CHƯƠNG 3
TRẤN ĐAN HỒNG

Giờ Tuất, hiệu buôn Trung Nghĩa trấn Đan Hồng không khí thật khẩn trương. Tám ngày nay, ông chủ hiệu Đặng Tín nhấp nhổm vì mười bảy xe vải đến hẹn mà không lên. Sáng mai giao hàng rồi, bạn hàng đầy thế lực đã nhẫn nại cho hoãn hai lần. Mọi chuyện đang hỏng bét. Cuối giờ Thìn tối qua nhận tin đoàn còn cách trấn bốn chục dặm khiến cả đêm ông cứ trằn qua trằn lại. Giờ Dần, ông lôi cổ Phạm Cải, gã người làm nhanh nhẹn nhất dậy, giục lên đường. Giờ Thìn, ông sai Đặng Lý, trợ thủ thân cận, vượt bốn dặm rưỡi đến trạm kiểm soát đầu tiên làm chuyện trà nước.
Nên biết Đan Hồng trấn thuộc huyện Long Bình cách thành Đại La hai mươi dặm tư, đúng điểm mấu của chiếc vòng Kim Cô của tướng Lê Khắc Chinh. Nếu Phật Tổ Như Lai chụp lên đầu Tôn Đại Thánh chiếc vòng vàng nhằm kiểm soát gã Tề Thiên bất trị, thì Lê tướng quân cũng chụp lên đầu Giao Châu chiếc vòng quân pháp nhằm kiểm soát vùng phụ cận phản phúc của Đại La thành. Cái vành khuyên sạch sẽ này luôn được kiểm soát kỹ lưỡng, hàng toán quân táo tợn lượn như chuồn chuồn, dọn dẹp sạch quang đường xá cây cối như phu chuyên nghiệp, xộc vào nhà dân như sói đói lâu ngày và săn đuổi kẻ tình nghi rầm rập như voi dữ về bản. Lạ mặt đồng nghĩa với tội phạm, đi một mình là lén lút móc nối, tụ đông người là ý đồ tạo phản, giữ vật nhọn là âm mưu hành thích. Dân trong vùng hơi lâu thiếu việc bắt bớ đã nhơ nhớ. Lúc ăn cơm quan quân xộc vào, người lớn không nhướn mày, trẻ con chẳng thèm khóc. Hàng hoá muốn vào thành phải qua nhiều cửa đến nỗi Dương quân sư đùa rằng dân Đại La chuẩn bị chết đói vì Lê tướng quân hễ thấy lương thực là tưởng thuốc độc còn Tiết độ sứ từng nằm mơ thành bị tấn công bởi những kẻ rách rưới tay cầm gươm rơm giáo giấy. Dù vậy thì cái vòng Kim cô chỉ thít vào chứ không hề biết nới ra. Nhất là trấn Đan Hồng, giao điểm của việc kiểm soát hoàn toàn và mất kiểm soái đôi phần, sự chặt chẽ càng thấy rõ. Hàng hoá đến đây phải qua hai trạm kiểm soát vòng ngoài rồi xin phép của quan địa phương mới được chuyển vào kho trong sự giám sát của binh lính, tùy loại hàng mà có cả người của Kim Vệ đội. Sự kiểm tra chủ yếu nhắm vào vũ khí, hoả và độc dược. Chi phí tăng gấp đôi nhưng nếu tìm được mối bán sẽ lãi gấp dăm lần nên trấn vẫn rất thịnh. Đặng Tín là một trong những nhân vật cựu trào góp tay xây dựng lên trấn, đã dựng lên hiệu Trung Nghĩa buôn đủ thứ hàng. Lấy chữ tín làm tiêu chí, Trung Nghĩa góp nhặt được khá nhiều bạn hàng lớn. Nên chẳng có gì lạ khi ông chủ rối ruột vì sự kiện trên. Giờ Ngọ, Đặng Tín bỏ dở bữa trưa. Giờ Mùi ông cộng nhầm 6 mục trong sổ chi ngày, giờ Dậu ông tưởng phát điên thì Phạm Cải về báo tin hàng đã đến trạm kiểm soát đầu. Trời bão chặn đường, hai phu xa ngã bệnh, một quản xa bị rắn độc cắn phải bỏ lại, cướp đường tấn công làm bị thương vài hộ vệ bảo xa..
