Đơn kêu lên hoảng hốt:
Đông Hà! Đông Hà sao vậy?
Rồi Đơn dành dắt xe đạp cho Đông Hà. Cử chỉ ấy làm Đông Hà xúc động. Mấy ngày rồi Đông Hà không đi học, không gặp Đơn đứng ở “dưới cây Còng bé nhất”, Đông Hà có cảm tưởng hai đứa đã giận nhau vì một lý do nào đó rất mơ hồ, rất vô lý. Nhưng rồi lại thấy Đơn ở trước cổng trường, nơi con đường thơ mộng muôn đời. Đơn không có một chút nào xa lạ. Đơn không tỏ vẻ giận hờn. Đơn vui vẻ và chân thật. Tự nhiên Đông Hà nghe cay xé hai mắt. Đơn lo lắng hỏi:
Đông Hà bị bệnh phải không?
Sao Đơn biết?
Diễm Phúc nói. Hà xanh xao thấy rõ. Đến nay Hà đã bớt nhiều chưa?
Đông Hà gượng cười:
Hà khỏe rồi. Tại… tại Hà học nhiều quá đấy. Không sao đâu!
Lại giấu Đơn nữa rồi!
Đâu có!
Rồi Đông Hà cúi xuống. Những âu lo bàng hoàng lại vồ chụp đến làm Đông Hà choáng váng. Lại nghĩ đến ba và quãng đường dài đến Khu Tê Liệt. Nghĩ đến nỗi chết đang ám ảnh ba và những ngày đau thương sẽ đến cho mình. Đông Hà nhìn Đơn… Ta có đang quý mến Đơn như ngày xưa dì Niệm đã quý mến ba không? Tình cảm giữa ta và Đơn là thứ tình cảm gì? Nó có xứng đáng để so sánh với tình yêu của ba và dì Niệm hay của ba với mẹ không? Đông Hà thấy nó bàng bạc quá, dịu dàng quá! Nhưng sao Đông Hà luôn luôn cảm thấy cần phải có Đơn trong đời sống. Nếu đúng vậy, sao không kể lể với Đơn, cho Đơn hiểu rằng Đông Hà đang ở trong một tâm trạng khủng hoảng nặng nề?
Đông Hà!
Đơn gọi thật nhẹ. Đông Hà chờ đợi. Đơn nói:
Đơn có một món quà dành cho Hà.
Quà gì vậy?
Nhưng Đơn chưa cho Hà ngay đâu.
Hà biết rồi, quà sinh nhật của Hà phải không?
Không phải.
Đơn làm Hà hồi hộp…
Chuông reo làm câu chuyện lẩm cẩm bị cắt ngang. Đơn đưa xe cho Đông Hà:
Hà vào học đi! Ngày mai gặp nhau Đơn sẽ nói tiếp.
Trưa nay…?
Trưa nay Đơn ở lại trường để tập cho ban hợp ca. Hà về trước đi nhé!
Đông Hà gật đầu, rồi dắt xe vào trường. Đơn nói vói theo:
Đông Hà! Nhớ dưỡng sức cho mau hết bệnh.
Cám ơn Đơn.
Đông Hà nghe tiếng mình loãng ra trong tiếng lao xao của bầy nữ sinh. Đi ngang trước mặt cô giám thị, tất cả học sinh đều giở nón mũ ra, rồi lần lượt đi vào trường. Trường vẫn dễ thương như vậy. Bạn bè vẫn hồn nhiên như bao ngày. Không ai biết đến những xáo trộn của từng cá nhân. Ở nơi kia, ba cũng không sao biết được Đông Hà đang sút kém về tinh thần và sức khỏe.
Ai đi phía trước như là cô Thoa. Đông Hà muốn tránh mặt cô nhưng cô đang tình cờ quay lại. Cô gọi:
Đông Hà!
Đông Hà chào:
Thưa cô ạ.
Hai ba bữa nay sao cô không thấy em?
Thưa cô, em bị ốm.
Khổ chưa! Hèn gì cô thấy em có vẻ mệt lắm đó. Nè Đông Hà, hôm văn nghệ tổ chức bên trường nam hay lắm, nhưng cô nghĩ rằng nếu có em chắc còn tuyệt hơn.
Dạ.
Diễm Phúc hát dân ca cũng hay lắm. Nhưng có phần ca Huế, Diễm Phúc chưa rành
Dạ.
Cô Thoa ngạc nhiên:
Đông Hà, em vẫn còn ốm sao?
Thưa cô, em đã khỏi.
Sao em như là thất thần vậy? Cô định hôm nay gặp em, bàn với em về buổi văn nghệ sắp tới của hai trường.
Thưa cô, sao ạ?
Thì phải có Đông Hà chứ sao! Cô thì định tổ chức văn nghệ lửa trại ở trường mình, nhưng dường như trường nam có ý kiến tổ chức ở một nơi khác, không ở trong khuôn viên hai trường nữa.
Đông Hà chỉ biết “dạ” nhịp, không cảm thấy một chút hứng thú nào. Cô Thoa nói:
Thôi, em vào lớp đi kẻo trễ. Có tin gì cô sẽ báo cho các em sau. Nhớ nhé, kỳ nầy mà bận chuyện riêng nữa thì cô giận luôn đó!
