử nhìn kỹ cái miệng cười trong tranh coi? Anh thấy quen lắm. Hồ Bình mở rộng tờ giấy ra coi kỹ: - Chắc không phải đâu. Nụ cười thì ai chẳng có? Giống nhau là thường. Không thể nhìn vào hình vẽ một nụ cười mà quyết đoán người đó là ai. Diệp Lạc không nhìn xét nữa. Kiều Lê Vân thở phào như trút được gánh nặng, lập tức đem cuốn tranh cất đi, và nói với ông Văn: - Ba à, ba nói chuyện với anh Lạc, để con mời chị ấy vào đây chút. Dứt lời, nàng nắm tay cô bạn, kéo vào phòng riêng. Cùng ngồi trên giường, hai cô hết nói đùa nói chọc lẫn nhau mấy câu cho vui. Ké, Kiều Lê Vân hỏi thăm chuyện thi cử của vợ chồng Hồ Bình... Sau cùng, Hồ Bình mới sực nhớ lại hình vẽ vừa xem, và đột nhiên hỏi bạn: - Vân à! Mình đã nhớ ra: Mình trông cái miệng cười Vân vẽ đó, mình cũng biết là nụ cười của ai rồi. Kiều Lê Vân lập tức cúi mặt xuống. Hồ Bình đưa tay âu yếm nâng cằm bạn lên, giọng thỏ thẻ thành khẩn nói: - Cái miệng cười của Khang Thu Thủy đấy mà! Và đừng giấu diếm mình nữa. Anh Lạc quen thân với hắn đấy. Có gì cứ nói thật với mình đi? Kiều Lê Vân xúc động, ngập ngừng: - Nhưng.. Nhưng.. mà... mình là một đứa con gái thọt chân. - Có thể là hắn bất chấp điểm này. - Ôi!... Kiều Lê Vân thở ra thật dài, thật não ruột, rồi buồn tê tái. Hồ Bình hết lời khích lệ: - Hãy cứ lạc quan một chút. Nếu hắn định tâm đeo đuổi Vân, Vân cứ đáp lại tử tế. Tình cảm phải được vun trồng nuôi dưỡng mới có chứ? Vân đừng sợ. Tình yêu là của những người can đảm. - Mình... - Mình sẽ tán dương Vân trước mặt Khang Thu Thủy. - Đừng. - Vân không mơ tưởng đến tình yêu sao? Nếu cứ e ngại, có mình rụt cổ thì vĩnh viễn không bao giờ đạt tới. Huống chi Khang Thu Thủy sau khi gặp mặt Vân, hắn vội vàng đi dò la thăm hỏi Vân! Mình nói thật Vân hay: Tối hôm đám cưới, hắn chạy sồng sộc vào tân phòng bọn mình, để tìm kiếm, dò hỏi về Vân đấy. Như thế đủ rõ hắn xiêu lòng vì Vân nhiều rồi. Phải thành thật mà nói: Trong số các bạn gái cũng như các khách phụ nữ trong đám cưới tụi mình, Vân là người đẹp nhất, xinh tươi nhất, cách điệu quý phái nhất đấy. - Nhưng mình chỉ có thể... ngồi một chỗ. - Nếu Vân tự tin, hãy giữ lòng mình cho vững chắc và thật sự đừng lo nghĩ về cái tì vết nhỏ này làm chi. - Đến dự đám cưới của Bình, ấy là mình đã trổ can đảm rồi đấy! - Hãy nuôi dưỡng lòng can đảm thêm nữa. Rồi đây Vân sẽ tự nhiên, tự tại như mọi người vậy. Kiều Lê Vân vô cùng cảm động vì lời nói của bạn, nhưng cô vẫn lặng im. Hồ Bình lại nói: - Cứ xem cách Vân vẽ nụ cười của Khang Thu Thủy, ắt hẳn lòng Vân đã nẩy tình cảm và có ấn tượng tốt đẹp về hắn. Vân đừng phủ nhận điều này. - Bình biết đấy... - Mình thấy đó là một nụ cười hấp dẫn, khiến người đối diện phải xiêu lòng. Mình thấy Vân như thế là tốt số lắm, vì hắn đã nghiêng lòng dán mắt theo Vân. - Nói đi nói lại, rồi cũng phải nhận rằng hắn thật khá. Hồ Bình bật lên cươi khanh khách, trong càng xinh đẹp vì đôi má hồng lên. - Vân chưa biết: Các bạn sinh viên, nhất là các bạn gái, ai nấy đều phải nhận hắn là con người rất xuất sắc. Đã có bao nhiều cô viết thơ tình, giấm giúi cho hắn, nhưng đều chẳng cô nào lọt mắt xanh của hắn. Thư gửi đi, cứ như đá liệng xuống biển. Kiều Lê Vân tập trung hết tinh thần, nghe bạn tán dương Khang Thu Thủy, và trong thâm tâm, nàng thoáng có ý nghĩ tự hào, tự kiêu, phảng phất như hắn đã thuộc về nàng rồi vậy. Hồ Bình lại nói: - Thế mà, chàng trai ấy trước nay không thèm để ý đến cô gái nào, buổi tối hôm đám cưới bọn mình, hắn lại xun xoe cười nói với Vân, ân cần phục vụ Vân, có khác gì mặt trời mọc từ đỉnh núi phương tây! - Bình có trông thấy? - Vân tưởng mình là cô dâu, thì tíu tít, tối mặt lại, không còn nhìn biết được gì khác ở chung quanh nữa sao? Tiểu thơ ơi! Tiểu thơ quên rằng "tớ" làm cô dâu lần này là lần thứ ba rồi? Kiều Lê Vân đập tay vào vai bạn, mắng yêu: - Quỉ cái ở đâu đấy! Nói thế, người chưa biết mày từng đóng vai cô dâu hai lần trên sân khấu kịch liên hoan nhà trường, người ta lại tưởng mày lấy ba đời chồng rồi kia đấy! Đôi bạn gái lại cười khúc khích với nhau... Bàn luận về hôn nhân, ái tình, về tuổi xuân con gái chóng qua... Một hồi nữa, rồi Hồ Bình đề nghị: Sau khi vợ chồng cô đi hưởng tuần trăng mật về, sẽ tổ chức một buổi tiệc tại nhà, mời cả Kiều Lê Vân, Khang Thu Thủy và các cô Hoa Lệ, Vương Nhụy, Khâu Anh Đài tới dự, để mọi người cùng nói "vun vào" cho Khang Thu Thủy với Kiều Lê Vân. Nhưng Kiều Lê Vân nhất định không chịu. Nàng nói: - Đừng! Mình van Bình, đừng làm như thế. Mình không thể thích nghi với khung cảnh và sự sắp đặt kiểu đó được đâu.