Vào năm cuối của bậc tiểu học, cuộc sống của tôi bị nhiều đảo lộn. Trước tiên là việc bà tôi bị mất đột ngột. Một buổi trưa ở chợ về bà tôi kêu mệt đi nằm và chả bao giờ trở dậy nữa. Mọi người nói bà tôi vậy là may, ra đi nhẹ nhàng, nhanh chóng. Nhưng với tôi, đó là những ngày kinh khủng. Tôi không nhớ là mình đã khóc bà như thế nào nữa. Mặc dù còn bé nhưng tôi cũng hiểu rằng tôi đã bị mất đi một cái gì thật to lớn mà không gì có thể bù đắp được. Họa vô đơn chí. Bà mất rồi, nhà tôi lâm vào cảnh túng bẩn. Làm đám tang của bà xong, mẹ tôi có ra chợ ngồi thay bà nhưng như người ta nói, mẹ tôi không có duyên bán hàng, ế ẩm suốt nên cuối cùng mẹ phải tìm người để nhượng lại gánh hàng xén với cái giá gọi là “ vớt vát lại được đồng nào hay đồng ấy”. Bố tôi cũng đau ốm luôn và từ sau một trận ốm dài ngày, cái chân phục dịch bếp nước cho uỷ ban xã đã rơi vào tay người khác. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà vậy là đổ cả lên vai mẹ tôi. Mẹ trở nên hay cáu gắt và thực sự chả còn thì giờ đâu để mắt đến tôi nữa. Tôi giống như con Đốm, có gì ăn nấy, muốn học thì học, chơi thì chơi. Đúng lúc ấy thì dì tôi ở Thái Nguyên lại trở về. Dì tôi về, và lại một lần nữa làm thay đổi cuộc đời tôi. Việc này kể cũng có liên quan đến một sự kiện khác. Như tôi đã nhắc đến ở đầu cuốn sách này, ngôi trường mà chúng tôi đang học, trước kia vốn là nhà của một ông chánh nào đó. Hồi cải cách ông ta trốn đi Nam rồi ra nước ngoài. Bây giờ, sau bao năm lưu lạc nơi đất khách, đến tuổi gần đất xa trời ông lại muốn về để ( có lẽ giống như lão Tác?) được chết ở quê. Nghe nói ông giàu lắm, gửi nhiều tiền về biếu xã và chính là cái đoàn khách gồm nhiều ông bà sang trọng đi trên những chiếc xe sang trọng hôm nào đều là con cháu ông bên Tây. Tôi không biết họ đã bàn luận với xã những gì và như thế nào, chỉ biết rằng năm ấy, khi mà chúng tôi chuẩn bị bước vào năm học mới thì có lệnh của xã tạm hoãn việc khai giảng lại để chuyển trường của tôi đi nơi khác, trả lại đất cho ông “ Việt kiều yêu nước” để ông lấy chỗ xây từ đường họ và kịp làm lễ thượng thọ. Việc chuyển trường diễn ra chóng vánh, ồ ạt. Tất cả bàn ghế được khuân xếp vào mấy gian nhà kho cũ của hợp tác xã. Những lớp lớn được xã bố trí cho học nhờ ở mấy nhà dân, còn bọn nhóc chúng tôi thì “còn khối thời gian để học, có chậm lại tí chút chả sao!” Bác Tộ bảo vậy. Chả sao thật. Chúng tôi còn khoái nữa là khác. Nhưng bố mẹ tôi thì lại không nghĩ như vậy. Nhân dịp dì tôi về bàn chuyện chuyển nhà, bố tôi nghĩ ngay đến chuyện cho tôi theo dì lên Thái Nguyên trước và giao cho dì bằng mọi cách lập tức phải xin cho tôi được vào học một trường nào đó cho kịp năm học mới. Thế là tôi phải chính thức xa quê. Biết làm thế nào được. Tôi là một đứa trẻ. Tôi chả có quyền gì ngoài việc phải luôn nghe lời người lớn. Nghe bố tôi nói, tôi oà khóc. Khóc như khi bà tôi mất, khóc như khi bị đòn oan. Nhưng vẫn như mọi khi, nước mắt chả giúp được gì. Tôi phải tất tả chuẩn bị lên đường. Chiều trước ngày xa quê, tất cả bọn bạn lớp cũ đến chơi tiễn tôi. Thằng Dề, thằng Quyết, thằng Hoà, bọn con gái và cả thầy Hội cũng đến nữa. Bố mẹ tôi mua mấy gói kẹo về bóc ra cho chúng tôi “liên hoan”. Khác hẳn mọi khi, chúng tôi chả mấy đứa cười đùa, kẹo cũng chả ăn. Trong khi