Dạ. Thưa cô em đi.
… Ra chơi, Đông Hà gặp Mùi Hương và Xuân Lý. Hai đứa réo ngay từ đàng xa:
Đông Hà! Diễm Phúc đang đi tìm mi đó!
Hắn ở đâu?
Ở quán bánh mì.
Làm như tao là chúa ăn vặt.
Xuân Lý nắm tay Đông Hà, hỏi:
Mi bị bệnh gì mà ốm o dữ vậy?
Tưởng tượng! Tao vẫn khỏe như voi.
Mùi Hương lườm dài:
Nó mà bệnh? Cảm mạo đó!
Đông Hà cốc đầu Mùi Hương một cái, nói:
Mi ăn nói vậy à? Ừ, đến khi có chuyện gì mi mới tin là bệnh thật.
Mùi Hương hóm hỉnh:
Tao không bao giờ tin. Vì mi còn giấu tụi tao nhiều chuyện quá. Diễm Phúc cũng thông đồng với mi, không hé môi cho tụi tao biết gì hết. Tụi mi ghê thật.
Đông Hà vuốt giận bạn:
Ừ, tao còn giấu tụi mi nhiều chuyện, nhưng có ngày tao sẽ nói.
Xuân Lý cười:
Khỏi cần nói tụi tao cũng biết.
Rồi rót nhẹ vào tai Đông Hà:
Mấy ngày không gặp mi, anh chàng Đơn buồn bã lắm, cứ tìm Diễm Phúc hỏi thăm hoài. À, cái hôm văn nghệ bên trường nam đó, mặt anh chàng ỉu xìu thấy tội. Rồi mi biết sao không, chắc là vì buồn quá cho nên…
Làm sao?...
Anh chàng hát một hơi mười bài du ca, báo hại “bà con” vỗ tay muốn chết. Toàn những bài mi thích không hà.
Gớm! Tụi mi suy diễn tài quá. Cho tao xin đi!
Mùi Hương nói:
Diễm Phúc kìa! “Trái tim bằng sáp” tới!
Xuân Lý cũng trêu:
“Sứ giả văn nghệ” tới!
Rồi hai đứa kéo nhau đi chỗ khác. Diễm Phúc đưa ra một khúc bánh mì:
Tặng mi, Đông Hà! Còn mệt không?
Vẫn còn.
Hai đứa ngồi ở một bậc thềm. Diễm Phúc hỏi:
Có gì lạ không? Bác vẫn vui chứ?
Ba tao vẫn vui, vui hơn khi tao mới gặp.
Nhưng sao mi đờ đẫn vậy?
Đông Hà đang đưa bánh mì lên miệng toan cắn, chợt ngưng lại, buồn rầu:
Diễm Phúc, tao có nên nói cho mi nghe không?
Diễm Phúc trố mắt hỏi:
Gì vậy? Chẳng lẽ tao với mi phải khách sáo với nhau như vậy? Mi có còn giấu tao chuyện gì nữa hở?
Mi vẫn chưa nói với ai?
Diễm Phúc gật đầu:
Tao vẫn giữ kín cho mi.
Mi biết đó, tao rất mong tất cả các bạn biết mặt ba tao. Nhưng phải có dịp mới nói được. Tự nhiên mà tao hay mi khai thì cũng vô lý.
Dĩ nhiên.
Chuyện đó không quan trọng. Với tao, hiện giờ tao đang nhức đầu vì một chuyện… Mà thôi, mi có biết cũng không ích lợi gì. Không ai cứu vãn được gì hết.
Diễm Phúc ngạc nhiên:
Sao vậy? Chuyện gì ghê gớm vậy?
Không có gì ghê gớm, nhưng tao linh cảm là nó đang đến. Tao phải làm gì đây? Trời ơi!...
Rồi Đông Hà ôm đầu. Trước mặt, những bóng trắng chập chờn, quay cuồng. Trên cỏ xanh đã lốm đốm những cánh hoa Phượng đầu mùa hè rụng rơi, đỏ tươi như mầu máu. Kể cả những gì nên thơ nhất giờ đây đối với Đông Hà cũng thành những hình ảnh hãi hùng.
Giọng Diễm Phúc êm êm:
Đông Hà! Ba mi làm sao hở?
Đông Hà dụi mắt, cố xua đuổi những hình ảnh hắc ám trong đầu, rồi nói:
Thôi, nói chuyện khác đi, Diễm Phúc.
Chuyện khác hở? À… à, Đơn hỏi thăm mi hoài.
Tao mới gặp Đơn hồi sáng sớm.
Mấy ngày mi ốm, Đơn rủ tao đến thăm mi. Nhưng tao lại sợ là mi đi thăm bác, nên tao nói thôi. Ai dè mi ốm thật.
Đơn có nói gì nữa?
Nói gì à? Có hỏi nhiều lắm.
Chuyện gì?
Hỏi… có phải mi quen người khác không?
Đông Hà giật mình:
Chết! Rồi… mi trả lời sao?
Diễm Phúc cười:
Tao nói ừ.
Chết tao rồi!
Đông Hà đưa hai tay lên đầu, rồi rên rỉ:
Diễm Phúc ơi, mi ác quá!
Chứ tao biết nói sao cho phải? Tại mi cứ úp úp mở mở làm cho Đơn nghi, ráng chịu.