Cùng lúc người hầu Phủ Tiết Độ trong thành Đại La bắt đầu thu dọn thì người phu khuân vác của hiệu buôn Trung Nghĩa ngoài trấn Đan Hồng cũng chuyển súc vải cuối vào kho. Đặng Tín nói chuyện Trần Đại, đội phó đội 3 Kim Vệ.
- Tổng cộng một trăm bảy mươi súc được kiểm tra đầy đủ, tôi đã cho làm bản kê.
- Luật lệ thì phải tuân theo chứ tôi biết ông luôn chấp hành nghiêm chỉnh.
- Làm phiền ông vào giờ này thật có lỗi, vì thời gian gấp rút quá. Mong ông ở lại để tôi được tạ lỗi bằng dăm chén rượu.
- Giờ tôi phải về, hẹn ông hôm khác. Viên đội phó cười giả lả.
- Mang ơn nhiều, xin tiễn ông một đoạn.
Lúc này, Đặng Lý đôn đáo lo chỗ ăn nghỉ cho toán người mệt nhọc. Còn ông chủ quay vào sảnh với hai vị khách đang chờ. Một người tiến đến vỗ vai ông, thân mật nói:
- Chú trông mệt mỏi quá.
- Vâng, cả đêm qua em có ngủ được đâu. Mà anh trông vẫn khoẻ khoắn nhỉ.
Đặng Tín lắc lắc cái cổ mập đỡ bộ mặt tròn cho đỡ mỏi, nhìn chàng thanh niên còn lại:
- Cu Thạch, đến đây chú xem nào.
- úi chà chà, bé con. Cháu lớn quá rồi đấy.
- Cháu nó lớn lên là chú già đi. Bao năm dồn lại chú không xoay nổi câu nào khác sao. Ông anh chen ngang.
- Tuỳ hoàn cảnh chứ ông anh. Ông em phản đối bằng giọng phấn khích. Hồi Thạch mười bảy, em khoái trá thấy nó lớn vọt như cây non qua mấy trận mưa rào. Còn giờ cháu nó ra hẳn dáng đàn ông rồi, em vừa thừa nhận công lao vun trồng của anh đấy chứ, phải không cháu?
Nhận được cái nhìn yêu cầu sự tán đồng, chàng trai gật gật đầu.
- Thế chú có định cho bọn tôi ăn không?
- Em cũng đói đâu thua anh. Đi thôi cháu, lầu Tây đã sẵn mâm bát.
Đặng Tín lôi đứa cháu ra cửa với sự nhanh nhẹn đáng ngạc nhiên. Ông anh từ tốn bước theo sự bốc đồng của cậu em. Hàng hiên dài và hẹp. Khu nhà kho phình ra chèn ép đám nhà ở vô tích sự, khuôn viên rộng rãi của hiệu buôn Trung Nghĩa mang hình dáng một con người mất cân đối với bộ chân tay dài loằng ngoằng ép quanh cái bụng trống tròn. Lầu Tây tách khỏi dãy nhà trệt, ông chủ cho cắm bốn thân cây tạo ra khoảnh vuông mỗi chiều bảy trượng, lấy chiều cao của mình làm mốc gắn mảng sàn lim rắn như đanh bao quanh bởi bốn hàng lan can cao cỡ ba chục tấc và tay vịn nhô ra ngoài một nửa chừng ấy, bên trên thụt vào hai tấc đặt phòng sẵn tám tấm rèm trúc xếp sít chắn gió nhằm phục vụ cả bốn mùa xuân hạ thu đông. Mái lầu trông nhác nhác giống mái đình làng Nghĩa Xá như kiểu thể hiện hồn quê. Chân cầu thang cách điểm tận cùng của hàng hiên một trượng rưỡi tạo ra bước hẫng trêu ngươi. Cầu thang hẹp vừa đủ cho từng người lên một được xếp bởi rất nhiều các bậc gỗ thấp đi song song với cạnh của hình vuông, lượn cong quanh cột, thêm nửa cạnh rồi bẻ vuông vào lầu.