thầy Hội ngồi nói chuyện với bố mẹ tôi trên giường, chúng tôi thầm nhắc lại với nhau những trò nghịch ngợm vừa qua và ngẩn ngơ đặt cho nhau những câu hỏi mà chả đứa nào trả lời được. Thái Nguyên là đâu, nơi ấy như thế nào, có giống quê mình không? Tôi cũng không trả lời được. Tôi đã lên Thái Nguyên một lần. Tôi biết đó là nơi có những con chó được ăn thịt bò, những thằng bé đeo đồng hồ thật đến lớp và có cả những chiếc xe sang trọng chở những người sang trọng phóng vun vút trên đường nhựa phẳng lì. Nhưng nơi ấy thật xa lạ. Đấy không phải là mảnh đất của tôi. Quê tôi ở đây, những mái nhà lụp xụp, con đường làng gồ ghề đầy phân trâu và vàng óng rơm mùa ngày gặt. Và cả bãi tha ma với những lùm cây giấu đầy quả ổi, quả mâm xôi chín mọng. Rồi ngôi nhà của tôi, cây mít đang chờ vụ sai quả, thằng bù nhìn rơm bên vườn bác Tám… Thế mà tôi phải xa quê. Bố tôi không bán nhà mà để lại nhờ bác Tám trông coi “Tôi để ngôi nhà này lại cho thằng Cao, lớn lên nó sẽ về…” Bố tôi bảo vậy. Ngày mai chỉ có mình tôi đi trước. Bố mẹ tôi phải ở lại chờ lo cho xong một số việc rồi sẽ lên sau. Có lúc tôi thoáng rùng mình. Liệu tôi có giống chú bé con trong chuyện cổ tích xưa bị người lớn đem chở bỏ vào rừng sâu một mình? Từ chiều, cái Tâm sang thay tôi bưng kẹo, nước mời mọi người. Nó lớn hẳn lên trong vai một cô em gái lo cho anh.Đã mấy hôm liền kể từ lúc nghe tin tôi sắp phải đi học ở nơi xa mắt nó luôn đỏ hoe. Nó cứ lẽo đẽo bám theo tôi như một cái bóng, tôi đi đâu nó đi đấy, tôi ngồi đâu nó len lén đến ngồi bên cạnh: Anh Cao cứ đi học cho giỏi, em ở nhà trông nhà cho. Nhưng… anh đi rồi sớm về nhá. Tôi hứa với nó rằng nhất định tôi sẽ về. Nó nhìn tôi rồi nhìn ra xa, môi bặm lại. Khuôn mặt Tâm lúc đó làm tôi nhớ lại hồi nào khi em cũng mím môi, mặt tái nhợt, trán vã mồ hôi đứng chặn con chó dữ không cho nó xông đến tôi với hai bàn tay bé xíu nắm chặt. Vâng…, rồi đây trong cuộc đời, trong những ngày xa quê chắc là sẽ dài dằng dặc, biết còn ai nữa như Tâm dám đứng ra bảo vệ tôi trước những ác độc của cuộc đời? Tôi nắm tay nó. Hai chúng tôi đi ra bãi tha ma. Hôm bà tôi mất, người ta đã đắp cho bà một ngôi mộ to nhưng chỉ ngay hôm sau lũ trâu đã ủi phá mất quá nửa. Bố mẹ tôi không đắp lại, bảo kiêng! Bây giờ, khi chúng tôi ra thăm bà, ngôi mộ của bà chỉ còn là một nắm đất bé, cô quạnh. Mộ ông Tác cách mộ bà tôi vài bước và cũng nhỏ bé như vậy. Cái Tâm chạy khắp bãi tha ma và kiếm đâu được một cây cúc dại nhưng đã sớm có vài bông hoa đem về trồng cạnh mộ bà. Nó là con gái có khác, việc này tôi chẳng bằng được nó. Buổi liên hoan chia tay kéo dài đến mãi khi trời tối mịt. Chúng tôi còn muốn ngồi với nhau nữa nhưng thầy Hội đã đứng dậy nhắc các bạn tôi rằng phải về để tôi được đi nghỉ lấy sức mai lên đường sớm. Thầy đặt tay lên vai tôi: thầy mừng cho em. Được ra thành phố học là tốt lắm, ở đấy có nhiều giáo viên giỏi. Em sáng dạ, rồi em sẽ có cơ hội học tập tiến bộ nhiều. Bao giờ nghỉ hè, có điều kiện thì xin bố mẹ về đây chơi với thầy và các bạn. Nước mắt tôi ứa ra. Không, tôi không thích đi. Tôi chỉ muốn được ở đây giữa lũ bạn tôi và thầy. Thầy Hội như đoán được ý nghĩ của tôi. Thầy lau nước mắt cho tôi, xoa đầu tôi và cúi xuống tìm nắm lấy hai bàn tay tôi bóp chặt. Các bạn về rồi, tôi, thằng Quyết, thằng