Đông Hà ngẩn ngơ. Diễm Phúc để yên như vậy rồi một lúc sau phì cười:
Mi đang rủa thầm tao đó phải không?
Chứ gì nữa.
Ăn đi! Rồi tao nói cho mà nghe. Không che chở mi thì che chở ai?
Mi nói thật không?
Nè, tao phải giải thích lòng thòng với Đơn như thế nầy: Đông Hà đang xúc tiến lập một thư viện nhỏ tặng cho Khu Tê Liệt ở trại X. nên phải đi xin sách và lo lắng suốt ngày.
Rồi… sao nữa?
Và Đông Hà cũng dự định tổ chức văn nghệ giúp vui cho những người trong đó.
Đông Hà run run:
Rồi… Đơn nói sao?
Đơn trách tại sao mi không nói cho Đơn biết, để Đơn cùng lo với.
Trời ơi! Lại một tội cho tao.
Không tội đâu! Đơn đang tổ chức buổi văn nghệ tuần nầy ở Khu Tê Liệt đó!
Mi nói sao?
Đông Hà xúc động vô cùng. Đơn ơi! Có một mối cảm thông nào đối với Hà phải không? Hà không nghĩ rằng Đơn giàu có nên hời hợt nữa đâu!
Diễm Phúc hỏi:
Thế nào? Buổi văn nghệ đó có mi không?
Đông Hà tưởng mình sắp khóc được:
Có, có chứ!
Phen nầy anh chàng Đơn hết buồn rầu.
Diễm Phúc! Tao sẽ hát bài gì? Lý Ngựa Ô? Không được, lãng nhách quá! Chinh phụ ngâm phổ nhạc hay là Hòn vọng phu? Trời ơi, tao vẫn chưa biết ba tao thích loại nhạc nào… tao sẽ hát nhạc tiền chiến hay là nhạc du ca? Ba tao thích cái gì?... hở Diễm Phúc?
*
Sân khấu nhỏ được dựng lên ở giữa một khu đất trống. Mọi người đều đồng ý không dùng rạp hát vì những khán giả không thể đem xe lăn vào đó được. Từ sáng sớm, những học sinh trường nam đem dụng cụ đến làm sân khấu, giăng phông màn và trang trí xung quanh. Các học sinh trường nữ làm những bông hoa giấy để tô điểm thêm cho sân khấu thật tươi mát. Đàn, trống và y phục cổ truyền được chứa trong “hậu trường” kín đáo và giản dị. Một nồi chè rất lớn cũng sẽ được nấu ngay tại khoảng sân rộng đó để đãi cho các “nghệ sĩ học sinh” cùng các khán giả trong Khu Tê Liệt.
Đông Hà đứng giữa sân khấu, ngắm tấm màn nhung đỏ vừa mới được treo lên. Năm giờ chiều. Sân khấu đã được trang hoàng xong. Các nam sinh đã trở về trường để chở các thứ linh tinh đến. Nắng chiều chói lọi trên tấm màn đỏ. Một nỗi vui, cùng với một nỗi buồn ùa đến cùng một lúc trong lòng. Có một niềm gì thật xúc động hòa lẫn với một cảm giác như giá băng. Đông Hà ngồi xuống, lật tập nhạc ra lẩm nhẩm lại một đoạn hay quên. Nhưng tâm trí bây giờ như mây mù. Trưa nay, lúc các bạn nghỉ ngơi ăn “cơm tay cầm” trong quán nước, Đông Hà lén ra nhà bếp rồi về cửa sau thăm ba. Len đã đi đâu vắng. Còn ba ngủ say trên giường. Có một giấc mơ đẹp nào làm ba mỉm cười. Ba bình thản như đang hưởng một đoạn đời hạnh phúc. Ba mở nhạc để ở đầu giường. Có hai nụ hoa Hồng đã thay cho những hoa Cúc vàng của Đông Hà, chắc là Len đã mua hay là dì Niệm đem tới. Hai cánh cửa đã được sơn xong. Ba đang coi lở dở một quyển “Sách hồng”. Nhìn những thứ đó, Đông Hà có thể nghĩ rằng ba đang yêu đời, ba đang muốn sống và rất cần sự sống, nếu không đọc tiếp nhật ký của ba. Ở những trang chót, Đông Hà vẫn đọc được những câu nhắc nhở đến sự tự diệt. Ba đang thoải mái hay ba đang tạo một bề ngoài để kết thúc một nỗi thống khổ? Nhìn ba ngủ, Đông Hà rùng mình. Sự chết chắc cũng gần gũi với sự sống như một cái chớp mắt? Một người chết có lẽ chỉ khác với một người đang ngủ ở điểm là những ý nghĩ sẽ không bao giờ được tiếp tục nữa. Như vậy thôi! Chắc ba cũng đã nghĩ như thế. Ba đã kéo dài cuộc sống để đến ngày nhìn thấy Đông Hà khôn lớn. Những năm qua, ba sống hơn một nhà tu, hơn một pho tượng. Vì nhà tu không thấy khổ. Vì pho tượng không biết buồn. Ba có quyền hủy diệt những buồn khổ ấy. Nhưng ba ơi! Đông Hà chưa khôn lớn đâu! Đông Hà sẽ ngã xuống nếu không còn thấy ba trên cõi đời.