Chú Tín không muốn có tiện nghi mà không bỏ công một chút.
- Anh thấy dễ chịu không? Đặng Tín đến đầu cột quay lại hỏi anh.
- Thoải mái lắm, giời này ngồi hóng gió rất có ích với tuổi của anh. Ông anh đáp vọng lên.
- Ông bác già cả của em ơi! Bác có mặt trên đời trước em hơn hai chục tuần trăng chứ mấy. Tiếng cười khoái trá đã vang từ trên lầu.
Phong thái của chú Tín vẫn thế. Thạch tự nói với mình.
- Sao rề rà thế cậu bé. Ông chú giục trong tiếng bát đũa lanh canh.
Trên lầu, ba chiếc đèn lồng cùng nhau toả sáng. Những tấm mành được thả xuống chỉ chừa chỗ thông gió trong góc. Ông anh nhìn mâm cơm cười bảo em: 
- Chú ăn uống như này trách chi tạo được dáng dấp thế kia.
- Anh đừng quên là mấy ngày nay em toàn nuốt phải lửa. Xong việc rồi phải tươm một chút chứ. Đâu phải lúc nào cũng có cơ hội tẩm bổ cho ông anh còm nhom và thằng cháu yêu quí.
Hai anh em đứng cạnh nhau tạo sự tương phản rõ rệt. Đặng Tín mặc cái áo xanh ngả màu nõn chuối thêu vân, quần đỏ sẫm, chân tay múp míp, cái mặt tròn cặp mắt nhấp nháy tinh nghịch, miệng cười trẻ thơ. Đặng Trí mặc bộ đồ nâu du hành, dáng cao gầy, da thịt sắt lại, khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn, phong thái cẩn trọng của người trải nhiều sóng gió. Giống nhau trong vài nét kín đáo, không nghe nói chắc chẳng ai dám đặt cược vào sợi dây huyết thống giữa họ.
Vừa ngồi vào bàn, Đặng Tín liền lên tiếng:
- Đúng là mấy hôm nay em như ngồi trên đống củi cháy, chỉ lo mất hết hàng. Mà sao lắm tai ương dồn đến vậy. Có phải là ông trời ghét em không nhỉ?
- Chú ăn nói lung tung quá. Chú quên lời cha dạy b ảy chuyến đi phải chuẩn bị cho ba lần thất bại mới có thể thành công hay sao. Hơi tí đã đày đọa bản thân thì sao làm được việc lớn.
- Em từng mong có được bản lĩnh của anh. Bảo em dửng dưng trước sự cố kiểu vừa rồi có khác gì bảo con cá rô chạy trên mặt đất.
- Tôi đâu muốn chú dửng dưng. Nhưng sôi sùng sục lên chỉ tổ làm mọi việc thêm rối rắm.
- Em sôi ruột chỉ cho riêng mình em chắc?
- Càng ảnh hưởng đến nhiều người, chú càng cần bình tĩnh.
- Vâng, để lần sau. Anh với cháu, em tưởng còn ở miền biển.
- Có chút thay đổi nên hai cha con trở về Đại La, gặp xe nhà mình ở đầu dốc Cạm. Lúc lên không sao, xuống nửa chừng thì con Bạch Nhị vấp phải hòn đá. Càng xe số hai yếu sẵn bị gãy làm đôi, cả xe hàng lao thẳng xuống dốc, may không đâm vào xe số một.