Dề cùng nhau ra bến sông. Tới cửa, thấy cái Tâm đang đứng thút thít khóc, tôi nắm tay nó cho đi theo. Bờ đê lộng gió. Bến vắng không. Từ khi con tàu cũ bị phá, cái bến trông rộng, trống trải và buồn tẻ hẳn đi. Chúng tôi định xuống hẳn bến nhưng rồi lại kéo nhau ngồi xuống vệ cỏ đã ướt sương đêm. Im lặng. Một lát sau bỗng thằng Quyết khẽ bấm tay tôi và dúi cho tôi chiếc hộp diêm nhỏ. Tôi biết ngay là cái gì. Trong hộp có con dế cụ mà tôi với nó đã đúc được và nuôi gần tháng nay. _ Mai mày nhớ mang nó đi. – Thằng Quyết bảo. Tôi mở nắp hộp. Trong ánh sáng mờ nhạt của những vì sao tôi vẫn nhận rõ con dế mèn với những tảng sừng nhẵn bóng. Tôi đặt chiếc hộp xuống cỏ. Con dế ngần ngừ một lát rồi lần bò ra và như cảm nhận được điều gì đó nó co giò đạp gió tanh tách liền mấy cái. Thằng Quyết định chộp lấy, nhưng tôi giữ tay nó lại. Thằng Quyết nhìn tôi và có lẽ nó đã hiểu. Tôi khẽ đẩy con dế: "Thôi, mày đi đi, về với sương gió với tự do. Mày đi trước, ngày mai tao cũng sẽ đi… " Đêm cứ xuống lặng lẽ. Trời trong, không có trăng nhưng đầy sao. Lòng tôi trĩu buồn. Tôi muốn nói một điều gì đó với những đứa bạn thân thiết nhất nhưng không nổi. Bỗng nghe tiếng bước chân khe khẽ phía sau. Chúng tôi quay nhìn và ngạc nhiên nhận ra thằng Túc: _ Cao ơi! – Thằng Túc khẽ gọi. _ Mày theo chúng tao ra đây làm gì?- Thằng Dề hỏi giọng khó chịu. Thằng Túc chỉ hơi lùi lại một tí. _ Cho tao ngồi với. – Giọng nó khẩn khoản. Chúng tôi ngạc nhiên. Thằng Túc im lặng chịu đựng cái nhìn của bọn tôi rồi nó ngồi thụp xuống, xích dần đến và đột ngột dúi vào lòng tôi một gói nhỏ. _ Mày cầm gói kẹo này mai đi đường mà ăn cho khỏi khát nước. – Giọng nó hơi run. Lòng tôi chùng xuống. Thằng Dề, thằng Quyết quay mặt đi. Tôi còn đang chưa biết làm thế nào thì cái Tâm đã đón lấy gói kẹo. _ Để em cầm cho. Túc ngồi xuống đi. Thằng Túc dịch thêm một bước nữa đến sát bên tôi và ngồi xuống. Tôi nghe rõ tiếng thở phào cố nén của nó. Chúng tôi cứ ngồi như thế. Im lặng. Nghe rõ cả tiếng của những con sóng vỗ vào bến trống. Sao trên trời mỗi lúc một dày và sáng thêm. _ Thôi về đi! – Thằng Dề nói khẽ. Chúng tôi uể oải đứng lên. Từ trong xóm ra, không biết rõ là ở đâu vẳng lại nhịp hát bài đồng dao quen thuộc: Dung dăng dung dẻ… Bất giác chúng tôi cùng nắm tay nhau. Gió rất lộng. Tôi nhắm mắt lại và bỗng có cảm giác hình như trái đất đang quay mỗi lúc một nhanh. Tôi nhắm mắt chặt hơn nữa. Tôi thấy mình nhẹ dần và choàng mở mắt ra. Tôi đang bay lên thật. Các bạn tôi cũng đang bay lên chấp chới, chấp chới và đột nhiên cùng biến thành những vì sao. … Và đêm đêm, trên cao ấy, lẫn với vì sao khác, chúng tôi vẫn nhìn về trái đất, nhìn về miền quê lấm láp nơi tôi đã từng đội nắng đội gió mà lớn lên, với một tình thương yêu vô hạn cùng một nỗi nhớ nhung da diết… da diết. KHÚC 5 Ù À Ù ẬP (VĨ THANH) Vậy là tôi đã xa quê. Tôi xa quê như một hạt thóc nhỏ vô tình bị văng ra khỏi gánh lúa mà những người dân quê tôi vẫn gánh từ ruộng về nhà sau ngày gặt. Nhưng chẳng hề chi. Một ngày kia hạt thóc ấy sẽ nảy mầm và biết đâu, một cô bé, một cậu bé nào đó mai này trên đường đi học sẽ chẳng nhìn thấy, chạy tới, tẽ đôi cuống lá ra và nhón lấy vài sợi đòng đòng non tơ bỏ vào miệng. … Và trên đôi má mọng chín kia sẽ hoáy sâu xuống một nụ cười…