Cho đến lúc quyển nhật ký được trả lại dưới tấm nệm, ba vẫn còn ngủ say. Đông Hà nhè nhẹ thu dọn căn phòng. Một sợi dây nhợ ngắn nằm dưới đất cũng làm Đông Hà nổi gai ốc. Đông Hà không muốn có một vật gì trước mắt ba. Đông Hà vứt bỏ hết vào thùng rác, kể cả ống thuốc nhức đầu còn đầy ắp mà Đông Hà mới đem vào cho ba hôm thứ bảy. Đông Hà trở ra và gặp Len xách một chai bia về. Len hỏi:
Cô vào thăm ông Thư? Ổng dậy chưa?
Đông Hà nói:
Ba tôi đang ngủ.
Sao không đánh thức ổng dậy? Tôi gọi nhé!
Đừng! Đừng anh Len.
Len ngạc nhiên đứng im. Đông Hà nói như nói cho mình nghe:
Để cho ba tôi ngủ. Để yên… cho ba tôi quên…
Sao vậy? Quên cái gì?
Đông Hà nói như sắp khóc:
Cho ba tôi quên những chuyện buồn.
Chuyện gì? Tui có thấy ổng buồn gì đâu? Nhưng mà ổng phải dậy chứ!
Ờ… thì để chiều đã. Anh Len, chiều nay anh làm ơn dọn cơm sớm cho ba tôi ăn nhé! Cám ơn anh trước.
Ăn sớm để làm gì? Á à… tui biết rồi, để ra coi văn nghệ hả?
Đông Hà cười:
Đúng rồi! Trường tôi tổ chức đó anh Len.
Hay quá ta!
Rồi Len mở chai bia nghe “bóc” một cái. Đông Hà hỏi:
Anh uống bia?
Uống chứ cô.
Hắn nốc một hơi hết nửa chai. Đông Hà rùng mình, nói:
Anh Len, nhớ đừng để vỏ chai gần giường ba tôi.
Cô nói gì?
Đông Hà lắc đầu:
Không. Tôi muốn anh Len đừng cho ba tôi thấy chai bia. Ba tôi… dở rượu lắm.
Len cười dễ dãi và tiếp tục uống. Dường như tên con trai nầy đang muốn làm người lớn, nhưng lại ít thắc mắc để tìm hiểu về chuyện người khác. Đông Hà muốn hỏi về dì Niệm, nhưng thôi. Chắc Len cũng không biết gì hơn.
Anh Len, nhớ dọn cơm sớm dùm tôi nhé! Khi nào bắt đầu có văn nghệ tôi sẽ vào đây.
Cô đưa ổng ra ngoài?
Phải.
Đông Hà trở ra quán nước.
… Bây giờ lại nghĩ đến sợi dây nhợ, ống thuốc nhức đầu và vỏ chai bia… Những hình ảnh thật nhỏ nhặt nhưng không sao thoát khỏi tâm trí. Đông Hà đứng lên, lấy chiếc áo tứ thân choàng lên người, rồi tìm mảnh khăn nâu trùm lên tóc. Và đứng ở đó, tưởng tượng sau tấm màn nhung đỏ kia có hàng trăm đôi mắt, trong đó có đôi mắt thắm thiết của ba đang nhìn lên. Nghe mơ hồ bên tai có tiếng trống giục lòng người. Bên cạnh là bạn bè sắp hàng thành những người lính thú. Đông Hà cất tiếng ngâm:
“Trống trường thành lung lay bóng nguyệt Khói cam tuyền mờ mịt thức mây Chín tầng gươm báu trao tay Nửa đêm truyền hịch, rạng ngày xuất chinh…” Tiếng trống đã nổi lên. Chừng như mặt trời sắp khuất, chỉ còn để lại một tia yếu ớt trên tấm màn nhung đỏ. Đông Hà say sưa ngâm… Trống vẫn đánh, vẫn kêu gọi tình nước. Trên bến sông có người chinh phụ tiễn chồng, nước mắt như mưa. Ngày xưa chắc mẹ cũng ôm con đưa chân ba như vậy.
Trống gõ thưa dần… Người tráng sĩ chắc đã đi xa… Đông Hà dứt tiếng ngâm, và đứng sững như tượng đá vọng phu…
Đông Hà hay quá! Cảm động quá!
Đông Hà giật mình nhìn lại. Đơn còn cầm hai dùi trống trên tay. Một nụ cười tán thưởng, một nụ cười vì xúc động nở trên môi Đơn. Đông Hà luống cuống nói:
Hà “tập tuồng”… Mình không quen hát ở ngoài, sợ ra gặp khán giả khớp lắm.
Đông Hà diễn như thật,
Đông Hà tháo mảnh khăn trên đầu, hỏi:
Như thật là sao?
Là làm cho người xem tưởng đây là người chinh phụ thật.
Đông Hà cười:
Ở đây chỉ có một khán giả, mà khán giả đó lại đánh trống.
Đông Hà chưa thấy gì ngoài kia sao?
Cái gì hở Đơn?