- Hai anh Tỉnh và Tình bị quệt phải gãy chân, gãy tay. Thạch tiếp lời cha. Mọi người chuyển xe vào làng Phúc. May ông lang Đông chưa chuyển đi, chú ạ. 
- Dốc Cạm ngày trước đường tốt lắm, tại xe hàng chạy nhiều đâm lồi lõm, đi phải rất cẩn thận. Sao thằng Hồng không dẫn đoàn theo đường quanh, có xa hơn là bao.
- Đường quanh rất nhiều cây đổ chắn ngang do trận bão trước.
- Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Đặng Tín ngao ngán. Anh em thằng Tỉnh bị thương nặng không?
- Không sao. Cụ lang Đông vẫn mát tay như xưa nên chỉ chờ một thời gian là hồi phục.
- Vậy thì tốt, công việc rốt cuộc cũng xong. Đói quá rồi, mọi người dùng bữa đi.
- Dạo này chú quen biết rộng đấy.
- Phải vậy thôi anh, khuôn khổ của cái trấn này đang bị bó chặt lại. Hiệu nào không bắt mối với đám Kim Vệ thì khó lòng tồn tại. Về khoản này em rất nhiều kinh nghiệm, có qua có lại anh ạ. Lũ Kim Vệ chỉ là đám làm thuê, đưa lợi ra khó gì không nhử được.
- Không hẳn thế. Chẳng qua chúng thấy chú không có vấn đề.
- Em cũng nghĩ vậy. Mà dịp nay, muốn vào Đại La sẽ khó đấy.
- Chú liên hệ cho anh đi cùng mấy ông bạn hàng cho đỡ phiền hà,.
- Vâng, mai giao hàng, kia họ vào thành. Em sẽ nói với họ, khách quen họ đồng ý ngay. Còn làm ăn lâu dài với nhau mà. Nhân tiện để thằng cháu thăm kinh đô một chuyến.
- Phải chờ dịp sau. Lúc này, nó đã chuẩn bị cho chuyến đi khác. Đặng Trí nói.
- Đi đâu?! Vào trong kia à?!
Đặng Tín hỏi lấy vì. Ông ta hiểu rõ cái lời đầy ý nhị của ông anh bèn mau mắn nói:
- Anh còn nhớ bác Há, bạn cũ của cha không? Hôm rồi, bác ấy ghé qua Trung Nghĩa trước khi vào thành. Sau bữa rượu tràn cung mây, bác ấy cho biết Thành tre từng sống thời gian dài tại Long Kỳ, ái Châu. Giờ nó chuyển rồi, nhưng đến đấy mà hỏi, thể nào cũng có người biết.
Đặng Trí nhìn con hỏi:
- Con tính thế nào?
- Dạ. Trước mắt vẫn là Dương Xá. Sau khi ổn định, con sẽ đi Long Kỳ tìm chú Thành.
Thạch nguyên là họ Dương. Do cha mẹ mất sớm, họ hàng chỉ còn ông chú ruột. Chàng được vợ chồng ông Đặng Trí cùng mang về nuôi. Ông bà vốn hiếm muộn nên thương chàng như con ruột. Dù vậy thì lâu nay họ vẫn có ý dò tìm tung tích Dương Thành, chú của chàng và là bạn thân của Đặng Tín.
- Tạm thời như thế. Ông Trí đồng tình, rồi quay sang nói với em. Anh mới về nhà, em dâu có lời nhắn gửi đến chú đấy.
- Cô ấy nhắn những gì hả anh?
- Em dâu nói ở nhà đang lu bu rất nhiều việc. Nhưng nếu chú bận thì không cần về cũng được, sẽ có người khác làm thay.
- Anh chớ có tính nước chia rẽ. Ông Tín cười. Tình cảm bọn em son sắt lắm.
Dừng một chút, ông nói tiếp:
- Em biết bọn trẻ vẫn khoẻ, tháng sau em sẽ về thăm mẹ chúng.