Đơn bước tới, hé bức màn cho Đông Hà nhìn xuống dưới sân. Một chút nắng còn sót lại đủ chiếu sáng loáng những vòng bánh xe. Một số khán giả đã chờ sẵn ở đó, cùng với vợ con của họ. Đông Hà nghe cả tiếng trẻ nít xôn xao. Một nỗi xúc động tràn đến. Đông Hà tưởng như mình là diễn viên thật sự, sắp trình diễn trên sân khấu, mà dưới kia khán giả là những người sẽ thưởng thức bằng tất cả thân tình.
Đơn khép màn lại, rồi ngồi xuống bên chiếc bàn nhỏ. Đông Hà hỏi:
Đơn chưa bắt micro à?
Chưa. Việc đó lo sau. Đơn muốn nói với Đông Hà một chuyện.
Đông Hà xếp nhỏ chiếc khăn nâu, nói:
Chuyện gì vậy Đơn?
Đơn muốn rằng từ nay, khi Hà có việc gì phải lo, Hà hãy cho Đơn cùng lo với.
Chẳng hạn như gì?
Như công việc mà Hà đang làm, như là… giúp đỡ, an ủi, hoặc tổ chức sinh hoạt cho những nơi như Khu Tê Liệt nầy.
Đông Hà bâng khuâng:
Diễm Phúc nói quá nhiều cho Hà đó, chứ Hà không làm nhiều như Đơn tưởng đâu. Nhưng… nhờ Đơn, Hà sẽ có bạn để thực hiện được nhiều việc.
Im lặng một lát, Đơn hỏi:
Hà nghĩ sao về Đơn?
Đông Hà ngại ngùng nhìn đi chỗ khác. Đơn lại nói:
Hà có bằng lòng xem Đơn như một người bạn thân nhất của Hà không?
Diễm Phúc nó sẽ ganh…
Không, Đơn không dành vị trí của Diễm Phúc đâu. Hà có nghĩ rằng Đơn xứng đáng chia xẻ những niềm vui, nỗi buồn của Hà không?
Đông Hà không đáp. Nhưng Đơn ơi! Câu hỏi của Đơn chính là câu hỏi của Hà từ lâu. Đơn đã trả lời cho Hà rồi đó! Đông Hà bùi ngùi:
Đơn đã chia xẻ với Hà rất nhiều.
Nhưng Hà vẫn còn giấu Đơn.
Đông Hà nói như một lệnh truyền cho mình:
Không, Hà không giấu nữa. Tối nay, trong buổi văn nghệ, Hà sẽ nói cho Đơn nghe.
*
Màn hoạt cảnh chấm dứt trong không khí thật u buồn. Người chinh phụ đứng trên bến sông, thẩn thờ như sắp hóa đá. Một nam sinh đứng bên trong lấy một tấm kính màu tím che dần dần ngọn đèn soi sáng dãy núi. Khung cảnh tối mờ trông rất buồn. Và tấm màn nhung đỏ khép lại.
Sau mấy giây ngẩn ngơ, những người khán giả ngồi trên xe lăn vỗ tay nồng nhiệt và hết lời khen ngợi. Không khí sôi động lên với những lời bàn tán. Đêm đã xuống trên khắp khu trại. Sân cỏ đông nghẹt người xem. Không còn ai ở lại trong nhà. Lần đầu tiên có một đêm văn nghệ hoàn toàn do học sinh tổ chức, khác hẳn với những buổi trình diễn trước đây. Số ca sĩ, diễn viên và phụ tá không quá hai mươi người. Nhưng không ai thấy nhàm chán, vì những màn trình diễn thay đổi rất linh động, và chừng đó khuôn mặt đã thể hiện các vai trò rất khác nhau. Như anh trưởng ban du ca mới đàn hát sống động với các bạn ở màn trước, đã trở thành người chinh phu, làm một bóng mờ bên kia dòng sông ở màn hoạt cảnh sau.
Đông Hà bỏ lại hậu trường mảnh khăn nâu và chiếc áo tứ thân, len đám đông chạy ra chỗ ba ngồi. Ba đưa tay vẫy vẫy. Đông Hà vuốt những giọt mồ hôi trên trán, cười với ba:
Ba! Được không ba?
Hay lắm! Con ngâm thơ tuyệt diệu, mà làm động tác cũng thật khéo.
Đông Hà nói trong khi vịn vào lưng dựa của chiếc xe lăn ba ngồi:
Lần đầu tiên con ca hát ngoài trời, trước nhiều khán giả lạ, con run quá!
Ở trên kia, con thấy ba không?
Có lúc con thấy. Có lúc con mờ cả hai mắt.
Sao vậy?
Vì đèn chiếu sáng quá. Ba, ba có thấy bến sông giống như thật không?
Giọng ba nghe ấm:
Ừ, giống thật. Mà người tráng sĩ đứng đó cũng thật oai hùng.
Đông Hà sung sướng khoe:
Bạn con đó!
Ba cười. Trên kia, Mùi Hương và Xuân Lý đang song ca một bản vui. Những tiếng vỗ tay rập theo nhịp đàn. Dường nhu ba không chú ý nghe. Ba lim dim mắt đón nhận xung quanh ba cái không khí mát mẻ của một đêm thoải mái. Ba đang nhìn ngắm trời cao vời vợi. Chắc một quãng đời thênh thang đang trở về tâm não.
Đông Hà gọi:
Ba!
Chi đó con?
Dì Niệm…dì Niệm có đến thăm ba lần nào nữa không?
Có, hôm kia.
Đông Hà ấp úng:
Ba! Dì ấy có nói gì với ba không?
Ba đáp rất thản nhiên:
Nói gì à? Nói rất nhiều. Chuyện của hai người bạn già… cũng lẩm cẩm như chuyện của trẻ con.
Ba chưa già…
Ba cười chế nhạo:
Chừng nào mới gọi là già hở con?
Con không muốn nghĩ là ba đã già. Dì Niệm cũng vậy, dì ấy rất dễ thương.
Ba nói lảng đi:
Dì Niệm sắp ra Trung.
Con biết.
Sáng mai dì ấy lên máy bay rất sớm.
Đông Hà cúi đầu, không biết nói gì hơn nữa. Tự nhiên ba nắm lấy tay Đông Hà, nói như an ủi một đứa bé:
Đông Hà, ba muốn con hãy vui vẻ lên, và luôn luôn học hành chăm, giỏi, là ba mừng rồi.
Ba thở dài:
Đừng nghĩ đến dì Niệm nữa nghe con!
Ba, ba nhớ mẹ?
Ba cười chua chát:
Nhớ chứ! Nhớ và đau khổ hết đời. Nhưng mẹ con đã muốn yên với một cuộc sống khác. Hãy để yên như vậy. Con hãy sống cho con.
Đông Hà rưng rưng:
Con sống cho ba nữa.
Ba nói hơi lớn:
Đừng “đọc diễn văn” nữa, Đông Hà! Bạn con tới kìa!
Đơn xuất hiện trước mặt hai cha con. Đông Hà vẫn còn đang vịn chiếc xe lăn. Đơn cúi đầu chào:
Thưa bác.
Ba mỉm cười chào lại. Đơn đang nghĩ gì về ba, người tàn tật ngồi trước mặt Đơn? Một người như bao nhiêu người cư ngụ trong Khu Tê Liệt? Một người không quen mà Đông Hà đang đến trò chuyện, han hỏi vu vơ? Đã đến lúc không còn phải giấu Đơn điều gì nữa. Đã có một dịp để bạn bè của con được biết ba của con, thật tự nhiên, không ngần ngại, không rào đón. Đông Hà nói nghe thật cứng:
Đây là ba của Hà.
Không một chút ngạc nhiên, Đơn nói:
Đơn biết bác rồi!
Ba cười rất hân hoan:
Ba cũng biết Đơn rồi!
Đông Hà ngơ ngác… Trên sân khấu, đôi song ca vừa dứt tiếng. Khán giả vỗ tay nghe rào rào. Đông Hà tưởng như những tiếng vỗ tay đó là lời chào mừng cho một cuộc hội ngộ nơi đây. Ba nhìn Đơn rồi nhìn Đông Hà. Ba cười.
Đơn nói:
Thưa bác, cháu xin phép bác cho Đông Hà ra kia một chút, vì có người bạn cần gặp Hà.
Ba gật đầu:
Đi đi con!
Đông Hà cúi xuống:
Ba vẫn ngồi ở đây nhé!
Ừ, ba sẽ coi đến hết chương trình.
Con trở lại ngay, con đưa ba vô nhà.
Đơn chào ba rồi cùng Đông Hà đi ngược về phía sân khấu. Một màn vũ đang được học sinh hai trường nam, nữ trình diễn. Diễm Phúc đứng bên cạnh bục gỗ, hỏi ngay khi gặp bạn:
Đông Hà, lựa cho tao một bài để hát trong khi các bạn sửa soạn màn kịch.
A! Có vụ đó nữa hở?
Ừ, chẳng lẽ bắt khán giả chờ đợi? Tao đang quýnh, không còn nhớ một bài nào.
Đông Hà nói ngay:
“Hãy đi cùng nhau” nhé! Bản ấy hợp lắm.
Diễm Phúc chịu liền và chạy đi lấy tập nhạc.
Đơn rủ Đông Hà đi vòng ra phía sau sân, chỗ đang nấu nồi chè. Lửa đàng xa bập bùng. Đông Hà nghe rõ tiếng củi reo lách tách. Hai đứa đi chậm lại. Ở đây không có bạn bè xung quanh. Chỉ có vài nữ sinh ngồi bên bếp lửa trò chuyện với nhau, thật xa. Chỉ có một chút ánh lửa làm thấy rõ mặt nhau. Đêm hầu như sắp khuya. Không gian êm đềm và cả bầu trời cũng thật dễ thương.
Đông Hà lên tiếng trước:
Cho Hà hỏi Đơn một chuyện.
Hà hỏi đi!
Đơn đã… biết ba của Hà rồi?
Ừ.
Làm sao… làm sao Đơn biết?
Diễm Phúc kể hết cho Đơn nghe. Đông Hà đừng giận Diễm Phúc nhé! Chính vì Đơn thắc mắc, Đơn tìm hiểu. Đơn không muốn thấy Hà lo buồn một mình.
Đông Hà thở ra:
Nhưng hôm nay Hà cũng đã giới thiệu ba của Hà với Đơn rồi.
Cũng không còn gì phải buồn nữa, Hà nhỉ! Gặp lại bác, chắc Hà vui lắm?
Có, Hà vui lắm chứ!
Rồi lặng yên, Đông Hà nghe rõ tiếng chân của mình và tiếng chân của Đơn trên cỏ khô. Nỗi lo sợ từ bao nhiêu ngày nay bỗng như đã tan biến. Đông Hà cảm thấy tâm hồn an ổn thư thái. Đêm như đang thì thầm với muôn vật xung quanh những lời ngọt ngào. Tiếng của Đơn cất lên như hòa vào đêm:
Đông Hà!
…
Đông Hà cho phép Đơn được đến thăm bác thường xuyên, giống như Hà vậy nhé!
Đơn tốt quá!
Hà đừng khách sáo với Đơn nữa. Hà không nhớ là đã hứa xem Đơn như một người bạn thân hay sao?
Có, Hà đã hứa… Nhưng đối với Đơn, Hà có xứng đáng là bạn của Đơn không?
Có. Hơn thế nữa, Đơn… rất thương Đông Hà…
Tiếng của Đơn đã thật sự tan loãng vào đêm. Đông Hà cúi đầu lặng yên, lòng nao nao và nghe hai mi nặng nặng. Thật như thế, những lúc vui, quả tình người ta rất muốn khóc.
Hai đứa dừng lại trước đống củi đang cháy đỏ. Đơn chỉ vào đó, rồi nói:
Hà nghĩ sao, nếu đêm nay hai trường tụi mình kéo ra đây làm lửa trại?
Ý kiến của Đơn hay lắm.
Những người khán giả của mình sẽ được mời ra đây, sinh hoạt chung và ăn chè.
Đông Hà náo nức:
Hà sẽ mời ba của Hà tham dự nữa. Chắc ba thích lắm.
Hai đứa trở lại nơi đang trình diễn văn nghệ. Màn vũ đã kết thúc. Một nam sinh ló đầu ra, gặp Đơn bèn kêu:
Đơn! Đơn! Vô đàn cho chị Diễm Phúc hát nè! Mầy đi đâu vậy? Báo hại tao đàn mỏi cả tay.
Đàn mà mỏi tay, rõ công tử!
Rồi Đơn quay lại, nói với Đông Hà:
Hà đứng đây xem Diễm Phúc hát nhé! Chút nữa còn màn kịch chót, tụi mình chỉ phải hợp ca ở phần cuối vở kịch. Hà đứng đây, đừng đi đâu hết, để Đơn dễ tìm nhé!
Đông Hà đứng rất gần sân khấu, bên một gốc cây to. Tiếng giới thiệu của cô Thoa rõ và trong. Trên kia Diễm Phúc đang bước ra. Ai mà nhận ra được đó là cô bé đã giả trai trong màn dân ca đầu tiên của trường nữ. Bây giờ Diễm Phúc mặc áo dài trắng, cột hai đuôi tóc bằng hai dây nơ đỏ. Ở đây, Đông Hà thấy Diễm Phúc có vẻ hơi run vì sắp hát một bài không định trước. Đông Hà mỉm cười khuyến khích, tưởng như thể trên sân khấu Diễm Phúc nhìn thấy được mình. Giọng hát Diễm Phúc cất lên ngọt ngào.
Lời nhạc Trịnh Công Sơn đậm đà, mời gọi:
- “Ta hãy đi cùng nhau Đến trước từng căn nhà Hỏi thăm từng anh lính Mới về từ rừng xa Ta hãy đi cùng nhau Đến trước từng căn nhà, Hỏi thăm từng người mẹ Hỏi thăm từng người cha…”
Đông Hà nghe một tiếng trẻ nhỏ nũng nịu, bèn nhìn sang bên cạnh. Trên chiếc xe lăn, người thương phế binh ngồi đó với một đứa con trai nhỏ trên lòng. Ông cụt cả hai chân. Một người đàn bà ngồi bên cạnh, trên một chiếc ghế nhỏ, thản nhiên vừa bồng con cho bú vừa say sưa nhìn lên sân khấu. Hai đứa trẻ nữa, quấn quít bên xe lăn của ba nó. Người đàn bà nhìn sang nói một câu gì với chồng, rồi hai người cùng cười thật thoải mái. Đứa trẻ nhỏ độ hai, ba tháng, nghe động, dụi dụi cái đầu bé tí xíu vào ngực mẹ, rồi lại tiếp tục ngủ ngon. Đông Hà nghe một nỗi gì làm cho mình muốn khóc. Đây có phải là gia đình ở căn nhà đầu Khu Tê Liệt không? Căn nhà mà mỗi khi Đông Hà đi ngang đều nghe tiếng trẻ khóc và tiếng ru con vỗ về. Hạnh phúc đó! Nhỏ nhoi mà sao quý báu quá! Chỉ có người ngoài mới nhìn thấy, hay chính người ta cũng đã cảm thấy rồi? Tại sao ba không được hưởng một hạnh phúc như vậy? Tại sao mẹ không giống người đàn bà kia, ở lại bên chồng với một sự chung thủy tuyệt vời? Trong căn phòng của ba, những năm tháng bình thản trôi qua và ba cảm nhận đã mòn mỏi về thân phận. Thân phận dán ba xuống chiếc giường ngục tù và mỗi lần nghe tiếng trẻ khóc bên nhà láng giềng chắc ba nát cả trái tim. Ba ơi! Con đã nhìn thấy sự thật rồi! Con dù là một kẻ can đảm đến đâu cũng không có can đảm để sống một cuộc đời lặng lẽ đến chán chường như vậy. Ba là con người chứ không phải là thần thánh để phải nằm tu hành với nỗi đau khổ. Vì thế ba đã nghĩ đến sự tự diệt. Đông Hà nghe xót xa cả lòng.
Trên sân khấu, Diễm Phúc bỗng hát thiết tha hơn bao giờ:
“Anh hãy đi cùng tôi Đến mãi tận chân trời Lặng nghe từ đất mới Nói thầm về ngày mai Anh hãy đi cùng tôi Với chiếc nạng trên người Đường trăm lời mừng gọi Sẽ tìm được niềm vui”
Đông Hà sáng rực mắt lên. Phải nói với ba rằng ba chưa mất niềm tin, ba chưa mất hy vọng. Xung quanh ba vẫn còn những người yêu thương ba. Ba không nhớ gì về khoảng thời gian thơ mộng của ba ở quê nhà sao? Có cậu mợ Phong, có dì Niệm… Sao không ai nói gì với dì Niệm? Cả ba và Đông Hà, sao không nói với dì? Ngày mai dì sẽ lên máy bay sớm… Không thể được. Đông Hà sẽ đến gặp dì, để xin dì ở lại. Phải nói với dì rất thành thật rằng Đông Hà cần có dì như một vị cứu tinh cho niềm hy vọng của ba. Đông Hà sẽ van xin dì Niệm vui lòng nhận cái hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng quý báu của một người bình thường và thủy chung. Cái thời điểm khắc nghiệt của ba đã qua rồi, đã qua thật lâu rồi. Ba phải được sống tiếp tục bằng đoạn đời bình thản. Là tiếng khóc của trẻ thơ. Là tiếng ru của vợ hiền… Giọng Diễm Phúc đang ngân dài để chấm dứt. Cùng lúc với những tràng vỗ tay rào rào vang dội, Đông Hà lách mình qua những hàng xe lăn để trở lại chỗ ba ngồi.
Không còn thấy ba ở đó. Chỉ có Len đang vỗ tay say sưa. Đông Hà hỏi:
Anh Len, ba tôi đâu?
Len ngơ ngác:
Tui đâu có biết.
Đông Hà ngạc nhiên:
Hồi nãy ba tôi ngồi ở đây mà! Chứ không phải anh đưa ba tôi về ngủ sao?
Không. Tui ra góc nầy đứng coi cho rõ, từ lúc cô đó mới bắt đầu hát. Tui đâu có thấy ông Thư.
Như vậy là ba tôi đã về một mình hả?
Chắc vậy.
Đông Hà lẩm bẩm:
Vô lý. Hồi chiều ba tôi đã ngủ thật nhiều rồi. Ba hứa ở lại xem hết chương trình mà! Sao vậy?
Len nói:
Tui về giăng mùng cho ổng nghen!
Đông Hà xua tay:
Không. Anh Len ở đây xem kịch đi. Để tôi…
Rồi Đông Hà đi nhanh về phía dãy nhà ba ở. Ba đã lăn xe về một mình khi chưa có ai rời khỏi khoảng sân nhộn nhịp ấy. Không một căn nhà nào có ánh đèn. Ở đây chỉ còn nghe vọng lại tiếng nói trong micro thật nhỏ và loãng. Không gian tĩnh mịch nặng nề. Ba về làm gì trong căn nhà quạnh hiu ấy? Ngồi sững nhìn bóng tối hay gục đầu nhớ từng mảnh kỷ niệm?
Một ý nghĩ hiện đến trong đầu làm Đông Hà giật mình. Rồi hoảng hốt, Đông Hà chạy thật nhanh. Qua chiếc cầu nhỏ bắc ngang mương nước, vào đến mái hiên chung cho cả dãy nhà. Một tiếng súng nổ làm đôi chân khựng lại, làm xé nát trái tim nhỏ bé. Chỉ một mình Đông Hà nghe. Chỉ một mình Đông Hà biết. Trong một khoảnh khắc bỗng như có hàng ngàn đợt sóng ác nghiệt đổ xuống đầu, bọt trắng xóa làm Đông Hà mờ hết cả mắt và có muôn tiếng rền rỉ, kêu than, khóc lóc, lẫn với tiếng chuông nhà thờ đổ, tiếng mõ khua trong chùa làm ù hai tai. Cảm giác như đã mất hết. Ta sắp hóa thành đá… Nhưng ba ơi, tại sao lại phải như thế? Tại sao lại chấm dứt một đời? Con chưa nói với ba, chưa nói với dì Niệm điều gì. Ba phải sống để cho con khoe với bạn bè, để cho con hãnh diện. Ba tôi là ông Lê Văn Thư, trong hàng triệu Lê Văn Thư của đất nước. Ba tôi dù là đại tướng hay chỉ là một người lính bình thường, cũng xứng đáng cho tôi ngước mặt hãnh diện vì đã có lần ba tôi ngã xuống gửi máu xương da thịt cho đất. Ba ơi! Tại sao lại phải như thế?
Đông Hà đập đùng đùng vào tấm cửa sơn xanh. Cửa mở ra, nhưng Đông Hà đã ngã xuống.